Trong vỏ hạt dẻ
Năm 1940.
Vào năm này chính quyền Vichy ở Pháp thân phe trục (phát xít), các
nhân viên ngoại giao của Pháp ở Tokyo đạt được thỏa thuận với chính
quyền quân phiệt Nhật, qua đó chính quyền Đông Dương thuộc Pháp “tề”
Nhật. Người Nhật, sau khi thoát khỏi cái bóng khổng lồ của ý thức hệ
Trung Hoa, đã tự mình phương tây hóa, tự chủ, lớn mạnh và thắng luôn cái
bóng đen khổng lồ Trung Hoa (chiến tranh Trung Nhật Giáp Ngọ
1894-1895), thắng quân đội Nga (1904-1905), chiếm toàn bộ Triều Tiên,
rồi chiếm toàn bộ Trung Hoa (1937-1945) và ở thời điểm Pháp ở Đông Dương
(Indochina) tề Nhật (1940) thì Nhật đã chiếm Đông Nam Á.
Indochina rất quan trọng. Người Nhật dùng phía bắc (Đàng Ngoài, Đông
Kinh = Tonkin) để làm hậu cần cho quân đội Nhật ở Quảng Tây và Vân Nam
thông qua cảng Hải Phòng và đường bộ đi tới Lạng Sơn. Họ dùng phía nam
(Đàng Trong = Cochinchina) để làm căn cứ hải quân và không quân . Lúc
này quân đồng minh (Hoa Kỳ) đã có các hoạt động quân sự ở quanh Hà Nội
và Hải Phòng, quân Nhật đã bị máy bay Mỹ ném bom.
Trong một quãng thời gian rất ngắn ở thời điểm Pháp Nhật đang thỏa
thuận, ngày 22.9.1940 quân đội Nhật cùng một nhóm quân vũ trang người
Việt và người Hoa (Kiến quốc quân, thuộc Việt Nam Phục Quốc Quân của
Hoàng Thân Cường Để) tiến từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Đồng Đăng, đánh
thành Lạng Sơn. Quân Pháp rút chạy, rồi sau đó quân Nhật cũng rút trở
lại qua biên giới. Kiến quốc quân và chỉ huy Trần Trung Lập ở lại chiến
đấu, sau bị Pháp bắt và xử bắn ở Lạng Sơn. Cũng nhân biến cố này, các tù
nhân của Đảng cộng sản Đông dương được Nhật thả ra từ nhà tù Lạng Sơn
khởi nghĩa. Ngay sau đó Chu Văn Tấn được Hoàng Văn Thụ điều xuống nắm
quyền. Cuộc khởi nghĩa này, chính là khởi nghĩa Bắc Sơn, bị Pháp quay
lại dẹp rất nhanh.
Trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy ủy ban khởi nghĩa đã thử nghiệm
được mô hình chính quyền khởi nghĩa sau này được Việt Minh áp dụng khắp
nơi trước khi chiến tranh Pháp -Việt (chiến tranh Đông Dương) nổ ra.
Trong các thử nghiệm ấy có cả đánh du kích, phá hoại và tảo thanh (giết
những người mà họ khép vào tội Việt gian). Chu Văn Tấn sau trở thành Bộ
trưởng quốc phòng đầu tiên của chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng
Tám.
Năm 1787.
Trước cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn rất lâu, vào năm 1787, ông Thomas
Jefferson lúc này đang làm ngoại giao cho Hoa Kỳ ở Pháp, viết thư cho
bạn mình là William Drayton, trong đó có nhắc đến việc mình đang đi tìm
kiếm một loại giống lương thực phù hợp với thổ nhưỡng Hoa Kỳ, và ông đã
tìm ra giống lúa cạn của Xứ Đàng Trong (Cochinchina) có lẽ là phù hợp,
thậm chí ông còn gặp Hoàng tử của Xứ Đàng Trong.
Thomas Jefferson là người viết Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, và sau này
thành tổng thống Mỹ. Hoàng tử nhỏ bé là Hoàng tử Cảnh, con trai trưởng
của vua Xứ Đàng Trong là Nguyễn Ánh, lúc này khoảng 8 tuổi, đang ở cùng
hoàng hậu Marie Antoinette và được bà hoàng này sủng ái. Hoàng hậu sau
bị giết trong cách mạng Pháp. Hoàng tử Cảnh chết một năm trước khi vua
cha lên ngôi vua toàn cõi Việt Nam với tên gọi Gia Long (1802). Em
Hoàng tử Cảnh là Hoàng tử Đảm sau nối ngôi Gia Long, trở thành vua Minh
Mạng. Con cháu Hoàng tử Cảnh bị phế để tránh hậu họa.
Hoàng thân Cường Để là cháu trực hệ đời thứ tư của Hoàng Tử Cảnh và
xét theo kiểu dòng đích tôn thì Cường Để mới là đích tôn của vua Gia
Long.
Thomas Jefferson của Mỹ gặp ông hoàng nhỏ của Xứ Đàng Trong ở Paris
là tín hiệu nhỏ bé nhưng là sự khởi đầu của nước Việt Nam trong vòng
xoáy đầy biến động của thế giới. Cho đến nhà Lê, nước Việt giam mình ở
mảnh đất bé nhỏ sau bị người Pháp gọi là Tonkin và chưa từng biết đến
thế giới bên ngoài. Với họ, thế giới chỉ có một nền văn minh là Trung
Hoa, một ý thức hệ Nho giáo, một mô hình thể chế cần bắt chước là triều
đình Trung Hoa, về ngoại giao chỉ có một hình thức vương quốc vệ tinh,
quan hệ với Trung Hoa theo kiểu chư hầu, và một kẻ thù “man di” là nước
Chàm ở phương Nam. Các biến động tiếp theo, xuất hiện thêm phú Chúa của
nhà Trịnh, rồi hình thành thêm thế lực đối nghịch là chúa Nguyễn ở đàng
trong, nhưng cũng không làm thay đổi bối cảnh được bao nhiêu. Ngay cả
dòng họ chúa Nguyễn mở cõi vào phương Nam vẫn không thoát khỏi cái bóng
của của triều đình nhà Lê, cho dù lúc này bị nhà Trịnh chi phối. Mãi cho
đến chúa thứ 6 là Nguyễn Phúc Chu mới sang Tàu xin phong vương nhưng
bị từ chối vì Tàu vẫn coi đất đàng trong là thuộc nhà Lê.
Thời trước không có cách mạng, chỉ có làm loạn. Được làm vua thua làm
giặc. Làm loạn chỉ có hai kiểu. Loạn trong triều đình, quan lại làm
loạn chống vua này dựng vua kia, phục vụ lợi ích nhóm. Và loạn ngoài
triều đình, nhân dân hoặc cán bộ địa phương bất mãn nổi lên chống lại
triều đình. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ bắt đầu là là
các cán bộ thuế địa phương kiêm buôn lậu nổi chống lại quan lại triều
đình, là Trương Phúc Loan, vốn là kẻ lạm quyền rồi giết vua (cha ruột
Gia Long) toan lên làm vua. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lớn mạnh dần, dẹp cả
nhà Nguyễn đàng trong, dẹp luôn Lê Trịnh ở đàng ngoài, chống ngoại xâm
từ phương bắc, đánh cả ngoại xâm ở phương nam. Đánh xong, thống nhất gần
trọn vẹn đất nước, Nguyễn Huệ lên làm vua, rồi chết. Nguyễn Ánh vùng
dậy giệt nhà Tây Sơn, lên làm vua hưởng cả cơ đồ. Nhà Nguyễn tồn tại đến
đời thứ tư là vua Tự Đức thì Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào Việt Nam
năm 1858.
Thời nhà Nguyễn xã hội phức tạp, nhất là thời Minh Mạng cải cách
hành chính. Nổi loạn khắp nơi nhưng dẹp được cả. Hoàng tộc yếu dần, quan
lại lạm quyền, tham nhũng phe phái, thường xuyên qua mặt vua, bản thân
quan lại chia phe tranh đấu với nhau vì lợi ích nhóm và quan điểm đối
ngoại. Quân đội lạc hậu, kinh tế yếu kém, nông nghiệp mất mùa. Chính
sách chống Pháp của triều đình nhà Nguyễn rất ngô nghê và tàn nhẫn: đóng
cửa với thế giới bên ngoài và giết người theo đạo vô tội vạ. Các quan
đại thần thay mặt vua, ký các hiệp định với Pháp. Mất Nam Kỳ (tên Minh
Mạng đặt cho Xứ Đàng Trong) vào tay Pháp, rồi mất cả nước với hai hòa
ước 1883, 1884. Sau hòa ước Giáp Thân, còn gọi là Hòa ước Patenôtre
Người Pháp dùng danh từ người phương tây gọi Xứ Đàng Trong để đặt cho
thuộc địa mới này: Cochinchina. Miền bắc họ gọi là Tonkin (Đông Kinh) và miền trung là vương quốc Annam (nơi triều đình Huế vẫn tồn tại một cách hình thức).
Ba miền có thể chế riêng, đi lại giữa ba miền phải có visa. Sau này
người Pháp tách nốt cao nguyên và người dân tộc, bắt người Kinh đi lên
vùng này phải có giấy phép. Cho đến khi chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng
Kim do Nhật dựng lên (1945), mới đổi lại tên ba miền là Nam Bộ, Trung
Bộ, Bắc Bộ.
Dưới sự cai trị của nước Pháp, người Việt bắt đầu, một cách quá đột
ngột, sống trong những thể chế chính trị hoàn toàn mới. Quan lại trong
triều chia phe, phe chống Pháp bắt đầu khởi nghĩa. Tôn Thất Thuyết dùng
danh vua Hàm Nghi khởi nghĩa Cần Vương. Các cuộc khởi nghĩa chống Pháp
và phe triều đình thân Pháp diễn ra liên tiếp và cuối cùng đều thất bại.
Cuộc khởi nghĩa cuối cùng là của Phan Đình Phùng (chết 1895). Các cuộc
khởi nghĩa chống Pháp và triều đình thân Pháp không mang lại điều gì
mới. Bình Tây Sát Tả không Bình được Tây mà chỉ Sát được Tả (người Việt
theo Công Giáo). So với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dẫn đến một cuộc nội
chiến kéo dài 30 năm mà người Việt đăng lính để giết người Việt, thì
phong trào Sát Tả là lần đầu tiên người dân thường giết nhau vì khác
biệt tôn giáo và phe phái. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tinh thần
“yêu nước truyền thống”, tinh thần “chống ngoại xâm truyền thống” bắt
đầu chuyển thành yêu nước kiểu độc quyền. Những người yêu nước khác tín
ngưỡng, khác phe phái sẽ bị tiêu diệt bởi những người cũng yêu nước như
mình mà khác tín ngưỡng khác phe phái.
Thất bại ắt dẫn đến tìm tòi. Như thường lệ trí thức tinh hoa đi tìm
trước, và nơi họ tìm đầu tiên là ở nước Tàu. Người Tàu lúc này cũng đang
loay hoay tìm những tư tưởng mới, mô hình mới, thể chế mới. Sau thất
bại của nhà triều đình nhà Thanh trước quân đội Pháp ở vùng đất do họ
bảo hộ là Tonkin (dẫn đến hiệp ước Pháp Thanh), rồi thất bại tiếp theo
trước đế quốc Nhật ở một đất nước chư hầu khác là Triều Tiên, rồi họ để
mất cả Đài Loan và miền bắc vào tay Nhật. Trí thức Tàu đi tìm những ý
tưởng mới ở …nước Nhật của thời đại hậu Minh Trị (Meiji).
Phan Bội Châu xuất hiện trong hoàn cảnh ấy. Ông đến Nhật và có gặp
trí thức cải cách Lương Khải Siêu của Trung Hoa đang lưu vong ở Nhật.
Các tư tưởng quân chủ lập hiến, làm báo để thức tỉnh người dân, mở
trường để truyền bá tri thức mới, …là do Phan Bội Châu học và bị ảnh
hưởng của các nhà cải cách người Tàu này và ảnh hưởng của nền giáo dục
Thoát Á của Nhật.
Trong những ý thức hệ mới mẻ, thổi vào đầu Phan Bội Châu, phải kể đến
thuyết Social Darwinism (thuyết tiến hóa xã hội Darwin) vốn rất thịnh
hành lúc bấy giờ. Thuyết này nói về đấu tranh sinh tồn của các chủng
tộc, chính là lý thuyết về sau kết hợp với tư tưởng của Nietzsche đã
hình thành ý thức hệ của chủ nghĩa dân tộc sức mạnh và hình thành nhà
nước Phát Xít.
Phan Bội Châu nhận ra rằng, chủng tộc Việt (ông gọi là giống nòi)
không thấp kém hơn người da trắng, ít nhất là cũng phải bằng người Nhật
vừa mới chiến thắng người da trắng Nga, và chiến thắng người Hoa, giống
như người Việt đã từng thắng Tống bình Chiêm. Tuy nhiên quý ông da vàng
Phan Bội Châu đặt chủng tộc da vàng và chủng tộc da trắng bằng nhau, và
cao hơn các màu da khác: “Giống vàng, giống trắng tinh anh. Giống đen,
giống đỏ, giống xanh ngu hèn”.
Từ ý thức hệ này, Phan Bội Châu tìm đồng minh là các giống đồng chủng
với mình (nước Nhật) và tìm một ông hoàng thuộc dòng chính thống và có ý
thức chống Pháp (Hoàng thân Cường Để) để mang qua Nhật rồi lập Hội nhằm
tìm cơ hội xây dựng một nhà nước của giống nòi Việt, một nhà nước mà
tiếng Nhật gọi là “Kokumin kokka” vay mượn từ khái niệm nation state
(nhà nước dân tộc, nhà nước quốc dân) tức là một nhà nước của nhân dân
(cộng hòa dân quốc). Ý thức hệ này, được Phan Bội Châu hiện thực hóa
thành một chính phủ lưu vong ở hải ngoại, dù tên của nó là Hội Phục Hồi
Quá Khứ Vinh Quang của Việt Nam (Việt Nam Quang Phục Hội, 1912). Nhà
nước lưu vong này có quân đội (quang phục quân) và quân kỳ – quốc kỳ
(trên đó thể hiện người da vàng đấu tranh chống người da trắng), và tiền
(quân dụng phiếu). Ở hải ngoại, Phan Bội Châu là người đầu tiên sử
dụng và khuếch trương tên Việt Nam (do Gia Long đặt năm 1802) thay cho
Annam. Trong nước thì Nguyễn Thái Học là người đầu tiên nhắc lại tên này
với đại chúng khi ông hô Việt Nam vạn tuế trước pháp trường (1930). Xem
thêm “Con đường của rồng”
Như vậy từ ý thức hệ Social Darwinism, Phan Bội Châu xây dựng được
sách lược hành động: xây dựng nhân lực bằng du học (Đông Du), chống Pháp
bằng bạo lực, xây dựng nhà nước dân tộc, độc lập, dựa vào Nhật, Trung
để thực hiện, từ hải ngoại đánh vào trong nước.
Năm 1906.
Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh qua Quảng Đông, rồi lần lượt đi qua
Nhật. Lúc gặp Lương Khải Siêu ở Nhật, bộ óc cải cách lớn của Trung Hoa
này đã khuyên, có lẽ cả hai ông Phan, một lời khuyên đến giờ vẫn còn
đúng: “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân
không có đủ tư cách độc lập. Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”.
Từ đây Phan Bội Châu xây phong trào Đông Du (1905-1909) đưa du học
sinh qua Nhật, còn Phan Chu Trinh xây dựng Duy Tan, trong đó có Đông
Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, theo mô hình của Fukuzawa Yukichi
(1907-1908). Hai phong trào này đều bị Pháp tìm cách dập tắt rất nhanh.
Ở thời điểm quan trọng này Phan Bội Châu đang ở độ tuổi 40, còn Phan
Chu Trinh trẻ hơn một chút.
Các gia đình địa chủ ở Cochinchina là những người sớm nhận ra sự
thiệt thòi của “nòi giống” Việt trong lĩnh vực kinh tế, khi mà người
Pháp dành độc quyền làm kinh tế cho các tập đoàn Hoa Kiều. Họ gửi con
cái của mình cho Phan Bội Châu và Cường Để, chu cấp tiền bạc cho các
hoạt động của Phan Bội Châu và Cường Để. Người Nam Kì không quên công ơn
dựng cõi phía nam của Gia Long và công ơn ông hoàng tử Cảnh cai trị Sài
Gòn ngày xưa. Cường Để là ngọn cờ của giống nòi để người miền nam đặt
lòng tin vào. Thế nhưng Nhật lúc này tuy thắng Tàu mà vẫn ở thế yếu hơn
Pháp, đã nghe Pháp mà trục xuất Phan Bội Châu cùng Cường Để (1909).
Cường Để lưu vong mấy năm qua nhiều nước, trong đó đáng kể nhất là bí
mật quay về Cochinchina gặp người yêu và chuyến đi qua Anh Quốc cùng các
thanh niên tinh hoa của nhóm Đông Du.
Theo một vài tư liệu, chính vào quãng thời gian sống ở nước Anh, nhóm
Cường Để đã gặp Nguyễn Tất Thành, lúc này chỉ hơn 20 tuổi, đã từ Mỹ trở
về và đang loay hoay với cuộc sống mới ở Châu Âu. Rất có thể các ý
tưởng về dân chủ, quyền con người đã được nhóm thanh niên quý tộc và
thượng lưu miền nam reo mầm tư tưởng vào Nguyễn Tất Thành. Trước đó, khi
ở Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã học được kỹ năng diễn thuyết cho đám đông
từ các nhà hoạt động xã hội ngườ Mỹ da đen. Tư tưởng ấy, cách diễn đạt
ấy đã đi theo Nguyễn Tất Thành tới Paris (1919), được củng cố qua các
cuộc tranh luận thâu đêm suốt sáng trong nhóm Ngũ Long của Phan Chu
Trinh. Lúc này Phan Chu Trinh bị chính quyền Pháp ở Indochina “cất” qua
“mẫu quốc” cho lành. Chất “dân chủ Mỹ” đã đi theo cuộc đời chiến đấu của
Nguyễn Tất Thành, cho dù có mai một ít nhiều, cho đến khi nó được thể
hiện thành lời, cả về ý nghĩa lẫn hình thức diễn thuyết trên bản Tuyên
ngôn Độc lập. Tất nhiên, mọi người đều biết, lời trích dẫn trong Tuyên
Ngôn Độc Lập của Việt Nam, có đoạn trích từ Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ do
Jefferson, người đã gặp Hoàng tử Cảnh ở Paris như đã nói ở trên. Hậu
duệ của Hoàng Tử Cảnh, ông hoàng Cường Để, đã trực tiếp tác động đến suy
nghĩ của Nguyễn Tất Thành (ở London) và gián tiếp giúp đỡ Nguyễn Ái
Quốc (ở vụ ném bom Sa Diện và khởi nghĩa Bắc Sơn).
Lịch sử không một chút vô tình khi đưa người đàn ông trẻ Nguyễn Tất
Thành, người ở độ tuổi 20 không đủ tiền để Đông Du, phải tây du bằng
nghề bồi tàu, cuối cùng lại gặp tất tần tật những ngọn cờ đầu của Duy
Tân ở Paris (1919-1923: gặp Phan Chu Trinh), của Đông Du ở London (1913:
gặp Cường Để) và ở Quảng Châu (1925: gặp Phan Bội Châu).
Chưa hết, lịch sử còn tòi ra một chi tiết khác ấn tượng hơn nhiều.
Lực lượng ủng hộ Cường Để ở miền trung (Annam) và miền nam (Cochinchina)
tuyển mộ và xây dựng được nhiều nhân vật chống Pháp và thân Nhật. Một
trong những nhân vật ấy chính là Ngô Đình Diệm, lãnh đạo quốc gia đầu
tiên ở miền nam chống lại lãnh đạo cộng sản miền bắc là Hồ Chí Minh, tức
là Nguyễn Ái Quốc, tức là Nguyễn Tất Thành ngày trước.
Lối đi của Phan Bội Châu, và cả Phan Chu Trinh, không sai về lối, mà
sai về nguồn lực và phương thức. Cũng lối đi ấy, người Triều Tiên thành
công với việc đánh đổ ách đô hộ của Nhật và họ gọi ngày này là ngày
…Quang Phục (Kwangbok). Còn người Hoa thành công rực rỡ hơn nhiều với
cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 của Tôn Dật Tiên: lật đổ thể chế phong kiến
ngàn đời và thành lập nhà nước tư bản. Có một điều kì quặc thú vị, là
chủ nghĩa Tam Dân và mô hình tổ chức kiểu Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên
được các đảng chính trị của người Việt ở Indochina thuộc Pháp và các tổ
chức chống Pháp ở hải ngoại (Quảng Châu) bắt chước, còn chính ông Tôn
Dật Tiên này để làm cách mạng thì lại lưu vong ở …Hàng Buồm (Hà nội,
Tonkin) năm 1904. Có một điều cũng kì quặc không kém, đó là nhà nước
của Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng, tức Đài Loan, được chính phủ Ngô
Đình Diệm gọi là Trung Hoa (để phân biệt với Trung Cộng), rất thân với
Ngô Đình Nhu. Thế nhưng một lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng là nhà
văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, khi bị mật vụ của Ngô Đình Nhu đuổi bắt
lại chạy trốn vào sứ quán Đài Loan ở Sài Gòn vì …thấy nước này cùng ý
thức hệ với đảng của mình.
Ngoại trừ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Nhất Linh, tất cả các nhân vật
được nhắc tên ở trên đều có gốc từ vùng mà nhà sử học K.W. Taylor gọi là
Thanh – Nghe – Tinh. Sử gia Taylor nhận xét và giải thích: vùng đất
Thanh-Nghe-Tinh ở phía Nam vương quốc của Lê Trịnh, rồi sau đó nằm dưới
sự ảnh hưởng của nhà Nguyễn. Vùng đất này không có tâm thức trung thành
với hoàng gia họ Nguyễn. Đây cũng là vùng đất chống công giáo dữ dội
nhất (thời Minh Mạng?). Dưới thời Pháp thuộc, nó ít bị chính quyền thuộc
địa kiểm soát hơn như Tonkin và Cochinchina, lại không bị chính quyền
phong kiến Annam được Pháp bảo hộ lúc đó để mắt tới. Những thanh niên
đầu tiên trốn qua Trung Quốc cuối những năm 1930 để tham gia tổ chức
kháng Pháp là người vùng này. Rất nhiều tiền bối cộng sản có gốc gác ở
vùng này. Một trong ba đảng cộng sản đầu tiên, tiền thân của ĐCS Việt
Nam, xuất phát từ đây. Chính quyền vô sản đầu tiên chính là Soviet Nghệ
Tĩnh (1929-1930). Nhiều người dân vùng này tham gia cách mạng tháng 8
và tham gia cuộc chiến tranh Pháp Việt. Chính phủ miền bắc sau 1954 sử
dụng rất nhiều người gốc Thanh Nghệ. Sử gia Ho Tai Hue Tam sử dụng từ
“kinship” để tả những tay hoạt động cách mạng đầu tiên, đặc biệt là các
tay cộng sản tiền bối. Kinship nghĩa là đồng chất đồng màu, là đồng
hương, là đồng thổ ngữ, là tin cậy lẫn nhau.
Trong 9 đảng viên đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tuyển mộ từ Tâm Tâm Xã ở
Quảng Châu chỉ có một người gốc bắc là Lâm Đức Thụ. Người này sau bị
phát hiện ra là tay trong của mật thám Pháp. Chuyện này lát nữa nói
tiếp.
Năm 1908.
Sau vụ Hà Thành Đầu Độc do Hoàng Hoa Thám tổ chức , người Pháp xuống
tay dẹp tất tật các phong trào yêu nước, từ Đông Du đến Duy Tân. Đóng
cửa cả Đại học Hà Nội. Đồng thời lúc đó toàn quyền mới tên là Albert
Sarraut xuất thân con nhà giàu có nghề gia đình là làm báo. Ông này cố
gắng thay đổi quan hệ Pháp Việt từ mối quan hệ “cai trị – bị trị” thô
bạo qua mối quan hệ bình đẳng và hữu hảo hơn. Trường học, bệnh viện, báo
chí được sử dụng cho công cuộc cải cách xã hội từ bên trên này. Một số
tờ báo và hội hè trí thức được chính phủ tài trợ ra đời, trong đó có Nam
Phong của Phạm Quỳnh được Louis Marty yểm trợ chính thức. Louis Marty,
có thời lên đến chức Giám đốc sở mật thám Đông Dương, là một người Pháp
(có tài liệu nói Pháp lai) có tài tổ chức, giỏi cả tiếng Việt lẫn Hoa,
hiểu biết sâu sắc về xã hội Việt Nam, đỡ đầu cho khá nhiều trí thức tân
học, sau này bị Việt Minh coi là kẻ thù đáng sợ nhất. Vai trò nổi bật
của ông này là tình báo chính trị . Một vai trò mà sau này
Ngô Đình Nhu sao chép y hệt cho Trần Kim Tuyến.
Năm 1913.
Pháp suy yếu vì nằm trong vòng xoáy của cuộc chiến tranh thế giới thứ
nhất. Nhân cơ hội này, từ Quảng Châu bên kia biên giới, Phan Bội Châu
và Cường Để tiến hành đấu tranh bằng bạo động vào trong nước. Phan Bội
Châu tổ chức ném bom ở khách sạn Hanoi Hotel ở Tràng Tiền năm 1913.
Cường Để hậu thuẫn cho Phan Xích Long tổ chức đánh mìn ở cơ quan công
quyền ở Cochinchina. Tất cả những người tham gia đều bị tử hình hoặc tử
hình vắng mặt. Vua Duy Tân bị quản thúc năm 1916 do dính líu đến lực
lượng nổi dậy. Thủ lĩnh nổi dậy là Trần Cao Vân bị xử tử. Duy Tân bị đưa
đi đầy ở đảo Reunion một năm sau đó. Khải Định, giống vua cha là Đồng
Khánh, thuộc phe thân Pháp được người Pháp đưa lên ngôi.
Thế chiến thứ nhất kết thúc. Chủ nghĩa quốc gia cơ bắp (muscular
nationalism) phát triển mạnh ở Đức. Cách mạng vô sản thành công ở Nga
năm 1917.
Người Pháp bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt ở phía bắc, miền
trung và miền nam. Họ cũng mở xưởng đóng tàu. Xây cảng. Sau Thế chiến
thứ nhất, các nhà đầu tư Pháp mang tiền qua Indochina để kiếm lời. Bắt
đầu xuất hiện tầng lớp “thợ thuyền” và “công nhân đồn điền”. Rất nhiều
lính thợ và công nhân, lúc trước tình nguyện đi qua mẫu quốc để phục vụ
trong chiến tranh, bắt đầu quay về làm việc cho một nền kinh tế hậu
chiến bắt đầu bùng nổ ở thuộc địa. Một tầng lớp lao động mới ra đời dù
lúc đó chưa ai biết gọi cái tầng lớp ấy là gì.
Trong A history of the Vietnamese, sử gia Taylor cho biết việc xây
dựng đường sắt thành công ở Indochina vừa là niềm tự hào của người Pháp,
vừa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, vừa là đòn bẩy làm bùng nổ kinh
tế ở Indochina, lại vừa là phương tiện giao thông thuận tiện mở rộng
chân trời của người Việt Nam.
Theo số liệu của sử gia KW Taylor , chỉ trong vòng 10 năm sau Thế
chiến thứ nhất, tổng đầu tư ở Indochina nhiều gấp 15 lần đầu
tư của 30 năm trước đó. Nền công nghiệp xe hơi thế giới cũng bùng nổ vào
quãng thời gian này, khiến sản lượng cao su của Indochina tăng gấp 30
lần trong những năm 1920. Công nhân làm việc trong đồn điền cao su, từ
dưới 3 ngàn nhân công, tăng lên trên 80 ngàn người. Sản lượng than tăng
300 phần trăm. Sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa phát triển. Xuất khẩu
gạo tăng gấp đôi.
Chính trị ở Pháp cũng có nhiều thay đổi. Ngày nay ta nhìn vào chính
phủ Hoa Kỳ, các tổng thống và đảng cầm quyền thay đổi thì chính sách
cũng thay đổi theo. Ngày xưa chính sách của Pháp ở thuộc địa cũng thay
đổi như thế. Thậm chí còn hơn, bởi nó còn phụ thuộc vào cá nhân vị toàn
quyền được bổ nhiệm. Albert Sarraut và Maurice Long được coi là những vị
toàn quyền ở phe cởi mở, sử dụng các biện pháp dân sự, đặc biệt là báo
chí và giáo dục, để xây dựng quan hệ Pháp Việt tốt đẹp dần lên. Sau năm
1919 số trường học ở Indochina tăng lên tuy vẫn tập trung ở các thành
phố lớn. Theo số liệu nhà sử học Ho Tai Hue Tam tìm được, đã có 144,300
học sinh đi học tiểu học vào năm 1921. Đến niên khóa 1924-1925 có
187,000 học sinh đi học, trong đó có 17,000 học sinh học cấp 3. Đến năm
1930 có 323,759 học sinh đi học trường công lập và khoảng 60,000 học
sinh học trường tư và 3,000 học sinh học trường Pháp lycée (Albert
Sarraut ở Hà Nội, Chasseloup Laubat ở Saigon và Dalat Lycee). Dân số
Indochina lúc đó khoảng trên 17 triệu người.
Người Pháp ở Indochina cũng chia rẽ, có những người vẫn nặng đầu óc
thực dân bóc lột, có những người có thiện cảm và tôn trọng dân bản xứ.
Một số ít thanh niên Cochinchina thuộc tầng lớp trên du học ở Pháp
bắt đầu trở về. Kinh tế và xã hội ở phía nam hiện đại và cấp tiến hơn
các vùng khác, do Sài Gòn trở thành thành phố thuộc Pháp từ sớm đến thời
điểm này đã có khoảng 60 năm thuộc Pháp. Đã có những người Việt sinh ra
và lớn lên trong bối cảnh kinh tế chính trị hoàn toàn Pháp thuộc. Gia
đình họ giàu có, họ nhập quốc tịch Pháp và đi Pháp du học.
Đặc tính của mỗi dân tộc được quyết định bởi số đông trung bình (giới
bình dân) của dân tộc ấy. Giới bình dân của Hoa Kỳ là những người trung
lưu chăm chỉ và có tinh thần tự lập. Giới bình dân của nước ta cho đến
những năm 1920 là những người nghèo khổ ở tầng đáy xã hội. Những người ở
tầng lớp dưới về cơ bản là giống nhau, ít khác biệt. Tâm thức của họ
không được sâu sắc lắm, nhận thức về xã hội không được mấy sáng sủa, mù
mờ về chính trị, tình cảm nghèo nàn. Họ không bao giờ hiểu được những
người tầng lớp trên, và khó chịu đựng được sự khác biệt. Những người ở
tầng lớp trên, ngược lại, không hiểu được tình cảm, nhận thức và cả sức
mạnh của tầng lớp dưới. Những người ở tầng lớp trên cũng đa dạng cá
nhân, mỗi người mỗi kiếu và vì thế họ dễ chấp nhận sự khác biệt.
Năm 1917.
Bùi Quang Chiêu sinh ra (1873) trong một gia đình bề thế, có quốc
tịch Pháp.Về tuổi tác, Bùi Quang Chiêu trẻ hơn Phan Chu Trinh vài tuổi
(còn Phan Chu Trinh trẻ hơn Phan Bội Châu vài tuổi). Lần đầu đi du học
của Bùi Quang Chiêu rất sớm, ở Algerie, khoảng 1894. Lần thứ hai đi du
học (ở trường Thuộc Địa ở Pháp?). Người ta cho rằng trong chuyến đi này,
vào năm 1911, tay nhà giàu lớn tuổi đã gặp anh nhà nghèo trẻ tuổi Paul
Thành trên cùng một chuyến tàu, ở hai địa vị khác nhau. Bùi Quang Chiêu
đã tư vấn cho Paul Thành nộp đơn vào trường Thuộc Địa. Việc này sau đó
đã xảy ra, nhưng đơn xin học của anh Thành đã bị từ chối. Sau đó Nguyễn
Tất Thành đi Mỹ, đi Anh rồi đến Paris như đã nói ở trên.
Từ Pháp trở về với tấm bằng danh giá lúc bấy giờ là kỹ sư canh nông
và mang trong đầu tư tưởng đấu tranh bất bạo động của Gandhi , Bùi Quang
Chiêu làm việc cho chính quyền thuộc địa trong lĩnh vực nông nghiệp, từ
đó xây dựng được các quan hệ với người Việt có tiềm năng làm doanh nhân
và chính trị gia, là hai thứ rất mới mẻ và lạ lẫm với xã hội Việt lúc
bấy giờ. Cùng thời với các phong trào đề cao giống nòi, chấn hưng dân
tộc của hai ông Phan, Bùi Quang Chiêu đề ra phong trào đỏi hỏi các quyền
lợi rất lạ lẫm với người Việt: quyền làm kinh tế, chống độc quyền kinh
tế của người Hoa, quyền bỏ phiếu, quyền chính trị, vốn vẫn là quyền chỉ
dành cho người Pháp da trắng. Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai sử dụng
tờ báo được chính quyền Sarraut tài trợ, tờ La Tribune Indigène (1917)
để phát biểu ý kiến của mình, nhưng luôn giữ cho tờ này ở vai trò phản
biện, không vượt qua lằn ranh chống đối.
Bùi Quang Chiêu tổ chức các hoạt động tẩy chay hàng hóa của người
Hoa, thành lập nhà máy xay gạo đầu tiên của người Việt ở Mỹ Tho để phá
vỡ thế độc quyền ngành của người Hoa, mở ngân hàng đầu tiên của người
Việt ở Sài Gòn. Mặt khác, do có quốc tịch Pháp, Bùi Quang Chiêu hoạt
động chính trị ở “mẫu quốc” để đòi hỏi những quyền lợi cho Indochina,
những quyền này cho đến tận ngày nay vẫn là các quyền dù quen tai về
hình thức nhưng rất xa lạ về nội dung với xã hội: tự do ngôn luận, tự do
lập hội, tự do báo chí.
Nhóm Lập Hiến (Constitutionalist) là một nhóm nhỏ (được cho là khoảng
30 thành viên) tập hợp quanh Bùi Quang Chiêu để đấu tranh chính trị.
Đây là nhóm chính trị đầu tiên đấu tranh bất bạo động và công khai thông
qua cải cách hiến pháp để đòi hỏi quyền lợi chính trị và kinh tế cho
người bản xứ. Một nhân vật bí ẩn tên là Diệp Văn Cương, được cho là thân
cận với Bùi Quang Chiêu, đã soạn thảo đề xuất cải cách thể chế rất tiến
bộ, từ cấp làng xã đến chính quyền trung ương, trong đó có việc tăng số
ghế cho người bản xứ trong Hội đồng Thuộc địa và cải cách tư pháp bằng
cách đặt ra chức thẩm phán hòa giải. Trong khoảng chục năm đấu tranh
chính trị, bao gồm cả việc sử dụng hai cơ quan ngôn luận và của họ là La
Tribune Indigène (Nguyễn Phú Khai) và L’Écho Annamite (Nguyễn Phan
Long) nhóm này đã đạt được kỳ tích khi chính phủ bảo hộ cho số người bản
xứ được quyền bầu cử (cử chi đoàn) tăng từ 2 ngàn lên 20 ngàn (số liệu
của Taylor), số thành viên người bản xứ ngồi trong Hội đồng Thuộc địa
tăng lên 10 ghế, trong đó Nguyễn Phan Long giữ vị trí Phó Hội Đồng.
Trong thời gian 1917-1923 nhóm của Bùi Quang Chiêu đã phá băng môi
trường chính trị ở thuộc địa, mở lối cho các phong trào chính trị của
những du học sinh thế hệ sau trẻ hơn, biến Hội đồng Thuộc địa từ một
định chế cai trị thành một định chế dân chủ hơn rất nhiều và biến các cơ
quan báo chí được chính quyền thuộc địa tài trợ ngầm thành cơ quan phát
ngôn cho chính kiến của mình. Nhóm Lập Hiến đi theo chủ nghĩa tinh hoa,
không quan tâm đến giới bình dân và quyền lợi của họ, đồng thời va chạm
quyền lợi với nhóm Pháp thực dân quen thói bóc lột, và không làm hài
lòng các vị toàn quyền người Pháp vốn chủ trương cải cách giáo dục và
văn hóa hơn là cải cách chính trị. Các xung đột này đều được “tranh đấu”
bằng các phương thức văn minh hợp pháp, không sử dụng bạo lực. Ngay sau
Cách Mạng Tháng Tám, Bùi Quang Chiêu lúc này đã hơn 70 tuổi đã bị Việt
Minh bắt và giết cùng năm người con của mình, trong đó người con út chưa
đầy 20 tuổi.
Năm 1922-1923.
Cải cách thể chế thành công năm (1922) cũng đúng vào lúc Nguyễn An
Ninh, một thanh niên con nhà giàu lúc này 23 tuổi, tốt nghiệp Trường
Luật ở Pháp quay về Sài Gòn và là thành viên cứng cựa của phong trào
Jeune Annam (Thanh niên Annam) cùng với nhà hoạt động cánh tả người Pháp
trẻ hơn một tuổi là André Malraux. Mười năm sau Malraux nổi danh với
cuốn tiểu thuyết được giải Goncourt (1933), và sau Thế chiến 2 trở thành
Bộ trưởng trong chính phủ Charles de Gaulle (1945).
Cũng thời gian này, một thanh niên khác, già hơn Nguyễn An Ninh
khoảng 10 tuổi, và cùng là thành viên nhóm Ngũ Long với Phan Chu Trinh
và Nguyễn An Ninh ở Paris, gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp rồi qua Nga
(1922-1923). Tất nhiên đấy chính là Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1920-1929 ( ở Tonkin)
Ở Tonkin, một thanh niên khác , trẻ hơn Nguyễn An Ninh 2 tuổi, và
không phải là du học sinh, tên là Nguyễn Thái Học, đã thành lập Đảng bí
mật tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927) trên nền tảng của Nam Đồng Thư
Xã. Theo nội dung trong sách của Hoàng Văn Đào, cuốn Việt Nam Quốc Dân
Đảng, thì có vẻ như đảng này có ý thức hệ rất mơ hồ, vừa theo Tam Dân
của Tôn Dật Tiên, vừa có mùi vị Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ai của Pháp; vừa
học tập QDĐ của Tàu vừa chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu (có thời kỳ
đảng này mời Phan Bội Châu làm chủ tịch danh dự). Về tổ chức Đảng này tự
mày mò xây dựng theo chiều dọc: Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ, chi bộ. Tôn
chỉ là sử dụng bạo lực lật đổ phong kiến và thực dân. Tổng bộ có nhiều
ban, trong đó có ban ám sát. Ban ám sát năm 1929 đã giết một tay mộ phu
đồn điền tên là Bazin, dẫn đến việc Đảng bị mật thám Pháp khủng bố tan
nát khiến Nguyễn Thái Học phải quyết định khởi nghĩa non và sau đó là
thất bại. Ban ám sát còn nhận nhiệm vụ giết những người trong Đảng mà
bất đồng chính kiến với tổ chức, nhất là khi nhóm lãnh đạo Đảng bị phân
hóa và phe ủng hộ đấu tranh bạo lực thắng phe ôn hòa. Nhân vật nổi bật
của ban này là Ký Con. Kế hoạch hành động của Đảng cũng khá mạch lạc tuy
còn ngây thơ do lãnh đạo đảng chủ yếu là các tay làm chính trị tự học
tự làm. Họ chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là tuyển mộ, đào tạo
đảng viên, sau đó đấu tranh bạo động để lấy chính quyền. Giai đoạn sau
là nắm chính quyền và thiết lập chính quyền quân sự, rồi chuyển qua huấn
luyện chính trị (“huấn chính”) cho xã hội theo nguyên tắc “Dĩ Đảng Trị
Quốc, và cuối cùng mới là “hiến chính” để xây dựng thể chế pháp quyền,
xây dựng hiến pháp và tổ chức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu.
VNQDĐ phát triển mạng lưới đảng viên khá nhanh ở cả ba kỳ. Nhưng có
lẽ chất lượng Đảng viên không được tốt, kỷ luật Đảng hơi kiểu hội kín
Tàu, cách hành xử khá thô bạo. Trong sách của Hoàng Văn Đào kể khá
nhiều chuyện ban ám sát đi giết những đảng viên bị coi là phản đảng.
Cũng có kể chuyện bí thư trưởng của đảng là Vũ Hồng Khanh vì hiểu nhầm
Đội Sửu vi phạm nguyên tắc đảng đã rút súng bắn chết Đội Sửu tại chỗ bất
chấp Đội Sửu là tay gộc của đảng. Ở đây có một chi tiết thú vị nữa của
lịch sử. Khi Quốc dân quân, quân đội của VNQDĐ bị Pháp và Việt Minh
đánh, họ chạy qua Trung Quốc. Còn quân đội cộng sản của Đặng Tiểu Bình
bị Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đánh, họ chạy qua Cao Bằng. Nhưng
đó là những năm sau này.
Sau vụ ám sát Bazin chưa đầy một năm, Nguyễn Thái Học khởi nghĩa Yên
Bái (1930) và thất bại. Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị xử chém. Cô
Bắc, Cô Giang thoát chết. Nhưng Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) là người yêu
của Nguyễn Thái Học đi về tận quê Nguyễn Thái Học, tháo đồng hồ tặng
người em chồng tương lai, rồi ra đầu làng dùng khẩu súng người yêu tặng
bắn vào đầu tự sát. Quốc Dân Đảng sau này sống lại chủ yếu nhờ các lãnh
đạo đảng ở hải ngoại (chủ yếu là Tàu Tưởng) trở về nước tham gia hoạt
động. Đồng thời kết hợp với Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh và
dựa vào quân đội Tàu Tưởng của Lư Hán, Tiêu Văn.
Năm 1925-1928 (ở Cochinchina)
Trong lúc đó ở Sài Gòn, ngay sau khi về nước, Nguyễn An Ninh lập tức
có các hoạt động xã hội. Theo Ho Tai Hue Tam, Nguyễn An Ninh chịu ảnh
hưởng tư tưởng của Nietzche, Bergson, và Gide. Năm 1923 trên tờ báo
Cloche Fêlée do chính mình xuất bản, Nguyễn An Ninh đã bộc lộ tư tưởng
vô chính phủ nổi loạn của mình với bài viết mà tên của nó dịch ra tiếng
Anh là “Order and Anarchy”. Cùng với các hoạt động diễn thuyết theo kiểu
vô chính phủ “nihilist” từ nước Nga, Nguyễn An Ninh trở thành thần
tượng của giới trẻ cấp tiến Sài Gòn, đặc biệt là các thành viên của trào
lưu thanh niên cấp tiến Jeune Annam.
Khác với các tờ báo cùng chính kiến nhưng khác phe của Bùi Quang
Chiêu, André Malraux (Indochine), Paul Monin (Vérité) thường đấu tranh
với chính quyền thông qua đối thoại và phản biện, tờ báo của Nguyễn An
Ninh kêu gọi thanh niên hành động chống chính quyền. Nguyễn An Ninh viết
trên báo của mình: “Liberty is not to be begged for”. Khác với Bùi
Quang Chiêu luôn gói gọn tất cả trong nhóm nhỏ theo chủ nghĩa tinh hoa
(elitism) và coi thường quần chúng lao động, Nguyễn An Ninh tuy xuất
thân ở tầng lớp trên nhưng lại đi vào giới bình dân của Indochina, tức
là đi với nông dân, tiểu thương, giáo viên và đặc biệt là thanh niên,
học sinh. Thậm chí ông còn sử dụng cả lãnh đạo của thế giới ngầm cho
các hoạt động của mình. Hình ảnh anh thanh niên nhà giàu du học ở Pháp
về đi guốc mộc bán báo dạo trên đường phố Sài Gòn, hay đi xe đạp đền
từng ngôi chùa ở ngoại thành để tuyên truyền đã cuốn hút người lao động.
Hơn thế, Nguyễn An Ninh có lẽ khá hào hứng với phong trào dân túy và
thích thú với các mô hình hội kín kiểu Thiên Địa Hội của thế giới ngầm
và cũng như các tôn giáo bình dân, nên đã có mối quan hệ đặc biệt với
Cao Đài và âm thầm tuyển mộ người cho đảng kín: Thanh Niên Cao Vọng
Đảng, hay còn được gọi là Đảng kín Nguyễn An Ninh.
Nguyễn An Ninh bị bắt đi tù bốn lần. Lần thứ tư thì chết trong tù. Về
thực chất, Nguyễn An Ninh giống một tay hoạt động xã hội độc lập, không
có ý thức hệ, không có sách lược cụ thể, không có phương pháp tổ chức
đảng chính trị dù được quần chúng ủng hộ và sẵn sang đi theo. Có vẻ sau
mỗi lần đi tù tư tưởng của Nguyễn An Ninh lại chuyển dần qua phía cộng
sản. Các thành viên của Thanh niên cao vọng đảng dần dần cũng chuyển
hóa thành cộng sản đệ tam Stalinist: Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần, Tô Ký. Một
người khác không xuất thân từ giới bình dân là Phan Văn Hùm sau chuyển
qua cộng sản đệ tứ Trotskist. Những người cộng sản đệ tứ ở Cochinchina,
sau cách mạng tháng 8 bị Việt Minh giết. Nguyễn An Ninh chết ở Côn Đảo
(1943), rất lâu sau này tự nhiên được phong liệt sỹ (1980).
Thời kỳ này ở Cochinchina không chỉ khai mở bầu không khí chính trị
đa dạng mà còn đón nhận các ý tưởng tôn giáo mới. Đây có lẽ là thời kỳ
rực rỡ nhất của một xã hội dân sự đúng nghĩa. Cao Đài hình thành (1926) ở
vùng sống chung giữa người Việt và Khmer. Ngay sau khi ra đời, Cao Đài
phát triển mạnh mẽ. Hoàng thân Cường Để ngầm ủng hộ Cao Đài và về sau
này người Nhật dựa vào Cao Đài để kháng Pháp. Chính quyền thuộc địa sớm
nhận ra mối đe dọa từ giáo phái này, bắt ngay giáo chủ Phạm Công Tắc cho
đi đầy ở Madagascar và chiếm đóng Tòa thánh Tây ninh. Nhưng khi chiến
tranh Pháp Việt nổ ra,Cao Đài tổ chức quân đội riêng và do khác biệt
đường lối yêu nước và tín ngưỡng, Việt Minh đàn áp Cao Đài tàn nhẫn cho
dù đạo này lúc này đã được quân đội Pháp yểm trợ. Sang thời Việt Nam
Cộng Hòa, chế độ Diệm ra tay thịt thêm lần nữa, giáo chủ Phạm Công Tắc
chết ở đất Cambodia.
Năm 1924-1927 (ở Quảng Châu)
Như vậy, cho đến thời điểm này chưa có một tổ chức chính trị nào đủ
mạnh và đủ ảnh hưởng trên cả ba miền cũng như trên toàn cõi Đông Dương,
mặc dù tất cả các đảng và hội đoàn dù ở hải ngoại hay trong nước đều
đóng góp vào thay đổi rất mạnh mẽ bầu khí quyển chính trị ở thuộc địa và
thay đổi nhận thức chính trị cho xã hội và người dân. Lý do chính là
không đảng phái nào có đầy đủ hành trang: ý thức hệ để dựa trên đấy các
lý luận hình thành ra sách lược hành động, và phương pháp tổ chức lực
lượng.
Năm 1924 ngay sau Đại hội 5 của Quốc tế cộng sản (Comitern), Mikhail
Brodin mang Nguyễn Ai Quốc qua Quảng Châu với vai trò thông dịch và tận
dụng quan hệ của Nguyễn Ái Quốc để phát triển mạng lưới đảng ở Indochina
và Siam (Thái Lan bây giờ). Lúc này Nguyễn Ái Quốc khoảng 34 tuổi.
Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thiện dần các kỹ năng
tranh luận, tuyên truyền và làm báo. Rất khác với Bùi Quang Chiêu và hơi
giống với Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng Paria (Người cùng
khổ) để tuyên truyền vào lính thợ và công nhân Annam đang phục vụ mẫu
quốc. Và như ở trên đã nói, họ dần dần quay về quê hương trong những năm
1920. Năm 1922-1924, do được đào tạo bài bản ở Đại học Phương Đông,
Nguyễn Ái Quốc nắm vững lý luận dựa trên ý thức hệ Leninist và phương
pháp đấu tranh của Stalin, và đặc biệt nhất là hiểu được tính quốc tế
của phong trào cộng sản. Hơn thế nữa, Nguyễn Ái Quốc còn nắm vững các kỹ
năng huấn luyện và tuyển dụng, xây dựng Đảng từ cấp cơ sở. Nhưng bắt
đầu từ đâu?
Ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gặp học giả Nguyễn Thượng Huyền, thư ký
và đang dần thay Phan Bội Châu lãnh đạo Hội. Nguyễn Thượng Huyền tặng
Nguyễn Ái Quốc trước tác “On Revolution” của mình. Chi tiết này và nội
dung sau đây lấy từ “Radicalism and Origins of the Vietnamese
Revolution” nên sẽ dịch từ bản tiếng Anh thay vì dùng nội dung gốc có
thể bằng tiếng Hán hoặc chữ quốc ngữ. “On Revolution” có lẽ tên Việt là
“Cách mạng luận”. Tranh luận nảy sinh giữa học giả kiểu cũ là Nguyễn
Thượng Huyền và tay cách mạng với tư tưởng mới mẻ từ nước Nga: Thế nào
là Cách Mạng?.
Hoàn toàn khác với Nguyễn Thượng Huyền vốn cho rằng cách mạng bắt
nguồn từ tận Lão Tử, hàm ý thay đổi mệnh trời (phế thiên tử), Nguyễn Ái
Quốc bắt đầu các lập luận của mình từ sự khác biệt giữa Cải cách, Tiến
hóa và Cách mạng. Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng phải là cái thay đổi
hoàn toàn thể chế cũ (phong kiến) bằng một thể chế mới tiến bộ hơn.
Nguyễn Ái Quốc đưa ra cho Nguyễn Thượng Huyền những câu hỏi khó: “Tại
sao người Pháp đàn áp được người Việt? Tại sao nhân dân ta lại tăm tối?
Tại sao chúng ta không phát động được cách mạng? Chúng ta phải làm gì?”.
Và đây là những câu hỏi cốt tử nhất mà Nguyễn Ái Quốc hỏi Nguyễn
Thượng Huyền: “Ông đã viết 20 trang để thảo luận về cách mạng nhưng ông
không nói ra được: cái gì phải làm trước khi cách mạng, cái gì phải làm
trong cách mạng, và cái gì phải làm sau cách mạng”.
Từ đây với tên giả là Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu lập Hội Liên
hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông cùng với do Liêu Trọng Khải đệ tử
của Tôn Trung Sơn. Quan trọng hơn, Lý Thụy gặp Phan Bội Châu và nhận
thấy Tâm Tâm Xã (hội những trái tim cùng nhịp đập), một tổ chức hậu sinh
từ Việt Nam Quang Phục Hội của nhà cách mạng lão thành này, có những
thành viên yêu nước tuyệt vời và rất …”kinship”. Lý Thụy đã tuyển dụng,
huấn luyện và sử dụng những thành viên cốt cán đầu tiên này để thành lập
Thanh niên cộng sản luên đoàn gồm 9 thành viên bao gồm cả các tên tuổi
lớn sau này như Lê Hồng Phong. Trong 9 người này có Lâm Đức Thụ không
phải dân Thanh Nghệ, và đây là người tham gia bán Phan Bội Châu cho mật
thám Pháp, và Phan bị bắt cóc và đưa về Hà Nội và bị Hội đồng đề hình
kết án.
Sử dụng Thanh Niên Cộng Sản Liên Đoàn làm hạt nhân, Lý Thụy mở rộng
tổ chức qua các nhóm đối tượng rất cụ thể nhưng thống nhất về ý thức hệ
cách mạng. Hội nhóm có tên “Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”
được thành lập năm 1925 để làm cơ quan tuyển dụng thanh niên từ trong
nước đi ra nước ngoài học tập rèn luyện làm cách mạng. Các lớp huấn
luyện do Lý Thụy tổ chức, soạn giáo án, đứng lớp được tổ chức liên tục.
Các khóa ngắn nhưng thực dụng. Học viên học xong được phân loại để cử
qua Nga học tiếp ở đại học Phương Đông, hoặc gửi qua võ bị Hoàng Phố của
Tưởng, hoặc gửi về hoạt động trong nước. Báo Thanh Niên cũng được sinh
ra để phục vụ tuyên truyền trong thời kỳ này. Các tên tuổi lớn của ĐCS
VN sau này đều xuất phát từ đây: Trần Phú, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn.
Các tài liệu giảng dạy được Nguyễn Ái Quốc tập hợp lại thành cuốn
sách nổi tiếng Đường Kách Mệnh (Road to Revolution) xuất bản khoảng năm
1927. Theo Ho Tai Hue Tam, trong cuốn sách này, Nguyễn Ái Quốc đã giải
quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc mà Phan Bội Châu đã từng bó tay: phân
loại giai cấp và đoàn kết giai cấp để chống Pháp. Các thuật ngữ quan
trọng chủ nghĩa Marx-Lenin đều bị dịch qua chữ Hán và làm sai lệch nghĩa
gốc. Ngay cả từ “cộng sản” cũng sai. Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo sử dụng
Công-Nông (giới công nhân và giới nông dân) để thay cho từ vô sản (wu
chan) vốn dịch không sát nghĩa từ chữ proletariat của tiếng Nga. Từ đây
quốc tế cộng sản bắt đầu nhìn nhận chính thức tiềm năng cách mạng của
giới nông dân ở các nước thuộc địa.
Xã hội và con người Việt Nam vốn rất dễ bị chia rẽ mất đoàn kết.
Nguyên nhân gây chia rẽ rất đa dạng, từ nguyên nhân địa lý vùng miền,
đến nguyên nhân tín ngưỡng, và đặc biệt và các nguyên nhân nặng tính cá
nhân như hiềm khích, đố kị, ghen tị lẫn nhau. Trớ trêu thay, chính lý
luận và phương pháp đấu tranh giai cấp lại làm con người ta đoàn kết.
Tầng lớp dân này đấu tranh với tầng lớp dân kia, giới nọ đấu tranh với
giới kia. Đấu tranh giữa đảng và các nhóm ngoài đảng. Đấu tranh trong
đảng giữa các nhóm khác thành phần xã hội với nhau. Đấu tranh bằng lý
luận và cả bảo lực. Chừng nào còn đấu tranh thì còn sức mạnh nội tại của
đảng. Đỉnh cao của lý luận và thực tiễn đấu tranh chính là đấu tranh ý
thức hệ mà kết quả là chiến thắng năm 1975. Ngay cả kẻ thù của thể chế
cộng sản, là chính quyền Diệm Nhu, cũng nhận thấy lợi ích vượt bậc của
biện pháp tranh đấu này, và họ đã tiến hành các cuộc đấu tranh chống
phong kiến, phản thực dân và tố cộng rất thành công ở Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng phía kia còn cao tay hơn, họ đã dính một cú hồi mã thương từ miền
bắc: đấu tranh tôn giáo. Thua cuộc tranh đấu chính trị -tôn giáo này đã
làm anh em họ Ngô mất tất, kể cả mạng sống của mình.
Từ những năm 1927 các hạt nhân của Việt nam thanh niên cách mạng đồng
chí hội trở về trong nước gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng do bị cạnh
tranh khốc liệt giữa các hệ phái khác nhau, và Đảng cạnh tranh mạnh
nhất với họ chính là Việt nam Quốc dân Đảng.
Bản thân các hệ phái của ĐCS cũng tranh đấu với nhau về ý thức hệ và
đường lối xem ai đúng hơn ai, ai chính thống hơn ai, ai đạo đức hơn ai.
Vụ án tình ái phố Barbier năm 1928 xuất phát từ việc các cán bộ đảng là
nam giới chăm chỉ hoạt động mà quên tình cảm cá nhân bỗng một hôm tranh
nhau nữ cảm tình viên quyến rũ mà dẫn đến đấu tố nội bộ dẫn đến phán
quyết cuối cùng là một người sẽ phải chết. Cảnh sát Pháp khi điều tra đã
phát hiện ra đây không chỉ là một vụ giết người vì tình mà còn là hoạt
động thanh trừng của một nhánh cộng sản hoạt động ở Sài Gòn nên đã bắt
nhốt hết cả đám vào tù. Một trong những người tham gia vụ án tình ái ấy
là Tôn Đức Thắng, khoảng 40 tuổi và già hơn hẳn các đảng viên khác, bị
kết án và đầy ra Côn Đảo. Sau đó một năm, Phạm Văn Đồng lúc này hơn 30
tuổi cũng bị kết án và đầy ra Côn Đảo. Hoạt động của Thanh niên cách
mạng đồng chí hội ở Cochinchina tan nát hẳn.
Ở chỗ này lịch sử lại có chút nghịch ngợm. Vụ án phố Barbier năm 1928
làm suy yếu chi nhánh của Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở
Cochinchina, mở đường cho nhóm trí thức đi theo hướng “tả đối lập” như
họ tự gọi từ Pháp trở về năm 1931. Nhóm cộng sản đệ tứTroskist này đã
thành công nhờ đấu tranh công khai và trở thành nhóm chính trị chủ đạo ở
miền nam và trúng cử một loạt vào Hội đồng thuộc địa năm 1935. Cái giá
phải trả của nhóm này là Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm đều bị Việt Minh
làm thịt ngay sau Cách Mạng Tháng 8. Thế nhưng nguyên nhân tổ chức phải
tan nát vì gái của vụ Barbier hằn sâu vào tiềm thức của những người hoạt
động cách mạng. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn đến tội “hủ hóa” của cán
bộ cộng sản là một tội được coi là nguy hiểm ngang với tội phản bội
đảng. Các cán bộ nữ khô khan và kiên định tự nhiên được ưu ái hơn hẳn
các cán bộ nữ ướt át chân dài.
Năm 1930.
Ở Cochinchina hoạt động của Thanh niên cách mạng đồng chí hội tan
nát, nhưng ở Tonkin cũng không khá hơn mấy do sau vụ Nguyễn Thái Học,
mật thám Pháp đàn áp dữ dội các đảng phái yêu nước ở phía bắc. Dẫn đến
cho chi nhánh của cộng sản ở bắc Annam (bắc trung bộ) và hàng loạt đảng
phái thân Nhật tự nhiên mạnh hẳn lên. Nhánh cộng sản ở Annam chính là
Đông dương cộng sản liên đoàn, một trong ba nhóm tham gia sáng lập ĐCS
Việt Nam. Bản thân Đông dương cộng sản liên đoàn là một hệ phái chịu ảnh
hưởng của Đường Kách Mệnh và tách ra từ Tân Việt Cách Mạng Đảng (1929).
Việt Nam Cộng Sản Đảng chính thức ra đời ở phố Quan Công, Hồng Công.
Một thời gian ngắn sau đảng đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản Đảng.
Ở phía bắc, Hoàng Văn Thụ rất vất vả bảo vệ và tái dựng các cơ sở
đảng bị Pháp phá vỡ. Năm 1940, Hoàng văn Thụ lúc này là ngôi sao sáng,
cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng (ra khỏi tù Côn Đảo năm 1936) qua
Trung Quốc. Ở đây hai người bạn học này gặp Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã
dùng tên Hồ Chí Minh, ở Côn Minh.
Thử thách lớn nhất với những người cộng sản thời gian 1930-1940 này
chính là nhà tù của Pháp mà ngay cả ở trong đó họ vẫn phát triển tổ chức
lớn mạnh và tiếp tục đương đầu với chính quyền thực dân. Sự kiên cường
của các đảng viên cộng sản và sức mạnh đoàn kết của đảng này đã làm
nhiều đảng viên cốt cán của đảng khác ngưỡng mộ và đào ngũ để ra nhập tổ
chức cộng sản, trong đó có các đảng viên ưu tú nhất của Tân Việt Cách
Mạng Đảng.
Trong những năm này Nhật lặng lẽ yểm trợ cả Cao Đài và Hòa Hảo. Huỳnh
Phú Sổ, giáo chủ phật giáo Hòa Hảo, sau chuyển mình thành tổ chức có vũ
trang được hiến binh Nhật cứu khỏi tay mật thám Pháp nhưng sau này
không thoát khỏi tay Việt Minh. Cùng với thế chiến thứ hai và sức mạnh
của đế quốc Nhật, chủ nghĩa quốc gia cánh hữu bắt đầu hình thành ở
Indochina với các ý tưởng kết hợp cả duy vật biện chứng lẫn dân chủ nghị
viện. Họ sử dụng các ý thức hệ khá mơ mồ nhưng hấp dẫn được trí thức đô
thị. Các tư tưởng này hay có tên liên quan đến ý tưởng “hỗ tương” và
“duy tâm trung vật”.
Hàng loạt đảng phái thân Nhật xuất hiện với tên đầu thường có chữ Đại
Việt. Đại Việt Quốc Xã Đảng ở Hải phòng, Hà Nội. Đại Việt Quốc Dân Đảng
của Trương Tử Anh rất mạnh trong sinh viên của Đại học Hà Nội (Đông
Dương Học Xá) và xây dựng được chiến khu ở Bắc Giang. Đại Việt Duy Dân
Đảng của các thành viên xuất thân từ Tự Lực Văn Đoàn. Đại Việt Dân Chính
của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Ngô Đình Diệm có Đại Việt Phục Hưng
trong đó có Ngô Đình Khôi làm lãnh đạo ở Huế.
Các đảng này, sau có nhóm kết hợp với quốc dân đảng (nhóm của Trương
Tử Anh, Nguyễn Tường Tam), có các nhóm kết hợp với nhau thành Đại Việt
Quốc Gia Liên Minh. Nhóm của Trương Tử Anh hỗ trợ rất đắc lực cho việc
hình thành chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên sau khi họ đảo
chính Pháp. Sau Cách mạng tháng 8, Trương Tử Anh và Ngô Đình Khôi đều bị
Việt Minh tảo thanh. Đảng Đại Việt về sau rất nổi ở Việt Nam Cộng Hòa
nhưng bị chính quyền Ngô Đình Diệm dùng quân đội đàn áp tan nát ở ngay
chiến khu của họ (chiến khu Ba Lòng).
Năm 1939-1940 nhiều người thuộc phe Đại Việt ở miền trung đã theo Cường Để trốn qua Tàu tham gia Kiến Quốc Quân.
Năm 1940.
Kiến Quốc Quân theo Nhật đi qua ngả Đồng Đăng đánh thành Lạng Sơn và là phần bắt đầu của bài viết dài phát mệt này.
Bonus
Ngày 7.30.1787 Thomas Jefferson viết thư cho William Drayton:
“The dry rice of Cochin-China has the reputation of being whitest to
the eye, best flavored to the taste, and most productive. It seems then
to unite the good qualities of both the others [white S. Carolina rice
& brown Piedmont/Lombardy rice] known to us. Could it supplant them,
it would be a great happiness, as it would enable us to get rid of
those ponds of stagnant water so fatal to human health and life.”
“I have considerable of receiving of some dry rice from Cochin-China,
the young prince of that country, lately gone from hence, having
undertaken that it shall come to me”.
http://jeffersonpapers.princeton.edu/
Trong vỏ hạt dẻ (tiếp và hết)
I. OSS Hoa Kỳ, quân Đồng Minh và múi giờ Hà Nội
Là con một gia đình
dòng dõi ở Chicago, Albert Peter Dewey vào học đại học Yale, tốt nghiệp,
đi làm phóng viên thường trú ở Paris cho Chicago Daily News và thực
hiện các nhiệm vụ ngầm cho Rockefeller. Thế chiến 2 nổ ra, Dewey đăng
lính và cuối cùng gia nhập OSS (cơ quan tiền thân của CIA). Đầu tháng 9
năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (15 tháng 8), Dewey được cử
đến Sài Gòn, đứng đầu một toán OSS có 7 thành viên, để đại diện cho
quyền lợi Hoa Kỳ. Ở thời điểm này Hoa Kỳ chưa có cơ quan ngoại giao trên
đất Đông Dương thuộc Pháp.
Khoảng nửa năm trước khi nhóm OSS của Dewey đến Sài Gòn, quân Nhật
bất ngờ đảo chính Pháp ở Đông Dương (tháng 3), bắt giữ tù binh (POW),
trong đó hơn 200 người Mỹ. Khi Dewey tới Sài Gòn thì Thế chiến 2 đã kết
thúc, Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh, ở Hà Nội Việt Minh đã cướp được
chính quyền, và đang được phe Đồng Minh (Mỹ, Trung hoa dân quốc của
Tưởng Giới Thạch) yểm trợ vì có công chống Nhật.
Trước nhóm của Dewey, vào tháng 7 năm 1945, một nhóm OSS khác, toán
Con Nai, đi vào vùng rừng núi phía bắc đã huấn luyện khoảng 200 người
cho các nhóm vũ trang của Chu Văn Tấn và Võ Nguyên Giáp. Một trong số họ
sau này rất nổi tiếng nhờ tài bắn súng là Tạ Đình Đề. Những người được
tình báo Mỹ đào tạo này đã rất có ích cho Việt Minh khi họ cướp chính
quyền từ tay Nhật. Toán OSS Con Nai cũng cứu Hồ Chí Minh khỏi cơn sốt
rét ác tính. Toán Con Nai còn tham gia hội nghị Tân Trào tổ chức ngày 16
tháng 8, và họ đã được Việt Minh sử dụng như “hàng trưng bày tủ kính”
để tỏ ra có sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Chiều ngày 16 tháng 8, quân đội của Việt Minh xuất trận. Trận đánh
đầu tiên của Võ Nguyên Giáp là đánh với bảo an và lính Nhật để giải
phóng thị xã Thái Nguyên ngày 20 tháng 8. Trung đội đánh Thái Nguyên
được Hồ Chí Minh đặt tên là trung đội Việt – Mỹ do có sự tham gia chỉ
huy của Allison B. Thomas (OSS Con Nai). Trước đó một ngày, ở Hà Nội
cách mạng đã thành công khi không mặt lược lượng của Võ Nguyên Giáp.
Ngay cả lãnh đạo mặt trận Việt Minh ở Hà Nội là Vũ Oanh cũng đang ở Tân
Trào để họp. Khi Vũ Oanh trở về Hà Nội thì cách mạng đã thành công. Đơn
vị làm cách mạng 19 tháng 8 ở Hà Nội là Đoàn thanh niên cứu quốc thành
Hoàng Diệu, một đơn vị mà tên tuổi và chiến công của họ rất nhanh chóng
bị xóa khỏi sử liệu và chỉ còn mập mờ với tên gọi Đoàn chiến sỹ Việt
Minh thành Hoàng Diệu. Ở Thái Nguyên, Trường Chinh đọc báo Đông Pháp số
ra ngày 20 tháng 8, biết tin ở Hà Nội cách mạng đã thành công, bèn bỏ
đánh nhau với Nhật mà kéo nhau về Hà Nội đêm 21. Từ Hà Nội, Võ Nguyên
Giáp cho người lộn ngược lên núi đón Hồ Chính Minh và đưa về Phú Thượng.
Tới Phú Thượng ngày 25 tháng 8. Đoạn này lát sẽ nói tiếp.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp ngay trước khi quân đội Pháp tổ
chức trận càn lớn để tiêu diệt triệt để nhóm phiến quân ở vùng rừng núi
phía bắc. Vô tình người Nhật đã cứu được nhóm phiến quân này. Đó chính
là lực lượng Việt Minh lúc này vẫn còn ngô nghê và bé nhỏ. Các nhân viên
OSS Con Nai huấn luyện cho lực lượng bán vũ trang sơ khai của Việt
Minh. Và một vài người thuộc nhóm tuyên truyền có vũ trang này lẩn xuống
chi bộ Hà Nội, ngay lần đầu ra tay, bằng tuyên truyền và súng để đe
dọa, đã dập tắt cuộc mít-tinh ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim ở Hà Nội
vào ngày 17 tháng 8 năm 1945. Hai ngày sau họ cướp được chính quyền ở
Hà Nội. Từ rừng núi đi về Hà Nội vào những ngày Cách Mạng Tháng 8 cùng
với Việt Minh có cả toán Con Nai của tình báo Mỹ. Những người lãnh đạo
Việt Minh ấy, sau này tiến hành một cuộc chiến tranh dai dẳng đẩy Mỹ ra
khỏi Đông Dương. Tất cả những sự tình cờ này, là do lịch sử nghịch ngợm
mà cố tình sắp đặt. Thậm chí, nếu tin vào các hồi ký của sĩ quan OSS,
thì thậm chí chính OSS can thiệp với chính quyền Tưởng Giới Thạch để thả
Hồ Chí Minh bị Trương Phát Khuê cầm tù (1943). Nếu đúng vậy thì lịch sử
nghịch đến tận cùng của vạn sự.
Chưa hết, nhóm OSS cao cấp nhất, do Archimedes Patti chỉ huy, sau
19/8 đã đi thẳng từ hành dinh OSS ở Côn Minh tới Hà Nội bằng máy bay,
mang theo cả những người Pháp “kháng chiến” chống Nhật vốn chạy trốn qua
biên giới Việt Hoa sau khi Nhật đảo chính. Trong những người Pháp ấy có
đại diện Pháp Jean Sainteny. Còn sĩ quan OSS đi cùng Patti nhưng nhảy
dù xuống trước để thám sát, chính là người Mỹ gốc Pháp tên là Lou
Conein, một người sau này là thuộc cấp của Edward Lansdale và là bạn của
Phạm Xuân Ẩn. Lou Conein là người đưa tiền cho tướng Trần Văn Đôn để
giúp đỡ phe đảo chính Ngô Đình Diệm sau này. Còn Patti đã giúp đỡ cho
việc soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập cũng như “thay mặt” Hoa Kỳ tham dự
lễ Độc lập đầu tiên. Patti cũng thăm dự các cuộc gặp gỡ của Lư Hán với
Hồ Chí Minh.
Ở Sài Gòn, nhóm của Dewey làm việc với
Việt Minh để bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ, cụ thể là khoảng hơn 200 tù nhân
POW bị Nhật giam giữ gần Sài Gòn. Chỉ mấy tuần sau sau tình hình thay
đổi, quân đội Anh (20
th Indian Division của Douglas David
Gracey) vào giải giáp Nhật. Trước khi qua đời vào tháng 4 năm 1945, tổng
thống Roosevelt của Mỹ cho rằng thuộc địa của Anh và Pháp đang bị Nhật
chiếm đóng cần giữ nguyên hiện trạng và đặt dưới sự kiểm soát quốc tế.
Anh và Pháp tất nhiên không nghĩ như vậy. Pháp ngoan cố tìm cách giữ lại
Indochina thuộc Pháp còn người Anh khuyến khích việc này. Khi vào Nam
Bộ giải giáp quân Nhật họ đã thả tù binh Pháp ra, tái vũ trang cho họ để
chống lại người Việt nói chung và Việt Minh nói riêng lúc này đã hiện
rõ là cộng sản. Tướng Gracey, theo sách của Stanley Karnow, còn cấm tụ
tập, cấm báo chí của người Việt, nhưng cho phép báo chí và đài phát
thanh của Pháp hoạt động.
Ở Hà Nội, quân đội của chính quyền Tưởng
Giới Thạch do Lư Hán và Tiêu Văn chỉ huy tiến vào miền bắc giải giáp
Nhật nhưng họ đã không động chạm đến Chính quyền lâm thời và các ủy ban
hành chính của Việt Minh. Tất cả những nỗ lực của Lư Hán và Tiêu Văn
chỉ là tranh thủ ăn tiền và cướp bóc, đồng thời dựng các băng nhóm thân
Tưởng (Quốc Dân Đảng, Đại Việt) của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh,
Nguyễn Tường Tam. Đây là những nhân vật quen thuộc của Việt Nam Cách
Mệnh Đồng Minh Hội do tướng của Trung hoa dân quốc là Trương Phát Khuê
dựng lên ở Liễu Châu năm 1942. Một trong những hành động đầu tiên khi Lư
Hán đến Hà Nội là bắt chính phủ Việt Minh đổi múi giờ, vốn chính thức
đang phải theo múi giờ của đế quốc Nhật là GMT+9, về múi giờ GMT+7.
Ở Sài Gòn, quân đội Anh của tướng Gracey
không chỉ thả người Pháp ra và tái vũ trang cho họ, mà còn tấn công trụ
sở ủy ban chính quyền lâm thời của Trần Văn Giàu. Sài Gòn rơi vào tình
trạng bạo lực khi người Pháp, bao gồm cả thường dân, đánh nhau với Việt
Minh và Hòa Hả0. Dewey phản đối các quyết định của Gracey và quan hệ
giữa họ xấu đi. Xe jeep của Dewey bị Gracey cấm treo cờ Mỹ.
Hơn hai
mươi ngày sau khi đặt chân đến Sài Gòn, Dewey lại phải ra đi. Theo
Archimedes Patti trong Why Vietnam, trước đó người sĩ quan trẻ này đã bí
mật gặp Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai và Phạm Ngọc Thạch. Cũng theo
Patti, báo cáo cuối cùng của Dewey gửi từ Sài Gòn nhận định “người Pháp
sẽ cáo chung ở đây, còn người Mỹ chúng ta sẽ phải rút khỏi Đông Nam Á”.
Từ
Continental, Dewey lái xe ra sân bay, đón hụt máy bay, lái xe trở về căn
cứ của OSS đóng tại biệt thự Ferrier gần ngã ba Chú Ía. Trên đường về
bị lực lượng Thanh Niên Tiền Phong của Phạm Ngọc Thạch phục kích bắn
chết và lấy mất xác. Lúc đó là ngày 26 tháng 9 năm 1945, ba tuần sau
khi chính phủ Việt Minh tuyên bố Độc Lập ở Hà Nội.
Sau này lý do Trần Văn Giàu đưa ra là nhầm Dewey là người Pháp
nên bắn chết.Nhưng có thể đây là việc mà nhóm Phạm Ngọc Thạch, sau cuộc
họp chỉnh lý ngày 23 ở Cây Mai do Hoàng Quốc Việt từ Bắc vào chủ trì,
buộc phải làm để giữ cái đầu. Nhóm Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Trấn (vốn
là phe Hà Huy Tập) lãnh đạo quốc gia tự vệ cuộc (công an) cũng buộc phải
ra tay tàn sát nhóm Đệ Tứ để củng cố vị trí của mình. Trần Văn Giàu
nhận công tổ chức cách mạng tháng 8 ở Sài Gòn, từ Nguyễn Văn Trấn, về
tay mình. Một trật tự mới đã xuất hiện. Cuối năm 1945 Nguyễn Bình vào
nam, miếng ghép cuối cùng đã được khớp vào nơi còn thiếu.
Ở thời điểm này không ai ngờ được rằng sẽ có hai cuộc chiến lớn sẽ
xảy ra ở mảnh đất Đông Dương: chiến tranh Pháp- Việt và chiến tranh Mỹ –
Việt. Hai cuộc chiến được gọi lần lượt là Chiến tranh Đông Dương lần 1,
và Chiến tranh Đông Dương lần 2.
Năm 1950, gần 5 năm sau cái chết của Dewey, Hoa Kỳ mới mở cơ quan
ngoại giao của mình ở Sài Gòn. Đó là lúc Anh và Mỹ công nhận Quốc Gia
Việt Nam (State of Vietnam) của Quốc trưởng Bảo Đại, như một đối trọng
với việc Liên Xô và Trung Quốc công nhận chính phủ Hồ Chí Minh ở vùng
rừng núi phía bắc. Cùng một lúc, ở Đông Dương, tự nhiên có hai chính phủ
cùng đòi hỏi sư hiện diện hợp pháp của mình trên toàn cõi Việt Nam. Một
cõi mà phải đến tận năm 1975 mới liền một dải.
II. Năm 1945, bàn giao Bắc Bộ Phủ, ngày Độc Lập, và những chuyện kéo dài đến 1954.
Tính chính danh không phải là trò chơi quyền lực xa lạ gì
với mảnh đất này. Tây Sơn khởi nghĩa lúc đầu chỉ là hùa theo tính chính
danh của hoàng tôn nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương để chống lại bọn
quan tham nhũng lộng hành bóc lột dân là Trương Phúc Loan. Rồi Tây Sơn
đánh nhau thua quân Trịnh, đầu hàng, rồi hùa theo quân Trịnh để lấy
chính danh nhà Lê để đánh nhà Nguyễn tan tác khỏi đất miền nam. Đánh nhà
Nguyễn xong, để Nguyễn Nhạc lên làm vua miền trong để lấy chính danh,
Nguyễn Huệ bị ép ra mảnh đất hẹp miền trung, một lần nữa phải dương tính
chính danh phù Lê để ra bắc làm thịt nhà Trịnh. Nhà Trịnh lúc này tiếm
quyền vua Lê đã quá lâu, mà bóc lột nhân dân cũng rất quá đà. Diệt xong
nhà Trịnh, Nguyễn Huệ cướp bóc Bắc Hà, rút về miền trung để lại khoảng
trống mênh mông quyền lực và xơ xác vật chất. Lê Chiêu Thống dại dột qua
Tàu rước quân ngoại xâm về, để lại Thăng Long khoảng trống chính danh.
Nguyễn Huệ nhanh chóng lấp mình vào chỗ chính danh ấy, lên ngôi Hoàng
Đế, sử dụng địa phương quân đánh chặn quân Thanh từ biên giới về đến đất
Kinh Kỳ. Theo Nguyễn Duy Chính, từ miền trung Hoàng Đế Quang Trung (đã
bí mât lên ngôi) cử một cánh quân đi vòng qua Ai Lao (quân bộ) và một
cánh quân đi đường biển đánh ra bắc. Hai con đường này, quân Chiêm Thành
đã từng dùng để đánh Thăng Long. Nguyễn Huệ cầm một đạo quân đi nhanh
ra Nghệ An, huy động quân đội và dân công tại chỗ, một bí quyết quân sự
mà chỉ có Việt Minh đánh Điện Biên sau này mới làm nổi, rồi tiến phăng
phăng ra bắc. Chiến thắng Kỷ Dậu đưa Quang Trung lên hàng siêu sao về
quân sự, thống nhất Trung – Bắc, đồng thời để lại bài học cho quân đội
Việt Nam sử dụng địa phương quân đánh 60 vạn quân Đặng Tiểu Bình năm
1979. Chỉ có một điểm khác. Quân Quang Trung truy sát tàn nhẫn quân
Thanh khi bọn này rút chạy, khiến cho nhiều năm sau chúng còn khiếp sợ
không dám khiêu khích. Quân Việt Nam năm 1979 không truy kích mà tuyên
bố “thiện chí hòa bình” cho Trung Quốc rút quân (từ 7 đến 18 tháng 3 năm
1979) khiến chúng khinh nhờn mà kéo dài xung đột biên giới đến 1988 và
đánh Trường Sa 1988.
Thế nhưng mải mê chinh chiến trên đất bắc mà Quang Trung lơ là để
hổng phía nam khiến Nguyễn Ánh có cơ mà nổi lên như bão. Nguyễn Ánh khi
trở lại, lại mượn tạm tính chính danh của nhà Lê để bày trò Phục Quốc,
bằng cách sử dụng niên hiệu Cảnh Hưng đồng thời sử dụng tâm lý chiến để
thu phục lòng dân Bắc Hà (“lạy trời cho cả gió nồm, cho thuyền chúa
Nguyễn giong buồm thẳng ra”).
Tính chính danh của nhà Nguyễn Gia Long được triều đình nhà Thanh
công nhận và Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Hoa. Sau này quan hệ
“chư hầu” (vương quốc vệ tinh chịu ảnh hưởng chính trị của nhà Trung
hoa) chấm dứt và trở thành quan hệ “bảo hộ” của Pháp nhờ ba sự kiện:
quân Pháp đánh quân Thanh ra khỏi Lạng Sơn, hiệp ước Pháp-Thanh và hiệp ước Patrenote.
Cũng nhờ hiệp ước Patrenote mà sau này ký được Hiệp ước sơ bộ mới đưa
Tàu Tưởng ra khỏi phía bắc. Biên giới trên bộ Việt-Trung cũng dựa nhiều
vào hiệp ước Pháp-Thanh
Bài học 1. Việt Minh đã học bài học thứ
nhất. Bài học nhảy vào chỗ trống quyền lực ở miền bắc xác xơ vì đói phá
kho thóc Nhật và cướp chính quyền, họ đã làm hoàn hảo.
Theo Thomas Bass thì Cao Giao, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn, là
người đã báo tin cho Mười Hương về việc Nhật đảo chính Pháp (ngày 9
tháng 3 năm 1945) để họ chuẩn bị lực lượng. Chỉ 3 ngày sau, ngày 12, TW
Đảng đã ra chỉ thị quan trọng “Nhật Pháp đánh nhau và hành động của
chúng ta”.
Ở Hà nội, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, rất
nhanh về mặt thời cơ, Trương Tử Anh của đảng Đại Việt, vốn rất mạnh
trong giới đại học và trí thức hồi đó, lại có thành tích yểm trợ Trần
Trọng Kim, đã toan cướp chính quyền ở Tonkin (lúc này Đông Dương vẫn
chia làm ba vùng tách biệt) nhân cuộc mít tinh do Tổng Đoàn Công Chức tổ
chức để ủng hộ chính phủ (lâm thời lần 2) của Trần Trọng Kim ngày 17
tháng 8 ở Hà Nội. Theo lệnh của Trương Tử Anh, sư đoàn Sao Trắng của Vũ
Kim Thành kéo về Hà Nội kết hợp lực lượng sĩ quan trường võ bị Lạc
Triệu để chiếm Hà Nội nhưng bất thành. Sau này chính Vũ Kim Thành đã
tham gia tổ chức ám sát Nguyễn Bình nhưng ông tướng này chỉ bị thương
nặng. Ở thời điểm bước ngoặt, Nhật thua trận, chính phủ Trần Trọng Kim
bất ngờ bơ vơ, Bảo Đại chỉ đạo cho Trần Trọng Kim tổ chức chính phủ lâm
thời, đồng ý cho Nguyễn Xuân Chữ và Trần Văn Lai tổ chức Ủy ban cứu quốc
và cho ra mắt Ủy ban giám đốc chính trị miền bắc ngày 16 tháng 8 rồi
Tổng đoàn công chức tổ chức cuộc mit tinh 17 tháng 8 nói trên ở Hà Nội.
Sự kiện lơ ngơ này của chính phủ Trần Trọng Kim vô tình đưa chìa khóa
cho chính quyền của Việt Minh đang nằm chờ ở Việt Bắc.
Do chuẩn bị tốt hơn, đội tuyên truyền có vũ trang của Việt Minh từ
Tân Trào về, phối hợp với người của Trường Chinh đã có mặt sẵn ở Hà Nội
(Nguyễn Quyết, Nguyễn Khang, Văn Tiến Dũng) và Đoàn thanh niên cứu quốc
thành Hoàng Diệu, đãnhanh chóng biến vụ cướp chính quyền của Trương Tử
Anh thành của mình, để hai ngày sau họ có cuộc cướp chính quyền khác
hiệu quả hơn, nay được biết với tên gọi Cách Mạng Tháng Tám (ngày 19
tháng 8). Vai trò của OSS được tận dụng tối đa, khi phái đoàn của Thành
Ủy Hà Nội (Nguyễn Khang, Trần Đình Long) đi gặp Khâm Sai Phan Kế Toại đã
cương quyết không tham gia chính phủ lâm thời của Đế Quốc Việt Nam với
lập luận: “chỉ có Việt Minh có danh nghĩa và lực lượng giao dịch với
Đồng Minh”. Trần Đình Long sau cách mạng bị Quốc Dân Đảng bắt cóc đưa đi
mất tích. Thành tích tổng khởi nghĩa được ghi nhận cho Xứ ủy Bắc Kỳ
(Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt).
Ngày 19 tháng 8, Nguyễn Xuân Chữ, chủ tịch Ủy ban giám đốc chính trị
miền bắc, bàn giao Bắc Bộ Phủ cho Việt Minh. Ủy ban giám đốc chính trị
miền bắc có chủ tịch là Nguyễn Xuân Chữ, các thành viên có Trần Văn Lai,
Đặng Thai Mai, Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Hoàng Đạo là em, và là
bộ óc đứng sau các hoạt động chính trị của Nhất Linh, rất tiếc chết đột
tử trên tàu hỏa vài năm sau đó. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, tháng 9 năm 1944
tham gia Ủy ban kiến quốc (nhóm trung thành với Cường Để) ở Sài Gòn.
Ngô Đình Diệm đứng đầu ủy ban này, còn Nguyễn Xuân Chữ làm phó.
Sau khi cướp chính quyền, chỉ trong vài ngày, Việt Minh dẹp sạch các
phần tử có tiềm năng cạnh tranh ở khu vực Hà Nội, rồi Võ Nguyên Giáp cho
người lên chiến khu rước Hồ Chí Minh về làm lễ mùng 2-9 trong thanh
bình. Trước khi vào nội thành, Hồ Chí Minh gặp Võ Nguyên Giáp và Trường
Chinh ở Phú Thượng và hỏi: Mình làm chủ tịch à? Đây là lần đầu tiên
trong đời Hồ Chí Minh, lúc này khoảng 56 tuổi, đặt chân đến Hà Nội. Đây
cũng là lần thứ 4 Võ Nguyên Giáp đi đón Hồ Chí Minh. Ở thời điểm bước
ngoặt này, Hồ Chí Minh nổi danh nhiều hơn với tên gọi ông già Tân Trào,
sau được biết chính là Nguyễn Ái Quốc. Một trong những hoạt động của Hồ
Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sau khi có chính quyền là đến gặp sinh viên
của Đông Dương Học Xá (Université indochinoise, nay là khoa Hóa và Đại
học Dược Hà Nôi) và đến nói chuyện với sinh viên trường này ở Cư xá của
họ (Cité universitaire de Hanoi, nay là khoa sau đại học, trong Đại học
bách khoa Hà Nội).
Theo hồi ký Bùi Diễm (đảng viên Đại Việt, hoạt động dưới quyền Trương
Tử Anh, sau là đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa ở Hoa Kỳ) và hồi ký Lê Giản
(Giám đốc nha công an Việt Minh, nằm trong bộ nội vụ của bộ trưởng nội
vụ Võ Nguyên Giáp) cho biết Trương Tử Anh bị bắt và xử chết sau đó nhiều
tháng. Theo sách của Hoàng Văn Đào, có một nhân vật cộm cán của VNQDĐ
qua làm cho công an Việt Minh nên bắt đảng viên nào của Quốc Dân Đảng là
dính bóc đảng viên ấy. Cũng theo hồi ký Bùi Diễm, các cơ sở chính quyền
Việt Minh được tổ chức đồng loạt khắp các vùng thôn quê vùng sâu vùng
xa, và được tổ chức rất tốt và đặc biệt là rất tàn nhẫn. Theo hồi ký của
Thụy Nga (người vợ miền nam của Lê Duẩn), đội Thanh Niên Tiền Phong do
bác sỹ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh đã tổ chức các hoạt động tảo thanh
(tiễu trừ các đối lập chính trị) rất mạnh, dư âm còn lại rất lâu sau này
trong tâm lý người dân. Bản thân Thụy Nga bị đội này bắt nhầm và suýt
giết, may mà chỉ huy lúc đó là Phạm Hùng biết tin nên tha chết (Phạm
Hùng kể lại với Thụy Nga: không thì chị đi mò tôm rồi).
Bài học 2. Nhưng Việt Minh không thực hiện
được bài học thứ hai, dù đã nỗ lực hết mình. Sau cách mạng tháng tám chỉ
hai năm, người Pháp đã dựng được Nam Kỳ Quốc (Quốc gia Đàng Trong/
State of Cochinchina) với Nguyễn Văn Thinh làm president (thủ tướng). Và
ngay cả khi đã thắng trận Điện Biên Phủ rồi ký hiệp định Geneva, thì họ
đã để cho gần như một tay Edward Lansdale tổ chức cả chiến tranh tâm lý
lẫn logistic cho cuộc Exodus vĩ đại đưa gần một triệu người “đi ngược
gió nồm vào Nam”. Số dân bắc di cư vào nam trong đợt này tương đương 5%
dân số miền bắc. Trong đó khoảng hơn 300 ngàn người đi bằng tàu của Hải
Quân Hoa Kỳ (chiến dịch Operation Passage to Freedom – Sang Phía Tự do)
và khoảng 200 trăm ngàn người đi bằng cầu hàng không được coi khổng lồ
nhất thế giới lúc bấy giờ với 1200 km chiều dài, cứ 6 phút có một máy
bay hạ cánh ở đầu Sài Gòn. Một hàng hàng không dân dụng tham gia cầu
hàng không này lại là một hãng hàng không bí mật của tình báo Mỹ. Tên
hãng lúc đầu là Civil Air Transport, sau đổi thành
Air America.
American đưa khoảng 20 ngàn người từ Bắc vào Nam, và chở vũ khí, điện
đài và điệp viên từ Nam ra Bắc. Lúc Điện Biên Phủ khó khăn, chính phủ Mỹ
yêu cầu OSS sử dụng CAT để không vận cho cứ điểm. Sau Geneva 1954, theo
sách về CIA của Zalin Grant, nhóm của Lou Conein được Lansdale gửi ra
Hà Nội thực hiện các hoạt động phá hoại cũng như giấu vũ khí và thuốc nổ
dọc theo sông Hồng cho các hoạt động kháng chiến chống cộng những năm
sau 1954. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, chiếc trực thăng Huey bạc của Air
America mà CIA sở hữu này, hạ cánh lên nóc tòa nhà 22 Gia Long, nơi tầng
trên cùng là station của CIA Sài Gòn. Harage đã bay khoảng 4, 5 chuyến
từ 22 Gia Long ra Tân Sơn Nhất, mỗi chuyến chở khoảng 15 người, trong đó
có Trần Văn Đôn và Trần Kim Tuyến. Phạm Xuân Ẩn đã tạm biệt Trần Kim
Tuyến sau khi cứu ông này ở cánh cổng 22 Gia Long. Bức ảnh chụp cảnh
trực thăng di tản trên nóc tòa nhà CIA do Hubert Van Es (UP) chụp đã đi
vào lịch sử và bị nhầm qua nóc tòa nhà sứ quán Hoa Kỳ.
Ở phía Nam, theo sách của Thomas Bass, sau
hiệp định Geneva, Landsdale tổ chức huấn luyện biệt kích và thả từ biển
(người nhái) đột nhập vào duyên hải Bắc Bộ, mang theo vũ khí và rất
nhiều vàng. Người nhái vào đều bị phản gián Bắc Việt bắt sạch, nhưng
Landsdale không biết mà vẫn tiếp tục gửi thêm các nhóm khác. Số phận các
người nhái này vẫn là bí ẩn, chỉ biết họ còn sống đến sau 1975. Sau này
người ta cho rằng Phạm Xuân Ẩn là người làm kế hoạch của Lansdale thất
bại.
Việc tuyển dụng biệt kích mang qua Philippines huấn luyện, theo Zalin
Grant, có sự tham gia của Conein. Cũng lúc này Landsdale ráo riết hoạt
động ủng hộ Ngô Đình Diệm và nội các non nớt của ông này. Việc kéo các
sĩ quan Hòa Hảo, Cao Đài, trong đó có Trình Minh Thế về phe Ngô Đình
Diệm là có công sức vận động của Landsdale, một người không biết một
ngôn ngữ nào ngoài tiếng Mỹ. Sau khi Lansdale rời Sài Gòn, ở Trường Võ
bị Đà Lạt phái bộ quân sự Hoa Kỳ bắt tay vào huấn luyện quân đội quốc
gia Việt Nam bắt đầu manh nha hình thành. Phái bộ quân sự Sài
Gòn (Saigon Military Mission) chính là nhóm CIA đầu tiên do Lansdale lập
nên và đặt tên, do Joe Redict, một nhân viên CIA đứng đầu.
III. Năm 1946
Rất nhanh sau ngày Độc Lập (mùng 2 tháng 9), sắc lệnh số 8 do Võ
Nguyên Giáp ký ngày 5 tháng 9 năm 1945 đã đặt các đảng phái chống Việt
Minh ra ngoài vòng pháp luật
(Khoản thứ nhất : Nay giải tán “Đại Việt
Quốc gia xã hội Đảng” và “Đại Việt Quốc dân Đảng”. Khoản thứ hai : Nếu
hai Đảng ấy còn tụ họp và hoạt động thì những người can phạm sẽ phải đem
ra Toà án chiểu luật nghiêm trị).
Trong lúc mải mê săn đuổi và triệt hạ các đảng phái này, Việt Minh
quên béng Bảo Đại, lúc này đang làm cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh với
cái tên Vĩnh Thụy, lại cố ý cho ông này đi thoát qua Trung Quốc rồi bỏ
rơi cựu hoàng này ở Côn Minh (16 tháng 3 năm 1946),
bắt hụt Ngô Đình Nhu và thả Ngô Đình Diệm ra khỏi nhà ngục.
Bảo Đại, đi Trung Quốc vừa tự nguyện vừa
bắt buộc. Chỉ 10 ngày trước khi đi, Việt Minh ký hiệp ước để “quay lại”
với Pháp, một điều trái với ý quốc dân và tự mâu thuẫn với việc họ phế
chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim. Bị bỏ rơi lại Côn Minh, Bảo Đại loay
hoay vài tháng với Quốc dân đảng Trung Hoa rồi bỏ đi Hong Kong vào
Tháng 9. Trong thời gian ở Trung Quốc, dù rất nghèo Bảo Đại vẫn tìm cách
bảo trợ cho triển lãm tranh của Nguyễn Tường Lân. Họa sỹ tài năng này
chỉ một thời gian ngắn sau đó bị Việt Minh bắt và chết trong tù. Khi Bảo
Đại đi ra khỏi Việt Nam sau khi ký hiệp ước sơ bộ mùng 6 tháng 3, không
ai ngờ được rằng sẽ có chiến tranh Pháp Việt và sau đó là việc Pháp ký
Hiệp ước Élyseé với Bảo Đại, tạo tiền đề cho nhà nước Việt Nam Cộng Hòa
sau này. Có một chi tiết nhỏ, lúc Bảo Đại ở Trung Quốc, chính phủ Nhật
đang ở đáy của thất bại, vẫn gửi hiến binh giả làm người Việt qua tìm
Bảo Đại và bảo vệ vị cựu hoàng này. Người Nhật có cái gì đó rất kì quặc,
nhưng là sự kì quặc của chung thủy, tận tụy và phi thời gian.
Ngô Đình Diệm, lúc đó bị Việt Minh bắt giam
trên rừng, được đưa về Hà Nội giam chỗ bây giờ là công an Hoàn Kiếm.
Theo hồi ký Lê Giản, chính Lê Giản đưa Hồ Chí Minh vào nhà lao để gặp
Ngô Đình Diệm, Lê Giản đứng gác ở ngoài, sau đó Ngô Đình Diệm được
thả. Gần 5 năm sau khi được thả, Ngô Đình Diệm qua Nhật gặp Cường Để và
tìm kiếm hỗ trợ từ nước Nhật nhưng thất bại. Rồi qua Bỉ, qua Pháp, cũng
thất bại. Rồi qua Mỹ, cũng chưa ăn thua. Cho đến lúc Ngô Đình Nhu tìm
cách để Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng (thực chất là đứng
đầu chính quyền miền nam) và Diệm về Sài Gòn nhận chức chỉ hai tuần
trước khi Geneva được ký, và đất nước bị chia làm hai nửa không bằng
nhau. Chuyện này cuối bài kể tiếp. Còn bây giờ lần một chút về nắm bối
cảnh quá khứ.
IV. Những chớp ảnh về quá khứ: từ 1920 rồi lại đến 1945.
Các thế hệ thanh niên tân học, sinh ra và lớn lên ở một nước Pháp
viễn đông (Cochinchina) hay một vùng được nước mẹ Đại Pháp bảo hộ
(Annam, Tonkin) đã học được từ phương tây tinh thần tự do và mong ước
dân tộc độc lập. Tinh thần ấy đi sâu vào các hoạt động xã hội, chính
trị, vào báo chí, văn nghệ, vào các chính trị gia, các đảng phái. Độc
lập với họ không cần là self-government hay autonomy về mặt hình thức,
mà phải ở nội dung: thống nhất Trung Nam Bắc, tự chủ về kinh tế, tiền
tệ, ngoại giao và quân sự. Khởi nghĩa Yên Bái và hoạt động của Nguyễn An
Ninh là tiêu biểu của thanh niên thời kỳ này.
Chính quyền thuộc địa của Pasquier nhanh chóng phản ứng với xu thế
này. Họ lập tức cổ võ truyền thống dân tộc, giá trị cổ điển của nước
Annam, và tái lập hình ảnh và vị thế của triều đình Huế. Nhưng ngai vàng
lại bất ngờ trống vắng khi vị vua thân Pháp là Khải Định lăn ra chết.
Chính quyền thực của Huế, không nằm trong tay vua, mà nằm trong tay các
quan lại. Họ bắt đầu chống Pháp theo kiểu của họ, bằng cách đòi hỏi sử
dụng hiệp ước 1884. Để làm điều này, quan đại thần Nguyễn Hữu Bài yêu
cầu Pháp mang hoàng tử trẻ lúc này đang học ở Pháp, là Bảo Đại, trở về.
Một vị quan – trí thức khác là Phạm Quỳnh lại đòi xây dựng quân chủ lập
hiến. Trí thức tây học thậm chí còn cực đoan hơn, đòi dẹp luôn triều
đình mà lập ra cái gì đó mới mẻ hơn hẳn. Kết quả là Bảo Đại quay về Huế
năm 1932 khi 20 tuổi. Một năm sau, năm 1933, Nguyễn Hữu Bài, 70 tuổi, bị
Pháp lật đổ và thay người thân Pháp là Phạm Quỳnh vào. Cũng trong năm
này, Phạm Quỳnh cạnh tranh quan điểm khá mạnh với một quan khác và khiến
viên quan này phải từ chức, rồi từ đó mang tư tưởng chống Pháp và có
hào quang của một vị quan treo ấn từ quan. Đó là Ngô Đình Diệm. Năm này
Ngô Đình Diệm 32 tuổi và là thượng thư trẻ nhất của triều đình. Sau khi
từ quan, Ngô Đình Diệm tham gia các hoạt động ngầm chống Pháp của hoàng
thân Cường Để, do đó bị mật thám Pháp theo dõi rất chặt chẽ .
Đầu những năm 1940, Nhật tiến vào Indochina với thỏa thuận
ngoại giao mềm mại với chính quyền Vichy. Kiểm soát của chính quyền Pháp
trở nên lỏng lẻo, mật thám Pháp sao nhãng việc giám sát. Hiến binh Nhật
bắt đầu các hoạt động ngầm ủng hộ các tổ chức kháng Pháp.
Ở phía nam họ hỗ trợ Cao Đài, Hòa Hảo. Năm
1942, lãnh đạo Hòa Hảo là Huỳnh Phú Sổ bị mật thám Pháp vây bắt. Hiến
binh Nhật đã giải thoát rất ngoạn mục vị lãnh đạo tôn giáo 22 tuổi khỏi
tay mật thám Pháp. Nhưng đến năm 1947, ở tuổi 27, Huỳnh Phú Sổ không
thoát nổi tay Việt Minh. Cũng năm 1942, giáo chủ Phạm Công Tắc, lúc này
52 tuổi, bị Pháp bắt và đày qua Madagascar. Ở đó Phạm Công Tắc bị giam
chung với tù cộng sản, trong đó có Lê Giản. Hồi ký Lê Giản có kể lại
chuyện này.
Ở miền trung người Nhật ủng hộ các nhóm Đại
Việt thân Nhật và chịu ảnh hưởng của Cường Để, trong đó có nhóm Ngô
Đình Diệm. Năm 1944 khi mật thám Pháp vây bắt Ngô Đình Diệm, hiến binh
Nhật đã giải cứu rồi mang Ngô Đình Diệm vào Sài Gòn để bảo vệ.
Ở miền bắc họ tuyên truyền và lấy tình cảm
của trí thức trẻ và học sinh sinh viên trong Đông Dương Học Xá
(Université indochinoise), đặc biệt là với nhóm Đại Việt của Trương Tử
Anh và học giả Trần Trọng Kim. Tháng 7 năm 1944 thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh
bắt Trương Tử Anh, hiến binh Nhật can thiệp không cho bắt. Hồi ký của
Bùi Diễm mô tả khá sống động hoạt động ngầm và nổi của người Nhật ở Hà
Nội quãng thời gian này: rất tinh tế, tinh xảo và hiệu quả.
Khi người Nhật đảo chính Pháp, họ tiếp quản căn cứ không quân rất
quan trọng là Gia Lâm. Sau họ bàn giao lại cho Việt Minh khi phe này lên
nắm chính quyền. Chiến tranh Việt – Pháp nổ ra, Pháp chiếm lại Gia Lâm.
Sĩ quan Nhật huấn luyện đội cảm tử quân toàn dùng yêu tạ (ưu tạ, nghĩa
là giang hồ thảo khấu) của Hoàng Minh Chính và Lê Minh Nghĩa các kỹ
thuật thuốc nổ để đánh sân bay Gia Lâm giáp Tết 1947 (trận đánh đầu tiên
của Việt Minh vào căn cứ quân sự hàng khủng của Pháp). Hỗ trợ huấn
luyện quân sự của sĩ quan Nhật giúp Việt Minh (rất quan trọng) ở miền
nam sẽ được kể tiếp ở phần “miền nam” phía dưới. Sau cả Hoàng Minh Chính
và Lê Minh Nghĩa đều bi bắt trong vụ án chống Đảng nên trận Gia Lâm và
trận Bắc Ninh bị xóa mờ khỏi quân sử.
Cùng lúc này ở bên kia biên giới, các hội
kháng Pháp dưới sự bảo kê của cả quân đội Trung Hoa (quốc dân đảng của
Tưởng Giới Thạch) và quân đội Trung Quốc (đảng cộng sản của Chu Ân Lai),
xuất hiện chi chít: Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội xuất hiện sớm nhất,
năm 1936, ở Nam Kinh (của Hồ Học Lãm, du học sinh Đông Du và sau này
tham gia hội của Phan Bội Châu, và là sĩ quan cao cấp của quốc dân
đảng), Việt Nam Giải Phóng Đồng Minh Hội (thỏa hiệp hợp tác giữa VNQDĐ
và ĐCS Đông Dương), và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội do chính tướng
của Quốc dân đảng là Trương Phát Khuê tổ chức cho người Việt hải ngoại.
Trong nhóm của Trương Phát Khuê có Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần. Việt
Nam Độc Lập Đồng Minh Hội sau được dựng lại thànhViệt Minh.
Có một chi tiết mà lịch sử lại rất nghịch ngợm ở đây, đó là Trương
Phát Khuê chính là người đã bắt bỏ tù Hồ Chí Minh ở Trung Quốc rồi lại
thả ra (8/1942 đến 9/1943) để tận dụng nhân vật tài năng này xây dựng
Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội
sau khi Hồ Chí Minh bỏ đi để về với Việt Minh, ngay lập tức chia rẽ nội
bộ và suy yếu. Ngay cả tên Hồ Chí Minh, cũng được cho là do Nguyễn Ái
Quốc sử dụng từ năm 1939 dưới vỏ bọc một sĩ quan Bát Lộ Quân của Diệp
Kiếm Anh ở Quế Lâm để lẩn trốn sự truy tìm của trùm mật vụ quốc dân đảng
là Tai Li (Dai Li, Taili, Đới Lạp, 戴笠) vốn có mạng lưới chân tay trên
khắp đất Trung Hoa và cả ở các khu nhượng địa, đặc biệt là các nhóm xã
hội đen hoạt động ngầm. Đây cũng là thời gian Mỹ ủng hộ quốc dân đảng
của Tưởng để chống Mao và giữ các vùng đất sau khi Nhật rút đi, bằng
cách gửi lực lượng quân sự của mình tới đây.
Cũng trong thời gian 1939-1940, dưới tên Hồ Quang (Hồ Chí Minh?),
Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ Chu Ân Lai (người quen cũ từ hồi ở Pháp 1921),
liên hệ với nhóm VNĐLĐMH (Việt Minh) và ủy ban hải ngoại của ĐCS Đông
Dương của Hồ Học Lãm , Hoàng Văn Hoan và Phùng Chí Kiên; đồng thời tìm
cách liên lạc với Đảng cộng sản Đông dương ở trong nước nhưng bất thành.
Cùng lúc này ở trong nước, Chu Văn Tấn và Hoàng Văn Thụ tổ chức khởi
nghĩa Bắc Sơn. Tháng 5 năm 1940, lúc Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng
được Hoàng Văn Thụ gửi sang Trung Quốc, họ đã gặp Nguyễn Ái Quốc vào
tháng 6 ở Côn Minh nhưng sử dụng tên cũ hồi ở Hồng Công là Vương. Đây là
lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp gặp Hồ Chí Minh, và là lần đầu tiên Hồ Chí
Minh trở về đất mẹ. Họ đi vào Pắc Bó. Năm 1943, khi Hồ Chí Minh được
Trương Phát Khuê thả ra khỏi tù, quản thúc rồi đồng ý cho về Việt Nam,
Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đi đón lần thứ hai. Cuối năm 1944, Hồ Chí Minh
đi Trung Quốc để trả cho quân Đồng Minh (thực tế là không lực Hoa Kỳ)
trung úy Shaw (được Việt Minh cứu) cốt để kết nối với các cơ quan tình
báo Mỹ OWI, OSS và tướng Chennault (tư lệnh không đoàn 14 của Mỹ) ở Côn
Minh. Khi trở về Việt Nam vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1945, thì
Hoàng Quốc Việt và Chu Văn Tấn đã xây dựng xong chiến khu Cao Bằng, Bắc
Cạn nên từ Pắc Bó Hồ Chí Minh đi xuống Kim Lung. Chính ở Kim Lung, toán
Con Nai đã gặp Hồ Chí Minh. Từ Kim Lung họ cùng nhau đi tiếp đến Na Lừa,
Kim Long và gặp Võ Nguyên Giáp lên đón. Đây là lần thứ ba Võ Nguyên
Giáp đón Hồ Chí Minh. Tại đây Hồ Chí Minh đổi tên địa danh thành làng
Tân Trào (New Tide).
Khi rời quê hương, Nguyễn Tất Thành có một danh và một phận. Khi rời
Pháp qua Nga, Nguyễn Ái Quốc có danh và phận khác. Khi rời Trung Quốc
trở lại quê hương sau nhiều năm lưu lạc, Hồ Chí Minh có danh và phận thứ
ba. Khi rời Tân Trào về Hà Nội, tất cả các danh và phận chập lại thành
một để trở thành sứ mệnh. Quãng đường đấy dài 35 năm, trong đó 5 năm
cuối chủ yếu là đi bộ.
Còn ở ngay Hà Nội, Trường Chinh tổ chức Hội
Văn Hóa Cứu Quốc và thành lập hai đảng Việt Nam Xã Hội Đảng và Việt Nam
Dân Chủ Đảng. Đảng Dân chủ chỉ vài năm sau được Việt Minh sử dụng làm
công cụ chính danh khi cướp chính quyền ở Hà Nội và thành lập chính phủ.
Với sáng kiến này, cùng các quyết định đúng đắn (Nhật Pháp bắn nhau và
hành động của chúng ta – tháng 3 năm 1945
) Trường Chinh đã tỏa
sáng rất rực rỡ trong hàng ngũ lý luận của Việt Minh với tầm nhìn xa
trông rộng của mình. Và phải rất lâu sau mới tỏa sáng thêm lần nữa, cũng
ở vai trò Tổng Bí Thư, ở đêm trước Đổi Mới.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, rất bất ngờ và gọn
ghẽ. Nhưng họ đã không chọn Cường Để, một nhân vật thân Nhật nhưng chống
Pháp mà vẫn sử dụng Bảo Đại vốn thân Pháp. Người ký tuyên ngôn độc lập
cho nước Việt, dưới sự che chở của Nhật, là Vua Bảo Đại cùng sáu vị
thượng thư, trong đó có Phạm Quỳnh, vào ngày 11 tháng 3 năm 1945. Tuyên
ngôn độc lập này có đoạn:
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình
thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước
bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập. Nước
Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và
theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc
thịnh vương chung. Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở
Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản
trong nước để cho đạt được mục đích như trên.”
Bất ngờ hơn nữa, người Nhật không chọn Ngô Đình Diệm, vốn đang được
quân đội Nhật che chở ở Sài Gòn làm thủ tướng, vì ông này trung thành
với Cường Để. Thay vào đó họ chọn Trần Trọng Kim là một học giả nổi
danh. Trước đó Trần Trọng Kim được người Nhật đưa đi trốn ở Singapore .
Chính phủ Trần Trọng Kim với nội các toàn dân trí thức thượng lưu đã ra
mắt quốc dân với tên gọi Đế Quốc Việt Nam (Vua Bảo Đại ký chấp thuận nội
các này ngày 7 tháng 4 năm 1945). Thị trưởng Hà Nội đầu tiên, Đốc lý
Trần Văn Lai, cũng chính là thị trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim. Thủ
tướng Trần Trọng Kim đã ra thông tư yêu cầu sử dụng tiếng Việt trong
công văn. Trong thời gian ngắn ngủi làm thị trưởng, Trần Văn Lai đã theo
Trần Trọng Kim mà thay đổi ngôn ngữ hành chính từ Pháp qua Việt, thay
các tên phố Hà Nội từ tên Pháp qua tên danh nhân Việt nhưng giữ nguyên
tên 36 phố cổ để lưu giữ kỷ niệm cố đô, phá tượng Pháp dựng ở Hà Nội và
tìm cách dựng tượng danh nhân Việt thay thế. Ngày đốc lý Trần Văn Lai
họp ra quyết định này là ngày 27 tháng 7 năm 1945. Trong thời gian này
Quốc Dân Đảng hoạt động rất mạnh trên cả nước. Sáng chủ nhật ngày 17
tháng 6 Trung ương đảng bộ của Quốc Dân Đang tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn
Thái Học ở núi Khán Sơn trong Bách Thảo, đồng thời vận động người Hà Nội
treo cờ.
Đế quốc Việt Nam là nước thứ ba tuyên bố độc lập dưới sự che chở của
Nhật (sau Lào và Cambodia). Việc đầu tiên của Bảo Đại làm được là bỏ từ
Annam, thay bằng Việt Nam. Những ngày đầu tiên Đế quốc này có lãnh thổ
bé nhỏ, không có Nam Kỳ, không có các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng,
Đà nẵng (Nhật vẫn giữ). Bộ máy yếu ớt, không có Bộ Quốc Phòng, và Nhật
vẫn nắm các sở công an, sở tuyên truyền, các Nha học chính, nha tư pháp,
sở Bưu điện, sở tài chính. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, chính phủ
Trần Trọng Kim đã đòi Nhật bàn giao lại tất cả. Cho đến tháng 8 năn
1945 thì đòi được Nam Kì mà Trần Trọng Kim gọi là Nam Bộ. Bảo Đại bổ
nhiệm Nguyễn Văn Sâm (đảng Quảng Xã) làm Nam Bộ Khâm Sai ngày 14 tháng
8. Trần Trọng Kim coi như xong việc của mình, xin từ chức. Từ ngày 12
đến ngày 16 nội các của Trần Trọng Kim gần như tan rã. Khâm sai ở Bắc Kỳ
Phan Kế Toại không đàm phán được với đại diện của Việt Minh (Ủy Ban
Khởi Nghĩa/Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng Hà Nội của Nguyễn Khang) cũng chạy
vào Huế. Do đó nhà nước Bảo Đại cho hình thành chính phủ lâm thời và Ủy
ban cứu quốc của Nguyễn Xuân Chữ và Trần Văn Lai vào ngày 16 tháng 8 như
đã nói ở trên. Ngày 17 tháng 8, Bảo Đại họp nội các, ra đạo Dụ số 105
tuyên bố nhà Vua sẵn sàng trao chính quyền cho Việt Minh và mời lãnh đạo
Việt Minh vào Huế lập nội các. Cùng ngày, Hoàng Đế xuống Chiếu động
viên nhân dân. Nhờ đạo Dụ 105 mà cách mạng đã tránh được đổ máu. Các lực
lượng bảo an binh là lực lượng cảnh sát do Nhật đào tạo và chỉ huy, do
đã bàn giao cho Trần Trọng Kim về hình thức nên đã tuân thủ đạo Dụ này.
Khi Nguyễn Xuân Chữ bàn giao Bắc Bộ Phủ thì bảo an không động súng,
tránh đổ máu, dù lực lượng này tinh nhuệ hơn hẳn Việt Minh. Bảo an Hà
Nội sau là nòng cốt của công an Hà Nội, nhưng quá khứ Nhật của họ bị xóa
mờ, đồng thời đổi tên thành Công An theo lối tàu của Mao.
Chỉ vài tháng sau,ngày 23 tháng 8, tức 4 ngày sau Cách Mạng
Tháng 8, Bảo Đại nhận được yêu cầu thoái vị từ Chính phủ nhân dân cách
mạng của Hồ Chí Minh. Tìm hiểu một hồi, Bảo Đại biết Hồ Chí Minh là ai,
bèn thoái vị và trở thành công dân nước độc lập, ra Hà Nội làm cố vấn
Vĩnh Thụy. Trong hồi ký
“Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim đăng trên báo năm 1949 có nhắc lại câu nói lừng danh của Bảo Đại về việc này.
Ở Bắc Bộ, Việt Minh làm chủ tình hình nhờ
tảo thanh triệt để các phe đối lập. Quân Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch,
lúc này Hồng Quân của Mao chưa thắng thế, và cũng không phải ở phe Đồng
Minh), yểm trợ cho Quốc Dân Đảng và nhùng nhằng với cả Việt Minh lẫn
Pháp. Việt Minh ký Hiệp ước sơ bộ Pháp Việt (ngày 6 tháng 3 năm 1946) để
lấy tính chính danh cho chính phủ Việt Minh nằm trong Liên hiệp Pháp
đồng thời đồng ý cho quân đội Pháp (tướng Leclerc) quay lại miền bắc để
đẩy quân Tưởng, kẻ thù của Việt Minh ra khỏi lãnh thổ. Quốc Dân Đảng và
Đại Việt gặp tai nạn nặng khi khi mất hậu thuẫn Trung Hoa, nên bị quân
đội Pháp và Việt Minh, lúc này chưa chiến tranh, phối hợp tiễu trừ. Các
chiến khu của Đại Việt và Quốc Dân Đảng, hai lực lượng chống Pháp quyết
liệt, ở dọc sông Hồng bị lực lượng vũ trang Việt Minh của Võ Nguyên Giáp
tấn công và xóa sổ. Trương Tử Anh bị bắt. Các lãnh đạo Nguyễn Hải Thần,
Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Vũ Hồng Khanh nhanh chân đi thoát qua
biên giới. Thế nhưng Hiệp ước sơ bộ có nội dung thỏa hiệp với Pháp (chấp
nhận cho Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp) và rước quân đội Pháp trở
lại Việt Nam, về pháp lý đã tạo ra một nước Việt Nam chỉ có Bắc bộ và
Trung bộ, và do đó lại đặt Việt Minh vào thế đối lập với các đảng phái
và các tổ chức có vũ trang có tinh thần chống Pháp ở Nam bộ. Nam bộ chỉ
sáp nhập trở lại với Việt Nam được sau đó mấy năm nhờ công đàm phán của
Bảo Đại (Hiệp ước Élysée năm 1949).
Ở Nam Bộ tình hình rắc rối hơn nhiều. Ngay
sau khi Nhật đầu hàng, Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất bao gồm tất cả các
lực lượng khác nhau, bao gồm cả Việt Minh vẫn Cao Đài, Hòa Hảo …nổi lên.
Một trong các lãnh đạo của mặt trận này là Ngô Đình Diệm. Lãnh đạo Việt
Minh ở Sài Gòn lúc đó là Trần Văn Giàu (Bí thư xứ ủy, sau khởi nghĩa
đứng đầu Lâm ủy hành chính), Dương Bạch Mai (là ủy viên trưởng của quốc
gia tự vệ cuộc nằm trong Lâm ủy hành chính). Chính quyền Việt Minh ở Sài
Gòn chỉ tảo thanh được các nhóm đối lập giàu trí thức mà kém vũ trang
là nhóm Lập Hiến (Bùi Quang Chiêu) và nhóm Troskist (Tạ Thu Thâu, Phan
Văn Hùm) . Cả Trần Văn Giàu và Dương Bạch Mai đều có quan hệ cá nhân với
nhóm Trotkist do cùng hoạt động chính trị hồi ở Paris hoặc quen nhau
trong tù thực dân. Đường hướng vô sản của Troskist (Đệ tứ quốc tế, tả
đối lập với Đệ tam quốc tế Stalinist của Việt Minh) khiến cho nhóm Phan
Văn Hùm, Tạ Thu Thâu rất nổi trong quần chúng lao động khi nhóm này rời
Pháp quay về Sài Gòn để hoạt động chính trị. Đặc biệt là nhà cách mạng
Tạ Thu Thâu rất được ngưỡng mộ. Phan Văn Hùm bị ám sát ở Thủ Đức không
gây ồn ào, nhưng Tạ Thu Thâu bị xử chém công khai ở Quảng Ngãi, Việt
Minh phải thay mấy nhóm hành quyết mới giết nổi ông này vì uy danh lớn
quá, không ai dám ra tay. Ngô Đình Diệm bị công an Việt Minh bắt và
chuyển ra Hà Nội. Các nhóm như Hòa Hảo, Cao Đài súng ống đầy mình do
Nhật yểm trợ nên Việt Minh không thể cưỡng được, đành thôi. Tuy nhiên
lãnh tụ Hòa Hảo là Huỳnh Phú Sổ bị phục kích chết sau đó hơn một năm,
khi chiến tranh Pháp Việt đã nổ ra (1947). Lực lượng Thanh Niên Tiền
Phong rời Sài Gòn đi về nông thôn. Trần Văn Giàu coi như mất giá, phải
ra Hà Nội làm nhà nghiên cứu cạo giấy, mở đường cho hai siêu sao là
Nguyễn Bình (vốn là đảng viên quốc dân đảng, sau khi đi tù Côn Đảo đã
chuyển qua hàng ngũ cộng sản lãnh đạo các hoạt động quân sự) và Lê Duẩn
(lãnh đạo chính trị). Hồi ký Trần Văn Giàu, xuất bản không chính thức từ
bản thảo ở Long An, hé lộ một nửa chuyện này. Sách về Cách Mạng Tháng 8
và sử đảng xuất bản ở HN những năm 1960 không nhắc gì đến Nguyễn Bình
và Trần Văn Giàu. Ở giai đoạn này Dương Bạch Mai, Nguyễn Bình ở tuổi
trên 40 và nắm Công An, Quân đội. Lê Duẩn, Trần Văn Giàu trẻ hơn, đều
dưới 40 và nắm xứ ủy.
Ở Nam Bộ, quân Đồng Minh Anh rút đi, để lại
Đông Dương cho Pháp. Ở đây có những phép đảo nghịch khá thú vị. Khi
Nhật đảo chính Pháp, quân đội Pháp đóng ở Bắc Bộ, bao gồm cả sĩ quan
Pháp gốc Việt, chạy qua biên giới Việt Trung, sau họ quay lại, gây sức
ép lên Việt Minh. Ở Nam Bộ, sau khi Nhật đầu hàng, các sĩ quan Nhật
không muốn rơi vào tay đồng minh kẻ thì tự tử, kẻ chạy qua Liên Việt (do
Việt Minh lập ra). Trung úy Yushida chạy qua làm cố vấn cho quân đội
Cao Đài, đại úy Kani Bushi làm cho Hòa Hảo. Hai sĩ quan Nhật đi làm như
vậy là do một sĩ quan cao cấp hơn tên là Ishitako giao nhiệm vụ.
Ishitako làm cho Việt Minh ở Liên Khu 5 với tên Việt là Nguyễn Thống.
Việt Minh kiểm soát Liên khu 5 rất lâu (cho đến chiến dịch Atlante năm
1953 Pháp mới chiếm được). Trong thời gian này, Nguyễn Thống tiếp tục
giao cho Shiato là cựu tư lệnh Hiến binh Nhật mở các khóa đào tạo tình
báo cho Việt Minh ở Quảng Ngãi. Nguyễn Thống cũng chỉ huy mở đường mòn
nối Liên Khu 5 (Nam Trung Bộ) và Liên Khu 7 (Nam Bộ). Đường này có tên
đường Liên Việt Liên Khu 5. Đây chính là đường mòn Hồ Chí Minh sau này.
Bản thân Nguyễn Thống mở các lớp đào tạo sĩ quan ở miền tây. Các sĩ quan
Nhật đã đóng góp rất nhiều cho các khóa đầu của Trường lục quân trung
học Quảng Ngãi do tướng Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng. Năm 1950, Nguyễn
Sơn quay trở lại Trung Quốc, các sĩ quan Nhật như Nguyễn Thống, Shiato,
các sĩ quan của Nguyễn Bình … đều bị Việt Minh cô lập hoặc tảo thanh để
giữ cho hàng ngũ cao cấp của họ được “kinship” đồng chất đồng màu.
Ở Bắc Bộ, quân Đồng Minh Tàu Tưởng rút đi
khỏi đất liền miền bắc nhưng vẫn chiếm các hải đảo (giải giáp từ quân
Nhật) vốn trước do Pháp công nhận thuộc Annam do Pháp bảo hộ (1932), sau
Pháp sáp nhập vào Đông Dương Thuộc Pháp (cũng trong năm 1932). Hải
quân Pháp không chịu mất chủ quyền của quốc gia, đánh nhau với quân Tàu
Tưởng, đến năm 1950 mới xong.
V. Những gì xảy ra trong 1949-1950, chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, Cochinchina và di sản của thời kỳ này.
Năm 1950, theo hiệp ước Élysée mà chính phủ Pháp ký với Bảo
Đại, Nam Bộ (Cochinchina) quay trở về với đất mẹ Việt Nam. Lần đầu tiên
ba miền thống nhất. Cochinchina, bao gồm cả Khmer Prom và đảo Phú
Quốc cũng thoát được nỗ lực xâu xé của hoàng thân Sihanouk. Pháp cũng
bàn giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam)
của Bảo Đại.
Lúc này, ở Hoàng Sa, Trường Sa đã có hoạt động khoa học của Pháp: các trạm khí tượng do Pháp thành lập từ trước 1940. Tổ
chức khí tượng thế giới (OMM) chấp thuận đăng ký các trạm khí
tượng Hoàng Sa, Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế
giới: trạm Phú Lâm số hiệu 48859, trạm Hoàng Sa số hiệu 48860, trạm
Ba Bình số hiệu 48419. Năm nhân viên khí tượng đầu tiên được cử ra
Hoàng Sa là do Nguyễn Xiển đào tạo ở trạm thiên văn Phủ Liễn năm 1937.
Ngày
14/10/1950, Thủ hiến Trung kỳ là Phan Văn Giáo đã chủ trì việc
bàn giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa từ Chính phủ Pháp sang
Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên quân đội Pháp vẫn đóng ở Hoàng
Sa cho tới 1956. Phan Văn Giáo được Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ngày
5/7/1949 cùng thời gian với ông Trần Văn Hữu được làm Thủ hiến Nam Việt,
và ông Nguyễn Hữu Trí làm Thủ hiến Bắc Việt. Phan Văn Giáo người Khánh
Hòa vốn là dược sỹ và kinh doanh thuốc, làm ngân hàng và tham gia chính
trị, rất giàu có ở Thanh Hóa. Năm 1945 bị Hoàng Đạo (Việt Minh) bắt, rồi
bỏ trốn được ra Hà Nội. Sau Phan Văn Giáo được phong hàm Trung Tướng để
xây dựng quân đội miền trung (Việt Binh Đoàn), tiền thân của quân đội
VNCH sau này.
Tháng 9 năm 1951 diễn ra Hội nghị San Francisco. Đây là hội nghị của
các nước Đồng Minh (phe thắng trận thế chiến 2) tổ chức để giải quyết
các vấn đề hậu chiến ở Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có giải quyết
các tài sản của Nhật và quan hệ ngoại giao với Nhật. Có 51 nước được
mời, không có Trung quốc lục địa (của Mao). Việt Nam được mời với tư
cách là thành viên của Liên Hiệp Pháp.
Về Hoàng Sa và Trường Sa: ngày 5 tháng 9 năm 1951, đại diện Liên Xô là
Andrei
Gromyko (sau này rất nổi tiếng ở Việt Nam với vai trò ngoại trưởng) đề
nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc (của Mao).
Đề nghị này được bỏ phiếu và kết quả là 3 phiếu thuận, 1 phiếu trắng
và 47 phiếu chống. Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này của Liên Xô!
Hai ngày sau, ngày 7 tháng 9 năm 1951,thủ tướng kiêm Ngoại trưởng
Trần Văn Hữu, trưởng đoàn Quốc Gia Việt Nam, đăng đàn xác nhận chủ quyền
của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông nói: “Và để tận
dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa,
chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. Không có
nước nào phản đối tuyên bố này, kể cả đoàn Liên Xô.
Điều này một lần nữa được hiệp ước Geneva (sau Điện Biên Phủ 1954) công nhận cho chính phủ Bảo Đại ở phía nam vĩ tuyến 17.
Công lao của Bảo Đại với Nam Bộ, sau là cả Việt Nam, ở chỗ này không
thể không công nhận. Hai ông hoàng Bảo Đại và Cường Để đã làm được những
việc xứng đáng với dòng dõi vua chúa lập quốc của mình.
Tháng 5 năm 1956 lợi dụng Quốc gia Việt Nam lúc này mới
chuyển thành Việt Nam Cộng Hòa (1955 với Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu
tiên), Tàu Tưởng Đài Loan chiếm Ba Bình Trường Sa. Ngay lập tức Ngô
Đình Diệm cho hải quân ra đánh chiếm lại (tháng 8 năm 1956).
Đến năm 1974, thay vì quân Tưởng ở Đảo, lần này quân Mao ở
Lục Địa, đánh Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 (sau hiệp
định Paris) đã suy yếu lắm rồi. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy
giờ, dù biết hải quân mình yếu và kém cỏi hơn hẳn, vẫn ra lệnh đánh trả.
Đây là quyết định sáng suốt nhất và có tính chiến lược nhất của Nguyễn
Văn Thiệu. Đánh trả chính là tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ nhất. Nó cũng
chuyển tải thông điệp cho đời sau: để lấy lại Hoàng Sa, không cách nào
khác là phải dùng biện pháp quân sự.
Trong các sách của người Châu Âu viết về đất nước, con
người và lịch sử của chúng ta từ những năm cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ
19, có nhiều cách họ nhìn nhận chúng ta vừa thú vị vừa tạo thành di sản
lịch sử.
Một trong những điểm họ đánh giá về đất nước chúng ta, ở cái thời kỳ
mông muội ấy, là chẳng có gì ngoài lợi thế địa lý. Họ ở đây là các hải
đội của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và sau này là Pháp. Trên
các con tàu ấy là hải quân, là các tu sỹ dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng
Phan Xi Cô, là các nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Ở giữa những
người Châu Âu văn minh, người Việt mông muội, là các thương gia Hoa,
thương gia Nhật và cả giáo dân Nhật, các linh mục lai giữa người Bồ và
người Đông Nam Á.
Người Châu Âu là người vẽ bản đồ thế giới. Họ biết cái gì thì vẽ cái
đấy. Biết tên gì thì đặt tên đấy. Thực tế trước khi người Bồ vẽ lại bản
đồ thế giới, chỉ có biển của người Chàm (Sea of Champa, Champa Sea).
Người Châu Âu biết đến Trung Hoa, Nhật Bản, Malaysia và Chăm Pa trước
khi biết đến chúng ta. Biển Đông là cách chúng ta đặt gọi vùng biển của
mình vì biển này ở phía Đông. Nó được người Trung Quốc gọi là Nan Hai vì
ở phía Nam của họ. Cách đặt và gọi tên này tự nó cho thấy tính địa
phương mà thiếu tính quốc tế. Các nước Đông Nam Á gọi vùng biển này là
Champa Sea. Rồi trên bản đồ tên Biển Chăm Pa được thay thành Biển Trung
Hoa bởi người Bồ Đào Nha, lúc đó là cường quốc số một về hàng hải, vẽ
bản đồ là Mar Da China. Sau này đổi thành biển Nam Trung Hoa để phân
biệt với vùng biển phía bắc.
Quay lại lợi thế địa lý. Vì các lý do cấm xuất nhập khẩu ở Nhật, cấm
đạo ở Nhật và Trung Quốc, tự nhiên Phố Hiến và Hội An trở thành hai
thương cảng lớn, đặc biệt là Hội An. Các tàu buôn và truyền giáo bắt đầu
đi từ Malacca, Macao và Nhật bản đến Hội An và Phố Hiến.
Phố Hiến còn là nơi tụ tập của thương nhân Hoa bởi triều đình, lúc đó là chúa Trịnh, cấm tiệt người Hoa sống ở Kẻ Chợ.
Người Châu Âu coi hai xứ này là hai nước riêng biệt. Nước của Vua
Nguyễn là Cochinchina. Nước của vua Lê và Chúa Trịnh là Tonkin. Bất chấp
nguồn gốc của hai cái tên này, nhưng khi dịch ra tiếng Việt thì
Cochinchina phải là Vương Quốc Đàng Trong (Xứ Đàng Trong, Nam Hà, Nam
Kỳ, Nam Bộ) còn Tonkin phải là Vương Quốc Đàng Ngoài (Xứ Đàng Ngoài, Bắc
Hà, Bắc Kỳ, Bắc Bộ). Tên riêng Gulf of Tonkin hiện vẫn còn tồn tại.
Cochin là cách đọc tên Giao Chỉ bằng tiếng Malay rồi phiên âm qua
tiếng Bồ. Cochinchina là Nước Giao Chỉ thuộc Trung Hoa, nhưng chỉ đây là
tên gọi của người Âu cho mảnh đất này, bản chất cái tên này chỉ là để
gọi vùng đất Đàng Trong. Sau này xứ Đàng Trong (Cochinchina) sáp nhập
với Miền Tây (của Mạc Thiên Tứ) và được gọi bằng nhiều tên khác nhau:
Nam Phần, Nam Kỳ, Nam Bộ … và rồi hiện nay được gọi là Miền Nam.
Có một
chi tiết là trong cuộc cạnh tranh chiếm đất thuộc địa của Anh và Pháp
nhân lúc Bồ Đào Nha suy yếu, người Anh đã đến Việt Nam (ngày nay) rất
sớm. Họ đã chiếm Côn Đảo (đặt căn cứ hải quân, văn phòng thương mại) mấy
năm rồi lại bỏ đi. Họ cũng đặt văn phòng thương mại ở Phố Hiến, rồi Kẻ
Chợ, rồi cũng bỏ đi. Người Hà Lan cũng bỏ xứ Đàng Ngoài mà đi. Người đến
sau, là người Pháp, cuối cùng lại là kẻ chiếm miền đất này. Khi người
Pháp đến Côn Đảo hơn 100 năm sau, họ còn thấy tàn tích nhà cửa pháo đài
do người Anh xây dựng. Có lẽ ở gần cái vũng phía đầu sân bay Cỏ Ống bây
giờ. Ở Côn Đảo có một mũi là mũi Tàu Chìm hay gì đó, có lẽ là tàu của
quân Anh đến đây và bị đắm.
Trước khi Nguyễn Huệ nổi lên như một thế lực thì đã có những người
Châu Âu buôn súng đại bác bán cho Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài
(Chúa Trịnh). Có cả người Bồ ở lại xứ Đàng Trong, mở xưởng đúc đại bác ở
gần Huế để bán cho vua Đàng Trong. Người nước ngoài cho rằng người Việt
học nghề và làm nghề giỏi. Chỉ cho họ cách làm là họ có thể làm được.
Người nước ngoài cũng cho rằng xứ Đàng Ngoài quá nghèo, không có vốn, họ
làm được nhiều thứ để xuất khẩu, nhưng phải đặt hàng và ứng tiền thì họ
mới làm. Điều này khiến cho quay vòng vốn rất chậm. Sản lượng xuất khẩu
thấp. Họ cũng nhận thấy phụ nữ thích lấy người Châu Âu, kể cả với giá
rẻ, để sinh con lai cho đẹp. Giá rẻ là vì hồi đó có thể bán vợ. Đàn ông
nghèo, bán vợ cho các nhà buôn nước ngoài vài tháng, khi họ đang ở Phố
Hiến hoặc Kẻ Chợ để đợi giao hàng.
Tất cả các thuyền bè, của hải quân, nhà buôn hay truyền giáo. Đến
Đàng Trong hay Đàng Ngoài, từ Macao, Malacca đều đi qua một bãi đá ngầm
lớn rồi vào cửa biển Hội An hoặc ra bắc vào cửa Thái bình rồi đến Phố
Hiến. Bãi đá ngầm lớn này dần dần được ghi trên bản đồ là Paracel rồi là
Paracel và Spratly. Bãi đá ngầm này được người Châu Âu cho rằng thuộc
về Xứ Đàng Trong. Không phải vô cớ mà khi thống nhất đất nước, Nguyễn
Ánh Gia Long, xác lập lãnh thổ của Việt Nam trên các hòn đảo Hoàng Sa,
Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo … Như vậy khi nói đến Paracel (Hoàng Sa)
và Spratly (Trường Sa) ở thời kỳ này thì phải nói rằng Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc về Vương Quốc Đàng Trong (Cochinchina) của các Vua
Nguyễn.
VI. Lại quay về với năm 1946
Hiệp ước mùng 6 tháng 3 cho quân đội Pháp quay lại Đông Dương với
người đứng đầu cực kỳ quyền lực (Cao Ủy) là đô đốc hải quâncó cái tên
dài lòng thòng là George Louis Marie Thierry D’Argenlieu. Ông này chống
lại yêu cầu đòi thống nhất Nam Bộ của chính phủ Hồ Chí Minh. Đàm phán
giữa hai phe diễn ra ở Đà Lạt nhưng thất bại. Đọc hồi ký Ký vãng Đà Lạt
của Hoàng Xuân Hãn sẽ thấy không khí giai đoạn này. Để vứt Hiệp định sơ
bộ Pháp Việt vào sọt rác D’Argenlieu thản nhiên dựng Nam Kỳ Cộng Hòa
Quốc (Cộng Hòa Đàng Trong / Republic of Cochinchina) với Nguyễn Văn
Thinh làm President . Nguyễn Văn Thinh có quốc tịch Pháp và là thành
viên nhóm Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu. Chính phủ bù nhìn này theo
trường phái ly khai Nam Bộ nên bị các nhóm chống Pháp có vũ trang, từ
Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và cả Việt Minh xúm lại đánh đập. Lực lượng
của Việt Minh lúc này do siêu sao Nguyễn Bình, vốn là đảng viên Quốc
Dân Đảng cũ, lãnh đạo. Các hoạt động vũ trang trong nội thành của Nguyễn
Bình chính là mẫu hình cho các vụ đánh bom của Biệt động Sài Gòn sau
này. Ý tưởng về một Liên bang Đông Dương gồm 5 bang (state) bao gồm Lào,
Cambodia, Cochinchina, Annam, Tonkin nằm trong Liên hiệp Pháp (French
Union) hình thành ở giai đoạn này.
Uy tín và tài năng cá nhân của Nguyễn Bình đã thống lĩnh được các lực
lượng vũ trang chống Pháp vốn rất lộn xộn và hiềm khích nhau ở Nam Bộ,
xây dựng Vệ quốc đoàn, đánh đập Pháp và chính phủ Cộng Hòa Nam Kỳ rất
tàn nhẫn. Nhờ đó khi Hồ Chí Minh khi đi Pháp đã có những thỏa thuận (với
Marius Moutet, bộ trưởng bộ hải ngoại) có lợi cho chính phủ Việt Minh
và hai bên ngừng bắn. Việc này kết liễu luôn nhà nước Cộng Hòa Nam Kỳ.
Nguyễn Văn Thinh tự sát.
Sau Hội nghị Đà Lạt và trước hội nghị Fontainebleau, D’Argenlieu đến
Hà Nội gặp Hồ Chí Minh ngày 19/5/1945. Trước đó một ngày, ngày 18/5,
báo Cứu Quốc đăng bài “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam” trong đó đầu
tiên họ “tiết lộ” ngày sinh của vị chủ tịch là ngày 19/5 để hôm sau Hà
Nội treo cờ hoa. Các thương thuyết Pháp Việt (Việt Minh) dùng dằng mãi
rồi thất bại, chiến tranh Pháp Việt (Đông Dương lần thứ nhất) nổ ra.
Chính phủ Việt Minh quay thủ phủ cũ của họ là Tân Trào.
VII. Hình thành Việt Nam Cộng Hòa
Sau cái chết của Nguyễn Văn Thinh, chỉ trong thời gian ngắn, để thay
thế Pháp lần lượt lắp Lê Văn Hoạch (Cao Đài) rồi Nguyễn Văn Xuân vào chỗ
trống. Tất cả các nhân vật miền nam thân Pháp này, lại hùa với nhóm
chống Việt Minh đang lưu vong ở Tàu, cùng nhau ủng hộ Bảo Đại. Bảo Đại
lúc này ở Hong Kong (1947) và bắt đầu có tín hiệu muốn đàm phán với
Pháp. Trong quá trình này, Pháp xây dựng Cộng Hòa Tự Trị Nam Kỳ với
tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng.
Nguyễn Văn Xuân có quốc tịch Pháp và là thiếu tướng trong quân đội
Pháp, trở về Việt Nam khoảng tháng 8 năm 1947. Tháng 9 thì bác sỹ Lê Văn
Hoạch từ chức, Hội đồng tư vấn Nam Kỳ bầu Nguyễn Văn Xuân lên thủ tướng
ngày 1 tháng 10 năm 1947. Nguyễn Văn Xuân đổi tên Nam Kỳ thành Nam
Phần. Cũng như bác sỹ Thinh và bác sỹ Thạch, tướng Xuân lên nhậm chức là
tỏ rõ ý đồ thống nhất ba miền thành một nước Việt Nam. Nguyễn Văn Xuân
không nói được tiếng Việt, nhưng làm việc giỏi, có ý đồ. Tháng 12, thủ
tướng Xuân qua Hongkong gặp Bảo Đại bàn việc mở Chính phủ trung ương lâm
thời (Provisional Central Government of Vietnam). Tên của chính phủ đã
cho thấy chính phủ mới này chỉ là tạm thời, lấy chính danh để đàm phán
với Pháp đòi thống nhất ba miền và độc lập cho Việt Nam.
Đại hội đảng phái và nhân sĩ cả nước họp tại Sài Gòn 20 tháng 5 năm
1948 bao gồm Hội đồng tham nghị Nam Phần, Hội đồng chấp tranh Trung phần
và Bắc phần, các đoàn thể đảng phái khác. Đại hội bầu Nguyễn văn Xuân
làm Thủ tướng chính phủ lâm thời. Ngày 27 tháng 5, chánh phủ mới qua
Hongkong gặp Bảo Đại. Ngày 2 tháng 6 năm 1948 chính phủ ban hành Hiến
pháp tạm thời (Provisional status), trong đó quy định quốc kỳ (cờ vàng
ba sọc, biến thể từ cờ quẻ ly), quốc ca (Thanh niên hành khúc của Lưu
Hữu Phước). Tháng 6 năm 1948, Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại ra Hạ Long ký
hiệp định Hạ Long với Cao ủy Pháp lúc này là Bollaert. Nguyễn Văn Xuân
và Bảo Đại đều trưởng thành và được đào tạo ở các trường đại học hàng
đầu của Pháp, lại quen sống với giới thượng lưu của Pháp, nên thái độ
đàm phán với Pháp rất tự tin, khác hẳn đàm phán ở Đà Lạt. Về những điểm
đàm phán thể hiện độc lập và thống nhất ba miền, Bollaert tỏ ý đe dọa,
Nguyễn Văn Xuân chửi thẳng bằng tiếng Pháp, còn Bảo Đại nói những câu
khinh thường. Ngày 5 tháng 6 ký xong, ngày 15 tháng 6 Thủ tướng Xuân qua
Pháp. Từ đây bắt đầu đàm phán với Pháp, đến 25 tháng 4 năm 1949 mới
xong.
Chính phủ Việt Minh phản đối dữ dội chính phủ Nguyễn Văn Xuân và gọi
đây là chính phủ bù nhìn. Một vở kịch của Thế Lữ thời kỳ này chế diễu
tướng Xuân rất buồn cười với việc “kéo mũi ra cho lõ như Tây”.
Đàm phán Pháp – Việt (Việt của Bảo Đại) đi đến hiệp ước Elysée. Pháp
trao trả độc lập (pháp lý) và toàn vẹn lãnh thổ (tương đối) cho Việt
Nam. Pháp vẫn nắm ngoại giao, quân đội, kinh tế và tiền tệ. Đồng thời
tạo ra khu tự trị cao nguyên. Hiệp ước được quốc hội Pháp thông qua và
ký tháng 3 năm 1949. Ba tháng sau Bảo Đại về Sài Gòn nhận chức quốc
trưởng của một nhà nước mới toe: Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam).
Tất nhiên trên thực tế, chính quyền mới này không can thiệp vào được các
vùng do chính phủ Việt Minh đang kiểm soát.
Cũng trong năm 1950, nhờ Mỹ Anh tài trợ và được De Lattre ủng hộ,
quân đội của Quốc Gia Việt Nam bắt đầu được hình thành. Nguyễn Văn Hinh,
một sĩ quan không quân Pháp và có quốc tịch Pháp làm Tổng tham mưu
trưởng đầu tiên với hàm thiếu tướng. Năm 1955 tướng Hinh bất đồng với
Ngô Đình Diệm, trở về Pháp, tham gia quân đội Pháp, về hưu với hàm đại
tướng quân đội Pháp.
VIII. Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm đến Đông Dương.
Giai đoạn này chính trị thế giới, do ảnh hưởng của Liên Xô và học
thuyết của họ lúc đó là học thuyết (chủ nghĩa) Zhdanov (rất thô và đơn
giản) đã chia thế giới theo một cách hết sức ngô nghê: chia thành hai
phe. Phe Đế Quốc do Anh Mỹ đứng đầu, và phe Dân Chủ do Liên Xô đứng đầu.
Để phát triển xã hội, học thuyết Zhdanov khuyến khích đấu tranh giai
cấp không khoan nhượng. Tiếp đó cách mạng bạo lực của Mao thành công ở
Trung Quốc, đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đảo. Trung Quốc và Liên Xô
công nhận chính phủ Việt Minh (1949). Mỹ và Anh công nhận chính phủ của
Bảo Đại (1950). Tính chính danh của hai chính phủ ở hai miền hình thành ở
giai đoạn này và để lại di sản cho các giai đoạn kế tiếp. Đó cũng là
lúc thế giới bước vào Chiến tranh lạnh.
Các học thuyết của Mỹ ở thời điểm này bắt đầu cho Đông Dương vào vòng
ngắm. Theo Stanley Karnow, tháng 5 năm 1945, ngay sau khi Truman vào
Nhà Trắng thế chỗ cho tổng thống Roosevelt qua đời, ngoại trưởng Edward
Stettinius của Mỹ đã khẳng định với ngoại trưởng Pháp lúc đấy là George
Bidault rằng Mỹ sẽ công nhận các đòi hỏi quyền lợi của Pháp ở Đông
Dương. Sáng kiến của Truman tại Quốc hội ngày 12 tháng 3 năm 1947 về
việc hỗ trợ người các dân tộc tự do, sau được gọi là học thuyết Truman,
làm căng thẳng thêm chiến tranh lạnh. Ngày 25 tháng 6 năm 1950, Bắc Hàn
tấn công Nam Hàn và bốn ngày sau chiếm Seoul. Sáu tháng trước đó Mao
thắng thế toàn diện ở Trung Quốc và cùng Liên Xô công nhận chính phủ Hồ
Chí Minh. Bốn ngày sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ngày 28
tháng 6, Truman ký lệnh tăng tốc hỗ trợ Pháp. Một ngày sau đó 8 chiếc
máy bay vận tải C-47 của Mỹ bay tới Bắc Việt và tham gia “trái luật” vào
chiến tranh Đông Dương, đây là những máy bay đầu tiên của
CAT.
Phải tới ngày 26 tháng 7 năm 1950 tổng thống Truman ký luật hỗ trợ quân
sự cho Pháp và được Quốc hội Hoa kỳ thông qua. Mỹ đã chi gần 3 tỷ
dollar để viện trợ cho Pháp ở Đông Dương trong 4 năm sau đó. Các phái
đoàn cố vấn quân sự, kinh tế của Mỹ bắt đầu đến Sài Gòn. Tiền và vũ khí
Mỹ, chuyên gia Mỹ, được dùng để bắt đầu xây dựng Quân đội cho Quốc gia
Viêt Nam ở phía nam và choquân đội Pháp đánh nhau với Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa ở phía bắc. Các hoạt động của Edward Lansdale tốn kém lên tới
hàng triệu dollar vẫn được tài trợ.
IX. Điện Biên, Geneva, và gia đình họ Ngô ở miền nam.
Từ năm 1950 đến năm 1954, khi Võ Nguyên Giáp vẫn kiên trì
đánh Pháp ở rừng núi Bắc Bộ thì ở Nam Bộ quốc trưởng Bảo Đại một mặt xây
dựng chính quyền của mình, vốn nhiều phe phái không đồng nhất, mặt khác
kiên trì tiếp tục đàm phán với Pháp đòi hỏi độc lập thực sự của Việt
Nam.
Bảo Đại là một ông vua, tức là như Dumas nói: vua là quý tộc của các
quý tộc. Bảo Đại có các phẩm chất cao quý nhất của con người: thông
minh, tinh tế, hiểu người, hiểu đời. Bên cạnh đó, Bảo Đại được đào tạo
đầy đủ về khoa học chính trị ở Sciences Po bên Pháp. Điểm yếu của Bảo
Đại, cũng là tính quý tộc: mê đánh bài, mê gái, mê săn bắn, mê ngao du.
Bảo Đại hiểu chính trị và biết dùng chính trị gia. Nhưng bản thân Bảo
Đại lại muốn ở trên và bên ngoài mọi đảng chính trị, lại lười việc nước,
ham chơi, không muốn làm lãnh đạo đất nước. Làm quốc trưởng, Bảo Đại
cũng ở Đà Lạt đi săn, mọi việc thả cho Thủ Tướng làm.
Đây là thời kỳ thú vị của Sài Gòn. Không khí chính trị mới mẻ, các
lực lượng quân sự hùa về với Bảo Đại, kinh tế ngầm liên quan đến buôn
thuốc phiện do mafia đảo Corse nắm. Nhóm người Corse này lại kết nối với
lực lượng bảo vệ an ninh đô thành, là nhóm Bình Xuyên. Bình Xuyên lại
làm cả bảo kê gái và song bài. Bảo Đại sống bằng tài trợ của Pháp và
Bình Xuyên. Sài Gòn như một thành phố quốc tế, đầy rẫy bọn buôn lậu và
điệp viên. Graham Greene qua Sài Gòn vừa làm báo, vừa làm điệp viên, vừa
hút thuốc phiện. Phạm Xuân Ẩn làm cho phòng nhì, kiểm soát bằng cách
đọc lén thư từ của chính Greene. Ở ngoại ô, quân Việt Minh do Nguyễn
Bình vẫn đánh Pháp. Lê Duẩn nắm Xứ Ủy, và theo KW Taylor, Lê Duẩn còn
phải kiềm chế Nguyễn Bình. Một góc của Sài Gòn hồi đấy có thể thấy ở
Sound of Silence.
Thủ tướng đầu tiên của Bảo Đại là Nguyễn Phan Long, thay cho Nguyễn
Văn Xuân bởi Nguyễn Văn Xuân không nói được tiếng Việt. Nguyễn Văn Xuân
làm phó thủ tướng cho đến khi chính phủ Nguyễn Phan Long hoàn thiện thì
về Pháp. Nguyễn Phan Long là một người thuộc nhóm Lập Hiến, đòi Pháp trả
độc lập hoàn toàn và tỏ ra thắm thiết với Mỹ. Ngay lập tức Pháp ép Phan
Long nghỉ và thay bằng Trần Văn Hữu, một người nhà giàu quốc tịch Pháp
(1950). Không ngờ Trần Văn Hữu ngày càng tỏ ra ái quốc, bỏ ra nhiều
tháng đi Pháp (Pau) để tiếp tục tranh luận các điều khoản chưa rõ trong
hiệp ước Élysée, đòi các quyền lợi kinh tế, quân sự, ngoại giao. Trần
Văn Hữu chính là thủ tướng tuyên bố Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam
như đã nói ở trên. Cuối cùng, tới năm 1952, Trần Văn Hữu làm việc thẳng
với Anh Mỹ, khiến Pháp cay quá phải thay bằng Nguyễn Văn Tâm, một công
dân Pháp và theo phe ly khai Nam Kỳ ngày trước.
Nguyễn Văn Tâm làm đến cuối năm 1953 thì từ chức, và đầu năm 1954 Bảo
Đại bổ nhiệm Bửu Lộc, một người họ hàng của mình vào chức thủ tướng.
Lúc này Bảo Đại đang ở Pháp để trực tiếp đàm phán về độc lập hoàn toàn
cho Việt Nam. Chiến tranh Pháp Việt đang đi đến hồi kết. Quân của Võ
Nguyên Giáp bao vây Điện Biên Phủ. Ở vùng mà Việt Minh gọi là vùng tạm
chiếm thì Đại Việt rất mạnh, đồng thời xuất hiện và trỗi dậy lực lượng
của các linh mục Bùi Chu Phát Diệm. Ở Hà Nội, thị trưởng là Thẩm Hoàng
Tín, một người nhà giàu gốc Hoa. Trong thời gian ông này làm thị trưởng
(chấm dứt năm 1954) có sự kiện cầu Thê Húc bị sập (1952). Nguyễn Ngọc
Diệm đã thiết kế và làm lại cây cầu này.
Cùng giai đoạn này Mỹ có các động thái tham gia sâu hơn ở Indochina.
Theo cuốn CIA and the House of Ngo: Covert action in South Vietnam
(1954-1963) của Thomas L. Ahern thì khi chiến tranh lạnh bắt đầu lạnh
hơn, chiến thắng của Mao ở Trung quốc năm 1949 và chiến tranh Triều Tiên
nổ ra vào tháng 6 năm 1950, Hoa Kỳ hỗ trợ vật lực diện rộng cho Pháp
đánh Việt Minh. Năm 1950 cũng là năm quốc hội Pháp phê chuẩn việc xây
dựng chính phủ Việt nam độc lập danh định (nominally independent) với
quốc trưởng Bảo Đại. Đến cuối năm 1953, theo yêu cầu của Bộ trưởng ngoại
giao John Foster Dulles, chính phủ Hoa Kỳ cam kết chi 400 triệu dollar
cho Pháp ở Đông Dương. Hoa kỳ cũng nhận ra chính quyền mới ở miền nam,
mà thủ tướng được bổ nhiệm là Ngô Đình Diệm không chỉ thiếu hệ thống và
nhân lực hành chính để vận hành đất nước, mà còn thiếu cả các chính trị
gia bản địa để thực thi quyền lực, cũng như không có quân đội. CIA, lúc
này đã hình thành, và rất thành công ở Iran, Guatemala, Italy và
Philippine bắt đầu đưa các ngôi sao của mình, trong đó có Lansdale đến
Sài Gòn. CIA nhận ra họ không chỉ phải “establish a leader” mà còn phải
“create a country”. Các hoạt động gây sức ép với Pháp để thành lập quân
đội cho Việt Nam Cộng Hòa, hỗ trợ Ngô Đình Nhu phát triển đảng Cần Lao
theo chiều dọc xuống “grass root” …đều bắt đầu từ giai đoạn Mỹ bắt đầu
tham gia vào Đông Dương và dần thay thế vai trò của Pháp.
Trong thời gian này anh em nhà họ Ngô phân công nhau mỗi người một
việc. Sau khi được công an Việt Minh phóng thích, Ngô Đình Diệm ở nhà
thờ Hàng Bột thêm một thời gian khá dài. Edward Miller lấy tin của mật
thám Pháp cho biết Diệm ở lại lâu để lôi kéo các nhân vật quan trọng
trong chính phủ Việt Minh, đặc biệt là lôi kéo Nguyễn Bình. Năm 1950
nhận thấy chính trị nghiêng hẳn về Bảo Đại, Ngô Đình Diệm thoát ly khỏi
quê hương cùng anh trai là Ngô Đình Thục. Điểm đầu tiên đến là Nhật và
gặp hoàng thân Cường Để. Chuyến đi này thất bại, khi Diệm không tìm kiếm
được gì từ nhóm Nhật thân Cường Để. Vả lại Cường Để qua đời sau đó vài
tháng. Nhưng rất may cho Diệm, đi Nhật lại gặp nhà khoa học chính trị
kiêm tình báo quân sự khu vực viễn đông của Hoa Kỳ tên là Wesley Fishel.
Rời Nhật, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục đi Mỹ, thất bại trong tìm kiếm
hỗ trợ từ chính phủ Hoa Kỳ, lại bay tiếp qua Roma và Paris. Ở Paris
chính Bảo Đại từ chối gặp Ngô Đình Diệm. Sau thất bại này, Ngô ĐìnhDiệm
quay về Hoa Kỳ và ở lại khá lâu. Edward Miller dành một chương để nói về
quãng tời gian Ngô Đình Diệm ở Mỹ. Trong thời gian này, Ngô Đình Diệm
thông qua các kênh công giáo La Mã và tư vấn của Wesley Fishel đã quen
thân được thẩm phán Tối cao Pháp viện là William O. Douglas. Douglas tổ
chức ăn tối để Ngô Đình Diệm gặp gỡ các nhân vật chính trị trẻ, trong đó
có thượng nghị sỹ Mike Mansfield và thượng nghị sỹ John F Kennedy (sau
trở thành tổng thống Hoa Kỳ).
Cùng lúc đó ở trong nước,
Ngô Đình Nhu,
một người lạnh lẽo và đặc biệt thông minh, đã bí mật thành lập Cần Lao
Cách Mạng Đảng với chủ thuyết Nhân Vị ở Đà Lạt, thông qua các hội thảo
nhỏ với lượng khách tham dự rất chọn lọc (1949). Trong cuốn sách mới
xuất bản cuối xuân 2013,
cuốn Missalliance: Ngo Dinh Diem, The
United States and the Fate of Sound Vietnam, Edward Miller than rằng có
quá ít thông tin về Cần Lao, do hoạt động của họ quá kín đáo. Ngay cả
các tài liệu của mật thám Pháp và CIA giải mật gần đây cũng không tiết
lộ được nhiều. Chỉ biết rằng Ngô Đình Nhu đã tham khảo cách Tưởng Kinh
Quốc áp dụng mô hình quân đội xô viết để xây dựng quân đội Đài loan với
quân ủy nằm trong quân đội; qua đó Cần Lao bén rễ được vào chính phủ của
Bảo Đại, vào quân đội của Quốc gia Việt Nam đang manh nha thành lập,
vào các lực lượng công giáo. Mặt khác, Ngô Đình Nhu xây dựng tờ báo
Tinh Thần và đứng sau ngầm chỉ huy để tuyên truyền cho đường lối “cách
mạng chính trị kinh tế”. Ngô Đình Nhu cũng xây dựng các quan hệ vững
chắc và dài lâu với giới lao động thông qua lãnh đạo nghiệp đoàn (Trần
Quốc Bửu) và báo của họ (tờ Xã Hội), nắm được giới trí thức elite Bắc Kỳ
chạy vào Nam Kỳ (Trần Chánh Thành). Và với quân đội thì thậm chí ngay
khi Trường Võ bị Đà Lạt (Học viện quân sự Đà Lạt) mới được thành lập,
Nhu đã đến phát biểu, qua đó gây ảnh hưởng đến các sỹ quan trẻ sau này.
Theo Edward Miller, đến cuối năm 1953, mặc dù hoạt động ngầm nhưng mạng
lưới chính trị của Ngô Đình Nhu đã trải khắp Indochina. Từ đó Ngô Đình
Nhu lôi kéo được các thủ lĩnh các phe vũ trang chống cộng, ủng hộ Ngô
Đình Nhu và rời xa Bảo Đại, lúc này đang ở Pháp.
Chính sự lớn mạnh về lực lượng chính trị của anh em họ Ngô ở trong
nước, đã làm Bảo Đại phải cân nhắc về nhân vật vốn chống mình rất dữ dội
là Ngô Đình Diệm.
Vào phút cuối cùng, Việt Minh thắng Điện Biên, còn ở Pháp Bảo Đại đạt
được thỏa ước tối đa với Pháp Ngày 4 tháng 6 năm 1954, người Pháp, vốn
cứng đầu, lèm bèm và ti tiện, đến lúc này mới trả độc lập toàn bộ cho
Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại. Bảo Đại, với quyết định vừa lười nhác vừa
dũng cảm, vừa sáng suốt, bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Bảo Đại
biết trước một người tham vọng như Ngô Đình Diệm sẽ làm lãnh đạo quốc
gia tốt hơn một ông vua ham chơi, và tất nhiên việc Diệm sẽ phế quốc
trưởng Bảo Đại là một điều chắc chắn. Từ đó không bao giờ Bảo Đại quay
về trong nước.
Sau khi được bổ nhiệm, Ngô Đình Diệm bay về Sài Gòn và lập chính phủ,
ra mắt quốc dân ngày 7 tháng 7 năm 1954. Phần tiếp theo xem tại “
Luận văn của ông Nhu“.
Hai tuần sau hiệp định Geneva được ký kết (ngày 21 tháng 7), chia đất nước thành hai nửa.
X. Những gạch nối.
Chỉ trong hơn 50 năm mà Việt Nam thay đổi quá nhiều.
Từ Đại Nam của nhà Nguyễn sau khi bị Pháp chiếm mà trở thành Annam,
Đông Dương thuộc Pháp, rồi thành Việt Nam. Việc tiếp xúc với phương Tây
đã mang đến cho Việt Nam nhiều cái tên xa lạ và khó hiểu: Cochinchina
để chỉ Đàng Trong, Tonkin để chỉ Đàng Ngoài, và Indochina để chỉ chung
ba nước Đông Dương. Chữ Indochina ấy, sau này làm khó cho cán bộ của
Cường Để cử qua Anh và Đức để vận động, bởi người Anh và Đức, rồi sau là
Mỹ, rất khó hiểu với địa danh mơ hồ nửa Ấn Độ (Indo) nửa Trung Hoa
(China) này. Nó cũng khó hiểu chẳng kém việc người Việt hiểu tại sao
Đàng Trong lại là Cochinchina.
Từ một đất nước chỉ có hai đàng: Đàng Trong và Đàng Ngoài, rồi có
thêm kinh đô Huế ở giữa, đến thời Pháp thuộc trở thành ba miền Nam Kỳ,
Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Đến thời Nhật bảo hộ Trần Trọng Kim mà trở thành Nam
Bộ, Bắc Bộ, Trung Bộ.
Việt Minh lấy chính quyền từ tay Trần Trọng Kim, nên xứ ủy phía nam
của ĐCS Đông Dương là xứ ủy nam kỳ, khởi nghĩa đánh Pháp của họ năm 1940
là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng sau năm 1945 họ lại có Nam Bộ Kháng Chiến,
lại có ảnh lịch sử cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ, rồi lại có cả sự kiện
Vịnh Bắc Bộ. Ngày nay các bản tin thời tiết trên VTV vẫn dùng các từ
này.
Còn chính phủ Nguyễn Văn Xuân do Pháp bảo hộ lại gọi Nam Phần, Bắc
Phần, Trung Phần. Nên sau này VNCH tiếp nối chính phủ Nguyễn Văn Xuân
dùng các từ như vậy, nên ta có các danh từ kiểu Cao nguyên Trung phần.
Việt Nam từ một nước không có “giờ”, cho đến khi Pháp ở Paris theo
hiệp ước quốc tế múi giờ (1911) mà Nam Kì lần đầu tiên theo giờ chuẩn
thế giới (GMT+7), nhưng đến 1942 thì Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Phnom
Penh, Vienchan …mới chính thức (bằng văn bản luật) theo giờ Đông Dương
thuộc Pháp (GMT+8). Đến lúc Nhật đảo chính, Đông Dương theo GMT+9 của
Nhật. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, vùng Việt Minh kiểm soát là
GMT+7 còn vùng Pháp tái chiếm là GMT+8. Sài Gòn trước 75 là GMT+8, Hải
Phòng trước 1955 là GMT+8. Hà nội trước 1954 là GMT+8 và sau 1954 là
GMT+7.
Không
phải cái gì của lịch sử cũng tồn tại vượt qua thời gian đến hiện tại hôm
nay. Nhưng cái gì tồn tại được thì hẳn là quan trọng, bởi đó là cái quá
khứ làm nên hiện tại. Và một phần nào đó của hiện tại sẽ trở thành lịch
sử khi góp phần tạo dựng tương lai.
***
http://5xublog.org/2014/02/14/trong-vo-hat-de-tiep-va-het/