Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

Nga ngố 3


TINH HOA NGA VÀ TINH HOA PHƯƠNG TÂY
Tôi xin phép tiếp tục câu chuyện về tầng lớp tinh hoa, mà đã bắt đầu đề cập đến trong bài “Quan chế nhà Nguyễn và bộ máy kỹ trị” đăng ngày 09/07/2019 trong FB này.
Chữ elite tiếng Anh tôi xin phép tạm dịch ra tiếng Việt là tinh hoa. Tôi xin nhấn mạnh là tạm dịch, vì đó là thuật ngữ được các nhà xã hội học Việt Nam quen dùng (mặc dù nguyên nghĩa tinh hoa trong tiếng Việt là tinh túy, tinh chất khác nhiều so với khái niệm elite tiếng Anh). Elite hay là tầng lớp tinh hoa là một khái niệm xã hội học mới xuất hiện trong thế kỷ 20.
Thông thường, khái niệm "tinh hoa" được dùng để chỉ những người đóng vai trò dẫn dắt trong một lĩnh vực xã hội nào đó, từ nghệ thuật, văn hóa, thể thao đến kinh doanh và chính trị. Nếu như trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, tinh hoa mang hàm nghĩa về uy tín, danh vọng, hoặc trong kinh doanh hàm ý sự giàu có, thì trong chính trị tinh hoa lại chỉ đến người lãnh đạo, người đứng đầu của một cấu trúc xã hội (Giddens 1972).
Theo định nghĩa của các nhà lý thuyết chính trị và xã hội học Phương Tây, tầng lớp (giới) tinh hoa, bao gồm những người nắm giữ quyền lực trí tuệ, chính trị, kinh tế, thông tin truyền thông và những kỹ năng đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, thể thao ...
Nhóm tinh hoa này thường chiếm tỷ lệ từ khoảng 3-5% dân số, nhưng đóng vai trò dẫn dắt và quyết định sự phát triển của một xã hội, một quốc gia, không phụ thuộc vào việc họ có thực sự ưu trội có chất lượng không, hay “méo mó”, vì thực tế họ vẫn đóng vai trò này. Vì vậy, chất lượng và khả năng phát triển của một xã hội phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng tầng lớp tinh hoa của mình.
Dưới đây tôi xin phép trình bầy về tầng lớp tinh hoa phương Tây, Liên Xô và nước Nga hiện nay theo cách hiểu như vậy, chứ không phải theo quan niệm của một số người Việt Nam là tinh hoa nhất thiết phải đồng nghĩa với ưu tú, tinh túy tuyệt đối, mà trong những thời điểm lịch sử nhất định của một dân tộc có thể hoàn toàn “vắng bóng”.
TẦNG LỚP TINH HOA PHƯƠNG TÂY
Trong các xã hội phát triển Phương Tây (Tây Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản ...) giới tinh hoa có đặc điểm chung là không đồng nhất và có cấu trúc phân tầng và tách biệt thành những nhóm xã hội với những giá trị của riêng mình. Có nhiều cách khác nhau để di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, để đạt được sự công nhận và uy tín trong xã hội.
Chẳng hạn, một sự nghiệp học thuật khoa bảng thành đạt, có thể làm cho một người trở thành được tôn trọng và có danh tiếng trong môi trường tương ứng, nhưng không cho phép tạo nên sự công nhận rộng rãi trong xã hội. Ngược lại, những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học xã hội (triết học, chính trị kinh tế học, xã hội học ...) hàng đầu lại có thể tạo thành một tầng lớp tinh hoa trí tuệ (Intellectual elite) có ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức xã hội.
Sự nghiệp nhà binh thành công, có thể mang lại vinh dự và thu nhập cao, nhưng con đường bước vào giới tinh hoa chính trị không dễ dàng thuận lợi. Làm chính trị chuyên nghiệp là một nghề không mang lại thu nhập quá cao, nghề này còn buộc người ta phải công khai cuộc sống cá nhân và hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng một sự nghiệp chính trị thành công có thể mang lại danh tiếng, người làm chính trị có thể được ghi danh trong lịch sử và được sự công nhận rộng rãi của xã hội.
Sự thành công nghề nghiệp đỉnh cao trong nghệ thuật hoặc thể thao mang lại thu nhập đáng kể và tấm vé bước vào một môi trường đặc biệt (showbiz) có tính tương tác xã hội rất cao. Thành công trong kinh doanh đỉnh cao không chỉ mang lại sự giàu có, mà còn mang lại ảnh hưởng xã hội đáng kể.
Tuy nhiên, giới doanh nhân Phương Tây (trừ một vài trường hợp đặc biệt như Silvio Berlusconi hay Donal Trump) thường cố gắng đứng ngoài các hoạt động chính trị. Hoạt động kinh doanh về nguyên tắc chỉ được coi là một loại hình hoạt động đặc biệt, để khẳng định tài năng, và vị thế xã hội của một cá nhân, chứ không phải là một “cái thang vạn năng” để di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên trong xã hội.
Chất lượng của giới tinh hoa được đánh giá bằng tỷ lệ những sở thích ưu tiên của giới này trên khả năng và mức độ tầng lớp tinh hoa sẵn sàng đảm nhận các chức năng và vai trò xã hội của mình (tức là sự tương xứng của tầng lớp tinh hoa với những ưu tiên, mà cộng đồng xã hội dành cho nó). Trong thực tế đời sống xã hội, giới tinh hoa thường thể hiện xu hướng suy thoái tự nhiên.
Nghĩa là tầng lớp tinh hoa luôn có xu hướng gia tăng vô hạn những sở thích ưu tiên riêng của mình, đồng thời lại tìm cách né tránh mọi trách nhiệm, và nghĩa vụ đối với xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ một cộng đồng xã hội Phương Tây nào, là phải tạo cho mình một tầng lớp tinh hoa chất lượng cao, cũng như đảm bảo sự tái sinh liên tục của tầng lớp tinh hoa này. Điều này phụ thuộc trước hết vào cơ chế vận hành nhà nước, xã hội. Tôi xin phép đề cập đến cơ chế vận hành nhà nước và xã hội Mỹ, như một trường hợp tiêu biểu.
Đó là một cơ chế bao gồm hệ các tín điều Mỹ, thể hiện trong Hiến Pháp, hệ thống nhà nước tam quyền phân lập và nguyên tắc “check and balance” trong vận hành bộ máy nhà nước. Một cơ chế vận hành nhà nước và xã hội như vậy tạo ra những điều kiện nền tảng, để xã hội Mỹ liên tục sinh ra vô số những nhà hành pháp (tổng thống, bộ trưởng) tài giỏi, các nhà chấp pháp (công tố viên, thẩm phán, luật sư) thông tuệ chặt chẽ. Và đặc biệt là những nhà lập pháp (thượng nghị sỹ, dân biểu) xuất chúng tạo nên sự giàu có chủ yếu của nước Mỹ.
Tất cả họ đều thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị. Họ đại diện cho những giá trị cốt lõi hàng đầu của nước Mỹ (và cũng là những giá trị phổ quát của nhân loại) như tự do dân chủ và nhân quyền, thượng tôn pháp luật, bình đẳng cơ hội và tự do kinh doanh, tự do biểu đạt ý kiến cá nhân, bình đẳng giới tính và sắc tộc. Có thể nói một trong những đại diện tiêu biểu xuất chúng nhất của nhóm này là TNS John McCain vừa quá vãng.
Ngoài ra, cơ chế vận hành nhà nước và xã hội Mỹ cũng tạo điều kiện để nước Mỹ liên tục sinh ra những nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà văn như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Martin Luther King, Henry Thoreau, William Faulkner ... , những nhà kinh tế như Milton Friedman, John Forbes Nash, Steven D. Levitt ..., những nhà kinh doanh như Warren Buffett, Bill Gates, Steve Jobs, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg ..., những nhà phát minh như Thomas Edison, Nicola Tesla, Henry Ford, Elon Musk ... và nhiều nhân vật xuất chúng khác trong mọi lĩnh vực.
Những nhân vật tinh hoa này góp phần tạo dựng nên thêm một sự giàu có tinh thần khác, cũng rất cốt lõi và đặc trưng cho nước Mỹ, đó là khả năng đổi mới sáng tạo thường trực và trách nhiệm xã hội của mọi công dân, trước hết là những nhân vật thuộc tầng lớp tinh hoa, những người được mặc định là phải có trách nhiệm xã hội cao hơn hẳn một công dân bình thường. Có thể nói, những nhà từ thiện nổi tiếng như Warren Buffett, Bill Gates, Steve Jobs, George Soros, Mark Zuckerberg, gia đình Walton, Michael Bloomberg, Paul Allen, Chuck Feeney ...chính là những đại diên tiêu biểu của những giá trị này.
Hệ thống tinh hoa với cấu trúc và những giá trị nền tảng như vậy rất bền vững, đồng thời cũng lại mềm dẻo năng động và rộng mở cho sự luân chuyển, sự hoàn thiện (như một cơ thể sống bậc cao). Trong hệ thống này, nhóm tinh hoa truyền thông độc lập, đóng vai trò cảnh báo suy thoái, vô cùng quan trọng đối với cả hệ thống tinh hoa. Còn sự phân định quyền hạn (tản quyền) trong giới tinh hoa có lợi cho xã hội, tương tự việc phân công lao động trong kinh tế. Đồng thời, sự tản quyền và tách biệt thành những nhóm xã hội với những giá trị của riêng mình, cũng là một biện pháp hữu hiệu chống lại sự thống trị của chủ nghĩa vật chất thô thiển.
TẦNG LỚP TINH HOA XÔ VIẾT
Tầng lớp tinh hoa Nga thời Sa Hoàng, có cấu trúc, các giá trị đặc trưng và cơ chế vận hành rất gần với tầng lớp tinh hoa Châu Âu nói riêng và Phương Tây nói chung cùng thời, như tôi đã đề cập đến trong bài viết “Quí tộc Nga và tinh thần quí tộc Việt Nam” ngày 18/10/2018 trên FB của mình. Tuy nhiên, mọi sự đã hoàn toàn thay đổi ở nước Nga thời kỳ Xô Viết.
Việc lấy đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển xã hội, việc đề cao chuyên chính vô sản và xây dựng đất nước trên nền tảng một nền kinh tế kế hoạch chỉ huy, việc loại trừ mọi hình thức sở hữu và kinh doanh tư nhân, đã đảo lộn tận gốc rễ sự phân tầng và các giá trị của xã hội Nga thời Sa Hoàng. Thay cho tầng lớp quí tộc, trí thức tinh hoa, điền chủ, doanh nhân là một tầng lớp tinh hoa chính trị Xô Viết, bao gồm các quan chức trung ương và địa phương của bộ máy chính quyền, với các giá trị đặc trưng hoàn toàn khác.
Đây là một hệ thống tinh hoa chính trị khép kín, có mức độ luân chuyển rất thấp. Con đường duy nhất để gia nhập vào các cơ cấu của hệ thống tinh hoa Xô Viết là được bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm được xem xét dựa trên các tiêu chí như đảng tịch, lý lịch, thành phần, tuổi tác, thâm niên, năng lực, lòng trung thành đối với cá nhân lãnh đạo và chế độ.
Do giới tinh hoa chính trị Xô Viết nắm toàn bộ sở hữu nhà nước về tài nguyên, đất đai, tư liệu và công cụ sản xuất, cũng như các nguồn lực chiến lược, nên không có tầng lớp tinh hoa kinh tế Xô Viết riêng biệt. Ngoài giới tinh hoa chính trị, trong xã hội Xô Viết chỉ có thêm một nhóm nhỏ tinh hoa văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, thể thao.
Vì vậy, giới tinh hoa Xô Viết là một khối tương đối đồng nhất, việc phân định quyền hạn (tản quyền) và sự tách biệt thành những nhóm xã hội với những giá trị của riêng mình thực tế ít nhiều vẫn tồn tại, nhưng cũng như chủ nghĩa cá nhân, đó là những giá trị không được đề cao và khuyến khích.
Trách nhiệm xã hội chủ yếu của giới tinh hoa Xô Viết là đi đầu trong viêc thực hiện những giá trị cốt lõi của chế độ Xô Viết như tinh thần tập thể, tinh thần cầu tiến, phổ cập giáo dục và kiến thức, xã hội phúc lợi, chủ nghĩa quốc tế đoàn kết các dân tộc, hướng đến tương lai XHCN, truyền bá và bảo vệ lý tưởng XHCN, bảo vệ chế độ Xô Viết.
Nhìn chung trên thực tế, giới tinh hoa Xô Viết đã tỏ ra tương xứng với vai trò và chức năng xã hội này của mình. Nhiều người trong số họ đã hy sinh vì lý tưởng, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh. Trong Chiến tranh Vệ quốc chống Đức Hitler (1941-1945), hai con Stalin đều trực tiếp tham gia chiến đấu ngoài mặt trận. Phần lớn giới tinh hoa Xô Viết (nhất là thời kỳ đầu) có nhu cầu cá nhân khiêm tốn và không có tài sản cá nhân gì đáng kể.
Đặc trưng cho quan hệ bên trong giới tinh hoa Xô Viết, là một sự gắn kết khá cao, dựa trên cơ sở một ý thức hệ tư tưởng XHCN hùng mạnh kết nối toàn bộ xã hội Liên Xô. Lý tưởng XHCN cũng đã từng là một sức mạnh mềm to lớn của nhà nước Xô Viết có ảnh hưởng toàn cầu. Ngoài ra, vì giới tinh hoa Xô Việt có độc quyền tuyệt đối lãnh đạo xã hội, mọi ý đồ và mưu toan đối lập bị hóa giải từ gốc. Trong xã hội Xô Viết, thực tế giới tinh hoa đối lập nói riêng và đối lập nói chung không tồn tại.
Mặt khác việc gia nhập giới tinh hoa Xô Viết mang lại nhiều đặc quyền đặc lợi, bao gồm hệ thống căn hộ và phương tiện di chuyển cao cấp, các cửa hàng và nhà ăn, hệ thống bệnh viện và nhà điều dưỡng, nhà nghỉ và nhà vườn công vụ chuyên biệt cao cấp. Có thể nói đây cũng chính là một trong những yếu tố chủ yếu lập trình sự suy thoái tất yếu của tầng lớp tinh hoa Xô Viết.
Về phương diện phát triển kinh tế, dù có một số thành tựu đáng nể, mô hình kinh tế kế hoạch chỉ huy, niềm tự hào của giới tinh hoa Xô Viết với thời gian đã bộc lộ 3 nhược điểm cốt tử. Một, là cơ chế phân phối bình quân đã triệt tiêu sáng kiến cá nhân và động lực làm việc của người lao động. Hai, là cơ chế vận hành nền kinh tế cứng nhắc, đã triệt tiêu khả năng đổi mới sáng tạo của hệ thống. Điều này dần dần đã dẫn đến sự tụt hậu so với các nước Phương Tây về công nghệ, về năng suất lao động ngày càng gia tăng.
Ba, là mô hình phân phối sản phẩm xã hội theo kế họach, không dựa trên qui luật cung cầu thị trường, đã dẫn đến việc khan hiếm hàng hóa thường trực. Tóm lại, giới tinh hoa Xô Viết đã thất bại trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững, công bằng dân chủ văn minh và tự do thịnh vượng. Đồng thời, sự suy thoái được lập trình của giới tinh hoa Xô Viết, cùng với những yếu tố chủ quan và khách quan khác, đã dẫn đến việc Liên Xô sụp đổ cuối 1991.
Kết lại có thể nói, rằng tầng lớp tinh hoa Nga Xô Viết xét về cấu trúc, về các giá trị đặc trưng và cơ chế vận hành, hoàn toàn khác tầng lớp tinh hoa Nga thời Sa Hoàng và tầng lớp tinh hoa Châu Âu cùng thời đại.
TINH HOA NGA THỜI TT YELTSIN
Việc Liên Xô sụp đổ năm 1991, lại một lần nữa làm thay đổi hoàn toàn thành phần, cấu trúc và cơ chế vận hành tầng lớp tinh hoa Nga. Trong thời kỳ TT Yeltsin (1991-1999), thông qua cơ chế bầu cử tự do trong giới tinh hoa chính trị Nga đã xuất hiện nhiều gương mặt mới, có xuất xứ từ nhóm tinh hoa khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật.
Những năm sau 1991, là một thời kỳ hết sức khó khăn ở Nga, kinh tế đình đốn, nhu yếu phẩm và hàng hóa khan hiếm, hàng loạt xí nghiệp nhà máy đóng cửa, nhiều người mất công ăn việc làm. Trong khi đó, giới tinh hoa chính trị Nga (chính quyền TT Yeltsin) tỏ ra hoàn toàn bất lực trong việc tự mình đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu vật chất tăng vọt của người dân.
Mặt khác, cũng ở thời kỳ đó kinh tế tư nhân Nga bắt đầu phát triển “bùng nổ”, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, khai thác và xuất khẩu dầu khí, kim lọai mầu. Kết quả là một tầng lớp doanh nhân mới khá đông đảo xuất hiện và nhanh chóng có ảnh hưởng chi phối xã hội rất lớn. Cùng với sự gia tăng sức mạnh kinh tế của mình, giới tinh hoa kinh doanh này, đã lập tức thâm nhập rất sâu vào mọi cấu trúc chính quyền.
Kinh tế đình đốn, ngân sách thiếu trên hụt dưới. Vì vậy, chính quyền Yeltsin đã bắt buộc phải tiến hành tư nhân hóa ồ ạt. Một số nhà kinh doanh gần gũi với chính quyền Yeltsin, đã khéo léo lợi dụng các khe hở trong quá trình tư nhân hóa và quan hệ thân hữu với chính quyền, để thâu tóm tài sản nhà nước, trước hết trong lĩnh vực khai thác và xuất khẩu dầu khí, kim lọai mầu với cái giá “bèo bọt”. Kết quả, sau một vài năm khi giá dầu khí và kim loại mầu trên thị trường quốc tế tăng vọt, họ đã trở thành những tỷ phú USD đầu tiên ở Nga.
Vì có tầm ảnh hưởng chi phối to lớn đối với chính quyền và trong xã hội, những nhà tài phiệt này được giới nghiên cứu chính trị kinh tế thế giới gọi là oligarch. Một vài người trong số họ đã bước vào hàng ngũ tinh hoa chính trị Nga mới, như Boris Berezovsky (Phó Chủ Tịch Hội đồng An ninh Quốc gia), Vladimir Potanin (Phó Thủ tướng).
Đồng thời, giới tinh hoa kinh doanh Nga “mới nổi” cũng là tầng lớp quyết định việc xác lập những giá trị đặc trưng của xã hội Nga hậu Xô Viết. Có thể nói đó là những giá trị vật chất thuần túy. Đơn giản là vì các những giá trị tự do dân chủ và nhân quyền Châu Âu vốn là những giá trị tương đối trừu tượng, đã khó nắm bắt lại càng khó biến thành hiện thực hơn.
Trong khi đó đối với người Nga, những người vừa trải qua cuộc sống Xô Viết thiếu đói (giai đoạn năm 1991 là những quầy hàng hoàn toàn trống rỗng), những giá trị vật chất của các xã hội Châu Âu thịnh vượng, có vẻ dễ dàng nhận thức và tiếp nhận hơn rất nhiều.
Thời kỳ TT Yeltsin (1991-1999), đối với phần lớn người Nga, việc kiếm được nhiều tiền (không quan trọng bằng cách nào) trở thành tiêu chí hầu như duy nhất, để đo lường mức độ thành đạt của một cá nhân. Còn đối với giới tinh hoa Nga (chính trị, kinh doanh), bộ sưu tập các giá trị bắt buộc để khẳng định đẳng cấp của một quí ông, phải bao gồm: dinh thự, xe khủng, vợ trẻ đẹp và con cái học ở Anh, Pháp. Riêng với tinh hoa kinh doanh, có thể thêm du thuyền, biệt thự ở London, ở Cotê d’Azur Pháp hay ở Miami.
PS. Có thể nói rằng, ngoài khá nhiều điểm tương đồng, so với tầng lớp tinh hoa Xô Viết, xét về cấu trúc, về các giá trị đặc trưng và cơ chế vận hành, tầng lớp quan chức tinh hoa Việt Nam thời nhà Nguyễn có phần ưu trội hơn về độ mở của nó, về cạnh tranh công bằng trong tuyển chọn. Đồng thời, so với tinh hoa Xô Viết, việc di chuyển lên tầng trên của họ, cũng ít phụ thuộc vào lý lịch, vào khuynh hướng chính trị tôn giáo hơn nhiều.
Còn nếu so với tầng lớp tinh hoa Nga ngày nay, tầng lớp quan chức tinh hoa Việt Nam thời nhà Nguyễn rõ ràng ưu trội hơn hẳn về các giá trị tinh thần.
TINH HOA NGA HIÊN NAY
Sau khi Putin lên nắm chính quyền năm 2000, quyền lực nhà nước Nga ngày càng tập trung vào tay tổng thống. Đồng thời so với thời Yeltsin, quan hệ giữa chính quyền và giới kinh doanh đã trở thành gắn bó hơn rất nhiều.
Sau năm 2000, bằng nhiều biện pháp khác nhau, chính phủ Nga đã quốc hữu hóa nhiều tập đoàn tư nhân, hàng đầu là trong lĩnh vực dầu khí, và thành lập những doanh nghiệp nhà nước mới, ở cả cấp trung ương lẫn các địa phương. Nếu vào năm 2000, khu vực nhà nước chỉ chiếm 30% nền kinh tế Nga, thì năm 2016, tỷ lệ này đã là 70%.
Trong khi đó ở China, nếu năm 2000, khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 35% nền kinh tế, thì năm 2018, tỷ lệ này đã là hơn 60% và kinh tế tư nhân China hiện đang tạo ra 85-90% công ăn việc làm mới.
Có thể nói, hầu hết các tỷ phú USD mới xuất hiện sau những năm 2000 (Gennady Timchenko, anh em Rotenberg và những người khác), đều gắn kết chặt chẽ với chính quyền hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời về cơ cấu nền kinh tế, nước Nga ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí. Nếu năm 2000, dầu khí mới chiếm 35% cơ cấu hàng xuất khẩu Nga, thì đầu năm 2016, tỷ lệ này đã là gần 65% (năm 2018 là 64.79%).
Tóm lại, ở nước Nga đã hình thành ”Một chế độ tư bản nhà nước độc quyền”. Đây là kết luận của ông Igor Artemiev, Tổng Cục trưởng Phòng chống Độc quyền Liên bang trong một báo cáo đầu 2016, về tình trạng độc quyền thương mại trong kinh tế Nga.
Còn giới bình luận chính trị kinh tế thế giới gọi chế độ ở nước Nga hiện nay là chế độ tư bản thân hữu (crony capitalism). Một chế độ tư bản giống với những chế độ ở một số nước Châu Mỹ Latin những năm 1950-1970. Những biểu hiện đầu tiên của chế độ tư bản thân hữu này đã xuất hiện ngay từ những năm 1990. Lúc đó xã hội Nga đã bắt đầu phải quen dần với việc bất cứ thống đốc địa phương nào, thường cũng được một ngân hàng hoặc nhóm công nghiệp nào đó gần như công khai “đỡ đầu”.
Tuy nhiên sau năm 2000, luật chơi đã thay đổi hoàn toàn. Thường là một (hoặc cùng lắm là hai năm) sau khi thống đốc một tỉnh hoặc một bộ trưởng mới được bổ nhiệm, người thân hoặc bạn bè của ông này sẽ thiết lập việc kiểm soát một phần quan trọng mọi hoạt động kinh doanh trong tỉnh, hoặc trong lĩnh vực ngành nghề (đối với bộ trưởng), để chia “miếng bánh ngân sách”.
Nghĩa là thay cho những đặc quyền đặc lợi của giới tinh hoa chính trị Xô Viết (nhà cửa, xe cộ, cửa hàng công vụ đặc biệt ...), việc kiểm soát kinh doanh, hưởng các “bổng lộc” từ đó và chia “miếng bánh ngân sách”, là đặc quyền đặc lợi của giới tinh hoa chính trị Nga hiện nay.
Thời đại Putin còn đặc trưng bởi sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của giới tinh hoa an ninh và quân đội lên chính quyền và trong xã hội. Những năm 1990 thời Yeltsin, nhóm quyền lực này đã từng bị “bỏ quên và bỏ đói”. Nhưng hiện nay giống như giới tinh hoa chính trị, giới tinh hoa cảnh sát và an ninh Nga cũng có những lãnh thổ và lĩnh vực là khu vực “đất phong” của riêng mình.
Còn đối với giới tinh hoa quân đội, rõ ràng việc tư nhân hóa và thanh lý các tài sản quân đội, cũng như các hợp đồng cung ứng trang thiết bị và vật tư quốc phòng, là khu vực “đất phong” mặc định của họ.
Có thể nói về mặt cấu trúc, trừ một bộ phận rất nhỏ tinh hoa trí tuệ khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật, tầng lớp tinh hoa Nga hiện nay khá đồng nhất. Hệ thống này là sự hoà trộn của tinh hoa chính trị, kinh doanh, an ninh và quân đội, truyền thông, khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật thành cùng một guồng quay duy nhất, gần giống tầng lớp tinh hoa Xô viết. Nghĩa là bên trong cấu trúc này (như một cơ thể sống bậc thấp) không có sự phân tầng, tách biệt thành những nhóm xã hội với những giá trị của riêng mình như tinh hoa Phương Tây.
Đồng thời, khác với tầng lớp tinh hoa Xô Viết khép kín, trong cơ chế vận hành của tầng lớp tinh hoa Nga hiện nay, có sự chuyển đổi tự do từ tiền bạc thành quyền lực và ngược lại. Đồng thời, tiền bạc và quyền lực có thể chuyển đổi thành chức vụ, phẩm hàm, quân hàm và danh hiệu, cũng như chức vụ, phẩm hàm, quân hàm có thể sinh ra tiền bạc.
Vì vậy ở Nga hiện nay, đối với nhiều người Nga bình thường không thuộc diện “quan hệ, hậu duệ”, khác với thời Xô Viết, chỉ còn một cánh cửa rất hẹp là “trí tuệ” và một cánh cửa rộng hơn là “tiền tệ” để bước vào tầng lớp tinh hoa Nga. Đồng thời, tuy tiền tệ là một chìa khóa vạn năng, một giá trị cốt lõi trong xã hội Nga hiện nay, nhưng lại không được phép tuyên ngôn công khai, mà chỉ là giá trị “ngầm hiểu” của lớp tinh hoa và cả xã hội.
Có thể nói đây chính là điều khác biệt cốt lõi về giá trị đặc trưng giữa tầng lớp tinh hoa ở Nga hiện nay, so với tinh hoa Nga Sa Hoàng, tinh hoa Nga Xô Viết và tinh hoa Việt Nam thời nhà Nguyễn, cũng như so với tinh hoa Phương Tây.
Rõ ràng tuy về cấu trúc khá giống với tinh hoa Xô Viết, nhưng về mặt giá tri đặc trưng, tinh hoa Nga hiện nay hoàn toàn khác với tinh hoa thời Xô Viết. Đơn giản là vì ngoài sự gắn kết chung bằng lợi ích vật chất tiềm ẩn xung đột nội bộ, bên trong giới tinh hoa Nga ngày nay, chẳng hề có tư tưởng gắn kết nào.
Nói chung có thể nói, là hiện nay cũng chẳng có một tư tưởng nào thực sự gắn kết xã hội Nga. Những tư tưởng mờ nhạt kiểu “Thế giới Nga”, “Nền dân chủ có chủ quyền” gần với chủ nghĩa dân tộc chẳng làm ai xúc động. Còn những tư tưởng kiểu “Nước Nga là một pháo đài bị các thế lực thù địch bao vây”, “Tư thế cường quốc Đai Nga vĩ đại”, thì lại đỏi hỏi thường xuyên phải có những cuộc “phô trương sức mạnh” ra thế giới bên ngoài, như ở Caucasus, Ukraina, Trung Á, Syria ... Cũng như liên tục phải đi tìm kẻ thù bên trong nước Nga.
Tóm lại, với cấu trúc, những giá trị đặc trưng và cơ chế vận hành như trình bầy ở trên, tầng lớp tinh hoa Nga ngày nay đã tỏ ra không hiệu quả và không tương xứng với vai trò dẫn dắt xã hội.
Trước hết xin phép điểm qua vài nét về phương diện kinh tế. Trong giai đoạn 10 năm từ 2007-2016, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga là 1.72% (so với Ba Lan là 3.55%, Trung Hoa là hơn 10%, còn thế giới là 2.48%). Nếu năm 1992 khi Liên Xô tan vỡ, GDP Liên Xô bằng 11% và GDP China bằng 5.5% kinh tế thế giới, thì năm 2018, GDP Nga và China bằng 1.8% và 16% kinh tế thế giới tương ứng.
Tăng trưởng GDP danh định TB người (tính bằng USD) của Nga giai đoạn 1990-2016 được trình bầy trong biểu đồ ở Hình 1. Theo ý kiến khá thống nhất của giới kinh tế Nga và thế giới, biểu đồ này thể hiện tương đối chính xác tình trạng kinh tế Nga những năm qua. Còn tăng trưởng GDP của Nga so với thế giới giai đoạn 1990-2016 (lấy mốc GDP 1990 là 100%), được thể hiện trong biểu đồ ở Hình 2.
Ngoài ra, mô hình kinh tế “độc canh” dầu khí, tài nguyên và cơ chế độc quyền nhà nước (tuy lạc hậu, nhưng lại dễ cho chính quyền Nga điều khiển chi phối) đã làm cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, trước hết là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng teo tóp. Điều này đã làm việc triệt tiêu động lực phát triển xã hội và làm sụt giảm khả năng cạnh tranh chung của nền kinh tế. Cũng như làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội Nga đến mức rất nhức nhối.
Có thể nói biểu đồ trên Hình 1 thể hiện khá đầy đủ bức tranh toàn cảnh kinh tế Nga. Từ đầu 2013, kinh tế Nga đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Việc nước Nga bị Phương Tây trừng phạt (2014) và giá dầu hỏa tụt dốc mạnh (2015), chỉ làm bộc lộ rõ hơn những nhược điểm nội tại và thúc đẩy nhanh quá trình khủng hoảng tất yếu của mô hình kinh tế hiện nay.
Đồng thời, cũng có thể nói rằng, mô hình kinh tế hiện nay là rào cản chính, khiến nước Nga trong gần 20 năm qua đánh mất rất nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng kinh tế toàn cầu, “để vuột” nhiều cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế Nga. Khoản thu nhập rất lớn từ xuất khẩu dầu khí (xấp xỉ 1000 tỷ USD) thu được từ việc giá dầu khí tăng đột biến những năm đầu 2000, đã hầu như không được sử dụng để đầu tư phát triển kinh tế.
Về phương diện định hướng chiến lược phát triển. Năm 2008 sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khác với China, nước Nga đã định hướng phát triển sai. Khi đó lãnh đạo Nga đã bỏ qua cơ hội đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số, họ đã chọn tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực truyền thống như khai thác dầu khí và tài nguyên.
Kết quả là nếu 03/2008, Tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom Nga có giá trị vốn hóa thị trường 360 tỷ USD (nằm trong top 10 tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường hàng đầu thế giới), thì 03/2018, giá trị vốn hóa của Gazprom chỉ còn là 49 tỷ USD. Cùng trong khoảng thời gian 10 năm đó, giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn tư nhân bán hàng trực tuyến China Alibaba, đã tăng từ một vài tỷ USD lên hơn 460 tỷ USD.
Đồng thời, theo một báo cáo gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới, trong top 25 các nước hàng đầu về mức độ sẵn sàng tiếp nhận Cách mạng công nghiệp 4.0 có China và Malaysia nhưng không hề có Nga. Về tình hình kinh tế Nga hiện nay, tôi đã trình bầy khá đầy đủ trong bài viết “TẠI SAO ĐỐI VỚI NGA CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ NHẤT” ngày 20/08/2018 trên FB này.
Về phương diện xã hội. Việc hiện nay tiền tệ trở thành giá trị đặc trưng cốt lõi, đã dẫn đến sự xuống cấp trầm trọng đạo đức xã hội, cũng như dẫn đến lệch chuẩn trong lựa chọn nghề nghiệp. Theo các thăm dò dư luận xã hội gần đây, một trong những nguyện vọng ưu tiên hàng đầu của học sinh, sinh viên Nga là được phục vụ trong ngành cảnh sát thuế, trong lực lượng an ninh. Đây là một điều hoàn toàn khác so với xã hội Xô Viết ngày trước.
Mặt khác, việc nhiều người Nga bình thường không thuộc diện “quan hệ, hậu duệ”, rất ít có khả năng bước vào tầng lớp tinh hoa Nga, như đã nói ở trên, đã dẫn đến tình trạng các chuyên viên kỹ thuật cao cấp, các doanh nhân Nga di cư ồ ạt sang Phương Tây. Quá trình này bắt đầu từ những năm 1990, kéo dài đã nhiều năm và không có dấu hiệu suy giảm.
Chẳng hạn, trong một báo cáo của Nikolai Dolgushkin Thư ký khoa học Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, là “số lượng chuyên gia có trình độ cao di cư sang Phương Tây, đã tăng từ 20 nghìn năm 2013 lên 44 nghìn vào năm 2016”. Riêng năm 2015, tổng số người di cư ra khỏi nước Nga là hơn 350 ngàn. Cũng năm 2015, kết quả thăm dò của Viện Thăm dò Dư luận Xã hội Nga (VCIOM) cho thấy, số người muốn di cư khỏi Nga là 13% dân số trưởng thành.
Một nguyên nhân khác của tình trạng các nhà khoa học Nga di cư ồ ạt ra nước ngoài, là việc khoa học Nga (trước hết là khoa học cơ bản, một trong những niềm tự hào bậc nhất của nhà nước Xô Viết) hiện đang bị “bỏ đói” thực sự. Năm 2016, kinh phí dành cho toàn bộ nền khoa học Nga là 336 tỷ rúp (5.4 tỷ USD) xấp xỉ Đài Loan. Trong đó, riêng khoa học cơ bản chỉ được đầu tư tổng cộng 105 tỷ rúp (1.6 tỷ USD). Để so sánh, ngân quĩ hàng năm của riêng Harvard University là khoảng 4.8 tỷ USD.
Về phương diện chính trị đối ngoại, những hành động “phô diễn sức mạnh”, thể hiện “Tư thế cường quốc Đại Nga vĩ đại” của giới tinh hoa Nga (như việc chiếm Crimea, can thiệp vào Ukraina và Syria), là những hành động chỉ mang lại hiệu quả đối nội nhất thời (ve vuốt lòng tự hào dân tộc của người Nga), nhưng để lại rất nhiều hệ lụy trực tiếp trước mắt và lâu dài cho nước Nga.
Hệ lụy trực tiếp là nền kinh tế Nga vốn không mạnh khỏe gì, lại phải gánh thêm rất nhiều chi phí thường xuyên và những thiệt hại do bị Phương Tây cấm vận và cô lập. Hệ lụy lâu dài là nước Nga sẽ ngày càng bị lạc hậu về công nghệ do cấm vận, là sự căng thẳng không đáng có với các nước thuộc Liên Xô cũ và quan hệ thù địch gia tăng với Ukraina, người anh em thực sự ruột thịt (một điều chưa từng có trong lịch sử nước Nga).
Cuối cùng, về phương diện tinh thần đạo đức. Trong giới tinh hoa Nga, cũng như trong xã hội Nga hiện nay, không có bất cứ một khuôn mặt nào giống như Lev Tolstoy thời kỳ nước Nga Sa Hoàng, hay là Alexander Solzhenitsyn và Andrei Sakharop thời nước Nga Xô Viết, những người có thể coi là lãnh tụ tinh thần, tiêu biểu cho chuẩn mực tinh thần đạo đức xã hội . Đồng thời, cũng khác với thời Xô Viết, giới tinh hoa Nga ngày nay chẳng có gì để nói về quyền lực mềm với thế giới.
Tuy nhiên hiện nay, những vấn đề nói trên chưa phải là điều đáng lo ngại nhất đối với nước Nga. Có thể nói điều đáng lo ngại nhất, là sau gần 30 năm từ khi Liên Xô sụp đổ, giới tinh hoa Nga đã đưa nước Nga vào một tình trạng bế tắc chưa từng có.
Thứ nhất, đó là việc nước Nga hiện nay không hề có bất cứ một dự án chiến lược tương lai sáng sủa, rõ ràng và thực sự khả thi nào cả. Chẳng hạn, Putin đã từng công bố chương trình phát triển kinh tế 2018-2024 với dự kiến tăng trưởng GDP 1.5 lần (8-9% năm). Thực tế, tăng trưởng GDP Nga 2018 và quý 01/2019 là 2.3% và 0.5% tương ứng.
Thứ hai, trong bối cảnh tương lai 20-30 năm sắp tới nhu cầu sử dụng dầu khí sẽ ngày càng giảm, thì việc nước Nga phụ thuộc rất mạnh vào xuất khẩu dầu khí và tài nguyên, nhưng lại không hề chủ động quyết định được giá cả các mặt hàng này, sẽ khiến cho tương lai nước Nga trở nên bất định.
Thứ ba, toàn bộ hệ thống chính trị Nga hiện nay phụ thuộc rất lớn vào những phẩm chất trí tuệ, uy tín và tình trạng sức khỏe của cá nhân Putin. Thế nhưng trên chính trường Nga hiện nay, chúng ta không nhìn thấy bất cứ một bóng dáng rõ ràng nào của người kế nhiệm Putin.
Thứ tư, để có sự ủng hộ xã hội cần thiết, giới tinh hoa chính trị Nga đã tạo ra một tầng lớp đông đảo các quan chức, nhân viên an ninh, những công nhân viên nhà nước với số lượng hơn gấp đôi so với Liên Xô trước đây.
Cụ thể theo GS Vladislav Inozemtsev một chuyên gia kinh tế nổi tiếng, hiện nay lực lượng công nhân viên chức Nga đã lên đến gần 8 triệu người, có tỷ lệ là 11% trên tổng số 72.4 triệu người trong độ tuổi lao động (để so sánh ở Mỹ lực lượng này chỉ là 1.86 triệu người và có tỷ lệ là 1.21% trên tổng số 123 triệu người trong độ tuổi lao động).
Theo đánh giá của GS Inozemtsev và một số chuyên gia kinh tế Nga khác, nước Nga đã rơi vào một cái “bẫy” hành chính xã hội. Đơn giản là vì trong tình trạng bộ máy nhà nước phình to quá như vậy, xét thuần túy về tính khả thi, không thể tiến hành bất cứ cuộc cải tổ hành chính, cải cách chế độ hưu trí nào, mà không dẫn đến những hậu quả chính trị xã hội khó lường.
THAY CHO LỜI KẾT
Tóm lại, về mọi phương diện, trước hết là về chất lượng (theo định nghĩa đã trình bầy ở đầu bài viết) và qua những điều đã trình bầy ở trên, có thể nói hệ thống tinh hoa của nước Nga hiện nay, không những khác rất xa những chuẩn mực của hệ thống tinh hoa Phương Tây đương thời, mà còn thua xa cả hệ thống tinh hoa của nước Nga Sa Hoàng (một bộ phận của Châu Âu), lẫn cả hệ thống tinh hoa Xô Viết (vốn là một bộ phận của Châu Âu muốn cải tạo Châu Âu theo cách của riêng mình), mà còn thua ngay cả tầng lớp tinh hoa quan chức thời nhà Nguyễn Việt Nam.
Đối với nước Nga đó là một bước thụt lùi lịch sử rất lớn. Điều này có thể dễ dàng nhận biết qua việc so sánh nước Nga hiện nay với Phần Lan (một “thuộc quốc” trước 1917 của Đế quốc Nga). Về vấn đề này xin hãy xem bài “CÂU CHUYỆN PHẦN LAN - XỨ SỞ MÙA THU VÀNG HUYỀN DIỆU VÀ SANTA CLAUS” đăng ngày 04/10/2018 trong FB này.
PS. So với các nước Đông Âu XHCN, cũng các nước cộng hòa Baltic (Estonia, Litva và Latvia) thuộc Liên Xô cũ, con đường đi đến (tìm về) với những giá trị phổ quát Châu Âu của nước Nga, xem ra khó khăn chông gai hơn rất nhiều. Có những lý do truyền thống lịch sử (nước Nga luôn tìm cách đối đầu và thách thức Châu Âu, tư tưởng Đại Nga tự tôn dân tộc thái quá của người Nga), nhưng cũng có cả những lý do khách quan.
Những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà cải cách Nga (Gaida, Chubais ...) đã đưa những giá trị phổ quát Phương Tây về tự do dân chủ và nhân quyền vào Nga theo cách áp đặt, rất vội vàng và vụng về. Việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường bằng liệụ pháp “shock” đã từng làm cho hàng loạt người Nga bỗng chốc mất hết tài sản. Đồng thời cùng lúc đó là tình trạng bần cùng hóa phổ biến, tội phạm tràn lan và hỗn loạn ghê gớm trong xã hội Nga.
Ngoài ra, việc người ta đã tìm cách phá vỡ và phủ nhận “không thương tiếc” tất cả mọi các giá trị Xô Viết (mà người Nga dầy công xây dựng và tự hào), lại đi kèm với việc phải cúi đầu ”xin xỏ” Phương Tây “ngạo mạn”, đã khiến người Nga chán ghét “đến tận cổ” các giá trị tự do dân chủ và nhân quyền Phương Tây. Những căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa Nga với Phương Tây “ngạo mạn”, chỉ làm cho sự việc tồi tệ hơn.
Vì vậy theo tôi, có lẽ con đường đi đến (tìm về) với những giá trị phổ quát Châu Âu của nước Nga hiện nay, phải xuất phát từ một hướng khác, hợp lý nhất là từ hướng các tổ chức xã hội dân sự. Rất mừng là gần đây ở nước Nga, xã hội dân sự phát triển khá tốt, trước hết là những tổ chức thiện nguyện, thanh niên tình nguyện (volunteer) và những tổ chức xã hội khác.
Những tổ chức này ngày càng được sự hưởng ứng rộng rãi của toàn thể xã hội Nga và được chính quyền tích cực ủng hộ. Phải nói rằng, đó cũng là cánh cửa hướng đến tương lai, mà các nhà lãnh đạo Nga hiện nay chủ động để ngỏ cho thế hệ sau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét