Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Giáo dục hiện đại: không phải xuất ngoại tầm sư - không phải đắt tiền đầu tư

14/08/2012 - 06:51

 http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/giao-duc-hien-dai-khong-phai-xuat-ngoai-tam-su-khong-phai-dat-tien-dau-tu

Trong buổi thuyết trình về Cơ chế việc học văn và ngôn ngữ tại trường phổ thông, nhà giáo – diễn giả Phạm Toàn đã chia sẻ bộ sách dạy Văn và tiếng Việt được thực hiện bởi nhóm Cánh Buồm. Trong đó, diễn giả đã chia sẻ về một quan điểm rất giản dị của nền giáo dục hiện đại, lấy trẻ em làm trung tâm – điều mà Việt Nam đến nay vẫn còn chưa chạm đến.
Làm sao để mỗi ngày đi học đều là một ngày vui?Ảnh:hiendai.edu.vn
Tự học và tự giáo dục
 
Nếu coi cải cách giáo dục là một công cuộc thay đổi cả cấu trúc, hệ thống, đòi hỏi một cuộc cách mạng tổng lực thì có thể nói, công việc của nhóm Cánh Buồm chỉ là một phần việc nhỏ bé, nhưng có tính cốt lõi khi tập trung vào hai nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất và lượng của nền giáo dục Việt Nam. Đó là thay đổi phương pháp giảng dạy và phương pháp học, để có thể đưa trẻ em vào trung tâm của hoạt động giáo dục.
 
Nhà giáo Phạm Toàn trong một buổi ra mắt bộ sách của nhóm Cánh Buồm. Ảnh:hiendai.edu.vn
 
Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ trong buổi thuyết trình tại L’espace ngày 9/8 vừa qua. Trong đó ông nhấn mạnh, nền giáo dục Việt Nam hiện nay là chỉ có tính khuyên bảo, cưỡng chế kiến thức đối với trẻ nhỏ và hệ quả tất yếu là tự đánh mất quyền tự do tư tưởng và sáng tạo của con em mình.
 
Buổi học Thư giãn (Môn Lối sống) của học sinh lớp Một tại Trường Nguyễn Văn Huyên do cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hải (thành viên nhóm Cánh Buồm) tổ chức. Ảnh:hiendai.edu.vn
 
“Giáo dục hiện đại không phải là cho con em đào tẩu ra học ở nước ngoài càng sớm càng tốt, cũng không phải là sắm thiết bị dạy học đắt tiền cầu kỳ. Nền giáo dục hiện đại có cơ sở là năng lực tự học và tự giáo dục của chính người học.”
Phép đo đơn giản nhất cho tính hiệu quả trong cải cách phương pháp dạy và học đó là, người dạy không cần soạn giáo án và học sinh không phải học thuộc bài. "Hiện đại" trong giáo dục  không nằm trong những "kỹ thuật" tốn tiền, màu mè, mà nằm trong khả năng nền giáo dục đó tổ chức được việc tự học và tự giáo dục cho con em. Và để việc tự học và tự giáo dục thành công, sẽ phải thay đổi toàn bộ khái niệm của công cuộc giáo dục đó. Mục đích giáo dục sẽ phải hướng tới việc đào tạo con em thành những con người tự chủ (tinh thần tự do), trách nhiệm (đủ năng lực và có tinh thần trách nhiệm), và mặc dù tư duy duy lý, song đó vẫn phải là những con người có tâm hồn phong phú.
 
Tri tưởng tượng và vòng tròn “đồng cảm”
 
Đối với những đứa trẻ sơ sinh cho đến tận 5-6 tuổi, trình độ nhận thức của các em được ví như “người tiền sử” chỉ biết quan sát, phân loại, sắp xếp, học lỏm nhờ bắt chước nhau cách phân tích các đồ vật. Song, khác với con người tiền sử cần hàng nghìn năm để tiến hóa trong nhận thức thì trẻ em chỉ cần từ 5 đến 6 năm là đủ sức cắp sách đi học. Ta có thể thấy, phương pháp giáo dục của nhóm Cánh Buồm trong môn tiếng Việt cấp tiểu học chính là một mô hình rút gọn thời gian tiến hóa của người tiền sử bao gồm các bước từ ngữ âm (học phát âm, phân tích âm, ghi lại âm), từ vựng (tham gia các trò chơi tín hiệu) và sau đó là học xây dựng các câu cú pháp và nâng lên văn bản (cấu trúc chủ-vị, đề-thuyết, tam đoạn luận...)
 
Những hình minh họa trong SGK phải hướng đến mục đích kích thích trí tưởng tượng thay vì đóng khung vào một hiện tượng cụ thể, có tính minh họa và áp đặt tư duy.
 
Nhưng thú vị nhất là môn Văn của nhóm Cánh Buồm. Cách dạy Văn lối cũ thường mắc sai lầm cơ bản là lẫn lộn giữa đối tượng Ngữ và Văn, cùng với cách dạy áp đặt cảm xúc của giáo viên lên học sinh dẫn đến người học nhại lại cảm xúc của người dạy. Để sửa chữa sự lẫn lộn này, nhóm đã phân tách rành mạch giữa Ngữ (tiếng Việt) và Văn học thành một môn học truyền tải văn chương - nghệ thuật. Trong đó, cấu trúc môn Văn được xây dựng trên 3 vòng tròn đồng tâm lấy sự “Đồng cảm” làm cốt lõi và nâng dần năng lực đó lên theo từng vòng tròn rộng hơn.
 
Một hình ảnh minh họa trong một trang sách học Văn lớp một nhằm tạo đồng cảm với trẻ em đi cầu khỉ để đến trường. Ảnh:hiendai.edu.vn
 
Đồng thuận không phải là trong mọi hoàn cảnh con người bao giờ cũng chỉ biết “hoàn toàn nhất trí”, bảo gì cũng gật. Đồng thuận là cùng sống, cùng phát hiện xung đột, cùng xử lý xung đột, cùng tìm những quy ước sống hài hòa. Theo nguyên lý đó, một ông Tổng thư ký Liên hợp quốc và một em học sinh lớp Một ở các quốc gia sẽ có cùng chung nguyên tắc sống trong nền văn minh đương thời.
Ví dụ như trong chương trình tiểu học, học sinh được xem những hình ảnh về con người, hoạt động xã hội trong các hoàn cảnh khác nhau (người giàu, người nghèo, người trong thiên tai) và sau đó được khuyến khích tưởng tượng, hòa mình vào trong hoàn cảnh. Bằng cách dẫn dắt trí tưởng tượng, giáo viên chỉ là người khuyến khích năng lực sáng tạo của học sinh.
 
Các trò chơi trải nghiệm hoàn cảnh giúp các em mở rộng tâm hồn và đồng cảm được với cuộc sống. Đây chính là cốt lõi của nghệ thuật bởi nếu những người nghệ sĩ tương lai không đồng cảm được với cuộc sống thì những sản phẩm nghệ thuật chỉ là một cái vỏ vô hồn và dối trá.
 
Những cuốn SGK bìa trắng và sự đồng thuận
 
 “Có thể những trang bìa cuốn sách giáo khoa mới của nhóm Cánh Buồm sẽ ngày càng ít chữ” – nhà giáo Phạm Toàn nói. Một cuốn sách không chỉ là những con chữ truyền tải kiến thức cụ thể, những hình ảnh minh họa cụ thể, bởi nếu như vậy nó đồng nghĩa với việc nô lệ hóa con em chúng ta vào một bộ khung khô cứng. Những cuốn sách hiện đại không chỉ truyền đạt kiến thức mà là kích thích sự ham hiểu kiến thức. Mỗi đứa trẻ nên có một cuốn SGK cho riêng mình. Bởi vậy, một cuốn sách bìa trắng là ví dụ cho quyền được tiếp thu tri thức theo cách riêng mà nền giáo dục trao cho chúng. Hãy để chúng được vẽ những gì chúng thích, được dán những bức ảnh chúng thích và đó chính là cuốn sách của chúng, cuốn sách chúng yêu quí. Vậy nên những đứa trẻ chỉ cần một nhà sư phạm hiện đại – người thực hiện một công việc không gọi là “dạy học” mà là người “tổ chức việc học”, người tìm sự đồng thuận giữa thày và trò.
 
Môn giáo dục lối sống đặt học sinh vào mối liên kết cộng đồng xuyên suốt nó  là việc tạo lòng đồng thuận và tạo năng lực sống đồng thuận
 
 “Điều gì tạo nên giá trị chung giữa một đứa trẻ và một ông Tổng thư ký Liên hợp quốc” – ông Phạm Toàn hóm hỉnh hỏi cả hội trường. “Tôi nghĩ đó chính là tìm kiếm sự đồng thuận.” Một đứa trẻ từ khi sinh ra, lớn lên luôn tìm kiếm sự đồng thuận với thế giới, và đó không phải là việc của một ông tổng thư ký đang làm sao?
 
Nếu mối quan hệ giữa thày và trò như công việc giữa một nhà giám sát và những kiến trúc sư, tự thiết kế, thi công kiến thức thì kỹ năng mà học sinh cần có chính là tìm sự đồng thuận để cả nhóm cùng hoàn thành nhiệm vụ.
 
Kích thích trí tưởng tượng, phát triển vòng tròn đồng cảm làm nền tảng cho sự đồng thuận giữa con người với nhau chính là các bước tạo nên những công dân hiện đại từ một nền tảng giáo dục hiện đại. Những công dân này không chỉ có kiến thức duy lý mà còn có một tâm hồn đằm thắm, cởi mở. Đó chính là mục tiêu  mà nhóm Cánh Buồm đang “gom gió” từ những phụ huynh, các nhà giáo, những nhà chính sách.. tạo nên một làn gió mới cho ngành giáo dục. Đây là một mục tiêu lãng mạnh quá chăng? Diễn giả Phạm Toàn chia sẻ, quả thực Cánh Buồm là một hình ảnh liên tưởng đến từ nhà thơ Nga Lermontov: Cánh Buồm trong bão tố/Sóng gió chốn bình yên. Chính thời đại này, chúng ta đang thiếu một sự lãng mạn tích cực cùng với năng lực thực thi để biến những thời đại trước đó không phải là mơ mộng hão!
Suy cho cùng, môn Giáo dục Lối sống ở nhà trường cũng còn liên quan tới việc tổ chức lại lối sống của toàn xã hội nữa: nếu người lớn tôn trọng trẻ em, nếu giáo viên tôn trọng trẻ em, nếu cha mẹ tôn trọng con em, trẻ em sẽ là cứu tinh của dân tộc. Người lớn cần thay đổi thái độ và lối sống để đồng hành cùng con em, xây dựng đất nước hiện đại hóa – Phạm Toàn
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét