Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Theo dòng thời gian (5)

Hàng loạt dấu hiệu bất ổn trong năm 2008!?

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên kiềm chế lạm phát
25/3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3 nhằm đưa ra các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.


Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận sâu về mục tiêu kiểm soát lạm phát, trong đó thực hiện 8 nhóm giải pháp để đảm bảo tăng trưởng bền vững như: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ chủ động và linh hoạt, tăng thu ngân sách và thắt chặt chi tiêu công, tăng cường quản lý thị trường giá cả, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu, tháo gỡ đảm bảo sản xuất kinh doanh và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay kinh tế tăng trưởng khá nhưng có dấu hiệu giảm do tình hình lạm phát tăng, nhập siêu, thị trường chứng khoán sụt giảm đang đe dọa đến nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, đồng thời điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát phù hợp thích hợp với tình hình mới. Theo đó, cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó thắt chặt chính sách tiền tệ, tiết kiệm đầu tư công, kiểm soát nhập siêu...

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nắm sát thị trường để thực hiện các giải pháp gắn với thị trường, thực hiện an toàn hệ thống và điều hành chính sách công khai minh bạch và phối hợp với các bộ ngành chức năng thực hiện các giải pháp (cho vay và lãi suất) không gây ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu đảm bảo sản xuất và đời sống như xăng, dầu, phân bón...Trước mắt, Chính phủ bù lỗ giá điện và xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng rà soát lại các dự án đầu tư, loại bỏ các dự án không hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu công nhằm giảm bội chi ngân sách, đồng thời kêu gọi nhân dân hạn chế tiêu dùng. Theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá, đẩy mạnh cung hàng hóa và quản lý chặt chẽ các mặt hàng không cho phép đầu cơ tăng giá, đẩy mạnh xuất khẩu về cả mặt hàng và thị trường, quyết liệt kiểm soát tình trạng nhập siêu và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất...

Thủ tướng gợi ý các Bộ ngành phát huy tiềm năng thế mạnh trong từng lĩnh vực để chỉ đạo sản xuất và để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát lại các chương trình mục tiêu để hỗ trợ người có thu nhập thấp và người nghèo để giữ vững an sinh xã hội.

(Theo TTXVN)

Quý I/2008: Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trên 9%
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/03/775108/
Số liệu sơ bộ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2008 so với tháng 12/2007 đã tăng 9,19%.


Trong các nhóm hàng hóa, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với mức tăng 14,45%; nhóm nhà ở - vật liệu xây dựng tăng 8%; phương tiện đi lại và bưu điện tăng 7,32%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng thấp nhất là 0,6% và cao nhất là 4,38%.

Nếu tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 thì đã tăng 16,38%. Trong đó, 4 nhóm hàng hóa tăng cao nhất vẫn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 25,92%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 17,94%; phương tiện đi lại và bưu điện tăng 10,05%; đồ dùng và các dịch vụ khác tăng 11,94%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác còn lại tăng từ 2 - 7,73%.

Trong khi đó, chỉ số giá vàng bình quân 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 40,5%; chỉ số VND so với USD giảm 0,52%. Được biết, VND đã lên giá so với USD chủ yếu là do cán cân thanh toán quốc tế thặng dư lớn.

Có thể thấy, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu đề ra thì lạm phát đang tiếp tục xu hướng tăng cao hơn dự báo. Với đà này, rất khó có thể kìm giữ lạm phát đứng ở mức thấp hơn tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã đề ra.

Không sợ giảm mục tiêu tăng trưởng xuống 7,5%
http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/3301/index.aspx
Chính phủ vừa cho thấy tín hiệu sẽ tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát và điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng phù hợp thích hợp với tình hình mới. Vậy các giải pháp tài chính và tài khóa sẽ ảnh hưởng thế nào đến tốc độ tăng trưởng? TS. Võ Trí Thành và TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ quan điểm.


TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM):

Chống lạm phát bằng mệnh lệnh hành chính?

Trong bối cảnh hiện nay, không thể có một chính sách vĩ mô hoàn hảo theo nghĩa luôn có tác động tích cực cùng chiều. Không dễ để có một chính sách thỏa mãn cho tất cả nhóm lợi ích.

Cách đây 4 tháng, Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc đã nói: "Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hứng khởi tăng trưởng thì sẽ khủng hoảng". Và bây giờ thì họ đã hạ mục tiêu tăng trưởng xuống.

Trung Quốc năm ngoái lạm phát mới 6% mà kỳ họp Quốc hội tuần trước đã quyết định kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế từ gần 11% của năm 2007 xuống còn 8% của năm nay.

Với Việt Nam, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải phối hợp nhiều chính sách, đặc biệt hệ thống quản trị rủi ro và giám sát tài chính. Mục tiêu phải là ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là phải ổn định thị trường tài chính và làm sao cho thị trường bất động sản hạ nhiệt một cách tích cực... Những biện pháp quan trọng khác của chính sách tỷ giá như thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu ngân sách cũng là những giải pháp tốt.

Tuy nhiên, thực hiện điều này không dễ dàng. Nói là cắt giảm dự án đầu tư kém hiệu quả thì dễ nhưng xác định dự án nào kém hiệu quả rất khó, mất nhiều thời gian.

Tiềm năng kinh tế của Việt Nam dựa trên một nền tảng tốt. Việc cắt giảm chi tiêu công cũng phải vượt lên trên lợi ích nhóm và đòi hỏi phải có thời gian. Chi tiêu công đang chiếm gần 45% tổng đầu tư, khi điều chỉnh có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

DN và nhà đầu tư không sợ tăng trưởng giảm xuống còn 7% hay 7,5% mà chỉ sợ với sự rối bời hiện nay sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, gây ra sự đảo chiều về vốn, điều này còn nguy hiểm hơn cả lạm phát.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chủ động trong chống lạm phát nhưng vẫn còn rời rạc, đơn thương độc mã, không có sự phối hợp với các biện pháp khác. Khó khăn hơn, chúng ta đang buộc phải quay lại với mệnh lệnh hành chính để chống lạm phát. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là biện pháp tạm thời, rất khó gỡ bỏ.

TS. Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Chính sách kinh tế Vĩ mô CIEM:

Đây là thời điểm biến thách thức thành cơ hội

Việt Nam lâu nay tăng trưởng cao, với phương thức phát triển chủ yếu dựa vào đầu vào, thiên về số lượng. Đây là thời điểm biến thách thức thành cơ hội phát triển dựa trên năng suất và hiệu quả. Tuy nhiên, thay đổi phương thức phát triển đòi hỏi nhiều thời gian. Lâu nay, do tốc độ tăng trưởng đang lên nên không ai muốn thay đổi vì sợ rủi ro.

Có một quy luật là hình như khi bước vào khủng hoảng chúng ta mới có điều kiện để phát triển. Vì đây là thời điểm nhìn thấy cơ hội.

Tuy nhiên, một số nhóm giải pháp vừa rồi vẫn còn ngắn hạn, chưa toàn diện. Trong lúc này nên có một chương trình tổng thể về cải cách vừa tính chuyện giảm lạm phát trước mắt vừa cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn. Hiện nhiều chỉ thị, chính sách vẫn chạy theo các nhóm lợi ích.

Phát triển phải cân bằng vì nếu tập trung nguồn lực vào một nơi sẽ không tốt. Trong lĩnh vực điều hành kinh tế, Nhà nước đừng can thiệp hành chính, chỉ nên giữ vai trò điều hành kinh tế... Do đòi hỏi cấp bách nên chúng ta đã có những can thiệp cụ thể, song đó chỉ là biện pháp ngắn hạn, cần nhìn lại để rút kinh nghiệm.

Trong bối cảnh này, giải pháp tiền tệ đã áp dụng, thì nên áp dụng cả biện pháp tài khóa. Tất nhiên, đầu tư sẽ giảm xuống và một trong những nhân tố tăng trưởng là đầu tư. Các giải pháp thắt chặt như vậy sẽ khiến chúng ta không đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 9% như Nghị quyết QH đề ra. Điều chỉnh tăng trưởng ở mức 7-7,5% đã là hiệu quả.
Thắt chặt chi tiêu công là giải pháp tất yếu. Ví dụ rà soát, cắt giảm đầu tư công, tôi cho là nên làm ngay tức khắc, tất cả cơ quan, bộ ngành, tổng công ty, địa phương đều cắt giảm 20% trong tổng mức đầu tư. Người cắt giảm là người ra quyết định đầu tư, không cần phải chờ đợi một tiêu chí rà soát nào.

Để ban hành ra được tiêu chí sẽ mất nhiều thời gian. Thứ hai, tiêu chí ban hành chắc gì đã cụ thể, mà như thế sẽ được hiểu theo nhiều cách, dẫn đến nguy cơ vừa kéo dài, vừa khó cắt.

Chi thường xuyên của các bộ, ngành chủ yếu là lương, không thể cắt. Cái có thể cắt là chi tiếp khách, mua sắm thiết bị, làm lại nội thất... Cần có qui định cụ thể về chi tiêu những khoản này trong điều kiện mới. Chủ trương tiết kiệm điện, nhiên liệu cũng nên được cụ thể hóa.

Phó Thủ tướng: Đạt tăng trưởng 7,5% là cao
"Tăng trưởng năm nay nếu đạt 7,5% đã là cao. Chính phủ sẽ cân nhắc để điều chỉnh lại chỉ số tăng trưởng trước khi trình ra QH tại phiên họp thứ 3, QH khóa XII sắp tới", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (27/3).


Theo Phó Thủ tướng, trong tình hình hiện nay, rất khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng như Nghị quyết QH đề ra, đó là lạm phát sẽ thấp hơn tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt 8,5% - 9%.

Vì, đến hôm nay, thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2008 so với tháng 12/2007 đã tăng 9,19%. Nếu tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 thì đã tăng 16,38%.

Chính phủ khẳng định quyết tâm ưu tiên chống lạm phát nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội. Ngày 25/3 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vừa ký quyết định chi ngân sách 30.000 tỷ để hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vay vốn học tập trong vòng 5 năm tới. Ngư dân cũng đã được hỗ trợ để mua tàu mới và bù giá nhiên liệu. Người nghèo, đối tượng chính sách được hỗ trợ tiền thắp sáng...

Có mặt tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ không tăng học phí khối ĐH, CĐ trong năm tới. Bộ cũng vừa có công văn gửi UBND Hà Nội đề nghị lùi thời điểm tăng giá nước sạch. Trước đó liên ngành Giao thông, Tài chính Hà Nội đã đề xuất tăng giá nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, doanh nghiệp và người dân phải cùng sát cánh trong cuộc chiến chống lạm phát. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại chiến lược đầu tư, kinh doanh nhằm tìm đúng thị trường có lợi nhất.

Sắp tới, Chính phủ sẽ họp với các Tổng Công ty 91, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp để cân nhắc việc không được tăng giá đồng loạt. Đầu tháng 4, Chính phủ cũng sẽ tiến hành họp với các địa phương trên toàn quốc nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện các biện pháp chống lạm phát, tạo đà tăng trưởng cho các giai đoạn về sau.

Cắt giảm 10% các khoản chi thường xuyên

Liên quan đến biện pháp thắt chặt chi tiêu công, Phó Thủ tướng nói, dự kiến sẽ cắt giảm 10% các khoản chi thường xuyên như điện nước, hành chính.

Trong việc rà soát lại các dự án đầu tư kém hiệu quả, Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ không cắt giảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách. Nhưng trong mức đầu tư đã dự kiến, Chính phủ sẽ phân loại để tập trung cho những dự án đã giải phóng xong mặt bằng, những công trình sắp hoàn thành tiến độ.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về năng lực chịu trách nhiệm và tính độc lập của Ủy ban Giám sát tài chính QG trong bối cảnh lạm phát, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đang tổ chức lựa chọn nhân sự để ủy ban này đi vào hoạt động, "cơ quan này chỉ cần ít người nhưng sẽ chọn lọc những người tinh nhất, trình độ chuyên môn cao nhất".

Theo Phó Thủ tướng, khác với Hội đồng tư vấn tài chính QG chỉ có chức năng tư vấn, Ủy ban này sẽ làm nhiệm vụ tập hợp để hình thành nên hệ thống thông tin giám sát trên toàn quốc. Nếu cần thiết, ủy ban sẽ đi giám sát hoạt động tài chính của các cơ quan, ban ngành mà Chính phủ yêu cầu.

Không "hãm phanh" mà cần duy trì tăng trưởng
Chuyên gia của ESCAP cho rằng, Việt Nam hiện chưa có những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế châu Á 1997. Chống lạm phát là chìa khóa, ưu tiên chính sách nhưng không cần "hãm phanh" mà cần duy trì tăng trưởng.


VN không có dấu hiệu của khủng hoảng châu Á 1997

Bản báo cáo của ESCAP mang tên: "Duy trì tăng trưởng và chia sẻ lợi ích" công bố sáng 27/3 đã đánh giá những triển vọng và thách thức chính ngắn hạn và trung hạn về kinh tế vĩ mô và một số lĩnh vực xã hội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi: Liệu Việt Nam có đang đứng trước chu kỳ khủng hoảng kinh tế sau hơn 20 phát triển nhanh? TS. Amarakoon Bandara cho rằng, hiện Việt Nam không có những dấu hiệu điển hình của các nền kinh tế châu Á trước khủng hoảng 1997. Thâm hụt tài khoản vãng lai chưa vượt quá mức cho phép. Nhập siêu tăng cao nhưng chủ yếu phục vụ sản xuất. Các dòng vốn đổ vào Việt Nam lớn, chủ yếu là FDI, không sinh nợ, ODA và các khoản chuyển khoản tư nhân, tạo dư thừa cán cân thanh toán lành mạnh, đồng thời tích lũy lượng lớn dự trữ ngoại tệ.

Việt Nam cũng đã hạn chế mức độ phụ thuộc vào việc tài trợ của ngân hàng xuyên quốc gia và đã nâng cao khả năng ngành ngân hàng của mình. Nhờ đó, sức chống đỡ của nền kinh tế sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia ESCAP cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, lạm phát là vấn đề Việt Nam cần đặc biệt quan tâm. Lạm phát năm 2007 ở mức 12,6% và khả năng năm 2008 không giảm, gấp 2 lần Indonesia và không thể so sánh với các nước lạm phát thấp như Singapore, Malaysia.

Theo bà Phạm Lan Hương, Phó Ban Kinh tế Hội nhập, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, lạm phát không hẳn do tăng trưởng kinh tế cao, vì Campuchia tăng trưởng kinh tế năm 2007 cao hơn Việt Nam nhưng lạm phát chỉ ở mức 5%. Tăng trưởng và lạm phát không đồng hành nhưng liên đới với nhau và mức gắn kết tùy thuộc vào bối cảnh từng nước.

Về ý kiến của Giáo sư Kenichi Ohno về việc Việt Nam cần "hãm phanh" kinh tế để tránh đổ vỡ, bà Lan Hương cho rằng, không hẳn cần hãm phanh nhưng cần đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng.

Theo TS Bandara, lạm phát chắc chắn sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan trọng là xem mức độ tác động như thế nào. Theo bà Hương, năm 2008, Việt Nam "đạt chỉ số tăng trưởng kinh tế như năm 2006, 2007 đã là may mắn rồi". Chính phủ hiện đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết câu chuyện lạm phát và duy trì tăng trưởng.

Nhu cầu nội địa lớn hạn chế tác động bất ổn kinh tế thế giới

Theo các chuyên gia ESCAP, tình hình kinh tế Việt Nam nằm trong bức tranh chung của kinh tế Đông Á.

Kinh tế khu vực này đã xuất hiện những "đám mây u ám ở phía chân trời". "Cái bóng bao phủ bởi tình hình suy thoái của kinh tế Mỹ rất dài, dẫn đến những bất trắc ở phía trước". Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vay nợ, tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ và rối loạn tiếp theo trên thị trường tài chính vẫn chưa thể dập tắt.

Theo báo cáo, kịch bản xấu nhất xảy ra, sự suy thoái kinh tế Mỹ và đồng đô la tiếp tục giảm giá, hầu hết các nước trong khu vực sẽ có tác động lớn, đặc biệt khi suy thoái lan sang châu Âu. Những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dễ bị tổn thương.

Cả EU và Mỹ cộng lại là những thị trường lớn của các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Các nước sẽ chịu hai cú đòn một lúc: cầu giảm và các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có mức cạnh tranh giảm, cùng với luồng vốn lớn có thể chảy khỏi khu vực do lo ngại về tình hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khá lạc quan về tương lai kinh tế khu vực. Nhu cầu nội địa lớn có tác dụng hạn chế tác động của những bất ổn kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực còn khá cao, 7,7% vào năm 2008. Kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng, là động lực kinh tế cho khu vực.

"Đưa nông nghiệp trở về đúng vị trí" để giúp người nghèo

Các chuyên gia dự báo, các nước vẫn có thể đảm bảo đủ sức mạnh và sự linh hoạt để đương đầu với những cú sốc và thích nghi với mọi biến cố về các dòng tài chính. Điều đáng quan ngại là những chấn động kinh tế sẽ ảnh hưởng nặng tới người nghèo và những người dễ tổn thương.

Chính phủ các nước cần khẩn trương giảm nhẹ tác động, trong đó nông nghiệp cần được xem là ưu tiên để hỗ trợ người nghèo tốt nhất.

Điều này, đòi hỏi phải có định hướng thị trường với trọng tâm nâng cao năng suất nông nghiệp. Ngoài ra, cần đổi mới chính sách về ruộng đất, kết nối dân nghèo nông thôn với thành phố và thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân vay vốn và tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm cây trồng.

Đồng thời, cần đa dạng hóa các kỹ năng bằng cách nâng cao vị thế, năng lực cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, nâng cao khả năng nắm bắt, khai thác các cơ hội trên thị trường lao động cũng như bằng cách tăng cường các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn và các trung tâm tăng trưởng khu vực.

Đối với Việt Nam, việc chậm ứng dụng công nghệ, các ngành chế biến nông sản phát triển chậm, thiên tai và giá nông sản quốc tế không thuận lợi là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Bàn các biện pháp thúc đẩy nông nghiệp là biện pháp tốt nhất để hỗ trợ người nghèo trong tình hình hiện nay, bà Phạm Lan Hương, Phó Ban Kinh tế hội nhập, CIEM nói.

Hiện nay, đây là điểm không ổn trong tiếp cận kinh tế của khu vực. Thời gian qua, nông nghiệp không được chú ý đúng mức, mặc dù nó cung cấp việc làm cho 60% lao động và là chỗ dựa của đại đa số người nghèo trong khu vực. Mức tăng trưởng và năng suất trong ngành nông nghiệp đã giảm sút, cuộc cách mạng xanh dường như đã bỏ sót hàng triệu người.

Nếu tăng năng suất bình quân trong toàn khu vực thì có thể giúp cho 218 triệu người dân, tức là 1/3 người nghèo trong khu vực, thoát khỏi nghèo đói. Những nước được hưởng lợi nhiều nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Bănglađét. Tự do hóa toàn diện thương mại nông nghiệp toàn cầu sẽ giúp thêm 48 - 51 triệu người trong khu vực thoát khỏi nghèo đói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét