This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

“Không gian văn hoá” Nho giáo Việt Nam

“Không gian văn hoá” Nho giáo Việt Nam


GS.TS Trịnh Văn Thảo
Tạp chí Xưa & Nay số 389 tháng 10 năm 2011

Một đặc thái dân tộc: nho sĩ “bám rễ” nông thôn
Trái với nho sĩ Trung Quốc, nhà nho Việt Nam thời Lê – Nguyễn thường bám rễ ở nông thôn dân dã, mặc dù đời sống thành thị đã bắt đàu manh nha vào cuối thế kỷ XVII, các thương cảng như Phố Hiến, Hội An được tàu bè lớn ngoại quốc thăm viếng, buôn bán. Tuy nhiên, kho mục chí của Lịch triều hiến chương loại chí chỉ ghi tên ba ông Tiến sĩ nguyên quán tại Thăng Long từ 1442 đến 1787. Dưới Nguyễn triều, số lượng các đại đăng khoa cũng xuất thân từ đồng ruộng và sĩ tử vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh vượt qua thí sinh gốc Huế hay Thừa Thiên theo bảng thống kê sau:
Thành phố/Dân số
Dân đinh
Tiến sĩ hay đồng Tiến sĩ
%
Nghệ An
80.170
94
0,12
Hà Nội
60.257
62
0,11
Huế
68.540
61
0,09
Nguồn: Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, Sdd, tr.63
Trong thời kỳ loạn ly, xu hướng tự tại, từ quan về làng theo thành ngữ: “Hết quan rồi lại hoàn dân” lại càng bành trướng. Trong khi đó, theo giáo sư Trung Quốc là Dư Anh Thời, vào thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, nho sĩ miền Giang Nam (Trung Hoa) lại gắn kết với thương dân và đô thị. Trong khi ở Việt Nam đến cuối thế kỷ XIX, nho sĩ vẫn còn gần với nông thôn, nông dân(1), xã hội Trung Quốc (và Nhật Bản thời tướng quân Tokugawa) đã xuất hiện một nhân vật mới: thân thương (gentry), thân sĩ có nguồn gốc thương nhân. Kinh nghiệm duy tân của Nhật Bản (Minh Trị) và “Tân chính” ở Trung Quốc (1895-1905) chứng minh vai trò tích cực của “thân thương” trong sự chuyển hướng kinh tế và văn hoá của hai nước. Cùng thời ấy, tại Việt Nam cấu kết giữa triều đình từ Minh Mạng đến Tự Đức, nho sĩ và nhóm quan lại đưa đến hiện tượng “ức thương”, đè bẹp sinh hoạt thương mại trong nước và để cho ngoại nhân thao túng thị trường.
Không gian xã hội hay “không gian văn hoá” (espace social) tại Việt Nam đã giam hãm hàng ngũ nho giáo trong một màn “độc thoại” giữa thiểu số khoa hoạn, quan lại và đa số nho sĩ “thất vọng” vì hỏng thi theo nguyên tắc “tiến vi quan, thoái vi sư”. Ảo ảnh di động xã hội, hy vọng thăng tiến nhờ thi cử, trạng thái bấp bênh của quan trường, định mệnh thăng trầm của triều đại giải thích tính hai chiều (ambivalent) của nho sĩ ta: vừa làm công cụ thống trị của nhà nước quân chủ, vừa đóng vai trò phát ngôn dư luận nông dân, gạch nối giữa triều đình và làng xã.
Tuy nhiên, ta phải công nhận nguyên lý là không thể có hệ thống chính trị vững chãi – gần mười thế kỷ ở Trung Quốc và năm thế kỷ ở Việt Nam – nếu nó chỉ biết dựa vào bạo lực quân sự, thần quyền hay quyền lợi kinh tế (Jean Francois Billeter). Sự trường tồn của chế độ quan quyền (pouvoir mandarinal) ở Trung Quốc chỉ có thể thực hiện trên sự phát triển song song của nhiều yếu tố chính trị, xã hội và văn hoá trong một xứ đông đúc, có nông nghiệp lớn, thị trường thuận lợi để buôn bán, trao đổi với các nước phương Tây qua Con đường tơ lụa và nhất là xuất hiện của giai cấp sĩ phu chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo. Nói một cách khác, Tống nho là sản phẩm lịch sử và ý thức hệ của một cường quốc thống nhất, văn minh và chịu giao hiếu với hầu hết các nước trên thế giới. Nhờ vậy mà nó mới trường tồn những mười thế kỷ, từ thế kỷ thứ X cho đến gần thế kỷ XX sau bao lần bị thử thách (xâm nhập Nguyên, Thanh)(2).
Mặc dù sinh sau đẻ muộn, Tống nho ở Việt Nam đã bắt gốc mọc rễ khá nhanh nhờ uy tín của những đại nho như Trần Nguyên Đán hay Nguyễn Trãi, uy tín và tài văn trị của một ông vua trí thức (Lê Thánh Tông), võ công hiển hách của người sáng nghiệp (Lê Thái Tổ). Vì thế, ta không ngạc nhiên trước chính sách phục hưng Tống nho đầu thế kỷ XIX sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước. Trong giai đoạn cực thịnh của nó (1820-1848), nhà nho Nho giáo phối hợp được nhiều yếu tố thuận lợi:
Một chính quyền mạnh (Minh Mạng biểu hiện đức tính một ông vua có học thức, cương nghị và sống lâu) cai trị một lãnh thổ rộng lớn chưa từng thấy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, áp đặt quan hệ chư hầu với các nước láng giềng (Miên, Lào).
Một chế độ trường học và thi cử theo khuôn mẫu Trình-Chu.
Một đời sống văn học Hán Nôm phong phú (Kim Vân Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm…)
Đến thời Thiệu Trị (1840-1848) và những năm đầu đời Tự Đức, có nhiều triệu chứng hao mòn của chế độ qua chính sách đàn áp các phong trào nổi loạn ở Bắc kỳ và Nam kỳ, thanh trừng hàng ngũ quân đội, áp bức giáo dân, bế quan toả cảng, tệ thi cử ám ảnh nho sĩ. Từ đây, Nho giáo Việt Nam phải chịu sức ép từ hai phía:
Đối ngoại: Sĩ phu đứng đầu trong hàng ngũ kháng chiến chống ngoại xâm, nhất là khi triều định áp dụng chính sách nhân nhượng, thoả hiệp với địch. Với tư thế “đứng mũi chịu sào” trong các phong trào kháng chiến chống Pháp (Cần Vương, Duy Tân, Kháng thuế miền Trung…), động viên nông dân, chịu hy sinh và tù đày của kẻ sĩ thời loạn giải thích sự kính phục và uy tín trong quấn chúng. Tuy nhiên cũng không ít sĩ phu cơ hội, lợi dụng chiêu bài Bảo hộ để cộng tác với chính quyền Thuộc địa(3). Vì thế cho nên trên quan điểm của người Âu, dù trong tình huống nào, chính quyền phải thận trọng, cảnh giác trước viễn tưởng: Nho sĩ = sản phẩm văn hoá Hán Trung => tất nhiên sẽ theo Trung Quốc chống Pháp(4).
Đối nội: Vì chính Nho giáo dân tộc cũng phải đương đầu với tình trạng phân hoá hàng ngũ trầm trọng: giữa xu hướng chủ hoà và chủ chiến, giữa thiểu số cải lương theo Nguyễn Trường Tộ, Phan Thành Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch(5) và đa số thụ động hay bảo thủ.
Thất bại quân sự và bế tắc chính trị, sụp đổ cuối cùng của triều đình cũng gây tình trạng mất niềm tin về phía người Việt. Có thể tóm tắt những lập luận chống Nho giáo của thế hệ Duy Tân (Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng) và thế hệ Tây học (Nguyễn An Ninh, Phan Khôi, Ngô Tất Tố…) trong nửa đầu thế kỷ XX như sau: Nho giáo trở thành một ý thức hệ lỗi thời và nho gia một tầng lớp bảo thủ và phản động.
Phê phán Nho giáo Việt Nam hay phê phán triều Nguyễn – hoặc ngược lại – trở thành đề tài và đối tượng chung của sử gia Pháp – Việt đầu thế kỷ XX. Nhân danh luật tiến hoá tất nhiên của nhân loại, họ tin rằng Nho giáo sẽ bị chủ nghĩa tự do và/ hay chủ nghĩa xã hội đào thải nhanh chóng(6).
Biến chuyển trên thế giới trong nửa phần sau thế kỷ XX không phù hợp với dự đoán ấy. Trong cuộc chiến tranh “lạnh” giữa hai khối Cộng sản và Tư sản sau Thế chiến thứ II, kinh nghiệm phát triển kinh tế nhanh chóng những năm 1960 của một số nước Đông Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… nghĩa là những dân tộc thuộc “thế giới văn hoá Trung Quốc” theo Nho giáo, dùng biểu tự Hán, lấy gia tộc làm gốc, văn trị làm nền – mở mắt không ít một số trí thức hiện đại. Đặc điểm của các xứ này là không theo chủ nghĩa tự do cá nhân của phương Tây hoặc ý thức hệ mác-xít mà đã “đổi mới” nền văn hoá Khổng Mạnh để hoà hợp cái cũ với cái mới, “đến hiện đại từ truyền thống” (Trần Đình Hượu). Sự kiện không thể chối cãi đó chứng tỏ sự hạn hẹp của lối lý luận máy móc, tiền định khi nó áp dụng vào xã hội con người.
Luận văn tiến sĩ của Emmanuel Poisson đã ra đời đúng lúc để tìm hiểu một cách nghiêm túc giai đoạn cuối cùng của Nho giáo tại Việt Nam. Nó khai thác, với sự cộng tác của các chuyên viên Hán Nôm tại Hà Nội, 1.272 hồ sơ quan chức triều Nguyễn từ năm 1820 (Minh Mạng) đến năm 1918 (Khải Định) của nha Khâm sai Bắc kỳ để lại. Tài liệu lịch sử và hành chính(7) cho phép tác giả áp dụng một cái nhìn xã hội học lịch sử độc đáo, “không chính thống” về tầng lớp quan lại miền Bắc trong thời kỳ chuyển tiếp Pháp-Việt. Nó đóng góp, dưới ảnh hưởng của sử gia phương Tây như Chu Tung Tsu, P.J.Smith, Woodside, P.E. Will, J.F. Billeter… vào việc tìm hiểu và đánh giá định mệnh, thăng trầm của nhà nho hay đúng hơn tầng lớp quan lại Tống nho thời Lê Nguyễn.
Công trình nghiên cứu đề cập quá trình lịch sử của triều Nguyễn trong suốt một trăm năm từ lúc cực thịnh đến lúc suy tàn (sau khi người Pháp bãi bỏ chế độ giáo dục Khổng Mạnh và thay thế nó bằng qui chế trường học Pháp – Việt cuối năm 1917). Tác giả nhấn mạnh sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa lãnh thổ rộng lớn, triều đình có uy quyền, nền quốc học vững chắc và giai cấp nho sĩ được ưu đãi. Trong cuộc tranh thủ với các xứ thuộc văn hoá Ấn Độ như Cao Miên, nhà nước Nho giáo đã nắm chủ động và có nhiều triển vọng bành trướng ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngay từ lúc ban đầu, chế độ quân chủ chuyên chế Nho giáo đã phải đương đầu với nhiều vấn đề gắn liền với chính quyền quan lại:
Tranh chấp không ngừng giữa trung ương (triều đình) với địa phương (nhất là đối với các dân tộc thiểu số), xu hướng cát cứ, sứ quân luôn luôn ầm ỉ.
Tranh chấp quyền lợi giữa quan lại dân sự và quân sự.
Phát triển bất đồng giữa dân tộc thiểu số ở vùng núi với người Kinh ở vùng đồng bằng.
Và nhất là hiện tượng lạm phát quan lại, xu hướng bành trướng bất giác (spontané) của bộ máy hành chính và những hậu quả tiêu cực (bức hiếp, hối lộ, đánh thuế sưu) làm mất lòng người dân. Nói một cách khác, Nhà nước Nho giáo phải luôn luôn cảnh giác trước hiểm hoạ… nho sĩ!
Vì lý do nói trên, ngay từ thời Lê thịnh, vấn đề tuyển lựa nhân tài, đào tạo và thực tập quan lại để tăng năng suất, giảm phí tổn ngân khố trong quản lý vì quyền lợi công cộng không phải là lý thuyết suông mà luôn luôn ám ảnh bất cứ chính quyền, triều đình nào từ xưa cho đến thời Bảo hộ!
Nếu nhìn sự sinh hoạt của nhóm quan lại thời Nguyễn, ta thấy họ vẫn giữ vững tư thế một thành phần ưu tú; mặc dù bị phân hoá dưới áp lực của thực dân, tập thể quan lại vẫn biểu hiện, trong lúc phải đương đầu với những thử thách bất cập, những đặc tính cố hữu của tác phong Nho giáo – như tâm lý coi trọng bằng cấp, quý chức phận và địa vị quan trường, gắn bó với những “giá trị đạo đức Nho giáo” truyền thống, dấn thân tuỳ lúc, tự tại tuỳ thời(8)… Trong những điều kiện lịch sử, kinh tế và xã hội tế nhị như khi phải tham gia tiễu trừ phong trào Cần Vương, chấp nhận sự có mặt của một số quan lại “xuất khố” thất học được người Pháp tin dùng hay nhượng bộ một vài giáo phận do các Cha Cố cai trị, một vài vùng tự trị của người dân tộc, phần đông quan lại Việt Nam vẫn lèo lái, cố giữ trật tự xã hội và gia đình dòng họ, bảo đảm an ninh cho dân chúng. Dựa vào hồ sơ Khâm sai Bắc kỳ, ta có thể phân biệt giới quan trường Việt Nam thời Bảo hộ thành ba loại hình:
Loại “chính thống” gồm những sĩ tử đỗ đạt vào các kỳ thi hương, thi hội.
Loại quan “nhảy rào” tuy có ăn học nhưng nhờ ân huệ chính trị của các công sứ hay thống sứ mới nhập làng và lên chức nhanh.
Loại quan võ biền “xuất khố” có công trong việc dập tắt các phong trào kháng chiến văn thân.
Về sau, khi cuộc bình định chấm dứt và trước những đòi hỏi hiện đại hoá ngành hành chính thuộc địa, quan lại thời bảo hộ cũng không ít người theo gương nhữgn Thân Trọng Huề, Cao Xuân Dục, Hoàng Trọng Phú… sang Pháp “nghiên cứu thực địa” hay theo đuổi các khoá học chuyên môn, theo qui chế được cải tổ (1906). Nói tóm lại, trái với dư luận thông thường, quan lại Việt Nam chấp nhận sự “đổi mới”, tôn trọng “đạo đức chuyên môn” và “sĩ khí Khổng Mạnh” lúc nào nhà nước, dù là nhà nước ngoại bang, vẫn tiếp tục ưu đãi, đài thọ họ một cách xứng đáng. Cho tới ngày chế độ thực dân chấm dứt qui chế quan trường (1918), và với nó nền quân chủ Nho giáo, tầng lớp quan lại Việt Nam vẫn đảm bảo nếp sống bình thường trong một xã hội “văn trị”, không hơn không kém. Họ không đáng bị lịch sử lên án nghiêm khắc hay được khen ngợi quá đáng(9). Qua các phúc trình diễn tả khá chi ly cuộc sống trong gia môn các tỉnh lỵ vùng đồng bằng đông đúc, miền núi cao đìu hiu hay nơi biên cương phức tạp, ghi chép công việc hàng ngày của quan huyện, quan phủ…, giải quyết trong cấp bách và với ngân quỹ eo hẹp, một số thư lại ít ỏi, những vấn đề ngày càng tinh tế như tranh chấp đất đai, gia tài, phong tục… mà không làm  mai một, thương tổn quan hệ “phụ mẫu chi dân” trong “tinh thần trách nhiệm” của kẻ sĩ (éthos de responsabilité)! Hình ảnh quan phủ “ù ván bài to” trong khi đê vỡ lũ lụt chung quanh của nhà văn Phạm Duy Tốn trong truyện Sống chết mặc bay (Nam Phong, số 18, 1918) phải chăng chỉ là một ngoại lệ?
 


Nho giáo trong gia đình truyền thống
Theo GS. Trần Đình Hượu, có thể phân biệt gia đình truyền thống Việt Nam dưới hai loại hình: gia đình nông dân dựa trên kinh tế tự túc và gia đình nho gia dựa trên phân chia đẳng cấp. Theo ông, trong khi uốn nắn sâu sắc tác phong những gia đình theo lễ giáo Khổng Mạnh, nho gia tác động đến các gia đình nông dân(10).
Có thể tóm tắt quá trình xã hội học Nho giáo theo lược đồ sau:
Nhà nước Nho giáo => quan lại + sĩ tử => gia phong => văn hoá các gia đình nông dân trong các làng xóm miền đồng bằng sông Hồng.
Sự gặp gỡ giữa tư tưởng Khổng Mạnh và chủ nghĩa gia tộc không phải là ngẫu nhiên vì chính người sáng lập (Khổng Tử) cũng xuất thân trong hàng ngũ đại gia quý tộc và chia sẻ với lớp sĩ phu thời ấy quan niệm nên lấy gia đình làm nguồn gốc cộng đồng tự nhiên, căn bản quan hệ xã hội từ nhỏ ra lớn “tu, tề, trị, bình”, biến những đạo đức tư gia thành nền tảng đạo đức công cộng theo qui luật: “thiên hạ chi bảo tại quốc, quốc chi bảo tại gia”.
Trong các đức tính quan trọng nhất của Khổng Mạnh, chữ Hiếu đứng hàng đầu và bắt nguồn từ thời các Hoàng đế Nghiêu Thuấn đã chọn tuổi tác làm tiêu chuẩn truyền ngôi, xếp đặt trật tự xã hội, luật pháp và giáo dục.
Không có gì lạ nếu sách Hiếu kinh(11) thời Lê Nguyễn bắt đầu khai tâm trẻ thơ bằng ý niệm đó. Ngô Thế Vinh (1802-1856) cũng viết nhiều chương chú giải trong Trúc Đường Khôn sách và Khai Đồng thuyết ước. Các thầy dạy nổi tiếng như Đặng Huy Trứ (1825-1874), Vũ Thạch Nguyễn Huy Đức (1824-1898), Ngô Văn Dạng (1835-1885) cũng khai triển đề tài trên. Nhà nho Lý Văn Phúc, người nổi tiếng đã dịch Tây Sương ký ra chữ Nôm, chỉ được ghi danh hậu thế trong Đại Nam liệt truyện như tác giả quyển Nhị Thập tứ hiếu.
Nho lâm thoại sử Việt Nam cũng nhiều những truyện khoa hoạn “từ quan thủ hiếu”: Nguyễn Huy Đức, Phan Hữu Tư… Dưới triều Minh Mạng, không ít người chỉ đỗ Tú Tài mà vẫn được vua bổ đi làm quan vì có tiếng đạo đức nhân nghĩa hơn là học giỏi. Ngay những nhà nho Duy Tân đầu thế kỷ XX cũng đem Hiếu Kinh vào chương trình giảng dạy(12).
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú nhấn mạnh vai trò của chữ Hiếu trong vũ trụ và nhân sinh quan của Khổng Mạnh. Vì thế cho nên luật lệ nhà nước ngày xưa xác định chi li bổn phận con cái đối với cha mẹ lúc sinh tiền (ăn, ở, chăm sóc thuốc men khi đau ốm), giữ gìn tang lễ khi chết, thờ cúng tổ tiên…, trừng phạt những hành động vi phạm từ phạt vạ, roi vọt đến xử trảm. Trong mười án hình nghiêm trọng nhất, tội bất hiếu xếp vào hàng thứ bảy(13). Dưới ảnh hưởng của triều Thanh, nhà Nguyễn gia tăng hình phạt đối với người nhà và làng xóm không tố cáo hành động bất hiếu của con cái trước chính quyền! Ngược lại, kẻ tù tội có hiệu được nhà vua giảm án hay tha án để về nhà giữ đạo. Đồng thời, ruộng vườn hương hoả cùng ruộng mộ không thể cắt nhượng, mua bán(14). Các nhà nước thời Lê Nguyễn củng cố gia đình bằng cách ban bố thường xuyên các Huấn điều. Bộ luật Hồng Đức được công bố cùng với 24 Huấn Điều, trong đó phân nửa xử lý quan hệ gia đình. Vua Lê Hiến Tông đã khẳng định rõ ràng liên hệ gắn bó giữa triều đình với Nho giáo: “Trẫm ngự ngôi Trời, kính theo phép cũ, làm điều hiếu kính để dụng căn bản đạo trung dung”(15).
Gần hai thế kỷ chìm đắm trong khủng hoảng chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, xâu xé nội bộ giữa hai vương triều Trịnh – Nguyễn kình chống dưới danh nghĩa Lê triều, thế sự đảo lộn, lòng người phân tán càng đòi hỏi những biện pháp cấp bách nhằm phục hồi luân thường, đạo lý mà khởi sự là trật tự gia đình. Ngay cuối thời vua Lê chúa Trịnh, Đại thần Phạm Công Trứ đã soạn thảo 47 điều lệ trong Lê triều giáo huấn điều lệ (1663) trong đó mười điều chuyên nói về phép tắc gia đình. Để phổ biến trong dân gian, chúa Trịnh Doanh sai Nhữ Đình Toàn phiên dịch Điều lệ ra chữ Nôm. Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho soạn thảo huấn dịch thập điều.
Tóm lại, từ đời vua Lê Thánh Tông cho đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trong suốt năm thế kỷ, luân lý Khổng Mạnh làm nền tảng xã hội không suy chuyển ra ngoài vòng Hiếu, Đễ, Lễ, Nghĩa. Nhà nước Nho giáo chủ yếu dựa vào thuyết “chính danh” để xây dựng trật tự xã hội bằng luật pháp và giáo dục.
Nhưng muốn được hữu hiệu, tuyên truyền suông không đủ, hành đọng cụ thể đi đôi với lời nói. Theo gương người Trung Quốc, các vua ta tôn vinh và khen tặng những đại gia đình có năm thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ(triều Nguyễn) viết hai chương về “Tiết hạnh khả phong” (tiểu sử các sương phụ gương mẫu) và “Hiếu hạnh khả phong” (tiểu sử hiếu tử). Đại Nam nhất thống chí (1875-1876) có 30 chuyên khảo địa phương ca tụng 130 nhân vật nam nữ gương mẫu được vua khen tặng.
Qua các tài liệu nói trên, ta có thể khái quát bốn nọi dung khác nhau, và bổ túc nhau, về gia đình truyền thống ở Việt Nam:
1. Đạo thờ phụng tổ tiên làm nền tàng pháp lý cho chủ nghĩa nhân bản Khổng Mạnh. Dựa vào truyền thống lịch sử các dòng họ phụ tộc thời Chiến Quốc, vào các an lệ để lại từ đời Hán, các nhà triết học như Đổng Trọng Thư (III SCN) cố dựng len một lý thuyết về đế quyền (thiên mệnh) có ý nghĩa vừa chính trị vừa tượng trưng (tôn giáo). Nếu uy quyền chính trị của hoàng đế tuỳ thuộc tài lãnh đạo (quân sự và dân sự) thì uy quyền tượng trưng (hay tôn giáo) tuỳ thuộc huyết thống dòng họ của ông ta. Như vậy, uy quyền của Hoàng đế có hai nguồn: thế tục và huyết thống. Thuyết thiên mệnh giao phó cho người cầm đầu triều đại – cũng như người đứng đầu gia đình trong đạo thời cúng tổ tiên – uy quyền vừa chính trị vừa tôn giáo để quản lý người sống cũng như người chết. Việc nhà vua ban sắc phong thần, phong chức những người đã khuất cũng nằm trong phạm vi tôn giáo như Max Weber đã viết.
2. Trong phạm vi “đạo nhà”, nó ám chỉ những quan hệ tôn ti, trên  dưới, uy quyền và tùng phục giữa vợ chồng, cha con, anh em…
3. Trong “không gian xã hội” Nho giáo nói chung, nó nêu cao nguyên tắc đoàn kết (đồng nhất) giữa giá trị gia đình và giá trị xã hội, giữa đạo “Hiếu” và đạo “Trung”.
4. Trong gia đình truyền thống, nó phân biệt gia đình nông dân nhỏ đặt trên quan hệ ngang (lôgic bình đẳng chồng/vợ) và gia đình Nho phong dựa trên quan hệ dọc (lôgic bất bình đẳng tộc trưởng/con cháu, cao niên/trẻ, dòng chính/dòng thứ).
Ảnh hưởng của Nho giáo cũng thể hiện qua những hình thức “kiểm soát xã hội” lưu truyền trong các hương ước. Trước hết, hương ước là sản phẩm của văn hoá Nho phong vì vai trò của chữ viết, của biểu tự, của kinh điển vua chúa, thánh hiền và văn học cổ truyền. Làng càng có văn học, càng phong phú hương ước như trường hợp Mộ Trạch (Hải Dương), Quỳnh Đôi hay Diễn Châu (Nghệ An)… Trong Bộ luật Hồng Đức, thiên Chính Thư còn ghi rõ điều lệ phải tôn trọng: sự có mặt của văn thân mối khi làng xã muốn chính thức hoá lệ làng hay tập quán riêng biệt. Nó giới hạn khá nhiều cái gọi là “tự chủ làng xã” theo châm ngôn “phép vua thua lệ làng”. Nó cũng phản ánh phương thức “công thức hoá” quan hệ gia tộc chẳng hạn như ép buộc gia đình con gái lấy chồng ngoài làng phải nộp tiền “cheo” trước khi về nhà chồng vì đó cũng là một hình thức khích lệ “đồng tộc kết hôn” (endogamie):
Lúa giữa đồng, chồng giữa làng.
Hay câu ca dao:
Có con mà gả chồng gần,
Có bát canh cần, nó cũng mang cho.
So sánh với luật vua, lệ làng cũng không có gì thoải mái, dung thứ đối với mọi hành động chệch hướng, vi phạm “thuần phong mỹ tục” như chuyện vợ chồng, trai gái tư thông bằng cách phạt vạ, điếm nhục, đuổi ra khỏi làng… Như vậy, ta phải thêm: làng càng văn học, luân lý công và tư càng khắt khe(16). Luật lệ làng xã “tái xuất” khuôn rập ý thức hệ triều đình, nhà nước. Qua nguyên tắc “cộng đồng cùng trách nhiệm”, qua các “giáp biểu” đại diện và kiểm tra mỗi đơn vị mười gia cùng xóm, cơ chế quan quyền Nho giáo thật sự bao trùm toàn diện làng nước trong thời bình cũng như trong thời loạn. Ngược lại, văn hoá các làng càng xa cách kinh đô (như Nam Bộ), ảnh hưởng Nho giáo càng lỏng lẻo, vai trò của làng xã, phụ nữ, thanh niên… con người nói chung càng cởi mở trong khi tiếp xúc với các dân tộc, tôn giáo, văn hoá khác (Đông Nam Á).

Gia đình truyền thống và dòng họ
“Văn trị” không chỉ giới hạn trong quan hệ làng xã mà còn ngự trị quan hệ gia đình, nhất là gia đình Nho học. Nho giáo đã biến đạo thờ cúng tổ tiên thành một tôn giáo căn bản của chế độ quân chủ Nho giáo. Từ miếu tự hoàng tộc đến bàn thờ nhỏ trong nhà dân, văn hóa Trung Quốc lấy việc thờ cúng ông bà làm gốc. Ta không lấy làm ngạc nhiên khi vua Khải Định tuyên bố xin nhường lại cho Thống sứ người Pháp ở miền Trung mọi đặc quyền hoàng đế và chỉ xin giữ trách nhiệm thờ cúng nhang khói ở Miếu Tự nhà Nguyễn (Di chúc Khải Định, 1925). Quyết định đó không phải không có suy nghĩ, nông cạn hay sợ hãi của vị nguyên thủ triều đình mà nhằm nhắc lại với ngoại nhân, ngoại giáo nguồn gốc và bổn phận thiêng liêng nhất của nhà vua Nho giáo: thờ cúng tổ tiên, giữ gìn Thái Miếu hoàng tộc.
Như vậy, thờ cúng tổ tiên là một bộ phận căn bản của chế độ gia tộc huyết thống và chính Nho giáo đã biến chế độ đại gia đình thành khuôn mẫu và tôn giáo chính thống của thế giới văn hóa Trung Quốc. Từ trên xuống dưới, dấu ấn của Nho phong còn hiển hiện trong các gia phả, trong các từ đường dòng họ, trong các đình thần làng xã theo trật tự: tiền thần, hậu tổ. Tuy nhiên, cũng như trên, dấu ấn của Nho phong cũng phai nhạt ít nhiều trong tầng lớp dân dã, nhất là qua nhiều thử thách lịch sử và ý thức hệ: vong quốc, giải thực, chiến tranh, cách mạng, đổi mới, thế giới hóa kinh tế.
Vài công trình nghiên cứu thực địa gần đây ở Việt Nam trong các gia đình cán bộ, quân sĩ tham gia vào hai cuộc chiến (1945-1975) chứng minh sự gắn bó của người Việt với truyền thống viết và giữ gìn gia phả dòng họ như GS. Phan Đại Doãn đã nhận xét: “Các nhà nghiên cứu cho rằng gia đình (hạt nhân, hay kiểu đại gia đình) trên cơ sở huyết hệ đã tạo ra dòng họ (tông tộc). Rồi dòng họ lại tiếp tục củng cố gia đình với nhiều hình thức đa dạng, phức tạp, bằng tín ngưỡng, bằng gia phả, bằng gia huấn, bằng tộc ước, tộc lệ và xây dựng nhà thờ họ. [...] Đã là người Việt thì xa xưa cho đến nay đều có tục thờ cúng tổ tiên. Nhưng Nho giáo đã làm cho nó sâu đậm hơn như một đạo”(17).
Tóm lại, Việt Nam chia sẻ với các nước Đông Á và Đông Nam Á một số giá trị xã hội chung hấp thụ từ Nho giáo và văn hóa Trung Quốc, tuy cách tiếp thu, đặc điểm thời gian và không gian có phần dị biệt, lúc thì nhẹ nhàng hơn, lúc thì sâu đậm hơn. Nhưng đối với các nước khác cùng nằm trong vùng “văn hóa Trung Quốc”, có lẽ Việt Nam đã ly cách với Trung Quốc một cách lâu dài và căn bản nhất: văn tự, văn học, giáo dục. Một phần vì truyền thống “ngoại dương, nội âm”, một phần vì tính chất toàn diện của chế độ thuộc địa của Pháp. Dĩ nhiên, đây chỉ là những bước đầu trong sự nhận diện một nền văn hóa Nho giáo còn lại sau một thế kỷ Pháp – Việt.
CHÚ THÍCH:
  1. Dư Anh Thời, Sĩ dư Trung Quốc văn hóa, Thượng Hải, 1988.
  2. Xem số đặc biệt của Tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales, Paris, số 15 Juin 1977.
  3. Xem Paul Doumer, L’Indochine Francaise, Paris, 1905.
  4. Xem Trịnh Văn Thảo, L’ecsole francaise en Indochine, 1995.
  5. Xem Trịnh Văn Thảo, Vietnam du confucianisme au communisme, Sđd.
  6. Xem Trịnh Văn Thảo, Sđd.
  7. Trong truyền thống quan liêu, có cái hau cũng như có cái dở. Phải nhìn nhận ít khi sử gia về Việt Nam được “ưu đãi” bằng khi sử gia nghiên cứu hồ sơ quan nghiệp của từng ông quan triều Nguyễn: tiểu sử gia đình, năm thi đỗ, học hàm, quan chức, nơi trấn nhậm, khen tặng, khiển trách…
  8. Cả những nhân vật bị chê là dễ uốn nắn như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả… đã phản đối việc nhà cầm quyền Pháp truất ngôi vua Thành Thái.
  9. Có lẽ vì muốn thanh minh nhiều định kiến đối với quan lại triều Nguyễn (thủ cựu, cơ hội, tham nhũng…), bài luận không, hay ít đề cập đến những hiện tượng “hao mòn” của quan lại, những hành động đi lệch, lưu manh của không ít quan triều cuối thế kỷ XIX.
  10. Trần Đình Hượu, Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr.37.
  11. Soạn thảo dưới thời Tần Hán (thế kỷ III-II TCN), Hiếu kinh là sách giáo khoa trong chương trình nho học.
  12. Xem Hợp tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1936), Hà Nội, Nxb Văn học, 1976, tr.641.
  13. Xem Lê triều chiếu lệnh thiên chính (Nguyễn Sĩ Giác dịch), Sài Gòn, Nxb Đại học Luật khoa, 1961 và Khâm đinh Đại Nam hội điển sử lệ, (Phan Đại Doãn trích dẫn, sđd, tr.142).
  14. Xem Nguyễn Thế Anh, “Tiến triển lịch sử của Gia đình truyền thống Việt Nam” trong Approches Asie số 13, tr.57-66.
  15. Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội, 1959, tập XII, tr.63.
  16. Xem Phan Đại Doãn, Sđd, “Nội dung của Gia huấn ca của các gia đình Nho giáo”, tr.164.
  17. Phan Đại Doãn, Sđd, tr.158-159.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Sự ngăn cản gia nhập có tính chiến lược

20-9-2012 (VF) – Một chiến lược là một kế hoạch của trò chơi khi việc ra quyết định là phụ thuộc lẫn nhau. Từ “chiến lược” sử dụng hàng ngày nhưng nó có một ý nghĩa đặc biệt trong kinh tế học.
Một nước đi chiến lược là một biện pháp ảnh hưởng đến lựa chọn của người khác theo cách có lợi cho chính mình, bằng cách gây ảnh hưởng đến dự kiến của người khác về cách thức mình sẽ cư xử.
Trong Hình 9.8 một hãng hiện hành đang chơi một trò chơi chống lại một người gia nhập tiềm tàng. Người gia nhập mới có thể nhảy vào và ở lại bên ngoài. Nếu người gia nhập mới có thể nhảy vào và ở lại bên ngoài. Nếu người gia nhập mới nhảy vào thị trường, hãng hiện hành có thể chọn lựa hoặc chấp nhận đối thủ mới và đồng ý chia sẻ thị phần hoặc chống lại. Chống lại sự gia nhập có nghĩa là phải sản xuất nhiều hơn đáng kể so với trước đây, vì thế giá của ngành sẽ giảm xuống. Trong cuộc chiến về giá này, mà đôi khi được hãng hiện hành gọi là định giá hủy diệt, cả hai hãng đều thua lỗ. Dòng đầu tiên của bảng trong Hình 9.8 cho thấy lợi nhuận của hãng hiện hành và lợi nhuận của người gia nhập mới từ mỗi một trong 3 phương án.
Nếu hãng hiện hành không bị đe dọa gia nhập mới, hãng thu được lợi nhuận là 5, và người gia nhập mới tất nhiên không có lợi nhuận gì. Nếu hãng chia sẻ thị phần, cả 2 thu được lợi nhuận là 1. Trong cuộc chiến giá cả, cả hai bị thua lỗ. Vậy trò chơi nên thực hiện như thế nào?
Hình 9.8 Sự ngăn cản gia nhập có tính chiến lược
Nếu không có sự ngăn cản, khi hãng mới gia nhập, hãng cũ hành động tốt hơn nếu chấp nhận sự gia nhập đó chứ không phải chống lại. Hãng mới biết điều đó nên gia nhập. Điểm cân bằng ở ô trên phía tay trái và cả hai hãng đều thu được lợi nhuận bằng 1. Nhưng nếu hãng cũ lại cam kết trước một khoản chi phí bằng 3 mà chỉ thu lại được nếu chống lại, hãng cũ sẽ chống lại sự gia nhập, hãng mới sẽ ở ngoài và điểm cân bằng là ô dưới bên tay phải. Hãng cũ làm ăn tốt hơn, thu được lợi nhuận bằng 2.
Giả sử người gia nhập mới đã nhảy vào thị trường. So sánh 2 ô phía bên trái của dòng trên, hãng hiện hành nên nhượng bộ hơn là chống lại. Người gia nhập mới có thể thấy được điều này. Bất kỳ một đe dọa nào của hãng hiện hành nhằm ngăn cản sự gia nhập đều không phải là đe dọa thực sự. Cân bằng của trò chơi là người gia nhập mới sẽ vào thị trường và hãng hiện hành cũng không kháng cự lại. Cả hai cùng thu được lợi nhuận là 1, ở ô phía trên bên trái.
Tuy nhiên, hãng hiện hành có thể có hàng loạt hành động trước khi có sự  xuất hiện của người gia nhập mới. Nó có thể đã có ý đồ từ trước buộc mình ngăn chặn sự gia nhập mới và vì thế làm giảm được mối đe dọa gia nhập trong tương lai. Hãng hiện hành sẽ sung sướng mê li nếu một người sao hỏa xuất hiện và đảm bảo là sẽ bắn các giám đốc của các hãng hiện hành nếu họ để cho sự gia nhập mới dễ dàng. Những người gia nhập mới cho rằng sẽ phải lao vào cuộc chiến và dự đoán sẽ mất 1, vì thế họ sẽ không gia nhập thị trường, khi đó hiện hành sẽ có được lợi nhuận thường xuyên là 5.
Không có người sao hỏa, hãng hiện hành vẫn có thể có được kết quả đúng như vậy bằng các biện pháp kinh tế. Giả sử hãng hiện hành đầu tư lớn vào năng lực sản xuất dư thừa và hiện giờ chưa dùng đến vì đang ở mức sản lượng thấp. Hãng hiện hành có sản lượng thấp khi không có sự gia nhập mới hoặc chấp nhận chia sẻ thị trường với người gia nhập mới. Giả sử trong tình huống này hãng hiện hành chịu thêm chi phí là 3 do gánh chịu công suất thừa. Dòng thứ 2 của hãng ở Hình 9.8 cho thấy lợi nhuận của hãng hiện hành giảm đi 3 trong cả hai kết quả này. Tuy nhiên, trong cuộc chiến giá cả, sản lượng của hãng hiện hành là cao và năng lực sản xuất dư thừa không còn lãng phí nữa, vì thế không cần giảm lợi nhuận của hãng ở cột giữa của Hình 9.8.
Nếu người gia nhập nhảy vào thị trường, hãng hiện hành lỗ 2 nếu chấp nhận chia sẻ thị trường và chỉ mất một nếu chống lại. Vì thế sự gia nhập mới sẽ bị chống lại. Thấy được trước điều này, sẽ không có hãng mới tham gia vào thị trường vì họ sẽ bị thua lỗ trong cuộc chiến giá cả. Cân bằng của trò chơi lúc này là ô phía dưới bên phải của bảng và sẽ không có người gia nhập mới. Sự ngăn cản gia nhập có tính chiến lược đã thành công. Nó đem lại lợi ích cho hãng.  Cho dù chịu chi phí 3 cho năng lực sản xuất dư thừa, hãng vẫn thu được lợi nhuận 2, lớn hơn so với lợi nhuận 1 ở ô phía trên bên trái khi không có sự ngăn cản và để người gia nhập mới vào thị trường.
Sự ngăn cản gia nhập có tính chiến lược là hành vi của hãng hiện hành khiến cho sự gia nhập mới là khó thực hiện.
Liệu rằng sự ngăn cản này có luôn có tác dụng hay không? Câu trả lời là không. Giả định trong Hình 9.8, chúng ta thay đổi cột phía bên phải ở dòng trên hãng hiện hành có lợi nhuận là 3 nếu không có sự gia nhập mới. Nếu không có năng hãng hiện hành chi 3 cho năng lực sản xuất dư thừa, hãng sẽ chỉ còn lợi nhuận bằng 0 ở ô phía dưới bên phải khi có sự gia nhập mới bị ngăn cản. Sự ngăn cản vẫn thực hiện được, tuy nhiên sẽ tốt hơn cho hãng hiện hành nếu hãng không đầu tư vào công suất thừa và chấp nhận gia nhập mới.
Mô hình này cho thấy chiến tranh giá cả không nên được thực hiện. Nếu hãng hiện hành tham gia vào cuộc chiến, hãng mới sẽ không vào thị trường. Điều này tất nhiên đòi hỏi hãng mới phải biết được lợi nhuận của hãng hiện hành trong các khả năng khác nhau và vì thế dự đoán được chính xác hành vi của hãng đó. Trong thực tế, những người gia nhập mới đôi khi dự đoán sai. Hơn thế nữa, nếu người gia nhập mới có sự ủng hộ tài chính tốt hơn hãng hiện hành, cuộc chiến tranh giá cả có thể là một sự đầu tư tốt cho hãng mới. Hãng hiện hành sẽ phải là người rời khỏi thị trường trước và sau đó hãng mơi svafo sẽ lại thu được lại lợi nhuận.
Công suất dư thừa có phải là mối đe dọa duy nhất của hãng hiện hành hay không? Các đe dọa phải là đe dọa không thể hủy bỏ, nếu không nó sẽ chỉ là một đe dọa suông, và chúng phải làm tăng khả năng hãng hiện hành sẽ chống lại sự gia nhập mới. Bất cứ cái gì có đặc điểm của chi phí chìm và chi phí cố định đều có thể trở thành mối đe dọa: chi phí cố định làm tăng tính kinh tế của quy mô nhờ đó hãng hiện hành có thể duy trì sản lượng cao lâu hơn, và chi phí chìm không thể thay đổi. Quảng cáo để đầu tư vào uy tín và sự trung thành đối với nhãn hiệu là một ví dụ điển hình. Việc phổ biến sản phẩm cũng vậy. Nếu hãng hiện hành chỉ có một nhãn hiệu duy nhất, người gia nhập mới có thể hy vọng tham gia vào thị trường với một nhãn hiệu khác. Nhưng nếu hãng hiện hành có một dòng nhãn hiệu hoặc mẫu mã hoàn chỉnh, một người gia nhập mới sẽ phải cạnh tranh với cả miền sản phẩm này.
Hộp 9-4 Tại sao quảng cáo lại nhiều như vậy?
Quảng cáo không phải luôn mang ý nghĩa tạo ra rào cản đối với những người gia nhập tiềm tàng. Đôi khi nó nhằm thông báo với khách hàng bằng cách tiết lộ những thông tin nội bộ mà hãng có về chất lượng sản phẩm của hãng.
Khi khách hàng có thể nói thoáng qua về chất lượng sản phẩm, thậm chí trước khi họ mua sản phẩm, có nghĩa là quảng cáo đã có chút tác dụng. Chuối đã hỏng đen thì không thể quảng cáo là tươi ngoan. Thông tin có sẵn ê hề và những nỗ lực đánh lựa khác hàng sẽ bị phát hieenje chất lượng trước khi mua sắm và chỉ nhận ra chất lượng khi sử dụng hàng hóa.
Hãng khi đó có những thông tin nội bộ cho các khách hàng mua lần đầu. Một chiến dịch quảng cáo đáng chú ý (tất nhiên là tốn kém) báo hiệu cho các khách hàng tiềm năng rằng hãng tin vào sản phẩm của mình và dự kiến bán được doanh số lớn cho các khách hàng thường xuyên đủ để thu hồi chi phí cố định của quảng cáo ban đầu. Các hãng không trung thực sẽ nhanh chóng bị  phát hiện và không đầu tư nhiều vào quảng cáo nữa.
Thế còn những hàng hóa như tủ lạnh, thường là chỉ mua một lần và không được thay thế trong khoảng chục năm hoặc hơn thì sao? Các khách hàng thực sự có lợi với những quảng cáo trung thực nhưng những người sản xuất các sản phẩm chất lượng cao lại không có động cơ quảng cáo. Họ cũng đã từng thuê các nhà quảng cáo làm những quảng cáo phóng đại (rất nhiều năm trước khi họ bị phát hiện). Sự sẵn sàng quảng cáo không còn báo hiệu chất lượng của sản phẩm nữa. Vì thế các quảng cáo ít dần.
Bảng dưới đây cho thấy chi tiêu quảng cáo theo tỷ lệ doanh thu bán hàng cho 4 loại hàng hóa đã kể trên. Lý thuyết khá phù hợp với thực tế.
Chi tiêu quảng cáo theo % doanh thu bán hàng
Kết luận
Trong thực tế chỉ có một vài ngành là giống nhau như 2 thái cực cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền thuần túy. Phần lớn các ngành là cạnh tranh không hoàn hảo. Chương này đã giới thiệu các loại cạnh tranh không hoàn hảo. Lý thuyết trò chơi nói chung và các khái niệm như cam kết, sự tin cậy và sự ngăn cản, cho phép các nhà kinh tế phân tích nhiều vấn đều thực tế trong các ngành kinh doanh lớn.
Chúng ta đã học được những gì? Thứ nhất, cấu trúc thị trường và hành vi của các hãng hiện hành được xác định đồng thời. Các nhà kinh tế thường bắt đầu với một số cấu trúc của  thị trường, xác định mức độ tính kinh tế của quy mô so với đường cầu của ngành, sau đó suy ra một hãng hiện hành sẽ cư xử như thế nào (độc quyền, độc quyền tập đoàn, cạnh tranh hoàn hảo), tiếp đến kiểm tra lại những dự đoán này so với những chỉ số thực hiện, chẳng hạn như mức độ giá lớn hơn chi phí cận biên. Chúng ta nhận thấy rằng hành vi chiến lược của hãng hiện hành có thể ảnh hưởng đến sự gia nhập mới, và từ đó ảnh hưởng đến cấu trúc thị trường, ngoại trừ những thị trường mà sự gia nhập mới là khá dễ dàng.
Thứ hai, chúng ta đã biết được tầm quan trọng của cạnh tranh tiềm tàng, có thể đến từ các hãng trong nước như một sự gia nhập mới hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Số lượng hãng có thể nhìn thấy trong ngành ngày nay cho biết rất ít thông tin về mức độ sức mạnh thị trường thực sự. Nếu gia nhập mới dễ dàng, một hãng hiện hành duy nhất hoặc một độc quyền có thể nhận thấy không có lợi nếu xuất phát từ hành vi cạnh tranh hoàn hảo.
Cuối cùng, chúng ta đã thấy được có bao nhiêu hành động kinh doanh trên thế giới thực – chiến tranh giá cả, quảng cáo, phổ biến nhãn hiệu, công suất dư thừa hoặc nghiên cứu và triển khai quá mức – có thể được hiểu như cạnh tranh chiến lược, trong đó để được hiệu quả thì các đe dọa phải được đảm bảo chắn chắn bỏi những cam kết từ trước.

* David Begg, Stanley Fischer & Rudiger Dornbusch (GV ĐHKTQD dịch), 2008, Kinh tế học, NXB Thống kê.

Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi – Một nền văn hoá mới

Tác giả: talawas

talawas - Cuốn sách mang tên hai tác giả Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi, nhan đề Một nền văn hóa mới, do Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh xuất bản tại Hà Nội năm 1945, do một thân hữu của talawas gửi đến chúng tôi. Sách gồm 45 trang, các trang 1, 2, 4, 46, 47, 48 bỏ trắng, tuy đã ố vàng theo năm tháng nhưng tất cả các trang, các chữ vẫn còn nguyên. Trang 6 có chữ ký của cả hai tác giả. Người gửi sách cho biết: “Chữ ký bên tay phải là của Nguyễn Đình Thi thì ta có thể nhận ra ngay, bên tay trái là của Nguyễn Hữu Đang. Cụ có chữ ký ‘oái oăm’, tức là nó giống cái chữ in ngược, soi vào gương thì sẽ thấy thuận và đọc ra. Thảo nào mà đời cụ nó cứ lộn tùng phèo. Một cái ‘oái oăm’ khác là trong vụ Nhân văn thì Nguyễn Hữu Đang bị vụt nặng nhất, còn Nguyễn Đình Thi lại được giao trọng trách làm ‘đao phủ’ chính trong cái ‘Đàn hương hình’ này… Thế mới biết là tình đồng chí của phe ta đúng là ‘hạt muối cắn đôi, còn hạt đường ăn hết’. Ấy nhưng trong cái phạm vi nước nhỏ thì mọi chuyện nó cũng nho nhỏ, nên cũng còn sống  sót được, chứ ở nước nhớn như nước Tầu, (coi tình đồng chí của bác Mao với bác Lưu, bác Lâm) thì có mà mất xác.”
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn thân hữu đã gửi sách, cảm ơn người tổ chức đánh máy, và xin chia sẻ tác phẩm này với đông đảo độc giả.
_________________

Cuộc vận động văn hoá dưới thời Pháp thuộc

Một số đồng bào của chúng ta thường cho rằng: cuộc đấu chống kẻ thù chỉ là cuộc vật lộn về chính trị, về quân sự; công tác quan trọng và độc  nhất chỉ hướng về mặt khuếch trương các tổ chức, sắm võ khí, phát triển các bộ đội; còn văn hóa thì có đồng bào cho là một món “lý luận suông”, một món “xa xỉ phẩm” không thể có được và cũng không nên nghĩ tới trong lúc này.
Chủ trương hẹp hòi đó làm cho ảnh hưởng cách mạng kém sâu, kém rộng trong dân chúng, nhất là trong các tầng lớp trí thức.
Ách xâm lược không phải chỉ thu hẹp trong phạm vi kinh tế và chính trị; bọn thống trị có cả một chính sách văn hóa để ngu dân, lừa dân, kìm hãm và làm tê liệt chí khí tiến thủ của đồng bào ta. Chính sách văn hóa là cả một “đạo quân thứ năm” vô cùng lợi hại để bảo vệ chủ quyền xâm lược. Muốn trừ khử kẻ thù bằng súng đạn ngoài mặt trận, chúng ta không thể để “đạo quân thứ năm” đó len lỏi và gieo hại trong hậu phương của chúng ta được.
Cho nên không phải chỉ cuộc cải tạo quốc gia độc lập sau này mới cần đến cuộc cách mạng văn hóa để hoàn thành; ngay trong lúc này muốn cho nền độc lập thực hiện hoàn toàn, chúng ta phải làm sóng đôi với công tác chính trị và quân sự, một cuộc vận động ráo riết về văn hóa.
Cuộc chiến đầu giải phóng của chúng ta phải là một cuộc vật lộn về mọi phương diện!
“Chúng ta phải đánh kẻ thù bất cứ ở chỗ nào mà chúng ẩn núp”.

I. Tình hình văn hoá Việt Nam

A. Văn hóa công khai

Vậy tình hình văn hóa xứ ta như thế nào? Trả lời câu hỏi ấy, tức là nhận định rõ những điều kiện cụ thể mà trong đó chúng ta đang phải khuếch trương cuộc vận động văn hóa.
Trong 80 năm Pháp thuộc, tình trạng học thuật, tư tưởng, văn nghệ xứ ta luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên, chúng ta có thể căn cứ vào những đặc tính riêng biệt mà chia ra hai giai đoạn lớn: “giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh” và “giai đoạn chiến tranh hiện tại”.
1. Giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh
Trong giai đoạn “Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh”, chủ quyền thực dân Pháp trên xứ ta vững vàng; phong trào cách mạng không được sâu rộng và trong những năm đầu thường có ít nhiều tính chất cần vương. Chính sách văn hóa của bọn thực dân Pháp nhằm hai mục đích cốt yếu là ngu dân và gây ảnh hưởng cho chủ nghĩa xâm lược.
Để chìm đắm dân ta trong vòng ngu muội, dốt nát, chúng áp dụng chính sách kìm hãm về giáo dục, về báo chí cũng như về học thuật, tư tưởng. Chương trình giáo dục bình diện của tên Toàn quyền Méc-lanh (Merlin) và đạo nghị định Va-ren (Varenne) về báo chí là những biểu tượng rõ rệt của chính sách kìm hãm khốc liệt đó.
Một mặt khác, chúng cho thâm nhập một thứ dân chủ giả trá, hòa hợp với chính sách thực dân. Chúng tự nhận có “nhiệm vụ khai hóa” đối với xứ ta, cốt để chứng tỏ rằng sự xâm lược là chính đáng và nền bảo hộ là cần thiết.
Tập sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh và tạp chí Nam phong của Phạm Quỳnh chỉ là những lợi khí tuyên truyền của bọn thống trị mà ta không cần đếm xỉa tới. Nhưng chúng ta cũng nên nhắc qua đến một số trí thức độc lập chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đã nhập cảng vào xứ ta một xu hướng dân chủ tương đối cấp tiến, như các nhóm Thần chung, Tiếng chuông dè (Cloche fêlée), Diễn đàn Đông Dương (Tribune Indochinoise), Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Tự lực văn đoàn, v.v…
Trong khi đó, tinh thần dân ta vẫn luôn luôn gắng gỏi ngoi lên để đón tiếp những trào lưu tư tưởng tiến bộ ngoại lai. Nhờ sự gắng gỏi ấy, nhờ sức chiến đấu không ngừng của đồng bào ta, lần đầu tiên, trong những năm 1936-1939, chúng ta có một số sách báo công khai phản ảnh rõ rệt tinh thần dân chủ, cấp tiến. Tinh thần dân chủ, cấp tiến ấy, mặc dầu mọi sự đàn áp của bọn thống trị, đã lan tràn mau lẹ trong các tầng lớp dân chúng.
2. Giai đoạn chiến tranh hiện tại
Sau ngày chiến tranh bùng nổ, văn hóa xứ ta đã bước sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn chiến tranh hiện tại.
Bọn thực dân Pháp được dịp công nhiên lộ hình để triệt để thi hành chính sách phát-xít mà trước kia chúng phải áp dụng dưới một nhãn hiệu xảo trá. Phát-xít Nhật cũng bắt đầu đặt chân lên xứ ta. Bên cạnh chính quyền Pháp, chúng thiết lập một chính quyền đối lập. Dưới hai tầng áp bức Nhật-Pháp, tình cảnh cơ cực của dân ta có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử. Phong trào cứu quốc trỗi dậy, thu hút các tầng lớp dân chúng. Chính quyền thực dân Pháp bị lung lay hơn lúc nào hết. Chính sách văn hóa của chúng vì vậy, phải biến chuyển theo tình thế đổi mới.
Trong giai đoạn trước, một vài xu trào độc lập hay cấp tiến còn có thể len lỏi và nẩy nở, văn hóa xứ ta còn có thể phát triển một phần nào.
Trong giai đoạn này, trái lại, văn hóa xứ ta bị dày xéo dưới gót sắt của chính sách văn hóa thực dân.
Văn hóa phát-xít đã chế ngự rõ rệt.
Song cùng với nhịp hưng vong của chủ nghĩa phát-xít, sự chế ngự đó đã biến đổi ít nhiều tính cách mà chúng ta có thể nhân đó chia ra “thời kỳ mở đầu”, “thời kỳ độc tôn” và “thời kỳ suy tàn” của văn hóa phát-xít.
a/ Thời kỳ mở đầu
Cuộc chiến tranh hiện tại vừa mở đầu, thì chính phủ thực dân Pháp bắt đình bản, cấm lưu hành và tàng trữ các báo chí có tính chất cấp tiến và dân chủ. Các nhà văn, nhà báo độc lập bị hăm dọa hay hạ ngục. Các nhóm chính trị công khai và các tổ chức quần chúng đều bị giải tán. Tất cả những điều mà bọn thực dân Pháp bất đắc dĩ phải thi hành trong những năm 1936-1939, thì nay đều bị thủ tiêu. Bọn thực dân Pháp đã công nhiên phát-xít hóa. Tuy nhiên chúng vẫn chưa dám tung ra những khẩu hiệu phát-xít, chỉ sai các cây bút nô dịch ca tụng một cách mơ hồ văn minh nước Pháp, lực lượng chiến đấu của chính quốc hay sự kiên cố của phòng lũy Ma-gi-nô (Maginot). Sự ngừng trệ, buồn tẻ của thời kỳ này chính là màn đầu sửa soạn cho thời kỳ độc tôn của văn hóa phát-xít.
b/ Thời kỳ độc tôn
Thời kỳ độc tôn kéo dài từ khi Pháp thỏa hiệp với Đức Quốc xã cho tới khi chính phủ Pê-tanh (Pétain) bị đổ.
Từ chỗ mập mờ, chính sách văn hóa thực dân Pháp trong thời kỳ này đã thành một hệ thống rõ rệt, mục đích để công phá tinh thần dân chủ trong văn hóa Việt Nam, đem văn hóa phát-xít nhồi sọ dân chúng và lợi dụng văn hóa để trực tiếp phá hoại những chủ trương chính trị chân chính.
Bọn thực dân Pháp, một mặt, thủ tiêu những di tích dân chủ còn lại, giải tán cả các hội đồng tư vấn chỉ có vỏ dân chủ như hội đồng thành phố, nghị viện dân biểu Bắc và Trung kỳ, hội đồng quản hạt Nam kỳ, hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương…, một mặt khác, chúng thẳng tay công phá tinh thần dân chủ đã in dấu rõ rệt trên văn hóa Việt Nam những năm 1936-1939. Thậm chí, chúng phủ nhận cả giá trị cấp tiến của cuộc Cách mạng 1789 mà trước kia chúng vẫn coi là “vinh dự bất hủ” của nước Pháp cộng hòa.
Nhưng, một hệ thống tư tưởng khi đã thành hình, người ta không thể thủ tiêu nó nếu không đem một hệ thống khác thay thế vào. Cho nên ngoài phương kế công phá và kìm hãm, bọn thực dân Pháp còn phải dùng phương pháp nhồi sọ. Bằng mọi phương tiện, chúng tuyên truyền, chúng nhồi nhét những tư tưởng nô dịch, những luận điệu phát-xít.
Chủ nghĩa “quốc gia cách mạng” của Pê-tanh (Pétain) được đem phổ biến khắp nơi, để xuyên tạc tinh thần quốc gia chân chính đang sôi nổi trong các từng lớp dân gian.
Lòng yêu “tổ quốc” của người Việt, theo chúng, phải gồm cả lòng yêu “mẫu quốc”; cuộc “phục hưng nước Việt” cũng phải thực hành trong khuôn khổ “Pháp-Việt Phục hưng”.
Tinh thần “ái quốc” do đó đã biến thành tinh thần “phản quốc”.
Bọn chuyên môn nô dịch như Phạm Xuân Độ, Nguyễn Tiến Lãng thi nhau quảng cáo cho chủ nghiã Pê-tanh. Vài nhà trí thức quá dễ tính như Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Bình kính cẩn “chứng nhận” công cuộc Pháp-Việt phục hưng (Témoignages).
Chân dung Pê-tanh và khẩu hiệu “cần lao, gia đình, tổ quốc” nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, lẫn cả với gà lợn trong các tranh Tết của trẻ con. Nhưng những mánh khóe che đậy, khoe khoang ấy không giấu nổi tình hình nguy ngập của đế quốc Pháp. Nhận rõ sự suy nhược của bọn thống trị và xu trào thế giới, dân chúng càng thêm tinh thần quật khởi. Cả những kẻ trước kia là tay sai trung thành cho bọn thực dân Pháp, đến nay cũng tìm đường xa lánh, để tham gia vào mặt trận cứu quốc hoặc để bám chân phát-xít Nhật mà họ tin là sẽ nhẩy lên địa vị chủ mới. Bọn thực dân Pháp, trước tình thế đó, phải cố tìm vây cánh trong hàng ngũ quan lại. Đồng thời với sự lập lại chế độ hương thôn cũ trong dân quê, chúng cố làm sống lại những giá trị tàn tạ của thời Trung cổ Á-Đông.
Tư tưởng phong kiến được dịp tái khởi. Người ta hô hào trở lại với đạo đức, với tôn ti trật tự của Khổng, Mạnh, với gia đình cũ, với hương thôn, với quan trường. Phạm Quỳnh xuất bản học thuyết bảo hoàng của Mô-rát (Maurras), Nguyễn Công Hoan cho in Thanh đạm, Nho giáo của Trần Trọng Kim được tái bản, Ngô Tất Tố dịch Kinh dịch, Phan Văn Hùm viết Triết lý Phật giáo.
Để đánh lạc tinh thần thanh niên, bọn thực dân Pháp còn thi hành cả một chương trình thể thao rộng lớn, một thứ thể thao trọng phô trương biểu diễn hơn là sự trau dồi thân thể. Chúng mở thêm sân vận động, khuyến khích điền kinh, rầm rộ tổ chức các cuộc đua xe đạp… Chúng hy vọng chìm đắm thanh niên trong các môn vận động để họ sao lãng nhiệm vụ cứu quốc hay để họ tưởng rằng tập rượt các môn thể thao hữu danh vô thực đó tức là đã làm trọn nhiệm vụ đối với giống nòi.
Song song với hai chính sách nhồi sọ và công phá tinh thần dân chủ, bọn đế quốc, để thực hiện mục đích phá hoại những chủ trương cách mạng chân chính, đã khôn khéo lợi dụng sự học và phong trào nghiên cứu.
Những tác phẩm và những bài nghiên cứu các chiến công oanh liệt của những anh hùng cứu quốc thời xưa không phải để kích thích và nung đúc tinh thần quật khởi mà, trái lại, để hòng chia rẽ hai dân tộc Hoa-Việt khỏi thành một khối duy nhất chống phát-xít. Đại biểu cho phong trào này là nhóm Tri tân. Chúng ta còn có thể kể những bản ca kịch và âm nhạc mà chủ đích là gợi mối thù cũ của ta đối với dân Tàu.
Nhóm Thanh nghị trong khi đó được tự do tuyên truyền một tinh thần khiếp nhược, đắn đo, chờ thời, và mơn trớn các tầng lớp tư sản bằng những bài trình bày một thứ dân chủ nửa chừng, thỏa hiệp với chính sách phát-xít.
Nhóm Hàn Thuyên đã đề xướng một phong trào duy vật mác-xít nệ sách, và chủ trương giai cấp tranh đấu không hợp thời của họ rất có thể chia rẽ mặt trận cứu quốc thống nhất của dân tộc.
Tóm lại, chính sách văn hóa thực dân đã chăng một màng lưới bao trùm các ngành học thuật, tư tưởng, văn nghệ… Nó đã đưa văn hóa phát-xít lên địa vị độc tôn trên văn hóa nước nhà.
Một số nhà văn cấp tiến đã cố len lỏi hoạt động, nhiều khi bằng những lối quanh co, khôn khéo mà vẫn không tránh khỏi sức đàn áp của bọn thực dân. Họ đã xuất bản được một số tác phẩm, nhưng chưa đủ để gây một xu trào rõ rệt.
Các văn nhân, nghệ sĩ còn muốn giữ nghề bị dồn tới chỗ phải chọn một trong hai ngả đường:
- hoặc đem bán rẻ tài năng cho chính sách thực dân tự chôn mình trong hố đầu hàng nhục nhã;
- hoặc phải lui vào phạm vi bí mật để gìn giữ cốt cách tự do độc lập của cây bút biết trọng mình và trọng nghề.
c/ Thời kỳ suy tàn
Cuộc giải phóng nước Pháp và sự thành lập chính phủ Đờ Gôn (De Gaulle) đã chấm dấu hết cho thời kỳ độc tôn và mở đầu cho thời kỳ suy tàn của văn hóa phát-xít.
Bọn thực dân Pháp bị kẹp giữa hai gọng kìm là phát-xít Nhật và chính phủ Đờ Gôn (De Gaulle), đã thi hành chính sách mập mờ về mặt chính trị cũng như về mặt văn hóa.
Các cây bút nô dịch chỉ biết nhai lại một vài vấn đề phụ thuộc như ảnh hưởng văn chương Pháp đối với văn chương nước Việt, công trình kiến thiết của bọn thực dân Pháp ở Đông Dương.
d/ Chính sách văn hóa Nhật
Nói đến chính sách văn hóa thực dân, chúng ta không thể không nói tới chính sách văn hóa Nhật, dù nó sơ sài và ít hiệu quả.
Ngay sau khi đặt chân lên xứ ta, bọn phát xít Nhật mở trường dạy tiếng, trao đổi nghệ sĩ và học sinh, trưng bầy tranh ảnh, chiếu phim Nhật, tổ chức ca vũ, lập viện văn hóa, đặt giải thưởng văn chương để cổ động chủ nghĩa Đại Đông Á, đỡ đầu một vài tờ báo tay sai.
Sau cuộc đảo chính, trong cái hoàn cảnh bối rối do mặt trận Việt minh gây ra, phương kế độc nhất của chính sách văn hóa Nhật là sự kiểm duyệt hạn chế gắt gao các sách báo xuất bản.
Trên đàn văn hóa công khai, chúng ta thấy toàn một loài xu thời, bợ đỡ, tuyên truyền cho nền “độc lập” giả dối, cho “công ơn” cướp nước của bọn quân nhân xâm lược, cho chủ nghĩa phát-xít náu hình trong lý thuyết “Á Đông của người Đông Á”.
Nhưng tình hình  quân sự và chính trị trong “khối thịnh vượng chung” đã khủng hoảng tới cực độ, nên diễn ra cả một tình trạng hỗn loạn: lũ giặc văn hóa xu thời vừa ngợi khen Nga Xô-viết, vừa tán tụng phát-xít xâm lược, hô hào nguyên tắc mập mờ “dân vi quý” để rồi chủ trương quân chủ độc tài.
Cho nên cái làn sóng tuyên truyền cổ động ấy không át nổi tiếng nói của thực tế phũ phàng.
Cái bánh vẽ “độc lập”, cái ảo ảnh “bồng lai Đại Đông Á” họa chăng chỉ còn ảnh hưởng tới một số đầu óc cấu tạo toàn bằng tế bào nô lệ.
Chính sách văn hóa của phát-xít Nhật có thể chế ngự nhóm văn hóa công khai nô dịch, nhưng nó không thể đàn áp ý thức của dân tộc ta.
3. Kết luận
Sau khi đã xét qua tình hình văn hóa công khai, chúng ta thấy cả một bức “vạn lý trường thành” trên đường văn hóa.
Thật vậy, chính sách thực dân có thể tóm tắt trong một định thức: kìm hãm về kinh tế, kìm hãm về chính trị, kìm hãm về văn hóa.
Mà điều kiện phát triển văn hóa đâu có phải chỉ thuộc riêng về phạm vi học thuật hay văn nghệ.
Dưới ách ngoại xâm, văn hóa xứ ta chẳng những vấp phải chính sách văn hóa thực dân khốc liệt; nó còn có những trở lực ghê gớm hơn nữa trong các hệ thống tổ chức của xã  hội.
Những trở lực ấy còn, chúng ta không thể mơ tưởng một văn nghệ phong phú và sầm uất, hay một lâu đài khoa học xán lạn trên đất xứ ta vẫn trì trệ trong trạng thái sơ khai.
Chính sách thực dân đã huy động toàn lực để cản đường.
Hay cho được đúng hơn, nó chỉ mở lối phát triển cho văn hóa đầu hàng, nô dịch.

B. Văn hóa bí mật

Một điều đáng mừng và cũng đáng tự cao cho dân tộc ta là văn hóa đầu hàng, nô dịch đó không phải là tất cả văn hóa nước nhà.
Chúng ta còn có văn hóa bí mật mà phần đông thường đã lãng quên hay không biết tới. Văn hóa bí mật có từ lâu, nó là con đẻ của tình trạng mất nước, nó phát sinh với phong trào cách mạng.
Dưới sự đàn áp liên miên của bọn thực dân, những cây bút cấp tiến, còn biết tự trọng, không chịu uốn mình theo vòng lưới của uy quyền chính trị, thường phải lui vào bóng tối của sự hoạt động văn hóa bí mật.
Văn hóa công khai nô dịch bị khinh miệt và chán ghét bao nhiêu thì văn hóa bí mật được tìm tòi và trìu mến bấy nhiêu. Nó thỏa mãn nhu cầu của dân chúng đang khao khát ánh sáng tự do, khao khát những tư tưởng mạnh bạo.
Một nhà nghiên cứu, dù chỉ có đôi chút thực tâm, cũng không thể chối cãi địa vị lớn lao của văn hóa bí mật được.
1. Giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh
Nhưng nếu, trải qua những biến chuyển chính trị, cái địa vị lớn lao ấy của văn hóa bí mật không lúc nào suy giảm, thì, trái lại, những khẩu hiệu và tính chất của văn hóa bí mật đã tùy theo từng giai đoạn mà thay đổi.
Trong giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh hiện tại, văn hóa bí mật thường chỉ được coi là một phương tiện vận động chính trị. Một bài thơ hay một bài phú làm ra thường không phải để thỏa mãn một nhu cầu về văn hóa, mà chủ đích chỉ để kích thích lòng người, kêu gọi dân gian lên đường tranh đấu giải phóng.
Xu hướng văn hóa cũng thường biến đổi, ăn nhịp với tính chất giai cấp lãnh đạo trong cuộc vận động chính trị.
Nó có xu hướng cần vương với phong trào Hàm Nghi, Duy Tân; xu hướng Âu hóa với nhóm Đông duĐông kinh nghĩa thục; trong khoảng 1925-1930, xu hướng quốc gia chiếm phần ưu thắng với những tờ Phục quốcViệt Nam hồn, sách báo của Việt Nam Quốc dân đảng và Nam Đồng thư xã. Trái lại, trong khoảng những năm 1930-1940, văn hóa bí mật có xu hướng quốc tế với những tờ tạp chí Búa liềm, Công hội đỏ, Tiên phong, Hướng đạo, tờ báo xí nghiệp Si-măng ở Hải Phòng, tờ Máy sợi ở Nam Định, Tin tranh đấu của Nghệ Tĩnh, tờ Giải phóng xuất bản năm 1937-1938…
2. Giai đoạn chiến tranh hiện tại
Bước sang giai đoạn chiến tranh hiện tại, cuộc vận động chính trị đã thống nhất dưới ngọn cờ Việt Minh cứu quốc để thực hiện cách mạng dân tộc giải phóng. Văn hóa bí mật hướng về hai tính chất dân tộc và tân dân chủ. Một mình nó dẫn đạt phong trào quần chúng. Có thể nói nó trả lời một cách tương đối đầy đủ những vấn đề cấp bách do tình thế đặt ra. Nó phong phú hơn văn hóa bí mật hồi trước, nó thỏa mãn được nhu cầu của quảng đại quần chúng đã cách mạng hóa.
Ảnh hưởng của nó vừa sâu vừa rộng hơn lúc nào hết trong lịch sử văn hóa bí mật nước nhà.
So sánh với văn hóa công khai, những ưu điểm của văn hóa bí mật hiện tại lại càng thêm rõ rệt.
Văn hóa công khai, nói chung, chỉ biết bợ đỡ, xu nịnh cường quyền như ta đã thấy. Trái lại, văn hóa bí mật cương quyết chống mọi sự áp bức, bóc lột, mọi hiện trạng bất công của xã hội. Nó không chịu lùi bước trước một đe dọa nào. Nó thẳng tay đả phá tất cả những cái gì cổ hủ, thoái hóa, để đưa xã hội tiến lên ánh sáng công bằng, nhân đạo.
Văn hóa công khai phần lớn là để thỏa mãn nhu cầu của các nhà quyền chính hay của một số trí thức. Nó chỉ là một món độc quyền của thiểu số. Trái lại, văn hóa bí mật là của đại chúng. Nó lấy đại chúng làm đầu đề cốt yếu. Nó phản ảnh những nguyện vọng thiết tha của đại chúng. Nó thâm nhập rộng rãi trong đại chúng. Nó sống sát bên đại chúng, hiểu đại chúng và được đại chúng hiểu lại nó.
Văn hóa công khai hỗn loạn, phức tạp, khi ngả về phía này, khi nghiêng về phía khác. Chưa nói chi đến quan điểm nhóm này chống lại quan điểm nhóm khác, nhiều khi một quyển sách hay một tờ báo cũng chứa đựng những điều trái ngược. Trái lại, văn hóa bí mật duy nhất. Từ bài xã thuyết, cho tới bức hội họa hay trang truyện ngắn, hết thảy đều hướng về một mục đích. Một yếu tố xán lạn luôn luôn điều hòa các bộ phận hoạt động của văn hóa bí mật.
Với những ưu điểm đó, văn hóa bí mật không những được lòng mến phục của dân chúng trong khi văn hóa công khai bị rẻ rúng, mà nó còn chiếm địa vị trọng yếu trong nền văn hóa chung của toàn quốc.
Điều kiện hiểm nghèo của sự hoạt động đã cản trở khá nhiều công việc tiến hành của văn hóa bí mật(1).
Tuy nhiên, mặc dầu nhiều điều khuyết điểm, những thành tích của văn hóa bí mật không phải ít và là một vinh dự chung trong lịch sử tranh đấu của dân tộc.
Nếu chỉ kể những báo xuất bản gần đây, chúng ta thấy: Cứu quốc, Cờ Giải phóng, Việt Nam độc lập đồng minh, Độc lập, Hồn nước, Tạp chí Cộng sản, Tiên phong, Tiếng chuông, Bãi Sậy, Kèn gọi lính, Hiệp lực, Mê Linh, Lao động, Nước Nam mới, Kháng địch, Giải phóng, Khởi nghĩa, Đuổi giặc nước, Quyết thắng, Quân Giải phóng…
Ở Trung Hoa có Tiếng gọi của Việt kiều, ở Thái Lan có tờ Độc lập. Trong nhà tù và các trại tập trung có: Lao tù Tạp chí (Hà Nội), Ánh Bình minh (Hòa Bình), Sông Gầm (Bá Vân), Ngàn thông (Chợ Chu), Suối reoTự chỉ trích (Sơn La)…
Ngoài báo chí chúng ta còn phải kể một số khá nhiều sách vở nghiên cứu về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, và các bài thơ, ca và tranh ảnh cách mạng.
Với những đặc tính kể trên, văn hóa bí mật là kết tinh của tinh thần dân tộc. Nó phát huy một cách rõ rệt những tư tưởng về tự do, về công lý.
Nó rọi đường cho công tác vận động chính trị. Nó gây lòng tin tưởng vững vàng cho các chiến sĩ và quần chúng cách mạng.
Nó tác động bằng cả một sức mạnh phi thường.
Và, thêm nữa, nó là mầm văn hóa mới của nước Việt Nam cộng hòa dân chủ.
***
Đồng bào đã thấy trong văn hóa bí mật thành tích của mặt trận Việt Minh thực là rực rỡ. Nhưng không phải Việt Minh không tìm cách tranh đấu với quân thù ngay trên đàn văn hóa công khai mà chúng kiểm soát chặt chẽ vô hạn. Cuộc tranh đấu văn hóa của Việt Minh ngoài phương diện phát triển văn hóa bí mật, còn những phươn diện vận động văn hóa công khai nữa. Cuộc vận động đó, vì những lẽ thuộc về chính trị, không tiện vạch rõ chi tiết ra đây, nên đáng lẽ chúng tôi được cái vui trình bày cùng anh chị em đồng bào tất cả những kết quả đã đạt được một cách đầy đủ, lại đành phải tóm tắt sơ lược và kín đáo.
Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam thành lập từ năm 1943, với mục đích là lợi dụng tất cả mọi khả năng công khai và bán công khai để, một mặt, cổ động tuyên truyền văn hóa mới trong dân chúng chống với những xu trào phong kiến thoái bộ, hoặc hoạt đầu, giả dối, do đế quốc phát-xít trực tiếp hay gián tiếp chỉ huy, một mặt nữa, hết sức phổ thông chính sách cứu quốc của mặt trận dân tộc thống nhất trong giới tư tưởng, văn nghệ. Nhóm văn hóa đó lúc đầu gồm một số nhà văn, nhà báo, và những người hoạt động trong các công cuộc xã hội.
Sau ba năm hoạt động, những kết quả lượm được, tuy không thể so sánh với thành tích của văn hóa hoàn toàn bí mật, nhưng cũng chứng minh được một sự phấn đấu không ngừng. Nhóm văn hóa cứu quốc đã ảnh hưởng được ít nhiều các ngành học thuật, văn nghệ, ảnh hưởng bằng sự giao thiệp cá nhân, và bằng những công trình sáng tác, tuy bắt buộc phải đi bằng những đường lối quanh co mà không tránh được sự đàn áp của quân thù. Gần đây, một tờ báo bí mật chuyên về văn hóa đã xuất bản để vạch ra con đường phải đi và cổ động việc sửa soạn kiến thiết văn hóa mới.
Chung quanh tổ chức hoàn toàn bí mật trên đây, còn phải kể những tổ chức bán công khai, những nhóm khảo cứu tìm học.
Trong cả hai hình thức tổ chức, bí mật và bán công khai, việc sửa soạn kiến thiết văn hóa mới được theo đuổi khá ráo riết, và những chương trình đã khá dồi dào. Đáng chú ý hơn cả trong những kết quả đạt được về phương diện này, là những bản phân tích và mở rộng một đề cương của Đảng Cộng sản Đông Dương về văn hóa mới. Nhờ những cố gắng đó, nhóm văn hóa cứu quốc đã có một chủ trương rõ rệt, và đã qua được thời kỳ băn khoăn, tìm tòi.
Nói như thế không phải là chúng tôi đã làm trọn được cái trách nhiệm nặng nề mà đoàn thể giao cho. Chúng tôi đã cố gắng nhưng kết quả chưa được như ý, vì sự tổ chức Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam chưa chặt chẽ và rộng rãi. Một điều đáng tiếc nữa là nhiều đồng chí có năng lực về văn hóa còn phải gánh vác những công việc khác, không kém phần cấp bách, và vì thế, những cây bút già dặn của chúng ta chưa được tập trung đầy đủ để đưa phong trào văn hóa mới tới những kết quả rực rỡ, xứng đáng với sự tín nhiệm của đoàn thể.

II. Triển vọng

Cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta đang phải tiến hành trên bước đường gồ ghề, trắc trở. Những trắc trở, gồ ghề ấy, như chúng ta đã biết, chính là hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, chính sách văn hóa thực dân, điều kiện hiểm nghèo của sự hoạt động bí mật.
Song, trắc trở không có nghĩa là không thể vượt qua.
Không một sức mạnh nào có thể chặn đường tiến triển của một dân tộc đầy sinh lực.
Vả chăng, điều kiện bất lợi đó đã được bù lại bằng những hoàn cảnh vô cùng thuận lợi nằm ngay trong sự suy tàn của văn hóa phát-xít.
Mọi tiến bộ đều bao hàm sự đả phá tất cả cái gì bảo thủ, thoái hóa. Cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta phải thành tựu trong sự đả phá các xu trào văn hóa nô dịch, phản động.
Những xu trào ấy chỉ có thể ảnh hưởng tạm thời và mỏng manh tới một số người chậm tiến, nông nổi hay ít bị điều kiện sinh sống hằng ngày bức bách. Nó không thể lấn át được những tư tưởng tự do chân chính một khi các hoàn cảnh thuận lợi đẩy tới. Với bản chất thoái hóa, nó không thể đương đầu với cuộc công phá của tự do, của tiến bộ.
Thật vậy, văn hóa phát-xít trên xứ ta phá sản hoàn toàn. Lý thuyết “quốc gia cách mạng” của Pê-tanh không còn một tiếng vọng trong dân chúng. Chủ nghĩa “Đại Đông Á” cũng đã hết thời huyễn hoặc.
Những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược của các nhóm Thanh nghị, Tri tân và quá trớn của nhóm Hàn Thuyên đều hầu như những tiếng vang trên sa mạc.
Tình trạng suy tàn của văn hóa phát-xít, của những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược, ngày thêm trầm trọng; điều kiện gián tiếp giúp cho cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta do đó càng ngày càng nhiều và thêm thuận lợi.
Một mặt khác, trào lưu văn hóa cấp tiến trên thế giới và cao trào cách mạng đang tiến tới trong xứ ta, cống hiến thêm vào cho cuộc vận động văn hóa mới những đà tiến mãnh liệt. Tài liệu văn hóa giúp cho các chiến sĩ trau dồi trí tuệ. Trở lại, mỗi một chiến sĩ là một tên lính tiên phong của cuộc vận động văn hóa mới đầy triển vọng, đầy những hứa hẹn lạc quan.
Trong “khu giải phóng” mà các đồng chí anh dũng của chúng ta đã dành giật bằng xương bằng máu thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, cuộc vận động văn hóa mới đã tiến tới bước xây dựng.
Không một ai chối cãi được rằng: lâu đài văn hóa mới mà chúng ta thấy hình ảnh lộng lẫy trong triển vọng và đang được đặt viên gạch đầu tiên trong “khu giải phóng”, sẽ là công trình vĩ đại của chung chúng ta và đặc biệt của những nhà chuyên môn về vấn đề này.
Nó đòi hỏi nỗ lực phi thường của các bạn nhà văn chung đúc trong sức chiến đấu của tất cả đồng bào.
Nhưng cũng không một ai có thể chối cãi được rằng: công việc dọn đường sửa móng để xây nền cho văn hóa mới chỉ có thể hoàn thành sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi đã quét sạch những trở lực xã hội mà cuộc vận động văn hóa tự nó không đủ lực san bằng.
Các bạn văn hóa,
Chúng ta hãy sáng suốt nhận lấy nhiệm vụ tích cực chiến đấu, nhận lấy nhiệm vụ của người dân vong quốc cộng thêm nhiệm vụ của một chiến sĩ văn hóa mới.
Nói khác ra, để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để.
(Xem tiếp kì 2)

(1) Báo Cứu quốc trước ngày tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh, nếu theo sự đòi hỏi của độc giả thì mỗi số phải in tới trên dưới một triệu tờ mới đủ, thế mà kỳ nào cũng chỉ phát hành được đến vài vạn là cùng (nguyên chú).

Một chương trình kiến thiết văn hoá Việt Nam mới

Nếu trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, văn hóa chẳng may đã bị đôi người trong chúng ta coi như một món xa xỉ phẩm, thì trái lại, sau khi cuộc chiến đấu đã thành công, chắc hẳn văn hóa sẽ không còn bị một ai coi thường nữa. Bởi ai cũng hiểu rằng dành cướp lấy chính quyền là cốt để kiến thiết quốc gia; mà trong việc kiến thiết quốc gia thì văn hóa quan trọng chẳng kém gì kinh tế.
Trước hết chúng ta không quên rằng nếu văn hóa bắt gốc rễ ở những điều kiện kinh tế, thì trở lại, văn hóa cũng ảnh hưởng đến đời sống vật chất một cách mật thiết; thí dụ sự thịnh vượng của nông nghiệp, kỹ nghệ, thương mại phải nhờ một phần lớn ở kỹ thuật; kỹ thuật lại nhờ khoa học, một bộ phận của văn hóa, mà phát triển. Vả lại hạnh phúc của dân chúng đâu chỉ có là no ấm! Thật là một sự thiếu thốn nguy hiểm nếu nền độc lập không mang đến cho dân chúng những mối dường của một cuộc sinh hoạt mới vừa thỏa mãn được những đòi hỏi của tâm hồn họ, vừa hấp dẫn được họ tiến mạnh trên đường văn minh. Cho nên nếu rồi đây chúng ta không triệt bỏ ngay được cái tình trạng bế tắc, thối nát của những nền giáo dục, văn học, nghệ thuật, luân lý, phong tục mà quốc dân đã phải đắng cay chịu đựng từ trước tới giờ, và thi hành trên những địa hạt ấy những chính sách thích đáng có thể đem lại những kết quả thiết thực, thì chẳng những chính phủ nhân dân khó lòng giữ được hoàn toàn tín nhiệm, ngay đến sự tin tưởng ở tương lai nền độc lập cũng sẽ bắt đầu lung lay.
Vậy cuộc cách mạng văn hóa phải tiếp theo liền cuộc cách mạng chính trị để củng cố nền độc lập và hoàn thành việc cải tạo xã hội.

A. Tính chất văn hoá mới

Nói cách mạng văn hóa ấy là nói đem một nền văn hóa mới thay cho nền văn hóa cũ đã thoát thai trong hoàn cảnh nô lệ, đã gói ghém những tàn tích phong kiến cùng với những sản phẩm đế quốc.
Tinh thần của nền văn hóa mới ấy sẽ là sự hòa hợp của những nguyên tắc ăn nhịp với cuộc tiến hóa xã hội nói chung, mà xét ra lại không có gì trái với cuộc phục hưng cấp bách của nước ta trong trường hợp đặc biệt này.
Phân tích sức tiến hóa trong giai đoạn lịch sử hiện thời, ta thấy ba yếu tố chính: một là trình độ khoa học, hai là năng lực của đại chúng cần lao, ba là hoàn cảnh sẵn có của dân tộc. Dưới quyền chỉ đạo của khoa học, đại chúng vịn vào những điều kiện cụ thể của dân tộc mà đẩy bánh xe lịch sử, đó là cái thế vững vàng của toàn thể trào lưu cấp tiến thế giới, mà đó cũng là cái thế vững vàng của riêng chúng ta khi trỗi dậy. Tất cả vấn đề là xoay văn hóa lại cái thế ấy. Cố nhiên là cái ý nghĩ một sự thay đổi từ gốc đến ngọn và những tiếng “phá bỏ”, “thủ tiêu” có thể làm cho nhiều khối óc bảo thủ phải thương tiếc, run sợ vì họ tưởng ta sẽ làm cỏ sạch sành sanh những giá trị mà họ hằng yêu dấu, những thần tượng mà họ hằng tôn thờ.
Nhưng, cũng như trong phong trào chính trị, chúng ta chẳng thể chiều ý những phần tử quá hủ lậu, mà chỉ có thể tuyên bố rõ rằng về cái di sản của tiền nhân, phần nào còn hợp thời, còn bổ ích sẽ được giữ lại và sẽ có một địa vị xứng đáng trong cái đại cục mới đã được khoa học hóa, đại chúng hóa và dân tộc hóa.
Khoa học hóa vì khoa học là mẹ đẻ của nền văn minh, là ngọn đuốc đưa đường cho chúng ta theo kịp các nước tiên tiến, đặng góp sức cùng họ trong cuộc phấn đấu với tạo vật để mưu hạnh phúc cho nhân quần. Nhưng không phải khoa học hóa chỉ có nghĩa chuyên về khoa học thực nghiệm để đạt đến một trình độ kỹ thuật cao mà nền kinh tế trong nước cần đền. Khoa học hóa nói đây còn là vận dụng những kiến thức khoa học, những phương pháp quan sát và phê bình khách quan vào tất cả mọi ngành hoạt động tinh thần, đem vào đó những ánh sáng mà các nhà thông thái đã dày công kiếm được, để mọi sự tìm tòi, sáng tác khỏi lạc đường, khỏi hư ngụy. Quan trọng hơn nữa là việc gây dựng và phổ thông tinh thần khoa học là cái tinh thần quy củ, tiến tới và chiến đấu, trọng thực tế, lý trí và nhân sinh.
Trong một nền văn hóa có tính chất khoa học sẽ không còn những lối phô diễn tối tăm, rối loạn, những tư tưởng thần bí, những xu hướng giật lùi, những chủ trương bông lông, những cách sống sa đọa. Và chúng ta có thể nói trước rằng ngày mà đội Giải Phóng Quân oanh liệt của chúng ta ca khúc khải hoàn sẽ là ngày cuối cùng của nền văn học, nghệ thuật ốm yếu.
Đại chúng hóa vì đại chúng là nền tảng xã hội, là lớp người mang cái sức sống tiềm tàng của dân tộc. Sau bao cuộc hưng vong, bao thời đô hộ, hai chữ “Việt Nam” vẫn còn trên bản đồ thế giới, đó là nhờ sức phấn đấu của đại chúng dưới quyền lãnh đạo của những đại biểu anh tuấn của giống nòi. Trong cuộc giải phóng quốc gia ngày nay lực lượng chiến đấu ở trong tay đại chúng. Trong cuộc kiến thiết kinh tế ngày mai, sức cần lao vẫn ở trong tay đại chúng. Phong tục cũng như tiếng nói đều phát sinh và hoàn thành giữa đại chúng. Cho ngay đến tư tưởng của đại chúng trong phong dao, tục ngữ cũng làm mạnh, sáng suốt hơn những tư tưởng nghèo nàn, cằn cỗi của những khối óc nô lệ kinh sách tự nhận là thức giả. Âm điệu thơ lục bát, thể thi ca đặc sắc của ta, vốn nhờ công của nông dân. Và sau hết, nhà nghệ sĩ hiện đại có khi phải nghiêng mình trước mỹ thuật của “bác phó cả” thời xưa mà những ngôi đình, chùa, miếu, mộ cổ còn giữ được tang chứng.
Nếu ta lại nhận định thêm rằng lớp người lao động là lớp người đang tiến phát, càng ngày càng có ý thức, có tổ chức, rằng phong trào tranh đấu của họ trên mặt trận quốc tế đã làm thắng dân quyền ở khắp các nước, và do đó, họ dần dần bước tới địa vị quan trọng nhất trong xã hội, thì ta không thể nào chối cãi khả năng rất lớn của đại chúng về văn hóa.
Nền văn hóa mới của ta muốn có nguồn sinh lực súc tích không thể nào không rút tài liệu ở cuộc sinh hoạt đại chúng, muốn có giá trị thực tiễn không thể nào không lấy vận mệnh đại chúng làm trung tâm, và muốn phụng sự tiến bộ, không thể nào không gắng gỏi thâm nhập đại chúng, để nâng cao trình độ họ lên bằng những tổ chức rộng rãi, bằng những công trình phổ thông.
Hết thảy mọi người đều nhận được và hiểu được văn hóa, đó không phải là cái lợi một chiều, cái lợi riêng cho phe bình dân, riêng cho hạng người hưởng thụ. Chính ngay những trào lưu học thuật sẽ nhờ thế mà được sự phê bình và sức ủng hộ của quảng đại quần chúng hướng dẫn và nâng đỡ để phát triển mạnh mẽ.
Nói tóm lại, chủ nghĩa tân dân chủ chỉ có thể quan niệm một nền văn hóa do đại chúng và vì đại chúng.
Dân tộc hóa vì dân tộc là gốc rễ và là phạm vi hoạt động gần gũi nhất của con người. Giống nòi, cảnh thổ, khí hậu, di sản tinh thần, trình độ văn minh, chế độ kinh tế, tình hình chính trị, bấy nhiêu điều kiện của một nước đã định rõ dân nước ấy ở thời nào đó, có thể tạo tác những gì và cần được hưởng thụ những gì. Văn hóa không treo lơ lửng giữa giời thì tất phải thích nghi với cái khung khổ dân tộc, theo sát hoàn cảnh thực tế để việc xây dựng được thuận tiện và ảnh hưởng được trực tiếp ngay đến đời sống hiện tại.
Chúng ta phải chú trọng đến những phương tiện bản xứ có công dụng trường cửu và sức truyền dẫn sâu rộng. Liệu còn có cách cảm hóa đồng loại nào mầu nhiệm hơn cách gửi tình đẹp ý cao vào những hình, sắc, âm thanh đối với họ đã quen biết thân mật như hơi thở? Ta thử tưởng tượng nếu các bậc túc nho xưa kia không khinh văn Nôm thì kho tài liệu mà các cụ để lại cho ta đặc sắc, dồi dào đến thế nào? Ta lại nghĩ xem nếu trong thời Pháp thuộc bọn trí thức đã để tâm bồi bổ chữ quốc ngữ thì ngày nay họ đâu đến nỗi phải lúng túng trước vấn đề dùng toàn tiếng ta trong các bậc học? Vẫn biết những hoạt động trí thức cần phải vươn tới chân trời xa, nhưng trước hết những hoạt động trí thức ở nước Việt Nam có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề Việt Nam. Nhà khảo cổ sẽ làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam và những hiện tượng xã hội trên giải đất Đông Dương này. Nhà nghệ sĩ sẽ tô điểm cuộc đời Việt Nam bằng những tác phẩm hàm xúc tính tình, chí khí người Việt Nam. Nhà giáo dục sẽ đào tạo những người công dân Việt Nam bằng những phương pháp thích hợp với tâm lý thanh niên Việt Nam và hoàn cảnh xã hội Việt Nam. Nhà học giả sẽ khơi những dòng tư tưởng căn cứ vào cái lịch trình tiến hóa của giống người Việt Nam kéo dài trên bốn ngàn năm và bắt nguồn từ những ước vọng thiêng liêng của dân chúng Việt Nam đau khổ.
Tất cả hệ thống ý thức ấy, tuy lấy dân tộc làm kim chỉ nam, tuy tẩy trừ hết vết tích nô lệ về hình thức cũng như về nội dung, nhưng không phải vì thế mà đi đến những chủ trương vị quốc hẹp hòi cố ý sùng bái bất cứ cái gì của nước mình, bài xích bất cứ cái gì của nước ngoài. Trong cái vốn cố hữu, ta hãy để cho mọi sự đào thải tự nhiên gạt bỏ vào viện bảo tàng những phần đã quá mùa và trở nên phản tiến bộ, chỉ còn chút giá trị lịch sử. Trong các ảnh hưởng ngoại lai, ta hãy để những nhu cầu tất yếu mới của thời đại đón lấy những phần thích hợp, phong phú đã dần dần đồng hóa.
Một mặt nữa, những người tin tưởng ở nền văn hóa đại đồng mai sau cũng không phải lo tính cách dân tộc sẽ là một trở lực cho sự giao hòa giữa mọi nền văn hóa qua các biên giới. Trái lại, nền văn hóa đại đồng sẽ chỉ thực hiện được mỹ mãn khi nào mỗi nền văn hóa riêng biệt đã phát triển đến tận lượng trên địa hạt dân tộc, không bỏ sót một kho tàng, báu vật nào.
Với ba tính chất khoa học, đại chúngdân tộc, nền văn hóa Việt Nam mới sẽ có đủ tư cách phụng sự độc lập, tự do và hạnh phúc mà các chiến sĩ cứu quốc đang xây đắp dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Đồng thời đời sống sung túc, nền tự chủ hoàn toàn và những quyền tự do được đảm bảo trong chế độ tân dân chủ lại chính là những điều kiện thiết yếu để tiến hành việc kiến thiết nền văn hóa mới kia một cách nhanh chóng, rộng rãi, và đến nơi đến chốn.
Vì vậy chúng tôi mới dám đề nghị một dự án đại cương dưới đây, mà chúng tôi tin là không trái với nguyện vọng quốc dân, và sẽ giúp được một phần vào việc nghiên cứu của những ủy ban chuyên môn sau này.

B. Phương sách cấp bách

Cũng như ở tất cả mọi phạm vi khác, việc kiến thiết trong phạm vi văn hóa phải bắt đầu bằng sự phá hoại: văn hóa mới muốn phát triển, cần đến một miếng đất quang quẻ, không mang một dấu vết cổ hủ, nô dịch nào. Vì vậy công việc đầu tiên là phải làm thủ tiêu cho kỳ hết những nọc độc của bọn phong kiến và bọn thực dân.
Một mặt chính phủ sẽ cương quyết đàn áp bọn văn hóa phản quốc, tịch thu và quốc hữu hóa những cơ quan văn hóa của đế quốc và của Việt gian.
Một mặt sẽ mở một cuộc tuyên truyền lớn lao, vạch rõ các tai hại của những chính sách văn hóa phong kiến thoái hóa và đế quốc dã man, cùng là cổ động cho chính sách văn hóa mới của chính phủ Việt Nam độc lập.
Một mặt nữa, trong phạm vi có thể, chính phủ sẽ bài trừ ngay những phong tục, tập quán nào trực tiếp cản trở những công cuộc cấp bách trong việc xây dựng quốc gia.
Những việc phá hoại cương quyết đó tất nhiên sẽ làm cho một số người không bằng lòng, nhất là những kẻ nô lệ của chế độ cũ. Họ sẽ lên tiếng chỉ trích: “Ấy đấy, bọn cách mạng, bọn phá hoại”. Nhưng việc làm sẽ cải chính lời dèm pha đó một cách rực rỡ, vì phần kiến thiết trên mặt trận cách mạng văn hóa sẽ quan trọng hơn phần phá hoại gấp bội, cũng như trên tất cả các mặt trận khác của cách mạng. Không! Cách mạng không phải chỉ là phá hoại. Cách mạng còn là kiến thiết, cách mạng cốt yếu ở kiến thiết, và kiến thiết những công trình vĩ đại không thể thấy được dưới những chế độ phản tiến bộ.
Kiến thiết văn hóa mới, cũng như kiến thiết chính trị hay kinh tế, là cả một mặt trận, chứ không phải chỉ là dăm ba cách khuyến khích học thuật, nâng đỡ văn chương hay nghệ thuật chút đỉnh như trong quan niệm của những người đã quen coi văn hóa là một thứ cây cảnh trồng trong chậu sứ, làm của riêng cho một vài kẻ tốt số thỉnh thoảng đến ngắm chơi. Không nói đến những việc kiến thiết kinh tế, chính trị, là những việc căn bản cung phụng cho văn hóa đủ điều kiện vật chất để phát triển, ta chỉ đứng trong phạm vi tinh thần cũng thấy rằng muốn cho văn hóa nảy nở tốt tươi, cần phải cải tạo hẳn tâm trí của mọi người trong xã hội. Làm cho nhân dân no ấm, tự do, ấy là sửa soạn miếng đất để trồng cây văn hóa; còn thay đổi những giá trị đạo đức, nâng cao ý thức toàn dân, ấy là đem ánh sáng, đem không khí đến cho cây văn hóa mọc và lớn lên.
Bởi vậy chương trình kiến thiết văn hóa mới không những phải định rõ việc xây đắp một học thuật Việt Nam, mà còn phải là một chương trình cải tạo luân lý, phong tục và giáo dục nhân dân nữa.

C. Giáo dục

Nước Việt Nam là một nước cộng hòa dân chủ nghĩa là một nước mà sự sống và sức mạnh hoàn toàn trông cậy vào ý thức và lòng kiên quyết của người dân. Vì đó, làm cho nhân dân có trình độ hiểu biết cao, có ý thức chính trị vững vàng là một điều kiện sống còn của quốc gia tân dân chủ. Nền giáo dục tương lai sẽ phải thực xứng đáng là một nền giáo dục chứ không thể là một phương pháp mê hoặc lòng dân, kìm hãm trí dân như trong những nước phát-xít. Điều đó đã đủ khiến cho việc xây đắp nền giáo dục của ta là một công việc nặng nề, lớn lao.
1. Giáo dục ngoài xã hội
Nạn thất học ghê gớm của dân ta lại khiến cho việc ấy nặng thêm và rắc rối thêm một bậc. Bên nền giáo dục chính thức, đầy đủ, áp dụng trong học đường cho lớp người trẻ tuổi còn nguyên sức tiến hóa, nước ta sẽ phải lo lập ngay cả một nền giáo dục tắt, nhanh chóng, cho lớp người lớn thất học, cả một nền giáo dục xã hội ở ngoài học đường cho tất cả đám người cần lao vô cùng đông đảo xưa nay vẫn phải sống một đời u tối hoàn toàn.
Khẩu hiệu đầu tiên của nền giáo dục xã hội, của nền giáo dục quần chúng ấy, là chống nạn thất học. Bọn thực dân dùng những chính sách gì để giam hãm dân ta trong vòng ngu dốt, chúng ta đã biết rõ, nạn mù chữ ở xứ ta đau đớn đến thế nào, chúng tôi cũng không phải nói dài. Cái đích thứ nhất mà chúng ta phải nhằm là làm cho không còn một người Việt Nam nào mù chữ. Bằng mọi phương sách, – tổ chức việc dạy quốc ngữ và học quốc ngữ, dùng pháp luật bắt buộc học đọc, học, viết trong một kỳ hạn vài ba năm, làm cho phong trào học chữ quốc ngữ lan rộng khắp nước và vào sâu khắp đại chúng – bằng tất cả những phương sách đó, chúng ta sẽ nhất định đạt đến đích. Chúng ta sẽ còn phải đi xa hơn thế nữa mà đặt nền móng cho cả một nền học bình dân, một nền học thức phổ thông, thích hợp với dân chúng. Nền học ấy sẽ được truyền bá trong những câu lạc bộ, nghĩa là những “viện văn hóa” nhỏ, mở tại thôn quê hoặc trong xưởng máy, để hiến cho người dân cày hay người dân thợ những giải trí bổ ích sau giờ làm việc, như đàn hát, ca kịch, thể thao, diễn thuyết. Để trau dồi cho họ những kiến thức phổ thông về địa dư, sử ký, công dân giáo dục để giúp họ hiểu biết xã hội, về khoa học, về nghề nghiệp, và để giúp cho họ phát triển tài năng, tăng thêm khéo léo, nền học bình dân đồng thời sẽ được đem dạy trong những lớp học buổi tối, và bồi bổ bằng những thư viện bình dân tổ chức cấp tốc và rộng rãi theo hai hình thức: phòng đọc sách và xe đi rong cho mượn sách.
Khẩu hiệu thứ hai của nền giáo dục xã hội, của nền giáo dục quần chúng tương lai là tuyên truyền, cổ động. Trong khi kiến thiết nền học bình dân, trong khi đợi cho nền học đó nở những hoa trái đầu tiên, muốn dìu dắt nhân dân, hướng dẫn dư luận, huy động lực lượng quần chúng vào việc kiến thiết quốc gia, không thể thiếu một hệ thống tuyên truyền cổ động lớn lao, luôn luôn trực tiếp với dân chúng, để giải thích chính sách của quốc gia về mọi phương diện, kinh tế, chính trị, văn hóa. Chính phủ sẽ dùng đến đủ mọi cách tuyên truyền: báo chí, truyền đơn, triển lãm, diễn thuyết, phòng chiếu bóng và xe chiếu bóng, rạp hát bình dân, vô tuyến điện, phòng thông tin… Tất cả những phương tiện tuyên truyền của đế quốc sẽ bị quốc hữu hóa ngay sau giờ giải phóng. Làm cho cuộc tuyên truyền âm vang khắp chợ cùng quê và len lỏi vào khắp các xí nghiệp, học đường và hoạt động xã hội, để gieo rắc tinh thần mới, ấy là nâng cao được ý thức dân chúng một cách mau chóng nhất là về phương diện chính trị.
Nâng cao trình độ hiểu biết, hướng dẫn ý thức quần chúng, nền giáo dục xã hội còn phải chú trọng đến một khẩu hiệu thứ ba là thể dục quốc dân. Chính phủ sẽ phải hết sức gây một phong trào “nòi giống khỏe mạnh” thực rộng rãi, và đến nơi đến chốn. Bắt buộc phải có chứng chỉ thể thao mới được chọn vào các nghề nghiệp và các phận sự – tuyên truyền hoạt động – lập sân vận động khắp nơi – mở trường đào tạo huấn luyện viên thể dục – tổ chức những buổi hội họp thể thao, những cuộc đua tranh sôi nổi, – đó là những phép nhiệm mầu để sau một thời hạn ngắn ta đã có thể thấy khắp nơi cái quang cảnh rộn rịp và khỏe mạnh: những sân vận động đông đúc lực sĩ thân hình cân đối và nở nang tập luyện sáng chiều.
Được huấn luyện thân thể, lại được nâng cao trình độ hiểu biết, người dân cần lao, người dân mà hiện nay đời sống thấp kém và u tối vô hạn, sẽ có đủ điều kiện, cả về phần hồn lẫn phần xác, để gánh vác những nhiệm vụ nặng nề và để nhận thấy nhiều ý nghĩa mới của cuộc đời.
Riêng người thanh niên Việt Nam tương lai, – người thanh niên mà bọn thực dân đã cố công cùng sức dìm vào vòng trụy lạc, giam hãm trong ngu tối hoặc xiềng xích vào cái học khoa cử và cái lý tưởng gia đình hẹp hòi, – người thanh niên mà sức phấn đấu đã phá tan tất cả mọi gông cùm để trỗi dậy hòa với sức chiến đấu chung của dân tộc, người thanh niên mà lòng hy sinh và dũng cảm đã vượt một cách rực rỡ lên trên hẳn những lời hoài nghi và khinh miệt, người thanh niên mang tất cả hy vọng của chúng ta ấy, trong một xã hội mới, tất nhiên phải được rèn luyện một cách thực xứng đáng. Cả một nền tổ chức thanh niên thật rộng rãi sẽ được dựng lên để đào tạo những người mới cho xã hội mới, và đồng thời huy động lực lượng thanh niên vào những công việc kiến thiết về tất cả mọi mặt.
Ngay hồi còn nhỏ, trong các ấu đoàn, các trẻ em sẽ được làm quen với cuộc sống rộng rãi, chung đụng đoàn thể. Lòng yêu nước, yêu tự do sẽ nhờ cuộc sống phóng khoáng này mà sớm nẩy nở cùng một lúc với những năng khiếu đặc biệt mà trường học không thể nào chú ý làm cho phát triển một cách xứng đáng. Lớn lên vào thiếu đoàn, người trẻ tuổi được tập sống cuộc đời của một chiến sĩ để luyện tinh thần kỷ luật, lòng hi sinh, chí kiên quyết, óc trách nhiệm và tất cả những đức tính khác của người chiến sĩ. Thiếu đoàn đồng thời sẽ là một trường huấn luyện chính trị và xã hội: người thanh niên không những sẽ thực sự sống một đời tự trị, dưới sự dìu dắt của đoàn trưởng, mà sẽ đồng thời được trau dồi một ý thức chính trị rõ ràng, và được tham dự vào những công việc xã hội. Ngoài ra, mỗi năm một lần, người thanh niên sẽ còn đem sức lực góp vào việc kiến thiết thực sự của quốc gia bằng cách sống một đời cần lao và bằng đẳng với hàng trăm thanh niên khắp các nơi, khắp các giới, ở những trại thanh niên. Cách huấn luyện có tính cách chính trị rõ rệt, cách tổ chức bán quân sự, và cách sinh hoạt cần lao trong những trại đó sẽ đủ hiệu quả để rèn đúc người thanh niên thành một chiến sĩ quả cảm trong mặt trận thanh niên duy nhất của dân tộc. Người thanh niên chiến sĩ ấy sau này sẽ xứng đáng là người “công dân chiến sĩ” của nước Việt Nam mới, cộng hòa và dân chủ, tranh đấu trên khắp các mặt trận để diệt hết những khuynh hướng phản động, đánh bại hết những mưu xâm lược, và để thiết tha xây dựng cho kỳ được một nước Việt Nam mạnh mẽ, tự do, sung sướng.
2. Giáo dục ở học đường
Địa vị vô cùng quan trọng của tất cả nền giáo dục xã hội trên đây không làm giảm thanh thế của nhà trường tương lai. Nền giáo dục xã hội với nền giáo dục học đường cùng nhằm một mục đích, nhưng để đi tới mục đích ấy mỗi bên được lợi thế về một phương diện. Vì vậy đôi bên đều cần lẫn đến nhau và phải bổ túc lẫn cho nhau. Cũng vì vậy việc xây dựng một nền học chính mới, sau khi phá sạch nền học nô lệ cũ, sẽ phải tiến hành gấp rút và rộng rãi, cùng một nhịp với việc kiến thiết nền giáo dục xã hội.
Nguyên tắc đầu tiên sẽ hướng dẫn việc kiến thiết học chính tương lai là một khẩu hiệu nhuộm thẫm tinh thần dân chủ mới: nền học mai sau phải xứng đáng là nền học một nước cộng hòa, dân chủ và cách mạng. Nó sẽ không miệt thị nhân cách như những nền học ngu dân của các nước phát-xít, nó sẽ không hạ con người xuống làm bộ máy thụ động, một đồ dùng chính trị, cúi đầu chịu nô lệ cho một thiểu số quân phiệt hay tài phiệt tham tàn, giả dối. Không, không, trong nước Nam mai sau, giá trị con người phải được tôn trọng, cá tính người dân phải được phát triển tự do, tài năng mọi phần tử của quốc gia phải được nảy nở đến tột bực. Người “công dân chiến sĩ” phải là một người, một phần tử có ý thức, đủ năng lực tham dự tích cực vào đời sống quốc gia, biết nhận rõ quyền lợi và bổn phận của mình cùng là quyền lợi chung và đường tiến hóa chung.
Mục đích giáo dục mới mẻ cần đến một phương pháp giáo dục mới mẻ. Cái lối dạy học nhồi sọ, cái phương pháp giáo khoa viển vông xa thực tế, nó khiến cho học sinh chỉ là những con vẹt để rồi một ngày kia vui lòng làm trâu ngựa, ta sẽ quét hết khỏi tất cả các bậc học để thay vào đó một phương pháp dạy học hợp lý, hiệu nghiệm. Phương pháp mới sẽ hoạt động: trong lớp học, vai chính nói nhiều, hoạt động nhiều, sẽ không còn là thầy giáo mà phải là học sinh, bài học sẽ không còn là một bài giảng đạo, mà phải là một cuộc tìm tòi, nghiên cứu thú vị có tất cả lớp tham dự, dưới sự chỉ đạo của ông thầy. Phương pháp mới sẽ thiết thực: đầu đề các bài học là những vấn đề thực tế, và mục đích những bài  học cũng là thực hành. Người học trò nhờ vậy sẽ được dần dần đưa đi khám phá cuộc đời thực ở chung quanh mỗi ngày một sâu hơn, rộng hơn, chứ không còn bị u mê trong những lý thuyết giữa trời lơ lửng.
Sang đến phạm vi tổ chức các bậc học, và xếp đặt các chương trình học, nguyên tắc dân chủ mới dẫn đến hai kết quả lớn: một là làm cho học vấn hết sức phổ thông bằng cách bỏ học phí, bắt đi học và cố gắng rút thật ngắn những bậc học; hai là làm cho học vấn hết sức bình đẳng bằng cách áp dụng ở khắp nơi một chương trình học duy nhất cho tất cả các hạng người, và hết sức hoãn chậm thời kỳ phải chia ngành chuyên môn, trong phạm vi có thể, để cho tất cả mọi phần tử của quốc gia, dù ở nghề nghiệp nào, cũng có một học lực căn bản kha khá.
Nền học phổ thông và bình đẳng mai sau ấy sẽ chia làm ba bậc cũng như ở hầu khắp các nước.
Bậc tiểu học bắt buộc và không mất tiền, sẽ chiếm địa vị quan trọng hơn cả. Muốn cho toàn thể các gia đình xứ ta có thể để cho con em, cả trai lẫn gái, học trọn bậc thứ nhất này, chính phủ cần rút ngắn thời hạn học và hết sức giúp đỡ cho học trò nghèo những vật liệu cần dùng như sách, vở, giấy, bút, hoặc cho không, hoặc bán thật rẻ.
Nền tiểu học sẽ giữ công đầu trong công cuộc khai thác dân trí. Nó nhằm mục đích mang lại cho đứa trẻ những kiến thức thông thường cần thiết để sống trong cuộc đời hằng ngày, – sống làm một người, sống làm một phần tử sản xuất, và sống làm một công dân. Vì vậy, trong một thời hạn không được dài quá bốn năm, người học trò phải đi đến chỗ biết đọc, viết thông thạo tiếng mẹ đẻ, có ít nhiều kiến thức sơ đẳng về khoa học, kỹ thuật, và biết những điều thiết yếu về đời sống xã hội trong phạm vi quốc gia như lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, bổn phận công dân, chính thể dân chủ mới, v.v… Chương trình mới mẻ đó, đối với người học trò sẽ không có gì là nặng nề, vì dạy toàn bằng tiếng Việt Nam và theo một phương pháp hoạt động và thực tế thì dễ thâu thái lắm.
Trước khi vào năm thứ nhất bậc tiểu học, đứa trẻ có thể qua những lớp đồng ấu, tổ chức theo hình thức ấu trĩ viên, để chơi đùa, tập tành, trong một hoàn cảnh tốt lành.
Lớp đồng ấu và trường tiểu học, sẽ vừa do chính phủ vừa do các công xã mở cấp tốc khắp nơi, để trong một thời hạn ngắn, có thể tiến đến cái đích: “mỗi làng một trường tiểu học”. Thày dạy trong buổi đầu sẽ là những giáo viên cũ, hoặc những người có học lực tương đương với bực trung học cũ, do chính phủ kén chọn và huấn luyện cấp tốc trong vài tháng cho hiểu rõ mục đích nền học mới và phương pháp giáo khoa mới. Sách học cũng sẽ thay đổi hẳn: việc soạn những cuốn sách giáo khoa thấm nhuần tinh thần tự do, cấp tiến, tự cường, và trình bày một cách thú vị, khoa học, sẽ trao cho những ủy ban gồm những nhà giáo có kinh nghiệm và những nhân vật có năng lực trong giới tư tưởng, văn nghệ, cộng tác chặt chẽ với những ủy viên chính trị.
Bậc trung học chia làm hai cấp: cấp thứ nhất, lâu chừng ba năm, chú trọng rèn luyện não phê bình và mở mang thêm những kiến thức mà người học sinh đã lượm được ở bậc tiểu học, đồng thời lại rèn đúc cho người thanh niên một quan niệm chính trị rõ ràng. Cấp thứ hai, lâu chừng hai năm, bắt đầu chia thành chuyên khoa, để sửa soạn cho những học sinh xuất sắc tiến lên bậc đại học hay lên chuyên môn cao đẳng. Chương trình học gồm một phần giáo dục quốc gia, một phần giáo dục chính trị và một phần giáo dục khoa học và chuyên môn, trong đó môn sinh ngữ sẽ chiếm một phần đáng kể.
Trong bậc trung học, chính phủ phải đảm nhận phần lớn nhất công việc mở trường. Sự cộng tác của tư gia và của địa phương sẽ giúp cho chóng đi đến trình độ “mỗi tỉnh một trường trung học”. Giáo sư trong buổi đầu cũng sẽ là những giáo sư cũ và những người có học lực tương đương với bậc đại học cũ, do chính phủ kén chọn và huấn luyện cho có đủ năng lực dạy học bằng tiếng Việt Nam, và đủ ý thức chính trị dìu dắt những người thanh niên đã biết phê bình, và sớm hăng hái muốn góp phần vào việc kiến thiết quốc gia. Còn sách giáo khoa sẽ do những ủy ban chuyên môn biên soạn, gồm những nhà chuyên môn và những ủy viên chính trị. Trong khi chờ đợi, để giúp đỡ cả thầy giáo lẫn học trò, sẽ có thể cho xuất bản ngay một tờ học báo.
Đi sóng đôi với nền tiểu học và trung học tổ chức như trên đây lại còn có một nền học thực hành tổ chức chu đáo để chọn lấy những học sinh tốt nghiệp ở các trường ra, đào tạo thành những người cần lao, những phần tử sản xuất đắc lực. Học sinh tốt nghiệp tiểu học, nếu muốn phá ngang vào đời, sẽ vào các trường dạy nghề nhằm mục đích đào tạo những người thợ giỏi trong tất cả mọi ngành sản xuất. Học sinh tốt nghiệp cấp thứ nhất bực trung học, nếu cần vào đời, sẽ có những trường chuyên nghiệp đón lấy để rèn luyện thành những thợ chuyên môn, những nhân viên chỉ huy trung bình trong các xưởng thợ, và các sở công, tư.
Xem tổ chức học chính như trên, cái lý tưởng của người học trò tương lai sẽ thực lành mạnh. Mộng mũ cao áo dài sẽ bị đạp xuống tận bùn đen, khoa cử sẽ không còn là trung tâm học vấn. Người thanh niên tương lai đến trường không phải để giật một mảnh bằng mà là để được huấn luyện nên một người có năng lực hiểu rõ bổn phận và quyền lợi của mình rồi chọn lấy một phần việc hợp với mình trong xã hội Việt Nam.
Cái lối học khoa cử bị lật đổ hẳn như vậy nên bậc đại học tương lai sẽ hiến ta một quang cảnh khác hẳn những ngày trước đây. Với nền đại học, chúng ta đã bước đến giới hạn của vấn đề giáo dục, vì hệ thống đại học không những là nơi đào tạo những người chỉ huy trong các ngành sinh hoạt của quốc gia, mà còn là một lò rèn để đúc lấy nền học thuật Việt Nam tương lai, để làm cho nền học thuật ấy có thể sánh vai với những nền học thuật ngoại quốc.
Trong nền đại học mới mẻ mai sau, học vấn sẽ không còn tính chất “vườn cảnh” như dưới chế độ thực dân trước. Những ban đại học và trường chuyên môn cao đẳng về đủ các môn khoa học, pháp lý, văn học, chính trị, xã hội, kỹ thuật, quân bị sẽ mở ra thực đầy đủ, để cung phụng nhân viên chuyên môn cho tất cả mọi ngành sinh hoạt.
Trong thời kỳ đầu tiên của việc kiến thiết nền đại học, vì thiếu giáo sư, nên ngoài những nhân tài nước ta đã có, chính phủ sẽ phải mượn nhiều giáo sư ngoại quốc. Những bài học vì vậy sẽ hoặc giảng bằng tiếng Việt Nam, hoặc giảng bằng tiếng ngoại quốc, nhất là bằng tiếng Pháp, tiếng Anh là hai thứ sinh ngữ đã khá phổ thông trong giới học sinh ta. Nhưng việc đào tạo nhân tài và bồi bổ quốc ngữ sẽ phải tiến hành rất gấp, để ta có thể tiến tới một nền đại học do toàn người Việt dạy toàn bằng tiếng Việt.
Những nhân viên chuyên môn xuất sắc nhất trong nước, những nhà bác học về các ngành học thuật, lại còn được chính phủ giúp đỡ cho đủ điều kiện theo đuổi việc khảo cứu bằng cách lập ra những viện khảo cứu cho từng ngành và đặt những giải thưởng phát minh.
Một phương tiện đào tạo nhân tài đáng chú ý đặc biệt nữa là gửi học sinh ra nước ngoài. Chính phủ sẽ phải hết sức khuyến khích và nâng đỡ việc du học bằng cách cấp học bổng, lập những hội bảo trợ du học sinh, v.v… Một phong trào xuất dương bồng bột phải nhóm lên trong giới thanh niên để những nhân tài tương lai của nước ta sốt sắng đi học cho kỳ được những cái hay của tất cả các cường quốc, đem về gom góp vào việc kiến thiết nước nhà.

D. Luân lý, phong tục

Đi đôi với những cố gắng về giáo dục ở học đường và ngoài xã hội mà mục đích là tạo nên lớp người Việt Nam mới, phải có những cố gắng về luân lý, phong tục mà mục đích là tạo nên những giá trị tinh thần Việt Nam mới để làm mực thước cho mọi sự hành động trong cuộc sống mới.
Cuộc sống mới trước hết, không còn nghi ngờ gì mà sẽ phải thoát khỏi những vết thương xã hội của đời sống cũ cho kỳ được, nên mở đầu cho việc kiến thiết, chúng ta sẽ phải lo bài trừ triệt để những nạn mãi dâm, thuốc phiện, cờ bạc, rượu chè. Bằng pháp luật nghiêm ngặt, bằng tuyên truyền rộng rãi, bằng những công cuộc xã hội lớn lao, chúng ta sẽ nhất định lọc cho trong trẻo cái làn không khí đã bị bọn thực dân làm cho sặc mùi thuốc độc, chúng ta sẽ phải quét cho sạch sẽ miếng vườn bị bọn đế quốc đổ rác ô uế.
Để đào thải những phong tục hủ lậu hoặc đồi bại, chúng ta sẽ dùng đủ mọi phương tiện công, tư, gây một “phong trào đời sống mới” bồng bột khắp mọi nơi và mọi tầng lớp dân chúng. Cách sống của người dân trong gia đình, ngoài xã hội sẽ cải tổ hẳn lại về mọi phương diện. Nhà ở mới, cách ăn mặc mới sẽ sửa đổi cho giản dị và hợp vệ sinh mà không mất vẻ đẹp riêng của dân tộc; ngôn ngữ mới, cử chỉ mới sẽ biểu lộ một tinh thần tự cường và trọng bình đẳng, tự do, mà không kém vẻ thanh nhã; xã giao mới sẽ giản dị hơn, thành thực hơn; lễ nghi mới, trong nhà hay ngoài xã hội, cũng sẽ trang nghiêm hơn, sơ sài hơn, mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn và hợp với điều kiện sinh hoạt mới hơn.
Đồng thời, cái lý tưởng sống, trong nước Nam mới, cũng không thể là những quan niệm hẹp hòi, hèn yếu, trụy lạc, vị kỷ nó đã làm hại dân tộc ta bao lâu nay. Muốn tiến, dân tộc ta phải gắng sức đi tới một nền luân lý mới, rộng rãi, hợp với đời đoàn thể mới, – một nền luân lý lấy một lý tưởng quốc gia chân chính, rộng rãi thay vào cái lý tưởng gia đình hẹp hòi, hoặc cá nhân vị kỷ cũ, lấy tinh thần tự do, bình đẳng thay vào tôn ti phong kiến cũ. Làm việc cho nước Nam mới, trong nền luân lý ấy, sẽ phải trở nên mối thắc mắc thường trực của tất cả mọi người, – và phụng sự cho nước Nam dân chủ cộng hòa, phải là cả một thứ tôn giáo hấp dẫn mạnh mẽ tất cả mọi công dân, cũng như nó đã hấp dẫn tất cả các đồng bào cùng tất cả các đồng chí đã chiến đấu với kẻ thù trên khắp các mặt trận.
Nói đến một nền luân lý mới, chúng ta không thể quên vấn đề phụ nữ, nó sẽ chỉ định một phần lớn cái đà tiến hóa tương lai của dân ta. Chúng ta làm sao có tự do, bình đẳng thực, nếu chưa giải phóng cho bạn gái – tức là một nửa dân tộc – khỏi những sự đè nén, do những quan niệm khắc nghiệt, thiên lệch còn sót lại của một thời đã chết. Chúng ta làm sao có thể tiến mau chóng đến ánh sáng, nếu cả một nửa dân tộc còn lãnh đạm với những công việc kiến thiết? Đời sống đoàn thể mai sau sẽ nhất định lôi cuốn phụ nữ ra khỏi gia đình, bắt gánh vác những trách nhiệm xã hội ngang với đàn ông, thì nền luân lý mai sau còn ngại gì mà không trừ bỏ hẳn cái tinh thần bất bình đẳng giữa nam, nữ trong gia đình và ngoài xã hội, còn ngại gì mà không bài xích những chế độ làm giảm giá trị người đàn bà, như những phong tục đa thê, cưới xin mua bán? Sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ trong luân lý, phong tục phải hoàn thành cho sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ về phương diện chính trị.

Đ. Văn học, nghệ thuật

Trong cái đời sống tinh thần hoạt động sôi nổi, và rộng rãi, tự do, mà dân tộc ta sẽ tự kiến thiết, nền văn học, nghệ thuật mới, nhất định sẽ gặp những điều kiện thuận tiện, và nhất định sẽ lớn lên vùn vụt, theo kịp nền văn học, nghệ thuật của bất cứ nước nào. Sách, báo, tác phẩm mỹ thuật, trong nước Nam mới ấy sẽ không còn là đầu đề riêng cho một thiểu số trí thức bàn cãi, mà trái lại, sẽ được toàn thể dân tộc chú ý và sẽ thấm nhuần vào ý thức quần chúng, nghĩa là sẽ hợp với nhu cầu đại chúng, sẽ giải cho đại chúng được những mối băn khoăn. Cái khối người thưởng thức đông đảo và có ý thức cũng sẽ lại là lực lượng mạnh mẽ nhất để đập tan hết cả những xu trào thoái hóa, phản động, phong kiến.
Về mặt văn học và nghệ thuật, sự giúp rập của quốc gia có nhiều cách.
Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.
Trợ cấp cho những nhà văn và nghệ sĩ có tài, về tất cả mọi ngành như hội họa, điêu khắc, ca kịch, gây những nghệ thuật chưa có ở ta, nhất là nghệ thuật chiếu bóng, làm cho đời sống những người phụng sự văn hóa được một đôi chút thoải mái, nâng cao địa vị của họ trong xã hội, khuyến khich những hội văn hóa mới ấy là gây đủ điều kiện cho nước ta có những tác phẩm sản xuất lâu dài, kỹ lưỡng, dư giá trị. Bênh vực quyền lợi, chẳng lấy gì làm nhiều nhặn, của những nhà văn nghệ, của những “kỹ sư linh hồn” bị bạc đãi, cũng là một việc mà nhà lập pháp cần nghĩ đến.
Muốn cho đàn văn nghệ hoạt động một cách chưa từng thấy, muốn khuyến khích sự sản xuất những tác phẩm công phu và giá trị, chính phủ còn có thể đặt những giải thưởng toàn quốc về văn chương, mỹ thuật, tổ chức những cuộc trưng bầy lớn lao, lập những viện bảo tàng để bảo tồn tinh hoa nghệ thuật, và lập nhà in và nhà xuất bản quốc gia theo lối làm việc tập đoàn.
Để gây cho văn học một thanh thế đặc biệt, ta sẽ còn thấy mở những viện văn học, đỉnh cao nhất của nền văn học tương lai. Những viện đó có thể chia làm nhiều ban, gồm những “ngôi sao” về mỗi ngành văn học, nghiên cứu về tiếng nói, lịch sử, triết lý, văn chương v.v… Các ban chuyên môn trong những viện văn học sẽ có thể giúp một phần rất lớn vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách có quan hệ đến văn hóa của ta, như cải cách chữ viết, thống nhất tiếng nói, đặc chuyên ngữ khoa học, hay ấn định chính tả và văn phạm. Tổ chức khéo léo, viện văn học sẽ có thể là một lò đúc lớn lao của nền văn học mới.
Sau hết, muốn thổi vào nền văn hóa của ta những luồng gió mới lạ từ phương xa tới và đồng thời mở rộng ảnh hưởng văn hóa của ta ra ngoài cả biên giới dân tộc, quốc gia sẽ lập nên những cơ quan trao đổi văn hóa với ngoại quốc, gửi những phái bộ văn hóa của ta ra nước ngoài, đón tiếp đại biểu văn hóa các nước, hết sức tìm thâu thái những cái hay của người, gây một phong trào thành thực tìm hiểu nhau giữa các dân tộc, để góp một phần vào công cuộc kiến thiết nền văn hóa chung của cả thế giới.
***
Chúng ta cùng nhau nhìn hướng về cái quang cảnh đời sống văn hóa trong nước Nam ngày mai. Cả một dân tộc, sau khi đã đứng thẳng lên, đạp sang bên những đoạn xiềng xích lả tả mà tiến lên. Khắp các làng, các tỉnh, khắp các lũy tre, các xưởng máy, bùng lên một phong trào đi học, tìm học sôi nổi và lôi cuốn. Kẻ đi trước dắt người đi sau, kẻ sáng dìu người tối, lớp học chữ quốc ngữ mở khắp nơi, câu lạc bộ, thư viện bình dân mọc lên như nấm; sân vận động, phòng thông tin, nhà chiếu bóng, rạp hát bình dân cuồn cuộn hấp dẫn người; đoàn, trại thanh niên tới tấp hoạt động; trường học mở rộng cửa đón chào nhộn nhịp; tầu đi xa chở đầy du học sinh… cái sức sống của dân tộc được cởi mở, vùng dậy và tìm hết cách để tự giải phóng, tự giác ngộ cho thực hoàn toàn. Những ánh sáng mới, những luồng gió mới, nhờ đó ào đến, quét sạch mây mù, thay đổi hẳn bầu trời, biến cái quang cảnh sinh hoạt tối tăm, trì trệ, vắng vẻ hôm qua thành một đời sống sáng láng, hoạt động, sầm uất, rộng rãi. Một tin tưởng mới, đầm ấm, mạnh mẽ, hòa hợp mọi tâm hồn, thiết tha tìm xây dựng tự do, hạnh phúc chung và giằng đứt tất cả những giây ràng buộc khắc nghiệt, thiên lệch, của thành kiến cũ, để sáng tạo những thói quen mới, giản dị, bình đẳng và mạnh dạn. Rồi trong cái đời sống tinh thần sôi nổi và rộng rãi ấy, văn chương, nghệ thuật, khoa học, tư tưởng, vụt lớn lên, nẩy nở đẹp đẽ. Những công trình văn hóa tràn ngập khắp chợ, khắp quê, lớp đại chúng khao khát đón từng cuốn sách, từng số báo, từng điệu hát, từng bài thơ, từng bản kịch, từng phim ảnh, cả từng phát minh nhỏ về khoa học hay kỹ thuật, đem ra áp dụng, phê bình sôi nổi, trong các câu lạc bộ, các thư viện, các trường học, các xưởng máy, các cánh đồng.
Cái quang cảnh tràn đầy sức sống ấy, chúng ta sẽ phải trông thấy trong nước Việt Nam độc lập dân chủ cộng hòa.
Cái hình ảnh rực rỡ ấy khiến chúng ta thêm vững lòng và vui sướng đem hết não tủy, xương máu ném vào cuộc chiến đấu cuối cùng diệt hết quân thù.
Tháng 6 năm 1945
Nguồn: Sách in: Một nền văn hóa mới của Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Hội Văn hóa Cứu quốc (trong Mặt trận Việt Minh) xuất bản, Hà Nội, 1945; 50 trang 18,5 x 25 cm