Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Những suy nghĩ về một phản bác

BLOG CỦA ALAN NGÀY CHÚA NHẬT 5/8/2012
Từ nhỏ, bố mẹ chú đã dạy rằng số tiền con kiếm được từ cơ bắp (phần cổ trở xuống) rất giới hạn (khoảng 15 đô la một giờ tại Mỹ hiện nay). Trong khi đó, những gì con thu hoạch từ phần cổ trở lên là vô giới hạn. Chú muốn tăng cường cái phần “vô giới hạn” đó cho 20 triệu trẻ em Việt.


Một BCA, cô H. Mai chia sẻ vài kinh nghiệm sau khi đọc blog “Một Chút Xấu Hổ “ của tôi. Khá thú vị. Tôi xin được trình bày quan điểm của tôi về Email này của cô Mai.
“Dự án của chú rất ‘nhân văn’, tuy nhiên cháu nghi ngờ tính khả thi của nó vì các lẽ sau đây:
1. Nó đến từ vision (tầm nhìn) của chú, không phải vision của các stakeholder: cụ thể là chính phủ và các trẻ em vùng sâu, vùng xa. Nói chuyện với người ko share vision với mình thì giống y như người sáng mắt mô tả về ánh sáng cho người mù. Mình ko có sức để push họ.
2. Vì nó xuất phát từ vision của chú nên chỉ có chú thấy nó là 1 nhu cầu. Những stakeholders khác có nhu cầu cấp thiết hơn. Cụ thể là trẻ em vùng sâu, vùng xa lúc này chúng nó cần ăn, cần mặc, cần chơi nhiều hơn cần máy tính bảng.
Có lẽ chú cũng đã nghe nói về chương trình ‘cơm có thịt’ http://trandangtuan.wordpress.com/tag/ch%C6%B0%C6%A1ng-trinh-c%C6%A1m-co-th%E1%BB%8Bt-cho-tr%E1%BA%BB-em-vung-cao/
Cháu nhớ ko lầm thì ông Jean Ziegler có kể câu chuyện như sau:
1 NGO (cơ quan thiện nguyện) tới 1 làng ở châu Phi và hỏi dân làng ‘quý vị có cần trường học không?’ Dân làng trả lời ‘có’. Trường học được xây.
1 năm sau NGO quay lại và hỏi ‘sao quý vị nói cần trường học nhưng không ai đi học’
Dân làng trả lời ‘chúng tôi cần trường học, nhưng cũng cần những thứ khác nữa, tại các ngài không hỏi hết’
Cháu đánh giá các dự án gặp những chuyện như vầy khá thường. Phần lớn các NGO identify nhu cầu của cộng đồng dân cư mà họ muốn giúp theo quan điểm chủ quan của người có cơm ăn, áo mặc, nhà ở nên nó ko phù hợp với các nhu cầu căn bản của nhóm dân cần được giúp.
Cháu nghĩ làm từ thiện hay kinh doanh thì cung cầu đều phải tính đến, nếu xác định ‘cầu’ không chính xác thì cũng dễ ‘phá sản’ như nhau.
Vì công việc của cháu làm với nông dân và dân nghèo nhiều nên cháu nghĩ cháu hiểu họ cần gì.
Khi mới bắt đầu dự án, cách tiếp cận của cháu rất là NGO. Tự indentify nhu cầu của họ mà ko hiểu họ. Năm đầu tiên cháu nghĩ cách làm của họ không đúng. Làm vậy nghèo là phải. Năm thứ 2, cháu nghĩ: tôi hiểu sao anh làm vậy, nhưng có cách khác tốt hơn. Năm thứ 3, cháu nghĩ: tôi hiểu anh, nếu là anh, priority của tôi cũng giống anh, tôi sẽ làm y như anh. Năm thứ 4 cháu mới hiệp (match) được cung cầu, mới thấy hướng đi.
3. Máy tính chỉ có thể sử dụng được nếu wifi phủ tới vùng sâu, vùng xa, nếu thầy cô biết sử dụng công nghệ đó. Phần bảo trì bảo dưỡng cũng là vấn đề. Bọn trẻ lội rừng đi học, gặp mưa còn không có áo mưa. Máy tính dính nước mưa hay rớt xuống suối là đi. Chưa kể ông cha có thể bợp tai thằng con mang máy đi cầm lấy tiền nhậu. Vụ này cháu đã gặp khi làm dự án tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở miền Tây.”
Suy nghĩ của Alan:
1.     Là một doanh nhân, chú đồng ý là mình phải hiểu người khách hàng muốn gì, thì nhu cầu của họ mới được đáp ứng. Tuy nhiên, 95% phần trăm dân Mỹ với một dân trí cao đã không hề biết là họ không thể sống mà thiếu máy tính và Internet cho đến khi IBM, Steve Jobs, Bill Gates, Marc Anderson…xuất hiện. Đây là câu chuyện nên cung cấp cá mỗi ngày cho người đói hay cho họ cái cần câu và dạy họ đánh cá?
2.     Mỗi con người có một đóng góp cá nhân khác nhau. Xã hội đa dạng trong cung cầu tạo nên một bức tranh tòan thể và hợp lý. Chú thiên về trí tuệ nên có thể có cái nhìn lệch lạc, cho rằng cái bao tử có thể đợi (may thay trong xã hội có những người như cháu lo về khoản này rồi). Một linh mục hay một vị hòa thượng chắc sẽ cho chuyện cứu rỗi tâm linh con người quan trọng hơn cả 2 nhu cầu trên.
3.     Hiện nay, chú quan tâm nhiều đến khoảng cách giàu-nghèo, ngu-giỏi, đồng quê-thành thị, và Việt nam-thế giới trong lãnh vực kinh tế và văn hóa nhiều hơn. Công cụ để đem kiến thức đến các trẻ em vùng xa, vùng sâu…là vũ khí bén nhọn nhất trong suy luận của chú. Ba triệu Việt kiều ở Mỹ tạo ra một sức mạnh kinh tế (tính theo GDP) tương đương với 90 triệu người dân trong nước. Họ có thể ăn nhiều hơn hay có nhiều đồ chơi hơn, nhưng chắc chắn đây không phải là lý do chính cho sự thành công của họ trên đấu trường khắc nghiệt và cạnh tranh của Mỹ. Chúng ta cũng có thể đổ lỗi cho thể chế hay lịch sử. Nhưng chắc chắn 2 yếu tố quan trọng phải là kiến thức và tư duy.
4.     Cháu nghĩ thế nào về cuốn sách “Dead Aids: Why Africa fails?” Trong đó, tác giả Dambisa Moyo đỗ lỗi cho hệ thống thiện nguyện của Âu Mỹ đã tập cho dân Phi Châu một thói quen nô lệ vào những quà cứu trợ, những bữa ăn miễn phí của các “nhà hảo tâm”? Vì thói quen này mà sau 100 năm với bao tài nguyên thiên nhiên, Phi châu vẫn phải “xin ăn” thế giới.
5.     Một phê phán khác là khi cho các trẻ em nghèo những máy tính sẽ giúp chúng chơi games, đến các sites không lành mạnh (theo định nghĩa của ai?). Gần như 95% trẻ em Âu Mỹ Úc Nhật…sở hữu máy tính trong gia đình. Cháu nghĩ các trẻ em này hư hỏng hơn các cháu ngoan của …các bác ở Việt Nam? Sự lạm dụng của một số nhỏ luôn được trưng bày như con ngáo ộp mà “cha mẹ dân” hay đem ra hù dọa. Một người kiên nhẫn như chú cũng bắt đầu chán ngấy với lập luận “khỉ gió” này.
6.     Một vài bĩu môi khác của các bình luận gia gồm các vấn đề khá kỹ thuật. Về khả năng sử dụng của các em, ông TGD Viettel hứa là sẽ phủ sóng wifi khắp nước vào 2014 và sẽ cho các hộ gia đình nghèo truy cập miễn phí. Về chuyện bảo trì máy, nếu các làng mạc xa xôi vẫn có dịch vụ hậu mãi cho điện thoại di động, chúng ta có giải đáp cho bài toán này. Về phần mềm cài đặt để mã số khóa các sách, các bạn nên vào sachbaovn.vn của công ty Lạc Việt. Chú biết thêm có 4 công ty Việt khác đã hoàn chỉnh và đang điều hành hệ thống E-book tương tự. Về chuyện các cha mẹ lấy máy tính của con đem bán, chú không muốn phản biện. Chuyện bạo lực với các em và chuyện bắt chúng làm lao động khổ sai là một vấn nạn cấp bách và ưu tiên hơn.
7.     Một bạn BCA thì chê chú mang bệnh thành tích khi dùng con số 20 triệu máy tính cho chương trình. Chú nghĩ đơn giản là mình có 20 triệu học sinh thì phải đặt mục tiêu tối hậu là 20 triệu máy tính thôi. Hiện nay, nếu bảo đảm số lượng sản xuất, FPT, Viettel và vài nhà cung cấp nội địa cho rằng một máy tính bảng có chức năng tương đương với Kindle Fire hay Nexus 7 sẽ có giá dưới 100 đô la.  Nghĩ cho cùng, con số nghe thì lớn nhưng nó không phải nằm ngoài khả năng kinh tế của xứ này. Chúng ta sở hữu hơn 20 triệu xe máy với giá gấp 10 lần các máy tính này. Trong 20 triệu em, chắc hơn 10 triệu gia đình có khả năng tự sắm. Nếu phải chi 1 tỷ đô la cho các em còn lại, chú vẫn nghĩ đây là một giá quá RẺ cho vận mệnh tương lai của đất nước. Chúng ta đã vất 5 tỷ đô la vào Vinashin, 2 tỷ đô la vào Vinalines, 1 tỷ đô la mỗi năm vào các công ty in sách giáo khoa…
8.     Một bạn trẻ đến gặp chú và nói cách hữu hiệu hơn là tập trung phân phối máy tính tại một quận xã nhỏ rồi lan tỏa ra các khu vực lớn hơn. Chú đồng ý, nhưng mỗi người một cách làm, miễn là chúng ta không mâu thuẫn và cùng hướng về một mục tiêu. Chú khuyên bạn  nên bắt đầu thật nhỏ, bằng cách xin khoảng 10 máy tính cũ của người quen, rồi làm một chuyến du hành lên Dak Nông hay Lai Châu và tự trao phát cho các em vùng đó. Một cách khác là hãy kêu gọi bạn bè gắn logo của chương trình lên trang Facebook của mình. Lối làm của Alan là PR trên một diện rộng để đem thông điệp đến càng nhiều người càng tốt.
9.     Một anh bạn khác chê chú không suy nghĩ kỹ về hệ thống khi đi “quan hệ” với các ngài quan lớn. Anh bạn đúng. Nhưng trong cái tư duy chân đất của chú, họ là những người có quyền và có thể thay đổi cuộc chơi nếu họ thích. Không có sự đồng thuận hay ít nhất là sự “nhìn lơ” của họ, chúng ta sẽ không làm được gì, dù chuyện nhỏ nhất.
10.  Chú xấu hổ vì sự lười biếng của mình nhưng chú không ngu để biết rằng mình đang cổ võ cho một chương trình mà nhiều người cho là “không tưởng” (kể cả một cựu Thứ Trưởng về Truyền Thông). Tất cả những biến cố lớn trong lich sử thường bắt đầu bằng một suy tư nhỏ. Nếu chú thuyết phục được 100 bạn BCA gởi các bài viết của chú về 20 triệu máy tính (www.20trieumaytinh,com) đi cho 100 bạn bè thân hữu, thì ngọn lửa có thể lan truyền mạnh hơn chúng ta mong đợi.
11.  Chú sẽ không có mặt ở Việt Nam trong tháng 8. Nhưng chú hứa chú sẽ chốt hai buổi ăn trưa trong tháng 9 (một ở Hà Nội và một ở Saigon) để các bạn nào tin vào ý tưởng này đến dự và giúp chú. Các chi tiết sẽ thông báo vào giữa tháng 8.
Từ nhỏ, bố mẹ chú đã dạy rằng số tiền con kiếm được từ cơ bắp (phần cổ trở xuống) rất giới hạn (khoảng 15 đô la một giờ tại Mỹ hiện nay). Trong khi đó, những gì con thu hoạch từ phần cổ trở lên là vô giới hạn. Chú muốn tăng cường cái phần “vô giới hạn” đó cho 20 triệu trẻ em Việt.
Trên hết, chú sẽ KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC cho một chương trình thiện nguyện mà chú tin rằng đúng nghĩa, đúng lúc và đúng mục tiêu. Xin Ơn trên phù hộ chúng ta và các trẻ em của thế hệ sau.
Alan Phan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét