Tác giả: talawas
talawas - Cuốn sách mang tên hai tác giả Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi, nhan đề Một nền văn hóa mới,
do Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh xuất bản tại
Hà Nội năm 1945, do một thân hữu của talawas gửi đến chúng tôi. Sách gồm
45 trang, các trang 1, 2, 4, 46, 47, 48 bỏ trắng, tuy đã ố vàng theo
năm tháng nhưng tất cả các trang, các chữ vẫn còn nguyên. Trang 6 có chữ
ký của cả hai tác giả. Người gửi sách cho biết: “Chữ ký bên tay phải là
của Nguyễn Đình Thi thì ta có thể nhận ra ngay, bên tay trái là của
Nguyễn Hữu Đang. Cụ có chữ ký ‘oái oăm’, tức là nó giống cái chữ in
ngược, soi vào gương thì sẽ thấy thuận và đọc ra. Thảo nào mà đời cụ nó
cứ lộn tùng phèo. Một cái ‘oái oăm’ khác là trong vụ Nhân văn
thì Nguyễn Hữu Đang bị vụt nặng nhất, còn Nguyễn Đình Thi lại được giao
trọng trách làm ‘đao phủ’ chính trong cái ‘Đàn hương hình’ này… Thế mới
biết là tình đồng chí của phe ta đúng là ‘hạt muối cắn đôi, còn hạt
đường ăn hết’. Ấy nhưng trong cái phạm vi nước nhỏ thì mọi chuyện nó
cũng nho nhỏ, nên cũng còn sống sót được, chứ ở nước nhớn như nước Tầu,
(coi tình đồng chí của bác Mao với bác Lưu, bác Lâm) thì có mà mất
xác.”
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn thân
hữu đã gửi sách, cảm ơn người tổ chức đánh máy, và xin chia sẻ tác phẩm
này với đông đảo độc giả.
_________________
Cuộc vận động văn hoá dưới thời Pháp thuộc
Một số đồng bào của chúng ta thường cho
rằng: cuộc đấu chống kẻ thù chỉ là cuộc vật lộn về chính trị, về quân
sự; công tác quan trọng và độc nhất chỉ hướng về mặt khuếch trương các
tổ chức, sắm võ khí, phát triển các bộ đội; còn văn hóa thì có đồng bào
cho là một món “lý luận suông”, một món “xa xỉ phẩm” không thể có được
và cũng không nên nghĩ tới trong lúc này.
Chủ trương hẹp hòi đó làm cho ảnh hưởng cách mạng kém sâu, kém rộng trong dân chúng, nhất là trong các tầng lớp trí thức.
Ách xâm lược không phải chỉ thu hẹp
trong phạm vi kinh tế và chính trị; bọn thống trị có cả một chính sách
văn hóa để ngu dân, lừa dân, kìm hãm và làm tê liệt chí khí tiến thủ của
đồng bào ta. Chính sách văn hóa là cả một “đạo quân thứ năm” vô cùng
lợi hại để bảo vệ chủ quyền xâm lược. Muốn trừ khử kẻ thù bằng súng đạn
ngoài mặt trận, chúng ta không thể để “đạo quân thứ năm” đó len lỏi và
gieo hại trong hậu phương của chúng ta được.
Cho nên không phải chỉ cuộc cải tạo quốc
gia độc lập sau này mới cần đến cuộc cách mạng văn hóa để hoàn thành;
ngay trong lúc này muốn cho nền độc lập thực hiện hoàn toàn, chúng ta
phải làm sóng đôi với công tác chính trị và quân sự, một cuộc vận động
ráo riết về văn hóa.
Cuộc chiến đầu giải phóng của chúng ta phải là một cuộc vật lộn về mọi phương diện!
“Chúng ta phải đánh kẻ thù bất cứ ở chỗ nào mà chúng ẩn núp”.
I. Tình hình văn hoá Việt Nam
A. Văn hóa công khai
Vậy tình hình văn hóa xứ ta như thế nào?
Trả lời câu hỏi ấy, tức là nhận định rõ những điều kiện cụ thể mà trong
đó chúng ta đang phải khuếch trương cuộc vận động văn hóa.
Trong 80 năm Pháp thuộc, tình trạng học
thuật, tư tưởng, văn nghệ xứ ta luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên, chúng ta
có thể căn cứ vào những đặc tính riêng biệt mà chia ra hai giai đoạn
lớn: “giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh” và “giai đoạn
chiến tranh hiện tại”.
1. Giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh
Trong giai đoạn “Pháp thuộc cho tới
trước cuộc chiến tranh”, chủ quyền thực dân Pháp trên xứ ta vững vàng;
phong trào cách mạng không được sâu rộng và trong những năm đầu thường
có ít nhiều tính chất cần vương. Chính sách văn hóa của bọn thực dân
Pháp nhằm hai mục đích cốt yếu là ngu dân và gây ảnh hưởng cho chủ nghĩa
xâm lược.
Để chìm đắm dân ta trong vòng ngu muội,
dốt nát, chúng áp dụng chính sách kìm hãm về giáo dục, về báo chí cũng
như về học thuật, tư tưởng. Chương trình giáo dục bình diện của tên Toàn
quyền Méc-lanh (Merlin) và đạo nghị định Va-ren (Varenne) về báo chí là
những biểu tượng rõ rệt của chính sách kìm hãm khốc liệt đó.
Một mặt khác, chúng cho thâm nhập một
thứ dân chủ giả trá, hòa hợp với chính sách thực dân. Chúng tự nhận có
“nhiệm vụ khai hóa” đối với xứ ta, cốt để chứng tỏ rằng sự xâm lược là
chính đáng và nền bảo hộ là cần thiết.
Tập sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh và tạp chí Nam phong
của Phạm Quỳnh chỉ là những lợi khí tuyên truyền của bọn thống trị mà
ta không cần đếm xỉa tới. Nhưng chúng ta cũng nên nhắc qua đến một số
trí thức độc lập chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đã nhập cảng vào xứ ta một
xu hướng dân chủ tương đối cấp tiến, như các nhóm Thần chung, Tiếng chuông dè (Cloche fêlée), Diễn đàn Đông Dương (Tribune Indochinoise), Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Tự lực văn đoàn, v.v…
Trong khi đó, tinh thần dân ta vẫn luôn
luôn gắng gỏi ngoi lên để đón tiếp những trào lưu tư tưởng tiến bộ ngoại
lai. Nhờ sự gắng gỏi ấy, nhờ sức chiến đấu không ngừng của đồng bào ta,
lần đầu tiên, trong những năm 1936-1939, chúng ta có một số sách báo
công khai phản ảnh rõ rệt tinh thần dân chủ, cấp tiến. Tinh thần dân
chủ, cấp tiến ấy, mặc dầu mọi sự đàn áp của bọn thống trị, đã lan tràn
mau lẹ trong các tầng lớp dân chúng.
2. Giai đoạn chiến tranh hiện tại
Sau ngày chiến tranh bùng nổ, văn hóa xứ ta đã bước sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn chiến tranh hiện tại.
Bọn thực dân Pháp được dịp công nhiên lộ
hình để triệt để thi hành chính sách phát-xít mà trước kia chúng phải
áp dụng dưới một nhãn hiệu xảo trá. Phát-xít Nhật cũng bắt đầu đặt chân
lên xứ ta. Bên cạnh chính quyền Pháp, chúng thiết lập một chính quyền
đối lập. Dưới hai tầng áp bức Nhật-Pháp, tình cảnh cơ cực của dân ta có
thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử. Phong trào cứu quốc trỗi dậy,
thu hút các tầng lớp dân chúng. Chính quyền thực dân Pháp bị lung lay
hơn lúc nào hết. Chính sách văn hóa của chúng vì vậy, phải biến chuyển
theo tình thế đổi mới.
Trong giai đoạn trước, một vài xu trào
độc lập hay cấp tiến còn có thể len lỏi và nẩy nở, văn hóa xứ ta còn có
thể phát triển một phần nào.
Trong giai đoạn này, trái lại, văn hóa xứ ta bị dày xéo dưới gót sắt của chính sách văn hóa thực dân.
Văn hóa phát-xít đã chế ngự rõ rệt.
Song cùng với nhịp hưng vong của chủ
nghĩa phát-xít, sự chế ngự đó đã biến đổi ít nhiều tính cách mà chúng ta
có thể nhân đó chia ra “thời kỳ mở đầu”, “thời kỳ độc tôn” và “thời kỳ
suy tàn” của văn hóa phát-xít.
a/ Thời kỳ mở đầu
Cuộc chiến tranh hiện tại vừa mở đầu,
thì chính phủ thực dân Pháp bắt đình bản, cấm lưu hành và tàng trữ các
báo chí có tính chất cấp tiến và dân chủ. Các nhà văn, nhà báo độc lập
bị hăm dọa hay hạ ngục. Các nhóm chính trị công khai và các tổ chức quần
chúng đều bị giải tán. Tất cả những điều mà bọn thực dân Pháp bất đắc
dĩ phải thi hành trong những năm 1936-1939, thì nay đều bị thủ tiêu. Bọn
thực dân Pháp đã công nhiên phát-xít hóa. Tuy nhiên chúng vẫn chưa dám
tung ra những khẩu hiệu phát-xít, chỉ sai các cây bút nô dịch ca tụng
một cách mơ hồ văn minh nước Pháp, lực lượng chiến đấu của chính quốc
hay sự kiên cố của phòng lũy Ma-gi-nô (Maginot). Sự ngừng trệ, buồn tẻ
của thời kỳ này chính là màn đầu sửa soạn cho thời kỳ độc tôn của văn
hóa phát-xít.
b/ Thời kỳ độc tôn
Thời kỳ độc tôn kéo dài từ khi Pháp thỏa hiệp với Đức Quốc xã cho tới khi chính phủ Pê-tanh (Pétain) bị đổ.
Từ chỗ mập mờ, chính sách văn hóa thực
dân Pháp trong thời kỳ này đã thành một hệ thống rõ rệt, mục đích để
công phá tinh thần dân chủ trong văn hóa Việt Nam, đem văn hóa phát-xít
nhồi sọ dân chúng và lợi dụng văn hóa để trực tiếp phá hoại những chủ
trương chính trị chân chính.
Bọn thực dân Pháp, một mặt, thủ tiêu
những di tích dân chủ còn lại, giải tán cả các hội đồng tư vấn chỉ có vỏ
dân chủ như hội đồng thành phố, nghị viện dân biểu Bắc và Trung kỳ, hội
đồng quản hạt Nam kỳ, hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương…, một mặt
khác, chúng thẳng tay công phá tinh thần dân chủ đã in dấu rõ rệt trên
văn hóa Việt Nam những năm 1936-1939. Thậm chí, chúng phủ nhận cả giá
trị cấp tiến của cuộc Cách mạng 1789 mà trước kia chúng vẫn coi là “vinh
dự bất hủ” của nước Pháp cộng hòa.
Nhưng, một hệ thống tư tưởng khi đã
thành hình, người ta không thể thủ tiêu nó nếu không đem một hệ thống
khác thay thế vào. Cho nên ngoài phương kế công phá và kìm hãm, bọn thực
dân Pháp còn phải dùng phương pháp nhồi sọ. Bằng mọi phương tiện, chúng
tuyên truyền, chúng nhồi nhét những tư tưởng nô dịch, những luận điệu
phát-xít.
Chủ nghĩa “quốc gia cách mạng” của
Pê-tanh (Pétain) được đem phổ biến khắp nơi, để xuyên tạc tinh thần quốc
gia chân chính đang sôi nổi trong các từng lớp dân gian.
Lòng yêu “tổ quốc” của người Việt, theo
chúng, phải gồm cả lòng yêu “mẫu quốc”; cuộc “phục hưng nước Việt” cũng
phải thực hành trong khuôn khổ “Pháp-Việt Phục hưng”.
Tinh thần “ái quốc” do đó đã biến thành tinh thần “phản quốc”.
Bọn chuyên môn nô dịch như Phạm Xuân Độ,
Nguyễn Tiến Lãng thi nhau quảng cáo cho chủ nghiã Pê-tanh. Vài nhà trí
thức quá dễ tính như Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Bình kính cẩn “chứng
nhận” công cuộc Pháp-Việt phục hưng (Témoignages).
Chân dung Pê-tanh và khẩu hiệu “cần lao,
gia đình, tổ quốc” nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, lẫn cả với gà lợn
trong các tranh Tết của trẻ con. Nhưng những mánh khóe che đậy, khoe
khoang ấy không giấu nổi tình hình nguy ngập của đế quốc Pháp. Nhận rõ
sự suy nhược của bọn thống trị và xu trào thế giới, dân chúng càng thêm
tinh thần quật khởi. Cả những kẻ trước kia là tay sai trung thành cho
bọn thực dân Pháp, đến nay cũng tìm đường xa lánh, để tham gia vào mặt
trận cứu quốc hoặc để bám chân phát-xít Nhật mà họ tin là sẽ nhẩy lên
địa vị chủ mới. Bọn thực dân Pháp, trước tình thế đó, phải cố tìm vây
cánh trong hàng ngũ quan lại. Đồng thời với sự lập lại chế độ hương thôn
cũ trong dân quê, chúng cố làm sống lại những giá trị tàn tạ của thời
Trung cổ Á-Đông.
Tư tưởng phong kiến được dịp tái khởi.
Người ta hô hào trở lại với đạo đức, với tôn ti trật tự của Khổng, Mạnh,
với gia đình cũ, với hương thôn, với quan trường. Phạm Quỳnh xuất bản
học thuyết bảo hoàng của Mô-rát (Maurras), Nguyễn Công Hoan cho in Thanh đạm, Nho giáo của Trần Trọng Kim được tái bản, Ngô Tất Tố dịch Kinh dịch, Phan Văn Hùm viết Triết lý Phật giáo.
Để đánh lạc tinh thần thanh niên, bọn
thực dân Pháp còn thi hành cả một chương trình thể thao rộng lớn, một
thứ thể thao trọng phô trương biểu diễn hơn là sự trau dồi thân thể.
Chúng mở thêm sân vận động, khuyến khích điền kinh, rầm rộ tổ chức các
cuộc đua xe đạp… Chúng hy vọng chìm đắm thanh niên trong các môn vận
động để họ sao lãng nhiệm vụ cứu quốc hay để họ tưởng rằng tập rượt các
môn thể thao hữu danh vô thực đó tức là đã làm trọn nhiệm vụ đối với
giống nòi.
Song song với hai chính sách nhồi sọ và
công phá tinh thần dân chủ, bọn đế quốc, để thực hiện mục đích phá hoại
những chủ trương cách mạng chân chính, đã khôn khéo lợi dụng sự học và
phong trào nghiên cứu.
Những tác phẩm và những bài nghiên cứu
các chiến công oanh liệt của những anh hùng cứu quốc thời xưa không phải
để kích thích và nung đúc tinh thần quật khởi mà, trái lại, để hòng
chia rẽ hai dân tộc Hoa-Việt khỏi thành một khối duy nhất chống
phát-xít. Đại biểu cho phong trào này là nhóm Tri tân. Chúng ta còn có thể kể những bản ca kịch và âm nhạc mà chủ đích là gợi mối thù cũ của ta đối với dân Tàu.
Nhóm Thanh nghị trong khi đó
được tự do tuyên truyền một tinh thần khiếp nhược, đắn đo, chờ thời, và
mơn trớn các tầng lớp tư sản bằng những bài trình bày một thứ dân chủ
nửa chừng, thỏa hiệp với chính sách phát-xít.
Nhóm Hàn Thuyên đã đề xướng một
phong trào duy vật mác-xít nệ sách, và chủ trương giai cấp tranh đấu
không hợp thời của họ rất có thể chia rẽ mặt trận cứu quốc thống nhất
của dân tộc.
Tóm lại, chính sách văn hóa thực dân đã
chăng một màng lưới bao trùm các ngành học thuật, tư tưởng, văn nghệ… Nó
đã đưa văn hóa phát-xít lên địa vị độc tôn trên văn hóa nước nhà.
Một số nhà văn cấp tiến đã cố len lỏi
hoạt động, nhiều khi bằng những lối quanh co, khôn khéo mà vẫn không
tránh khỏi sức đàn áp của bọn thực dân. Họ đã xuất bản được một số tác
phẩm, nhưng chưa đủ để gây một xu trào rõ rệt.
Các văn nhân, nghệ sĩ còn muốn giữ nghề bị dồn tới chỗ phải chọn một trong hai ngả đường:
- hoặc đem bán rẻ tài năng cho chính sách thực dân tự chôn mình trong hố đầu hàng nhục nhã;
- hoặc phải lui vào phạm vi bí mật để gìn giữ cốt cách tự do độc lập của cây bút biết trọng mình và trọng nghề.
c/ Thời kỳ suy tàn
Cuộc giải phóng nước Pháp và sự thành
lập chính phủ Đờ Gôn (De Gaulle) đã chấm dấu hết cho thời kỳ độc tôn và
mở đầu cho thời kỳ suy tàn của văn hóa phát-xít.
Bọn thực dân Pháp bị kẹp giữa hai gọng
kìm là phát-xít Nhật và chính phủ Đờ Gôn (De Gaulle), đã thi hành chính
sách mập mờ về mặt chính trị cũng như về mặt văn hóa.
Các cây bút nô dịch chỉ biết nhai lại
một vài vấn đề phụ thuộc như ảnh hưởng văn chương Pháp đối với văn
chương nước Việt, công trình kiến thiết của bọn thực dân Pháp ở Đông
Dương.
d/ Chính sách văn hóa Nhật
Nói đến chính sách văn hóa thực dân, chúng ta không thể không nói tới chính sách văn hóa Nhật, dù nó sơ sài và ít hiệu quả.
Ngay sau khi đặt chân lên xứ ta, bọn
phát xít Nhật mở trường dạy tiếng, trao đổi nghệ sĩ và học sinh, trưng
bầy tranh ảnh, chiếu phim Nhật, tổ chức ca vũ, lập viện văn hóa, đặt
giải thưởng văn chương để cổ động chủ nghĩa Đại Đông Á, đỡ đầu một vài
tờ báo tay sai.
Sau cuộc đảo chính, trong cái hoàn cảnh
bối rối do mặt trận Việt minh gây ra, phương kế độc nhất của chính sách
văn hóa Nhật là sự kiểm duyệt hạn chế gắt gao các sách báo xuất bản.
Trên đàn văn hóa công khai, chúng ta
thấy toàn một loài xu thời, bợ đỡ, tuyên truyền cho nền “độc lập” giả
dối, cho “công ơn” cướp nước của bọn quân nhân xâm lược, cho chủ nghĩa
phát-xít náu hình trong lý thuyết “Á Đông của người Đông Á”.
Nhưng tình hình quân sự và chính trị
trong “khối thịnh vượng chung” đã khủng hoảng tới cực độ, nên diễn ra cả
một tình trạng hỗn loạn: lũ giặc văn hóa xu thời vừa ngợi khen Nga
Xô-viết, vừa tán tụng phát-xít xâm lược, hô hào nguyên tắc mập mờ “dân
vi quý” để rồi chủ trương quân chủ độc tài.
Cho nên cái làn sóng tuyên truyền cổ động ấy không át nổi tiếng nói của thực tế phũ phàng.
Cái bánh vẽ “độc lập”, cái ảo ảnh “bồng
lai Đại Đông Á” họa chăng chỉ còn ảnh hưởng tới một số đầu óc cấu tạo
toàn bằng tế bào nô lệ.
Chính sách văn hóa của phát-xít Nhật có
thể chế ngự nhóm văn hóa công khai nô dịch, nhưng nó không thể đàn áp ý
thức của dân tộc ta.
3. Kết luận
Sau khi đã xét qua tình hình văn hóa công khai, chúng ta thấy cả một bức “vạn lý trường thành” trên đường văn hóa.
Thật vậy, chính sách thực dân có thể tóm tắt trong một định thức: kìm hãm về kinh tế, kìm hãm về chính trị, kìm hãm về văn hóa.
Mà điều kiện phát triển văn hóa đâu có phải chỉ thuộc riêng về phạm vi học thuật hay văn nghệ.
Dưới ách ngoại xâm, văn hóa xứ ta chẳng
những vấp phải chính sách văn hóa thực dân khốc liệt; nó còn có những
trở lực ghê gớm hơn nữa trong các hệ thống tổ chức của xã hội.
Những trở lực ấy còn, chúng ta không thể
mơ tưởng một văn nghệ phong phú và sầm uất, hay một lâu đài khoa học
xán lạn trên đất xứ ta vẫn trì trệ trong trạng thái sơ khai.
Chính sách thực dân đã huy động toàn lực để cản đường.
Hay cho được đúng hơn, nó chỉ mở lối phát triển cho văn hóa đầu hàng, nô dịch.
B. Văn hóa bí mật
Một điều đáng mừng và cũng đáng tự cao cho dân tộc ta là văn hóa đầu hàng, nô dịch đó không phải là tất cả văn hóa nước nhà.
Chúng ta còn có văn hóa bí mật mà phần
đông thường đã lãng quên hay không biết tới. Văn hóa bí mật có từ lâu,
nó là con đẻ của tình trạng mất nước, nó phát sinh với phong trào cách
mạng.
Dưới sự đàn áp liên miên của bọn thực
dân, những cây bút cấp tiến, còn biết tự trọng, không chịu uốn mình theo
vòng lưới của uy quyền chính trị, thường phải lui vào bóng tối của sự
hoạt động văn hóa bí mật.
Văn hóa công khai nô dịch bị khinh miệt
và chán ghét bao nhiêu thì văn hóa bí mật được tìm tòi và trìu mến bấy
nhiêu. Nó thỏa mãn nhu cầu của dân chúng đang khao khát ánh sáng tự do,
khao khát những tư tưởng mạnh bạo.
Một nhà nghiên cứu, dù chỉ có đôi chút thực tâm, cũng không thể chối cãi địa vị lớn lao của văn hóa bí mật được.
1. Giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh
Nhưng nếu, trải qua những biến chuyển
chính trị, cái địa vị lớn lao ấy của văn hóa bí mật không lúc nào suy
giảm, thì, trái lại, những khẩu hiệu và tính chất của văn hóa bí mật đã
tùy theo từng giai đoạn mà thay đổi.
Trong giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước
cuộc chiến tranh hiện tại, văn hóa bí mật thường chỉ được coi là một
phương tiện vận động chính trị. Một bài thơ hay một bài phú làm ra
thường không phải để thỏa mãn một nhu cầu về văn hóa, mà chủ đích chỉ để
kích thích lòng người, kêu gọi dân gian lên đường tranh đấu giải phóng.
Xu hướng văn hóa cũng thường biến đổi, ăn nhịp với tính chất giai cấp lãnh đạo trong cuộc vận động chính trị.
Nó có xu hướng cần vương với phong trào Hàm Nghi, Duy Tân; xu hướng Âu hóa với nhóm Đông du và Đông kinh nghĩa thục; trong khoảng 1925-1930, xu hướng quốc gia chiếm phần ưu thắng với những tờ Phục quốc và Việt Nam hồn, sách báo của Việt Nam Quốc dân đảng và Nam Đồng thư xã. Trái lại, trong khoảng những năm 1930-1940, văn hóa bí mật có xu hướng quốc tế với những tờ tạp chí Búa liềm, Công hội đỏ, Tiên phong, Hướng đạo, tờ báo xí nghiệp Si-măng ở Hải Phòng, tờ Máy sợi ở Nam Định, Tin tranh đấu của Nghệ Tĩnh, tờ Giải phóng xuất bản năm 1937-1938…
2. Giai đoạn chiến tranh hiện tại
Bước sang giai đoạn chiến tranh hiện
tại, cuộc vận động chính trị đã thống nhất dưới ngọn cờ Việt Minh cứu
quốc để thực hiện cách mạng dân tộc giải phóng. Văn hóa bí mật hướng về
hai tính chất dân tộc và tân dân chủ. Một mình nó dẫn đạt phong trào
quần chúng. Có thể nói nó trả lời một cách tương đối đầy đủ những vấn đề
cấp bách do tình thế đặt ra. Nó phong phú hơn văn hóa bí mật hồi trước,
nó thỏa mãn được nhu cầu của quảng đại quần chúng đã cách mạng hóa.
Ảnh hưởng của nó vừa sâu vừa rộng hơn lúc nào hết trong lịch sử văn hóa bí mật nước nhà.
So sánh với văn hóa công khai, những ưu điểm của văn hóa bí mật hiện tại lại càng thêm rõ rệt.
Văn hóa công khai, nói chung, chỉ biết
bợ đỡ, xu nịnh cường quyền như ta đã thấy. Trái lại, văn hóa bí mật
cương quyết chống mọi sự áp bức, bóc lột, mọi hiện trạng bất công của xã
hội. Nó không chịu lùi bước trước một đe dọa nào. Nó thẳng tay đả phá
tất cả những cái gì cổ hủ, thoái hóa, để đưa xã hội tiến lên ánh sáng
công bằng, nhân đạo.
Văn hóa công khai phần lớn là để thỏa
mãn nhu cầu của các nhà quyền chính hay của một số trí thức. Nó chỉ là
một món độc quyền của thiểu số. Trái lại, văn hóa bí mật là của đại
chúng. Nó lấy đại chúng làm đầu đề cốt yếu. Nó phản ảnh những nguyện
vọng thiết tha của đại chúng. Nó thâm nhập rộng rãi trong đại chúng. Nó
sống sát bên đại chúng, hiểu đại chúng và được đại chúng hiểu lại nó.
Văn hóa công khai hỗn loạn, phức tạp,
khi ngả về phía này, khi nghiêng về phía khác. Chưa nói chi đến quan
điểm nhóm này chống lại quan điểm nhóm khác, nhiều khi một quyển sách
hay một tờ báo cũng chứa đựng những điều trái ngược. Trái lại, văn hóa
bí mật duy nhất. Từ bài xã thuyết, cho tới bức hội họa hay trang truyện
ngắn, hết thảy đều hướng về một mục đích. Một yếu tố xán lạn luôn luôn
điều hòa các bộ phận hoạt động của văn hóa bí mật.
Với những ưu điểm đó, văn hóa bí mật
không những được lòng mến phục của dân chúng trong khi văn hóa công khai
bị rẻ rúng, mà nó còn chiếm địa vị trọng yếu trong nền văn hóa chung
của toàn quốc.
Điều kiện hiểm nghèo của sự hoạt động đã cản trở khá nhiều công việc tiến hành của văn hóa bí mật
(1).
Tuy nhiên, mặc dầu nhiều điều khuyết
điểm, những thành tích của văn hóa bí mật không phải ít và là một vinh
dự chung trong lịch sử tranh đấu của dân tộc.
Nếu chỉ kể những báo xuất bản gần đây, chúng ta thấy: Cứu
quốc, Cờ Giải phóng, Việt Nam độc lập đồng minh, Độc lập, Hồn nước, Tạp
chí Cộng sản, Tiên phong, Tiếng chuông, Bãi Sậy, Kèn gọi lính, Hiệp
lực, Mê Linh, Lao động, Nước Nam mới, Kháng địch, Giải phóng, Khởi
nghĩa, Đuổi giặc nước, Quyết thắng, Quân Giải phóng…
Ở Trung Hoa có Tiếng gọi của Việt kiều, ở Thái Lan có tờ Độc lập. Trong nhà tù và các trại tập trung có: Lao tù Tạp chí (Hà Nội), Ánh Bình minh (Hòa Bình), Sông Gầm (Bá Vân), Ngàn thông (Chợ Chu), Suối reo và Tự chỉ trích (Sơn La)…
Ngoài báo chí chúng ta còn phải kể một
số khá nhiều sách vở nghiên cứu về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh
tế, quân sự, và các bài thơ, ca và tranh ảnh cách mạng.
Với những đặc tính kể trên, văn hóa bí
mật là kết tinh của tinh thần dân tộc. Nó phát huy một cách rõ rệt những
tư tưởng về tự do, về công lý.
Nó rọi đường cho công tác vận động chính trị. Nó gây lòng tin tưởng vững vàng cho các chiến sĩ và quần chúng cách mạng.
Nó tác động bằng cả một sức mạnh phi thường.
Và, thêm nữa, nó là mầm văn hóa mới của nước Việt Nam cộng hòa dân chủ.
***
Đồng bào đã thấy trong văn hóa bí mật
thành tích của mặt trận Việt Minh thực là rực rỡ. Nhưng không phải Việt
Minh không tìm cách tranh đấu với quân thù ngay trên đàn văn hóa công
khai mà chúng kiểm soát chặt chẽ vô hạn. Cuộc tranh đấu văn hóa của Việt
Minh ngoài phương diện phát triển văn hóa bí mật, còn những phươn diện
vận động văn hóa công khai nữa. Cuộc vận động đó, vì những lẽ thuộc về
chính trị, không tiện vạch rõ chi tiết ra đây, nên đáng lẽ chúng tôi
được cái vui trình bày cùng anh chị em đồng bào tất cả những kết quả đã
đạt được một cách đầy đủ, lại đành phải tóm tắt sơ lược và kín đáo.
Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam
thành lập từ năm 1943, với mục đích là lợi dụng tất cả mọi khả năng công
khai và bán công khai để, một mặt, cổ động tuyên truyền văn hóa mới
trong dân chúng chống với những xu trào phong kiến thoái bộ, hoặc hoạt
đầu, giả dối, do đế quốc phát-xít trực tiếp hay gián tiếp chỉ huy, một
mặt nữa, hết sức phổ thông chính sách cứu quốc của mặt trận dân tộc
thống nhất trong giới tư tưởng, văn nghệ. Nhóm văn hóa đó lúc đầu gồm
một số nhà văn, nhà báo, và những người hoạt động trong các công cuộc xã
hội.
Sau ba năm hoạt động, những kết quả lượm
được, tuy không thể so sánh với thành tích của văn hóa hoàn toàn bí
mật, nhưng cũng chứng minh được một sự phấn đấu không ngừng. Nhóm văn
hóa cứu quốc đã ảnh hưởng được ít nhiều các ngành học thuật, văn nghệ,
ảnh hưởng bằng sự giao thiệp cá nhân, và bằng những công trình sáng tác,
tuy bắt buộc phải đi bằng những đường lối quanh co mà không tránh được
sự đàn áp của quân thù. Gần đây, một tờ báo bí mật chuyên về văn hóa đã
xuất bản để vạch ra con đường phải đi và cổ động việc sửa soạn kiến
thiết văn hóa mới.
Chung quanh tổ chức hoàn toàn bí mật trên đây, còn phải kể những tổ chức bán công khai, những nhóm khảo cứu tìm học.
Trong cả hai hình thức tổ chức, bí mật
và bán công khai, việc sửa soạn kiến thiết văn hóa mới được theo đuổi
khá ráo riết, và những chương trình đã khá dồi dào. Đáng chú ý hơn cả
trong những kết quả đạt được về phương diện này, là những bản phân tích
và mở rộng một đề cương của Đảng Cộng sản Đông Dương về văn hóa mới. Nhờ
những cố gắng đó, nhóm văn hóa cứu quốc đã có một chủ trương rõ rệt, và
đã qua được thời kỳ băn khoăn, tìm tòi.
Nói như thế không phải là chúng tôi đã
làm trọn được cái trách nhiệm nặng nề mà đoàn thể giao cho. Chúng tôi đã
cố gắng nhưng kết quả chưa được như ý, vì sự tổ chức Hội Văn hóa cứu
quốc Việt Nam chưa chặt chẽ và rộng rãi. Một điều đáng tiếc nữa là nhiều
đồng chí có năng lực về văn hóa còn phải gánh vác những công việc khác,
không kém phần cấp bách, và vì thế, những cây bút già dặn của chúng ta
chưa được tập trung đầy đủ để đưa phong trào văn hóa mới tới những kết
quả rực rỡ, xứng đáng với sự tín nhiệm của đoàn thể.
II. Triển vọng
Cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta
đang phải tiến hành trên bước đường gồ ghề, trắc trở. Những trắc trở, gồ
ghề ấy, như chúng ta đã biết, chính là hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, chính
sách văn hóa thực dân, điều kiện hiểm nghèo của sự hoạt động bí mật.
Song, trắc trở không có nghĩa là không thể vượt qua.
Không một sức mạnh nào có thể chặn đường tiến triển của một dân tộc đầy sinh lực.
Vả chăng, điều kiện bất lợi đó đã được
bù lại bằng những hoàn cảnh vô cùng thuận lợi nằm ngay trong sự suy tàn
của văn hóa phát-xít.
Mọi tiến bộ đều bao hàm sự đả phá tất cả
cái gì bảo thủ, thoái hóa. Cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta phải
thành tựu trong sự đả phá các xu trào văn hóa nô dịch, phản động.
Những xu trào ấy chỉ có thể ảnh hưởng
tạm thời và mỏng manh tới một số người chậm tiến, nông nổi hay ít bị
điều kiện sinh sống hằng ngày bức bách. Nó không thể lấn át được những
tư tưởng tự do chân chính một khi các hoàn cảnh thuận lợi đẩy tới. Với
bản chất thoái hóa, nó không thể đương đầu với cuộc công phá của tự do,
của tiến bộ.
Thật vậy, văn hóa phát-xít trên xứ ta
phá sản hoàn toàn. Lý thuyết “quốc gia cách mạng” của Pê-tanh không còn
một tiếng vọng trong dân chúng. Chủ nghĩa “Đại Đông Á” cũng đã hết thời
huyễn hoặc.
Những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược của các nhóm Thanh nghị, Tri tân và quá trớn của nhóm Hàn Thuyên đều hầu như những tiếng vang trên sa mạc.
Tình trạng suy tàn của văn hóa phát-xít,
của những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược, ngày thêm trầm trọng;
điều kiện gián tiếp giúp cho cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta do
đó càng ngày càng nhiều và thêm thuận lợi.
Một mặt khác, trào lưu văn hóa cấp tiến
trên thế giới và cao trào cách mạng đang tiến tới trong xứ ta, cống hiến
thêm vào cho cuộc vận động văn hóa mới những đà tiến mãnh liệt. Tài
liệu văn hóa giúp cho các chiến sĩ trau dồi trí tuệ. Trở lại, mỗi một
chiến sĩ là một tên lính tiên phong của cuộc vận động văn hóa mới đầy
triển vọng, đầy những hứa hẹn lạc quan.
Trong “khu giải phóng” mà các đồng chí
anh dũng của chúng ta đã dành giật bằng xương bằng máu thoát khỏi nanh
vuốt của kẻ thù, cuộc vận động văn hóa mới đã tiến tới bước xây dựng.
Không một ai chối cãi được rằng: lâu đài
văn hóa mới mà chúng ta thấy hình ảnh lộng lẫy trong triển vọng và đang
được đặt viên gạch đầu tiên trong “khu giải phóng”, sẽ là công trình vĩ
đại của chung chúng ta và đặc biệt của những nhà chuyên môn về vấn đề
này.
Nó đòi hỏi nỗ lực phi thường của các bạn nhà văn chung đúc trong sức chiến đấu của tất cả đồng bào.
Nhưng cũng không một ai có thể chối cãi
được rằng: công việc dọn đường sửa móng để xây nền cho văn hóa mới chỉ
có thể hoàn thành sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi đã quét sạch những
trở lực xã hội mà cuộc vận động văn hóa tự nó không đủ lực san bằng.
Các bạn văn hóa,
Chúng ta hãy sáng suốt nhận lấy nhiệm vụ
tích cực chiến đấu, nhận lấy nhiệm vụ của người dân vong quốc cộng thêm
nhiệm vụ của một chiến sĩ văn hóa mới.
Nói khác ra, để thực hiện nền văn hóa
mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực
hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để.
(Xem tiếp kì 2)
(1) Báo
Cứu quốc
trước ngày tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh, nếu theo sự đòi hỏi
của độc giả thì mỗi số phải in tới trên dưới một triệu tờ mới đủ, thế mà
kỳ nào cũng chỉ phát hành được đến vài vạn là cùng (nguyên chú).
Một chương trình kiến thiết văn hoá Việt Nam mới
Nếu trong cuộc vận động giải phóng dân
tộc, văn hóa chẳng may đã bị đôi người trong chúng ta coi như một món xa
xỉ phẩm, thì trái lại, sau khi cuộc chiến đấu đã thành công, chắc hẳn
văn hóa sẽ không còn bị một ai coi thường nữa. Bởi ai cũng hiểu rằng
dành cướp lấy chính quyền là cốt để kiến thiết quốc gia; mà trong việc
kiến thiết quốc gia thì văn hóa quan trọng chẳng kém gì kinh tế.
Trước hết chúng ta không quên rằng nếu
văn hóa bắt gốc rễ ở những điều kiện kinh tế, thì trở lại, văn hóa cũng
ảnh hưởng đến đời sống vật chất một cách mật thiết; thí dụ sự thịnh
vượng của nông nghiệp, kỹ nghệ, thương mại phải nhờ một phần lớn ở kỹ
thuật; kỹ thuật lại nhờ khoa học, một bộ phận của văn hóa, mà phát
triển. Vả lại hạnh phúc của dân chúng đâu chỉ có là no ấm! Thật là một
sự thiếu thốn nguy hiểm nếu nền độc lập không mang đến cho dân chúng
những mối dường của một cuộc sinh hoạt mới vừa thỏa mãn được những đòi
hỏi của tâm hồn họ, vừa hấp dẫn được họ tiến mạnh trên đường văn minh.
Cho nên nếu rồi đây chúng ta không triệt bỏ ngay được cái tình trạng bế
tắc, thối nát của những nền giáo dục, văn học, nghệ thuật, luân lý,
phong tục mà quốc dân đã phải đắng cay chịu đựng từ trước tới giờ, và
thi hành trên những địa hạt ấy những chính sách thích đáng có thể đem
lại những kết quả thiết thực, thì chẳng những chính phủ nhân dân khó
lòng giữ được hoàn toàn tín nhiệm, ngay đến sự tin tưởng ở tương lai nền
độc lập cũng sẽ bắt đầu lung lay.
Vậy cuộc cách mạng văn hóa phải tiếp
theo liền cuộc cách mạng chính trị để củng cố nền độc lập và hoàn thành
việc cải tạo xã hội.
A. Tính chất văn hoá mới
Nói cách mạng văn hóa ấy là nói đem một
nền văn hóa mới thay cho nền văn hóa cũ đã thoát thai trong hoàn cảnh nô
lệ, đã gói ghém những tàn tích phong kiến cùng với những sản phẩm đế
quốc.
Tinh thần của nền văn hóa mới ấy sẽ là
sự hòa hợp của những nguyên tắc ăn nhịp với cuộc tiến hóa xã hội nói
chung, mà xét ra lại không có gì trái với cuộc phục hưng cấp bách của
nước ta trong trường hợp đặc biệt này.
Phân tích sức tiến hóa trong giai đoạn
lịch sử hiện thời, ta thấy ba yếu tố chính: một là trình độ khoa học,
hai là năng lực của đại chúng cần lao, ba là hoàn cảnh sẵn có của dân
tộc. Dưới quyền chỉ đạo của khoa học, đại chúng vịn vào những điều kiện
cụ thể của dân tộc mà đẩy bánh xe lịch sử, đó là cái thế vững vàng của
toàn thể trào lưu cấp tiến thế giới, mà đó cũng là cái thế vững vàng của
riêng chúng ta khi trỗi dậy. Tất cả vấn đề là xoay văn hóa lại cái thế
ấy. Cố nhiên là cái ý nghĩ một sự thay đổi từ gốc đến ngọn và những
tiếng “phá bỏ”, “thủ tiêu” có thể làm cho nhiều khối óc bảo thủ phải
thương tiếc, run sợ vì họ tưởng ta sẽ làm cỏ sạch sành sanh những giá
trị mà họ hằng yêu dấu, những thần tượng mà họ hằng tôn thờ.
Nhưng, cũng như trong phong trào chính
trị, chúng ta chẳng thể chiều ý những phần tử quá hủ lậu, mà chỉ có thể
tuyên bố rõ rằng về cái di sản của tiền nhân, phần nào còn hợp thời, còn
bổ ích sẽ được giữ lại và sẽ có một địa vị xứng đáng trong cái đại cục
mới đã được khoa học hóa, đại chúng hóa và dân tộc hóa.
Khoa học hóa vì khoa học là mẹ
đẻ của nền văn minh, là ngọn đuốc đưa đường cho chúng ta theo kịp các
nước tiên tiến, đặng góp sức cùng họ trong cuộc phấn đấu với tạo vật để
mưu hạnh phúc cho nhân quần. Nhưng không phải khoa học hóa chỉ có nghĩa
chuyên về khoa học thực nghiệm để đạt đến một trình độ kỹ thuật cao mà
nền kinh tế trong nước cần đền. Khoa học hóa nói đây còn là vận dụng
những kiến thức khoa học, những phương pháp quan sát và phê bình khách
quan vào tất cả mọi ngành hoạt động tinh thần, đem vào đó những ánh sáng
mà các nhà thông thái đã dày công kiếm được, để mọi sự tìm tòi, sáng
tác khỏi lạc đường, khỏi hư ngụy. Quan trọng hơn nữa là việc gây dựng và
phổ thông tinh thần khoa học là cái tinh thần quy củ, tiến tới và chiến
đấu, trọng thực tế, lý trí và nhân sinh.
Trong một nền văn hóa có tính chất khoa
học sẽ không còn những lối phô diễn tối tăm, rối loạn, những tư tưởng
thần bí, những xu hướng giật lùi, những chủ trương bông lông, những cách
sống sa đọa. Và chúng ta có thể nói trước rằng ngày mà đội Giải Phóng
Quân oanh liệt của chúng ta ca khúc khải hoàn sẽ là ngày cuối cùng của
nền văn học, nghệ thuật ốm yếu.
Đại chúng hóa vì
đại chúng là nền tảng xã hội, là lớp người mang cái sức sống tiềm tàng
của dân tộc. Sau bao cuộc hưng vong, bao thời đô hộ, hai chữ “Việt Nam”
vẫn còn trên bản đồ thế giới, đó là nhờ sức phấn đấu của đại chúng dưới
quyền lãnh đạo của những đại biểu anh tuấn của giống nòi. Trong cuộc
giải phóng quốc gia ngày nay lực lượng chiến đấu ở trong tay đại chúng.
Trong cuộc kiến thiết kinh tế ngày mai, sức cần lao vẫn ở trong tay đại
chúng. Phong tục cũng như tiếng nói đều phát sinh và hoàn thành giữa đại
chúng. Cho ngay đến tư tưởng của đại chúng trong phong dao, tục ngữ
cũng làm mạnh, sáng suốt hơn những tư tưởng nghèo nàn, cằn cỗi của những
khối óc nô lệ kinh sách tự nhận là thức giả. Âm điệu thơ lục bát, thể
thi ca đặc sắc của ta, vốn nhờ công của nông dân. Và sau hết, nhà nghệ
sĩ hiện đại có khi phải nghiêng mình trước mỹ thuật của “bác phó cả”
thời xưa mà những ngôi đình, chùa, miếu, mộ cổ còn giữ được tang chứng.
Nếu ta lại nhận định thêm rằng lớp người
lao động là lớp người đang tiến phát, càng ngày càng có ý thức, có tổ
chức, rằng phong trào tranh đấu của họ trên mặt trận quốc tế đã làm
thắng dân quyền ở khắp các nước, và do đó, họ dần dần bước tới địa vị
quan trọng nhất trong xã hội, thì ta không thể nào chối cãi khả năng rất
lớn của đại chúng về văn hóa.
Nền văn hóa mới của ta muốn có nguồn
sinh lực súc tích không thể nào không rút tài liệu ở cuộc sinh hoạt đại
chúng, muốn có giá trị thực tiễn không thể nào không lấy vận mệnh đại
chúng làm trung tâm, và muốn phụng sự tiến bộ, không thể nào không gắng
gỏi thâm nhập đại chúng, để nâng cao trình độ họ lên bằng những tổ chức
rộng rãi, bằng những công trình phổ thông.
Hết thảy mọi người đều nhận được và hiểu
được văn hóa, đó không phải là cái lợi một chiều, cái lợi riêng cho phe
bình dân, riêng cho hạng người hưởng thụ. Chính ngay những trào lưu học
thuật sẽ nhờ thế mà được sự phê bình và sức ủng hộ của quảng đại quần
chúng hướng dẫn và nâng đỡ để phát triển mạnh mẽ.
Nói tóm lại, chủ nghĩa tân dân chủ chỉ có thể quan niệm một nền văn hóa do đại chúng và vì đại chúng.
Dân tộc hóa vì dân tộc là gốc
rễ và là phạm vi hoạt động gần gũi nhất của con người. Giống nòi, cảnh
thổ, khí hậu, di sản tinh thần, trình độ văn minh, chế độ kinh tế, tình
hình chính trị, bấy nhiêu điều kiện của một nước đã định rõ dân nước ấy ở
thời nào đó, có thể tạo tác những gì và cần được hưởng thụ những gì.
Văn hóa không treo lơ lửng giữa giời thì tất phải thích nghi với cái
khung khổ dân tộc, theo sát hoàn cảnh thực tế để việc xây dựng được
thuận tiện và ảnh hưởng được trực tiếp ngay đến đời sống hiện tại.
Chúng ta phải chú trọng đến những phương
tiện bản xứ có công dụng trường cửu và sức truyền dẫn sâu rộng. Liệu
còn có cách cảm hóa đồng loại nào mầu nhiệm hơn cách gửi tình đẹp ý cao
vào những hình, sắc, âm thanh đối với họ đã quen biết thân mật như hơi
thở? Ta thử tưởng tượng nếu các bậc túc nho xưa kia không khinh văn Nôm
thì kho tài liệu mà các cụ để lại cho ta đặc sắc, dồi dào đến thế nào?
Ta lại nghĩ xem nếu trong thời Pháp thuộc bọn trí thức đã để tâm bồi bổ
chữ quốc ngữ thì ngày nay họ đâu đến nỗi phải lúng túng trước vấn đề
dùng toàn tiếng ta trong các bậc học? Vẫn biết những hoạt động trí thức
cần phải vươn tới chân trời xa, nhưng trước hết những hoạt động trí thức
ở nước Việt Nam có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề Việt Nam. Nhà khảo
cổ sẽ làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam và những hiện tượng xã hội trên giải
đất Đông Dương này. Nhà nghệ sĩ sẽ tô điểm cuộc đời Việt Nam bằng những
tác phẩm hàm xúc tính tình, chí khí người Việt Nam. Nhà giáo dục sẽ đào
tạo những người công dân Việt Nam bằng những phương pháp thích hợp với
tâm lý thanh niên Việt Nam và hoàn cảnh xã hội Việt Nam. Nhà học giả sẽ
khơi những dòng tư tưởng căn cứ vào cái lịch trình tiến hóa của giống
người Việt Nam kéo dài trên bốn ngàn năm và bắt nguồn từ những ước vọng
thiêng liêng của dân chúng Việt Nam đau khổ.
Tất cả hệ thống ý thức ấy, tuy lấy dân
tộc làm kim chỉ nam, tuy tẩy trừ hết vết tích nô lệ về hình thức cũng
như về nội dung, nhưng không phải vì thế mà đi đến những chủ trương vị
quốc hẹp hòi cố ý sùng bái bất cứ cái gì của nước mình, bài xích bất cứ
cái gì của nước ngoài. Trong cái vốn cố hữu, ta hãy để cho mọi sự đào
thải tự nhiên gạt bỏ vào viện bảo tàng những phần đã quá mùa và trở nên
phản tiến bộ, chỉ còn chút giá trị lịch sử. Trong các ảnh hưởng ngoại
lai, ta hãy để những nhu cầu tất yếu mới của thời đại đón lấy những phần
thích hợp, phong phú đã dần dần đồng hóa.
Một mặt nữa, những người tin tưởng ở nền
văn hóa đại đồng mai sau cũng không phải lo tính cách dân tộc sẽ là một
trở lực cho sự giao hòa giữa mọi nền văn hóa qua các biên giới. Trái
lại, nền văn hóa đại đồng sẽ chỉ thực hiện được mỹ mãn khi nào mỗi nền
văn hóa riêng biệt đã phát triển đến tận lượng trên địa hạt dân tộc,
không bỏ sót một kho tàng, báu vật nào.
Với ba tính chất khoa học, đại chúng và dân tộc,
nền văn hóa Việt Nam mới sẽ có đủ tư cách phụng sự độc lập, tự do và
hạnh phúc mà các chiến sĩ cứu quốc đang xây đắp dưới bóng cờ đỏ sao
vàng. Đồng thời đời sống sung túc, nền tự chủ hoàn toàn và những quyền
tự do được đảm bảo trong chế độ tân dân chủ lại chính là những điều kiện
thiết yếu để tiến hành việc kiến thiết nền văn hóa mới kia một cách
nhanh chóng, rộng rãi, và đến nơi đến chốn.
Vì vậy chúng tôi mới dám đề nghị một dự
án đại cương dưới đây, mà chúng tôi tin là không trái với nguyện vọng
quốc dân, và sẽ giúp được một phần vào việc nghiên cứu của những ủy ban
chuyên môn sau này.
B. Phương sách cấp bách
Cũng như ở tất cả mọi phạm vi khác, việc
kiến thiết trong phạm vi văn hóa phải bắt đầu bằng sự phá hoại: văn hóa
mới muốn phát triển, cần đến một miếng đất quang quẻ, không mang một
dấu vết cổ hủ, nô dịch nào. Vì vậy công việc đầu tiên là phải làm thủ
tiêu cho kỳ hết những nọc độc của bọn phong kiến và bọn thực dân.
Một mặt chính phủ sẽ cương quyết đàn áp
bọn văn hóa phản quốc, tịch thu và quốc hữu hóa những cơ quan văn hóa
của đế quốc và của Việt gian.
Một mặt sẽ mở một cuộc tuyên truyền lớn
lao, vạch rõ các tai hại của những chính sách văn hóa phong kiến thoái
hóa và đế quốc dã man, cùng là cổ động cho chính sách văn hóa mới của
chính phủ Việt Nam độc lập.
Một mặt nữa, trong phạm vi có thể, chính
phủ sẽ bài trừ ngay những phong tục, tập quán nào trực tiếp cản trở
những công cuộc cấp bách trong việc xây dựng quốc gia.
Những việc phá hoại cương quyết đó tất
nhiên sẽ làm cho một số người không bằng lòng, nhất là những kẻ nô lệ
của chế độ cũ. Họ sẽ lên tiếng chỉ trích: “Ấy đấy, bọn cách mạng, bọn
phá hoại”. Nhưng việc làm sẽ cải chính lời dèm pha đó một cách rực rỡ,
vì phần kiến thiết trên mặt trận cách mạng văn hóa sẽ quan trọng hơn
phần phá hoại gấp bội, cũng như trên tất cả các mặt trận khác của cách
mạng. Không! Cách mạng không phải chỉ là phá hoại. Cách mạng còn là kiến
thiết, cách mạng cốt yếu ở kiến thiết, và kiến thiết những công trình
vĩ đại không thể thấy được dưới những chế độ phản tiến bộ.
Kiến thiết văn hóa mới, cũng như kiến
thiết chính trị hay kinh tế, là cả một mặt trận, chứ không phải chỉ là
dăm ba cách khuyến khích học thuật, nâng đỡ văn chương hay nghệ thuật
chút đỉnh như trong quan niệm của những người đã quen coi văn hóa là một
thứ cây cảnh trồng trong chậu sứ, làm của riêng cho một vài kẻ tốt số
thỉnh thoảng đến ngắm chơi. Không nói đến những việc kiến thiết kinh tế,
chính trị, là những việc căn bản cung phụng cho văn hóa đủ điều kiện
vật chất để phát triển, ta chỉ đứng trong phạm vi tinh thần cũng thấy
rằng muốn cho văn hóa nảy nở tốt tươi, cần phải cải tạo hẳn tâm trí của
mọi người trong xã hội. Làm cho nhân dân no ấm, tự do, ấy là sửa soạn
miếng đất để trồng cây văn hóa; còn thay đổi những giá trị đạo đức, nâng
cao ý thức toàn dân, ấy là đem ánh sáng, đem không khí đến cho cây văn
hóa mọc và lớn lên.
Bởi vậy chương trình kiến thiết văn hóa
mới không những phải định rõ việc xây đắp một học thuật Việt Nam, mà còn
phải là một chương trình cải tạo luân lý, phong tục và giáo dục nhân
dân nữa.
C. Giáo dục
Nước Việt Nam là một nước cộng hòa dân
chủ nghĩa là một nước mà sự sống và sức mạnh hoàn toàn trông cậy vào ý
thức và lòng kiên quyết của người dân. Vì đó, làm cho nhân dân có trình
độ hiểu biết cao, có ý thức chính trị vững vàng là một điều kiện sống
còn của quốc gia tân dân chủ. Nền giáo dục tương lai sẽ phải thực xứng
đáng là một nền giáo dục chứ không thể là một phương pháp mê hoặc lòng
dân, kìm hãm trí dân như trong những nước phát-xít. Điều đó đã đủ khiến
cho việc xây đắp nền giáo dục của ta là một công việc nặng nề, lớn lao.
1. Giáo dục ngoài xã hội
Nạn thất học ghê gớm của dân ta lại khiến
cho việc ấy nặng thêm và rắc rối thêm một bậc. Bên nền giáo dục chính
thức, đầy đủ, áp dụng trong học đường cho lớp người trẻ tuổi còn nguyên
sức tiến hóa, nước ta sẽ phải lo lập ngay cả một nền giáo dục tắt, nhanh
chóng, cho lớp người lớn thất học, cả một nền giáo dục xã hội ở ngoài
học đường cho tất cả đám người cần lao vô cùng đông đảo xưa nay vẫn phải
sống một đời u tối hoàn toàn.
Khẩu hiệu đầu tiên của nền giáo dục xã hội, của nền giáo dục quần chúng ấy, là chống nạn thất học.
Bọn thực dân dùng những chính sách gì để giam hãm dân ta trong vòng ngu
dốt, chúng ta đã biết rõ, nạn mù chữ ở xứ ta đau đớn đến thế nào, chúng
tôi cũng không phải nói dài. Cái đích thứ nhất mà chúng ta phải nhằm là
làm cho không còn một người Việt Nam nào mù chữ. Bằng mọi
phương sách, – tổ chức việc dạy quốc ngữ và học quốc ngữ, dùng pháp luật
bắt buộc học đọc, học, viết trong một kỳ hạn vài ba năm, làm cho phong
trào học chữ quốc ngữ lan rộng khắp nước và vào sâu khắp đại chúng –
bằng tất cả những phương sách đó, chúng ta sẽ nhất định đạt đến đích.
Chúng ta sẽ còn phải đi xa hơn thế nữa mà đặt nền móng cho cả một nền học bình dân, một nền học thức phổ thông, thích hợp với dân chúng. Nền học ấy sẽ được truyền bá trong những câu lạc bộ,
nghĩa là những “viện văn hóa” nhỏ, mở tại thôn quê hoặc trong xưởng
máy, để hiến cho người dân cày hay người dân thợ những giải trí bổ ích
sau giờ làm việc, như đàn hát, ca kịch, thể thao, diễn thuyết. Để trau
dồi cho họ những kiến thức phổ thông về địa dư, sử ký, công dân giáo dục
để giúp họ hiểu biết xã hội, về khoa học, về nghề nghiệp, và để giúp
cho họ phát triển tài năng, tăng thêm khéo léo, nền học bình dân đồng
thời sẽ được đem dạy trong những lớp học buổi tối, và bồi bổ bằng những thư viện bình dân tổ chức cấp tốc và rộng rãi theo hai hình thức: phòng đọc sách và xe đi rong cho mượn sách.
Khẩu hiệu thứ hai của nền giáo dục xã hội, của nền giáo dục quần chúng tương lai là tuyên truyền, cổ động.
Trong khi kiến thiết nền học bình dân, trong khi đợi cho nền học đó nở
những hoa trái đầu tiên, muốn dìu dắt nhân dân, hướng dẫn dư luận, huy
động lực lượng quần chúng vào việc kiến thiết quốc gia, không thể thiếu
một hệ thống tuyên truyền cổ động lớn lao, luôn luôn trực tiếp với dân
chúng, để giải thích chính sách của quốc gia về mọi phương diện, kinh
tế, chính trị, văn hóa. Chính phủ sẽ dùng đến đủ mọi cách tuyên truyền:
báo chí, truyền đơn, triển lãm, diễn thuyết, phòng chiếu bóng và xe
chiếu bóng, rạp hát bình dân, vô tuyến điện, phòng thông tin… Tất cả
những phương tiện tuyên truyền của đế quốc sẽ bị quốc hữu hóa ngay sau
giờ giải phóng. Làm cho cuộc tuyên truyền âm vang khắp chợ cùng quê và
len lỏi vào khắp các xí nghiệp, học đường và hoạt động xã hội, để gieo
rắc tinh thần mới, ấy là nâng cao được ý thức dân chúng một cách mau
chóng nhất là về phương diện chính trị.
Nâng cao trình độ hiểu biết, hướng dẫn ý thức quần chúng, nền giáo dục xã hội còn phải chú trọng đến một khẩu hiệu thứ ba là thể dục quốc dân.
Chính phủ sẽ phải hết sức gây một phong trào “nòi giống khỏe mạnh” thực
rộng rãi, và đến nơi đến chốn. Bắt buộc phải có chứng chỉ thể thao mới
được chọn vào các nghề nghiệp và các phận sự – tuyên truyền hoạt động –
lập sân vận động khắp nơi – mở trường đào tạo huấn luyện viên thể dục –
tổ chức những buổi hội họp thể thao, những cuộc đua tranh sôi nổi, – đó
là những phép nhiệm mầu để sau một thời hạn ngắn ta đã có thể thấy khắp
nơi cái quang cảnh rộn rịp và khỏe mạnh: những sân vận động đông đúc lực
sĩ thân hình cân đối và nở nang tập luyện sáng chiều.
Được huấn luyện thân thể, lại được nâng
cao trình độ hiểu biết, người dân cần lao, người dân mà hiện nay đời
sống thấp kém và u tối vô hạn, sẽ có đủ điều kiện, cả về phần hồn lẫn
phần xác, để gánh vác những nhiệm vụ nặng nề và để nhận thấy nhiều ý
nghĩa mới của cuộc đời.
Riêng người thanh niên Việt Nam tương
lai, – người thanh niên mà bọn thực dân đã cố công cùng sức dìm vào vòng
trụy lạc, giam hãm trong ngu tối hoặc xiềng xích vào cái học khoa cử và
cái lý tưởng gia đình hẹp hòi, – người thanh niên mà sức phấn đấu đã
phá tan tất cả mọi gông cùm để trỗi dậy hòa với sức chiến đấu chung của
dân tộc, người thanh niên mà lòng hy sinh và dũng cảm đã vượt một cách
rực rỡ lên trên hẳn những lời hoài nghi và khinh miệt, người thanh niên
mang tất cả hy vọng của chúng ta ấy, trong một xã hội mới, tất nhiên
phải được rèn luyện một cách thực xứng đáng. Cả một nền tổ chức thanh
niên thật rộng rãi sẽ được dựng lên để đào tạo những người mới cho xã
hội mới, và đồng thời huy động lực lượng thanh niên vào những công việc
kiến thiết về tất cả mọi mặt.
Ngay hồi còn nhỏ, trong các ấu đoàn,
các trẻ em sẽ được làm quen với cuộc sống rộng rãi, chung đụng đoàn
thể. Lòng yêu nước, yêu tự do sẽ nhờ cuộc sống phóng khoáng này mà sớm
nẩy nở cùng một lúc với những năng khiếu đặc biệt mà trường học không
thể nào chú ý làm cho phát triển một cách xứng đáng. Lớn lên vào thiếu đoàn,
người trẻ tuổi được tập sống cuộc đời của một chiến sĩ để luyện tinh
thần kỷ luật, lòng hi sinh, chí kiên quyết, óc trách nhiệm và tất cả
những đức tính khác của người chiến sĩ. Thiếu đoàn đồng thời sẽ là một
trường huấn luyện chính trị và xã hội: người thanh niên không những sẽ
thực sự sống một đời tự trị, dưới sự dìu dắt của đoàn trưởng, mà sẽ đồng
thời được trau dồi một ý thức chính trị rõ ràng, và được tham dự vào
những công việc xã hội. Ngoài ra, mỗi năm một lần, người thanh niên sẽ
còn đem sức lực góp vào việc kiến thiết thực sự của quốc gia bằng cách
sống một đời cần lao và bằng đẳng với hàng trăm thanh niên khắp các nơi,
khắp các giới, ở những trại thanh niên. Cách huấn luyện có
tính cách chính trị rõ rệt, cách tổ chức bán quân sự, và cách sinh hoạt
cần lao trong những trại đó sẽ đủ hiệu quả để rèn đúc người thanh niên
thành một chiến sĩ quả cảm trong mặt trận thanh niên duy nhất của dân
tộc. Người thanh niên chiến sĩ ấy sau này sẽ xứng đáng là người “công
dân chiến sĩ” của nước Việt Nam mới, cộng hòa và dân chủ, tranh đấu trên
khắp các mặt trận để diệt hết những khuynh hướng phản động, đánh bại
hết những mưu xâm lược, và để thiết tha xây dựng cho kỳ được một nước
Việt Nam mạnh mẽ, tự do, sung sướng.
2. Giáo dục ở học đường
Địa vị vô cùng quan trọng của tất cả nền
giáo dục xã hội trên đây không làm giảm thanh thế của nhà trường tương
lai. Nền giáo dục xã hội với nền giáo dục học đường cùng nhằm một mục
đích, nhưng để đi tới mục đích ấy mỗi bên được lợi thế về một phương
diện. Vì vậy đôi bên đều cần lẫn đến nhau và phải bổ túc lẫn cho nhau.
Cũng vì vậy việc xây dựng một nền học chính mới, sau khi phá sạch nền
học nô lệ cũ, sẽ phải tiến hành gấp rút và rộng rãi, cùng một nhịp với
việc kiến thiết nền giáo dục xã hội.
Nguyên tắc đầu tiên sẽ hướng dẫn việc
kiến thiết học chính tương lai là một khẩu hiệu nhuộm thẫm tinh thần dân
chủ mới: nền học mai sau phải xứng đáng là nền học một nước cộng hòa,
dân chủ và cách mạng. Nó sẽ không miệt thị nhân cách như những nền học
ngu dân của các nước phát-xít, nó sẽ không hạ con người xuống làm bộ máy
thụ động, một đồ dùng chính trị, cúi đầu chịu nô lệ cho một thiểu số
quân phiệt hay tài phiệt tham tàn, giả dối. Không, không, trong nước Nam
mai sau, giá trị con người phải được tôn trọng, cá tính người dân phải
được phát triển tự do, tài năng mọi phần tử của quốc gia phải được nảy
nở đến tột bực. Người “công dân chiến sĩ” phải là một người, một phần tử
có ý thức, đủ năng lực tham dự tích cực vào đời sống quốc gia, biết
nhận rõ quyền lợi và bổn phận của mình cùng là quyền lợi chung và đường
tiến hóa chung.
Mục đích giáo dục mới mẻ cần đến một
phương pháp giáo dục mới mẻ. Cái lối dạy học nhồi sọ, cái phương pháp
giáo khoa viển vông xa thực tế, nó khiến cho học sinh chỉ là những con
vẹt để rồi một ngày kia vui lòng làm trâu ngựa, ta sẽ quét hết khỏi tất
cả các bậc học để thay vào đó một phương pháp dạy học hợp lý, hiệu
nghiệm. Phương pháp mới sẽ hoạt động: trong lớp học, vai chính nói
nhiều, hoạt động nhiều, sẽ không còn là thầy giáo mà phải là học sinh,
bài học sẽ không còn là một bài giảng đạo, mà phải là một cuộc tìm tòi,
nghiên cứu thú vị có tất cả lớp tham dự, dưới sự chỉ đạo của ông thầy.
Phương pháp mới sẽ thiết thực: đầu đề các bài học là những vấn đề thực
tế, và mục đích những bài học cũng là thực hành. Người học trò nhờ vậy
sẽ được dần dần đưa đi khám phá cuộc đời thực ở chung quanh mỗi ngày một
sâu hơn, rộng hơn, chứ không còn bị u mê trong những lý thuyết giữa
trời lơ lửng.
Sang đến phạm vi tổ chức các bậc học, và
xếp đặt các chương trình học, nguyên tắc dân chủ mới dẫn đến hai kết quả
lớn: một là làm cho học vấn hết sức phổ thông bằng cách bỏ học phí, bắt
đi học và cố gắng rút thật ngắn những bậc học; hai là làm cho học vấn
hết sức bình đẳng bằng cách áp dụng ở khắp nơi một chương trình học duy
nhất cho tất cả các hạng người, và hết sức hoãn chậm thời kỳ phải chia
ngành chuyên môn, trong phạm vi có thể, để cho tất cả mọi phần tử của
quốc gia, dù ở nghề nghiệp nào, cũng có một học lực căn bản kha khá.
Nền học phổ thông và bình đẳng mai sau ấy sẽ chia làm ba bậc cũng như ở hầu khắp các nước.
Bậc tiểu học bắt buộc và không
mất tiền, sẽ chiếm địa vị quan trọng hơn cả. Muốn cho toàn thể các gia
đình xứ ta có thể để cho con em, cả trai lẫn gái, học trọn bậc thứ nhất
này, chính phủ cần rút ngắn thời hạn học và hết sức giúp đỡ cho học trò
nghèo những vật liệu cần dùng như sách, vở, giấy, bút, hoặc cho không,
hoặc bán thật rẻ.
Nền tiểu học sẽ giữ công đầu trong công
cuộc khai thác dân trí. Nó nhằm mục đích mang lại cho đứa trẻ những kiến
thức thông thường cần thiết để sống trong cuộc đời hằng ngày, – sống
làm một người, sống làm một phần tử sản xuất, và sống làm một công dân.
Vì vậy, trong một thời hạn không được dài quá bốn năm, người học trò
phải đi đến chỗ biết đọc, viết thông thạo tiếng mẹ đẻ, có ít nhiều kiến
thức sơ đẳng về khoa học, kỹ thuật, và biết những điều thiết yếu về đời
sống xã hội trong phạm vi quốc gia như lịch sử dân tộc, lịch sử cách
mạng, bổn phận công dân, chính thể dân chủ mới, v.v… Chương trình mới mẻ
đó, đối với người học trò sẽ không có gì là nặng nề, vì dạy toàn bằng
tiếng Việt Nam và theo một phương pháp hoạt động và thực tế thì dễ thâu
thái lắm.
Trước khi vào năm thứ nhất bậc tiểu học, đứa trẻ có thể qua những lớp đồng ấu, tổ chức theo hình thức ấu trĩ viên, để chơi đùa, tập tành, trong một hoàn cảnh tốt lành.
Lớp đồng ấu và trường tiểu học, sẽ vừa do
chính phủ vừa do các công xã mở cấp tốc khắp nơi, để trong một thời hạn
ngắn, có thể tiến đến cái đích: “mỗi làng một trường tiểu học”. Thày dạy
trong buổi đầu sẽ là những giáo viên cũ, hoặc những người có học lực
tương đương với bực trung học cũ, do chính phủ kén chọn và huấn luyện
cấp tốc trong vài tháng cho hiểu rõ mục đích nền học mới và phương pháp
giáo khoa mới. Sách học cũng sẽ thay đổi hẳn: việc soạn những
cuốn sách giáo khoa thấm nhuần tinh thần tự do, cấp tiến, tự cường, và
trình bày một cách thú vị, khoa học, sẽ trao cho những ủy ban gồm những
nhà giáo có kinh nghiệm và những nhân vật có năng lực trong giới tư
tưởng, văn nghệ, cộng tác chặt chẽ với những ủy viên chính trị.
Bậc trung học chia làm hai cấp:
cấp thứ nhất, lâu chừng ba năm, chú trọng rèn luyện não phê bình và mở
mang thêm những kiến thức mà người học sinh đã lượm được ở bậc tiểu học,
đồng thời lại rèn đúc cho người thanh niên một quan niệm chính trị rõ
ràng. Cấp thứ hai, lâu chừng hai năm, bắt đầu chia thành chuyên khoa, để
sửa soạn cho những học sinh xuất sắc tiến lên bậc đại học hay lên
chuyên môn cao đẳng. Chương trình học gồm một phần giáo dục quốc gia,
một phần giáo dục chính trị và một phần giáo dục khoa học và chuyên môn,
trong đó môn sinh ngữ sẽ chiếm một phần đáng kể.
Trong bậc trung học, chính phủ phải đảm
nhận phần lớn nhất công việc mở trường. Sự cộng tác của tư gia và của
địa phương sẽ giúp cho chóng đi đến trình độ “mỗi tỉnh một trường trung
học”. Giáo sư trong buổi đầu cũng sẽ là những giáo sư cũ và những người
có học lực tương đương với bậc đại học cũ, do chính phủ kén chọn và huấn
luyện cho có đủ năng lực dạy học bằng tiếng Việt Nam, và đủ ý thức
chính trị dìu dắt những người thanh niên đã biết phê bình, và sớm hăng
hái muốn góp phần vào việc kiến thiết quốc gia. Còn sách giáo khoa sẽ do
những ủy ban chuyên môn biên soạn, gồm những nhà chuyên môn và những ủy
viên chính trị. Trong khi chờ đợi, để giúp đỡ cả thầy giáo lẫn học trò,
sẽ có thể cho xuất bản ngay một tờ học báo.
Đi sóng đôi với nền tiểu học và trung học tổ chức như trên đây lại còn có một nền học thực hành
tổ chức chu đáo để chọn lấy những học sinh tốt nghiệp ở các trường ra,
đào tạo thành những người cần lao, những phần tử sản xuất đắc lực. Học
sinh tốt nghiệp tiểu học, nếu muốn phá ngang vào đời, sẽ vào các trường dạy nghề
nhằm mục đích đào tạo những người thợ giỏi trong tất cả mọi ngành sản
xuất. Học sinh tốt nghiệp cấp thứ nhất bực trung học, nếu cần vào đời,
sẽ có những trường chuyên nghiệp đón lấy để rèn luyện thành những thợ chuyên môn, những nhân viên chỉ huy trung bình trong các xưởng thợ, và các sở công, tư.
Xem tổ chức học chính như trên, cái lý
tưởng của người học trò tương lai sẽ thực lành mạnh. Mộng mũ cao áo dài
sẽ bị đạp xuống tận bùn đen, khoa cử sẽ không còn là trung tâm học vấn.
Người thanh niên tương lai đến trường không phải để giật một mảnh bằng
mà là để được huấn luyện nên một người có năng lực hiểu rõ bổn phận và
quyền lợi của mình rồi chọn lấy một phần việc hợp với mình trong xã hội
Việt Nam.
Cái lối học khoa cử bị lật đổ hẳn như vậy nên bậc đại học
tương lai sẽ hiến ta một quang cảnh khác hẳn những ngày trước đây. Với
nền đại học, chúng ta đã bước đến giới hạn của vấn đề giáo dục, vì hệ
thống đại học không những là nơi đào tạo những người chỉ huy trong các ngành sinh hoạt của quốc gia, mà còn là một lò rèn để đúc lấy nền học thuật Việt Nam tương lai, để làm cho nền học thuật ấy có thể sánh vai với những nền học thuật ngoại quốc.
Trong nền đại học mới mẻ mai sau, học vấn
sẽ không còn tính chất “vườn cảnh” như dưới chế độ thực dân trước.
Những ban đại học và trường chuyên môn cao đẳng về đủ các môn
khoa học, pháp lý, văn học, chính trị, xã hội, kỹ thuật, quân bị sẽ mở
ra thực đầy đủ, để cung phụng nhân viên chuyên môn cho tất cả mọi ngành
sinh hoạt.
Trong thời kỳ đầu tiên của việc kiến
thiết nền đại học, vì thiếu giáo sư, nên ngoài những nhân tài nước ta đã
có, chính phủ sẽ phải mượn nhiều giáo sư ngoại quốc. Những bài học vì
vậy sẽ hoặc giảng bằng tiếng Việt Nam, hoặc giảng bằng tiếng ngoại quốc,
nhất là bằng tiếng Pháp, tiếng Anh là hai thứ sinh ngữ đã khá phổ thông
trong giới học sinh ta. Nhưng việc đào tạo nhân tài và bồi bổ quốc ngữ
sẽ phải tiến hành rất gấp, để ta có thể tiến tới một nền đại học do toàn
người Việt dạy toàn bằng tiếng Việt.
Những nhân viên chuyên môn xuất sắc nhất
trong nước, những nhà bác học về các ngành học thuật, lại còn được chính
phủ giúp đỡ cho đủ điều kiện theo đuổi việc khảo cứu bằng cách lập ra
những viện khảo cứu cho từng ngành và đặt những giải thưởng phát minh.
Một phương tiện đào tạo nhân tài đáng chú ý đặc biệt nữa là gửi học sinh ra nước ngoài. Chính phủ sẽ phải hết sức khuyến khích và nâng đỡ việc du học bằng cách cấp học bổng, lập những hội bảo trợ du học sinh, v.v…
Một phong trào xuất dương bồng bột phải nhóm lên trong giới thanh niên
để những nhân tài tương lai của nước ta sốt sắng đi học cho kỳ được
những cái hay của tất cả các cường quốc, đem về gom góp vào việc kiến
thiết nước nhà.
D. Luân lý, phong tục
Đi đôi với những cố gắng về giáo dục ở
học đường và ngoài xã hội mà mục đích là tạo nên lớp người Việt Nam mới,
phải có những cố gắng về luân lý, phong tục mà mục đích là tạo nên
những giá trị tinh thần Việt Nam mới để làm mực thước cho mọi sự hành
động trong cuộc sống mới.
Cuộc sống mới trước hết, không còn nghi
ngờ gì mà sẽ phải thoát khỏi những vết thương xã hội của đời sống cũ cho
kỳ được, nên mở đầu cho việc kiến thiết, chúng ta sẽ phải lo bài trừ
triệt để những nạn mãi dâm, thuốc phiện, cờ bạc, rượu chè. Bằng
pháp luật nghiêm ngặt, bằng tuyên truyền rộng rãi, bằng những công cuộc
xã hội lớn lao, chúng ta sẽ nhất định lọc cho trong trẻo cái làn không
khí đã bị bọn thực dân làm cho sặc mùi thuốc độc, chúng ta sẽ phải quét
cho sạch sẽ miếng vườn bị bọn đế quốc đổ rác ô uế.
Để đào thải những phong tục hủ lậu hoặc
đồi bại, chúng ta sẽ dùng đủ mọi phương tiện công, tư, gây một “phong
trào đời sống mới” bồng bột khắp mọi nơi và mọi tầng lớp dân chúng. Cách
sống của người dân trong gia đình, ngoài xã hội sẽ cải tổ hẳn lại về
mọi phương diện. Nhà ở mới, cách ăn mặc mới sẽ sửa đổi cho giản dị và
hợp vệ sinh mà không mất vẻ đẹp riêng của dân tộc; ngôn ngữ mới, cử chỉ
mới sẽ biểu lộ một tinh thần tự cường và trọng bình đẳng, tự do, mà
không kém vẻ thanh nhã; xã giao mới sẽ giản dị hơn, thành thực hơn; lễ
nghi mới, trong nhà hay ngoài xã hội, cũng sẽ trang nghiêm hơn, sơ sài
hơn, mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn và hợp với điều kiện sinh hoạt mới hơn.
Đồng thời, cái lý tưởng sống, trong nước
Nam mới, cũng không thể là những quan niệm hẹp hòi, hèn yếu, trụy lạc,
vị kỷ nó đã làm hại dân tộc ta bao lâu nay. Muốn tiến, dân tộc ta phải
gắng sức đi tới một nền luân lý mới, rộng rãi, hợp với đời đoàn thể mới,
– một nền luân lý lấy một lý tưởng quốc gia chân chính, rộng rãi
thay vào cái lý tưởng gia đình hẹp hòi, hoặc cá nhân vị kỷ cũ, lấy tinh
thần tự do, bình đẳng thay vào tôn ti phong kiến cũ. Làm việc cho nước
Nam mới, trong nền luân lý ấy, sẽ phải trở nên mối thắc mắc thường trực
của tất cả mọi người, – và phụng sự cho nước Nam dân chủ cộng hòa, phải
là cả một thứ tôn giáo hấp dẫn mạnh mẽ tất cả mọi công dân, cũng như nó
đã hấp dẫn tất cả các đồng bào cùng tất cả các đồng chí đã chiến đấu với
kẻ thù trên khắp các mặt trận.
Nói đến một nền luân lý mới, chúng ta
không thể quên vấn đề phụ nữ, nó sẽ chỉ định một phần lớn cái đà tiến
hóa tương lai của dân ta. Chúng ta làm sao có tự do, bình đẳng thực, nếu
chưa giải phóng cho bạn gái – tức là một nửa dân tộc – khỏi
những sự đè nén, do những quan niệm khắc nghiệt, thiên lệch còn sót lại
của một thời đã chết. Chúng ta làm sao có thể tiến mau chóng đến ánh
sáng, nếu cả một nửa dân tộc còn lãnh đạm với những công việc kiến
thiết? Đời sống đoàn thể mai sau sẽ nhất định lôi cuốn phụ nữ ra khỏi
gia đình, bắt gánh vác những trách nhiệm xã hội ngang với đàn ông, thì
nền luân lý mai sau còn ngại gì mà không trừ bỏ hẳn cái tinh thần bất
bình đẳng giữa nam, nữ trong gia đình và ngoài xã hội, còn ngại gì mà
không bài xích những chế độ làm giảm giá trị người đàn bà, như những
phong tục đa thê, cưới xin mua bán? Sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ
trong luân lý, phong tục phải hoàn thành cho sự bình đẳng hoàn toàn giữa
nam nữ về phương diện chính trị.
Đ. Văn học, nghệ thuật
Trong cái đời sống tinh thần hoạt động
sôi nổi, và rộng rãi, tự do, mà dân tộc ta sẽ tự kiến thiết, nền văn
học, nghệ thuật mới, nhất định sẽ gặp những điều kiện thuận tiện, và
nhất định sẽ lớn lên vùn vụt, theo kịp nền văn học, nghệ thuật của bất
cứ nước nào. Sách, báo, tác phẩm mỹ thuật, trong nước Nam mới ấy sẽ
không còn là đầu đề riêng cho một thiểu số trí thức bàn cãi, mà trái
lại, sẽ được toàn thể dân tộc chú ý và sẽ thấm nhuần vào ý thức quần
chúng, nghĩa là sẽ hợp với nhu cầu đại chúng, sẽ giải cho đại chúng được
những mối băn khoăn. Cái khối người thưởng thức đông đảo và có ý thức
cũng sẽ lại là lực lượng mạnh mẽ nhất để đập tan hết cả những xu trào
thoái hóa, phản động, phong kiến.
Về mặt văn học và nghệ thuật, sự giúp rập của quốc gia có nhiều cách.
Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận,
chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí
mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục
chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo
chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong
phú.
Trợ cấp cho những nhà văn và nghệ sĩ có tài, về tất cả mọi ngành như hội họa, điêu khắc, ca kịch, gây những nghệ thuật chưa có
ở ta, nhất là nghệ thuật chiếu bóng, làm cho đời sống những người phụng
sự văn hóa được một đôi chút thoải mái, nâng cao địa vị của họ trong xã
hội, khuyến khich những hội văn hóa mới ấy là gây đủ điều kiện cho nước ta có những tác phẩm sản xuất lâu dài, kỹ lưỡng, dư giá trị. Bênh vực quyền lợi,
chẳng lấy gì làm nhiều nhặn, của những nhà văn nghệ, của những “kỹ sư
linh hồn” bị bạc đãi, cũng là một việc mà nhà lập pháp cần nghĩ đến.
Muốn cho đàn văn nghệ hoạt động một cách
chưa từng thấy, muốn khuyến khích sự sản xuất những tác phẩm công phu và
giá trị, chính phủ còn có thể đặt những giải thưởng toàn quốc về văn chương, mỹ thuật, tổ chức những cuộc trưng bầy lớn lao, lập những viện bảo tàng để bảo tồn tinh hoa nghệ thuật, và lập nhà in và nhà xuất bản quốc gia theo lối làm việc tập đoàn.
Để gây cho văn học một thanh thế đặc biệt, ta sẽ còn thấy mở những viện văn học,
đỉnh cao nhất của nền văn học tương lai. Những viện đó có thể chia làm
nhiều ban, gồm những “ngôi sao” về mỗi ngành văn học, nghiên cứu về
tiếng nói, lịch sử, triết lý, văn chương v.v… Các ban chuyên môn trong
những viện văn học sẽ có thể giúp một phần rất lớn vào việc giải quyết
những vấn đề cấp bách có quan hệ đến văn hóa của ta, như cải cách chữ
viết, thống nhất tiếng nói, đặc chuyên ngữ khoa học, hay ấn định chính
tả và văn phạm. Tổ chức khéo léo, viện văn học sẽ có thể là một lò đúc
lớn lao của nền văn học mới.
Sau hết, muốn thổi vào nền văn hóa của ta
những luồng gió mới lạ từ phương xa tới và đồng thời mở rộng ảnh hưởng
văn hóa của ta ra ngoài cả biên giới dân tộc, quốc gia sẽ lập nên những cơ quan trao đổi văn hóa
với ngoại quốc, gửi những phái bộ văn hóa của ta ra nước ngoài, đón
tiếp đại biểu văn hóa các nước, hết sức tìm thâu thái những cái hay của
người, gây một phong trào thành thực tìm hiểu nhau giữa các dân tộc, để
góp một phần vào công cuộc kiến thiết nền văn hóa chung của cả thế giới.
***
Chúng ta cùng nhau nhìn hướng về cái
quang cảnh đời sống văn hóa trong nước Nam ngày mai. Cả một dân tộc, sau
khi đã đứng thẳng lên, đạp sang bên những đoạn xiềng xích lả tả mà tiến
lên. Khắp các làng, các tỉnh, khắp các lũy tre, các xưởng máy, bùng lên
một phong trào đi học, tìm học sôi nổi và lôi cuốn. Kẻ đi trước dắt
người đi sau, kẻ sáng dìu người tối, lớp học chữ quốc ngữ mở khắp nơi,
câu lạc bộ, thư viện bình dân mọc lên như nấm; sân vận động, phòng thông
tin, nhà chiếu bóng, rạp hát bình dân cuồn cuộn hấp dẫn người; đoàn,
trại thanh niên tới tấp hoạt động; trường học mở rộng cửa đón chào nhộn
nhịp; tầu đi xa chở đầy du học sinh… cái sức sống của dân tộc được cởi
mở, vùng dậy và tìm hết cách để tự giải phóng, tự giác ngộ cho thực hoàn
toàn. Những ánh sáng mới, những luồng gió mới, nhờ đó ào đến, quét sạch
mây mù, thay đổi hẳn bầu trời, biến cái quang cảnh sinh hoạt tối tăm,
trì trệ, vắng vẻ hôm qua thành một đời sống sáng láng, hoạt động, sầm
uất, rộng rãi. Một tin tưởng mới, đầm ấm, mạnh mẽ, hòa hợp mọi tâm hồn,
thiết tha tìm xây dựng tự do, hạnh phúc chung và giằng đứt tất cả những
giây ràng buộc khắc nghiệt, thiên lệch, của thành kiến cũ, để sáng tạo
những thói quen mới, giản dị, bình đẳng và mạnh dạn. Rồi trong cái đời
sống tinh thần sôi nổi và rộng rãi ấy, văn chương, nghệ thuật, khoa học,
tư tưởng, vụt lớn lên, nẩy nở đẹp đẽ. Những công trình văn hóa tràn
ngập khắp chợ, khắp quê, lớp đại chúng khao khát đón từng cuốn sách,
từng số báo, từng điệu hát, từng bài thơ, từng bản kịch, từng phim ảnh,
cả từng phát minh nhỏ về khoa học hay kỹ thuật, đem ra áp dụng, phê bình
sôi nổi, trong các câu lạc bộ, các thư viện, các trường học, các xưởng
máy, các cánh đồng.
Cái quang cảnh tràn đầy sức sống ấy, chúng ta sẽ phải trông thấy trong nước Việt Nam độc lập dân chủ cộng hòa.
Cái hình ảnh rực rỡ ấy khiến chúng ta
thêm vững lòng và vui sướng đem hết não tủy, xương máu ném vào cuộc
chiến đấu cuối cùng diệt hết quân thù.
Tháng 6 năm 1945
Nguồn: Sách in: Một nền văn hóa mới của
Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Hội Văn hóa Cứu quốc (trong Mặt trận
Việt Minh) xuất bản, Hà Nội, 1945; 50 trang 18,5 x 25 cm