HỌC VIỆN CÁC
CÔ GÁI CAO QUÝ SMOLNY NGA
Chào các bạn thân mến. Trong loạt bài viết gần đây về Tinh hoa
Phương Tây và Tinh hoa Nga Xô Viết, Tinh hoa Nga đương đại (10,12/07/2019) trên FB này, tôi có đề cập đến
việc, là nếu sự phát triển về mặt cấu trúc, hệ giá trị và cơ chế vận hành của
giới tinh hoa Phương Tây là một quá trình tiệm tiến liên tục, thì sự phát triển
của tinh hoa Nga Xô Viết, tinh hoa Nga đương đại lại đứt đoạn, đảo lộn và tối
giản dần dần.
Một trong
những biểu hiện dễ thấy là cách xưng hô. Ở nước Nga Sa Hoàng trước 1917, từng
có nhiều hình thức xưng hô để thế hiện các sắc thái khác nhau trong mối quan hệ
giao tiếp xã hội.
Trường hợp
phụ nữ thượng lưu (quý tộc, doanh nhân, trí thức), các cô gái trẻ được gọi là
tiểu thư (барышня), các bà được gọi là quý bà (сударня). Trường hợp phụ nữ bình
dân, nông dân phụ nữ không quá già và các cô gái trẻ được gọi chung được gọi là
cô gái (девушка).
Sau 1917,
chính quyền Xô Viết đã thông qua Nghị định về việc bãi bỏ các giai tầng và
ngạch bực quan chức. Từ đó các cô gái trẻ không còn được phân chia thành tiểu
thư hay cô gái nữa, mà tất cả được gọi là cô gái (девушка). Thực ra, còn một
hình thức xưng hô khác đối với phụ nữ có tuổi là bà (женшина). Nhưng hình thức
này bị các nhà nữ quyền Xô Viết bác bỏ, vì quá nhấn mạnh tuổi tác.
Ở nước Nga
hiện nay, việc xưng hô có vẻ ngày càng trở thành thô tục và dân dã hơn. Sau khi
Liên Xô sụp đổ, người ta đã từng rất cố gắng đưa cách xưng hô trân trọng ngài
(господин) đối với nam và quý bà (госпожа) đối với nữ (từng phổ biến ở xã hội
Nga Sa Hoàng trước 1917) vào đời sống xã hội, nhưng hoàn toàn thất bại.
Sau hơn 70
năm sống trong xã hội Xô Viết công nông binh hóa, người Nga đã quen với danh
xưng trung tính đồng chí (товарищ) cho cả nam và nữ, nên danh xưng ngài
(господин) được tiếp nhận như một cách xưng hô xếch mé, mỉa mai.
Trong cuộc
sống hàng ngày, một số không nhỏ người Nga vốn chẳng kế thừa được sự lịch thiệp
của người Nga thời kỳ Sa Hoàng, và cũng quên ngay lập tức nếp giáo dục “bốn
phương vô sản đều là anh em" Xô Viết, lại cộng thêm đôi chút mặc cảm tự ty
trước thế giới bên ngoài, nên thường có những cách biểu thị sự “ưu trội” của mình
rất “kỳ dị”. Chẳng hạn bằng cách xưng hô khinh miệt phủ đầu đối với một số
“ngoại nhân”, mà họ automatic mặc định là thấp kém hơn họ.
Một lần ở
cửa hàng vật tư phim ảnh của mình ở Moskva, tôi chứng kiến một “quý bà” khách
hàng người Nga tuổi độ 35 dáng vẻ học thức, đang to tiếng về xuất xứ phim Kodak
Gold 3 (Singapore) với các cô bán hàng Ukraina của tôi. Khi tôi lên tiếng tham
gia giải thích, thì “quý bà” quát lên ngắt lời tôi “Эй мужик! Оставь нас, это
не твое дело!” (Đồ nhà quê! Kệ chúng tao, đây không phải việc của mày!”.
“Thưa quý
bà, tôi biết bà không phải là người tốt nghiệp Học viện các cô gái cao quý
Smolny, nhưng hẳn là bà cũng không phải là Ellochka – ăn thịt người (một hot
girl thời Xô Viết, nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng “12 chiếc ghế” của Ilf và
Petrov, cô này có vốn từ vựng độ 300 từ, nên được coi là ngang tầm dân các bộ
lạc Châu Phi ăn thịt người). Xin hãy kiềm chế!”, tôi từ tốn trả lời.
Mặt bà khách
người Nga bổng trở nên đỏ lựng, và liền quay ngoắt người bước ra cửa. Vừa đi bà
vừa lầm bầm “Если у вас такое мнение о русских, зачем вы здесь в России?” (Nếu
ông nghĩ không hay như vậy về người Nga, thì ông ở nước Nga làm gì?). Vì trong
cửa hàng còn một vài khách hàng khác, nên tôi phải cấm các cô bán hàng Ukraina
không được cười.
Hôm nay tôi
xin phép giới thiệu với các bạn về “Học viện các cô gái cao quý Smolny”- câu
thần chú đã giúp một “quý bà” ở nước Nga đương đại nhanh chóng tìm lại được
mình.
CATHERINE II
VÀ HỌC VIỆN CÁC CÔ GÁI CAO QUÝ SMOLNY
Ngày
05/05/1764, thuận theo sáng kiến của I. I. Betsky, Chủ tịch Viện Hàn lâm Nghệ
thuật Hoàng gia, Nữ Hoàng Catherine II (1729-1796) đã ký một Nghị định về việc
thành lập “Hội giáo dục các cô gái quý tộc Hoàng gia” ở St. Petersburg, nhằm
”mang đến cho quốc gia những người phụ nữ có học thức, những người mẹ tốt và
những thành viên có ích trong gia đình và xã hội”.
Về sau Hội
giáo dục này được đổi tên là Học viện Smolny (xuất xứ từ tên Cung điện Smolny
(Hình 3), do Piotr Đai Đế xây dựng gần làng Smolny, nơi có một nhà máy nhựa
đường).
Nữ Hoàng
Catherine II (Hình 1) bạn của Voltaire, Diderot, một người hâm mộ những ý tưởng
tiến bộ về giáo dục tinh hoa của Montaigne, Locke và Fenelon, muốn thành lập
một tổ chức giáo dục tương tự như Học viện Thiếu sinh quân Saint-Cyr tại Paris.
Theo điều lệ của Học viện Smolny, tuổi nhập học của các bé gái học viên là
không quá 6 và thời gian học là 12 năm.
Đồng thời,
cha mẹ những đứa trẻ này phải ký cam kết, rằng họ sẽ không yêu cầu đưa chúng
quay về sống ở gia đình vì bất kỳ lý do gì, cho đến khi hết thời hạn 12 năm. Học
viện các cô gái quý tộc Smolny là tổ chức giáo dục phụ nữ đầu tiên ở Nga, là
khởi đầu của nền giáo dục phụ nữ Nga. Đồng thời cũng là cơ quan giáo dục nữ
sinh cao cấp nhà nước đầu tiên ở Châu Âu.
Nữ Hoàng hy
vọng, rằng bằng việc cách ly các bé gái trong một thời gian dài khỏi môi trường
tối tăm thiếu hiểu biết, sau 12 năm, Học viện sẽ trả lại gia đình những cô gái
phát triển toàn diện, cao quý từ nội dung đến hình thức, một “loại người mới”
khả dĩ giúp xã hội Nga có nếp sống bớt thô lậu và đạo đức hơn.
Thượng viện
Nga được lệnh in và phân phát điều lệ của Học viện này đến tất cả các thành
phố, tỉnh thành nước Nga, "để mỗi nhà quý tộc nếu họ muốn, có thể giao phó
các bé gái măng tơ của mình cho cơ quan giáo dục nhà nước. Số lượng học viên
khóa đầu là 200, ở cơ sở đầu tiên của học viện là Tu viện Novodevichie (Hình
2).
Trong quá
trình phát triển, từ 1765, Học viện Smolny đã bắt đầu được mở rộng cho các học
viên bé gái thuộc tầng lớp bình dân (trừ nông nô). Tại Học viện Smolny, một tòa
nhà mới do KTS J. Velten thiết kế, đã được xây dựng dành riêng cho chúng (Hình
4).
Ban đầu, học
sinh được chia thành bốn lứa tuổi: từ 6 đến 9 tuổi đồng phục nâu cafe sữa, từ 9
đến 12 tuổi đồng phục xanh thẫm, từ 12 đến 15 tuổi đồng phục xanh da trời , từ
15 đến 18 tuổi đồng phục trắng. Màu nâu tượng trưng cho sự gần gũi với đất mẹ
và rất thiết thực với trẻ nhỏ. Màu sắc nhẹ hơn tượng trưng cho giáo dục ngày
nâng cao và sự cẩn trọng.
Các môn học
chính, là Giáo Luật (Kito giáo Chính thống) và các ngôn ngữ (tiếng Nga, ngoại
ngữ). Chương trình học cũng bao gồm các môn văn học, địa lý, toán (số học),
lịch sử, âm nhạc (Hình 5,6) , khiêu vũ (Hình 7,8), vẽ, các phép cư xử lịch sự
tao nhã, công việc nội trợ (hình 9). Giáo dục đạo đức được chú ý đặc biệt. Đội
ngũ giáo viên của Học viện Smolny bao gồm những chuyên gia Nga và nước ngoài
xuất sắc nhất (Hình 12,13).
Nhà trường
mở cửa đối với con cái quý tộc mọi thành phần, kể cả con cái các nhà cách mạng
Tháng Chạp, những nhà quý tộc từng tiến hành binh biến chống Sa Hoàng Alexander
I năm 1825. Con cháu họ và con cháu Sa Hoàng học cùng nhau. Kỷ luật học đường
rất chặt chẽ và nghiêm khắc, mà hàng đầu là đối với con cái các Sa Hoàng. Vì
trong tương lai, những bé gái này sẽ là những phu nhân quý tộc có thẻ có ảnh
hưởng lớn đến vận mệnh quốc gia.
Nữ Hoàng
Catherine II đã có mặt tại buổi lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên của các thiếu nữ
quý tộc, cũng như các thiếu nữ bình dân (diễn ra ngày 11/ 05/1776). Những học
viên xuất sắc được ban thưởng một nơ trắng sọc vàng có thêu tên Catherine II.
Từ đó việc Sa Hoàng và các thành viên hoàng tộc tham dự các buổi lễ tốt nghiệp
này trở thành thông lệ.
Năm 1796,
sau khi Catherine II mất, Học viện Smolny đã được đặt dưới sự giám sát của
Hoàng hậu Maria. Từ 1797, thời gian học của các bé gái giảm xuống còn 9 năm. Vì
Hoàng hậu Maria tin rằng, những đứa trẻ bị cách lý quá lâu từ lúc bé khỏi cha
mẹ, khi trở về nhà, chúng có thể cảm thấy “ghê sợ” với nếp sống của cha mẹ. Học
viện bắt đầu tiếp nhận các bé gái từ 9 tuổi, và 10 tuổi đối với các bé gái xuất
thân bình dân.
Năm 1806, một
tòa nhà đặc biệt dành cho Học viện Smolny đã được xây dựng theo đồ án của KTS
Giacomo Quarenghi (Hình 10). Năm 1848, khóa sư phạm 2 năm đào tạo nữ giáo viên
đã được mở tại Học viện. Đồng thời Khoa các thiếu nữ bình dân của Học viện được
chuyển thành Trường Trung Học Alexander St. Petersburg (từ năm 1891 - Học viện
Alexander).
Vào những
năm 1859-1862, dưới sự chỉ đạo của thanh tra K.D. Ushinsky, chương trình học
tập của Học viện có nhiều thay đổi tiến bộ rất đáng kể. Chương trình giảng dạy
cơ bản bảy năm mới với số lượng lớn các tiết học dành cho các môn tiếng Nga,
địa lý, lịch sử, khoa học tự nhiên và giáo dục thể chất (Hình 11-trượt băng).
Tháng
10/1917, Nữ Công tước V. V. Golitsyna đã đưa Học viện Smolny chuyển về thành
phố Novocherkassk phía Nam nước Nga. Khóa tốt nghiệp cuối cùng của Học viện ở
Novocherkassk nước Nga là 02/1919. Mùa hè năm 1919, Học viện Smolny đã rời khỏi
Nga và tiếp tục làm việc tại Serbia.
DẤU ẤN CỦA
NỮ SINH SMOLNY
Với lịch sử
hơn 250 năm, Học viện Smolny có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và
văn hóa Nga. Nhiều học viên đã trở thành những thị nữ hàng đầu trong Hoàng
cung, nhiều người khác đã trở thành những phu nhân sáng giá nhất, là đại diện
xuất sắc của giới quý tộc Nga trên các diễn đàn Châu Âu đương thời.
Nhiều học
viên Smolny đã trở thành “ngôi sao” của các buổi vũ hội hòa nhạc cung đình, gia
đình quý tộc (như Natalia Rostova hay Anna Karenina trong các tác phẩm của Lev
Tolstoy), góp phần đưa St. Petesburg và Moskva trở thành những thủ đô văn hóa
Châu Âu.
Nhiều người
trong số họ trở thành những chuẩn mực về đạo đức và phong cách ứng xử, góp phần
nâng cao tầm vóc văn hóa Nga, mà thiếu họ rất khó hình dung các nhà văn Nga có
thể viết nổi những tác phẩm lớn của mình. Một số học viên Smolny đã trở thành
những nhà giáo dục, nhà khoa học, những tác gia xuất sắc và thậm chí là các nhà
cách mạng kiên cường..
PS. Gần đây một số người Nga hoài cổ kêu gọi phục dựng Học viện
các cô gái cao quý Smolny. Nhưng công chúng Nga tỏ vẻ rất "nhạt nhẽo"
với sáng kiến này, vì ít ai tin rằng, có thể phục dựng được viên ngọc sáng chói
trên Vương miện nước Nga đã tan vụn từ quá lâu. Khôi phục một truyền thống tốt
đẹp, đặc biệt là những giá trị đạo đức, bao giờ cũng là một công việc thiên
nan, vạn nan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét