Tam Tran
QUÍ TỘC NGA
Cuối thế kỷ
17 trong hơn một năm 1697-1698, nhà cải cách vĩ đại Nga Piotr Đại Đế đã dẫn một
phái đoàn hơn 250 người sang Châu Âu thăm viếng và học hỏi. Phái đoàn đã học
hỏi kỹ thuật hàng hải, đóng tầu thuyền, công nghiệp khai khoáng và chế tạo. Kỹ
thuật xây dựng đô thị, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, quản lý đô thị. Cũng
như hệ thống giáo dục, trường đại học, y tế, nghiên cứu khoa học. Nhưng hàng
đầu là kỹ thuật quân sự, xây dựng quân đội và hải quân.
Piotr Đại Đế
có sang Anh để học kinh nghiệm xây dựng hải quân, xây dựng hạm đội. Trong thời
gian lưu trú ở Anh, Piotr Đại Đế đã đến thăm Nghị Viện Anh. Nhưng sinh hoạt
nghị viện với những cuộc tranh luận triền miên không có hồi kết, không hề làm
ông xúc động mà chỉ làm ông bực mình, vì cho chúng là vô bổ. Từ đó, Piotr Đại
Đế không bao giờ quan tâm đến cái văn hóa chính trị “vớ vẩn” đó nữa.
Kết quả là
nước Nga không học phần Software mà chỉ học phần Hardware từ Châu Âu để xây
dựng Đế quốc quân chủ chuyên chế mạnh cạnh tranh với Châu Âu. Về phương diện
này Piotr Đại Đế và hậu duệ của ông đã rất thành công. Nước Nga trở thành nước
Quân chủ Chuyên chế tuyệt đối, một Đế quốc hùng mạnh rộng lớn trải khắp Á Âu từ
biến Baltic đến Thái Bình Dương, từ Bắc Băng Dương đến Hắc Hải, có ảnh hưởng to
lớn đến Châu Âu và toàn thế giới. Nhưng không có Hiến pháp và không có Nghị
Viện cho đến 1905.
SỰ HÌNH
THÀNH TẦNG LỚP QUÍ TỘC NGA
Để tổ chức
bộ máy nhà nước và quân đội hiện đại, Piotr Đại Đế đã tìm cách đào tạo quí tộc
Nga, bằng cách gửi họ sang Châu Âu học, nhằm xây dựng đội ngũ nòng cốt cho nhà
nước quân chủ chuyên chế của mình. Đồng thời, để thực hiện ý đồ này, Piotr Đại
Đế đã dùng mọi thủ đoạn “cưỡng bức” các lãnh chúa nhà quê Nga phải học hành,
phải thay đổi nếp sống, phải tiếp thu phong cách ứng xử và lời ăn tiếng theo
kiểu Châu Âu để trở thành quí tộc.
Để thực hiện
chương trình quí tộc hóa lãnh chúa nhà quê, ông đã tích cực đưa lối sống của
quí tộc Châu Âu vào Nga. Trước hết, ông thành lập các trường đại học ở St.
Petersburg và Moskva, mời các giáo sư danh tiếng Châu Âu sang giảng dậy. Còn
các thanh niên quí tộc Nga từ đó mất quyền từ chối đi học. Ông cũng xây dựng
công sở, thư viện và nhà hát ca nhạc kịch cổ điển theo kiểu Châu Âu.
Ngoài ra,
ông thường xuyên tổ chức các buổi vũ hội, hòa nhạc kiểu Châu Âu, để quí tộc Nga
và quí tộc Châu Âu gặp gỡ giao lưu. Những buổi dạ hội này, ban đầu được tổ chức
ở Hoàng Cung, về sau dần dần sinh hoạt văn hóa này, đã trở thành một hoạt động
thường kỳ ở các dinh thự quí tộc.
Đồng thời,
Piotr Đại Đế cũng bắt các cô các bà phải thay đổi hoàn toàn phong cách ăn mặc
truyền thống. Thay vì saraphan, họ phải chuyển sang mặc váy phồng, bó eo, hở
cổ, hở ngực theo đúng phong cách thời trang quí tộc Châu Âu khi đi dự dạ tiệc,
vũ hội và ngay ở nhà trong các buổi tiếp tân và hòa nhạc gia đình.
Ông bắt họ
ăn bằng dao, dĩa thay cho thìa gỗ, uống rượu bằng ly thay cho bát. Bắt họ bỏ
tiền thuê gia sư người Pháp dạy tiếng Pháp cho mình và con cháu. Ông còn mời
các chuyên gia giáo dục hàng đầu từ Pháp sang St. Petersburg và Moskva, để mở
trường đào tạo phong cách quí tộc.
Ở những
trường này, người ta dạy tiếng Pháp (cho ai cần), dạy khiêu vũ và các điệu nhảy
vũ hội cung đình, dạy phong cách đi đứng, dạy cầm ly, dao thìa dĩa đúng cách,
dạy qui tắc ứng xử và dạy ăn nói thanh lịch cho các quí cô, quí cậu quí tộc.
Nhưng có lẽ “dã man” nhất, là ông ép họ phải giao tiếp bằng tiếng Pháp không
chỉ với người nước ngoài, mà cả với nhau ở mọi nơi, mọi chỗ.
Đối với đàn
ông quí tộc nhà quê Nga, ông còn đối xử nghiêm khắc hơn rất nhiều. Trước hết,
ông bắt đám này phải cạo râu và cắt tóc (không tuân lệnh có thể bị phạt đánh
bằng gậy đến chết), phải đội tóc giả rắc phấn và mặc quần chẽn, áo bó tay đi dự
thiết triều, đến công sở, đến vũ hội và cả nơi công cộng.
Nhưng quan
trọng nhất, là ông mở các trường quân sự, và đàn ông quí tộc Nga phải trải qua
các khóa huấn luyện quân sự bắt buộc, để có kỹ năng cưỡi ngựa và biết sử dụng
thành thục mọi loại vũ khí, cũng như các chiến kỹ thuật tác chiến. Đồng thời,
quí tộc Nga bắt buộc phải sắn sàng phục vụ trong quân ngũ, bất cứ khi nào nhà
nước triệu tập.
Từ đó, quí
tộc Nga đã trở thành thành phần cốt lõi của đội ngũ sĩ quan chuyên nghiệp quân
đội Nga và bộ máy chính quyền Sa Hoàng. Kết quả là tuy chậm hơn Tây Âu (Pháp,
Anh, Tây Ban Nha …) độ 500 năm và Trung Âu (Đức, Áo, Hung, Ba Lan …) độ 300
năm. Nhưng cuối cùng, ở nước Nga cũng đã xuất hiện một tầng lớp quí tộc có học
khá đông đảo theo kiểu Châu Âu.
Về nghĩa vụ
và quyền lợi, những người quí tộc có nghĩa vụ phục vụ trong quân đội, trong bộ
máy của Sa Hoàng. Tùy thuộc công lao phục vụ, họ có thể được thăng tước hiệu
qúi tộc, ban thưởng thêm điền trang thái ấp và nông nô.
Tuy nhiên
sau khi được Sa Hoàng ban thưởng, những điền trang thái ấp này trở thành sở hữu
cá nhân của các nhà quí tộc, Sa Hoàng mất quyền can thiệp. Con cái quí tộc mặc
nhiên được hưởng quyền thừa kế vĩnh viễn tước hiệu quí tộc, dinh thự và điền
trang thái ấp. Những người thuộc các tầng lớp xã hội khác, nếu có công lao đặc
biệt, cũng có thể được Sa Hoàng ban tước hiệu và điền trang thái ấp, để gia
nhập tầng lớp quí tộc.
Những nhà
quí tộc phạm tội, cũng như ở Tây Âu, việc điều tra và phán xử tội trạng của họ
do Hội đồng Nguyên lão Quí tộc đảm nhận. Phán quyết cuối cùng thuộc về Sa
Hoàng. Như vậy, quí tộc Nga rất gần với chuẩn quí tộc Châu Âu về mọi phương
diên, kể cả kinh tế. Đúng hơn là nhờ có thu nhập từ điền trang thái ấp, quí tộc
Nga độc lập với nhà nước về phương diện kinh tế và thu nhập. Họ có thể làm nghề
tự do, có thể sống được không phụ thuộc vào lương bổng của chế độ Sa Hoàng.
SỰ HÌNH
THÀNH CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA QUÍ TỘC NGA
Trong bối
cảnh tầng lớp quí tộc được định hướng hình thành và khuyến khích phát triển,
một nền văn hóa ứng xử quí tộc theo chuẩn mực Châu Âu cũng nhanh chóng hình
thành. Trước hết liên quan đến giá trị cốt lõi của nhà quí tộc là vấn đề danh
dự và phẩm giá. Để giải quyết mâu thuẫn giữa quí tộc với nhau, những phương
tiện truyền thống trước đây được ưa dùng như nắm đấm, rìu bổ củi, cuốc thuổng
và gậy gộc, bị Hội đồng Quí tộc cấm tuyệt đối.
Mọi mâu
thuẫn giữa quí tộc liên quan đến danh dự, nhất là của các quí bà và quí cô,
phải giải quyết bằng thách đấu (duel) bằng gươm hoặc súng. Và nhất định phải có
chiến thư, có người làm chứng. Những hành vi như gửi thư nặc danh, cắn trộm,
đánh lén, phục kích hay đánh hội đồng như trước đây, bị tích cực lên án, khinh
bỉ và tẩy chay.
Như vậy, lãnh
chúa nhà quê Nga bị bắt buộc phải trở thành quí tộc có học, theo đúng chuẩn mực
Châu Âu. Danh dự, sự cứng cỏi và tự tôn, lòng trung thành với nghĩa vụ quí tộc,
với Sa Hoàng, với lời tuyên thệ sỹ quan và đức tin Kito Chính thống giáo, là
những phẩm chất tiên quyết bắt buộc phải có của một nhà quí tộc.
Ngoài ra, sự
trung thực và thẳng thắn, chính trực và công bằng, tiết chế và độ lượng, khoan
dung và chuộng lẽ phải, cũng là những phẩm chất mà người quí tộc cần phải có.
Và tất nhiên, người quí tộc phải cao thượng và có tinh thần hiệp sỹ. Nghĩa là
trong chiến trận, hay ở những tình huống nguy hiểm, họ phải là những người xông
lên hàng đầu và rút lui cuối cùng.
Trong các
cuộc chiến tranh Châu Âu, đội ngũ sỹ quan quí tộc Nga nổi tiếng là biết bảo
toàn danh dự sỹ quan, dũng cảm đến liều lĩnh, kiên cường, thiện chiến và giỏi
chịu đựng.
Tóm lại, quí
tộc Nga tuân thủ một bộ qui tắc ứng xử, tương tự như qui tắc ứng xử quí tộc Anh
hay là Bushido của samurai Nhật. Công tước Andrei Bolkonsky, nữ Bá tước Natalia
Rostova trong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, hay nữ Bá tước Anna Karenina,
Bá tước Alexey Vronsky trong tiểu thuyết cùng tên, những nhân vật gần gũi với
chúng ta qua văn học Nga, chính là những hình mẫu quí tộc Nga tiêu biểu.
Thời Piotr
Đại Đế (1672-1725) và Catherine II (1729-1796), là giai đoạn thành hình và
trưởng thành của quí tộc Nga. Trong thời kỳ đó, đối với quí tộc Nga, việc được
phục vụ chế độ quân chủ chuyên chế là ý nghĩa, là giá trị lớn nhất trong cuộc
sống. Ho không băn khoăn nhiều về vai trò xã hội của mình, về nhân dân, nhất là
nông nô Nga. Ngược lại, họ vẫn coi việc bóc lột nông nô là một quyền thiêng
liêng tự nhiên. Nghĩa là họ mới là tinh hoa xã hội danh định, chứ chưa phải
tinh hoa thực sự dẫn dắt xã hội, và dù rất có học, họ hoàn toàn chưa có thể
được coi là tinh hoa trí thức.
VAI TRÒ CỦA
TRÍ THỨC QUÍ TỘC VÀ TRÍ THỨC NGA
Đầu thế kỷ
19, đã diễn ra một sự thay đổi nhận thức to lớn, một sự “bừng tỉnh” của quí tộc
Nga. Trước hết, là ở những nhà quí tộc trẻ tuổi, là sỹ quan quân đội Nga tham
gia chiến tranh Vệ Quốc 1812 chống Napoleon. Từ Paris, từ nước Pháp cách mạng,
nơi chế độ nông nô đã được bãi bỏ trước đó vài thế kỷ, nơi Hiến pháp và tinh
thần Cộng Hòa đang trở thành những giá trị mới và là nền tảng của xã hội . Nơi
dân quyền và TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI không chỉ là một khẩu hiệu. Họ đã trở về
nước Nga với một nhận thức hoàn toàn khác.
Những nhà
quí tộc trẻ tuổi này đã trở thành những người tích cực phản biện chế độ chế độ
nông nô tàn bạo lạc hậu, chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối Sa Hoàng tăm tối
lúc đó ở Nga. Họ bắt đầu cổ súy cho việc bãi bỏ chế độ nông nô, cho việc thiết
lập chế độ Quân chủ Lập hiến hay đi xa hơn là nền Cộng Hòa. Họ là những người
mang tư tưởng của các nhà Khai sáng Châu Âu về Nga. Trên thực tế, họ đã trở
thành giới tinh hoa trí thức Nga lứa đầu tiên.
Đặc điểm
chính của tầng lớp quí tộc tinh hoa trí thức này, là họ có tư duy độc lập, có
nhận thức đúng về lẽ phải và qui luật khách quan phát triển xã hội. Họ có ảnh
hưởng tư tưởng đáng kể trong xã hội, về phương diện khai sáng và nâng cao dân
trí. Họ luôn đứng về phía lẽ phải và tìm cách thay đổi xã hội. Một số người
trong số họ, là bạn của nhà thơ Nga vĩ đại Alexander Pushkin, một nhà quí tộc
Nga tiêu biểu.
Những nhà
trí thức quí tộc này đã khởi xướng cuộc Cách Mạng Tháng Chạp 1825, bằng cuộc
binh biến chống lại chế độ Sa Hoàng trên Quảng trường Thượng Viện ở St.
Petersburg. Cuộc binh biến bị đàn áp khốc liệt, nhiều người bị giết, nhiều
người khác bị bắt giữ, bị kết án và xử tử. Hàng trăm người tham gia binh biến,
đã bị tuyên án đầy biệt xứ đi Siberia băng giá.
Phần lớn
những người vợ và các vị hôn thê của các nhà cách mạng Tháng Chạp này,
đã vĩnh viễn rời bỏ St. Petersburg theo chồng đi đày biệt xứ và chia sẻ
mọi gian khổ với họ ở Siberia. Đây là một trong những câu chuyện bi tráng
và tiêu biểu nhất về phẩm chất kiên cường của phụ nữ quí tộc Nga. Vợ các nhà
cách mạng Tháng Chạp đã trở thành thần tượng của nhiều thế hệ người Nga,
một biểu tượng tinh thần của trí thức và một tượng đài trong văn hóa Nga.
Cùng lúc đó,
nhiều nhà trí thức quí tộc Nga khác đã tìm cách thay đổi xã hội theo một đường
lối khác. Họ tích cực đưa tư tưởng Khai sáng Châu Âu vào văn học, văn hóa nghệ
thuật, âm nhạc hội họa, vào khoa học kỹ thuật và kinh tế Nga, tạo nên một sự
phát triển thần kỳ.
Từ giữa thế
kỷ 19, và đặc biệt sau khi chế độ nông nô được bãi bỏ 1861, ở nước Nga tầng lớp
tinh hoa trí thức phát triển nhanh chóng, nhờ được bổ xung một lực lượng hùng
hậu từ các giai tầng xã hội khác ở Nga: viên chức, tăng lữ, thương nhân, nông
dân và nông nô cũ. Cùng với trí thức quí tộc, họ tạo một tầng lớp tinh hoa trí
thức xuất sắc khá đông đảo. Những người đã tạo nên Thế Kỷ Vàng và Bạc trong văn
học Nga.
Ở Nga cuối
thế kỷ 19, đầu 20, tầng lớp tinh hoa trí thức Nga trở thành động lực chính và đóng
vai trò dẫn dắt sự phát triển thần kỳ của nước Nga trong mọi lĩnh vực, từ khoa
học kỹ thuật đến kinh tế, từ văn hóa nghệ thuật, âm nhạc hội họa, balett đến cả
cải cách xã hội, làm Châu Âu (trước hết là nước Đức) phải kinh ngạc, e dè và
tìm mọi cách kìm hãm.
Tôi xin phép
chỉ kể đến một vài cái tên tri thức quí tộc tiêu biểu nhất như Lev Tolstoy,
Fyodor Dostoyevsky (văn học), Piotr Tchaikovsky, Igor Stravinsky (âm nhạc),
Ilya Repin, Ivan Aivazovsky (hội họa), Dmitri Mendeleev, Ivan Pavlov (khoa
học), Georgi Plekhanov (kinh tế), Sergei Witte, Piotr Stolypin (cải cách kinh
tế), Mikhail Bakunin, Piotr Kropotkin (tư tưởng, cách mạng).
Trong một
thời gian dài giới tinh hoa trí thức Nga, bao gồm cả tinh hoa trí thức quí tộc
đã rất cố gắng và họ đã thành công trong việc hình thành ở xã hội Nga một nhận
thức sâu sắc, về việc cần thiết phải tiến hành cách mạng để thay đổi chế độ Sa
Hoàng. Họ thực hiện điều này bằng các hình tượng và cảm xúc nghệ thuật trong
các tác phẩm văn học, bằng những bài chính luận về những bế tắc chính trị xã
hội và tư tưởng đạo đức trong xã hội Nga.
Giới tinh
hoa trí thức Nga đã thành lập các đảng phái, các tổ chức xã hội chính trị đối
lập trong chế đố Sa Hoàng, và là thành phần chủ đạo trong các tổ chức này. Năm
1917, khi nước Nga thất bại trong Thế chiến Thứ nhất, giới tinh hoa trí thức
Nga đã tổ chức và lãnh đạo các cuộc cách mạng Tháng Hai và Tháng Mười năm 1917
lật đổ chính quyền Sa Hoàng.
Cũng chính
họ đã nhiệt tình, say sưa thuyết phục công chúng rộng rãi Nga tiếp nhận cách
mạng. Để rồi sau đó, phần lớn giới tinh hoa trí thức (trước hết là trí thức quí
tộc) Nga đã vĩnh viễn đi vào “hậu trường lịch sử” hoặc rời khỏi nước Nga sau
Nội chiến (1917-1922) và trong các cuộc đấu tranh giai cấp dưới chế độ chuyên
chính vô sản thời kỳ Xô Viết.
PS. Trong
thời kỳ Xô Viết, tuy đã biến mất như một tầng lớp, nhưng tinh thần và truyền
thống của trí thức quí tộc Nga, trước hết về phương diện danh dự, phẩm giá và
trách nhiệm xã hội vẫn được bảo tồn ở một số cá nhân trí thức (không nhất thiết
xuất thân quí tộc) trong nhiều lĩnh vực từ khoa học kỹ thuật đến văn hóa nghệ
thuật.
Trong số này
có những cá nhân trí thức tiêu biểu như nhà văn Alexander Solzhenitsyn, hay nhà
khoa học Andrei Sakharop, những người đã trở thành lãnh tụ tinh thần, tiêu biểu
cho chuẩn mực tinh thần đạo đức xã hội, giống như Lev Tolstoy thời kỳ nước Nga
Sa Hoàng.
Sau khi Liên
Xô sụp đổ, ở nước Nga mới nhiều hội đoàn bao gồm hậu duệ các dòng họ quí tộc
Nga đã được thành lập, nhưng chẳng hề có một ảnh hưởng xã hội đáng kể trong bất
cứ lĩnh vực nào.
Đồng thời ở
nước Nga hôm nay cũng không có một khuôn mặt nào có thể coi là lãnh tụ tinh
thần tiêu biểu cho chuẩn mực tinh thần đạo đức xã hội, giống như Lev Tolstoy
thời kỳ nước Nga Sa Hoàng, hay Alexander Solzhenitsyn và Andrei Sakharop thời
kỳ Xô Viết. Cũng khác với thời kỳ nước Nga Xô Viết, giới tinh hoa Nga ngày nay
chẳng có gì để nói về quyền lực mềm với thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét