Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

Nga ngố 7

SỰ ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI MONG MANH CỦA NƯỚC NGA
LỜI GIỚI THIỆU
Trong một bài viết gần đây (12/12/2018) trên FB của mình “Câu chuyện nước Nga về bà quan chức điển hình và ông đại biểu khác thường”, tôi có đề cập đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, cũng như vấn nạn tham nhũng hiện đang rất nhức nhối ở nước Nga. Kết quả là với một mức GDP trung bình người xấp xỉ nhau, so với người Nga, thu nhập thực tế của người Ba Lan (không có dầu khí, không có vũ khí hạt nhân, không xuất khẩu vũ khí, không có tư tưởng Đại Nga, thu nhập tương đối bình đẳng và ít tham nhũng) cao hơn gấp đôi. Đặc biệt cuộc sống của người về hưu, người già Ba Lan cao và bình ổn hơn hẳn người Nga.
Không những thế vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, gần 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, hiên nay giới tinh hoa lãnh đạo đã đưa nước Nga đến một tình trạng bế tắc lịch sử. Một điều mà gần đây nhiều nhà nghiên cứu chính trị và chính khách Nga mới nhận biết được, đặc biệt là những người thuộc cánh tả. Dưới đây tôi xin phép giới thiệu bài viết về những vấn đề này của nhà nghiên cứu chính trị xã hội Nga Nikolai Mironov. Bài viết với tiêu đề “Khi người Nga nhẫn nhịn phải bật dậy, sự thống nhất dân tộc lập tức bị đe dọa” đăng trên trang báo mạng rất nổi tiếng mk.ru.ngày 19/12/2018.
**********
NHỮNG NGUY CƠ HIỆN HỮU ĐANG ĐE DỌA ĐỒNG THUẬN
Vừa qua các đồng nghiệp của tôi được mời đi dự bữa tiệc Tất Niên Cty của một tổ chức tài chính nhà nước lớn tại nhà hàng Zaryadye (ngay trung tâm Moskva, cách Kremlin hai bước). Bàn tiệc chất đầy những "của ngon vật lạ", rượu thì rẻ nhất là Macallan (whisky 12 năm) giá một chai thấp nhất 3-4 nghìn rúp, đến những loại rượu khác đắt hơn nhiều. Trứng cá (caviar) các loại không thiếu loại nào, ngoại trừ những loại ngoại nhập đắt nhất. Để công chúng trong lễ hội thêm phấn khích, người ta đã mời ban nhạc “ChayF”.
Ngân quĩ cho một buổi lễ loại này là hàng chục triệu rúp (vài tỷ VNĐ), số tiền chi cho mỗi khách mời ít ra là xấp xỉ 1000 USD, bằng 2-3 tháng lương trung bình ở các địa phương. Thực ra, đây không phải bữa tiệc thuộc loại đặc biệt, dành riêng cho khách VIP và các quan chức cao cấp. Công chúng được mời đến bữa tiệc này, cũng chỉ thuộc loại bậc trung ở các cơ quan trung ương và thành phố Moskva. Tôi rùng mình khi nghĩ đến những bữa tiệc Tất Niên Cty, nơi giới thượng lưu tụ tập. Không hiểu người ta sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền thuế của dân.
Tuy nhiên, những buổi lễ như vậy không phải hiếm có, mà là lề thói thường nhật của nhiều công ty nhà nước và tư nhân được chính quyền Nga bảo trợ: đơn giản chỉ là vì tầng lớp xã hội này được đối xử bình đẳng hơn bạn và tôi mà thôi. Nhân tiện tôi cũng xin gửi lời một chào nhiệt thành đến Hiến pháp Nga, vừa kỷ niệm 25 năm thành lập, và đặc biệt đến Điều 19 của nó, nói về sự bình đẳng của công dân. Vừa qua lễ kỷ niệm Hiến pháp 25 tuổi được tổ chức rầm rộ, kèm với ùn tắc giao thông hàng km ở Moskva, vì phải ngăn đường để tạo điều kiên thuận lợi tối đa cho công chúng thượng lưu Nga kịp đến dư buổi tiếp tân trọng thể, hoành tráng.
Tôi không phải là người ủng hộ nguyên tắc “tịch thu và chia đều” mọi thứ, tôi cho rằng nguyên tắc này là dân túy và rất có hại. Tôi cũng xa lạ với ý tưởng cao đẹp rằng, một ngày nào đó trên thế giới, mọi người sẽ được trả công tương xứng theo công việc của mình. Và ở Nga hoặc ở một quốc gia nào khác, việc giới thượng lưu tham ô và chiếm đoạt tài sản quốc gia, về nguyên tắc sẽ bị ngăn chặn. Tất nhiên, nghĩ như vậy theo tôi là không tưởng.
Vấn đề là ở chỗ tất cả những thói xấu này, tuy vốn có ở bất kỳ xã hội nào, nhưng không được phép để chúng vượt quá giới hạn. Đặc biệt khi nước Nga đang phải đối diện với khủng hoảng kinh tế thường trực kéo dài đã hơn 10 năm. Trong bối cảnh như vậy, để giữ gìn sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc, giới tinh hoa thượng lưu ở các nước văn minh thường cố gắng hạn chế tham muốn của mình. Họ tìm cách dành lại cho ngân quĩ nhà nước nhiều tiền hơn, giúp nhà nước tài trợ các chương trình xã hội, bao gồm hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Đồng thời, họ cũng cố gắng duy trì mức lương chấp nhận được cho người lạo động bình thường, để không có sự khác biệt quá lớn về thu nhập giữa người tầng lớp thượng lưu và người lao động đơn giản, người hưu trí. Và tất nhiên, giới tinh hoa thượng lưu văn minh sẽ cố gắng không phô trương, không “chọc giận” công chúng bằng sự xa xỉ của mình.
Ở nước Nga hiện nay điều này hoàn toàn không thấy. Ngược lại, sự phung phí tài sản quốc gia vượt tầm kiểm soát, tài sản quốc gia bị một tầng lớp xã hội nhỏ chiếm đoạt, tài sản (tiền) trong bối cảnh chính phủ kém hiệu quả và tham nhũng cao, đang bị chuyển ra nước ngoài ồ ạt. Tất cả những điều này, đã làm đất nước chậm phát triển và làm cuộc khủng hoảng kinh tế (lẽ ra không quá gay gắt) thêm trầm trọng.
Nhưng ngay cả bây giờ, khi mọi sự đã quá rõ ràng và cần phải có biện pháp khẩn cấp, giới thượng lưu tinh hoa vẫn tiếp tục nếp sống vốn có từ trước. Còn chính quyền vẫn tiếp tục kiên trì tiến hành các chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của họ, chứ không phải phần xã hội còn lại, nhắm mắt làm ngơ trước sự phân hóa giàu nghèo và bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, hai yếu tố này là mối đe dọa trực tiếp đến sự thống nhất dân tộc. Tình huống này chưa xuất hiện hồi mùa xuân 2018. Trước và sau cuộc bầu cử tổng thổng (18/03/2018), người dân sẵn sàng đoàn kết xung quanh thủ lĩnh dân tộc và hệ thống chính quyền hiện hành, họ vẫn tin vào những lời hứa và năng lực của thủ lĩnh, hầu hết người Nga sợ xáo trộn bất ổn, xung đột, chiến tranh và đặt sự ổn định xã hội lên trên lợi ích vật chất cá nhân.
Thực ra, những “chiếc gim” chuyên để định vị sự đồng thuận xã hội, từ lâu đã bị xói mòn đáng kể bởi những vấn đề xã hội ngày càng trở nên nhức nhối, nhưng vẫn còn giữ khá vững. Lẽ ra nếu biết chăm chút bảo dưỡng, vẫn có thể bảo tồn được chúng và dùng tiếp được khá lâu. Rất tiếc ở Nga hiên nay, sự đồng thuận quốc gia đang tan biến với tốc độ chóng mặt. Sự chống đối nhằm vào chính quyền, "giới quan chức", đại biểu quốc hội thuộc đảng “Nước Nga thống nhât”, bọn tài phiệt đầu sỏ, ... Chính quyền đang bị phê phán nhiều hơn cả, vì không đáp ứng được kỳ vọng. Trong thời điểm khó khăn người dân mong đợi sự giúp đỡ từ chính quyền, nhưng chẳng nhận được gì cả.
Rõ ràng là sự đồng thuận xã hội, khó khăn lắm mới tạo dựng được trong những năm 2000, đang có nguy cơ tan biến. Vậy thì vì điều gì mà người Nga đã biết ơn Putin trong một thời gian dài? Vì đã có công lập lại trật tự sau thập niên 1990 hỗn loạn, vì đã loại bỏ được nguy cơ sụp đổ của Nga, đã bảo vệ được đất nước thoát khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Nhưng cũng còn vì đã nâng cao được mức sống và hạn chế được sự chuyên chế của bè lũ tài phiệt đầu sỏ.
Hai thành tố cuối cùng của khế ước xã hội (không chính thức) đang hiện hành ở nước Nga, quan trọng không kém so với mối đe dọa từ bên ngoài, hay là sự thống nhất toàn vẹn bên trong đất nước. Thậm chí ngay cả tên đảng cầm quyền "Nước Nga thống nhất", cũng phản ánh không chỉ sự kết thúc giai đoạn tự quyền của các vùng miền, mà còn thể hiện việc đoàn kết xã hội, dựa trên các nguyên tắc thống nhất các mục tiêu của mọi tầng lớp và công bằng xã hội.
Thật ra đúng là trong gần hai thập niên từ 2000 đến 2018, chính quyền Nga đã thành công trong việc tao ra hình bóng nước Nga như một nhà nước xã hội, một nhà nước dành cho tất cả mọi người, chính quyền cũng ra vẻ trấn áp thành công được bè lũ tài phiệt đầu sỏ. Mặt khác khách quan mà nói, chính quyền Putin đã thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho những người bình thường, đặc biệt trong những năm đầu thập niên 2000, nhất là nếu chúng ta so sánh với những năm 1990.
Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Những thành tố xã hội trong khế ước xã hội của nước Nga hiện nay đã hết tác dụng, trong khi các thành tố khác của nó, rõ ràng không thể đủ để đoàn kết xã hội. Ngoài ra, đối với nước Nga hiện nay, khách quan mà nói chẳng có mối đe dọa chiến tranh, hoặc tan rã nước Nga thực sự nào cả.
Liệu có thể sống với mức lương 15, 20, 25 nghìn rúp (khoảng 225,300,370 USD tương ứng), hoặc lương hưu 10-12 nghìn rúp (khoảng 150-180 USD) được không? Có lẽ, điều này vẫn sẽ khả dĩ, cũng như câu an ủi cửa miệng của người Nga “miễn là không có chiến tranh”(thường dùng để biện minh cho việc phải “thắt lưng buộc bụng”), vẫn sẽ được chấp nhận. Nếu bên cạnh các thảo dân Nga nhận lương là những đồng bạc lẻ thảm hại, không có bóng dáng của một quan chức giàu có hoặc một nhà tài phiệt đầu sỏ, những người không hiểu (đúng hơn là rất dễ hiểu) bằng cách nào đã “kiếm chác” được rất nhiều tiền.
Và thậm chí ngay cả với điều này, người Nga cũng đã chấp nhận chung sống yên ổn trong một thời gian dài, cho đến trước khi chính phủ công bố các quyết định rất tàn khốc về việc tăng thuế VAT và giá nhiên liệu (trớ trêu thay điều này lại xảy ra ngay lập tức, sau khi chương trình đột phá kinh tế 6 năm của nước Nga được công bố). Người dân Nga chúng ta rất nhẫn nhịn, nước Nga không phải nước Pháp, nhưng sự nhẫn nhịn này sớm hay muộn cũng sẽ bị phá vỡ: lịch sử Nga có nhiều ví dụ về điều chẳng có gì thú vị này.
VẬY CHÍNH QUYỀN CẦN LÀM GÌ ĐỂ KHÔI PHỤC ĐOÀN KẾT DÂN TỘC?
Hãy hành động như các bậc tiền nhân vào thời ngày xưa tốt đẹp, khi mà trong các Hội đồng hàng tỉnh, các Ủy ban Xét duyệt, các Đại hội của các Xô Viết đại biểu nhân dân, cũng như Mặt trận Bình dân Toàn Nga (những cơ quan đại biểu nhân dân đã từng có trong lịch sử nước Nga): tập hợp đại diện của mọi “tầng lớp” xã hội từ tất cả các khu vực Liên Bang Nga để thảo luận Chương trình cải cách đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng hiện nay. Chương trình này phải bao gồm một Tổng thể các giải pháp trong mọi lĩnh vực: từ kinh tế và an sinh xã hội đến thiết chế chính trị, hiệu quả hoạt động của nhà nước. Đi kèm với việc xác định một cách minh bạch những nguồn đầu tư, tài trợ cụ thể có đảm bảo.
Ở đây quan trọng nhất, là các nhà tài phiệt đầu sỏ và những quan chức giàu có phải cam kết giúp chính quyền có được những nguồn đầu tư, tài trợ cụ thể có đảm bảo này. Chứ không phải như chính quyền đang hành xử hiện nay: tìm mọi cách “huy động” những nguồn này, thông qua việc tăng thêm thuế phí đối với khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ (hiện đang ngày càng teo tóp), và từ thảo dân. Bằng cách như vậy, chính quyền có thể “một mũi tên giết chết hai con chim”: vừa tìm được thêm phương tiện để cải thiện cuộc sống người dân, vừa khôi phục được nguyên tắc công bằng xã hội.
Hiện nay đối với người dân Nga, đang rất cần một cuộc đối thoại cởi mở, dễ hiểu và đi vào thực chất. Sự bất mãn sẽ được loại bỏ, nếu người dân cảm nhận được từ phía chính quyền một sự quan tâm chú ý, dù nhỏ nhoi nhưng thực sự cải thiện đời sống của họ. Về mặt lương, lương hưu, an sinh xã hội, cải thiện y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chính quyền thừa sức làm dịu căng thẳng bằng những nhượng bộ xã hội tương đối nhỏ.
Bởi vì hiện tại, người dân không yêu cầu thay đổi Hiến pháp và bộ máy lãnh đạo đất nước. Nhưng nếu chính quyền không thực hiện những nhượng bộ này, mức độ phản ứng tiêu cực sẽ tăng, và sự phản kháng xã hội sẽ bị chính trị hóa. Điều này hiện nay đã diễn ra, và đang tiến triển khá nhanh.
Chúng ta thấy điều gì trên thực tế đang diễn ra? Đó là những “vật vã” kéo dài của thống đốc Konovalov (30 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Nga) ở Khakassia, nơi người ta đã tạo đủ mọi loại rào cản kỹ thuật trong suốt hai tháng, để ngăn chặn ông này thắng cử. Ở vùng Duyên hải Viễn Đông, cuộc bầu cử thống đốc cũng diễn ra đầy kịch tính (bầu cử kéo dài hơn 3 tháng và gồm 3 vòng). Ngoài ra, có thể kể đến “Dự luật Klishas ” (TNS Andrei Klishas tỷ phú USD), nghiêm cấm việc “thóa mạ chính quyền” trên Internet ... Thay vì đối thoại, chính quyền đang cố gắng tìm cách hạn chế những cuộc thảo luận, cấm việc công khai bày tỏ các ý kiến trái chiều.
Trên các phương tiện truyền thông hiện nay, thời sự nhất là chủ đề điên rồ về những rapper, làm như thể ở nước Nga người dân chẳng có chuyện gì đáng trao đổ hơn. Tôi đồ rằng, trong cuộc họp báo online (của TT Putin) ngày mai 20/12, một điều tương tự cũng sẽ diễn ra: Putin sẽ tránh thảo luận các vấn đề cấp bách, mà tập trung vào việc mổ xẻ nước Pháp hỗn loạn, bất ổn định, nhận xét về một TT Trump không tương xứng, và những vụ khiêu khích của Ukraina. Thay vì thảo luận các vấn đề kinh tế và mức sống (có lẽ ông sẽ lại nói rằng mức sống đã được nâng lên, điều mà dẫu có đốt đuốc ban ngày cũng khó nhận ra).
Có nhiều lý do để chính quyền tin rằng, họ sẽ có thể tiếp tục “chèo lái” lâu dài nước Nga trên nền tảng sự đồng thuận đã có trước đây. Cũng có thể họ tính rằng, có lẽ cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay chỉ là “gió thoảng mây bay” và sẽ tự tan biến. Vì người dân không được dẫn dắt, sẽ không thể phản kháng nghiêm túc.
Nhưng mặt khác, bên cạnh việc bảo tồn một chính quyền cụ thể hiện hành, một nhà nước bình thường trên thế giới cũng cần phải có những mục tiêu khác có tính chiến lược, chẳng hạn như chương trình phát triển, hoạch định tương lai đất nước, bảo tồn dân tộc (và không chỉ là "tinh hoa" thượng lưu), kế hoạch để đất nước tồn tại và vươn lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Người ta đã “bỏ quên” và hy sinh tất cả những điều này, cho một mục tiêu nhỏ hẹp, đó là ở lại chính quyền và sử dụng tài nguyên của đất nước càng lâu càng tốt, mà không cần suy nghĩ về hiện tại và tương lai của nó.
Liệu người Nga còn được bao nhiêu năm “quanh quẩn” nữa, trước khi nước Nga bị các quốc gia thành công hơn vứt ra bên lề lịch sử nhân loại? Vâng, trong quá khứ lịch sử điều này đã từng xảy ra với nhiều quốc gia, không có khả năng cải cách đúng lúc, và đánh mất đi sự thống nhất các mục tiêu và các giá trị của mình. Chúng ta hiện đang “vững bước” trên con đường này, chứ không phải đang tiến lên. Đã đến lúc người Nga phải mở mắt và đối diện với sự thật cay đắng khó chịu này (hết).
PS. Có thể nói, khác với China và khác với ngay cả chính Liên Xô những năm 1920, sau khi Liên Xô sụp đổ, người Nga hoàn toàn không sử dụng được lợi thế của người đi sau.
Đặc biệt so với China mô hình phát triển kinh tế của Nga tỏ ra thua kém tuyệt đối. Chẳng hạn, từ năm 1990 đến năm 2017, tỷ trọng của nền kinh tế Liên Xô (Nga) đã giảm từ khoảng 10% xuống còn 1.7% kinh tế thế giới. Trong khi đó, tỷ trọng của nền kinh tế China tăng từ 5.5% lên 17.3% kinh tế thế giới. Hiện nay GDP nước Nga chỉ xấp xỉ GDP tỉnh Quảng Đông China.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét