Hiệu Minh và đồng nghiệp
Tay Cua IT này từng bẻ chữ Nho, bàn về Kinh tế và hàm răng, dù chẳng biết tý nào, nên blog Cua thành hổ lốn. Được cái may là bạn đọc quá giỏi, nên giúp cho những bài viết “kiễng chân” vẫn đứng vững.
Trilemma – Impossible Trinity
Trilemma – Bộ ba bất khả thi
Rất may, một đồng nghiệp bên WB, email cho biết. Các nhà kinh tế vĩ mô đã đưa ra khái niệm “impossible trinity – “tam pháp bất khả thi”, hoặc “bộ ba bất khả thi” – ý nói không thể duy trì đồng thời 3 yếu tố: (1) Tỷ giá cố định, (2) Tự do chu chuyển dòng vốn (hàm ý tới dòng vốn ngoại đổ vào từ bên ngoài) và (3) Chính sách tiền tệ độc lập.
Bộ ba này trong tiếng Anh còn được gọi là Trilemma, chơi chữ như Dilemma – vấn đề đau đầu khi phải chọn một trong hai.
Nói nôm na về Trilemma, để phát triển kinh tế hay giữ nhịp độ, chỉ có thể thực hiện đồng thời hai trong ba chính sách này mà thôi.
Xin nhắc lại, chỉ hai trong ba: (1) tỷ giá cố định và tự do chu chuyển dòng vốn, hoặc (2) tỷ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập; hoặc (3) tự do chu chuyển dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập vv.
Về lý thuyết, chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái với giả định là vốn được tự do lưu chuyển qua biên giới quốc gia đều có quan hệ với nhau.
Khi ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thì tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên. Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt thì tỷ giá giảm đi. Do đó, áp dụng chế độ tỷ giá cố định, thì chính sách tiền tệ không thể thay đổi linh hoạt được.
Nếu có quốc gia nào cố gắng thực hiện cả ba chính sách trên đồng thời thì điều gì sẽ xảy ra. Kinh tế tăng trưởng nhanh, vốn nước ngoài sẽ chảy vào trong nước gây ra áp lực tăng giá nội tệ. Khi đó, ngân hàng trung ương muốn bảo vệ chế độ tỷ giá cố định thì phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
Song điều này có thể làm tăng lượng cung tiền trong lưu thông dẫn đến tăng tốc lạm phát. Muốn lạm phát không tăng tốc, thì phải thực hiện chính sách thanh khoản đối ứng. Nhưng như thế thì vốn nước ngoài càng chảy vào nhiều.
Đầu thập niên 1990, một số nước châu Á đã cố gắng thực hiện đồng thời ba chính sách và hậu quả là rơi vào khủng hoảng hết sức tồi tệ.
Vị đồng nhiệp cũng cho biết, tại một nước “quen” vào những năm 2006-2008, vốn bên ngoài đổ vào ồ ạt, với khối lượng lớn. Nhưng quốc gia đó lại muốn duy trì tỷ giá cố định bằng cách can thiệp thị trường (mua đô la), tức là tăng lượng tiền nội tệ ra thị trường.
Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng TƯ phải tăng lãi suất, hoặc phát hành trái phiếu để thu hút nội tệ.
Tuy vậy, bên Chính phủ lại muốn có tăng trưởng cao nên duy trì lãi suất thấp tự do, gây ra tình trạng overheating – kinh tế phát triển quá nóng. Hình như chuyện này cũng kéo theo nhiều hệ lụy bởi những cái đầu chứa toàn IT hay YT gì đó lại quản lý KT vĩ mô.
Ôm cả ba là không thể, ôm hai thì OK. Như vậy có 1 bồ, 1 vợ thì OK, nhưng hai bồ, 1 vợ hay hai vợ một bồ là tan cửa nát nhà.
Tỷ giá cố định của Hoa Kỳ 1944-1971
Tìm tin trên internet mới biết, trên thế giới đã từng có chuyện về tỷ giá cố định do Mỹ cầm đầu. Hội nghị Bretton Woods diễn ra ở New Hamshire, Hoa Kỳ, năm 1944, thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ và kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.
Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng đôla.
Hội nghị Bretton Woods 1944
Cuối cùng, Hoa Kỳ đã bỏ giá trị cố định của đồng đôla và cho phép đô la được thả nổi – tức là cho dao động đối với các đồng tiền khác. Đồng đôla ngay lập tức hạ giá.
Tỷ giá cố định Bretton Woods đã giới hạn hoạt động chi tiêu của Hoa Kỳ và thế giới do lượng vàng sở hữu là có hạn trong khi nhu cầu sử dụng tiền lại lớn hơn rất nhiều.
Hoa Kỳ in tiền phục vụ cho việc tài trợ cho Chiến tranh Việt Nam hoặc viện trợ cho các nước khác đã khiến đôla mất giá và tăng lạm phát. Cuộc chiến VN ảnh hưởng mọi mặt tới cả thế giới.
Để xóa bỏ sự bất hợp lý trên, vào tháng 8 năm 1971, Tổng thống Nixon đã phải rút hẳn khỏi hệ thống Bretton Woods và tiến hành thả nổi đồng đô la. Bây giờ thì nó đang trôi nổi khắp thế giới, muốn tỷ giá nào cũng OK.
Giải Ig Nobel cho anh Bình – Thống đốc
Bây giờ bàn chuyện phát biểu của anh Bình tại Quốc hội. Thấy bà con chửi om xòm về lời phân trần trước QH của Thống đốc NHNN, mình chẳng hiểu anh nói sai chỗ nào.
Mình vẫn tin các quan, nhất là các quan cầm cân nẩy mực cho nền kinh tế quốc gia. Bảo mua vàng là mình mua vàng, bảo bán vàng là mình bán tắp lự, chỉ tội nhà này không có vàng.
Trong lúc trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch, Thống đốc Bình nói “Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”.
Giải Ig Nobel
Ông Trí Dũng đãng trí một chút. Ổn định tỷ giá khác với tỷ giá cố định, ông cũng nhầm khái niệm một cách tai hại, dù khen cho ông đã tấn công Thống đốc rất đúng lúc.
Tuy nhiên so với Thống đốc thì lỗi của ông Trí Dũng chưa là gì. Làm tới thống đốc Ngân hàng Nhà nước mà không nhớ nổi thế nào là bộ ba bất khả thi, một khái niệm vỡ lòng trong kinh tế.
Tôi tìm định nghĩa Trilemma kia thì không thấy có chữ nào là Tăng trưởng, Lạm phát. Có mỗi từ Tỷ giá được ông nhắc đến nhưng cũng không biết là tỷ giá đó là cố định hay trôi nổi.
Xin viết lại cho ông Bình rõ Trilemma nhé. Đó là (1) Tỷ giá cố định; (2) Tự do chu chuyển dòng vốn; và (3) Chính sách tiền tệ độc lập. Xin các cụ trong hang Cua cũng học cho thuộc trước khi bình về anh…Bình.
Phát biểu trước Quốc hội, với hàng chục triệu người theo dõi trên tivi, xin ông Bình nói chính xác tới từng từ. Thống đốc Ngân hàng NN mà hiểu mơ hồ cái bộ ba kia như thế thì rất lo cho đất nước này.
Thay vì xét giải Nobel như ông đùa, có lẽ cái giải Ig Nobel của đại học Harvard – dành cho những phát minh điên rồ và ngu dại – thì may ra họ xét tới.
Xin nói thêm, ba vấn đề tưởng chừng bất khả thi theo quan điểm của Thống đốc Bình (tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá), trong thực tế, vẫn có thể được triển khai gần như song song trong bất cứ nền kinh tế nào. Đó là những nhiệm vụ và chức năng cơ bản của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Như vậy, cái sai của anh Bình không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ đi từ cái sai này sang cái sai khác
Gần đây, các quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt nam (SBV) thường hay nói đến lạm phát mục tiêu (inflation targeting) trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay SBV dường như không có nhiều dư địa để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản với tư cách là một Ngân hàng trung ương độc lập.
Viết tới đây, tôi bỗng nhớ khái niệm “hộp đen” mà một thời các vị lãnh đạo cao cấp Việt Nam luôn nói trên cửa miệng. Nói hộp đen mà chẳng hiểu hộp đen hoạt động ra sao. Cho tới khi có bài báo ngắn của Giáo sư Phan Đình Diệu lên án về nạn sính chữ trong các quan, thì hộp đen mới thôi xuất hiện trên tivi, radio và báo chí.
Các cụ đã dạy rồi “thà dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”. Không biết thì viết blog như Tổng Cua, đúng sai có các bạn đọc góp ý và sửa ngay.
Xin đừng để “Trilemma” của Thống đốc thành Dilemma của đất nước này.
HM và một đồng nghiệp X. 20-11-2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét