Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Theo dòng thời gian (7)


Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 28)

Ngày 8/5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo kinh tế hàng năm, trong đó đưa ra dự báo trên mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam năm 2008 theo 3 kịch bản.


Dù theo kịch bản nào thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 này đều thấp hơn so với kỳ vọng của chúng ta sau khi gia nhập WTO cũng như kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Theo kịch bản cơ bản, GDP năm 2008 tăng 7,2%, mức lạm phát (trung bình) là 19,4%, xuất khẩu tăng 26,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế theo 3 khu vực chính - khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ, tương ứng là 3,2; 8,2 và 7,9%.

Kịch bản “bi quan” cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo theo kịch bản cơ bản là ở mức 6,7% trong năm 2008. Mức lạm phát sẽ tăng tới 22,3%, thâm hụt thương mại lên đến -17,8% (GDP), thâm hụt ngân sách -3,9% (GDP).

Theo kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt ở mức 7,6%, mức lạm phát sẽ tăng 16,7%, thâm hụt thương mại là -16,6% (GDP), thâm hụt ngân sách -4,5% (GDP) .

Theo nhận định chung của các chuyên gia CIEM, trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Một số chỉ tiêu dự báo trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ bản thấp xa so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

Kết quả dự báo từ mô hình cũng cho thấy, lạm phát vẫn đứng ở mức cao và cao hơn so với mức năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn. Điều này một lần nữa cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2008 cần được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trước ba kịch bản được đưa ra, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập của CIEM cho rằng, rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản bi quan. “Cá nhân tôi cho rằng, khả năng chúng ta chịu kịch bản bi quan là cao hơn cả, xét về mặt toán học”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, có hai lý do để kinh tế Việt Nam đi theo kịch bản xấu này. Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ và thế giới, tuy không rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhưng đã cho thấy quá nhiều dấu hiệu bất ổn, và tác động đến kinh tế Việt Nam. Thứ hai, cho dù chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng việc triển khai trên thực tế đang là “vấn đề”.

Vẫn theo ông Thành, dù phát triển theo kịch bản nào, thì thâm hụt thương mại và mức lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn cao, và về trung hạn, mức lạm phát vẫn phải trên 10% năm 2009, và 5-7% trong năm 2010. Để khắc phục khó khăn, cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu (khu vực doanh nghiệp Nhà nước; phát triển khu vực tư nhân), thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế trong đó có các cam kết WTO cũng như “giải tỏa” các nút thắt cổ chai (về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực), những công việc cần được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2008.

Theo nhóm chuyên gia của CIEM, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cải cách và phát triển mới. Cải cách trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi không chỉ bản lĩnh chính trị, quyết tâm lớn mà cả trí tuệ cũng phải vươn lên tầm cao mới.

Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM cho biết, bản báo cáo của CIEM, đáng ra phải công bố vào tháng 3 hàng năm theo thông lệ, được đưa ra ngay trước khi Chính phủ phải điều trần trước Quốc hội về năng lực điều hành vĩ mô và tình hình kinh tế ảm đạm của Việt Nam trong hơn nửa năm nay.

Tuy nhiên, ông Ân giải thích rằng, việc ban hành chậm bản báo cáo này là do đã có qua nhiều thay đổi và điều chỉnh về các chỉ số kinh tế vĩ mô của các cơ quan nhà nước trong suốt thời gian từ tháng 10/2007 đến giữa tháng 4/2008.

Mức lạm phát cao nhất lên tới 22,3%
http://www.tienphongonline.com/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=121807&ChannelID=3
Đây là kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế VN năm 2008 vừa được Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007 diễn ra vào ngày hôm nay 8/5 tại Hà Nội.


Theo Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư , với các kịch bản được đưa ra trong báo cáo, năm 2008, kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5- 9% và kiềm chế lạm phát ở mức 11- 12% cho năm 2008 là rất khó thực hiện khi mà kinh tế thế giới đang có những biến động khó lường tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách hội nhập kinh tế của CIEM cho biết có 3 kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008. Theo đó với kịch bản cơ bản thì GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,2%, xuất khẩu tăng 26,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế theo 3 khu vực chính là: Nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ, tương ứng với các mức 3,2; 8,2 và 7,9%. Đối với kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế năm 2008 sẽ đạt ở mức 7,6%.

Ông Thành cũng cho rằng không nên né tránh trong việc sẵn sàng đối phó với kịch bản bi quan. Điều này là do nếu giả sử từ nay đến cuối năm kinh tế thế giới vẫn còn biến động và kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái và mức độ lan tỏa ngày càng rộng thì sẽ dẫn đến kịch bản bi quan và tăng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,6 – 6,7%.

Tương ứng với các kịch bản này, mức lạm phát của Việt Nam dù ở mức nào cũng đều cao hơn so với năm 2007 với mức thấp nhất là 16,5% cho kịch bản cơ bản; 19,4% với kịch bản trung bình và lên tới 22,3% với kịch bản xấu nhất.

”Kết quả dự báo từ mô hình cũng cho thấy, lạm phát vẫn đứng ở mức cao và cao hơn so với mức năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn. Điều này một lần nữa cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2008 cần được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”- Đại diện CIEM cho biết.

Về phần mình ông Đinh Văn Ân cho rằng tiềm năng phát triển của Việt Nam là rất lớn. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu (khu vực doanh nghiệp nhà nước; phát triển khu vực tư nhân), thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế trong đó có các cam kết WTO cũng như “giải tỏa” các nút thắt cổ chai về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực... là những công việc cần được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2008.

Đây là những nền tảng hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, cần nhận thức đầy đủ hơn tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tình trạng rủi ro bất ổn vĩ mô gia tăng để có phương thức xử lý thích hợp, cho dù có thể phải giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn.

Theo nhận định của các chuyên gia của CIEM, năm 2007 đã để lại cho Việt Nam những dấu ấn rất đáng ghi nhớ, cả trên bình diện các con số thống kê, lẫn bình diện nhận diện lại chính mình. Trong đó điều đáng nói hơn là việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững.

Theo đó, sự hụt hẫng về kỹ năng nguồn nhân lực cũng đang ngáng trở tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững. Một điểm nữa là sự lộ diện rõ ràng hơn những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2007 lên tới 12,6%, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng đang chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại như thâm hụt thương mại lên tới hơn 15,8% GDP.

Đáng chú ý là tốc độ tăng tiêu dùng của người dân Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng GDP. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2007 chỉ là 841USD/người/năm nhưng mức chi tiêu của người dân lại đang tăng mạnh.

Điều này dẫn tới tiết kiệm nội địa năm 2007 bị chững lại. Tỷ lệ tiết kiệm trong GDP chỉ chiếm 30-31% khiến Việt Nam chủ yếu phải dựa vào việc kêu gọi vốn đầu tư bên ngoài hơn là huy động tiết kiệm trong nước để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007 là báo cáo năm thứ 10 liên tiếp của CIEM, nhìn nhận tăng trưởng kinh tế từ cả phía cung và phía cầu, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư và thương mại; phân tích diễn biến các chính sách kinh tế vĩ mô, biến động giá cả và cán cân thanh toán quốc tế; đánh giá những biến động về lao động, việc làm và thu nhập.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo về mức tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2008.

Báo cáo được CIEM xây dựng dựa trên những số liệu “chính thống” do Tổng cục Thống kê và nhiều Bộ ngành cung cấp. Năm nay, báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của VN đến hết tháng 4/2008.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét