This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?


Tác giả – Giáp Văn Dương -
Bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên “Trí thức cận thần” để đi trên con đường mới – con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân – thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành “đất nước cận thần” và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Mỗi khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi.
Mỗi khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến Nguyễn Trường Tộ.
Cả Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là những nhà tư tưởng về cải cách, sống cùng giai đoạn lịch sử. Nhưng một người thành công, một người thất bại.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công, còn Nguyễn Trường Tộ thì thất bại?
Một phần của câu trả lời đến từ sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai người.
Trí thức độc lập
Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình.
Các việc làm của Fukuzawa Yukichi tương đối phong phú, nhưng có thể khái quát ngắn gọn như sau: mở trường dạy học, dịch sách, viết sách, làm báo để truyền bá văn minh phương Tây cho trí thức và dân chúng Nhật Bản.
Ông tìm cách khai sáng cho dân chúng và trí thức Nhật Bản, lúc đó còn chìm đắm trong lối học từ chương ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa, thông qua việc cổ vũ lối thực học của phương Tây; xây dựng hình mẫu trí thức độc lập và chủ trương “độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”.
Bản thân ông cũng hành động như một hình mẫu của trí thức độc lập, không phục thuộc vào giới cầm quyền. Ông kêu gọi trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ hãy “coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”, tự tin vào sức mạnh và vị thế độc lập của mình. Từ đó dấn đến niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của tri thức và nền văn minh mới mẻ có tác dụng giải phóng tư duy và bồi đắp sự độc lập của cá nhân.
Khi trường Đại học Keio do ông sáng lập có nguy cơ phải đóng cửa vì nội chiến, chỉ còn 18 học sinh, nhưng ông vẫn tin tưởng: “Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới”.
Fukuzawa Yukichi sống và làm việc như một trí thức độc lập điển hình.
“Trí thức cận thần”
Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua.
Tất cả các bản tấu trình và điều trần của ông đều không được đưa ra sử dụng, dù hơn ai hết, ông biết được giá trị thật của chúng: “Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay… Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết”.
Bằng cách đó, ông đã phụ thuộc tuyệt đối vào nhà cầm quyền, đánh mất vị thế độc lập của người trí thức. Nói cách khác, ông hành xử như một “trí thức cận thần”: Viết tấu trình và chờ đợi sự sáng suốt của nhà Vua.
Như thế, ông đã tự tước đi cơ hội của chính mình, và rộng ra là của cả dân tộc, vì trong suốt lịch sử, số lượng các minh quân vô cùng ít.
Những kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm vóc thời đại, nhưng rốt cuộc lại trở nên vô dụng. Do hành xử như một “trí thức cận thần”, không có được sự độc lập cho bản thân mình, dẫn đến không có đóng góp gì đáng kể vào sự hình thành giới trí thức đúng nghĩa, nên sau khi ông mất đi, không có người tiếp nối. Tư tưởng canh tân đổi mới của ông vì thế bị chìm vào quên lãng.
Bài học cho hậu thế
Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn nhất dành cho hậu thế. Tiếc rằng, bài học này, dù phải trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ mà còn cả dân tộc, không được sử dụng.
Những người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu trí thức phải đi theo lối con đường “trí thức cận thần” của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng: Trí thức muốn kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ quan hữu trách trước khi phổ biến ra ngoài xã hội.
Lịch sử đã chứng minh: Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ cụt. Làm theo cách đó là kéo lùi bước đi của dân tộc.
Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí thức phải tự giác tránh con đường cụt đó, con đường “trí thức cận thần”, để đi con đường mới: con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân. Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành “đất nước cận thần”, và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Bài được trích theo đường link dưới đây: http://danluan.org/node/6240

Tiền được tạo ra từ đâu?

30-8-2012 (VF) — Một trong những chức năng quan trọng nhất, phân biệt ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại là quyền phát hành tiền. Câu hỏi đặt ra là, tiền được tạo ra từ đâu. Tiền được tạo ra “không từ gì cả“. Đó là câu trả lời đồng thuận của các học giả Davies (2002), Hitchcock (2007), Brown (2008), Griffin (1994), Rothbard (1983), Jones (1994), Grem (1971), Armstrong (1940)… và nhiều người khác. Quyền lực được phát hành tiền giấy và lưu thông như đồng tiền chung của quốc gia có ý nghĩa sống còn với một ngân hàng trung ương.
Ngân hàng trung ương tạo ra tiền với cơ chế như sau: Trước tiên, ngân hàng cần có một khoản tiền thật phổ biến là bằng vàng. Ở đây, giả sử ban đầu là 1.000 đồng vàng. Với quyền được chính phủ giao, ngân hàng sẽ phát hành 1.000 đồng tiền giấy. Khi nhận được yêu cầu khoản vay 1.000 đồng  của chính phủ, ngân hàng sẽ chuyển 1.000 đồng tiền giấy vào ngân khố quốc gia và giữ lại 1.000 đồng vàng để đảm bảo thanh toán khi có người mang tiền giấy tới ngân hàng và yêu cầu được đổi ra vàng. Khi thực hiện nguyên tắc này, ngân hàng và nền kinh tế tuân theo chế độ bản vị vàng.
Ngân hàng trung ương tạo ra tiền
Tài sản
Vốn và Nợ
Vàng 1000
Tiền giấy 1000
Chính phủ vay tiền của NHTW
Vàng 1000
Nghĩa vụ đổi tiền 1000
Chính phủ nợ 1000
Tiền giấy phát hành thêm 1000

2000

2000
Chính phủ vay lần 2
Vàng 1000
Nghĩa vụ đổi tiền 1000
Chính phủ nợ 1000
Tiền giấy đã phát hành 1000
Chính phủ vay thêm 1000
Tiền giấy phát hành thêm 1000

3000

3000
Điều quan trọng là quá trình tạo ra tiền mới không dừng lại khoản cho vay đầu tiên với chính phủ. Để nhận được 1.000 đồng từ ngân hàng, chính phủ phải phát hành một giấy nhận nợ (IOU), phổ biến là dưới dạng trái phiếu chính phủ. Đối với ngân hàng, đó là tài sản được đảm bảo bằng năng lực thu thuế từ dân chúng của chính phủ trong tương lai. Với tài sản này, ngân hàng phát hành thêm 1.000 đồng tiền giấy mới. Tại thời điểm phát hành, số tiền giấy mới này không được đảm bảo bằng bất cứ gì. Đây chính là bản chất vấn đề mà các học giả gọi là việc tạo ra tiền không từ gì cả.
Khi chính phủ cần thêm một khoản vay 1.000 đồng nữa, ngân hàng lại chuyển số tiền giấy mới phát hành vào ngân khố và bổ sung vào tài sản của mình một giấy nhận nợ từ Chính phủ. Tiền tiếp tục lại được tạo ra.
Chính phủ càng vay nợ nhiều lần, ngân hàng trung ương càng có thêm điều kiện “tạo” thêm tiền.
Nếu trong lần vay đầu tiên, chính phủ yêu cầu được nhận 1.000 đồng vàng thì ngay từ 1.000 đồng tiền giấy đầu tiên, tiền đã được phát hành dựa trên giấy nhận nợ của chính phủ đảm bảo bằng doanh thu từ thuế trong tương lai. Nói cách khác, tiền cũng vẫn được tạo ra “không từ gì cả“.
Ở một góc nhìn khách quan hơn, để tạo ra tiền, ngân hàng trung ương cần hai điều kiện. Thứ nhất, được chính phủ giao quyền phát hành tiền và lưu thông một đồng tiền chung trong toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Thứ hai, đồng tiền do ngân hàng trung ương phát hành phải được người dân chấp nhận. Nghĩa là, người dân phải có niềm tin vào ngân hàng trung ương và chính phủ. Điều kiện đầu là bắt buộc. Điều kiện sau không phải lúc nào cũng xảy ra.
Lịch sử tiền tệ Việt Nam có ghi lại việc người dân không chấp nhận sử dụng tiền giấy do nhà Hồ lần đầu tiên phát hành vào năm 1396. Ngược lại, những tờ giấy bạc “Cụ Hồ” được phát hành bằng cách đóng dấu của chính quyền địa phương lên trên tờ bạc Đông Dương lại được nhân dân tin tưởng và ủng hộ ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiền đóng dấu

Tiền ‘Cụ Hồ’
Tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quản lý và điều hành chính sách tiền tệ lâu nay vẫn là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế quan tâm, tranh cãi. Đa phần ý kiến được công chúng đồng tình cho rằng, vị thế độc lập hơn với các chức năng quản lý nhà nước và nới lỏng kiểm soát của Chính phủ với vận hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Khi đã hiểu rõ bản chất của hệ thống ngân hàng trung ương quốc tế, đặc biệt là các ngân hàng trung ương tư hữu, mới thấy rằng vấn đề này cần được cân nhắc thấu đáo hơn. Hệ thống ngân hàng khỏe mạnh là động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện dân sinh. Tuy vậy, một hệ thống ngân hàng không chịu sự kiểm soát của nhân dân có thể trở thành thế lực đáng sợ đối với sự ổn định và phồn thịnh của quốc gia hơn bất kỳ kẻ thù nào.
Phát hành tiền ở Việt Nam
Căn cứ tính toán, lập kế hoạch và phát hành bổ sung cung tiền rất quan trọng. Tại Việt Nam, chúng tôi đã tìm kiếm cơ sở pháp lý và kết quả triển khai phát hành tiền tại Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước. Một số thông tin được ghi nhận nhưng chưa thấy các nội dung hướng dẫn chi tiết.
Điều 4, Chương II, Nghị định số 87/1998/NĐ-CP ban hành ngày 31 tháng 10 năm 1998, ghi: “Ngân hàng Nhà nước căn cứ kế hoạch cung ứng tiền tăng thêm hàng năm được Chính phủ phê duyệt; nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt của nền kinh tế; nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; tiền đình chỉ lưu hành để xác định số lượng và cơ cấu các loại tiền mặt cần phát hành vào lưu thông theo các yêu cầu trên”.
Luật Ngân hàng Nhà nước, trong phần quy định về phát hành tiền cũng quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy và tiền kim loại. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế (Điều 23, Mục 2, Chương III, Luật Ngân hàng Nhà nước, được Quốc hội thông qua ngày 12/12/1997.)

Frankel bàn về cái chết của CSTT kiềm chế lạm phát


2-8-2012 (VF) – Chính sách tiền tệ (CSTT) vốn được biết đến như một trong những công cụ đắc lực giúp NHTW các nước thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Liệu rằng nó có thực hữu dụng như phần đa mọi người vẫn trông chờ mỗi khi có một quyết sách mới của các NHTW?! GS. J. Frankel (ĐH Harvard) đã có bài luận bàn về vấn đề này.
CSTT bao gồm nhiều công cụ khác nhau, có thể kể đến như:
Cung tiền mục tiêu (Money-supply targeting): công cụ này được đưa ra những năm 1980 bởi MiltonFriedman nhưng đã nhanh chóng bại trận trong cuộc chiến với các cú sốc cầu tiền.



Tỷ giá hối đoái mục tiêu (Exchange-rate targeting): là một khung dao động của tỷ giá mà theo đó các NHTW cố gắng duy trì. Đây là công cụ được sử dụng thay thế cho Cung tiền mục tiêu, nhưng đã nhanh chóng thất bại ngay thập niên sau đó.
Lạm phát mục tiêu (Inflation targeting – IT): là một khoảng biến động của chỉ số giá tiêu dùng hàng năm mà các NHTW đặt ra trước, sau đó cố gắng thực hiện để đạt được chỉ số này. IT rất thời thượng vào những năm 1990 ở các nước phát triển và sau đó lan sang các nước đang phát triển và Châu Mỹ Latin. Sự thời thượng này được cho là do IT đã gặp thời, xuất hiện đúng lúc đúng chỗ.
IT có một số biến thể như: lạm phát lõi mục tiêu (CPI trừ đi giá thực phẩm và năng lượng dễ biến đổi), lạm phát linh hoạt mục tiêu (flexible inflation targeting) – đặt biến động CPI trong tỷ trọng tăng trưởng GDP ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, càng mở rộng loại hình IT, ý nghĩa ban đầu sẽ không còn nữa.
Điều đáng nói là số phận IT cũng không sáng sủa hơn người tiền nhiệm là bao khi liên tiếp hứng chịu những “đòn đau” từ nền kinh tế, mà cú mạnh nhất được cho là vào tháng 9-2008 khi NHTW các nước phải đối phó với bong bóng tài sản. Dường như các nhà kinh tế đã sai lầm khi cho rằng bong bóng chỉ xuất hiện khi có lạm phát về giá. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại và có thể bong bóng xuất hiện chẳng trước hay sau một cơn bùng nổ lạm phát nào như bong bóng ở Mỹ 1929, Nhật Bản 1990, Thái Lan và Hàn Quốc 1997.
GDP danh nghĩa mục tiêu (Norminal GDP targeting): mục tiêu biến động về GDP danh nghĩa, được đưa ra hồi đầu những năm 1980 cùng với Mục tiêu về tỷ giá hối đoái, một thời gian không được áp dụng nhưng nay, lại được đưa ra. Rõ ràng ý tưởng không mới. Và không giống như IT, mục tiêu về GDP danh nghĩa tác động và làm bình ổn sức cầu.
Chỉ số giá sản xuất mục tiêu (product-price targeting): tập trung vào ổn định chỉ số của các nhà sản xuất, ít ra thì chỉ số này không tác động tiêu cực lên tỷ giá như IT.
Tuy nhiên, mục tiêu GDP danh nghĩa và Mục tiêu giá sản xuất định hướng công chúng tập trung vào bình ổn chi phí sống, bất chấp việc phải đối diện với những cú sốc không kiểm soát được về cung hay về tỷ giá.
Bằng việc đưa ra những thất bại của các công cụ này trong điều hành CSTT của các NHTW, Frankel lập luận rằng CSTT thực sự đã chết vào tháng 9-2008 sau những thất bại thảm hại trong giai đoạn 2003 – 2006.
Ông cho rằng: “Lạm phát mục tiêu được tồn tại là nhờ chế độ bản vị vàng. Cho dù một vài tín đồ lập dị vẫn mong sự trở lại của vàng như một mỏ neo tiền tệ, phần lớn vẫn muốn di hài cổ xưa này được nghỉ ngơi yên bình.”

Sự ra đời của ngân hàng trung ương


30-8-2012 (VF) — Khi tiền giấy được phát hành ở châu Âu vào thế kỷ 16, hoạt động ngân hàng khá thoải mái. Hầu như chỉ có một qui định duy nhất để gia nhập ngành ngân hàng: cam kết thanh toán đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ nợ! Về bản chất, đây là nghĩa vụ của mọi tổ chức kinh doanh thông thường (Rothbard:1983, The mystery of banking). Những người cổ vũ khái niệm ngân hàng trung ương cố gắng thuyết phục công chúng rằng hoạt động tư do của các ngân hàng sẽ dẫn tới việc phát hành quá nhiều tiền giấy. Từ đó, lạm phát xuất hiện và mở rộng. Có thực như vậy không?
Rothbard cho rằng việc phát hành tiền giấy và các loại chứng chỉ tiền gửi không đơn giản như vậy. Ngân hàng có thể chủ động cung cấp những thứ này nhưng còn một vế quan trọng nữa, chúng có được chấp nhận sử dụng trong thanh toán hay không? Niềm tin của công chúng với một ngân hàng cần thời gian (nhiều năm) để tạo dựng. Đồng thời, sự tin tưởng chỉ có được với minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất: ngân hàng luôn hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán của mình. Muốn vậy, ngân hàng không thể phát hành lượng tiền giấy vượt quá nguồn lực của mình và lạm phát sẽ không xảy ra.
Tuy vậy, hoạt động tự do của ngân hàng có những hạn chế. Trước tiên đó là giới hạn địa lý khu vực hoạt động của một ngân hàng. Người dân trong một vùng, có thể rất rộng lớn, và tin tưởng vào tiền giấy do ngân hàng phát hành. Nhưng đối tác trao đổi hàng hóa với họ thì có thể không chấp nhận tiền giấy này, và yêu cầu thanh toán bằng vàng.
Thứ nữa, các ngân hàng, dù luôn có một khoản dự trữ, thì cũng không bao giờ có thể đáp ứng cùng lúc tất cả các nghĩa vụ thanh toán với chủ nợ và người gửi tiền. Câu chuyện của ngân hàng ACB năm 2003 là một ví dụ thực tế. Lo lắng trước tin đồn, những người có tiền gửi tại ngân hàng xếp hàng dài đòi rút tiền đẩy ngân hàng đối diện với tình trạng phá sản. Sự xuất hiện của ông Thống đốc NHNN đã cứu vãn tình thế. Phải chăng vì vậy cần có ngân hàng trung ương? Hãy xét một tình huống giả định.
Ngân hàng VgCB được thành lập với số vốn 5.000 đồng tiền vàng. Ông Chủ nợ gửi 8.000 đồng vàng vào ngân hàng và nhận lại giấy chứng nhận tiền gửi. Để kiếm lợi, VgCB đem cho vay 8.000 này. Sau khi gửi tiền vào ngân hàng, ông Chủ nợ mua một chiếc xe hơi của ông Ô tô với giá 8.000 và chuyển giấy chứng nhận tiền gửi cho ông Ô tô. Vấn đề thanh toán bắt đầu nảy sinh với hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, ông Ô-tô cũng là khách hàng có tài khoản tại VgCB. Ông chuyển giấy chứng nhận tiền gửi cho tới VgCB. Khi này, ngân hàng sẽ thực hiện bút toán ghi số, chuyển số tiền 8.000 từ tài khoản của ông Chủ nợ sang tài khoản của ông Ô-tô. Tài sản và nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng vẫn cân đối.
Trường hợp thứ hai, ông Ô-tô không phải là khách hàng của VgCB hoặc là khách hàng và chuyển giấy chứng nhận tiền gửi kèm yêu cầu được nhận 8.000 đồng vàng. Lúc này, VgCB gần như chắc chắn không có đủ tiền để thanh toán, nếu như không đòi được khoản cho vay. Ngay lập tức, ngân hàng chỉ có 5.000 đồng vàng. Và do thiếu 3.000 đồng vàng, nghĩa vụ thanh toán đã không được thực hiện, ngân hàng VgCB phá sản! Cũng lưu ý rằng, trong tình huống trên, VgCB có tỷ lệ dự trữ bằng 100% vốn.



Có thể đặt tiếp câu hỏi, ông Ô tô có tiền sẽ làm gì? Ông ta sẽ gửi vào tài khoản của mình ở một ngân hàng khác, có tên gọi LeCB và nhận một giấy chứng nhận tiền gửi trị giá 8.000 đồng vàng. Điều gì xảy ra với VgCB nếu ông Ô-tô không khăng khăng đòi rút tiền vàng khỏi ngân hàng mà chỉ yêu cầu ngân hàng LeCB nơi ông có tài khoản tiếp nhận giấy chứng nhận tiền gửi do VgCB phát hành? Ngân hàng VgCB không phá sản! Trong sổ sách của ngân hàng “Tiền gửi của Ô-tô’‘ được thay bằng “Tiền gửi của LeCB.”
Vì sao LeCB không đòi ngay 8.000 vàng từ VgCB, trong khi các ngân hàng cạnh tranh với nhau? Đó là vì, cũng có những giao dịch tương tự những với chiều ngược lại. Người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi do LeCB phát hành có tài khoản tại VgCB. Vì vậy, hai ngân hàng có sự thỏa hiệp tạm thời với nhau (do bản chất là cạnh tranh). Trường hợp này tương tự như việc ông Ô-tô chuyển chứng nhận tiền gửi do VgCB phát hành cho một cá nhân cũng có tài khoản tại VgCB.
Rothbard lập luận rằng, nếu quốc gia có nhiều ngân hàng, nói cách khác, số khách hàng một ngân hàng phục vụ rất ít, các chứng chỉ tiền gửi do một ngân hàng phát hành rất nhanh chóng được chuyển sang những người không có tài khoản tại ngân hàng, hiệu ứng tàn phá khủng khiếp nhanh chóng dẫn đến phá sản. Quá trình mở rộng tín dụng cũng dừng lại.
Ngược lại, nếu chỉ có một số nhỏ ngân hàng, quá trình mở rộng có thể kéo dài mãi. Khách hàng của cùng một ngân hàng nhận chứng chỉ tiền gửi và giao dịch với nhau trên chứng chỉ này, không cần rút tiền ra khỏi ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc vòng xoáy lạm phát tiếp tục kéo dài.
Như vậy, việc hình thành một ngân hàng cho tất cả các khách hàng trong một quốc gia, ngân hàng quốc gia hay ngân hàng nhà nước, có thể đảm bảo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng nhưng không có tác dụng ngăn chặn lạm phát. Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng này cần có quyền lực can thiệp yêu cầu hạn chế các khoản cho vay, nói theo ngôn ngữ kinh tế học hiện đại là thực hành chính sách tiền tệ thắt chặt.

Lý thuyết chuộng thanh khoản Keynes 1936

Chính sách tiền tệ (4) – Cầu tiền tệ – Lý thuyết chuộng thanh khoản Keynes 1936

6-5-2012 (Vietnamica Finance) — Chúng ta đã nhắc tới các lý thuyết của Keynes, Baumol, Tobin và Cagan ở bài Cầu tiền tệ phần 1 và sẽ xem thử Keynes bàn gì về cầu tiền tệ trong thập niên 40 của thế kỷ XX. Keynes là người có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng vì đã cổ vũ sự can thiệp của chính phủ, và làm lung lay ảnh hưởng của laissez-faire của Adam Smith cho tới tận Reaganomics và phong trào deregulation trên thị trường tài chính vào giữa thập niên 1980.
Đây là một trong những lý thuyết cho thấy dấu ấn của Keynes quan trọng trong kinh tế học hiện đại.
Trong lý thuyết về tính ưa chuộng thanh khoản (Keynes Liquidity Preference Theory), Keynes đưa ra 3 động cơ quan trọng khiến người dân (chủ thể kinh tế) nắm giữ tiền mặt:
1. Động cơ giao dịch
2. Động cơ đề phòng (lo xa)
3. Động cơ đầu cơ
Hai động cơ đầu tiên ít nhiều có liên quan trực tiếp tới lý thuyết số lượng. Động cơ giao dịch thì rõ ràng nhắm tới chức năng thanh toán trong hoạt động giao dịch thương mại của xã hội. Động cơ đề phòng lo xa có thể xem như tiếp cận cân bằng tiền mặt trong trạng thái bất trắc, khi các chủ thể kinh tế không biết rõ sắp tới mình sẽ tiến hành loại giao dịch nào.
Theo đánh giá của Keynes, hai động cơ này cơ bản dễ hiểu và là kết quả của hành động kinh tế trong nền kinh tế cũng như mức thu nhập của xã hội.
Phần khó là đề cập tới động cơ thứ 3. Keynes nói rằng, khi ứng dụng cho M1, thì việc nắm giữ tiền mặt – tức là coi như không sinh ra lợi tức – cần giả định rằng chủ thể thực hiện chức năng cất trữ giá trị. Thông thường, để sinh ra một lý thuyết cầu tiền tệ, lại cần đến những giả định khá cứng nhắc. Trong trường hợp lý thuyết ưa chuộng thanh khoản của Keynes, ông giả định rằng bên cạnh tiền phải tồn tại duy nhất một loại tài sản tài chính là một trái phiếu cho lợi tức định kỳ, nhưng không trả lại giá trị gốc danh nghĩa. Người Anh gọi cái này là consol.
Một người dân sẽ thích giữ tiền mặt nếu như theo tính toán cẩn thận, khoản đầu tư của họ trong một khoảng thời gian nào đó vào trái phiếu sẽ gây ra lỗ thực tế.
Ví dụ, trong khoảng thời gian 1 năm, lợi suất danh nghĩa là R thu được từ trái phiếu có thể xác định qua:
R=i_B B + \left(\frac{i_B}{i_{t+1}}-\frac{i_B}{i_t}\right)B (4.1)
trong đó i_B là lợi tức trái phiếu ngoại sinh; B là giá trị danh nghĩa (par value) của trái phiếu. Phần trong ngoặc của (4.1) là độ chênh giữa thị giá trái phiếu tại điểm đầu và điểm cuối của quãng thời gian xem xét.
Thị giá của trái phiếu vĩnh viễn như consol có thể được tính sử dụng công thức niên kim vĩnh viễn. Nếu thị trường có lãi suất dài hạn là i và đặt q=1+i, thì giá trị hiện tại PV của một niên kim x là:
PV=x\left(\frac{q^n - 1}{q^n (q-1)} \right). (4.2)
Theo (4.2), nếu ta tăng n\to\infty thì sẽ dẫn đến công thức niên kim vĩnh viễn: PV=x/i. Do đó, giá trị trái phiếu như Keynes đề xuất sẽ có giá trị thị trường là i_B /i.
Một nhà đầu tư sẽ chuộng tiền (không sinh lãi) nếu như lợi suất trái phiếu consol nói trên nhỏ hơn 0, tức là khi:
0> i_B B + \left(\frac{i_B}{i_{t+1}}-\frac{i_B}{i_t}\right)B (4.3)
nghĩa là
0 > 1 + \left(\frac{1}{i_{t+1}}-\frac{1}{i_t}\right). (4.4)
Như vậy, lợi suất trái phiếu sẽ âm nếu như:
i_{t+1} > \frac{i_t}{(1- i_t)}. (4.5)
Đứng trước điểm lãi suất tới hạn trong tương lai i^{*}_{t+1} xác định bởi:
i^{*}_{t+1}=\frac{i_t}{(1-i_t)} (4.6)
Ta có thể nhận thấy, nhà đầu tư vào trái phiếu sẽ không còn mặn mà với tài sản này, vì một khi lãi suất tăng vượt quá i^{*}_{t+1}, lợi suất tài sản này sẽ nhỏ hơn 0.
Như vậy, nhu cầu đầu cơ phụ thuộc vào kỳ vọng của các chủ thể kinh tế đối với quá trình tăng lãi suất. Trong trường hợp Keynes đưa ra làm ví dụ, do lãi suất là dài hạn, do đó nhu cầu đầu cơ của cư dân căn cứ vào kỳ vọng lãi suất dài hạn trong tương lai để hình thành.
Tùy vào họ tin rằng tại thời điểm t+1, mức lãi suất dài hạn liệu có tăng cao hơn hay giảm thấp hơn mức giá trị tới hạn i^{*}_{t+1}, mà người ta sẽ quyết định nắm toàn bộ là trái phiếu hay bán sạch hay giữ chỉ tiền mặt…

3 chức năng chính của tiền

Chính sách tiền tệ (2) – 3 chức năng chính của tiền

26-4-2012 (VF) — Tiếp theo phần 1 của “Tiền là gì” ta sẽ tiếp tục xem xét qua một chút các chức năng của tiền tệ.
Chức năng phương tiện thanh toán của tiền tệ
Đây vẫn được coi là chức năng quan trọng nhất của tiền. Một nền kinh tế có một tài sản nào đó được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện thanh toán sẽ có hiệu năng kinh tế vượt trội so với việc thiếu vắng một phương tiện được tin cậy như vậy. Không có tiền tệ, hoạt động kinh tế trở nên vô cùng rườm rà và kém hiệu quả, chi phí vượt trội.
Trên phương diện lý thuyết, một phương tiện thay thế cho công cụ tiền tệ là nền kinh tế có một thị trường vốn hoàn hảo. Trong nền kinh tế này, mỗi chủ thể kinh tế (agent) luôn giải quyết được độ lệch nhu cầu giữa một món hàng anh ta muốn bán hôm nay cho một chủ thể kinh tế khác với nhu cầu món hàng nào đó anh ta cần ngày hôm nay từ một chủ thể nào đó, dựa trên hoạt động vay tiền từ thị trường.

Nói như thế, việc tồn tại của tiền chính là bằng chứng về sự tồn tại – cũng như chứng tỏ sự cần thiết tồn tại – của phương tiện thanh toán bù đắp cho sự “thiếu hoàn hảo” của thị trường vốn. Lẽ tự nhiên, chúng ta sống trong đời sống kinh tế thực, nơi mà sự hoàn hảo là điều không thể có. Như thế, đồng tiền có vai trò và chức năng thanh toán cực kỳ quan trọng.
Chức năng cất trữ giá trị của tiền tệ
Milton Friedman gọi tiền là “viên gạch mộc tạo nên sức mua”. Một người nắm giữ phương tiện thanh toán tự nhiên sẽ nhận thấy không nhất thiết – và cũng không thật cần thiết – phải thực hiện việc mua bán ngay khi họ nắm giữ. Bản thân việc lùi thời điểm thực hiện quyền mua và thanh toán với phương tiện đang sở hữu đã tạo ra chức năng cất trữ giá trị của tiền tệ.
Ở một mức độ nhất định, ta có thể công nhận rằng, tất cả các tài sản có chức năng của phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đều tự nhiên có chức năng cất trữ giá trị (dĩ nhiên, mức độ này khác nhau với từng loại tài sản).
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý đối với chức năng cất trữ giá trị là bản thân chức năng này không quá quan trọng với việc định nghĩa “tính chất tiền tệ” của tài sản, và cũng ít hữu ích với việc tính toán các đại lượng cung tiền trong nền kinh tế.
Chức năng đơn vị tính toán giá trị
Chức năng này không tự nhiên gắn liền với tiền tệ theo cách của 2 chức năng mới trình bày phía trên. Bản thân chức năng tính toán giá trị (như một đơn vị) có tính chất trừu tượng. Để tính trừu tượng này đi vào cuộc sống, chúng ta cần có thể chế pháp lý để công nhận “chức năng” này, thậm chí ngay cả khi tiền không tồn tại trên phương diện vật lý. Ví như khu vực EMU (Hệ thống Đồng tiền chung Châu Âu) đồng Euro chỉ tồn tại về mặt pháp lý kể từ ngày 1-1-1999, và đồng tiền thì tới tận cuối năm 2011 mới đưa vào lưu thông và sờ nắm được trên phương diện vật lý. (Bản thân tôi – VQH – cũng như nhiều người học ở Châu Âu ở thời điểm đó chứng kiến phong trào đi sưu tầm xu đúc Euro của các quốc gia thành viên khi chúng mới ra đời. Ai có bộ đầy đủ các quốc gia thì lấy làm sung sướng lắm.) Như vậy, cho tới tận cuối 2001, các quốc gia thành viên khối tiền tệ chung trong EU vẫn có đồng tiền riêng như đồng Franc Bỉ, Franc Pháp… nhưng kể từ 1999, chúng không còn là đồng tiền tính toán nữa.
Chức năng này còn gọi là “numéraire” và rất đắc dụng trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nhờ thế tiền có thể giúp làm giảm phí tổn giao dịch và trao đổi thông tin. Lấy ví dụ của EU, với numéraire là đồng Euro, sự tồn tại của rất nhiều loại tiền trước đó khiến chi phí thông tin tăng lên đáng kể trong các giao dịch, đồng thời việc chuyển đổi giữa các đồng tiền trong giao dịch thương mại lằng nhằng phức tạp. Nếu hoạt động trao đổi này ít thì chi phí còn có thể bỏ qua, khi gần gũi và độ liên kết kinh tế cao độ như các quốc gia thành viên EU, điều này tạo nên chi phí rất lớn, mà không thật sự cần thiết.
Việc bàn về các chức năng này có thể kéo dài vô tận, nên ta tạm dừng ở đây để chuyển sang các vấn đề khác, có tính cốt lõi hơn của hệ thống lý thuyết tiền tệ. Khía cạnh đầu tiên chúng ta sẽ động chạm tới ngay sau đây là “Cầu tiền tệ”, một vấn đề rất phức tạp về lý thuyết, nhưng cũng rất hữu dụng trong đời sống kinh tế, đặc biệt với sự hoạt động ngày càng chủ động, tích cực của các NHTW.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Khoa học và giáo dục - những nghịch lý


Vũ Cao Đàm

Từ khi học vỡ lòng đến khi học hết bậc đại học học sinh, sinh viên Việt Nam được học vô số các thứ gọi là... “khoa học”, trừ một định nghĩa “khoa học” là gì?

Đầu xuân mấy ông đồ gàn ngồi với nhau nhâm nhi ly rượu bàn cái sự đời.... 

Đầu tiên là ngâm nga bài vè để cười chơi về cái sự đời... “Cây cau cây móc/Con cóc con ba ba/Con gà con chó/Cái đó cái xa”. Hỏi tại sao lại như thế, thì các cụ đồ gàn phán rằng... Sự đời gồm những nghịch lý, tỷ như “Con cóc thì ở trên cạn, nhưng lại xuống nước đẻ một lũ nòng nọc; Con ba ba thì sống dưới nước, nhưng lại lên cạn đẻ trứng”; “Còn cái được gọi tên là ‘đó’ thì dùng đơm cá ở tít cánh đồng xa; trong khi cái được gọi tên là cái “xa” thì lại dùng kéo sợi ngay bên cạnh mình”

Ông đồ gàn nọ hỏi ông đồ gàn kia: Thế thì liên quan gì đến cái khoa học và giáo dục?
Ấy thế mà liên quan đấy! Khoa học và giáo dục ở ta hiện nay cũng loanh quanh những nghịch lý y hệt như vậy! Nhân ngày xuân, các cụ đồ gàn hết chuyện, tản mạn mấy chuyện... chơi... về nghịch lý (và nghịch nhĩ) về khoa học và giáo dục.

Học đủ thứ KH&CN, ... trừ hai định nghĩa: “khoa học” và “công nghệ” là gì?

Mấy năm vừa qua, tôi có dịp giảng môn Phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên và các lớp sau đại học ở một số trường đại học trong nước. Tôi thường mở đầu bài giảng như thế này:

“Trong những năm học đại học, chắc chắn các bạn đã học rất nhiều lý thuyết khoa học. Vậy tôi xin các bạn cho một định nghĩa khoa học là gì?”. Hầu như rất ít sinh viên trả lời được. Ngay đối với những học viên cao học và nghiên cứu sinh, những người đang bước chân vào con đường làm khoa học, sẽ là tác giả của hàng loạt lý thuyết khoa học trong tương lai, khi tôi đặt ra câu hỏi đó, họ cũng không dễ trả lời được suôn sẻ (!) 

Tôi không ngạc nhiên. Họ không trả lời được là đúng, bởi vì trong các môn học được dạy ở bậc đại học, không có môn học nào cho họ một định nghĩa trọn vẹn “Khoa học” là gì và “Lý thuyết khoa học” là gì?

Các bạn có biết điều tôi ngạc nhiên nữa là gì không? Lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Năm 1943, trong bài học đầu tiên khi tôi học lớp 1, hồi đó gọi là lớp Đồng ấu, tôi đã được học khái niệm “Khoa học” là gì.

Đó là bài học cho lớp khai tâm, Bài số 1 trong cuốn sách Quốc văn Giáo khoa thư Lớp Đồng Ấu của các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc và một số người khác. Tôi nhớ mang máng là có bài dạy cho lớp khai tâm biết khái niệm “Khoa học” là gì. Tôi đang định vào Thư viện Quốc gia để tìm, thì may mắn sao, tôi bắt gặp cuốn sách ở ngoài hiệu sách. Cuốn sách do Nhà xuất bản Thanh Niên in lại. Đây là bộ sách được Nha Học chính Đông Pháp DIRIF (Direction de l’Intruction de l’ Indochine Française) phê duyệt làm sách giáo khoa từ đầu thế kỷ 20. Rất cảm ơn Nhà xuất bản Thanh Niên đã cho những người thuộc lớp tuổi tôi có dịp tìm lại được cuốn sách. Bây giờ tìm lại không phải để học như hơn bảy mươi năm trước đây, mà tìm để nghiên cứu. Bài đầu tiên của Lớp Đồng Ấu, tức lớp Khai tâm là Bài số 1 trong sách Quốc văn Giáo khoa thư. Đó là bài “Tôi đi học”1:
“Năm nay tôi lên bảy tuổi. Tôi không chơi đùa lêu lổng như mấy năm còn bé. Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học tính, học vẽ và nhiều khoa học khác nữa.”

Khái niệm “khoa học” được in nghiêng, có phần giải thích: “Khoa học: ở đây có nghĩa là môn học, như luân lý, toán, địa lý, sử, v.v...”. Tôi kinh ngạc về sự giải thích của học giả Trần Trọng Kim thời đó. Bởi vì khái niệm khoa học những năm đầu thế kỷ 20 còn tương đối sơ sài. Tôi thử tìm kiếm trong cuốn Từ điển Larousse xuất bản từ đầu thế kỷ 20 xem thời đó người ta đã định nghĩa khoa học như thế nào. Thì ra thời đó, khái niệm này thực sự là còn hết sức giản đơn. Tôi tìm được hai định nghĩa: “Connaissance exacte et raisonnée de certaines choses déterminées”, nghĩa là “Tri thức chính xác và duy lý về một số sự vật xác định”, và “Tout ensemble de connaissances fondée sur l’étude”, nghĩa là “Toàn bộ tập hợp kiến thức được thiết lập trên cơ sở nghiên cứu”.

Điều tôi rất đỗi ngạc nhiên là thời đó khoa học chưa phát triển. Thế mà các nhà trí thức đương thời đã đi trước cả chúng ta, đi trước một thế kỷ, đã viết sách dạy cho học sinh lớp 1 định nghĩa giản dị mà chuẩn xác về khái niệm “khoa học”. Điều đáng buồn là một thế kỷ đã qua từ ngày bộ sách Quốc văn Giáo khoa thư chính thức được phê duyệt để dạy trong các trường tiểu học, thế mà không ở một chương trình đại học nào ngày nay dạy cho sinh viên của ta khái niệm “khoa học” một cách trọn vẹn.

Gắn với khái niệm “Khoa học” còn có khái niệm “Công nghệ”. Nhiều người cứ giải thích rằng khái niệm “Công nghệ” là mới. Ấy vậy mà trong sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị (giống như lớp 2 ngày nay) của Trần Trọng Kim từ thập niên đầu thế kỷ 20 cũng đã có cả một bài riêng dạy cho những học trò đang còn ở tuổi rất non nớt thế nào là “Công nghệ”. Trần Trọng Kim diễn giảng như sau: “Công nghệ là những nghề đòi hỏi sự đóng góp của bàn tay thợ”. Khi nói về đặc điểm của công nghệ, ông viết: “Nhưng xưa nay, các công nghệ của ta có cái thói lạ, là nhiều nơi có nghề gì riêng, thì cố giữ, không cho nghề ấy lọt ra ngoài. Mỗi nghề lại thờ một ông thánh sư, là người sáng lập ra nghề ấy”. Thì ra thời đó Trần Trọng Kim đã khéo léo dạy cho lớp học sinh nhỏ tuổi biết thế nào là bí quyết công nghệ (know-how) và quyền sở hữu đối với các bí quyết công nghệ, mặc dầu hình như ông nhìn quyền sở hữu này không mấy thiện cảm.

Ngày nay, tri thức về bản thân cái gọi là “khoa học” và “công nghệ” đã phát triển quá xa so với những hiểu biết thời học giả Trần Trọng Kim. Cả một hệ thống lý thuyết đồ sộ về “khoa học” và “công nghệ”, “phương pháp luận khoa học”, “lý thuyết đổi mới công nghệ”, “những khía cạnh xã hội của khoa học và công nghệ”, “lý thuyết phát triển khoa học và công nghệ” đã được phát triển chưa từng thấy. Vậy mà, trong khi sinh viên của chúng ta được học hàng trăm bộ môn khoa học và công nghệ khác nhau, họ lại không được có một hiểu biết sơ khai: “Khoa học là gì?” cũng như “Công nghệ là gì?”, hơn nữa, khoa học và công nghệ có mối quan hệ tương tác nào với sự phát triển kinh tế và xã hội.

Lý thuyết là gì? 


Từ khi học trung học, học sinh của chúng ta đã bắt đầu làm quen với vô số các thứ lý thuyết. Lên học đại học sinh viên càng được học nhiều lý thuyết hơn nữa. Vậy mà khi hỏi “Lý thuyết là gì?” thì hầu như sinh viên của chúng ta, kể cả những học viên sau đại học đều luôn ngớ ra, và rất ngỡ ngàng, rằng tại sao họ lại không được học những khái niệm như thế.

Câu hỏi của tôi hoàn toàn bất ngờ đối với sinh viên cũng như nhiều học viên sau đại học. Quả thật, nếu xem kỹ lại chương trình ở bậc đại học, trong suốt những năm ngồi trên ghế trường, sinh viên được học khoảng 50 -60 bộ môn khoa học và hàng trăm thứ lý thuyết khác nhau, nhưng điều kỳ lạ là, họ không được học một môn nào cung cấp cho họ một định nghĩa trọn vẹn “Lý thuyết là gì?”

Một điều lý thú nữa là rất nhiều bạn đã đưa ra hai định nghĩa khác nhau về “Lý thuyết” và “Lý luận”. Thật là hay. Thực ra, lý thuyết và lý luận đâu có là hai khái niệm, mà là hai cách dịch sang tiếng Việt của một từ tiếng nước ngoài, chẳng hạn, tiếng Anh là “Theory”. Trong Anh - Hán Đại Từ điển của Trịnh Dị Lý, “Theory” được dịch sang tiếng Hán là “Lý luận”; “Học lý”; “Luận thuyết”, “Học thuyết”. 

Nhiều bạn nghiên cứu sinh không thật sự hiểu rõ, đáng ra trong công việc của họ có một bộ phận rất quan trọng là xây dựng các lý thuyết. Có những người đã viết nên một số cơ sở lý thuyết, nhưng khi trao đổi với họ “lý thuyết là gì”, thì thực sự họ cũng không cắt nghĩa được ngọn ngành lý thuyết là gì, và lý thuyết gồm những bộ phận hợp thành nào, và việc xây dựng các bộ phận đó cần phải đi theo một lộ trình như thế nào. Như vậy có thể nói là họ làm lý thuyết dựa trên cảm tính, nếu không nói quá rằng, họ làm ra lý thuyết một cách mò mẫm, thiếu hẳn những “cơ sở lý thuyết” của việc làm ra “lý thuyết”, như thể các nghệ nhân chơi đàn mà không cắt nghĩa được cơ sở lý thuyết của nó. Giá như các nhà sáng tạo lý thuyết tương lai được học những cơ sở lý thuyết của lý thuyết, thì sẽ giảm đi được biết bao nhiêu những nỗ lực sai lệch về phương pháp, định hướng, và có phải là sản phẩm của họ sẽ chuẩn xác, khách quan hơn bao nhiêu không!

Dạy cho thiên hạ đủ các phương pháp, trừ phương pháp cho riêng mình

Một nghịch lý thú vị, khoa học dạy điều hay lẽ phải và phương pháp cho mọi lĩnh vực hoạt động: dạy từ công nghệ nấu ăn cho đến công nghệ chế tạo bom nguyên tử; dạy từ công nghệ chế tạo các vật dụng hằng ngày cho đến công nghệ chế tạo tàu vũ trụ... trừ việc ít chăm lo hoàn thiện các phương pháp của chính khoa học... Quả thật, chúng ta có thể tìm mỏi mắt trên mạng cũng khó tìm được một luận án tiến sỹ nào nghiên cứu về phương pháp luận khoa học.

Không chỉ có như vậy đâu.

Tôi nhớ cách đây mấy năm, tôi và tiến sỹ Trịnh Ngọc Thạch (nay là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Quốc Hội) được Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho thực hiện một đề tài nghiên cứu về “Nâng cao năng lực nghiên cứu” của chính Đại học Quốc gia, chúng tôi đã gửi đi một phiếu thăm dò ý kiến về việc đưa môn học về phương pháp nghiên cứu khoa học thành một môn học bắt buộc đối với sinh viên, thì một vị giáo sư luôn được vinh danh trong giới sử học đã viết vào phiếu trả lời chúng tôi là “chỉ cần dạy cho sinh viên về nhận thức luận Marx-Lenin là đủ”. Quả thật, ông đã nhầm lẫn trong lý luận về phương pháp nghiên cứu khoa học: Nhận thức luận Marx-Lenin chỉ gợi ý cho sinh viên hướng tiếp cận nghiên cứu (Research Approach), chứ không giúp sinh viên những bước cụ thể trong kỹ năng nghiên cứu (Research Skills).

Trong một hội thảo phối hợp tổ chức giữa Bộ KH&CN và Đại học Quốc gia Hà Nội về nghiên cứu cơ bản, tôi còn giữ 10 bản báo cáo của các vị giáo sư và phó giáo sư và trưởng phòng quản lý khoa học của các trường thành viên của Đại học Quốc gia, trong đó có 6 bài đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm “nghiên cứu khoa học cơ bản” (Basic Sciences) và “nghiên cứu cơ bản” (Fundamental Research).

Mùa xuân đến rồi. Đã đến lúc các cụ đồ gàn bàn nhiều hơn đến các nghịch lý, hầu mở ra một trang sử mới cho khoa học và giáo dục nước nhà. 
-------------
1 Trần Trọng Kim và các tác giả: Quốc văn Giáo khoa thư, NXB Thanh Niên, 2000.

'Xã hội đang chết vì những người tuyển dụng'


- Liên quan đến câu chuyện nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá thiếu sức cạnh tranh và thứ hạng kém trong khu vực, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt cho biết những quan niệm "vị nhân sinh" khi trao đổi với VietNamNet về vấn đề nhân lực nước nhà.


Phẩm hạnh quan trọng số 1
- Liên quan vấn đề nhân lực của Việt Nam hiện tại và tương lai, là một doanh nhân và chủ doanh nghiệp lớn, ông đánh giá như thế nào về kỹ năng khi tìm kiếm lao động?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không đi tìm kiếm kỹ năng lao động mà tôi tìm kiếm năng lực tự nhiên của con người và phát hiện bên trong các năng lực tự nhiên - đôi khi chưa tự giác về sự tồn tại của nó - trong mỗi một cá thể, sau đó huấn luyện và khai thác nó.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt
Trong điều kiện xã hội chúng ta thì hoạt động kinh doanh chưa chuyên nghiệp lắm, cho nên không nên hạn chế sự bất ngờ của tài năng bằng việc cố định mục tiêu của mình đối với một số loại năng lực. Cho nên tôi luôn luôn rèn luyện mình để thức tỉnh trước các sự xuất hiện khác nhau của các loại hình năng lực và khai thác nó.
- Những loại hình năng lực nào được ông ưu tiên số một khi tuyển dụng?
Quan sát là năng lực số một mà con người cần phải có. Nếu một cán bộ mà không có năng lực quan sát, vô cảm trước cuộc sống, bàng quan trước cuộc sống, hoặc nhòe trong quan sát trước cuộc sống thì không nằm trong mục tiêu lựa chọn của tôi. Thứ hai là khát vọng thay đổi. Đôi lúc người ta duy ý chí muốn biến đổi cuộc sống mà quên mất rèn luyện mình để mình biến đổi theo các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Tức là năng lực có thể thay đổi được trở thành năng lực số hai. Năng lực số ba mà tôi luôn luôn quan tâm là tính hòa hợp có thể có một cách con người, giữa đối tượng mà tôi đang định chọn với cộng đồng mà tôi đã có.
- Vậy thì nguồn nhân lực đào tạo trong nước đáp ứng được bao nhiêu đòi hỏi của ông?
Tôi bao giờ cũng có một giai đoạn thử việc 3 tháng theo luật, còn để rèn luyện cho con người xâm nhập vào cộng đồng lao động của tôi, vào nền văn hóa riêng của công ty chúng tôi thì 3 năm. Nói thật là có người giỏi, có người trung bình, có người kém, nhưng khoảng cách giữa giỏi, trung bình và kém không nhiều lắm. Cho nên tôi rất lạ là có người nói phải thủ khoa này, thủ khoa kia mới tuyển. Tôi tuyệt đối không quan tâm đến chuyện đấy.
Ba khả năng mà tôi vừa nói, là khả năng quan sát, khả năng tự thay đổi và khả năng hòa hợp với cộng đồng lao động là ba khả năng quan trọng nhất, và tôi chỉ chọn người khi họ thỏa mãn đủ 3 tiêu chuẩn ấy. Chọn như thế cũng chưa chắc đã đúng, vì trong một lần tiếp xúc, trong một lần phỏng vấn thì không đủ, nên phải có 3 tháng thử việc để loại bớt những đối tượng không kham nổi những đòi hỏi của tôi, và ba năm để tôi lựa chọn vào đội ngũ những người có thể giữ lại, có thể đào tạo thành chuyên viên cao cấp.
Giáo dục phải chỉ ra các phẩm hạnh
- Để chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp và gia công hàng hóa lên kinh tế tri thức - Việt Nam cần hướng đến để đào tạo ra những lao động có kỹ năng như thế nào?
Nếu bắt đầu cuộc cải cách giáo dục sắp tới mà Đảng ta chủ trương bằng việc chỉ ra các loại hình năng lực thì đấy là đòi hỏi sai. Cải cách giáo dục trước hết phải chỉ ra các phẩm hạnh cơ bản của con người mà tương lai của sự phát triển kinh tế hoặc xã hội Việt Nam cần. Phẩm hạnh con người quan trọng hơn những loại hình năng lực cụ thể.
Cái thứ hai là anh phải chỉ ra được là cái gì là chìa khóa cơ bản để con người có thể tiếp cận với những năng lực cụ thể, bởi vì năng lực thay đổi theo thời gian. Giá thị trường của các năng lực thay đổi theo thời gian, vai trò của các năng lực thay đổi theo những đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, mà không phải cuộc sống Việt Nam mà cuộc sống toàn cầu. Cho nên rất khó để đưa ra một số loại hình năng lực cơ bản đối với các cơ sở giáo dục chuyên ngành, mà nên đưa ra những hạt nhân, những chìa khóa để con người có thể đến với năng lực. Thay đổi như vậy chính là thay vì học một lần bằng học liên tục để thỏa mãn các sự thay đổi liên tục của đòi hỏi xã hội đối với con người, với năng lực.
- Ý ông đang muốn gián tiếp nói đến những khẩu hiệu, những bước đi đưa xuống các cơ sở giáo dục hiện nay của ngành giáo dục hướng đến một mục tiêu về chất lượng đi ngược?
Nó đi ngược với tự nhiên, bởi vì anh không thể khoác cho con người một gánh nặng kiến thức được, làm cho giáo dục phổ thông cũng như giáo dục đại học trở nên khổ sai. Mà con người cần phải đủ hạnh phúc để bước vào cuộc sống một cách lành mạnh, với tất cả các sự tự tin về mình, có thể phân loại, có thể quan sát, có thể nhặt nhạnh một cách chính xác các năng lực cần cho mỗi một giai đoạn hoạt động.
Năng lực của một con người là tính lành mạnh, tính trong sáng và linh cảm chính xác về các giá trị trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của cuộc sống mà không phải là những thứ được trang bị ban đầu.
- Nói như vậy là mục tiêu giáo dục của Việt nam đang có vấn đề?
Đang có vấn đề, vấn đề ấy là chúng ta muốn biến con người trở thành một người thợ, một người hoạt động, một người kinh doanh ngay sau khi ra khỏi trường. Cái đấy là vô vọng và không chính xác. Đào tạo là quá trình tạo ra các năng lực để học tập, chứ không phải là kiến thức của sự học tập ở giai đoạn ban đầu. Không có một quốc gia nào, nhất là những quốc gia đang phát triển như chúng ta có đủ kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm hoàn chính ngay từ đầu. Cho nên mục tiêu của chúng ta là tạo ra các sản phẩm có triển vọng, chứ không phải tạo ra các sản phẩm có giá trị ngay từ đầu.
Quyền thải hồi thuộc về người lao động

"Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động".

- Vậy sau khi thử việc ba tháng thì những lao động được tuyển dụng đáp ứng thế nào đối với công việc ở công ty ông đặt ra?
Tôi không đánh giá. Tôi cũng không quan sát sự bộc lộ. Tôi quan sát họ một lần, họ gia nhập và chính họ phải quan sát chứ không phải tôi. Tôi luôn nhường quyền thải hồi của tôi với tư cách là chủ công ty cho người lao động. Người lao động không kham được có quyền lựa chọn, họ đem so năng lực của họ với yêu cầu của công việc. Thậm chí ngay cả khi năng lực của họ đã trở thành một thực tế, một giá trị khách quan rồi thì họ vẫn có quyền lựa chọn tôi nữa hay không. Nói cách khác là những người sử dụng lao động khôn ngoan là sử dụng những lao động có năng lực lựa chọn ông chủ. Rất nhiều cán bộ của tôi sau một thời gian công tác là đi, đại bộ phận trong số họ rất thành đạt và họ dựng các sự nghiệp khác của họ rất thành công. Sự thành công của các cán bộ của tôi sau khi rời công ty của tôi làm cho tôi hạnh phúc hơn là đau khổ. Tôi không sợ mất ai cả, vì mỗi một công ty lành mạnh là một công ty tạo ra những người lao động mà sau khi không làm cho mình nữa thì họ trở thành những người tự tổ chức các hoạt động của họ một cách thành công. Đấy là định nghĩa của tôi.
- Trở lại vấn đề ban đầu ông đề cập là giáo dục Việt Nam đang đi lệch. Sự đi lệch này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hiện tại và trong tương lai?
Sự lệch ấy là một kết luận có tính chất gián tiếp và vĩ mô. Kết luận ấy không phủ lên trên một con người mà phủ lên trên tính chất của một cộng đồng. Tất cả những người sử dụng lao động trên đời này là một bộ phận quan trọng và nối dài của hệ thống chính sách giáo dục. Tất cả các chủ doanh nghiệp đều cần phải tham gia vào cộng đồng giáo dục để hoàn chỉnh dần dần các sản phẩm có chất lượng giáo dục để phục vụ cuộc sống. Để cho tất cả những người sử dụng lao động nằm ngoài quy trình đánh giá các sản phẩm hoặc kiến tạo các sản phẩm giáo dục là một trong những sai lầm rất cơ bản của chính sách vĩ mô về giáo dục.
Người sử dụng lao động đang có vấn đề?
- Theo ông thì tất cả các lĩnh vực của mình hiện nay không thiếu nhân lực?
Tôi nghĩ cái thiếu chính là những người sử dụng lao động chuyên nghiệp. Chúng ta không có những người sử dụng lao động một cách chuyên nghiệp, cho nên chúng ta luôn luôn trút cái yếu kém của những người sử dụng lao động sang cộng đồng lao động. Đấy là một tội ác chứ không phải là một khuyết điểm thông thường.
Tôi là người không bao giờ kết luận một cách khiên cưỡng, một cách quan liêu hay duy ý chí đối với các sản phẩm là con người. Tôi nhìn thấy các khuyết tật vĩ mô của cộng đồng ấy chứ không kết luận gì về các sản phẩm cụ thể. Tôi cho là cần phải nới rộng trách nhiệm đào tạo cho đến những người sử dụng lao động. Tức là phải có liên minh thật sự có tổ chức giữa nhà trường và những người sử dụng lao động. Và phải lôi kéo họ vào quá trình hoàn thiện các sản phẩm của các nhà trường của chúng ta, cái đó vô cùng quan trọng.
Từ trước đến nay chúng ta mới nói xã hội hóa giáo dục là huy động tiền của xã hội, tức là chúng ta mới xã hội hóa về phương diện tài chính. Chúng ta quên mất rằng xã hội hóa giáo dục còn là nới rộng trách nhiệm của những người tham gia vào cộng đồng giáo dục, mà người tham gia trực tiếp vào cộng đồng giáo dục và đào tạo chính là những người sử dụng nhân lực.
- Ý ông là ai sử dụng mà chê người lao động thì nhà tuyển dụng cũng có vấn đề?

Vấn đề cơ bản là ở nhà tuyển dụng chứ không phải là những người lao động. Xã hội chúng ta đang chết vì những người tuyển dụng chứ không phải là những người lao động.
- Ông đang vẽ ra một bức tranh làm tôi liên tưởng đến nếu các nhà tuyển dụng không đủ năng lực để đánh giá, thì nền kinh tế của Việt Nam có nguy cơ giậm chân tại chỗ và kéo theo nhiều hệ lụy khác?
Không phải giậm chân tại chỗ, mà có nguy cơ tụt hậu một cách rõ ràng bởi chính lực lượng sử dụng ấy. Phải nới rộng trách nhiệm hoàn chỉnh các sản phẩm đào tạo ra đến các lực lượng sử dụng trong xã hội.
- Vậy ai là người làm công tác nới rộng đấy?
Nhà nước và trước hết là Đảng. Tôi có nói ở đâu đó là tổ chức các lực lượng xã hội là nhiệm vụ của chính trị. Những người sử dụng lao động thông thường thì chỉ là một khía cạnh nào đó trong vùng năng lực của một cá nhân, nhưng tạo ra tính hoàn chỉnh của một không gian cá nhân thì phải là chính trị. Nếu chúng ta không có một không gian trọn vẹn của một cá nhân, của một cá thể thì chúng ta không khai thác được, may ra thì chúng ta gặp ở đó một số khía cạnh tích cực. Sử dụng một con người giống như sử dụng cái đèn cù, anh phải biết xoay tất cả các mặt của nó để tìm xem tính tương thích của nó với mình là ở mặt nào.
Con người là một không gian toàn diện, anh không thể thấy người ta không hợp với mình là vứt và kết luận nó không đủ tiêu chuẩn. Đấy là thái độ lếu láo đối với con người. Tôi không bao giờ có khái niệm như thế, tôi không bao giờ có ý nghĩ như thế. Tôi luôn luôn xem con người là một thực thể lớn hơn nhu cầu của mình, toàn diện hơn nhu cầu của mình, sâu sắc hơn nhu cầu của mình, và luôn luôn tự kiểm điểm xem trong câu chuyện này ta có lỗi hay nó có lỗi. Và cần phải có một thái độ như thế đối với các sản phẩm giáo dục thì chúng ta mới hiểu và mới góp ý đúng với nền giáo dục của chúng ta được.
Tôi không tin số liệu thống kê

- Những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu giáo dục đáng kể, như tỉ lệ đến trường ở bậc tiểu học đạt gần 100%, số lượng sinh viên có trình độ ĐH và CĐ cũng tăng nhanh. Nhưng năng suất lao động của người VN năm 2010 mới chỉ bằng ½ Trung Quốc, chưa bằng ½ Thái Lan và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo ông, tại sao lại có tình trạng này? Phải chăng nền giáo dục của Việt Nam không đủ cung cấp cho người lao động kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả?
Tôi không tin lắm những số liệu thống kê như vậy. Tôi cũng không tin những đánh giá như vậy, bởi có những tổ chức cũng quan liêu. Đây là cuộc sống thật, chúng ta không thể đánh giá nó một cách thống kê.
Năng suất không phải là lỗi riêng của người lao động. Người lao động tác nghiệp trên một cái máy mà tuổi công nghệ của nó vào những năm 60 thì tạo ra một loại năng suất khác. Người lao động được làm việc trong những điều kiện có điều hòa nhiệt độ, có vệ sinh đầy đủ thì tạo ra một loại năng suất khác. Người lao động làm trong một môi trường mọi người yêu thương đoàn kết với nhau tạo ra một năng suất khác. Và người lao động trong một môi trường nói xấu lẫn nhau cũng tạo ra năng suất khác. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của các yếu tố xã hội tham gia vào quá trình sản xuất, không chỉ là yếu tố người lao động. Và nếu chúng ta đổ mọi tội vạ về năng suất lên đầu của người lao động thì chúng ta rất có lỗi với con người.
Tôi nói là không thể đánh giá là do chất lượng đào tạo con người mà năng suất lao động thấp. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của toàn bộ các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa tham gia vào quá trình sản xuất.
- Để thành công như ông ngày hôm nay, nếu để định lượng ra thành công của ông thì bao nhiêu phần trăm có được từ nhà trường, và bao nhiêu phần trăm ông quan sát từ phía xã hội?
Tôi mở đầu công việc của tôi là một kỹ sư cầu đường, nhưng tôi làm nghề luật, công ty của tôi là một công ty luật. Công ty luật Việt Nam thời đấy chưa có, công ty luật Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quan hệ quốc tế càng chưa có, nhưng tôi tạo ra những thành tựu khổng lồ so với điều kiện của tôi. Tức là trường của tôi với tư cách là nơi đào tạo các kỹ sư không được hưởng vinh quang gì khi tôi thành công như một luật sư nếu theo quan điểm thống kê, đánh giá thông thường. Nhưng tại sao một nhà trường đạo tạo kỹ sư lại có một sản phẩm xuất sắc về luật học? Là bởi vì họ dạy cho tôi các nguyên lý cơ bản để tôi có thể suy luận như một luật sư, mặc dù họ lại đào tạo tôi trong nền của một kỹ sư. Năng lực suy đoán, năng lực suy tưởng của một con người là sản phẩm không thành văn, không thành tiêu chuẩn của một nhà trường có nền giáo dục tốt, có công nghệ giáo dục tốt.
Còn định lượng nói là 1% hay 100% cũng được. Nếu nhà trường đào tạo tôi ra không phải với tư cách một con người chủ động và có quyền suy luận, có kinh nghiệm về kiểm nghiệm các suy luận thì tôi không có gì cả. Rất nhiều người trên thế giới này học một nghề nhưng thành công ở một nghề hoàn toàn khác. Đấy chính là sự bỏ vào tôi một cách bất ngờ của các thầy giáo của tôi, những phẩm chất mà nghề kỹ sư không đòi hỏi nhưng phẩm chất ấy lại rất tốt cho nghề luật sư chẳng hạn. Cho nên khi tôi nói chuyện ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi có nói với các em là: Nếu chúng ta được đào tạo để tín nhiệm suốt đời các thầy giáo và các cuốn sách của mình thì học tập là một quá trình tự sát.
Người sử dụng lao động phải biết đón lõng
- Vậy nhà trường, xã hội và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ như thế nào để hoàn thiện kỹ năng lao động đáp ứng nhu cầu?
Người sử dụng lao động cũng phải biết đón lõng các năng khiếu, phải biết đón lõng các năng lực và không nhầm lẫn năng lực ấy với những tiêu chuẩn đào tạo nghề thông thường. Ví dụ, một bản nhạc có ba lần sáng tạo. Lần thứ nhất là nhạc sĩ viết ra tổng phổ, lần sáng tạo thứ hai là ông nhạc trưởng và việc xử lý tổng phổ, và việc sáng tạo thứ ba là người nghe. Một sản phẩm nghệ thuật có ba lần sáng tạo trong quá trình tồn tại và lưu chuyển nó trong đời sống. Sáng tạo con người cũng giống như sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật âm nhạc, nó là sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp hay các cơ sở tuyển dụng và xã hội nữa. Xã hội chúng ta chỉ hoan nghênh những kẻ có chứng chỉ, mà quên mất những sáng tạo phi chứng chỉ, xã hội chúng ta chưa phát triển đến mức những người thông thường có thể biết vỗ tay và đánh giá được giá trị của cái vỗ tay của xã hội đối với từng sản phẩm. Cho nên sự kết luận một cách khô khan, một cách vô cảm trước các sản phẩm đào tạo chính là một trong các biện pháp tốt nhất để tiêu diệt nền giáo dục đào tạo này.
- Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đã có nhiều cơ hội để nhân sự Việt Nam ra nước ngoài làm và cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam. Theo đánh giá của ông, nhân sự Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế chưa? Làm thế nào để tăng cường tính cạnh tranh của lao động Việt Nam?
Tôi cho là bây giờ chúng ta cần phải trang bị năng lực cho ngưới sử dụng lao động đã, trên cơ sở những người sử dụng lao động thông thái mà những lực lượng lao động ấy vẫn không dùng được, thì chúng ta mới có quyền kết luận về năng lực của người lao động Việt nam. Tôi rất phân vân khi kết luận về năng lực của người lao động Việt Nam. Kết luận về một số tính chất có chất lượng cộng đồng của người lao động Việt nam thì có thể, chẳng hạn như không mạnh dạn, thiếu tự do, thiếu tầm nhìn... Nhưng kết luận về chất lượng lao động thì tôi không dám nói, bởi vì trước đó chúng ta đã dùng họ đúng đâu mà chúng ta dám kết luận về họ. Tôi thì không phân vân về trường đại học nào cả.
Làm thế nào thì tùy từng người, nhưng để giải quyết tốt sự ngẫu nhiên, chất lượng ngẫu nhiên giữa người lao động và người sử dụng lao động thì chúng ta phải xây dựng thể chế tốt. Xây dựng thể chế tốt thì quản lý lao động tốt, chính sách tốt, ưu đãi tốt. Tức là buộc phải có thể chế đối với con người. Trên nền tảng ấy chúng ta mới nói về chất lượng lao động. Hiện nay chúng ta có rất nhiều lỗi trong tất cả các khâu khác nhau trong quan hệ giữa người với người, đặc biệt là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, đưa ra bất cứ kết luận gì về chất lượng đầu ra của các trường đại học Việt Nam, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đều rất dễ trở thành một kết luận vừa chủ quan, vừa không công bằng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kiều Oanh (thực hiện)
 http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/86248/-xa-hoi-dang-chet-vi-nhung-nguoi-tuyen-dung-.html

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Các loại hoạt động của chính phủ (Kinh tế công cộng)

Các loại hoạt động của chính phủ

19-8-2012 (VF) — Vai trò chủ yếu của chính phủ là bảo đảm một khuôn khổ luật pháp để tất cả các hoạt động kinh tế diễn ra. Chúng ta có thể chia hoạt động của chính phủ ra làm ba loại: a) sản xuất hàng hóa và dịch vụ; điều tiết và trợ giúp các nhà sản xuất tư nhân; b)mua hàng hóa dịch vụ, từ tên lửa cho đến hoạt động vệ sinh đường phố; c) phân phối lại thu nhập, nghĩa là cấp tiền cho những nhóm người nhất định nhằm giúp họ chi tiêu khá hơn là nếu không có sự trợ giúp đó; những khoản chi này gọi là thanh toán chuyển giao (transfer payment), bao gồm phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
Ba loại hoạt động này – sản xuất, mua và phân phối lại – là cách tiện lợi để phân loại các khoản chi tiêu và hoạt động rộng lớn của chính phủ. Song nó lại không phù hợp với cách thức chính phủ tổ chức ngân sách hay phân bổ trách nhiệm giữa các bộ của mình, như thương mại, dịch vụ y tế, nội vụ, v.v. Hơn nữa, hầu hết các hoạt động của chính phủ do các cấp bang và địa phương cũng như cấp bang thực hiện, cùng với tầm quan trọng tương đối của các khoản chi tiêu đủ các loại của cấp bang, đều được thay đổi theo thời gian.
Sự phức tạp cuối cùng là bản chất của một số khoản chi tiêu của chính phủ không rõ ràng. Ví dụ, các khoản trợ cấp của chính phủ cho dù nông trại quy mô nhỏ có thể coi là trợ cấp sản xuất hoặc trợ cấp mang tính phân phối lại. Tiền hưu trí trả cho quân nhân, nghỉ hưu thường được coi là thanh toán chuyển giao, nhưng nếu khoản này được xem là một phần chi phí quốc phòng thì sẽ hợp lý hơn, cũng giống như việc trả tiền hưu trí của một hang tư nhân được tính vào chi phí lao động.
Do đó, việc miêu tả mang tính định lượng những hoạt động của chính phủ là một việc vô cùng to lớn.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật


Đảm bảo hệ thống pháp luật

19-8-2012 — Một hoạt động quan trọng của chính phủ nhưng lại chiếm phần  chi phí rất nhỏ, là hình thành khuôn khổ luật pháp cho các hãng và các cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế và các triết học thường cố tưởng tượng  xem cuộc sống sẽ ra sao nếu hoàn toàn không còn chính phủ nữa. Thiếu luật pháp quy định quyền tài sản thì chỉ có thể dung sức mạnh mới làm cho người ta không ăn cắp lẫn của nhau. Thiếu khả năng bảo vệ tài sản thì các cá nhân ít có động cơ tích lũy tài sản. Và nhất định các hoạt động kinh tế sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ làm được nhiều việc hơn là chỉ có bảo vệ quyền tài sản. Nó làm cho hợp đồng giữa các cá nhân có hiệu lực. Nó cũng đã áp đặt những hạn chế đối với các loại hợp đồng đã có hiệu lực về mặt pháp lý. Luật phá sản của chúng ta hạn chế được vấn đề mắc nợ của các nhà đầu tư. Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm đã có tác động quan trọng đến chất lượng sản phẩm . Luật chống độc quyền đã khuyến khích cạnh tranh giữa các hãng với nhau: luật này hạn chế được việc sát nhập, thôn tính và những thông lệ bất công khác trong kinh doanh.
Hiệu lực của hệ thống luật pháp của chúng ta rất sâu rộng, nhưng những chi tiêu cho việc vận hành một hệ thống tòa án và duy trì kỷ cương, trật tự lại khá nhỏ bé: nếu cộng cả chi phí cho cảnh sát và nhà tù thì tổng chi tiêu chỉ cao hơn 4% một chút tổng số chi tiêu của chính phủ là cho quản lý hành chính chung, các hoạt động lập pháp và hành pháp (1).

(1) Năm 1985, năm cuối cùng của các con số so sánh về chi tiêu của liên bang, bang , địa phương, chi tiêu đó như sau: cho hoạt động hành chính lập pháp và tư pháp là 23 tỷ đô la; cho cảnh sát và các nhà tù là 39 tỷ đô la. Xem: Điều tra về kinh doanh hiện hành năm 7-1987.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật


Chính phủ và sản xuất

26-8-2012 (VF) — Ngoài việc đảm bảo khuôn khổ luật pháp cho các cá nhân và các hãng hoạt động, chính phủ ngày càng có vai trò tích cực trong các quyết định sản xuất. Chính phủ chỉ tự sản xuất ra một khối lượng nhỏ hàng hóa và dịch vụ, song lại có tác động lớn đối với các quyết định sản xuất thông qua sự điều tiết, thông qua thuế và trợ cấp để có thể làm thay đổi hành vi của các hãng tư nhân. Chính phủ có nhiều hoạt động đa dạng. Chính phủ có thể không thỏa mãn với hành vi cụ thể của các hãng, chẳng hạn như làm ô nhiễm môi trường. Có thể phải quan tâm đến sự độc quyền của một số hãng. Các nhóm lợi ích cụ thể có thể thuyết phục quốc hội rằng họ xứng đáng được giúp đỡ. Khu vực tư nhân có thể không cung cấp nổi một số hàng hóa và dịch vụ nào đó được cho là rất quan trọng.
Sản xuất hàng hóa và dịch vụ
Một trong những điểm khác nhau chủ yếu giữa Hoa Kỳ và nhiều nước Tây Âu là chính phủ Hoa Kỳ có vai trò hạn chế với danh nghĩa là người sản xuất hàng hóa dịch vụ. Hiến pháp Hoa Kỳ giao cho chính phủ liên bang trọng trách quản lý dịch vụ bưu điện và in tiền. Dịch vụ bưu điện của Hoa Kỳ độc quyền trong việc cung cấp thư tín loại một, nhưng trên 50% bưu kiện và thậm chí với tỷ lệ cao hơn nữa về thư tín tốc hành là do hãng tư nhân đảm nhiệm.
Ở Hoa Kỳ, chính quyền địa phương có trách nhiệm chủ yếu đối với giáo dục: gồm 90% học sinh cấp 1 và cấp 2, và 80% học sinh trung cấp, cao đẳng được tuyển vào các trường công lập.
Nhiều hoạt động sản xuất của chính phủ cũng tương tự như chính các hoạt động do hãng tư nhân thực hiện. Điện vừa do các doanh nghiệp của chính phủ (mà nổi tiếng nhất vẫn là hãng Tennessee Valley Authority) vừa do các hãng tư nhân cung cấp. Chính phủ cũng bán điện như các hãng tư nhân vậy. Điểm khác nhau giữa các doanh nghiệp của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân đôi  khi không rõ ràng. Chính phủ có thể làm chủ trên 50% của một hãng, nhưng lại cho nó hoạt động hoàn toàn như một hãng tư nhân. Ở Hoa Kỳ, chính phủ đã thành lập một số doanh nghiệp. Đó là Amtrak điều hành hệ thống đường sắt chở hành khách; là Comstat về sử dụng hệ thống vệ tinh trong thương mại. Những hãng này cũng hoạt động như những hãng tư nhân.
So sánh khu vực công cộng và tư nhân ở nhiều nước khác nhau, chúng tôi thấy rằng một số ngành thường rơi vào khu vực công, còn các ngành khác thì ít khi. Nông nghiệp là một ngành tỏ ra khó thuộc khu vực công. Mặt khác, ở hầu hết các nước, ngành điện thoại, đường sắt, ít nhất một phần của phát thanh và truyền hình thuộc khu vực công. Ở một số nước như nước Anh, chính phủ sản xuất thép và than. Ở nhiều nước khác, hệ thống ngân hàng do chính phủ làm chủ và vận hành; còn ở Hoa Kỳ, chính phủ điều tiết sát sao, song do tư nhân làm chủ (1).
Quá trình chuyển các doanh nghiệp tư nhân thành các doanh nghiệp của chính phủ gọi là quốc hữu hóa; quá trình chuyển doanh nghiệp chính phủ thành doanh nghiệp tư nhân gọi là quá trình tư nhân hóa . Từ năm 1982 đến năm 1986, chính phủ Anh đã thực hiện làn sóng tư nhân hóa: chính phủ đã chuyển các hãng điện thoại, khí đốt tự nhiên và dầu thành các hãng tư nhân mới thành lập (trong đó, chính phủ nắm một số cổ phần). Năm 1986, nước Pháp bắt đầu việc bán, được coi là lớn nhất từ lúc trước đến lúc đó, các xí nghiệp công cộng cho tư nhân, trong đó bao gồm nhiều xí nghiệp được quốc hữu hóa (khi đảng xã hội cầm quyền) năm năm trước đó.
Sản xuất của chính phủ  (giống như của mọi hãng) được đo bằng chênh lệch giữa giá trị sản lượng và giá trị vật liệu mua vào, được gọi là giá trị gia tăng. Nhưng giá trị sản lượng ở các hãng tư nhân được đo bằng giá trị hàng hóa và dịch vụ thực hiện, còn hầu hết các hàng hóa do khu vực công làm ra không được bán, mà sử dụng trực tiếp trong khu vực này hoặc cho không. Do không có giá thị trường để đánh giá những mặt hàng này, chúng phải đánh giá theo chi phí đầu vào để làm ra chúng . Như vậy, khi giá trị gia tăng của doanh nghiệp tư nhân bằng tiền công , tiền trả lãi và lợi nhuận, thì giá trị sản phẩm do chính phủ làm ra bằng tiền công cộng với tiền lãi sẽ. Hãng nào quyết định trả cho công nhân của mình cao hơn 5% tiền công (mà không tăng năng suất tương ứng) thì sẽ thấy giá trị gia tăng của mình không thay đổi: tiền công sẽ tăng 5%, nhưng tiền lãi sẽ giảm đi một khoản tương ứng. Nếu chính phủ cũng quyết định trả tiền công cho công nhân của mình thêm 5%, nhưng giá trị đầu ra được đo bằng giá trị đầu vào, nên khoản tăng tiền công sẽ là 5% tăng sản lương.
Vì những vấn đề đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể có được bức tranh khá hơn về quy mô của chính phủ với tư cách là người sản xuất bằng cách nhìn vào việc sử dụng nhân công của chính phủ. Năm 1986, có 17 triệu người làm việc trong khu vực công cộng (kể cả lĩnh vực giáo dục và quốc phòng) (2), chiếm 15,3% số việc làm . Con số này lớn gấp hai lần so với năm 1930, nhưng từ năm 1980 giảm xuống chút ít. Việc mở rộng khu vực công cộng đã diễn ra liên tục với nhịp độ liên tục cho đến năm 1970. Con số này tăng lên nhanh chóng dưới chính quyền Hoover (1929 – 1933) cũng như khi thi hành chính sách kinh tế xã hội mới dưới thời chính quyền Roosevelt (1933 – 1945). Mặc dù nhịp độ có giảm xuống đôi chút trong những năm tháng của Eisenhower, song quy mô của nó không hề giảm cho đến chính quyền Nixon và Ford, và tiếp tục giảm dưới chính quyền Carter và Reagan.
Trợ cấp sản xuất 
Trong các ngành nghề mà chính phủ không phải là người sản xuất cũng như người tiêu dùng, chính phủ vẫn có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết định của các nhà sản xuất tư nhân. Sự ảnh hưởng này thông qua các khoản trợ cấp và thuế (cả hai khoản này đều trực tiếp hoặc gián tiếp) và thông qua các điều tiết.
Các chương trình nông nghiệp
ở Hoa Kỳ, những khoản trợ cấp trực tiếp quan trọng nhất là trợ cấp dành cho nông nghiệp. Năm 1986 tăng lên 26 tỷ, so với 7 tỷ năm 1980. Hầu hết khoản  này chính phủ dùng để mua nông phẩm nhằm giữ giá nông phẩm ở mức cao. Trong những năm 1980, trợ cấp cho nông nghiệp tiếp tục tăng. Năm 1986, chi của chính phủ cho sản xuất ngô, mì và gạo đạt 57% giá trị nông phẩm, so với 7% năm 1980.
Nhưng chi tiêu của chính phủ cho nông nghiệp chỉ là một phần trong tổng chi phí của các chương trình nông nghiệp mà thôi. Hầu hết những chi phí này đều phát sinh dưới dạng giá cao mà người tiêu dùng phải trả.
Khi đánh giá một chương trình nào đó của chính phủ, điều hữu hiệu là phải phân biệt được hai loại chi phí. Thứ nhất là chi phí đối với xã hội do việc không sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả. Ví dụ có những người ở lại khu vực nông nghiệp vì có những khoản trợ cấp của chính phủ, mặc dù họ có thể làm việc với năng suất cao hơn ở những nơi khác. Chi phí thứ hai là sự chuyển giao một khoản phân phối lại thu nhập từ một nhóm người này sang một nhóm người kia trong xã hội. Phần lớn các khoản chi phí của chương trình nông nghiệp là khoản chuyển giao từ những người ngoài ngành nông nghiệp cho nông dân.
Các chương trình nông nghiệp của chúng ta minh họa một nguyên lý chung khác mà chúng ta sẽ quay lại sau: chính phủ có thể trợ cấp cho các ngành công nghiệp và các cá nhân theo nhiều cách, và chỉ có một số khoản trợ cấp (giá của trợ cấp) là chi tiêu của chính phủ mà thôi
Chi tiêu bằng thuế
Một số khoản trợ cấp quan trọng nhất của chính phủ được mở rộng thông qua hệ thống thuế. Nếu chính phủ trao trợ cấp giáo dục cho sinh viên thì những khoản này là chi tiêu; nhưng nếu như chính phủ miễn giảm thuế cho chi phí giáo dục (tức là chính phủ cho phép ai đó giảm phần đóng thuế bằng khoản chi phí cho giáo dục). thì khoản đó không phải là chi tiêu của chính phủ. Chính phủ cũng có thể đánh thuế người đó rồi lại trợ cấp cho anh ta; cả hai cách này đều tương đương. Song, trong thống kê chúng lại là hai khoản hoàn toàn khác nhau.
Tương tự như vậy, nếu chính phủ trợ cấp cho nhà sản xuất để anh ta mua máy móc, thì đó là khoản chi tiêu của chính phủ; nhưng nếu chính phủ cho phép người đó giảm thuế đối với khoản tiền mua máy (tức là nếu anh ta mua một cái máy 100 đôla và giảm 7% thuế, anh ta sẽ được hưởng 7% tiền miễn thuế) thì khoản này không phải là chi tiêu của chính phủ. Song, một lần nữa hai khoản này trên thực tế đều tương đương.
Chúng ta gọi những khoản trợ cấp ngầm này là chi bằng thuế. Chính phủ liên bang phải dự tính những khoản thất thoát thu thuế gắn với mỗi khoản chi bằng thuế này. Trong những năm qua, những khoản này rất lớn. Để tính được giá trị của chúng , đầu tiên chúng ta phải tính xem mỗi cá nhân hay mỗi hãng sẽ nộp bao nhiêu tiền thuế  nếu không có những điều khoản đặc biệt cho phép họ miễn hoặc giảm thuế đối với mỗi loại chi tiêu khác nhau. Sau đó chúng ta tính phần chênh lệch giữa con số này và thuế thực tế. Khoản chênh lệch này là khoản không thu được từ chi tiêu bằng thuế. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến việc chính phủ đánh thuế cá nhân, rồi sau đó lại trợ cấp cho người đó (để mua máy móc, để đi học, để mua dịch vụ y tế,  vv…)
Điều hành kinh doanh 
Chính phủ điều hành hoạt động kinh doanh nhằm bảo vệ người lao động, người tiêu dùng và môi trường, và ngăn ngừa những thực tế chống lại cạnh tranh, ngăn ngừa sự phân biệt đối xử.
Cục bảo vệ sức khỏe và An toàn nghề nghiệp cố gắng đảm bảo để nơi làm việc của công nhân được đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Cục Quan hệ lao động quốc gia cố gắng đảm bảo để các nghiệp đoàn và bộ máy quản lý đối xử với nhau một cách công bằng. Ủy ban thương mại liên bang, ngoài những nhiệm vụ khác ra, đã cố gắng bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tiết mục quảng cáo không chính xác. Cơ quan bảo vệ môi trường đã cố gắng bảo vệ những bộ phận quan trọng sống còn của môi trường, ví dụ điều chỉnh việc thải khí độc của ô tô.
Ngoài những cơ quan này ra, còn có những quy định áp dụng đối với những ngành cụ thể. Ngành ngân hàng thuộc phạm vi điều hành của cả Cục dự trữ liên bang lẫn Cục giám sát tiền tệ. Buôn bán hàng hóa và đường xe lửa chịu sự điều hành của Cục hàng không liên bang. Ngành bưu chính viễn thông chịu sự điều hành của Ủy ban liên lạc liên bang. Ngành chứng khoán chịu sự điều hành của Ủy ban chứng khoán hối đoái.
Trong những năm vừa qua đã có những nỗ lực được phối hợp nhằm giảm mức độ điều hành của liên bang. Qúa trình giảm này còn được gọi là quá trình giải quy chế (hay giảm điều tiết). Đã có sự giải quy chế trong ngành hàng không (đó là việc bỏ Cục Hàng không dân dụng năm 1984), trong ngành khí tự nhiên (giá khí đốt được phép tăng dần theo mức giá chung của thị trường), trong ngành thương mại và ngân hàng (các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp bây giờ được phép tăng dần lên).
Những khoản chi tiêu cấp liên bang cho các cơ quan điều hành chỉ chiếm dưới 1% ngân sách liên bang mà thôi. Nhưng những khoản chi đó không cho được những cái nhìn đúng đắn về tác động của các cơ quan điều hành này. Mức độ ảnh hưởng của các cơ quan này đối với mọi mật của hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài thước đo thông thường bằng chỉ tiêu của chính phủ. Nhiều quy chế đã có những tác động tương tự như của các biện pháp thuế và trợ cấp. Ví dụ như những quy định về thuế và trợ cấp. Ví dụ những quy định về giá cả dịch vụ dân dụng có thể giảm giá cho một số đối tượng xuống dưới mức giá thị trường, trong khi đó lại nâng giá một số đối tượng khác.
Có thể có được một thước đo rất gián tiếp quy mô các quy định cấp liên bang qua việc nhìn vào chi phí báo cáo gồm cả việc điền vào mẫu, chi phí của hãng. Dưới chính quyền Carter đã có nỗ lực giảm chi phí bàn giấy, và Ủy ban bàn giấy đã được thành lập cho mục tiêu này. Trong báo cáo chi tiết của mình năm 1979, Ủy ban này đã dự tính khoảng 768 triệu giờ của các nhân viên không thuộc cơ quan chính phủ làm công việc của chính phủ. Số lượng thời gian này tương đương 400.000 công nhân làm việc đủ giờ trong cả năm. Những nhân viên gián tiếp này bằng 14% nhân viên trực tiếp cấp liên bang năm 1979.
Hoạt động của chính phủ trong thị trường tài chính 
Hoạt động của chính phủ trong thị trường tài chính là đặc biệt sâu rộng. Thị trường tài chính cung cấp một số dịch vụ rất quan trọng, đó là phân bổ vốn; đảm bảo các thể chế để những khoản tiết kiệm của cá nhân chuyển thành đầu tư thông qua các hãng. Thị trường chứng khoán tạo điều kiện cho những người có đầu óc kinh doanh chuyển rủi ro kinh doanh cho công chúng nói chung; còn các hãng bảo hiểm thì tạo điều kiện cho các cá nhân thoát khỏi một số rủi ro mà họ gặp phải.
Chính phủ gây ảnh hưởng đối với khu vực tài chính thông qua rất nhiều các cơ quan điều hành. Như chúng tôi đã nêu, Cục dự trữ liên bang và Cục kiểm soát tiền tệ điều hành hệ thống ngân hàng, còn Ủy ban chứng khoán và chứng khoán thì điều hành ngành chứng khoán. Những cơ quan tiết kiệm và vay mượn thì do Cục ngân hàng cho vay nội địa liên bang điều hành. Mỗi bang trong số 50 bang đều có Ban bảo hiểm để bảo quản lý ngành bảo hiểm.
Ngoài những hoạt động điều hành này ra, chính phủ còn trợ cấp một số hoạt động nhất định  về cho vay của tư nhân, và thành lập cơ quan chính phủ để thực hiện các hoạt động bảo hiểm và tín dụng.
Cung cấp tín dụng
Khi cấp tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, trên thực tế chính phủ đã trợ cấp cho tín dụng, với giả định rằng áp dụng tín dụng lãi suất thị trường cao đối với một số nhóm người phản ánh sự đánh giá của thị trường về rủi ro khi cho họ vay. Khoản trợ cấp thực tế chỉ được ghi trong sổ sách của chính phủ khi và nếu người vay không trả được nợ.
Trong một số trường hợp, chính phủ không cấp tín dụng mà chỉ bảo lãnh cho vay; việc đó cho phép người vay nhận được tiền vay với lãi suất thấp hơn nhiều. Vì không có chi phí ngân sách vãng lai, những khoản đảm bảo vay này là phương pháp trợ cấp ít khó khăn để trợ cấp cho một ngành.
Khi tập đoàn Chrysler đang trên bờ phá sản  năm 1979, chính phủ đã bảo lãnh cho công ty đó vay. Mặc dù cuối cùng Chrysler đã trả  được nợ, khoản bảo lãnh đó vẫn là một khoản trợ cấp lớn cho Chrysler trong ngân sách. Vì Chryster đã thanh toán xong khoản nợ của mình, nên trợ cấp đó không nằm trong chi tiêu của chính phủ. Thay vào đó, chi phí thực của nó chỉ là phần giảm đi trong số các tín dụng cấp cho các hãng khác mà thôi.
Phần lớn hoạt động cấp tín dụng của chính phủ tăng lên theo mức độ thất bại của thị trường tư nhân trong việc cung cấp tín dụng trong điều khoản thông thường. Chương trình cho vay của chính phủ (dù đó là các khoản vay trực tiếp hay có bảo lãnh) luôn sẵn sàng để nông dân, chủ sở hữu nhà, doanh nghiệp nhỏ, những nhà xuất khẩu, ngành dịch vụ công cộng, các công ty đóng tàu và các chính phủ nước ngoài được vay.
Để định hướng vai trò của chính phủ liên bang trong việc tác động đến việc luân chuyển vốn giữa người tiết kiệm và người vay, điều quan trọng là phải so sánh số tiền cho vay dưới sự bảo trợ của chính quyền liên bang với tổng lượng tiền cho vay của Hoa Kỳ. Lương tiền cho vay hàng năm dưới sự bảo trợ của liên bang là phần chênh lệch giữa lượng tiền cho vay trực tiếp và lượng tiền bảo lãnh ở cấp liên bang tại thời điểm đầu năm và cuối năm. Năm 1986 khoản đó là 129 tỷ đô la. Cung tín dụng trong nước là tổng số tiền cổ phần tăng lên của tất cả các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Năm 1986 khoản đó là 889 tỷ đô la. Tỷ lệ cho vay và trợ cấp liên bang là 14,5% năm 1986. Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ cao điểm nhất 22,6% năm 1980.
Khi sử dụng những tỷ lệ này cần phải thận trọng, bởi vì nó không phân biệt được giữa một đô la cho vay với, hoặc sát với, lãi suất thị trường tư nhân, và các khoản vay cấp liên bang là khoản trợ cấp ngầm lớn . Chính phủ liên bang mới chỉ bắt đầu đưa ra hệ thống hạch toán có biện pháp tính được lượng trợ cấp ngầm thông qua tín dụng cấp liên bang.
Cung cấp bảo hiểm
Trong thời kỳ từ cuộc Đại khủng hoảng, chính phủ ngày càng có vai trò to lớn hơn trong việc cung cấp bảo hiểm. Có hai nhóm bảo hiểm của chính phủ.
Thứ nhất là bảo hiểm xã hội, bao gồm trợ cấp xã hội (cho người nghỉ hưu và bảo hiểm sinh mạng), bảo hiểm y tế (cho người già), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm cho những người mất khả năng lao động (trong trường hợp bị tai nạn lao động). Bảo hiểm xã hội tăng tới 18% tổng chi tiêu ngân sách của chính phủ và 28% chi tiêu ngân sách chính phủ liên bang. Như chúng ta sẽ thấy sau này, cái gọi là chương trình bảo hiểm không hẳn là chương trình bảo đảm lợi ích cho con người để giá trị thực mà họ sẽ bằng với phần đóng  của họ. Chương trình bảo hiểm cũng đảm bảo các phương tiện để phân phối lại thu nhập cho một số nhóm dân cư có nhu cầu đặc biệt. Vì lý do đó, chúng ta hay chia thành các chương trình chuyển giao, tức là chương trình thuần túy để thu nhập cho các nhóm dân cư cụ thể.
Loại chương trình bảo hiểm thứ hai của chính phủ tập trung vào rủi ro kinh doanh. Mặc dù loại chương trình bảo hiểm này là tự lực, song trong những năm vừa qua một số cơ quan quản lý chúng đã bị lỗ. Trong khi công ty liên bang bảo hiểm tiền gửi (công ty này bảo hiểm tiền gửi trong các ngân hàng thương mại) đã tích được 18 tỷ đô la dự trữ, thì các chương trình khác đã sử dụng hết số dự trữ đó. Đây là trường hợp của các công ty đảm bảo lợi ích hưu trí, công ty này bảo hiểm cho công nhân ở những hãng tư nhân, có tham gia bảo hiểm, tránh được khả năng quỹ hưu trí của họ không thể đáp ứng được nhiệm vụ chi trả. Điều này cũng đúng với công ty bảo hiểm tiết kiệm và cho vay (khi tiền đóng bảo hiểm vượt các khoản lỗ, số dư đó chuyển vào dự trữ; khi lỗ vượt thì chệnh lệch đó được lấy ra từ dự trữ). Nhiều nhà kinh tế cho rằng khoản lỗ của các công ty này rất lớn. Những chương trình bảo hiểm khác của liên bang do cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của liên bang phụ trách.

(1) Các ngân hàng dự trữ liên bang là sở hữu công cộng và chịu trách nhiệm về quản lý hệ thống ngân hàng .
(2) Đây là số lương nhân viên quy đổi làm việc cả ngày. Hai người làm việc nửa ngày tính bằng một người làm việc cả ngày.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật


Chính phủ mua hàng hóa và dịch vụ

26-8-2012 (VF) — Hàng năm, chính phủ mua hàng tỷ đôla hàng hóa và dịch vụ để cung cấp cho quốc phòng, bảo dưỡng hệ thống đường cao tốc, cấp cho giáo dục, bảo vệ trật tự, hỏa hoạn và công viên. Số lượng tiền mua bằng hóa đơn chiếm một phần năm tổng sản lượng ở Hoa Kỳ.
Mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ giữa “người mua là chính phủ” và “người sản xuất là chính phủ”, song hai chủ thể này vẫn khác biệt về quan điểm cũng như thực tiễn. Phần nhiều những gì chính phủ mua vào là do chính phủ làm ra. Song chính phủ cũng mua nhiều hàng hóa do tư nhân sản xuất ra (kể cả nhiều loại vũ khí quân dụng). Vì chính phủ lại bán một phần cái mà chính phủ làm ra (phần lớn là điện và dịch vụ đường sắt) cho các hãng tư nhân và người tiêu dùng (4).
Cái mà chúng tôi đặc trưng cho những khoản mua của chính phủ là khoản chi mua hàng hóa dịch vụ cho công chúng sử dụng tự do không phải trả tiền, như quốc phòng, trường học công và đường cao tốc. Những khoản chi của chính phủ cho người già thông qua chương trình chăm sóc sức khỏe để cấp chi phí cho họ khi phải vào bệnh viện, hoặc cấp cho người nghèo thông qua chương trình cấp tem phiếu lương thực, được phân vào thanh toán chuyển giao chứ không phải các khoản mua hàng trưc tiếp. Do đó chúng ta có thể thảo luận vấn đề này ở một phần riêng về phân phối thu nhập của chính phủ.
Chi tiêu quốc phòng nghiêm cấm phần lớn những khoản mua này của chính phủ, trong khi đó ở cấp bang và địa phương giáo dục chiếm phần đa số. Khi chính phủ liên bang cấp kinh phí cho các khoản mua của địa phương và bang  thì những khoản này được quy vào đơn vị quản lý.
Tổng số tiền mua hàng và dịch vụ của chính phủ là khoản dưới 1.000 tỷ  đô la trong năm 1985. Ở cấp liên bang những khoản mua này là cho quốc phòng, bao gồm quân đội, hải quân, phát triển vũ khí. Có hai khoản liên quan chặt chẽ đến quốc phòng: (1) các chi phí cho các chương trình trợ cấp cựu binh mà có thể coi như sự trả công cho quá trình phục vụ trước đây trong các lực lượng vũ trang; và  (2)  phần lớn các chương trình nghiên cứu không gian  và công nghê được xậy dựng nên được sự quan tâm đến vấn đề phòng thủ . Nếu chúng ta gộp các vấn đề này lại với nhau  thì các chi tiêu cho quốc phòng và những vấn đề liên quan lên tới ba phần tư  số tiền mua của chính phủ liên bang .
Đối với các bang và  các chính phủ địa phương, phần lớn nhất là giáo dục, chiếm gần nửa số tổng số tiền mua hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù các chi tiêu chủa chính phủ liên bang đã tăng một cách đáng kể trong những năm gần đây, chúng vẫn chiếm chỉ có 8% tổng số chi tiêu cho giáo dục của chính phủ.
Khi xem xét sự chi tiêu tổng hợp ở mọi cấp của chính phủ, những chi tiêu chủ yếu sau quốc phòng(32%) và giáo dục (22%) là y tế và bệnh viện(7%) và giao thông vận tải (6%). Gần một nửa tổng số chi tiêu của khu vực công cộng cho giao thông vận tải được chính phủ liên bang tài trợ, nhưng các chính quyền bang  và địa phương quản lí  tới 86% các chi phí.
Còn có những chi tiêu khác của chính phủ ở dạng chương trình nhằm khuyến khích và điều hành thương mại, nhằm xây dựng nhà ở và các dự ắn phát triển thành phố, và nhằm duy trì các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật


Phân phối lại thu nhập của chính phủ

26-8-2012 (VF) — Chính phủ đóng một vai trò tích cực trong phân phối lại thu nhập bằng cách lấy tiền của một số cá nhân và đưa cho những người khác. Có hai nhóm chính thuộc các chương trình phân phối lại công khai: các chương trình hỗ trợ công cộng nhằm trợ giúp cho những người nghèo có đủ tiêu chuẩn, và bảo hiểm xã hội nhằm trợ giúp cho những người về hưu, tàn tật, thất nghiệp và ốm đau. Chúng ta sẽ xem xét một số cách mà chính phủ dùng để che đậy sự phân phối lại.
Như ta thấy ở trên, những chi tiêu dành cho dành cho các chương trình phân phối lại công khai được gọi là các khoản thanh toán chuyển giao. Những chi tiêu này là khác nhau tính chất so với các chi tiêu của chính phủ cho những việc, ví dụ như làm đường hay mua sung. Các khoản thanh toán chuyển giao chỉ đơn giản là sự thay đổi đối với những người có quyền tiêu thụ hàng hóa. Ngược lại, phần chi tiêu của chính phủ cho đường sá hoặc sung ống làm giảm đi một lượng những hàng hóa khác( hàng hóa tiêu dùng cá nhân) mà xã hội có thể hưởng. Thanh toán xã hội cho các thành viên trong xã hội, nhưng sự chuyển giao này không ảnh hưởng đến tổng số hàng hóa được sử dụng ( bỏ qua ở đây sự phá vỡ những động lực do chuyển giao này gây ra).
Các chương trình hỗ trợ công cộng
Các chương trình hỗ trợ công cộng ( giống như những chương trình bảo hiểm xã hội) có hai dạng. Một dạng cung cấp tiền mặt, còn dạng kia thì chi trả cho những dịch vụ hay hàng hóa đặc biệt. Dạng thứ hai là loại trợ cấp hiện vật. Trong số các chương trình cấp tiền mặt, các chương trình lớn nhất là: Trợ cấp cho các gia đình đông con sống phụ thuộc(AFDC) và thu nhập đảm bảo bổ sung (SSI) nhằm cung cấp tiền mặt cho những người nghèo bị tàn tật, mù hoặc già cả. Chương trình trợ giúp công cộng bằng hiện vật lớn nhất là trợ cấp y tế nhằm trợ giúp cho các chi tiêu về y tế của người nghèo. Trong năm 1986, trợ giúp y tế chiếm 44% trong tổng số tiền hỗ trợ công cộng, bằng 45 tỷ đôla.
Các chương trình bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội khác với hỗ trợ công cộng ở chỗ, mỗi cá nhân phụ thuộc một phần vào các đóng góp của người đó mà nó có thể được coi như là tiền đóng bảo hiểm. Theo chừng mực mà mỗi người sẽ nhận được một khoản đóng góp của người ấy, bảo hiểm xã hội được xem như là “hoạt động sản xuất” của chính phủ, chứ không phải là hoạt động phân phối lại. Nhưng do phần nhận được thường lớn hơn rất nhiều so với phần họ phải đóng góp nên một phần lớn tái phân phối là dựa vào các chương trình bảo hiểm xã hội của chính phủ.
Chương trình lớn nhất trong các chương trình đó là chương trình bảo hiểm cho người già, bảo hiểm sinh mạng và người không có khả năng lao động .
Các chương trình bảo trợ xã hội và chăm sóc y tế đôi khi được hiểu là các chương trình cho tầng lớp trung lưu, bởi vì, những người được hưởng chủ yếu là tầng lớp trung lưu, và trợ cấp không dựa trên cơ sở nhu cầu mà để họ thỏa mãn những tiêu chuẩn khác (ví dụ tiêu chuẩn tuổi). Chừng nào họ thỏa mãn những tiêu chuẩn này thì họ được nhận trợ cấp.
Các chương trình phân phối lại ngầm
Chính phủ có ảnh hưởng đến phân phối thu nhập không chỉ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, mà còn thông qua những ảnh hưởng gián tiếp của hệ thống thuế và các chương trình khác của chính phủ. Có thể tưởng tượng là chính phủ đánh thuế mọi người với mức thuế như nhau, nhưng sau đó trợ cấp cho những người có thu nhập thấp hơn một mức nhất định. Điều này có ảnh hưởng tương tự như đánh thuế những người có thu nhập thấp hơn với thuế suất thấp hơn. Do đó, có sự tùy tiện nhất định trong việc phân định giữa trợ cấp xã hội thông qua các chương trình chi tiêu và những khoản trợ cấp ngầm thông qua hệ thống thuế (1).
Chính phủ còn phân phối lại thu nhập dưới hình thức chương trình trợ cấp và hạn ngạch. Chương trình nông nghiệp trên thực tế là phân phối lại thu nhập cho nông dân. Hạn ngạch nhập khẩu dầu lửa những năm 1950 đã phân phối lại thu nhập cho các chủ dự trữ dầu . Lý do để đưa ra hạn ngạch này là để đảm bảo sự độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ; mặc dầu vậy, tác động mang tính chất phân phối lại là nằm trong những hậu quả chủ yếu, và chúng thực sự có thể là động cơ để có hệ thống pháp luật.
Chi tiêu cho hàng hóa dịch vụ cũng có hậu quả mang tính phân phối lại: trợ cấp cho giao thông xe buýt trong thành phố có thể giúp người nghèo, đồng thời trợ cấp cho đường xe lửa ngoại thành có thể lại giúp cho giới trung lưu. Như chúng ta sẽ thấy trong những chương tới, việc đánh giá chi tiêu của chính phủ là vấn đề vô cùng phức tạp.

(1) Một phần chi tiêu thuế được xem như dưới dạng bảo hiểm xã hội. Việc bảo hiểm thất nghiệp và bảo trợ xã hội chỉ bị đánh thuế một phần và lợi ích đối với người mất khả năng lao động không bị đánh thuế, có nghĩa là 1 đô la chi tiêu trực tiếp cho mục tiêu này phải tăng them nếu như nó bị đánh thuế.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật


Tổng chi tiêu của chính phủ: Cái nhìn toàn cảnh

26-8-2012 (VF) — Bây giờ chúng ta sẽ xem xét một cách tổng quát tổng chi tiêu của chính phủ thông qua các khoản trợ cấp cho những nhà sản xuất của chính phủ, qua mua hàng hóa, dịch vụ và trợ cấp cho các cá nhân. Mua hàng hóa dịch vụ chủ yếu cho quốc phòng và giáo dục, chiếm trên một nửa tổng  chi tiêu của khu vực công cộng trong năm 1986. Một phần tư khác là các khoản thanh toán chuyển giao.
Thanh toán chuyển giao là khoản quan trọng trong ngân sách liên bang so với chi tiêu của khu vực công cộng. Năm 1986, thanh toán chuyển giao chiếm 37% tổng chi tiêu liên bang. Số còn lại trong chi tiêu của liên bang được chia ra giữa quốc phòng (32%), lãi suất (13%), viện trợ (8%) và các khoản khác (11%, bằng 114 tỷ đô la). Thâm hụt ngân sách liên bang năm 1986 là 203 tỷ đô la lớn hơn loại chỉ tiêu cuối cùng này. Do đó, cân đối ngân sách mà không giảm các khoản chuyển giao, giảm chi quốc phòng hay tăng thuế, là việc không thẻ làm được.
Trách nhiệm liên bang so với trách nhiệm cấp bang và địa phương
Trong chương 1 chúng ta đã thấy là chính phủ Hoa Kì có cơ cấu liên bang: chính phủ liên bang chịu trách nhiệm chủ yếu về cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ nhất định, trong đó các chính phủ bang và địa phương cung cấp những hàng hóa khác. Ngày nay, chính phủ liên bang chi toàn bộ cho quốc phòng, 98% bảo hiểm xã hội, ba phần tư hỗ trợ công cộng, nhưng chỉ chi dưới 1/12 cho giáo dục công cộng. Ngân sách liên bang gần bằng hai lần tổng ngân sách của các chính phủ bang và chính quyền địa phương.
Mối quan hệ giữa chính phủ liên bang và các bang, các địa phương là rất phước tạp. Chính phủ liên bang trao trực tiếp các khoản trợ cấp (hiện nay hầu hết đều giới hạn vào các chương trình đặc biệt) và giao cho các địa phương và bang quản lí các chương trình của liên bang. Nhưng khoản chi tiêu này có thể được báo cáo vừa là chi tiêu của “liên bang”  vừa là chi tiêu của “bang và địa phương” .
Trong những năm vừa qua đã có những thay đổi rõ nét về tầm quan trọng tương đối của các cấp chính phủ này. Khi xem xét những thay đổi này phải ghi nhận rằng, phần của liên bang dành cho chi tiêu không phải là quốc phòng đã tăng từ dưới một phần năm năm 1902 lên trên một nửa năm 1986.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật


Triển vọng và quy mô khu vực công cộng ở Hoa Kỳ

26-8-2012 (VF) — Bởi vì sự ảnh hưởng của chính phủ đối với kinh tế tư nhân phụ thuộc vào các chính sách điều hành và thuế khóa cũng như các khoản chi tiêu của nó, cho nên không một con số đơn độc  nào có thể đưa ra một chỉ số chính xác về tác động của chính phủ đối với nền kinh tế của Hoa Kì. Mặc dầu vậy, một con số mà các nhà kinh tế thấy rất tiện dụng là mức độ chi tiêu công cộng so với quy mô của toàn bộ nền kinh tế. Thước đo chuẩn về quy mô toàn nền kinh tế là tổng sản phẩm quốc dân(GNP), dùng để đo giá trị toàn bộ hàng hóa, dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế trong một năm.
Gia tăng chi tiêu và thay đổi thành phần chi tiêu
Trong vòng 50 năm qua, tỷ trọng chi tiêu công cộng trong GNP đã tăng lên rất nhanh. Năm 1930 là 11% của GNP. Hiện nay là 35%.
Chi tiêu cho quốc phòng
Từ năm 1960 đến năm 1977, tỷ lệ chi cho quốc phòng đã giảm trong GNP (từ 9% xuống còn 5%) cũng như trong chi tiêu của chính phủ. Nhưng kể từ thới kì đó lại có xu hướng ngược lại: Năm 1986 chi tiêu cho quốc phòng trong GNP vẫn không đạt mức của năm 1960. Trên thực tế, trong thới gian từ 1960 đến 1977, chi tiêu thực tế tăng với tốc độ chậm hơn tỷ lệ lạm phát.
Nhằm tránh những ấn tượng sai có thể do không tính đến lạm phát một cách hợp lí, các nhà kinh tế muốn thể hiện những chi phí này bằng “ đôla cố định”. Do đó, nếu năm ngoái chính phủ chi một tỷ đôla cho một chương trình nào đó, và năm nay chi 1,1 tỷ, nhưng lại tăng lên 10%, thì chúng ta nói rằng chi tiêu hiện hành (đo bằng giá năm ngoái) vẫn là 1 tỷ; vì theo đô la cố định thì chi tiêu không hề tăng. Do đó, theo đôla cố định của năm 1982 thì chi quốc phòng đã co lại từ mức trung bình là 175 tỷ năm 1970- 1974 xuống 156 tỷ năm 1980, nhưng lại tăng lên 227 tỷ năm 1985. Dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Mức gia tăng 45% này của chi tiêu thực tế cho quốc phòng trong năm năm không gây ra tranh cãi lớn, là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Thanh toán chuyền giao và trả lãi
Gia tăng chi tiêu cho bảo trợ xã hội, cho các chương trình hưu trí, chăm sóc y tế và trả lãi chiếm phần lớn số tăng trong chi tiêu công cộng kể từ năm 1950. Mặc dầu hỗ trợ công cộng thường bị coi là nguồn gốc tăng chi tiêu công cộng, tỷ trọng của nó trong tổng chi tiêu của chính phủ chỉ tăng có từ 4- 6%.
Giải thích các số liệu
Có nhiều quan điểm phổ biến về sự thay đổi của mức chi tiêu và cách thức chi tiêu của khu vực công cộng trong một phần tư thể kỉ qua, và về những số liệu mà chúng ta đã và đang bàn đến.
Các số liệu không cho thấy mức tăng lớn về chi tiêu vào cuối những năm 1960, như  người ta thường vẫn nghĩ là do cuộc chiến chống nghèo khổ gây ra. Chúng cũng không cho thấy chi tiêu giảm vào đầu những năm 1980, mặc dù những nỗ lực của Reagan nhằm giảm quy mô của chính phủ. Thời kì tăng nhanh chi phí quốc phòng bắt đầu từ  trước năm  1960, mức tăng không chỉ dưới chính quyền Jonhson (1963-1969) mà còn qua cả thời Nixon (1969-1974). Chỉ đến dưới chính quyền Carter mới có sự giảm rõ ràng nhất.
Tuy nhiên, những số liệu này có thể không chính xác. Chi tiêu của một năm có thể là do các chương trình đã triển khai từ trước đó. Chương trình chăm sóc y tế áp dụng năm 1965, nhưng toàn bộ chi phí của chúng chưa được thực hiện cho mãi tới sau này. Mức chi tiêu cao hiện nay cho bảo trợ xã hội là hậu quả thay đổi trong những năm 1970. Việc tăng cường chi tiêu hiện nay cho quân sự sẽ có ảnh hưởng đến ngân sách nhiều năm sau này, khi các đơn đặt hàng hiện nay được giao nhận.
So sánh chi tiêu giữa các nước
Chi tiêu của Hoa Kỳ tỏ ra nhỏ hơn nhiều chi tiêu của các nước Tây Âu khác, tỷ lệ gia tăng chi tiêu của Hoa Kỳ cũng nhỏ hơn nhiều so với các nước công nghiệp khác. Sự chênh lệch còn lớn hơn nữa nếu chúng ta tính đến chênh lệch trong thu nhập quốc dân.
Ở các nước thu nhập đầu người cao hơn có xu hướng khu vực công cộng khá lớn. So với những nước công nghiệp hóa khác có thu nhập đầu người tương tự thì tỷ lệ chi tiêu của khu vực công cộng Hoa Kỳ đóng vai trò lớn hơn, cho nên tỷ trọng chi phí phi quốc phòng đặc biệt thấp, nếu xét từ góc độ triển vọng quốc tế.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật

Thu của chính phủ

28-8-2012  (VF) — Bây giờ chúng ta xem xét xem chính phủ chi tiền vào đâu, chúng ta sẽ nghiên cứu một cách ngắn gọn những cách huy động nguồn thu của chính phủ để phục vụ chi tiêu này. Chính phủ áp dụng nhiều loại thuế khác nhau. Khi thu của chính phủ từ nguồn thuế ít hơn chi tiêu theo kế hoạch của mình, chính phủ phải hoặc là cắt giảm chi tiêu hoặc là vay them phần thiếu đó.
Thuế và hiến pháp
Vấn đề thuế là vấn đề mà các nhà sáng lập ra nước cộng hòa phải tư duy nhiều nhất. Thực vậy, cuộc cách mạng đã bắt đầu bằng cuộc nổi loạn chống thuế của Đảng Chè ở Boston Tea Party). Đó là cuộc cách mạng chống thuế chè với khẩu hiệu “đánh thuế mà không có ai đại diện là một hành động chuyên chế”. Điều đầu tiên trong hiến pháp đã quy định rằng “Quốc hội phải có quyền định ra thuế và thu thuế, thuế hải quan, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, để trả nợ và chi tiền cho quốc phòng và phục vụ lợi ích chung của Hoa Kỳ”.
Ba loại hạn chế đã được áp đặt: Chính phủ không được đánh thuế xuất khẩu; “toàn bộ thuế, nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt” phải được áp dụng thống nhất trên toàn nước Hoa Kỳ; “không một loại thuế cá nhân hay trực tiếp nào được phép áp dụng chừng nào chưa có thông nhất hay chỉ đạo trực tiếp”. Dụng ý của những điều khoản này là bảo đảm để không một nhóm bang nào lợi dụng được bang khác. Hạn chế đối với thuế xuất khẩu đã được ban hành, bởi vì những bang ở phía nam lo lắng rằng các bang ở phía bắc đánh thuế xuất khẩu bông mà gánh nặng của nó (mặc dù đã áp dụng thống nhất) sẽ giáng vào những nhà sản xuất phía nam. Tương tự , những bang giàu có lo lắng rằng  những bang nghèo buộc họ phải trả phần bất cân đối – theo họ hiểu – của thuế, và do đó chỉ có thuế trực tiếp đã được phép áp dụng là thuế than thống nhất.
Những người soạn thảo hiến pháp đã dự đoán đúng rằng, những vấn đề đánh thuế phân biệt của một số bang có thể chia rẽ liên bang, nhưng họ lại không dự đoán được một cách đầy đủ những công cụ ảnh hưởng đến sự phân biệt này. Thuế quan nhập khẩu  không chỉ làm tăng thu, mà còn tăng giá mà nhà sản xuất trong nước phải trả. Vấn đề thuế quan đối với hàng hóa sản xuất ra ở phía bắc là một trong những vấn đề chia rẽ nhất trong thời kỳ trước Nội chiến, mà trên thực tế là khoản trợ cấp ròng của phía Nam trợ cấp cho phía Bắc.
Mặc dù những vấn đề này có thể không đến nỗi chia rẽ lắm, nhưng vẫn có mâu thuẫn. Năm 1980, chính phủ liên bang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu lửa, và do quyết định đó đã làm cho giá dầu lửa tăng. Thuế lợi nhuận trời cho, gọi như vậy vì thuế đó sẽ dành cho chính phủ phần nào đó lợi ích ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất nhận được do giá cả tăng, không áp dụng đối với giàu lửa ở phía bắc Alaska. Bang Texas và các bang sản xuất dầu lửa lớn khác nhìn nhận thuế đó như là một biện pháp phân biệt đối xử, vi phạm tính thống nhất của hiến pháp. Tòa án cấp quận của Hoa Kỳ đồng tình với họ, song khi kháng cáo, Tòa án tối cao năm 1983 ra lệnh là sự phân biệt tùy tiện, do đó Quốc hội không hề vi phạm điều khoản thống nhất của Hiến pháp.
Tuy nhiên, điều khoản của Hiến pháp hạn chế thuế trực tiếp đã tỏ ra có vấn đề. Quốc hội đánh thuế trong thời kỳ nội chiến và ban hành lại vào năm 1894 dưới dạng thuế đánh vào thu nhập rất cao. Song năm 1895, Tòa án cứ khăng khăng cho rằng thuế thu nhập cá nhân một phần là thuế trực tiếp mà theo quy định của hiến pháp phải cân đối giữa các bang xét theo góc độ dân số của chúng. Sự phê phán lan truyền rộng rãi đó đã dẫn đến phải sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp sửa đổi lần thứ 16, được thực hiên năm 1913, tuyên bố rằng “Quốc hội có quyền đánh thuế và thu nhập thuế thu nhập từ mọi nguồn mà không có sự cân xứng giữa các bang và không cần phải điều tra hay kê khai”.
Tuy nhiên điều khoản cân xứng vẫn hạn chế Quốc hội áp dụng một số thuế . Một số nước đã áp dụng thuế tài sản quốc gia và thuế người giàu có. Nhưng những thuế này có thể coi là thuế trực thu và do đó bị loại ở Hoa Kỳ bởi điều khoản cân xứng.
Thuế ở cấp bang hiện nay
Vừa qua chính phủ liên bang đã đưa ra năm dạng thuế chủ yếu: 1) thuế thu nhập các nhân; 2) thuế quỹ lương; 3) thuế thu nhập công ty; 4) thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế đánh vào những hàng hóa đặc biệt như xăng dầu, thuốc lá, vé máy bay và rượu); 5) thuế quan nhập khẩu (thuế đánh vào một số hàng nhập). Thuế thu nhập cá nhân là nguồn thu thuế lớn duy nhất trong số nguồn thu bằng thuế của chính phủ. Năm 1986, thuế bảo trợ xã hội chiếm 36%, thuế thu nhập công ty chiếm 6% thu nhập của chính phủ.
Đã có sự thay đổi lớn trong cơ cấu chi tiêu trong năm mươi năm qua, cũng như sự thay đổi rõ nét trong nguồn thu của chính phủ. Trừ giai đoạn ngắn của Nội chiến và năm 1894, chính phủ liên bang đã không áp dụng một loại thuế thu nhập nào đối với các cá nhân trước năm 1913. Thuế thu nhập cá nhân trước năm 1940 chiếm 25% hoặc ít hơn tổng thu từ thuế của chính phủ. Khi đó thuế tăng gấp bốn lần nhằm tăng thu cho thế chiến thứ hai. Vì lý do chiến tranh, thuế thu nhập cá nhân đã trả thành nguồn thu  liên bang. Thuế thu nhập công ty ngày càng giảm , giảm từ 36% tổng thu của liên bang năm 1927 xuống 23% năm 1960 và 8% năm 1986.
Thu của cấp bang và địa phương
Khác với hệ thống thuế liên bang , hệ thống thuế cấp bang và địa phương dựa chủ yếu vào thuế doanh thu và thuế tài sản . Thuế tài sản là nguồn thu chủ yếu của cấp này cho đến năm 1976. Ngày nay thuế doanh thu chiếm 23% tổng thu và thuế tài sản chiếm 19%. Thuế thu nhập bang và địa phương tăng 12% trong tổng số, trong khi đó thuế thu nhập công ty chỉ tăng có 3%.
Sự cạnh tranh giữa các bang không khuyến khích sử dụng nhiều loại thuế ở cấp bang và địa phương, đặc biệt là thuế thu nhập công ty. Để đáp ứng nhu cầu của các dịch vụ của bang và địa phương , chính phủ liên bang đã bảo đảm viện trợ ngày càng tăng cho chính phủ bang và chính quyền địa phương. Phần nhiều viện trợ đó cung cấp trực tiếp qua chương trình cụ thể như xây dựng đường sá, giáo dục song ngữ, dạy nghề và thư viện. Vào cuối những năm 1960 và 1970, chính phủ liên bang đã cấp vốn khá lớn theo chương trình gọi là phân chia thu nhập chung. Năm 1986, liên bang đã cấp cho chính quyền bang và địa phương một phần sáu tổng nguồn thu của họ.
So sánh thuế giữa các nước
Cách đánh thuế ở các nước rất khác nhau. Ở các nước châu Âu, thuế thu nhập cá nhân ít quan trọng (chỉ chiếm dưới 30% thu nhập ở Anh và Đức, 13% ở Pháp).; nhưng thuế hàng hóa và dịch vụ lại quan trọng hơn. Đối với hầu hết các nước, thuế giá trị gia tăng (thuế đánh vào giá trị sản phẩm của hãng trừ đi giá trị hàng hóa và dịch vụ mà hãng mua về) là nguồn thu chủ yếu, và trong nhiều trường hợp nó chiếm tới một phần sáu nguồn thu của chính phủ . Thuế bảo trợ xã hội cũng chiếm một phần nào đó trong thu của chính phủ Nhật Bản, và ở mức trung bình của Châu Âu cũng như Hoa Kỳ.
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật