GIÁO DỤC


 

CÁI VÀ CÁCH

                                                            Đọc “Cái và Cách” của  TS. Hồ Ngọc Đại


I. Khái niệm CÁI và CÁCH

1. Mỗi CÁI quy định CÁCH dùng đúng NGHĨA của nó (còn gọi là theo đúng KHÁI NIỆM của nó).
Trong thực tế một CÁI được dùng với nhiều cách khác nhau; với mỗi Cách dùng khác nhau thì nó là những cái khác nhau. Nên sự tồn tại của cái chưa nói lên điều gì về bản thân nó - CÁI ở dạng trừu tượng.
CÁI được xác định bằng NGHĨA (KHÁI NIỆM) của nó.

2. CÁCH có 2 nghĩa:
- CÁCH dùng CÁI (CÁCH dùng của CÁI)
- CÁCH làm ra CÁI
“Các thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra CÁI gì, mà ở chỗ chúng sản xuất bằng CÁCH nào, với những tư liệu lao động nào”
CÁCH đặc trưng nhất của người: CÁCH TƯ DUY.

3. TƯ DUY: Mỗi môt hoàn cảnh bắt buộc con người phải tìm cách xử lý. Quá trình tìm cách xử lý còn gọi là TƯ DUY.
CÁCH tư duy còn gọi là PHƯƠNG PHÁP tư duy.
- Phương pháp kinh nghiệm chủ nghĩa chỉ đủ sức hoàn thiện CÁI đã có, đưa nó đến tận giới hạn nguyên lý của nó…
- Phương pháp khoa học mới tạo ra CÁI MỚI theo nguyên lý mới
* Công cụ là hình thái của phương pháp thuần khiết (quy định CÁCH dùng)
- Kế thừa:
+ Kế thừa bằng kinh nghiệm: Trí tuệ trung bình chỉ biết dựa vào lẻ phải thông thường, suy xét trực quan, trực tiếp, bằng kinh nghiệm.
+ Kế thừa bằng phủ định: vượt ta khỏi những lẻ phải thông thường của số đông, bằng phủ định cái cũ, sáng tạo ra cái mới. Cái mới là một hình thức của kế thừa - kế thừa bằng phủ định.

* Tư duy khoa học cũng có lịch sử lâu đời dưới hình thức triết học, nhưng phải đến thời kỳ đại công nghiệp thì khoa học mới chuyển thành công nghệ, tìm cách xử lý bằng công nghệ cao, những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

II. CÁI VÀ CÁCH TRONG GIÁO DỤC

1. CÁI trong giáo dục

Bước phát triển đích thực là khi cung cách làm ăn chuyển từ nguyên lý cũ sang nguyên lý mới, chừa hề có.

Bản chất của CÁI là CHẤT LIỆU của nó còn VẬT LIỆU tạo ra sự tồn tại thực của CÁI (CHẤT LIỆU là nội dung, VẬT LIỆU là hình thức tồn tại). Do vậy, phải xem xét VẤN ĐỀ GIÁO DỤC (cái) theo CHẤT LIỆU và VẬT LIỆU.

1.1 CÁI, nếu hiểu là đối tượng cần chiếm lĩnh, thì CHẤT LIỆU mới là điều đáng quan tâm hơn cả. Muốn tinh chế CHẤT LIỆU của CÁI (đối tượng cần chiếm lĩnh) cho thuần khiết phải nhờ VẬT LIỆU: thay vật liệu này bằng vật liệu khác thật đơn giản, rõ ràng, thuần khiết, không chứa mảy may cơ hội hiểu lầm.
“Không biết lúc này đang cần CÁI gì, đó là chuyện phổ biến trong giáo dục do vậy không biết lựa chọn VẬT LIỆU phù hợp để cô lập CHẤT LIỆU cần chiếm lĩnh của CÁI”.

 CÁI MỚI và CÁI TƯƠI MỚI: CÁI MỚI được hiểu là MỚI về CHẤT LIỆU và CÁI TƯƠI MỚI là MỚI về VẬT LIỆU.

CÁI trong giáo dục đều có sẵn, vậy CÁI MỚI ở đây có nghĩa là gì? CÁI MỚI, là CÁI lần đầu tiên giáo dục nhà trường đưa đến cho học sinh với CHẤT LIỆU mới, chưa hề có. CÁI MỚI được hình thành (trong quá trình giáo dục) như một MẪU.
Thực ra, trong giáo dục CÁI MỚI hay TƯƠI MỚI chỉ là tương đối, tùy theo theo vị trí và chức năng của chúng trong quá trình giáo dục.

Yêu cầu trong giáo dục:
- Dùng một VẬT LIỆU tối thiểu, quen thuộc nhưng đủ thể hiện CHẤT LIỆU cần lĩnh hội.
- Hình thành CHẤT LIỆU (CÁI MỚI) phải dùng VẬT LIỆU quen thuộc để không lướng vướng vì VẬT LIỆU.
- Khi củng cố và tinh chế CHẤT LIỆU thì lại dùng nhiều VẬT LIỆU khác nhau làm TƯƠI MỚI để tạo ra sự hấp dẫn trực tiếp.

1. 2. CÁI là sản phẩm giáo dục
Tất cả những CÁI có sẳn như đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, ngôn ngữ là cơ sở vật chất, là nguồn gốc và nguyên nhân của sự hình thành và phát triển cá nhân.
CÁI có trong mỗi cá nhân với tư cách sản phẩm giáo dục (tự phát hay tự giác) mới tạo ra sự hình thành và phát triển cá nhân.
CÁI - sản phẩm giáo dục là một giá trị. CÁI - sản phẩm giáo dục là một giá trị do sức lao động tạo ra. Giá trị của sản phẩm giáo dục làm nên giá trị cá nhân. Sự phong phú về sản phẩm giáo dục tao ra sự phong phú nhân cách hưởng giáo dục.
CÁI - sản phẩm giáo dục là một giá trị sử dụng.

Sản phẩm giáo dục được làm ra cho chính mình - Sản phẩm giáo dục không phải là hàng hóa.

CÁI - sản phẩm giáo dục ở cuối quá trình làm ra được coi như MỤC ĐÍCH (cho mình). Sản phẩm giáo dục đã được làm ra tức là đã đạt được mục đích thì sẽ được dùng như một PHƯƠNG TIỆN phục vụ cho mục đích mới, cho kẻ khác.
CÁI có sẵn trong đời và còn ở ngoài quá trính giáo dục đều có tính ĐỒNG LOẠT đối với mọi cá nhân. CÁI có ở cá nhân vào cuối một quá trình giáo dục (đã là sản phẩm giáo dục) thì nó là CÁ THỂ, với trình độ cụ thể xác định lúc ấy, ở cá nhân ấy.

 “CÁI có sẵn cho mọi người là CÁI trừu tượng, có tính đồng loạt. CÁI - sản phẩm giáo dục là CÁI cụ thể, có tính cá thể, - là của tôi

1.3. Chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục được tạo ra từ giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm giáo dục.
Lấy giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm giáo dục để xác định CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC là nguyên tắc cơ bản nhất để đánh giá một nền giáo dục hay một quá trình giáo dục cụ thể  tại một thời điểm xác định. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản để đánh giá một cá nhân hưởng giáo dục.

1.4. Mối liện hệ biện chứng mục đích - phương tiện, đồng loạt - cá thể

Giáo dục hiện đại cần xử lý hai mối liên hệ chủ chốt:
+ Mối liện hệ biện chứng mục đích - phương tiện
+ Mối liện hệ biện chứng đồng loạt - cá thể
Cả hai mối liên hệ này đều xuay quanh CÁI:
CÁI - đối tượng lĩnh hội (đồng loạt) biến thành sản phẩm giáo dục (cá thể), do đó CÁI là mục đích lần đầu đạt được, tức cũng là CÁI MỚI, với CHẤT LIỆU MỚI.
CÁI MỚI (CHẤT LIỆU) chỉ có giá trị tương đối về thời gian, tức là lúc đang hình thành với tư cách là mục đích. Sau đó nó trở thành phương tiện, như một VẬT LIỆU

1.5 Sản phẩm đặc trưng của giáo dục nhà trường hiện đại.
Giáo dục nhà trường có 3 lĩnh vực:
- Khoa học
- Nghệ thuật
- Lối sống
Mỗi lĩnh vực có sản phẩm giáo dục đặc trưng riêng cho mình, nhưng có sản phẩm chính thức, chính cống, dứt khoát đặc trưng cho giáo dục nhà trường hiện đại là KHÁI NIỆM KHOA HỌC HIỆN ĐẠI.

“Khái niệm khoa học (CÁI) là cốt lõi vật chất của giáo dục nhà trương hiện đại”

KHÁI NIỆM KHOA HỌC có giá trị khác nhau trong sản phẩm giáo dục thuộc các lĩnh vực khác nhau:
- Trong khoa học: KHÁI NIỆM là đối tượng thuần khiết cần được chiếm lĩnh triệt để, dứt khoát. Nó là sản phẩm chính thức chính cống, dứt khoát.
- Trong nghệ thuật: KHÁI NIỆM chỉ là cốt lõi vật chất của sản phẩm giáo dục có thể có.
- Trong lối sống: KHÁI NIỆM may ra là chỗ bấu víu vật chất của sản phẩm giáo dục có thể có, mà neus có thì không chắc là tích cực hay tiêu cực.

Yêu cầu trong giáo dục:

Trong giáo dục nhà trường, hệ thống CÁI (thực ra là CÁI MỚI) dưới hình thức KHÁI NIỆM KHOA HỌC được chọn lựa thiết kế theo 3 nguyên tắc:
- Một hệ thống phát triển
- Theo một dòng lý thuyết được coi là chuẩn mực
- Chỉ cần một lượng tối thiểu các khái niệm đủ để đảm bảo sự vững chắc của hệ thống.

1.6 Kết luận: Chương trình môn học
CÁI có thể hoàn toàn biến thành sản phẩm giáo dục như mong muốn (với những yêu cầu đã định trước, khi quá trình thực tiễn còn chưa bắt đầu), đó là KHÁI NIỆM KHOA HỌC.
Trong 3 lĩnh vực giáo dục, cái gọi là chương trình môn học phải bao gồm một lượng tối thiểu các khái niệm khoa học, được lựa chọn theo một dòng lý thuyết lấy làm chuẩn mực và được xắp xếp theo tiến trình phát triển tự nhiên của chúng.

Một hệ thống khái niệm như vậy sẽ tạo ra một chương trình tối ưu.

2. CÁCH trong GIÁO DỤC

2.1 Cơ sở lý luận đổi mới nền giáo dục.

Nhân tố quyết định và đặc trưng cho một giải pháp giáo dục là CÁCH biến CÁI - đối tượng lĩnh hội thành sản phẩm giáo dục.
A → a
A : đối tượng lĩnh hội
CÁCH biến đổi A thành a
a: sản phẩm giáo dục

Cốt lõi của nền giáo dục là:
- CÁI cần đưa đến cho học sinh
- CÁCH học sinh có được CÁI,  tức biến CÁI thành sản phẩm giáo dục.

Dựa vào khoa học là có một cách nhìn lý thuyết đối với các vấn đề thực tiễn và xử lý các vấn đề thực tiễn trên cơ sở lý thuyết

“Nguyên lý của đại công nghiệp là phân giải quá trình sản xuất, xét ngay trong bản thân nó và không liên quan gì đến bàn tay con người, thành những yếu tố cấu thành nó, nguyên tố đó đã tạo thành một khoa học hoàn toàn hiện đại là CÔNG NGHỆ HỌC”

“Nền sản xuất đại công nghiệp đòi hỏi phải tổ chứckiểm soát được quá trình sản xuất, sao cho sản phẩm là tất yếu

“GIẢI PHÁP MỚI thực hiện từng bước triển khai nguyên lý mới về CÁCH, rồi từ đó chọn lựa và tổ chức hệ thống CÁI thích hợp với CÁCH ấy”

“Một GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI phải có lý thuyết định hướng cho việc tổ chức và triển khai quá trình thực thi

2.2 Cơ sơ lý luận GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI giáo dục

 - Cơ sở triết học: “ý niệm chẳng qua là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó”
- Cơ sở tâm lý học:
+ J. Piaget: Có một quá trình chuyển vào trong tự phát.
+ Tâm lý học Liên Xô: Hoạt động bên ngoài và hoạt động bên trong có cùng một cấu trúc.
+ P. Galperin: Có thể tổ chức được tuần tự các bước của quá trình chuyển vào trong.

- Cơ sở khoa học của bộ môn: Mỗi bộ môn là một đối tượng (CÁI) cần chiếm lĩnh. Môi đối tượng có lý thuyết riêng của mình. Có thể có nhiều dòng lý thuyết cho một đối tượng, hãy chọn lấy một dòng trong số đó làm chuẩn. Lý thuyết giúp ta hình dung ra tất cả các khả năng, tức tất cả những gì có thể có, mà thực tiễn chỉ có một trong số đó.

Kết luận: Giải pháp giáo dục, rút cục, phải tạo ra một thực tiễn có thật theo định hướng lý thuyết.


III.  XÂY DỰNG GIẢI PHÁP GIÁO DỤC

Một GIẢI PHÁP là một LỐI RA. LỐI RA không phải chổ SÁNG cửa sổ mà ở chỗ TÔI TỐI của cửa ra vào đang khép. Tình huống khẩn cấp, CÁCH ra khỏi phòng nhanh nhất và an toàn nhất là nên theo hướng LỐI RA mà đi, đi có trật tự, người này nối tiếp người kia, không chen lấn nhau.

1. Về mặt kỹ thuật, có 3 nhân tố làm nên thực tiễn giáo dục:

- Đối tượng lĩnh hội, tức là CÁI cần đưa đến cho học sinh.
- Sản phẩm giáo dục được hình thành ở mỗi cá nhân người học.
- Quá trình chuyển vào trong, tức là CÁCH biến CÁI (có sẵn chung cho mọi người) thành sản phẩm giáo dục ở mỗi cá nhân.

Công thức để định hướng lý thuyết và tìm cách thực thi quá trình giáo dục

A → a
A : đối tượng lĩnh hội
CÁCH biến đổi A thành a
a: sản phẩm giáo dục

2. Công nghệ giáo dục

2.1 Thiết kế giải pháp giáo dục

Người thiết kế giải pháp giáo dục đóng vai trò quyết định trong xây dựng giải pháp giáo dục.
Người thiết kế phải có tư duy thời gian
- Thời gian là tuyến tính một chiều.
- Trên đường thẳng thời gian, mỗi đoạn là duy nhất, mất đoạn nào là mất tuyệt đối.

 Các bước đi thực tiễn kế tiếp nhau tuyến tính và mỗi bước đi ấy là duy nhất. Mỗi bước đi thực tiễn là một trình độ hiện thân của lý thuyết.

Cần phải xử lý mối liên hệ biện chứng giữa lý thuyết và thực tiễn: Lý thuyết đưa ra mọi khả năng có thể; thực tiễn đòi hỏi xác lập một hiện thực duy nhất, có một không hai, ở thời điểm ấy của một đời người.
Mục tiêu thiết kế

Mục tiêu đặc thù của giáo dục nhà trường là cùng với đời sống thực hàng ngày tạo ra sự phát triển cá nhân người học. Sự phát triển cá nhân của người hưởng giáo dục là sự phát triển tinh thần.

Phân biệt hai khái niệm “trưởng thành” và “phát triển”:
- Trưởng thành về thể chất là kết quả của sự hiện thực hóa (thời sự hóa) mã di truyền tư trong bụng mẹ.
- Phát triển về tinh thần là kết quả của sự hình thành CÁI MỚI ở ngoài đời, trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể.

Cơ sở thiết kế (giả thiết thiết kế)

- Mọi trẻ em hiện đại trên trái đất này đều có thể tiếp nhận giáo dục như nhau.
- Có thể dạy bất cứ khái niệm nào cho trẻ em bất cứ lứa tuổi nào, miễn là biết cách dạy.

Yêu cầu thiết kế

Giải pháp giáo dục là một giả pháp thực tiễn hay còn gọi là chương trình hành động
Chương trình hành động phải diễn ra trong thời gian va phải lấy sự phát triển tự nhiên  của học sinh làm cốt lõi, làm lẻ sống, làm mục tiêu.

Phạm vi thiết kế

Sự phát triển tự nhiên của học sinh trong giáo dục nhà trường phải dựa vào chương trình các môn học.
Trong các chương trình môn học, chỉ có chương trình các môn khoa học (tự nhiên và xã hội) là có thể tổ chức và kiểm soát được quá trình thực thi, sao cho sản phẩm giáo dục là tin cậy được.
Sản phẩm giáo dục đáng tin cậy nhất là các KHÁI NIỆM KHOA HỌC, vì nó là đặc trưng của giáo dục nhà trường hiện đại.

Như vậy, mấu chốt của một giải pháp giáo dục hiện đại nằm ở:
- CÁI - khái niệm khoa học hiện đại
- CÁCH - hình thành khái niệm khoa học hiện đại ở mỗi cá nhân học sinh.

2.2 Quy trình Công nghệ giáo dục

a. Nguyên lý:
Thầy thiết kế - Trò thi công.
- Thầy thiết kế hệ thống việc làm
- Trò tự mình làm từng việc một, việc này kế tiếp việc kia để tạo ra cho mình sản phẩm giáo dục.
- Việc làm triển khai trên VẬT LIỆU vật chất (hoặc vật chất hóa).
- Từ  VẬT LIỆU ấy tạo ra sản phẩm. Sản phẩm chứa CHẤT LIỆU






 

                                                                                                 BS Hồ Hải

          Vấn đề đặt ra cho giáo dục phổ thông Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua không phải là những con số muốn đạt được mà là tư duy giáo dục phổ thông như thế nào và tư duy ấy sẽ đưa các thế hệ đi về đâu? Hệ quả của tư duy giáo dục sẽ có tác động gì đến đất nước và con người Việt Nam trong tương lai? Đó là tất cả những vấn đề lớn mà bất kỳ ai cũng trăn trở. Tôi thử nhìn xuyên suốt 3 vấn đề lớn này xem sao?

Tư duy giáo dục phổ thông hiện đại là tư duy giáo dục phi chính trị. Giáo dục phổ thông là nơi cung cấp cho thế hệ trẻ một kiến thức tổng quát, một tư duy độc lập và những kỹ năng sống phù hợp với thời đại. Tư duy giáo dục phổ thông không cần phải nhồi nhét một cách quá nhiều, quá nặng về kiến thức, trong khi kiến thức ấy không làm trẻ tự tư duy sáng tạo, mà chỉ là những vật thể sống chỉ biết sao chép.

Tại sao tư duy giáo dục phổ thông phải là phi chính trị?

Bất kỳ một công dân của một đất nước nào trên thế giới, đều được sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa đặc thù, thông qua lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc ấy. Sự thấm đẫm tình yêu quê hương, dân tộc lớn dần theo năm tháng một cách tự nhiên, mà không cần bất cứ giáo điều nào áp đặt. Mọi sự áp đặt đều đưa đến những thế hệ không sáng tạo vì mất tư duy độc lập. Giáo dục phổ thông luôn là giáo dục làm nhiệm vụ cung cấp cho thế hệ trẻ một kiến thức tổng quát về khoa học tự nhiên và xã hội, tự nó sẽ cho trẻ một tầm nhìn, một nhân sinh quan và thế giới quan về đất nước và dân tộc một cách tự nhiên, nhưng thấm đẫm tình yêu tổ quốc và dân tộc. Từ kiến thức tổng quát, nhân sinh quan và thế giới quan ấy, mỗi cá nhân sẽ tự quyết định con đường đi có tính sáng tạo và tự nhiên cho mình trên mọi lĩnh vực.

Tư duy độc lập:

 Phát minh và sáng tạo phục vụ nhu cầu bản năng là thuộc tính của loài người. Lịch sử loài người đã chứng minh điều này, khi con người thượng cổ với săn bắt, ăn lông ở lỗ cho đến hôm nay có thể bay trên bầu trời như chim, hay lặn xuống biển sâu như cá và bao nhiêu điều đáng ngạc nhiên khác qua thế giới phẳng toàn cầu hóa. Để phát triển tính sáng tạo và hiệu quả của sự sáng tạo không gì khác hơn phải đặt mục tiêu giáo dục phổ thông phải tạo được những thế hệ trẻ mang trong trí tuệ một tư duy độc lập.

Mỗi thời đại cần một thế hệ có kiến thức và bản lĩnh khác nhau. Thời đại mà ông cha ta vì cuộc thống nhất đất nước, các thế hệ trẻ cần một tư duy thâu tóm về một mối dành cho công cuộc thống nhất đất nước. Thời đại đất nước hòa bình thì khác, sáng tạo để đi lên chiếm lĩnh vị trí đầu hay dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi và làm kẻ về sau. Đó là vấn đề lớn mà các nước tiên tiến luôn đặt ra cho giáo dục của họ. Chỉ có tư duy độc lập mới có ý kiến khác biệt và mới lạ, từ đó đưa ra những ý tưởng phản biện và thúc đẩy qui luật mâu thuẫn và thống nhất các mặt đối lập để thúc đẩy xã hội tiến lên. 

Mỗi cấp lớp trẻ có một nấc tư duy khác nhau, trẻ tiểu học có tư duy chân thật, một bước, chỉ biết ghi nhận. Trẻ trung học đệ nhất cấp (cấp 2) có tư duy hai bước, hay còn gọi là tư duy suy diễn. Sau khi ghi nhận trẻ bắt đầu suy luận đúng sai. Trẻ bắt đầu nhận biết đúng sai. Lên đến trung học đệ nhị cấp (cấp 3) trẻ sau khi suy luận đúng sai một sự vật hiện tượng, trẻ chuyển sang tư duy tới hạn, hay còn gọi là tư duy phản biện. Lúc đó trẻ bắt đầu đưa ra chính kiến để phản biện và hướng giải quyết một vấn đề. Nếu giáo dục phổ thông không trao cho trẻ một tư duy độc lập mà là áp đặt theo ý chí của người lớn, chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ thui chột tư duy suy luận và tư duy phản biện để làm nên sáng tạo. Lúc đó, khủng hoảng về con người, không chỉ khủng hoảng về xã hội không có những công dân ưu tú mà còn thiếu văn những lãnh đạo cho dân tộc.

Giáo dục phổ thông cần cung cấp những kỹ năng sống:

 Trẻ ra đời chưa tiếp cận cuộc sống sinh động thông qua thiên nhiên và cuộc sống. Chúng cần giáo dục đầu đời thông qua các bậc học phổ thông cung cấp cho chúng các kỹ năng sống để sau này chúng có khả năng hội nhập vào đời. Muốn thế chương trình giáo dục phổ thông là chương trình cung cấp cho trẻ một kiến thức tổng quát, toàn diện, nhẹ nhàng theo từng lứa tuổi, để trẻ vừa học, vừa chơi và phát triển các bước tư duy độc lập như đã nói ở 2 phần trên. Giáo dục phổ thông là cung cấp kiến thức vào đời. Là làm sao cho thế hệ trẻ biết làm việc tập thể, biết đồng thuận và biết nhìn bản chất của vấn đề một cách độc lập. Hay nói một cách cụ thể là giáo dục phổ thông là tạo ra những thế hệ có chỉ số đồng thuận (còn gọi là chỉ số cảm xúc cao: EQ: Emotional Quotient), và chắc lọc ra những trẻ có chỉ số thông minh cao (Intelligence Quotient) để đưa vào những trường dành cho thần đồng. Nên giáo dục phổ thông không cần chuyên sâu, việc chuyên sâu dành cho trường dạy nghề, và trường đại học. Chúng ta đã sai lầm khi đã cố gắng tạo ra những trường chuyên để áp đặt và vắt kiệt tư duy trẻ ngay từ lúc chúng cần phát triển tư duy phản biện và sáng tạo. Với cách chúng ta tạo ra những trường chuyên và những con số chỉ tiêu lâu nay, nó đã dẫn đến có thể chúng ta có những trẻ phát triển lệch lạc về sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội ở những cá nhân mà ta cho là xuất sắc.

Ở các nước tiên tiến có 3 loại chương trình phổ thông trong một trường học cho trẻ: nhưng chung nhất là  chương trình thông thường (regular program) cung cấp kiến thức tổng quát, phi chính trị, tư duy độc lập và kỹ năng sống bằng những hoạt động có tính cộng đồng. Từ đó chọn lựa ra những nhân tố khác biệt sẽ đưa đến những chương trình phổ thông thuộc loại đào tạo ra những lãnh đạo hay loại đào tạo ra những khoa học gia xuất chúng. Chương trình thứ hai là loại nhận những trẻ có thiên hướng xuất sắc về xã hội học, có chỉ số đồng thuận cao, sẽ được đưa đến những trường đào tạo ra những lãnh đạo tương lai, chương trình đào tạo này là chương trình thiên về xã hội học còn gọi là chương trình IB(Internationa Baccalaureate: tú tài quốc tế). Chương trình thứ ba là loại có thiên bẩm về khoa học tự nhiên có chỉ số IQ cao thì được đưa vào những trường đào tạo thần đồng để sau này trở thành khoa học gia xuất chúng. Chương trình này họ đào tạo chương trình AP(Advanced Placement), ở chương trình này trẻ được đào tạo chương trình khoa học tự nhiên của đại học ngay từ khi còn lúc ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Họ không đào tạo đại trà nhưng chúng ta.


VAI TRÒ CỦA TƯ DUY PHẢN BIỆN
TRONG HỌC TẬP Ở BẬC ĐẠI HỌC

                                                                                                                 Nguyễn Văn Tuấn

Hôm qua, tôi đã giới thiệu các bạn bài phỏng vấn Gs Huỳnh Hữu Tuệ về chất lượng giáo dục đại học. Hôm nay, tôi tiệp tục giới thiệu bài thứ 2 của anh Tuệ, bàn về phản biện trong giáo dục đại học. 

Học là gi? Học chính là quá trình thu thập và chắc lọc kiến thức (cả về thông tin cơ bản và phương pháp luận) một cách có hệ thống và biến nó thành máu thịt của mình. Như thế học là một hoạt động thường trực, trong lúc còn là sinh viên và ngay cả lúc đã ra đời. Nhờ đó, học tập giúp con người có đủ  kiến thức, đủ bản lĩnh để đánh giá và lấy quyết định, và như thế giúp con người nâng cao khả năng đối diện với các vấn đề mà cuộc đời đặt ra, dù là trong lĩnh vực chuyên môn hay trong lĩnh vực xã hội. Để đạt dược mục tiêu đó, trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần nắm vững phương pháp học tập để tôi luyện bản lĩnh cá nhân, xây dựng động lực học tập giúp cá nhân càng ngày càng trở nên tích cực hơn, và chấp nhận trách nhiệm của mình đối với bản thân và đối với xã hội. Học thật sự để trở thành một người có khả năng tư duy độc lập, nâng cao khả năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, để trở thành một người hữu ích cho xã hội. Khả năng sáng tạo phụ thuộc khá nhiều vào tố chất cá nhân; nhưng tư duy độc lập và tư duy phản biện lại phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đào tạo và học tập của môi trường giáo dục.

Học tập giúp sinh viên phát triển đời sống trí tuệ của mình; hoạt động trí tuệ lại là cơ sở của khả năng tư duy độc lập và tư duy phản biện. Như thế, chất lượng tư duy phụ thuộc chặt chẽ vào quá trình phát triển trí tuệ. Có nhiều mô hình về quá trình phát triển trí tuệ; tuy nhiên tất cả mô hình đều có một số điểm cơ bản giống nhau, được chia ra một số giai đoạn (W. G., Jr. Perry, Forms of intellectual and ethical development in the college years: A scheme. Holt, Rinehart & Winston, New York, 1968, được trích dẫn lại trên trang Web http://www.cmu.edu/teaching /index.html, thuộc Đại học Carnegie Mellon)

Giai đoạn 1 đối ngẫu (dualism): 

trong giai đoạn phát triển sơ khởi này, sinh viên thường nhìn cuộc đời dưới dạng  tốt-xấu, trắng-đen; và trong suy nghĩ của sinh viên ở giai đoạn này, kiến thức thu thập là rõ ràng minh bạch, không có mập mờ; học tập đơn giản chỉ là một quá trình trao đổi thông tin. Đối với họ, người thầy giảng bài tức là trình bày những kiến thức mới dưới dạng sự kiện; và sinh viên chỉ cần học thuộc lòng là hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ở giai đoạn đối ngẫu này, sinh viên sẽ bức xúc nếu người thầy cho những câu trả lời có điều kiện, hoặc là không trả lời mà lại đặt ra những câu hỏi khác.

Giai đoạn 2 đa dạng (muliplicity): 

 giai đoạn kế tiếp bắt đầu lúc sinh viên nhận thức được rằng ngay những chuyên viên cao cấp có lúc cũng chưa hẳn đồng ý với nhau trên một số vấn đề và đôi lúc còn hoàn toàn có quan điểm đối lập nữa. Đối với sinh viên ở giai đoạn phát triển này, mọi chuyện đều phục thuộc vào viễn ảnh và ý kiến cá nhân. Họ cảm thấy đủ sức để tự mình suy nghĩ, và cũng đủ sức để đặt lại vấn đề về những kiến thức do người thầy truyền đạt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, người sinh viên chưa hẳn đã đủ sức để đánh giá những cái nhìn khác nhau, và hẳn cũng chưa đủ sức để đưa ra những lập luận nhằm khẳng định quan điểm của mình. Và ở giai đoạn này, sinh viên xem đánh giá của người thầy đối với cá nhân mình là hoàn toàn có tính chủ quan.

Giai đoạn 3 tương đối hóa (relativism): 

 trong giai đoạn phát triển tương đối phức tạp tiếp theo, sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng  của chứng cớ và lý luận lúc tìm cách nâng cao tính thuyết phục quan điểm của mình. Người sinh viên ở giai đoạn này chấp nhận người khác có thể không đồng ý với cái nhìn của họ; và ngay cả ý kiến của lãnh đạo cũng cần được phân tích và phản biện cẩn thận, chứ không nhất quyết là nhắm mắt tuân thủ tuyệt đối.  Cũng như ở trong các giai đoạn trước, bây giờ họ có thể có những suy nghĩ quyết liệt; tuy nhiên những suy nghĩ này đã được họ phân tích và đánh giá một cách nghiêm túc. Ở giai đoạn này, sinh viên bắt đầu nhìn thầy của mình với một cặp mắt khác: người thầy là một người hướng đạo có trình độ và cũng là một người đồng hành trong lĩnh vực tư duy trao đổi ý kiến, chứ không phải là một người lãnh đạo không hề có sai lầm, mà cũng không phải chỉ là một người nào đó có quan điểm khác mình.

Giai đoạn 4 chấp nhận trách nhiệm của một trí thức (commitment):

 theo Perry, giai đoạn cuối của quá trình phát triển trí tuệ không phải là bước nhảy vọt  về mức độ phức tạp của  trí tuệ, mà đúng hơn là cách tiếp cận vấn đề;  áp dụng tất cả những kiến thức thu lượm được trong giai đoạn tương đối hóa để đưa ra những lựa chọn hay những quyết định dựa trên những phân tích và tư duy phản biện.

Theo Baxter-Magolda (M.B. Baxter-Magolda,  Knowing and reasoning in college: Gender-related patterns in students' intellectual development, Jossey-Bass, San Francisco, 1992) thì lúc sinh viên ghi danh vào đại học, mức độ trí tuệ của họ thấp hơn rất nhiều so với những gì ta hình dung, và trong quá trình học tập ở đại học (hệ thống 4 hoặc 5 năm), trí tuệ của họ cũng không phát triển đến mức độ mà ta hy vọng. Đồ thị sau đây, dựa trên một điều tra diện rộng trên toàn nước Mỹ, cho thấy mức độ phát triển trí tuệ của sinh viên.

Ta nhận thấy cách suy nghĩ đối ngẫu giảm dần và tư duy đa dạng phát triển theo thời gian; tuy nhiên cách tư duy tương đối lại phát triển khá chậm, không đạt đúng mức ta mong đợi.

Cố nhiên, kết quả học tập phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vừa chủ quan, vừa khách quan. Nhưng theo tôi, yếu tố chính yếu nhất vẫn là phương pháp học tập. Để trí tuệ được phát triển toàn diện, sinh viên phải có phương pháp học tập đúng đắn. 



MỘT NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI
                                                                       
                                                                                                    Tóm lược ý của Nhóm Cánh buồm
          I. Hiện đại hóa

1. Xã hội hiện đại hóa
           
           Tiêu chuẩn duy nhất - dấu hiệu duy nhất - để xác định tính hiện đại trong xã hội là sự thay thế xã hội nông nghiệp bằng một xã hội công nghiệp.

          Điều cần lưu ý: xã hội công nghiệp không thay thế xã hội nông nghiệp theo lối đột ngột mà diễn ra trong tiến trình công nghiệp hóa dần dần. Điều vô cùng quan trọng là sự diễn ra trong tâm lý con người trong suốt tiến trình công nghiệp hóa.

          Một ví dụ là cách dùng ốc vít: khi cần gá lắp những bộ phận cứng như sắt thì con người dễ chấp nhận dùng ốc vít -  cách làm theo lối công nghiệp. Nhưng khi khi gá lắp những bộ phần mềm như gỗ, rất nhiều công nhân lâu đời vẫn dùng búa đóng đinh như thường.
         
          Quá trình công nghiệp hóa, cần nhìn nhận ở hai mặt: Nền công nghiệp và con người của nền công nghiệp cùng sinh thành lẫn nhau.

          2. Nhà trường hiện đại hóa
         
          Dấu hiệu cơ bản - nguyên lý về tính chất hiện đại của nhà trường: một nhà trường hiểu biết sâu sắc trẻ em nhờ đó mà vừa tôn trọng trẻ em đồng thời vẫn dắt tay dẫn trẻ em vào công cuộc tự học, tự giáo dục của chính các em.
          Trẻ em cũng cùng sinh thành với nền giáo dục tạo cho các em năng lực sống và cùng sinh thành với công cuộc công nghiệp hóa để hiện đại hóa đất nước.

          3. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
         
Điểm giống và khác nhau giữa người lớn và trẻ em trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước:

          - Giống nhau:  cùng đều phải bắt tay vào làm ra chính mình trong khi làm ra nền công nghiệp để hiện đại hóa đất nước (người lớn) hoặc làm ra nền giáo dục hiện đại hóa (trẻ em). Cả người lớn và trẻ em đều phải mó tay vào làm và học - làm thì học (learning by doing)

          - Khác nhau: trong công cuộc làm và học - làm thì học, làm tới đâu thì học được tới đó thì giữa người lớn và trẻ em có một điểm khác nhau căn bản:

          + Đối với người lớn thì dùng công cụ có sẵn; công cụ có sẵn gửi trong công việc người lớn nắm giữ để công nghiệp hóa đất nước. Kỷ luật lao động công nghiệp hóa chính là thước đo mức độ người lớn đã sinh thành tới đâu với công cuộc hiện đại hóa đất nước.

          +  Đối với trẻ em: Các em tập làm ra công cụ. và là những công cụ chuẩn cho sự nghiệp hiện đại hóa. “Công cụ” nhà trường dạy cho các em “tự” làm ra  gi? Đó là loạt công cụ trong tư duy của các em. Bộ công cụ học tập các em phải tạo ra ngay trong đầu các em, và đó phải là công cụ hiện đại hóa.


          II. Sản phẩm của nền giáo dục phổ thông

          Xem nhà trường như một xí nghiệp thì sản phẩm cuối cùng của xí nghiệp nhà trường là như thế nào?

          Sản phẩm do nhà trường phổ thông tạo ra gồm một mặt là nằm trong kỹ năng của học trò, còn mặt nữa nằm trong tâm lý người được nhà trường đào luyện.
          - Việc dạy thể thao trong nhà trường phổ thông là để một mặt học sinh biết cách thực hiện những môn thể thao phổ biến nhất và mặt kia là năng lực thể thao - đó là tâm lý tự tin.

          - Việc dạy toán ở trường phổ thông thì sản phẩm là các kỹ năng toán của học sinh là biết cộng, trừ, biết giải phương trình, biết tính đạo hàm… còn mặt kia của sản phẩm là tư duy logic - toán.

          - Việc dạy môn tiếng Việt ở trường phổ thông thì sản phẩm một mặt là kỹ năng viết đúng chính tả, dùng đúng từ, nói và viết đúng câu, đọc hiểu và viết đúng logic của từng đoạn văn tiến đến cả một văn bản. Còn mặt kia của năng lực tiếng Việt là tinh thần tôn trọng tính chuẩn xác của ngôn ngữ.

          - Việc dạy môn tiếng nước ngoài ở trường phổ thông thì sản phẩm một mặt là kỹ năng am tường và sử dụng một ngoại ngữ. Mặt khác của sản phẩm là phải có tinh thần tôn trọng một nền văn hóa khác với cái văn hóa truyền thống của mình.

          - Việc dạy môn văn ở trường phổ thông thì sản phẩm một mặt là học sinh biết được cách thức người nghệ sỹ làm ra tác phẩm theo một thể loại xác định. Nhà trường lấy những mẫu văn thơ để dạy cho học sinh biết cách làm ra một tác phẩm văn, từ đó biết được một ngữ pháp nghệ thuật. Vận dụng ngữ pháp nghệ thuật học được qua môn văn để hiểu được những loại hình nghệ thuật khác. Còn mặt kia của sản phẩm là những xúc cảm mỹ học tạo năng lượng sống cho con người. Ngữ pháp nghệ thuật giúp trẻ em hiểu đúng cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật. Có cái gốc đó thì mới có xúc cảm mỹ học đúng.
         
           Vậy, đối với nhà trường phổ thông, toàn bộ các chi tiết năng lực văn, ngôn ngữ, toán, lý, hóa, sức khỏe, đạo đức…sẽ được “lắp ráp” thành sản phẩm “xuất xưởng” như thế nào? Đó là một học trò biết làm việc. Sản phẩm đó vẫn là cậu học trò chưa phải là một người lao động có ngề đích thực; song đã có những yếu tố đúng nhất của một người lao động - sự biết làm. “làm” ở đây là gì? Đó là tập làm và tuy là “tập” nhưng phải làm đúng - đó biết làm việc đúng đối tượng. Nghĩa là các em biết cách học, nói cách khác biết chiếm lĩnh các đối tượng khác nhau: toán khác với văn, khác với ngôn ngữ, khác với đạo dức..Từ đó trong tư duy các em sẽ có mặt thứ hai của sản phẩm, đó là cái tinh thần luôn biết tự giao nhiệm vụ cho mình: ta phải làm gì? Ta làm để đạt mục tiêu gì? Ta làm bằng cách gì để đạt mục tiêu đó?.

Cách học ở tiểu học mang tính chất học phương pháp học
          Bậc trung học sẽ mang tính chất tập nghiên cứu
          Bậc cao đẳng, đại học sẽ tập nghiên cứu độc lập.

III. Sách giáo khoa của trường học phổ thông
         
          “Sách giáo khoa” là một sự vật, một thực thể nên nó có nhiều hình thái khác nhau; hay nói cách khác có nhiều phương thức tồn tại của “sách giáo khoa”.
          Lý thuyết hoạt động coi sách giáo khoa là những điều Thầy và Trò cùng nhau tìm ra trong tiết học.
           Có 3 hình thái khác nhau của sách giao khoa:
          1. Hình thái thứ nhất và là hình thái cơ bản của sách giáo khoa chính là các việc làm của học sinh do giáo viên tổ chức trong từng tiết học.
          2. Hình thái thứ 2 của sách giáo khoa là những gì đọng lại trong đầu óc học sinh sau mỗi tiết học.
          Cuối tiết học học sinh nói lại những điều đã học cụ thể hơn và đẽ dàng một cách tự nhiên là kể lại những việc đã làm trong tiết học nếu là một lớp học theo lý thuyết hoạt động. Sau khi đã kể những việc đã làm, học sinh ghi lại những điều gì cần ghi nhớ hơn cả ( có thể có nhiều cách ghi tùy theo từng học sinh)
          3. Hình thái thứ 3 của sách giáo khoa là dự kiến những kiến thức gì sẽ đem lại cho học sinh.
          Những kiến thức dự kiến đem lại cho học sinh không được cung cấp một cách tùy tiện. Mà sách giao khoa phải trả lời 2 câu hỏi:
          - Các học sinh sẽ làm như thế nào để chiếm lĩnh cho mình những kiến thức đó?
          - Các kiến thức do học sinh thực hiện có diễn ra tuần tự thành chuỗi việc làm không? Việc làm trước có dẫn sang việc làm sau một cách logic không?


Tóm lược

Như vậy “tầng nấc phát triển tư duy” của con người từ khi bắt đầu đi học tiểu học cho đến khi tốt nghiệp đại học theo BS Hồ Hải, GS Huỳnh Hữu Tuệ và Nhóm Cánh Buồm  có thể tóm tắt như sau:

BS Hồ Hải:

Mỗi cấp lớp trẻ có một nấc tư duy khác nhau, trẻ tiểu học có tư duy chân thật, một bước, chỉ biết ghi nhận. Trẻ trung học đệ nhất cấp (cấp 2) có tư duy hai bước, hay còn gọi là tư duy suy diễn. Sau khi ghi nhận trẻ bắt đầu suy luận đúng sai. Trẻ bắt đầu nhận biết đúng sai. Lên đến trung học đệ nhị cấp (cấp 3) trẻ sau khi suy luận đúng sai một sự vật hiện tượng, trẻ chuyển sang tư duy tới hạn, hay còn gọi là tư duy phản biện. Lúc đó trẻ bắt đầu đưa ra chính kiến để phản biện và hướng giải quyết một vấn đề

 GS Huỳnh Hữu Tuệ:

Có nhiều mô hình về quá trình phát triển trí tuệ (sinh viên); tuy nhiên tất cả mô hình đều có một số điểm cơ bản giống nhau, được chia ra một số giai đoạn:

Giai đoạn 1 đối ngẫu (dualism): trong giai đoạn phát triển sơ khởi này, sinh viên thường nhìn cuộc đời dưới dạng  tốt-xấu, trắng-đen; và trong suy nghĩ của sinh viên ở giai đoạn này, kiến thức thu thập là rõ ràng minh bạch, không có mập mờ; học tập đơn giản chỉ là một quá trình trao đổi thông tin. 

Giai đoạn 2 đa dạng (muliplicity): giai đoạn kế tiếp bắt đầu lúc sinh viên nhận thức được rằng ngay những chuyên viên cao cấp có lúc cũng chưa hẳn đồng ý với nhau trên một số vấn đề và đôi lúc còn hoàn toàn có quan điểm đối lập nữa. Đối với sinh viên ở giai đoạn phát triển này, mọi chuyện đều phục thuộc vào viễn ảnh và ý kiến cá nhân. Họ cảm thấy đủ sức để tự mình suy nghĩ, và cũng đủ sức để đặt lại vấn đề về những kiến thức do người thầy truyền đạt

Giai đoạn 3 tương đối hóa (relativism): trong giai đoạn phát triển tương đối phức tạp tiếp theo, sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng  của chứng cớ và lý luận lúc tìm cách nâng cao tính thuyết phục quan điểm của mình. Người sinh viên ở giai đoạn này chấp nhận người khác có thể không đồng ý với cái nhìn của họ. 

Giai đoạn 4 chấp nhận trách nhiệm của một trí thức (commitment): theo Perry, giai đoạn cuối của quá trình phát triển trí tuệ không phải là bước nhảy vọt  về mức độ phức tạp của  trí tuệ, mà đúng hơn là cách tiếp cận vấn đề;  áp dụng tất cả những kiến thức thu lượm được trong giai đoạn tương đối hóa để đưa ra những lựa chọn hay những quyết định dựa trên những phân tích và tư duy phản biện.

Theo Baxter-Magolda (M.B. Baxter-Magolda,  Knowing and reasoning in college: Gender-related patterns in students' intellectual development, Jossey-Bass, San Francisco, 1992) thì lúc sinh viên ghi danh vào đại học, mức độ trí tuệ của họ thấp hơn rất nhiều so với những gì ta hình dung, và trong quá trình học tập ở đại học (hệ thống 4 hoặc 5 năm), trí tuệ của họ cũng không phát triển đến mức độ mà ta hy vọng. Đồ thị sau đây, dựa trên một điều tra diện rộng trên toàn nước Mỹ, cho thấy mức độ phát triển trí tuệ của sinh viên.

Ta nhận thấy cách suy nghĩ đối ngẫu giảm dần và tư duy đa dạng phát triển theo thời gian; tuy nhiên cách tư duy tương đối lại phát triển khá chậm, không đạt đúng mức ta mong đợi.

Nhóm Cánh buồm:

Cách học ở tiểu học mang tính chất học phương pháp học
          Bậc trung học sẽ mang tính chất tập nghiên cứu
          Bậc cao đẳng, đại học sẽ tập nghiên cứu độc lập.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét