Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Lý thuyết chuộng thanh khoản Keynes 1936

Chính sách tiền tệ (4) – Cầu tiền tệ – Lý thuyết chuộng thanh khoản Keynes 1936

6-5-2012 (Vietnamica Finance) — Chúng ta đã nhắc tới các lý thuyết của Keynes, Baumol, Tobin và Cagan ở bài Cầu tiền tệ phần 1 và sẽ xem thử Keynes bàn gì về cầu tiền tệ trong thập niên 40 của thế kỷ XX. Keynes là người có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng vì đã cổ vũ sự can thiệp của chính phủ, và làm lung lay ảnh hưởng của laissez-faire của Adam Smith cho tới tận Reaganomics và phong trào deregulation trên thị trường tài chính vào giữa thập niên 1980.
Đây là một trong những lý thuyết cho thấy dấu ấn của Keynes quan trọng trong kinh tế học hiện đại.
Trong lý thuyết về tính ưa chuộng thanh khoản (Keynes Liquidity Preference Theory), Keynes đưa ra 3 động cơ quan trọng khiến người dân (chủ thể kinh tế) nắm giữ tiền mặt:
1. Động cơ giao dịch
2. Động cơ đề phòng (lo xa)
3. Động cơ đầu cơ
Hai động cơ đầu tiên ít nhiều có liên quan trực tiếp tới lý thuyết số lượng. Động cơ giao dịch thì rõ ràng nhắm tới chức năng thanh toán trong hoạt động giao dịch thương mại của xã hội. Động cơ đề phòng lo xa có thể xem như tiếp cận cân bằng tiền mặt trong trạng thái bất trắc, khi các chủ thể kinh tế không biết rõ sắp tới mình sẽ tiến hành loại giao dịch nào.
Theo đánh giá của Keynes, hai động cơ này cơ bản dễ hiểu và là kết quả của hành động kinh tế trong nền kinh tế cũng như mức thu nhập của xã hội.
Phần khó là đề cập tới động cơ thứ 3. Keynes nói rằng, khi ứng dụng cho M1, thì việc nắm giữ tiền mặt – tức là coi như không sinh ra lợi tức – cần giả định rằng chủ thể thực hiện chức năng cất trữ giá trị. Thông thường, để sinh ra một lý thuyết cầu tiền tệ, lại cần đến những giả định khá cứng nhắc. Trong trường hợp lý thuyết ưa chuộng thanh khoản của Keynes, ông giả định rằng bên cạnh tiền phải tồn tại duy nhất một loại tài sản tài chính là một trái phiếu cho lợi tức định kỳ, nhưng không trả lại giá trị gốc danh nghĩa. Người Anh gọi cái này là consol.
Một người dân sẽ thích giữ tiền mặt nếu như theo tính toán cẩn thận, khoản đầu tư của họ trong một khoảng thời gian nào đó vào trái phiếu sẽ gây ra lỗ thực tế.
Ví dụ, trong khoảng thời gian 1 năm, lợi suất danh nghĩa là R thu được từ trái phiếu có thể xác định qua:
R=i_B B + \left(\frac{i_B}{i_{t+1}}-\frac{i_B}{i_t}\right)B (4.1)
trong đó i_B là lợi tức trái phiếu ngoại sinh; B là giá trị danh nghĩa (par value) của trái phiếu. Phần trong ngoặc của (4.1) là độ chênh giữa thị giá trái phiếu tại điểm đầu và điểm cuối của quãng thời gian xem xét.
Thị giá của trái phiếu vĩnh viễn như consol có thể được tính sử dụng công thức niên kim vĩnh viễn. Nếu thị trường có lãi suất dài hạn là i và đặt q=1+i, thì giá trị hiện tại PV của một niên kim x là:
PV=x\left(\frac{q^n - 1}{q^n (q-1)} \right). (4.2)
Theo (4.2), nếu ta tăng n\to\infty thì sẽ dẫn đến công thức niên kim vĩnh viễn: PV=x/i. Do đó, giá trị trái phiếu như Keynes đề xuất sẽ có giá trị thị trường là i_B /i.
Một nhà đầu tư sẽ chuộng tiền (không sinh lãi) nếu như lợi suất trái phiếu consol nói trên nhỏ hơn 0, tức là khi:
0> i_B B + \left(\frac{i_B}{i_{t+1}}-\frac{i_B}{i_t}\right)B (4.3)
nghĩa là
0 > 1 + \left(\frac{1}{i_{t+1}}-\frac{1}{i_t}\right). (4.4)
Như vậy, lợi suất trái phiếu sẽ âm nếu như:
i_{t+1} > \frac{i_t}{(1- i_t)}. (4.5)
Đứng trước điểm lãi suất tới hạn trong tương lai i^{*}_{t+1} xác định bởi:
i^{*}_{t+1}=\frac{i_t}{(1-i_t)} (4.6)
Ta có thể nhận thấy, nhà đầu tư vào trái phiếu sẽ không còn mặn mà với tài sản này, vì một khi lãi suất tăng vượt quá i^{*}_{t+1}, lợi suất tài sản này sẽ nhỏ hơn 0.
Như vậy, nhu cầu đầu cơ phụ thuộc vào kỳ vọng của các chủ thể kinh tế đối với quá trình tăng lãi suất. Trong trường hợp Keynes đưa ra làm ví dụ, do lãi suất là dài hạn, do đó nhu cầu đầu cơ của cư dân căn cứ vào kỳ vọng lãi suất dài hạn trong tương lai để hình thành.
Tùy vào họ tin rằng tại thời điểm t+1, mức lãi suất dài hạn liệu có tăng cao hơn hay giảm thấp hơn mức giá trị tới hạn i^{*}_{t+1}, mà người ta sẽ quyết định nắm toàn bộ là trái phiếu hay bán sạch hay giữ chỉ tiền mặt…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét