Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Nghệ sĩ Tạ Trí Hải - Gã lãng du đường phố và những cuộc tình...


Tạ Trí Hải không còn là cái tên lạ lẫm với nhiều người, dù ông không phải là một nhạc sĩ tên tuổi, nhưng hình ảnh ông già, với mái tóc bạc phơ và bộ quần áo cũ kỹ, kéo đàn violon giữa phố phường Hà Nội, Sài Gòn đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Không gia đình. Không người thân, người nghệ sĩ già ấy đang hát lên những bản du ca của đời mình, xua tan nỗi cô đơn đang ngự trị, tiếng đàn của ông đã kết nối những tâm hồn người…
1. Một góc quán cũ ở phố Trần Quốc Toản mang đầy hoài niệm, Tạ Trí Hải hẹn gặp tôi. Năm nay ông đã ngoài 70 tuổi, nhưng dường như những mệt nhọc, vất vả của đời thường không chạm tới ông. Chiếc xe đạp cũ kỹ ông mượn tạm của người bạn, hai cây vĩ cầm và một chiếc túi đựng những cuốn nhật ký mọi người ghi tặng.
Đó là gia tài còn lại của ông, sau những vật vã sinh tồn nơi phố thị. Tạ Trí Hải không kể nhiều về mình. Mà ông cầm đàn, tiếng vĩ cầm réo rắt mang nặng nỗi lòng của một đứa con sinh ra từ Hà Nội, nhiều năm đi xa lập nghiệp nay trở về, mang theo mình đầy những vết tích của nỗi buồn, nỗi cô đơn. Và khi ông cầm đàn thì mọi phiền muộn trong cuộc đời đều được gột rửa. Dù đi gần hết một kiếp người, ông vẫn chỉ là một kẻ độc hành. Không gia đình. Không nhà cửa.
Ông ra Hà Nội từ tháng mười, và từ đó, hình ảnh ông già vác cây vĩ cầm rong ruổi trên từng con phố đã trở nên quen thuộc trên phố phường Hà Nội. Cuốn nhật ký của ông đã dày lên những con chữ thân tình ấm áp, thứ tài sản vô giá mà ông nói rằng sẽ mang theo khi rời xa cuộc đời này cùng cây vĩ cầm.
Tạ Trí Hải là người Hà Nội, sinh ra ở phố Hàng Đường trong một gia đình tiểu thương. Sau ngày miền Nam giải phóng, Tạ Trí Hải vào Nam, làm một công chức mẫn cán trong ngành cao su. Bàn tay cầm búa của ông chẳng ăn nhập gì với bàn tay cầm đàn, mà lại là violon, thứ đàn học khó vào loại bậc nhất trong các nhạc cụ. Tạ Trí Hải bảo đó là sự lựa chọn khó khăn nhất của ông, khi phải rời xa cây đàn.
Tạ Trí Hải học đàn từ ngày còn nhỏ, việc học của ông không bài bản hay qua một trường lớp nào mà từ bạn bè, anh em trong gia đình. Ngày còn nhỏ ông cầm đàn vì đam mê. Ông có thể tập đàn từ 5h sáng đến 12h trưa, quên cả những cơn đói đang cồn cào trong bụng, quên cả tiếng máy bay đang gầm rú, và quên rằng, ngày mai chưa có gì để ăn.
Một thời đam mê đến mức ông nghĩ mình sẽ từ bỏ cái sự nghiệp khoa học kỹ thuật mà gia đình dày công bắt ông theo đuổi để đi theo tiếng đàn. Nhưng lúc đó chiến tranh, rồi giải phóng, đất nước cần những người cầm máy hơn cầm đàn. Năm 1977, Tạ Trí Hải vĩnh biệt mối tình đầu nhiều nước mắt của mình và giã biệt người bạn đồng hành, là chiếc vĩ cầm, xách ba lô vào Nam, bắt đầu một cuộc đời khác.
Một cuộc đời bó mình trong đồng lương công chức. 30 năm trôi đi như một cái chớp mắt trong một đời người. Bạn bè có gia đình, có sự nghiệp, nhà cao cửa rộng. Tạ Trí Hải vẫn độc thân, trong ngôi nhà cũ bươm của mình. 30 năm đã cuốn trôi ông trong những đổ vỡ, mất mát của tình yêu và cuộc sống. Nhưng tôi biết, trong sâu thẳm người nghệ sĩ già ấy vẫn khát vọng về một mái nhà bình yên, giản dị.
Và trong tận cùng của nỗi cô đơn, hoang lạnh, ông lại cầm đàn. Tiếng vĩ cầm cất lên như hóa giải những phiền muộn trong tâm hồn ông. Thế nên sau hai mươi năm lăn lộn với công việc,  tay cầm đàn đã không còn được nhẹ nhõm như xưa, nhưng tiếng vĩ cầm của ông dường như réo rắt hơn. Vì nó mang cả tâm tư của một con người đôi lúc có cảm tưởng đã bị bỏ quên nơi góc trời.
Tạ Trí Hải không muốn lãng quên mình trong cuộc sống vô vị và tẻ nhạt. Ông cầm đàn, cất lên những bản du ca phố, rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn, những vùng xa xôi hẻo lánh, mà nhiều khi tiếng đàn hoàn toàn xa lạ với họ, hay những vùng bão lụt. Tạ Trí Hải mang tiếng đàn khâu lại những vết thương trong tâm hồn con người. Ông không có tiền để giúp đỡ những người nghèo khổ bằng vật chất, mà bằng tiếng đàn của mình.
Khi tiếng đàn của người nghệ sĩ già cất lên thì những bon chen trong cuộc đời, những vật vã nơi phố thị đều bỏ lại đằng sau hết. Mà chỉ có tình yêu thương con người, bình dị và ấm áp. Chỉ có những khát vọng cao đẹp về cuộc sống. Ông đã truyền cái nhiệt huyết đó, kết nối những tâm hồn con người, hóa giải những phiền muộn, san sẻ những yêu thương. Vì điều quan trọng của âm nhạc đó là chinh phục lòng người.
Đã 5 năm rồi, Tạ Trí Hải mang cây đàn, ngày rong ruổi trên phố đàn hát cho mọi người nghe, đêm lại trở về ngôi nhà ẩm mốc, lụp xụp ở phố Ngô Đức Kế. Một mình, lặng lẽ. Gia tài ông có được, đó là những người bạn, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc tịch, ở khắp mọi miền, trở thành nỗi nhớ cho họ khi ông đi xa. Có người bạn nước ngoài, mê ông đến mức lấy tên Hải đặt tên riêng cho mình. (Ông thành thạo cả hai thứ tiếng Anh và Pháp).
Nghệ sĩ Tạ Trí Hải với trẻ em Hà Nội.
Rồi có một nghệ sĩ nhiếp ảnh, hai năm cầm máy rong ruổi theo người nghệ sĩ già. Ống kính của nhà nhiếp ảnh Tạ Đình Phong như bị hớp hồn bởi vẻ đẹp đời thường của một con người vô danh, mà vô cùng gần gụi, ấm áp. Tạ Đình Phong đã làm một cuộc triển lãm nhỏ về ông. Lần đầu tiên Tạ Trí Hải có một sinh nhật trong đời, khi những bức ảnh đời thường về ông xuất hiện trang trọng trong một cuộc triển lãm.
2. Ít ai biết được rằng, đằng sau cái vẻ tĩnh tại, an nhiên ông có được hôm nay, lại chứa đựng một cuộc đời nhiều sóng gió, mất mát. Khi người lãng tử đã chọn cách sống tha hương, phiêu bạt buộc đời mình vào niềm vui của mọi  người, tâm ông thực sự bình an, "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, và như thế tôi sống vui từng ngày". Nhưng trái tim Tạ Trí Hải đã nhiều lần rỉ máu vì những người phụ nữ đi qua cuộc đời mình.
"Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…", Tạ Trí Hải hồi tưởng về những cuộc tình đã đi qua. Ông bảo, có lẽ ông không có duyên nợ với họ, nên những người đàn bà đi qua đời ông đều để lại những vết thương. Nhiều đêm trong căn nhà ẩm mốc, buồn bã, đối diện với nỗi cô đơn của chính mình, Tạ Trí Hải thấm thía nỗi cô đơn của một kiếp người, nó đến với ông như một định mệnh. Ông đã từng yêu, yêu say đắm những mối tình của mình. Nhưng những người tình đều đã ra đi, để lại ông một mình giữa đất Sài Gòn quá rộng lớn, mà không tìm nổi một bến đỗ bình an.
Tôi hiểu trong đáy sâu tâm hồn ông vẫn ẩn chứa những ký ức đẹp về quãng đời đã qua, những mối tình không đi đến bến bờ. Nhưng tình chỉ đẹp khi còn dang dở. "Có lẽ tôi tìm thấy mình trong những triết lý sống sâu sắc và đầy chiêm nghiệm của Trịnh Công Sơn, khi coi đời sống là cõi  tạm, và đang hát lên những bản du ca của cuộc đời, những thân phận người. Có lẽ tôi không thuộc về một ai".
Có những mối tình thoảng qua. Có những mối tình làm tim ông rỉ máu. Đó là câu chuyện của 30 năm về trước, khi Tạ Trí Hải đã ngoài 40 tuổi. Tạ Trí Hải bảo, giá mà ông có thể viết tiểu thuyết về cuộc đời mình, về một người con gái chơi đàn piano nhỏ bé và mỏng manh nhưng trong tình yêu thì đắm say da diết.
Cô bé đó có tên gọi là Hòa, bạn học của cháu gái, vẫn gọi Tạ Trí Hải bằng bác. Cuộc tình đã cuốn ông vào những cảm xúc trẻ trung của một người con gái mới lớn. Và họ yêu nhau, bất chấp tuổi tác, bất chấp sự ngăn cản của gia đình cô bé. (Đó là một gia đình tư sản giàu có ở đất Sài Gòn). Nhưng tình yêu đó, dù tha thiết cũng không thể đến được bến bờ, vì Tạ Trí Hải vốn rất nghèo, ông chẳng có gì ngoài tình yêu của mình.
Nhiều đêm Sài Gòn mưa tầm tã, nằm một mình trong ngôi nhà hoang lạnh, ông lại nhớ đến bản nhạc rất nổi tiếng của Schumann, Giấc mơ viết cho violon, về một tình yêu đau khổ và tuyệt vọng của người nhạc sĩ vĩ đại. Nhưng chính bản nhạc bất hủ đó đã giúp Schumann có được người đàn bà mà ông yêu. Và Tạ Trí Hải đã từng nghĩ đến một phép nhiệm mầu như vậy đối với mình, dù ông chỉ là một người bình thường.
Trong nhật ký của mình, cô gái đã từng viết những điều chân thật đến đau lòng: "Đồng lương của anh không đủ ăn quà sáng một tuần hay mua một thỏi son". Nhưng tình yêu đó đã khiến cô gái định nhảy lầu tự tử khi bố mẹ cấm đoán và bắt cô ra nước ngoài để đoạn tuyệt với mối tình không môn đăng hộ đối. Sống trong sự bủa vây của những lễ nghĩa khắt khe, những cấm đoán nghiệt ngã, ông và Hòa vẫn dành những thời gian ít ỏi nhất cho nhau.
Những ngày Hòa gần đi, ông chỉ có cái xe cuốc, đạp từ Hóc Môn lên chỉ để nhìn thấy người yêu đang bị nhốt trên lầu, tìm cách ném lên đó một bức thư, và 15 phút sau, quay lại nhận thư trả lời. Nhưng kết cục của mối tình đó vẫn là một câu chuyện buồn, khi Tạ Trí Hải chủ động cắt đứt cuộc tình chỉ vì một lý do, rời xa ông, cô bé sẽ hạnh phúc hơn.
30 năm đã đi qua, người đàn bà đó giờ đã có một cuộc sống yên ổn ở bên kia bán cầu. Còn Tạ Trí Hải vẫn hoang lạnh và cô đơn trong ngôi nhà của chính mình. Nhưng ông không bao giờ oán trách cuộc đời. Rồi những cuộc tình nối tiếp cuộc tình. Tạ Trí Hải vẫn trơ trọi một mình. Tiếng đàn của Tạ Trí Hải lại vang lên trên khắp các nẻo đường, tìm kiếm tri âm. Tiếng đàn hóa giải mọi muộn phiền trong cuộc đời ông.
Và ngày ngày trên phố, người ta vẫn nhìn thấy hình ảnh một ông già với cây vĩ cầm, ngồi trâm ngâm nhìn dòng đời cuộn chảy, mà lòng thực sự bình an. Bởi với những người như ông, thì được sống trong cõi đời đã là mọt điều hạnh phúc, thế nên, hãy làm một điều gì đó thật có ích cho đời.
Dù là một kẻ lãng du, không nhà không cửa, nhưng tôi tin, tài sản và niềm hạnh phúc người nghệ sĩ già có được giàu có gấp nhiều lần những người được xếp vào hạng giàu sang trong xã hội
 http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=146793

0 nhận xét:

Đăng nhận xét