TS. Nguyễn Ngọc Thơ
Khoa Văn hóa học
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM
Tín
ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu (Bà Ma Tổ, Bà Mã Châu) gốc Hoa Nam đã theo bước
di dân người Hoa đến Nam Bộ Việt Nam từ các thế kỷ 17- 19, đã trở thành
một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu khá phổ biến tại đồng bằng Nam Bộ. Tục thờ
này cùng với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và các khía cạnh văn hóa
vật thể gắn liền với nó đã sớm trở thành một “kho tàng” văn hóa dân
gian, ở đó người ta gìn giữ linh hồn của truyền thống, đồng thời cũng là
một kênh giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc của người Hoa
nói riêng, của các tộc người Nam Bộ nói chung. Trong mối tương quan với
văn hóa dân gian các tộc người Việt, Khmer và Chăm trong vùng, tín
ngưỡng Thiên Hậu đã góp phần quan trọng tạo nét đặc trưng mang bản sắc
người Hoa – một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, ngày càng
có giá trị lớn lao trong quá trình dung hợp đa văn hóa để tạo nên diện
mạo văn hóa Nam Bộ Việt Nam trong suốt 300 năm qua.
1. Nguồn gốc, quá trình phát triển và truyền bá đến Việt Nam
Tín
ngưỡng Ma Tổ - Thiên Hậu (Mazu – Tianhou) hình thành tại đảo Mi Châu,
Phổ Điền, Phúc Kiến (Meizhou, Putian, Fujian) vào thời Tống ở Trung
Quốc. Bà tên thật là Lâm Mặc (林默 Lin Mo) thường được gọi là Lâm Mặc Nương (林默娘
Lin Moniang), sinh ngày 23 tháng 3 năm 960, là một nữ shaman nổi tiếng
(Mã Thư Điền, Mã Thư Hiệp 2006: 8-10). Bà vốn là người Đản Dân (Tangka,
còn gọi là Long nhân (龙人người Rồng), Giao nhân (鲛人) – một nhánh hậu duệ người Mân Việt (闽越Minyue) cổ chuyên sống bằng nghề cá và trao đổi hàng hóa trên sông, biển.
Thư tịch Trung Quốc Đại Thanh hội điển sự lệ, Bồ Tát ngoại truyện,
các sách địa phương chí v.v. có ghi chép: bà Lâm Mặc rất thông minh,
tháo vát, giúp dân vượt hoạn nạn và dạy dân cách sống văn minh, thoát
bệnh tật. Một ngày nọ bà ngủ trưa, thấy cha và anh trai gặp bão biển, bà
dùng năng lực đặc biệt cứu được anh trai. Trong khi đang cố gắng cứu
cha thì bà bị mẹ lay dậy nên không cứu được cha. Về sau bà thường dùng
năng lực thần thánh của mình để cứu giúp dân, bao gồm dạy dân dùng rau
rong biển cứu đói, cầu mưa, treo chiếu làm buồm, hàng phục hai thần
Thuận Phong Nhĩ và Lí Thiên Nhãn, giải trừ thủy tai – quái phong, thu
phục nhị quái, chữa bệnh cứu dân, nhận bùa dưới giếng, thăng thiên ở đảo
Mi Châu v.v. (Phan Thị Hoa Lý 2010). Bà qua đời đời ngày 9 tháng 9 năm
987 ở tuổi 28. Người đời tin rằng bà là con gái Ngọc hoàng, ban đầu dân ở
đảo Mi Châu dựng miếu thờ bà, gọi là miếu Ma Tổ. Tương truyền bà thường
hiển linh cứu giúp người đi biển nên dân gian ví bà là vị hải thần([1]) (Chu Thiên Thuận 1990: 86; Lý Lộ Lộ 1995: 19-23 ; La Xuân Vinh 2006: 1-4)).
Đến
năm 1086, nhà Nam Tống chính thức cổ xúy cho tín ngưỡng này, nhờ vậy
phạm vi ảnh hưởng càng ngày càng mở rộng. Đến thời Nguyên, Ma Tổ được
phong làm Thiên phi (天妃,
năm 1354), từ đó tín ngưỡng Ma Tổ phát triển lên vùng hạ lưu Dương Tử,
bán đảo Sơn Đông. Từ thời Minh trở về sau do nhu cầu giao thương hàng
hải với khu vực Đông Nam Á, tín ngưỡng này truyền bá xuống Lĩnh Nam, Đài
Loan và Đông Nam Á. Đời Thanh Khang Hy 1682 , bà được gia phong Thiên Hậu Thánh mẫu. Tên gọi đặc khu hành chính Macau được cho là bắt nguồn từ danh từ “Ma Các” (妈阁 = miếu Ma Tổ). Cuốn Ma Tổ Cung Tập Thành (妈祖宫集成)
ghi chép tại Trung Quốc có hơn 450 huyện, thị, thành phố có miếu Thiên
hậu. Người Mân Nam (nam Phúc Kiến) và Hải Nam thích gọi bà là Đại Mẫu hoặc Ma Tổ (妈祖Mazu), người Quảng Đông gọi là Đức Bà hay Thiên Hậu.
Tín
ngưỡng Thiên Hậu tại Trung Quốc trải qua gần 1000 năm lịch sử, tồn tại
trong mối dung hòa với Đạo giáo, Phật giáo và quan hệ thỏa hiệp với Nho
giáo, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Hoa Nam rất đặc sắc (La Xuân
Vinh 2006). Song xét về bản chất, tục thờ này cơ bản vẫn là tín ngưỡng
dân gian, mang đầu đủ các đặc trưng truyền thống của dòng văn hóa dân
gian phương Nam gần gũi, giản dị. Ở một phương diện nào đó, người Nam Trung Hoa dùng tín ngưỡng Thiên Hậu cùng với các tín ngưỡng thờ Mẫu khác([2]) làm đối trọng với kiểu văn hóa quan phương “nam
tôn nữ ti” phương Bắc (Nguyễn Ngọc Thơ 2011). Điều đó có nghĩa là, tín
ngưỡng Thiên Hậu thấm đẫm các đặc trưng văn hóa phương Nam, đặc biệt và
văn hóa Mân Nam – nơi sản sinh ra nó.
Người
Trung Quốc và Đài Loan thờ Thiên Hậu, coi bà là thủy-hải thần, là nữ
thần hộ mệnh; nữ thần sinh sôi, nữ thần khai sơn v.v., thi thoảng đồng
nhất với Quan âm trong Phật giáo, Tây vương Thánh mẫu trong Đạo giáo,
với Lâm Thủy phu nhân, Kim Hoa phu nhân trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng
Hoa Nam.
Tín
ngưỡng Thiên Hậu du nhập vào Nam Bộ Việt Nam theo dòng di dân người Hoa
vào thời Minh – Thanh, đặc biệt là cuối Minh – đầu Thanh. Đợt 1 vào
khoảng thập niên 1660, có khoảng 7000 người Hoa Nam do Dương Ngạn Địch
và Trần Thượng Xuyên (người Quảng Đông) dẫn đầu vào định cư tại Đồng
Nai, Đề Ngạn (Chợ Lớn) và Mỹ Tho. Đợt
thứ 2 do Mạc Cửu dẫn đầu khai phá đất Hà Tiên, sau phát triển dần xuống
bán đảo Cà Mau. Từ cuối thể kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 20, nhiều dòng di
dân người Hoa người tiếp tục đến vùng Nam Bộ, đặc biệt vào cuối thế kỷ
19, Việt Nam làm thuộc địa của Pháp, các hiệp ước Pháp – Thanh năm 1885
và 1886 đã mở ra nhiều cơ hội để người Hoa di dân đến Việt Nam. Từ đó
trở đi, đồng bào người Hoa đã chung sống chan hòa cùng các cộng đồng bản
địa gồm Việt, Khmer và Chăm, cùng tạo dựng văn hóa Nam Bộ. Hiện tại
toàn Nam Bộ có khoảng 800.000 người dân tộc Hoa (2009), phân thành 5
nhóm hệ dân Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (còn
gọi là Hẹ). Người Quảng Đông tập trung chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh, Đông
Nam Bộ và một số thành phố, thị xã lớn ở Tây Nam Bộ; người Triều Châu cư
trú nhiều nhất ở bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); người
Phúc Kiến và người Hải Nam sinh sống rải rác khắp vùng miền; người Khách
Gia định cư rải rác ở Biên Hòa và khu vực hai bên sông Tiền, sông Hậu,
nhiều nhất là Long Xuyên. Ban đầu cả 5 hệ dân cùng phối hợp nhau dựng
các Thất phủ cổ miếu (Cù lao Phố, Tp. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Vĩnh
Long v.v.) chủ yếu thờ Thiên Hậu, Quan Công, nhưng sau từng nhóm tách
riêng tự xây cất các miếu cho riêng mình.
Trên
đường đi biển, họ thường cầu nguyện Bà hiển linh hỗ trợ. Khi định cư
được bình an tại vùng Nam Bộ, di dân lập miếu trang trọng thờ Bà, ngưỡng
vọng và thờ tự Bà với tấm lòng biết ơn đã giúp đỡ họ được“thuận buồm xuôi gió”.
Theo dòng di dân đến khắp nơi ở Nam Bộ, miếu Thiên Hậu cũng được dựng
lên. Về sau, người Hoa còn thờ Bà thêm chức năng bảo an, ban phát phúc
lộc, thịnh vượng, đặc biệt là hộ mệnh cho trẻ sơ sinh (Trần Hồng Liên
2005). Chính vì thế rải rác ở các thị tứ, thị trấn, thành phố tại vùng
đất Nam Bộ đều có miếu Thiên Hậu với nhiều tên gọi Chùa Bà, Chùa Thiên
Hậu, Thiên Hậu Cung hay miếu Thiên Hậu. Vùng Bạc Liêu, Cà Mau còn gọi
Thiên Hậu là Mã Châu (妈祖Mazu), do vậy miếu Thiên Hậu còn gọi là Chùa Bà Mã Châu 妈祖婆寺(tư
liệu điền dã 2011). Vùng Sóc Trăng cũng gọi là Ma Tổ, phong cách tác
tượng thờ mang nét ảnh hưởng từ Macau và Đài Loan, Ma Tổ gương mặt đen
với tay cầm lệnh bài đưa ngang vai (Trần Hồng Liên 2006).
2.Hiện trạng tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam
Nam
Bộ là một trong sáu vùng văn hóa của cả nước (Tây Bắc, Việt Bắc, đồng
bằng Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ, Trường Sơn-Tây Nguyên và Nam Bộ), có thể
chia tiếp thành hai tiểu vùng gồm vùng Đông Nam Bộ (Tp. Hồ Chí Minh,
Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) với
kiểu loại hình kinh tế - văn hóa lấy rừng cao su, cây công nghiệp và lối
sống đô thị - thương mại làm trọng tâm; và tiểu vùng Tây Nam Bộ (gồm 13
tỉnh thành đồng bằng Sông Cửu Long là Tp. Cần Thơ Long An, Tiền Giang,
Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu
Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) với các đặc trưng lối sống sông
nước, lấy kinh tế nông nghiệp lúa nước và nghề nuôi trồng thủy hải sản
làm chủ đạo.
Nam
Bộ Việt Nam là nơi tập trung đồng bào người Hoa đông đảo nhất (chiếm
gần 90% tổng số người Hoa), và do vậy đây là nơi có số miếu Thiên Hậu
đông đúc nhất cả nước. Hầu hết các miếu tại đây được xây từ thế kỷ 18
đến giữa thế kỷ 19, đúng vào các cao trào di cư. Dưới đây là bảng tổng
kết số các miếu Thiên Hậu tại các địa phương Nam Bộ([3]):
STT
|
Tỉnh/thành phố
|
Số miếu
|
Tên gọi/Địa chỉ
|
1
|
Bình Dương
|
5
|
Miếu Thiên Hậu Phú Cường (TX. Thủ Dầu Một),
Miếu Thiên Hậu tại P. Lái Thiêu (Thuận An),
Miếu Thiên Hậu tại Búng (Thuận An),
Miếu Thiên Hậu tại Bưng Cầu,
Miếu Thiên Hậu tại thị trấn Dầu Tiếng
|
2
|
Bà Rịa – Vũng Tàu
|
2
|
Chùa Bà Bà Rịa,
Miếu Bà Ngũ Bang Tp. Vũng Tàu
|
3
|
Đồng Nai
|
2
|
Miếu Cây Quăn (Bửu Long, Biên Hòa),
Miếu Thiên Hậu Hòa Bình (Hòa Bình, Biên Hòa)
|
4
|
Tây Ninh
|
6
|
Miếu Thiên Hậu (Trần Hưng Đạo, TX. Tây Ninh),
Minh Nghĩa hội quán,
Thất Phủ Hòa An Hậu Minh hương hội,
Miếu Gia Gòn (Thanh Điền, Châu Thành),
Miếu Thanh An (Thanh Phước, Gò Dầu),
Miếu Nhị Phủ (Trảng Bàng).
|
5
|
Bình Phước
|
0
|
|
6
|
Tp. Hồ Chí Minh
|
13
|
Miếu Tuệ Thành (710 Nguyễn Trãi, Q.5),
Ôn Lăng (12 Lão Tử, Quận 5),
Hà Chương (802 Nguyễn Trãi Quận 5),
Quỳnh Phủ (276 Trần Hưng Đạo Quận 5),
Tam Sơn hội quán (116 Triệu Quang Phục Quận 5),
Quần Tân hội quán (2 Lý Thường Kiệt, Gò Vấp),
Miếu Thiên Hậu hội quán Quảng Triệu (132 Nguyễn T. Minh Khai Q.3),
Miếu Xóm Chiếu (Q. 4),
Hội quán Quảng Triệu (122 Bến Chương Dương cũ, nay là Đại lộ Đông Tây, Q. 1),
miếu Thiên Hậu Chợ Quán,
miếu Thiên Hậu số 21 Lê Trực (Bình Thạnh),
miếu Thiên Hậu Cần Thạnh (Cần Giờ),
chùa Bà Thiên Hậu Trung Đông (Thới Tam Thôn, Hóc Môn)
|
7
|
Long An
|
0
|
|
8
|
Tiền Giang
|
3
|
Miếu Thiên Hậu Mỹ Tho
Miếu Thiên Hậu Cai Lậy
Miếu Thiên Hậu Cái Bè (hiện bỏ hoang)
|
9
|
Đồng Tháp
|
2
|
miếu Thiên Hậu Phúc Kiến (Sa Đéc)
miếu Thiên Hậu Quảng Đông (Sa Đéc)
|
10
|
Bến Tre
|
|
miếu Thiên Hậu Giồng Trôm,
miếu Thiên Hậu Ba Tri,
miếu Thiên Hậu Tp. Bến Tre
|
11
|
Vĩnh Long
|
2
|
Thất phủ cổ miếu Vĩnh Long
Miếu Thiên Hậu Ba Càng
|
12
|
Trà Vinh
|
3
|
Phước Minh cung (Tp. Trà Vinh)
Miếu Thiên Hậu Phong Phú (Cầu Kè),
Miếu Thiên Hậu Hiệp Hòa (Cầu Ngang).
|
13
|
An Giang
|
2
|
miếu Thiên Hậu Khách Gia
miếu Thiên Hậu Vĩnh Mỹ (Châu Đốc)
|
14
|
Kiên Giang
|
3
|
Miếu Thiên Hậu Rạch Giá
Thiên Hậu Cung Rạch Giá
Miếu Thiên Hậu Hà Tiên
|
15
|
Cần Thơ
|
3
|
Hội quán Quảng Triệu tại Ninh Kiều,
Miếu Thiên Hậu Cái Răng,
Miếu Thiên Hậu Ô Môn
|
16
|
Hậu Giang
|
0
|
chưa thống kê
|
17
|
Sóc Trăng
|
5
|
Miếu Thiên Hậu Tp. Sóc Trăng,
Miếu Thiên Hậu TX. Vĩnh Châu,
Hải Phước An Tự (Vĩnh Châu),
Miếu Thiên Hậu Mỹ Xuyên,
Chùa Bà An Hiệp (Châu Thành)
|
18
|
Bạc Liêu
|
3
|
Vĩnh Triều Minh hội quán (Tp. Bạc Liêu),
Miếu Thiên Hậu Vĩnh Trạch (Tp. Bạc Liêu),
Miếu Thiên Hậu Gành Hào (Gành Hào)
|
19
|
Cà Mau
|
6
|
Miếu Thiên Hậu Triều Châu (P.2, Tp. Cà Mau),
Miếu Thiên Hậu Phúc Lãnh (Tp. Cà Mau),
Tam Hưng cổ miếu (ngoại vi Tp. Cà Mau),
Miếu Thiên Hậu Sông Đốc (Trần Văn Thời),
Miếu Miếu Thiên Hậu xã Phú Hưng (Cái Nước)
Miếu Thiên Hậu thị trấn Thới Bình (Thới Bình)
|
Tổng cộng
|
60
|
Có
thể thấy có hai khu vực tập trung miếu Thiên Hậu đông đảo nhất, đó là
vùng đô thị Đông Nam Bộ (Tp. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Biên Hoa) của
nhóm người Hoa gốc Quảng Đông; và hai là vùng bán đảo Cà Mau do nhóm
người Hoa gốc Triều Châu và Phúc Kiến xây dựng.
Đối
với đồng bào người Hoa, miếu Thiên Hậu được coi là “ngôi nhà chung”, do
vậy miếu thường được xây dựng bề thế, trang trí công phu. Nói về các
hội quán Hà Chương, Ôn Lăng của người Phúc Kiến, nhà thơ Nguyễn Liêm Phong trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909) đề thơ:
Hà Chương Hội quán ai bì
Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba.
Các chùa còn lắm xa hoa,
Thờ ông Phước Đức, thờ bà Thai Sanh.
Thiên hậu thánh mẫu rất linh,
Quan công thánh đế lịch xinh tượng hình...
Tại hầu hết các miếu Thiên Hậu ngoài đối tượng được thờ ở chính điện thì người ta còn phối thờ nhiều vị thần khác. Chẳng hạn tại miếu Tuệ Thành (710 Nguyễn Trãi, Q.5 Tp. Hồ Chí Minh) ngoài chính điện thờ 3 tượng Thiên Hậu([4]), hai bên tả hữu thờ Kim Hoa phu nhân([5]) và Long mẫu nương nương([6]).
Miếu Thiên Hậu tại đường Trần Hưng Đạo, TX. Tây Ninh cũng phối thờ như
vậy. Miếu Thiên Hậu Bình Dương thờ Thiên Hậu, Ngũ hành nương nương và
Phúc Đức chính thần. Miếu Thiên Hậu tại Tp. Vĩnh Long thì thờ Thiên Hậu
và Kim Hoa phu nhân. Ở miếu Ông Lăng (12 Lão Tử, Quận 5, Tp. Hồ Chí
Minh), ngoài thờ Thiên Hậu Thánh mẫu còn thờ Phước Đức chính thần, bà
chúa Thai sanh, Ngọc hoàng thượng đế, phật Quan âm (Guanyin 观音), Bao Công (Bao Gong 包公), Thành hoàng (Cheng Huang shen城隍神). Tại Hội quán Quảng Triệu (122 Bến Chương Dương) ngoài Thiên Hậu còn thờ thêm 22 đối tượng khác([7]).
Ngoài ra, ở một số miếu thờ Quan Công hay Bắc Đế cũng có phối thờ bà
Thiên Hậu, chẳng hạn tại miếu Ông Bắc (thờ Bắc Đế) và miếu Quan Công ở
thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (tư liệu thực tế 2012).
Tại
tiểu vùng Tây Nam Bộ có hiện tượng người dân (kể cả người Hoa và người
Việt) thờ Thiên Hậu ở gia đình, chẳng hạn tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc
Trăng), một số cư dân địa phương phối thờ Thiên Hậu Thánh mẫu cùng với
tổ tiên gia đình. Ngoài ra, trong một số cơ sở tín ngưỡng thờ các vị
thần khác nhưng vẫn phối thờ Thiên Hậu, chẳng hạn tại Hội quán Nghĩa An
(đường Nguyễn Trãi, F. 11, Q. 5, Tp. Hồ Chí Minh) ngoài thờ chính là
Quan Công còn thờ Thiên Hậu.
Hầu
hết các miếu Thiên Hậu đều mở hội vía bà trong tháng ba, lễ vía chính
thường diễn ra trong hai ngày 22 và 23 tháng ba âm lịch. Ngày 22 người
ta tổ chức lễ mộc dục (沐浴
Bathing) để tắm tượng, thay xiêm y mới và chuẩn bị các công tác cần
thiết cho đại lễ ngày hôm sau. Ngày 23 tháng ba, mọi người tổ chức lễ
rước bà, thỉnh tượng vào kiệu và cung nghinh kiệu đi quanh phố phường.
Người giàu mua heo quay, bộ đồ lễ, đồ nữa trang bằng kim loại dâng cúng.
Người nghèo hơn thì cúng gà và trái cây. Ngày 23 tháng ba thường có hát
Triều 潮戏, hát Quảng 粤戏hay biểu diễn Côn Khúc 昆曲. Riêng miếu Tuệ Thành (Tp. Hồ Chí Minh) ngày 28 tháng chạp hằng năm có thêm lễ khai ấn và phát ấn cho dân để cầu mong “quốc thái dân an 国泰民安”, “như ý cát tường 吉祥如意”, “hợp gia bình an 合家平安”
v.v. (Trần Hồng Liên 2005). Người Hoa và người Việt có tục “vay tiền”
bà Thiên Hậu vào ngày rằm tháng Giêng (tết Nguyên tiêu ở người Hoa, tết
Thượng nguyên ở người Việt) và “trả tiền vay” vào các tháng cuối năm.
Trong
lễ hội người Hoa trước đây tổ chức rất nhiều nghi thức, trong đó không
thể thiếu nghi thức cung nghinh Thánh mẫu dạo phố phường([8]).
Đa số các miếu tổ chức múa lân – múa rồng cung nghênh. Đặc biệt tại
miếu Thiên Hậu Bình Dương, người Hoa Phúc Kiến có tổ chức múa hẩu.
Đây là nét văn hóa độc đáo duy chỉ có ở Bình Dương, trong khi đó ở Hoa
Nam người ta không còn múa hẩu nữa. Đầu con hẩu là một chiếc mặt nạ tròn
rất hung tợn, được vẽ nhiều màu sắc, quanh đầu râu ria xồm xàm, thân
phủ một tấm vải màu vàng rực, đuôi thường làm bằng đuôi trâu hoặc bò.
Múa hẩu khác với múa lân, hay múa rồng, không được trèo leo hay nhún
nhảy vui nhộn, mà phải nghiêm trang, đầu rướn lên cao, xoay mặt qua lại,
lúc thì co lượn, trườn dài, lăn tròn xuống đất. Khi tổ chức rước Thiên
Hậu du xuân, múa hẩu đi trước đê dọn đường (Lý Phát, Đỗ Tiến: www.sugia.vn).
Múa hẩu ở Bình Dương
Xét
theo chiều dài lịch sử, tín ngưỡng Thiên Hậu có mặt tại Nam Bộ Việt Nam
đã 300 năm nay, song chỉ khoảng hai thập niên cuối thế kỷ 20 và những
năm đầu thế kỷ 21 này thì mối quan hệ giao lưu văn hóa Hoa – Việt thể
hiện qua tục thờ này mới phát triển đến đỉnh cao. Suốt thời Nguyễn, thời
Pháp thuộc và thời chống Mỹ, tín ngưỡng Thiên Hậu tồn tại âm thầm trong
cộng đồng người Hoa, tuy người Việt có tham gia các hoạt động cúng bái
song không mang tính chất hệ thống. Kể từ sau khi đất nước cải cách mở
cửa, nền kinh tế thị trường đã làm cuộc sống cư dân Nam Bộ đổi thay,
tiến bộ thì người Việt tại đây bắt đầu tiếp nhận nhiều hơn và tham gia
nhiều hơn vào các hoạt động tín ngưỡng thờ Thiên Hậu. Vào các dịp tết
Xuân, Rằm tháng Giêng, Lễ vía bà tháng 3, Rằm tháng 7, Rằm tháng 10
v.v., rất nhiều người Việt theo nhiều tôn giáo khác nhau tham gia viếng
Bà hay “vay tiền” Bà. Có thể nói, hiện rất khó có thể phân biệt tách
bạch sắc thái Hoa và Việt qua các hoạt động lễ hội bởi sự dung hợp hài
hòa sâu sắc giữa hai dòng văn hóa này. Qua bước đầu khảo cứu, chúng tôi
cho rằng hiện tượng tham gia ngày càng sâu sắc hơn của cộng đồng người
Việt trong tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ bắt nguồn từ nhiều nguyên
nhân, trong đó có:
- (1)Truyền
thống thờ nữ thần vốn rất phổ biến trong văn hóa Việt tạo tiền đề để
người Việt dễ dàng tiếp nhận tục thờ Thiên Hậu khi phù hợp (giống như
trường hợp tích hợp văn hoá Việt-Chăm-Khmer trong các tục thờ Linh Sơn
Thánh Mẫu (Bà Đen) và Bà Chúa Xứ tại Nam Bộ);
- (2)Qua gần 300 năm tồn tại, người Việt thường chỉ nghĩ rằng Thiên Hậu là một vị phúc thần, vị thánh mẫu ban phát phúc lành, thịnh vượng, sung túc hơn là một vị hải thần[9]; và do vậy việc tiếp nhận tục thờ hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng đời sống văn hóa tâm linh;
- (3)Truyền
thống đa thần của người Việt cùng với tính cách mở - thoáng của người
Việt Nam Bộ đã giúp họ sẵn sàng đón nhận một vị nữ thần mới;
- (4)Một
bộ phận người Hoa ở đô thị làm thương mại, dịch vụ trở nên giàu có,
nhiều người Việt cho rằng Thiên Hậu Thánh mẫu đã ban phúc lành ấy, do
vậy một bộ phận người Việt có xu hướng tiếp nhận phong cách văn hóa tín
ngưỡng của người Hoa;
- (5)Sau chiến tranh, văn hóa người Hoa hội nhập sâu rộng hơn vào dòng văn hóa chủ lưu của người Việt tại Nam Bộ.
- (6)Có
hiện tượng người Việt tiếp nhận Thiên Hậu qua lăng kính của Phật giáo,
tức coi Thiên Hậu là/hoặc tương đương một vị Phật bà hay Bồ tát.
- 3.Đặc trưng văn hóa tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam
a.
Nam Bộ là một vùng văn hóa đa tộc người, đa văn hóa chung sống chan
hòa, giữa các tộc người có sự giao thoa văn hóa sâu rộng, tuy nhiên mỗi
tộc người đều mang những nét đặc trưng mang tính bản sắc riêng biệt.
Ngoài người Việt là chủ thể văn hóa chính thì người Khmer có thể kể đến
hệ thống văn hóa, phong tục – tập quán xoay quanh Phật giáo Nam Tông
(Theravada Buddhism), người Chăm với Islam và người Hoa với hệ thống tín
ngưỡng thờ Thiên Hậu và Quan Công[10]. Ở một chừng mực định, đó là những sự lựa chọn văn hóa (cultural selection) có tính lịch sử của người Hoa.
Thật
vậy, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu là một trong những hạt nhân phản ánh bản
sắc văn hóa Hoa tộc trong đại gia đình văn hóa Nam Bộ. Nhắc đến người
Hoa, người ta nhắc đến Bà Thiên Hậu, ngược lại khi nhắc đến Bà Thiên Hậu
người ta nói đến người Hoa. Trường hợp Quan Công thì khác biệt, bởi lẽ
trong truyền thống văn hóa người Việt trong hơn một ngàn năm qua đã có
tục thờ Quan Công, tục thờ này theo chân lưu dân người Việt vào đất Nam
Bộ.
Cộng
đồng người Hoa mượn tục thờ Thiên Hậu để thực hiện chức năng giáo dục
truyền thống, định hướng cộng đồng mình về nhân cách, đạo đức sống cao
đẹp. Thông qua tín ngưỡng này, người Hoa gìn giữ đặc trưng văn hóa tộc
người mình, nhất là các yếu tố thuần phong mỵ tục của đồng bào người
Hoa. Trong tục thờ này có thể thấy người ta tế lễ theo nghi thức Nho
giáo, người tế lễ mặc trang phục chỉnh tề, có phân cao thấp tôn ti.
Ngoài một số ít hình thức bản địa hóa thì hầu hết các bước tiến hành vẫn
giữ nguyên sắc thái có từ Nam Trung Hoa. Thông qua các hoạt động tín
ngưỡng, người Hoa còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như
diễn xướng, ca múa dân gian, múa lân-sư-rồng, múa hẩu, các loại hình thể
thao giải trí v.v.. Các cơ sở tín ngưỡng như miếu, đình với phong cách
kiến trúc truyền thống đặc sắc đã góp phần giáo dục các thế hệ trẻ nguồn
gốc văn hóa tộc người mình.
Lễ
hội miếu bà Thiên Hậu có giá trị về nhiều mặt trong đời sống văn hóa
cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ. Lễ hội vía Bà còn là dịp để bà con gặp gỡ
nhau, thắt chặt tinh thần cố kết cộng đồng, yếu tố không thể thiếu trong
xã hội Á Đông xưa và nay.
Đứng
ở góc độ kinh tế, bản sắc văn hóa truyền thống cùng với giá trị tâm
linh của tục thờ Thiên Hậu từ rất sớm đã trở thành cơ sở cho sự phát
triển du lịch văn hóa – hành hương.
b. Tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam có xu hướng Phật giáo hóa.
Hiện tượng này vốn dĩ đã bắt nguồn từ lâu đời, rất có thể từ thời còn ở
Hoa Nam (Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan). Tuy nhiên, tại Nam Bộ, xu
hướng ấy càng sâu sắc hơn. Miếu Thiên Hậu được gọi là “Chùa Bà” (The
Temple/ Pagoda of Goddess), tương tự miếu Quan Công thường gọi là “Chùa
Ông”. Trong suy nghĩa của nhiều người Việt, Thiên Hậu vừa là thánh mẫu
vừa là Phật Bà. Điển hình nhất là ngôi Thiên Hậu tự ở số 21 Lê Trực,
Quận Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh), vừa thờ Thiên Hậu vừa thờ Phật bà
Quan âm, các nghi thức cúng tế thực hiện theo cả hai phong cách Phật
giáo và tín ngưỡng, và vì thế mới gọi là Chùa Thiên Hậu 天后寺.
Miếu Bà Thiên Hậu chợ Phố (Phong Phú, Cầu Kè, Trà Vinh) chuyển dịch lễ
vía Bà từ ngày 23 tháng 3 thành ngày Rằm tháng 3 âm lịch (Phú Văn Hẳn
2011). Ngược lại, tại một số chùa Phật giáo có hiện tượng phối thờ Thiên
Hậu, như ở chùa Hải Phước An ở Sóc Trăng (Trần Hồng Liên 2005). Không
riêng gì tục thờ Thiện Hậu, tín ngưỡng Bà Chúa Xứ và Bà Đen trong khu
vực cũng có xu hướng tương tự([11]).
Thiên Hậu Tự tại 21 Lê Trực, Bình Thạnh, Tp.Hồ Chí Minh
Trong
suy nghĩ của người Hoa, Thiên Hậu Thánh mẫu là hải thần, vị thần đã
giúp tổ tiên họ vượt biển cả gian nan để đến bến bờ mới an toàn. Từ vị
trí một vị hải thần, Thiên Hậu đã trở thành thần bảo hộ cho cộng đồng
mình, mang đầy đủ ý nghĩa của một vị Bồ tát. Tuy nhiên, trong con mắt
của người Việt và người Khmer, Thiên Hậu trước hết là vị phúc thần (Bebevolent
Goddess), là một Thánh Mẫu linh thiêng như các Thánh Mẫu khác trong
truyền thống như Liễu Hạnh, Bà Chúa Kho, Thiên Y Yana Ponagar, Bà Chúa
Xứ v.v.. Với vị trí một phúc thần, Thiên Hậu được người Việt tiếp nhận theo ngả Phật giáo. Trong tư tưởng người Việt, miếu thờ Thiên Hậu là “nhà chùa” (Chùa Thiên Hậu), và Bà Thiên Hậu hiển linh như Phật Bồ tát vậy.
c.
Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam là một biểu tượng của sự
giao lưu văn hóa Hoa – Việt – Khmer - Chăm, phản ánh sinh động tính chất
dung hợp văn hóa đa tộc người, đa văn hóa của vùng văn hóa Nam Bộ. Tục
thờ Thiên Hậu nhìn chung mang tính mở, sẵn sàng giao lưu văn hóa đa tộc
người. Tín ngưỡng Thiên Hậu hấp thụ văn hóa Việt, Khmer, Chăm; và người
lại các tộc người Việt, Khmer, Chăm tiếp nhận Thiên Hậu với tấm lòng
thành kính.
(*) Đầu tiên là hiện tượng Việt hóa một số khía cạnh của tín ngưỡng Thiên Hậu ở một số địa phương. Nội dung và hình thức cúng tế
bà hiên Hậu có dấu ấn Việt hóa. Cúng cầu an hoàn toàn theo lối người
Việt diễn ra ở hầu hết các miếu Thiên Hậu. Khi đánh trống trong các dịp
lễ hội, người Việt luôn gióng 3 hồi, các miếu Thiên Hậu cũng gióng 3
hồi, trong đó gồm 2 hồi gióng theo quy ước chung của người Hoa và 1 hồi
để tạ ơn đất nước và con người Việt Nam đã cưu mang họ (Trần Hồng Liên
2006).
Tại
hội quán Nghĩa Nhuận và đình Minh Hương Gia Thạnh, các buổi cúng tế đều
tiến hành nghi lễ trong trang phục truyền thống của người Việt, đặc
biệt chủ lễ mặc chiếc áo thụng màu xanh dương kiểu Việt. Nghi thức và
văn tế cũng được đọc bằng tiếng Việt. Sau cúng tế thường có diễn tuồng,
song các vở diễn thường bằng tiếng Việt (trừ các miếu Thiên Hậu ở Tp. Hồ
Chí Minh) và diễn theo phong cách Việt kịch dù nội dung tuồng có gốc
tích từ Trung Quốc. Tại Hà Tiên, lễ vía Thiên Hậu có hát Tiều hát Quảng
diễn theo phong cách người Việt và bằng tiếng Việt (Trần Hồng Liên 2006;
Võ Văn Hoàng 2009).
Tương tự, chùa Bà Thiên Hậu (phường 2, TP Cà Mau) có ban nhạc Đồng Tâm
nghiệp dư Âm nhạc xã của người Hoa biểu diễn các tuồng tích, hát Hồ
Quảng… thu hút đông đảo đồng bào người Hoa và cả người Việt, người Khmer
đến tham dự (tindulich.vn).
Lễ
khai ấn tại miếu Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam thường diễn ra trước tết
với hy vọng chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới đã có được sự phò trợ
của bà Thiên Hậu, giúp cho nước được thịnh, dân được yên trong năm mới,
hoàn toàn giống với tâm tư người Việt (Trần Hồng Liên 2005).
Về
mặt chủ thể, một số miếu Thiên Hậu tại đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu
có sự dịch chuyển từ cộng đồng người Hoa Phúc Kiến, Triều Châu sang cộng
đồng người lai Hoa – Việt (còn gọi là Minh Hương). Chẳng hạn, Phước
Minh Cung của người Mân Nam ở Trà Vinh dần dà trở thành nơi thờ tự của
những người Phúc Kiến lai Việt do cộng đồng này dung hòa khá nhanh vào
cộng đồng người Việt. Vĩnh Triều Minh hội quán ở Bạc Liêu cũng là trường
hợp tương tự đối với cộng đồng người Triều Châu lai Việt. Thiên Hậu
miếu ở Cái Răng tuy không lớn nhưng là một công trình văn hóa cổ kính
tiêu biểu cho văn hóa người Hoa ở Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cả cộng đồng người Hoa và bà con
người Việt, người Khmer (livecantho.com). Một bộ phận người Hoa gốc Phúc
Kiến và Triều Châu từ đất Nam Bộ Việt Nam sang định cư tại Los Angeles
(California) những thập niên cuối thế kỷ 20 cũng xây miếu Thiên Hậu, các
tín đồ người Phúc Kiến, Triều Châu ở đây đại đa phần nói tiếng Việt,
nghi thức cùng tế thực hiện bằng tiếng Việt (tư liệu thực tế 2009).
Một
số nơi người ta phối thờ Thiên Hậu với các vị thần người Việt. Tại miếu
Thiên Hậu (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), Bà Chúa Xứ được đưa vào điện
thờ chung với Thiên Hậu. Tương tự, các vị thần gốc người Việt như Tả
Ban, Hữu Ban, Tiền Vãng, Hậu Vãng v.v. cũng được phối thờ ở một số miếu
rải rác ở Nam Bộ([12]).
Hình thức kiến trúc và nguyên vật liệu xây dựng cũng mang nhiều dấu ấn bản địa hóa. Theo thời gian,
những chất liệu bằng gỗ thường có tuổi thọ thấp, thêm vào đó bị thiên
nhiên và bàn tay con người tàn phá, nên trong quá trình trùng tu, sửa
chữa, họ phải thay bằng các chất liệu mới có sẵn tại địa phương. Những
chi tiết trang trí ban đầu trên các di tích thường là những đồ án cổ
điển của Trung Hoa như: bát tiên, bát bửu, long mã hà đồ, lưỡng long
tranh châu, lưỡng long triều nhật, chồng thư ống bút, mâm bồng lọ hoa,
quả đào, quả lựu, quả phật thủ, hoa cúc, hoa mẫu đơn, rồng phượng, liên
áp, lân giáo tử; các tích truyện của Trung Quốc như: Phong Thần, Tam
Quốc Diễn Nghĩa, v.v…, dần dần cũng thay đổi hoặc có thêm nhiều môtíp
trang trí mới, gắn liền với thiên nhiên, con người, động vật, thực vật
của miền đất Nam Bộ trù phú như cấy trái, chim muông, dây bầu, mãng cầu,
hàng dừa, bụi tre, khóm trúc, chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá, cánh
đồng, ao sen và cả bầy vịt trời v.v.. Tiêu biểu có thể thấy ở miếu Quỳnh
Phủ (Tp. Hồ Chí Minh), ngoài các hoa văn trang trí kể trên còn có 6 bức
sơn mài miêu tả hình ảnh Lục Vân Tiên cưỡi ngựa, tay cầm gậy giao chiến
với Phong Lai, trên đó có 12 câu thơ lục bát bằng tiếng Việt của Nguyễn
Đình Chiểu (Võ Văn Hoàng 2009). Hình
ảnh các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Lê Lợi cũng được đưa vào làm
nền trang trí cho các ngôi miếu xưa như Nghĩa Nhuận hội quán (quận 5,
Tp. Hồ Chí Minh) chẳng hạn.
Ngoài
tiếp nhận văn hóa Việt, tục thờ Thiên Hậu còn thẩm thấu văn hóa Khmer
và Chăm. Trong miếu Thiên Hậu chợ Phố (Phong Phú, Cầu Kè, Trà Vinh), Bà
Thiên Hậu được phối thờ với Naek Ta và Trịnh Hòa (Phú Văn Hẳn 2011). Tại
vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nơi cộng cư Việt – Hoa – Khmer, nhiều gia
đình Khmer khi lập đàn thờ Naek Ta (thần Đất) thì có thêm bài vị khắc
chữ Thần bằng tiếng Hán trên trang thờ. Ngược lại trong miếu Thiên Hậu ở
Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ở giữa sân có thờ thổ thần bằng phiến đá phủ vải
đỏ có ghi ba chữ “Thạch thần cung 石神宫”,
chính là thờ Naek Ta của người Khmer (Trần Hồng Liên 2006). Trong tâm
thức của nhiều cư dân Nam Bộ, Thánh mẫu trong truyền thống có từ đất Bắc
cùng kết hợp với hình ảnh Thánh mẫu của người Chăm (Bà Chúa Ngọc, Bà
Thiên Y Yana) và Bà Thiên Hậu, đều là những vị Mẫu cao quý, luôn ban
phúc lành cho dân chúng. Chính vì thế, ở hình ảnh Bà Chúa Xứ (núi Sam,
Châu Đốc), người ta thấy cả hình ảnh Mẫu Thiên Y Yana của người Chăm và
Bà Thiên Hậu của người Hoa. Bên cạnh đó, bóng rổi – một hình thức nghệ
thuật dân gian Chăm, đã bắt đầu xuất hiện trong lễ vía Thiên Hậu tại một
số khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại An Giang (Phú Văn
Hẳn 2011).
(2)
Bên cạnh đó là hiện tượng một bộ phận người Việt, Khmer trong khu vực
tiếp nhận và thực hiện các nghi thức cúng tế Thiên Hậu như người Hoa([13]).
Miếu Thiên Hậu ở Giồng Trôm (Bến Tre) do chính người Việt lập ra để thờ
Bà. Trong một vài ngôi chùa người Việt ở Nam Bộ, bên cạnh thờ Phật,
người ta đã bắt đầu đặt ngẫu tượng bà Thiên Hậu cùng thờ, chẳng hạn chùa
Vĩnh Phước An ở Sóc Trăng. Ở Nghĩa Nhuận hội quán, một ngôi chùa người
Việt thờ Thành hoàng bổn cảnh, người ta còn phối thờ cả Thiên Hậu Thánh
Mẫu và Quan Công (Nguyễn Đức Hiệp 2011). Ở
Chùa Tổ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, vốn là một ngôi miếu
thờ Tổ nghề của người Việt, người ta phối thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (Võ
Văn Hoàng 2009).
Trong
bất kì hoạt động lễ hội nào diễn ra ở các miếu Thiên Hậu, người Việt
đều tham gia với tất cả lòng cung kính, nhiệt thành. Và vì thế, để phục
vụ đông đảo các tín đồ người Hoa và người Việt, ở nhiều miếu Thiên Hậu
người ta tổ chức tế lễ và hát tuồng bằng tiếng phổ thông – tiếng Việt
(Võ Văn Hoàng 2009). Tại Tp. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, hiện tượng đi
viếng chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương những ngày đầu năm mới âm lịch đã
trở thành một phong tục quan trọng trong năm. Trong những ngày ấy, số
thiện nam tín nữ người Việt đến viếng chiếm đại đa số, mỗi ngày có đến
hàng ngàn người, náo nhiệt hơn hẳn những cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo của
chính người Việt. Ở cộng đồng Khmer Nam Bộ vùng Vĩnh Châu và nhiều nơi
khác ở bán đảo Cà Mau, người ta cung kính thờ Thiên Hậu tại gia đình
cùng với tổ tiên mình (Trần Hồng Liên 2006). Trong các lễ hội gắn liền
với miếu Thiên Hậu tại địa phương, người Khmer cũng tham gia nhiệt tình
như người Hoa và người Việt.
Kết luận
Tín
ngưỡng thờ Thiên Hậu gốc Hoa Nam đã theo bước dân người Hoa đến Nam Bộ
Việt Nam từ các thế kỷ 17, 18, 19, đã trở thành một dạng tín ngưỡng thờ
Mẫu phổ biến tại Nam Bộ. Tục thờ này cùng với các hoạt động văn hóa –
nghệ thuật và các khía cạnh văn hóa vật thể gắn liền với nó đã sớm trở
thành một kênh gìn giữ, lưu truyền văn hóa truyền thống, cũng là một
kênh giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc người Hoa. Trong mối
tương quan với văn hóa các tộc người Việt, Khmer và Chăm trong vùng,
tín ngưỡng Thiên Hậu đã góp phần quan trọng tạo nét đặc trưng văn hóa
mang tính bản sắc của tộc người Hoa – một bộ phận của đại gia đình các
dân tộc Việt Nam.
Cùng
sinh sống trên vùng đất tích hợp đa văn hóa, người Việt và người Khmer
tại Nam Bộ tiếp nhận tục thờ Thiên Hậu qua kênh tín ngưỡng thờ Mẫu và
kênh Phật giáo Bắc Tông, theo đó, trong tâm thức của họ, Thiên Hậu trở
thành một vị Phúc thần, một vị Thánh mẫu từ bi và linh hiển hay một vị
Phật bà đầy huyền bí. Tín ngưỡng Thiên Hậu từ đó đã chuyển đổi chức năng
của mình.
Cùng
với quá trình dung hợp văn hóa đa tộc người trong suốt ba trăm năm qua,
tín ngưỡng Thiên Hậu dần dà hấp thụ các yếu tố văn hóa khác từ các cộng
đồng Việt, Khmer, Chăm để làm giàu thêm phong tục của mình, đồng thời
biến tục thờ Thiên Hậu thành một biểu tương giao lưu văn hóa sinh động
tại Nam Bộ. Hiện tượng giao thoa văn hóa Hoa, việt, Khmer và Chăm qua
tục thờ Thiên Hậu có thể được xem là một mẫu hình của sự chung sống chan
hòa và gắn bó các tộc người nhằm hướng tới sự phát triển mang tính bền
vững tại vùng đất Nam Bộ Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- 1.Phan An-Phan Yến Tuyết-Trần Hồng Liên-Phan Ngọc Nghĩa 1990: Chùa Hoa Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM ,1990
- 2.Phan An chủ biên (1990), Người Hoa quận 6 thành phố Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 6 thành phố Hồ Chí Minh
- 3.Phan An 2002: “Tục thờ cúng Bà Thiên Hậu của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3-2002, tr. 54-57
- 4.Phan An, Trần Đại Tân, Lưu Kim Hoa, Lê Quốc Lâm 2006: Góp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa ở Nam bộ, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa-thông tin
- 5.Toan Ánh 1992: Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, NXB Tp.HCM.
- 6.Ban Quản trị hội quán Hải Nam (2006), Quỳnh Phủ hội quán Tp. Hồ Chí Minh - Hội quán chùa Bà Hải Nam.
- 7.Võ Thanh Bằng (2005), Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
- 8.Châu Hải 1992: Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 153 tr.
- 9.Phú Văn Hẳn 2011: “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng sông Cửu Long”, tài liệu đánh máy của tác giả.
- 10.Nguyễn Đức Hiệp 2011: “Chợ Lớn: lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa”, www.diendan.org
- 11.Nguyễn Duy Hinh 2004: “Mẫu trong tín ngưỡng Trung Quốc cổ đại”, Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, NXB KHXH.
- 12.Võ Văn Hoàng 2008: “Thiên Hậu thánh mẫu trong tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Hội An”, Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam Bộ, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
- 13.Võ Văn Hoàng 2009: “Tiếp xúc và giao lưu văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ”, http://vn.360plus.yahoo.com/hoangcamchau/article?mid=65&;fid=-1
- 14.Tống Quốc Hưng (2009), “Cộng đồng người Hoa – Minh Hương ở thương cảng Hội An”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3.
- 15.Trần Khánh 1992: Vai trò của người Hoa trong nền kinh tế các nước Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- 16.Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà 2002: Nữ thần và thánh mẫu Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội.
- 17.Đặng Hoàng Lan 2011: “Khai thác giá trị hoạt động du lịch trong lễ hội vía Bà Thiên Hậu của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
- 18.Vũ Lê 2004: “Văn hóa người Hoa ở Tp. Hồ Chí Minh”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 12/2004.
- 19.Trần Hồng Liên 2005: Văn hóa người Hoa ở Nam bộ, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
- 20.Trần
Hồng Liên 2005: “Tục thờ cúvà lễ hội truyền thống của Bà Thiên Hậu ở
Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”, Tham luận Hội thảo Folklore Châu Á, Viện Văn hóa dân gian.
- 21.Trần Hồng Liên 2007: “Tục thờ cúng và lễ hội truyền thống của bà Thiên Hậu ở Việt Nam”, Giá trị và tính đa dạng của folklore châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb. Thế giới.
- 22.Trần Hồng Liên chủ biên 2007: Góp phần tìm hiểu văn hoá người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- 23.Phan Thị Hoa Lý 2010: “Truyền thuyết Thiên Hậu ở Trung Quốc và Việt Nam”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
- 24.Lê Hồng Lý (1999), “Hội đền Thiên Hậu”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2.
- 25.Lý
Phát, Đỗ Tiến: “Bước đầu tìm hiểu về cộng đồng người Hoa Phúc Kiến ở
phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một, Bình Dương”, www.sugia.vn.
- 26.Nguyễn Ngọc Thơ 2009: Goddess beliefs in Chinese Ling’nan area, www.harvard-yenching.org
- 27.Nguyễn Ngọc Thơ 2011: “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hoa Nam”, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ, tập 14: 42-60.
- 28.Nguyễn Cẩm Thúy 2000: Định cư của người Hoa trên đất Nam bộ (từ thế kỷ 17 đến năm 1945), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
- 29.Tsai Maw Kuey (1968), Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục.
- 30.Phạm Văn Tú (2008), “Thiên Hậu thánh mẫu - vị nữ thần biển khơi và sự thâm nhập của tín ngưỡng này vào vùng biển phía Nam”, Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam Bộ, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
- 31.Nguyễn Thị Thu Trúc 2007: Tượng và quần thể tiểu tượng gốm của người Hoa ở Sài Gòn, trường hợp miếu Thiên Hậu – hội quán Tuệ Thành (Tp.HCM), Luận văn Thạc sĩ, 290 tr.
- 32.Phạm Văn Tú 2011: Tín ngưỡng dân gian Việt Nam Cà Mau, NXB Khoa học xã hội, 147 trang.
- 33.Nguyễn Thị Thanh Xuyên (2008), Tín ngưỡng Thiên Hậu ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn tốt nghiệp đại học, ngành Nhân học, trường Đại học KHXH & NV thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếng Anh
- 34.Edward H. Schafer 1967: The vermilion bird – T’ang images of the South, University of California Press.
- 35.Hellen
Hye-Sook Hwang 2008: “Issues in studying Mago, the great goddess of
East Asia: primary sources, gynocentric history, and nationalism”, The Constant and changing faces of the goddess: Goddess traditions of Asia (etd by Deepak Shimkhada and Phyllis K. Herman), Cambridge Scholars Publishing, pgs. 10-32
- 36.Laurance G. Thompson 1973: “The Cult of Matsu”, The Chinese way in religion, Dickenson Publishing Company.
- 37.Paul Reid-Bowen 2007: Goddess as nature: towards a philosophical thealogy, Ashgate Publishing Limited.
- 38.Tran
Hong Lien 2006: “Integration of chinese community in Vietnam”, trong
sá“Cultural Encounters between people of Chinese Origin and Local
people: case studies from the Phlippines and Vietnam.”. Edited by Yuko
Mio. Research Institute for Languages and Cultures of Asia and Africa
(ILCAA). Tokyo University of Foreign Studies. pp.87-95.
- 39.Wolfram Eberhard, The local cultures of South and East China, translated from German by Alide Eberhard, Leiden E.J. Brill, 1968
Tiếng Trung
- 40.Chu Thiên Thuận 1986: Nguồn gốc tín ngưỡng Ma Tổ và quá trình truyền bá thời Tống, Học báo ĐH hạ Môn kì 2 (朱天顺 1986:「妈祖信仰的起源及其在宋代的传播」,《厦门大学学报》,第二期).
- 41.Chu Thiên Thuận 1990: Tín ngưỡng Ma Tổ nên hòa hợp cùng xã hội đương thời, Học báo Đại học Hạ Môn, kì 4, trang 86-89 (朱天顺 1990:「妈祖信仰应与当前社会相协调」,《厦门大学学报》,第4期, 86-89 页).
- 42.Chu Thiên Thuận: Yếu tố xã hội chủ yếu tác động đến quá trình truyền bá tín ngưỡng Ma Tổ thời kì Nguyên – Minh (朱天顺:《元明时期促进妈祖信仰传播的主要社会因素》).
- 43.Hoàng Tú Lâm 2005: “Diễn tiến và thuyết mới về tác dụng văn hóa xã hội của tín ngưỡng Ma Tổ”, TC Văn Sử Lĩnh Nam, kì 2: 55-58 (黄秀琳2005: 「妈祖信仰文化社会功能的演进与新说」, 《岭南文史》, 第2期: 55-58页).
- 44.La Xuân Vinh 2006: Nghiên cứu văn hóa Ma Tổ, NXB Cổ tịch Thiên Tân (罗春荣 2006:《妈祖文化研究》,天津古籍出版社)。
- 45.Lâm Mỹ Dung 2005: Tín ngưỡng Ma Tổ và xã hội người Hán (林美容2005:《妈祖信仰与汉人社会》).
- 46.Lý Lộ Lộ 2003: Thần vận Ma Tổ, NXB Học Phạm (李露露 2003:《妈祖神韵》,学范出版社).
- 47.Mã Thư Điền, Mã Thư Hiệp 2006: Toàn tượng Ma Tổ, NXB Mỹ thuật Giang Tây (马书田,马书侠 2006:《全像妈祖》,江西美术出版社).
- 48.Trung Đài Loan (蔡相辉 2006:《台湾民间信仰专题:妈祖》, 国立空中大学)
- 49.Trương Tuần 2005: Văn hóa Ma Tổ: tuyển tập các bài viết về tín ngưỡng Ma Tổ ở Đài Loan (张珣2005:《文化妈祖:台湾妈祖信仰研究论文集》)
- 50.Viên Chung Nhân 1998: Văn hóa Lĩnh Nam, NXB Giáo dục Liêu Ninh (袁钟仁 1998:《岭南文化》,辽宁教育出版社).
- 51.“16 Truyền thuyết cuộc đời Ma Tổ”, Tạp chí Đài Thanh, tháng 6/2004 (「妈祖生平16传说」,《台声》; 2004年06期).
- 52.“18 truyền thuyết hiển linh của Ma Tổ”, Tạp chí Đài Thanh, tháng 6/2004 (「妈祖显录18传说」, 《台声》2004年第06期).
Tài liệu mạng
- 53.http://www.binhthanh.hochiminhcity.gov.vn/gioithieu/Lists/Posts/Post.aspx?List=ae22a659%2Daebe%2D41ba%2Daa8a%2D5b48611a1e11&;ID=7
- 54.http://www.baotayninh.vn/newsdetails.aspx?id=217&;newsid=24320
- 55.http://tindulich.vn/news-non-nuoc-viet-nam/tong-quan/22114-mieu-ba-thien-hau-dau-an-cua-nguoi-hoa-o-ca-mau.html
- 56.http://livecantho.com/du-lich-can-tho/tim-hieu-can-tho/thien-hau-mieu-cai-rang
[1] có ghi trong Thiên Hậu chí, Lâm hiếu nữ sự thực, Thiên phi hiển thánh lục, Di Kiên Chí
([2]) như Long Mẫu vùng trung lưu Tây Giang, Lâm Thủy phu nhân ở Phúc Kiến, Tiễn phu nhân ở tây nam Quảng Đông.
([3]) Số liệu thống kế đến ngày 30/4/2012.
([4])
tượng nhỏ cung nghênh đi diễu hành ngày vía Bà 23 tháng ba, tượng trung
cung ngênh bà thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa – nghệ thuật.
([5]) Nữ thần bảo trợ việc sinh đẻ
([6]) Long Mẫu tên thật là Ôn Long Cơ (温龙姬),
người gốc Âu Việt, quê quán Đằng Huyện, Quảng Tây. Bố mẹ chẳng may bị
lũ cuốn trôi, duy chỉ có Long Mẫu được lão đánh cá vùng Duyệt Thành
(Triệu Khánh, Quảng Đông) tên là Lương Tam Công (梁三公)
cứu sống từ một chiếc thuyền thúng trôi giữa dòng sông. Long Cơ sắc xảo
thông minh, nhờ nuôi 5 con rồng con nên được gọi là Long Mẫu. Về sau,
bà hợp nhất 5 bộ lạc Âu Việt vùng trung và thượng lưu sông Tây Giang
chống quân Tần. Sau khi qua đời, bà được suy tôn thành nữ thần cai quản
dòng Tây Giang và vùng đất rộng lớn thuộc thượng và trung lưu sông Tây
Giang. Cũng có thuyết cho rằng Long Mẫu là hình ảnh vua Dịch Hu Tống (译吁宋)
– lãnh tụ chống quân Tần thất bại năm 218 TCN, đã “nữ thần hóa” theo
truyền thống Âu Việt (Trần Thiệu Cơ 2004; Trần Trạch Hoằng 2007: 379-388; Hoàng Vĩ Tông 2004: 10-11).
([7])
Gồm 1. Kim Hoa nương nương; 2. Thiên Địa phụ mẫu; 3. Văn Xương; 4. Tề
Thiên Đại Thánh; 5. Hoa Ông - Hoa Bà; 6. Thanh Long; 7. Thái Tuế; 8. Bảo
Thọ; 9. Quan Thánh; 10. Long Mẫu nương nương; 11. Bắc Đế; 12. Quan Âm;
13. Bạch Vô Thượng; 14. Thần Nông; 15. Bạch Hổ; 16. Ngọc Hoàng; 17. Bao
Công; 18. Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài); 19. Thiên Quan Tứ Phước (ông
Thiên); 20. Phúc Đức Chánh Thần (Thổ Địa); 21. Môn quan Vương Tả (Quan
gác cửa); 22. Cửu Thiên Huyền nữ.
([8]) Hiện nay Tp. Hồ Chí Minh không còn lệ này do đường phố chật hẹp, người đông đúc.
[9] Trên thực tế, người Hoa định cư chủ yếu ở thị
trấn, thị xã, thành phố, miếu Thiên Hậu thường xây giữa phố phường nên
trong tâm thức người Việt Thiên Hậu là phúc thần chứ hoàn toàn không gắn
liền với chức năng hàng hải.
[10] Tín ngưỡng thờ Thiên
Hậu nổi bật nhất ở cộng đồng người Hoa Quảng Đông, Triều Châu và Hải
Nam; trong khi tín ngưỡng thờ Quan Công nổi trội ở người Hoa Phúc Kiến
và Khách Gia.
([11])
Tại điện Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) ở Tây Ninh người ta xây dựng Chùa
Linh Sơn bao quanh, Linh Sơn Thánh Mẫu được ví như Phật Quan âm (tư liệu
điền dã 2011).
([12])
Hiện tượng bản địa hóa còn thể hiện ở nhiều nơi khác ngoài Nam Bộ,
chẳng hạn tại Thiên Hậu Cung ở làng Thanh Phước (Huế), người ta đặt thêm
một pho tượng nam thần phía trước tượng Thiên Hậu và bảo rằng đó là con
trai Thiên Hậu. Trong suy nghĩ của nhiều người Huế, Thiên Hậu là một
“người mẹ vĩ đại”, và do vậy bên cạnh bà có những đứa con.
([13]) Hiện tượng này hầu như không xảy ra ở cộng đồng người Chăm bởi các chế định chặt chẽ của Islam.
Tóm tắt
Tín
ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu (Bà Ma Tổ, Bà Mã Châu) gốc Hoa Nam đã theo bước
di dân người Hoa đến Nam Bộ Việt Nam từ các thế kỷ 17- 19, đã trở thành
một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu khá phổ biến tại đồng bằng Nam Bộ. Tục thờ
này cùng với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và các khía cạnh văn hóa
vật thể gắn liền với nó đã sớm trở thành một “kho tàng” văn hóa dân
gian, ở đó người ta gìn giữ linh hồn của truyền thống, đồng thời cũng là
một kênh giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc của người Hoa
nói riêng, của các tộc người Nam Bộ nói chung. Trong mối tương quan với
văn hóa dân gian các tộc người Việt, Khmer và Chăm trong vùng, tín
ngưỡng Thiên Hậu đã góp phần quan trọng tạo nét đặc trưng mang bản sắc
người Hoa – một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, ngày càng
có giá trị lớn lao trong quá trình dung hợp đa văn hóa để tạo nên diện
mạo văn hóa Nam Bộ Việt Nam trong suốt 300 năm qua.
Trong
quá trình lịch sử văn hóa vùng đất Nam Bộ, tín ngưỡng Thiên Hậu dần dà
hấp thụ các yếu tố văn hóa khác từ các cộng đồng Việt, Khmer, Chăm, vận
động và biến đổi để làm giàu thêm truyền thống của mình, biến tục thờ
thành một biểu tượng giao lưu và dung hợp văn hóa sinh động. Hiện tượng
giao thoa văn hóa Việt-Hoa, Hoa-Khmer hay Việt-Hoa-Khmer qua tục thờ
Thiên Hậu, nhất là từ sau thống nhất đất nước 1975 đến nay, có thể được
xem là một mẫu hình của sự chung sống chan hòa và gắn bó các tộc người
nhằm hướng tới sự phát triển mang tính bền vững tại vùng đất Nam Bộ. Ở
một chừng mực nhất định, tín ngưỡng này có thể được xem là một biểu
tượng của văn hóa Nam Bộ.
Từ khóa: Thiên Hậu, người Hoa, văn hóa, giao lưu, dung hợp
RELIGIOUS CULTURE AND DEVELOPMENT: THE CULT OF THIEN HAU (TIAN HOU) IN SOUTHERN VIETNAM
The
Chinese traditional cult of Tian Hou (Thien Hau, Mazu), accompanying
the Hoa (Chinese) migrants to Southern Vietnam from the 17th to 19th
century, has become a fairly common form of Goddess worship Southern
Vietnam. This worship, along with the cultural and artistic activities
and other aspects of material culture associated with it, has soon
become a "treasure" of folk culture, in which people preserve the
profound spirit of tradition. Additionally, the cult has been considered
as a channel of moral education to attain the effective and insightful
way of life within the Hoa communities in particular, of the whole
nation in general. In relation to the folklore of the ethnic Viet, Khmer
and Cham in the region, the cult of Tian Hou has contributed greatly to
the formation of the Hoa’s identity - a part of the multi-ethnical
state of Vietnam. It has hencely expressed the great values in process of multicultural acculturation to create the appearance of Southern Vietnam culture over the past 300 years.
During
the cultural-historical processes of Southern Vietnam, the cult of
Thien Hau has gradually absorbed in different cultural elements from the
Viet, the Khmer and the Cham, adjusted and changed to enrich their
traditional sources, turned into a lively symbol of multicultural
exchanges and fusion. The phenomenon of cross-cultural Hoa-Viet,
Hoa-Khmer or Hoa-Viet-Khmer manifested in the cult of Tian Hou,
especially after the National Unification in 1975, can be seen as a
model of coexistence in harmony and cohesion of ethnic groups towards
the sustainable development in the Southern region. To some extent, this
cult can be seen as a symbol of Southern Vietnamese culture.
Key words: Tian Hou, the Hoa (Chinese Vietnamese), culture, exchange, acculturation