Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Theo dòng thời gian (12)


Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 43)

Ruộng vườn teo tóp
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=258009&ChannelID=119
Theo: Tuổi trẻ cuối tuần (TTCT)

TTCT - Không chỉ sân golf lấn đất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, hiện nay một thực trạng đáng báo động khác ở ĐBSCL là phong trào xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư... đang lấn dần các ruộng lúa phì nhiêu. Nguy cơ sống ở vựa lúa mà thiếu lúa gạo ăn đang đến rất gần.

Tại Vĩnh Long, chỉ riêng các khu công nghiệp (KCN) đã và sẽ ngốn trên 3.000ha đất nông nghiệp. Trong đó, riêng KCN Bình Minh đã “xóa sổ” trên 130ha bưởi năm roi - đặc sản của tỉnh. Hàng ngàn hộ gia đình bỗng chốc không còn nhà cửa, ruộng vườn, mất kế sinh nhai bao đời. Điều đáng nói, nông dân không chỉ mất đất sản xuất mà còn bị “đá văng” khỏi sự phát triển tại các KCN khi hầu hết nông dân mất đất giờ sống hết sức chật vật...

Trắng tay vì... KCN

Hòa Phú (huyện Long Hồ) là KCN đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long được đầu tư xây dựng khiến 250ha đất trồng lúa bị xóa sổ, hàng ngàn người dân phải “ly nông” không nghề nghiệp với trình độ văn hóa thấp.

Vũng Liêm là một trong những huyện trọng điểm lúa của Vĩnh Long. Một cụm công nghiệp mọc lên ở đây cũng đã lấy đi hàng trăm hecta đất nông nghiệp của người dân. Tuyến công nghiệp Cổ Chiên với diện tích 256ha, được chia thành tám khu, hiện đang triển khai thu hồi đất, san lấp mặt bằng. Tỉnh đã có chủ trương giao đất cho năm doanh nghiệp. Tại đây, một khu thương mại tổng hợp, nhà máy chế biến thức ăn, chế biến thủy sản sắp sửa mọc lên và dự kiến có thêm 356ha đất nông nghiệp được “hóa kiếp”!

Vùng chuyên canh bưởi năm roi (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh) cũng bị “xẻ thịt” để xây dựng KCN Bình Minh với diện tích 132ha (ngay dưới chân cầu Cần Thơ), trong đó có 32ha khu dịch vụ và nhà ở chuyên gia. Điều đáng nói, lúc đầu khu này chỉ được qui hoạch thành KCN nhưng sau đó được chỉnh sửa bổ sung “khu dịch vụ nhà ở chuyên gia”. Hiện tại chủ đầu tư (Công ty địa ốc Hoàng Quân) đang xây dựng nơi này thành khu biệt thự bờ sông, khu nhà phố... và rao bán với giá... trên trời khiến người dân hết sức bức xúc. Riêng khu vực được cho là KCN vẫn còn bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Hàng trăm hecta bưởi năm roi đang cho trái bị đốn bỏ để rồi bốn năm qua nơi đây thành chỗ của trâu bò đứng! Đây cũng là KCN nhiều tai tiếng nhất bởi tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài (do đền bù không thỏa đáng) và hiện tại vẫn còn hàng chục hộ dân không chịu nhận đền bù.

Biến mất những cánh đồng lúa

Tại khu vực ngã ba lộ tẻ Châu Thành (An Giang), một bãi cát trải rộng mênh mông nằm choán giữa bốn bề ruộng lúa. Đấy là KCN Bình Hòa diện tích 132ha được qui hoạch xây dựng vào năm 2003. Người dân cho biết trước kia, trên bãi cát trống đó là những cánh đồng tươi tốt mỗi năm làm được ba vụ lúa, mỗi vụ năng suất đều từ 50 giạ/công.

Còn ở P.11, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), sau khi các khu dân cư đô thị lấn dần làm mất hàng trăm hecta đất nông nghiệp thì từ năm 2001 KCN Trần Quốc Toản, diện tích 100ha tiếp tục lấn sâu vào cánh đồng dọc bờ đông quốc lộ 30. Những ruộng lúa ngày nào giờ đây trở thành bãi cát trống không với mai dương, lau lách mọc đầy. Phía sau KCN, đó đây là những thửa ruộng bỏ hoang, một số chuyển qua trồng cây bạch đàn.

An Giang hiện đang hình thành hai KCN Bình Hòa, Bình Long có tổng diện tích hơn 170ha. Hai nơi này cơ sở hạ tầng làm chưa xong, chỉ có vài nhà máy đang tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, ông Trần Ánh Ngọc, trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, cho biết cuối năm 2007 tỉnh lại phê duyệt xây dựng thêm KCN Vàm Cống diện tích 200ha tại Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, chủ yếu trên diện tích ruộng lúa... Đồng thời tỉnh dự kiến mở rộng KCN Bình Long thêm 100-150ha ở cánh đồng bờ tây quốc lộ 91.

Toàn tỉnh thì đang xây dựng hàng loạt cụm công nghiệp, có cụm gần 57ha như ở Xuân Tô, Tịnh Biên. Dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ có thêm cả chục cụm công nghiệp nữa ra đời. Song song đó là các khu thương mại - dân cư đô thị mà huyện nào cũng qui hoạch xây dựng và cứ liên tục mọc lên trên các cánh đồng vốn cho những vụ mùa bội thu. Cạnh KCN Bình Hòa cũng đang qui hoạch khu đô thị rộng 250ha ngay trên đồng lúa.

Đồng Tháp hiện có ba KCN là Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu. Trong đó KCN Sa Đéc rộng 70ha, hai khu còn lại tổng diện tích 163ha. Tại KCN Trần Quốc Toản mới có một dự án đang tiến hành xây dựng nhà máy; KCN Sông Hậu giải phóng, san lấp mặt bằng vẫn chưa xong và mới có một nhà máy chế biến thủy sản đi vào hoạt động. Thế nhưng Đồng Tháp vẫn tiếp tục qui hoạch mở rộng KCN Trần Quốc Toản thêm 86ha, mở rộng KCN Sa Đéc thêm 37,6ha. Đồng thời qui hoạch thêm KCN Tháp Mười ở huyện Tháp Mười 1.000ha, KCN Ba Sao tại huyện Cao Lãnh 1.200ha...

Ngoài các KCN, tỉnh còn có hàng loạt cụm công nghiệp ở các huyện thị. Và mới đây Đồng Tháp lại qui hoạch thêm các cụm công nghiệp với tổng diện tích đến 1.150ha. Đầu năm 2008, UBND tỉnh và Tập đoàn Vinashin thống nhất đầu tư xây dựng thêm cụm công nghiệp Tịnh Thới 600ha ở huyện nông nghiệp Cao Lãnh, cụm công nghiệp đô thị Định Hòa - Tân Hòa ở huyện Lai Vung rộng 500ha, trong đó phần lớn diện tích dành cho... công nghiệp đóng tàu thủy và dự kiến giao đất vào cuối năm nay.

Những qui hoạch nói trên đều “nhắm” đến diện tích trồng lúa. Một số cán bộ làm công tác qui hoạch ở ĐBSCL cho biết do đất ở, đất lâu năm, vườn tạp có mức bồi hoàn cao lại “tốn” thêm khoản đền bù hoa lợi, cây trái, nhà cửa và hỗ trợ tái định cư nên khi chọn địa điểm “đặt” các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư thương mại thì người ta thường chọn... đất trồng lúa. “Đất lúa giá bồi hoàn chỉ 10-30 triệu đồng/công, cũng dễ... giải phóng mặt bằng, cả nhà đầu tư cũng thích... những cánh đồng rộng, vì dự kiến sau này có mở rộng thêm cũng thuận lợi hơn” - họ nói.

Nông dân gánh chịu

Mỹ Hòa là xã chuyên canh bưởi năm roi nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long. Người dân ở đây bao đời nay vẫn sống bằng nghề trồng bưởi. Năm 2004, chính quyền họp dân thông báo nơi đây đã được qui hoạch thành KCN, người dân không được góp ý kiến gì. Không lâu sau người dân được phát giấy yêu cầu nhận tiền đền bù và thông báo di dời. Với mức giá đền bù quá thấp, hàng chục hộ dân đã không nhận tiền đền bù.

Anh Huỳnh Ngọc Hiệp (ấp Mỹ Hưng 2) có 3.000m2 vườn bưởi. Cộng với căn nhà kiên cố 160m2, anh được bồi thường 350 triệu đồng. Anh băn khoăn: “Bồi thường như vậy mua còn chưa được nửa căn nhà, vậy gia đình tui ở đâu, con cái làm gì để sống? Ông bà tổ tiên tui sống ở đây bằng nghề trồng bưởi. Con cái tui cũng sống bằng nghề này. Tui có ba người con trai, tính chia cho mỗi đứa một miếng vườn cất nhà ở. Giờ lấy hết và cấp cho miếng đất 150m2, cả nhà tui gần chục người sống sao đây? Hồi nào giờ toàn quen chuyện ruộng vườn, giờ vô tái định cư ở thì con cháu làm gì để sống? Nghe nói người ta hỗ trợ học nghề nhưng đăng ký mãi rồi cũng chẳng thấy gọi đi học. Giờ mà vào tái định cư chỉ đói thôi”. Đó cũng là nỗi lo của nhiều người dân ở đây.

Không ít người giờ trở thành vô gia cư vì sự tắc trách của chủ đầu tư. Tháng 6-2004 chủ đầu tư giục người dân nhận tiền đền bù và di dời nhưng mãi một năm sau mới cấp nền trong khu tái định cư khiến người dân hết sức khó khăn vì không có nhà ở. Không ít người ở tạm bợ đâu đó, hết tiền và bán luôn cả nền tái định cư để sống do không có việc gì làm. Anh Cao Văn Hướng sau khi nhận tiền đền bù đã đi thuê nhà ở. Tuy nhiên vì không còn kế mưu sinh, không có trình độ nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Giờ anh quay về miếng đất cũ cất tạm nhà tranh vách lá làm thuê làm mướn sống qua ngày.

Khi công bố qui hoạch, nơi đây là KCN sau đó được biến hóa thêm phần “khu nhà ở chuyên gia”. Hiện chủ đầu tư đang xây dựng các khu biệt thự, trung tâm thương mại, khu nhà phố và rao bán khắp nơi. “Họ làm như vậy là gạt dân để lấy đất. Họ đền cho dân chỉ 35 triệu đồng/công giờ bán với giá hàng tỉ đồng. Cứ tưởng họ lấy đất làm công nghiệp thì con cháu có thể xin vô đó làm cải thiện cuộc sống, giờ họ lại kinh doanh thu lợi trong khi người dân thì hết sức khó khăn, không biết làm gì để sống?” - những nông dân mất đất bức xúc phản ảnh, nhưng lời than van của họ chẳng được chính quyền thấu hiểu...

Khốn đốn như nông dân... mất ruộng
http://vietnamnet.vn/psks/2008/05/784410/
“Tưởng sau khi nhường ruộng cho các nhà máy, cụm công nghiệp, đời sống con cháu mình sẽ khá hơn. Nhưng ai ngờ… thất nghiệp, đói nghèo và tệ nạn xã hội đang làm cho nhiều gia đình trong thôn chúng tôi lâm cảnh khốn đốn”, ông Sinh, người dân của thôn Phạm Hồng Thái, xã Hải Hà (Vân Lâm, Hưng Yên) than thở.

Tiền của bay xa, khó khăn ập về

Xã Lạc Hồng nằm khép mình trên QL.5, bên cạnh cụm công nghiệp Phố Nối A luôn ồn ào bởi tiếng máy sản xuất từ các nhà máy và xe cộ qua lại tấp nập. Trong những năm qua, khi cụm công nghiệp Phố Nối A ngày được mở rộng, cũng đồng nghĩa với việc diện tích đồng ruộng của xã Lạc Hồng bị thu hẹp lại. Tưởng như công nghiệp phát triển sẽ làm cho đời sống của người dân Lạc Hồng được no ấm hơn, nhờ có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Thế nhưng, Lạc Hồng vẫn đói nghèo và có nhiều người thất nghiệp…

Khi chúng tôi đến thôn Phạm Hồng Thái hỏi về tình hình chuyển đổi sử dụng đất từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, ông Phạm Văn Sinh (73 tuổi), người dân trong thôn không ngần ngại nói thẳng: “Chú đã xem phim “Làng ven đô” mới chiếu trên ở chương trình Văn nghệ chủ nhật vừa qua chưa?! Thôn tôi giống hệt như làng ven đô trong phim ấy! Không tin chú cứ vào làng tìm hiểu mà xem”.

Vợ chồng anh Phạm Văn Dân (47 tuổi) và chị Nguyễn Thi Hoa (48 tuổi) có 2 người con trai đều đã đến tuổi khôn lớn và có người đã lập gia đình. Trước năm 2002, với 7 sào ruộng trồng lúa cùng việc anh Dân đi làm nghề thợ nề cũng đủ để ổn định đời sống gia đình. Thế nhưng, kể từ năm 2002, khi cụm công nghiệp Phố Nối A được mở rộng thì cũng là lúc gia đình anh Dân và nhiều bà con trong xã phải "nhường" ruộng lại cho cụm công nghiệp. Mất 4 sào ruộng, đổi lại vợ chồng anh Dân nhận được khoản tiền đền bù gần 70 triệu đồng, kèm theo lời hứa sẽ được phía công ty trong cụm công nghiệp tạo công ăn việc làm cho con em.

Gia đình anh hy vọng sẽ bớt khó khăn và có cơ hội đổi đời. Nhưng khi đồng tiền đền bù đến tay, cũng là lúc gia đình anh Dân bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó. Đầu tiên là người con trai cả lập gia đình, vợ chồng anh phải oằn lưng cố chắt chiu, vay mượn gần 100 triệu đồng để xây nhà cho nó ở riêng. Sau đó, người con trai thứ đi học Trung cấp điện, anh chị cũng lao đao vì tiền.

Con trai và con dâu không có công ăn việc làm, gánh nặng về cơm áo gạo tiền lại càng đè nặng lên đôi vai vợ chồng anh Dần. Chị Hoa than phiền: "Họ lấy ruộng rồi hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho bọn trẻ, nhưng lương tháng chỉ 700-800 ngàn đồng, trong khi giá cả cái gì cũng tăng thì chúng nó sống thế nào được. Chúng tôi tuổi đã cao, đi làm ở khu công nghiệp thì không được nhận vào. Nhưng thấy con cháu vất vả thì cũng chẳng đành bỏ mặc nên tôi vẫn thường xuyên theo ông nhà tôi đi phụ hồ để có thêm đồng ra, đồng vào lo thêm với chúng nó”.

Hiện tại, để nuôi vợ và đứa con nhỏ mới sinh, người con trai cả của vợ chồng anh Dân phải đi làm thuê ở tận Quảng Ninh. Người con trai thứ 2 đã ra trường, lập gia đình rồi đi làm cho một nhà máy ở khu công nghiệp Phố Nối A, nhưng lương tháng cũng chỉ được 1,2 triệu đồng. Gánh nặng về cơm áo vẫn chưa buông tha gia đình này.

Cũng như gia đình anh Dân, vợ chồng ông Phạm Văn Nhật (54 tuổi), Trưởng thôn Phạm Hồng Thái cũng trong tình cảnh khốn khó khi gia đình lâm cảnh… mất ruộng. Gia đình ông Nhật có 6 sào ruộng, khi cụm công nghiệp Phố Nối được mở rộng đã lấy đi của nhà ông gần 5 sào. Vợ chồng ông phải nuôi 3 cô con gái ăn học nên cũng lâm cảnh túng thiếu. Nhưng ông thức thời hơn, xây 10 phòng trọ cho công nhân cụm công nghiệp Phố Nối A thuê.

Ông bảo, thu nhập từ nhà trọ hằng tháng được hơn 2 triệu đồng, cũng chẳng ăn thua gì khi giá cả cái gì cũng tăng cao. "May có nguồn thu nhập từ nhà trọ, nhưng không có ruộng làm, giá lương thực, thực phẩm cái gì cũng tăng cao nên gia đình vẫn khó khăn lắm!" - ông Nhật nói.

Những gia đình mất ruộng lâm vào cảnh khó khăn như gia đình anh Dân, ông Nhật không chỉ có ở thôn Phạm Hồng Thái, mà đang diễn ra ở nhiều làng xã của huyện Vân Lâm. Khi diện tích đồng ruộng của huyện đang được san lấp, xây dựng mở rộng khu công nghiệp, thì cũng là lúc bà con nông dân vốn quen cảnh chân lấm tay bùn đau đáu với câu hỏi: “Làm gì khi không còn ruộng?”. Nhưng, thật khó tìm câu trả lời khi những đồng tiền đền bù từ đất đã tiêu tan một cách nhanh chóng.

Hệ lụy mất ruộng

Đến xã Lạc Hồng, dọc theo con đường bê tông vào UBND xã là những tấm biển tuyên truyền: “Hãy loại trừ ma tuý HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng” được treo dọc hai hàng cột điện. Ông Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận: Cùng với việc mở rộng phát triển công nghiệp, trong những năm qua các tệ nạn xã hội đang là vấn đề đáng lo ngại của xã.

Tại đây đang có những hệ lụy từ việc mất ruộng, mất đất. Gia cảnh nhà ông Phạm Văn Sinh (73 tuổi) là một ví dụ. Chúng tôi chứng kiến cảnh trong căn nhà mái bằng trống vắng, ông Sinh buồn rầu tâm sự khi người con trai duy nhất Phạm Văn Xanh (39 tuổi) lâm vào cảnh nghiện ngập.

Trước đây, khi gia đình chưa mất ruộng, anh Xanh là một người siêng năng, cần cù và là trụ cột của cả gia đình. Nhưng sau khi hết ruộng, Xanh lâm vào cảnh không có công ăn việc làm, rồi sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Để cứu con thoát khỏi ma tuý, ông Sinh muối mặt cai nghiện cho con, lo tiền cho Xanh đi XKLĐ tại Malaysia. Nhưng sau 3 năm trở về, Xanh lại không có công ăn việc làm, tiền hết rồi “ngựa quen lối cũ”, lại dính nghiện.

Con trai nghiện ngập, con dâu vốn quen việc đồng áng nay không còn ruộng càng làm gia cảnh nhà ông Sinh khốn khó. Cô con dâu đành lặn lội đi buôn ve chai tứ xứ kiếm 30 nghìn đồng/ngày để duy trì cuộc sống gia đình.

Ông Sinh buồn: “Tưởng khi nhường ruộng cho các nhà máy công nghiệp vào thay thế đời sống con cháu mình sẽ khá hơn, nhưng thực tế thì thất nghiệp, đói nghèo và tệ nạn xã hội đang làm cho nhiều gia đình trong thôn chúng tôi phải lâm cảnh khốn đốn”.

Cũng tại xã Lạc Hồng, ai cũng biết chuyện bà L. đành phải ngậm ngùi bán đi một sào đất để trả nợ tiền đánh bạc cho hai đứa con trai. Trước đây, dù làm ruộng vất vả nhưng cuộc sống gia đình bà yên bình. Bây giờ, khi hết ruộng và có tiền đền bù, các con bà lại lâm vào cảnh cờ bạc, nợ nần chồng chất. Mới đây, Công an huyện Vân Lâm đã bắt quả tang một ổ đánh bạc với 12 đối tượng đều là thanh niên trong xã, trong đó có hai con trai của bà L...

Không chỉ tệ nạn xã hội, khi các nhà máy công nghiệp mọc lên và hoạt động tràn lan, môi trường nhiều vùng quê cũng bị ô nhiễm nặng. Người dân của hai thôn Mục Ty và Trai Túc (xã Trưng Trắc - huyện Vân Lâm) đã hơn một năm qua phải chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm” từ con mương Ngọc Linh chảy ra sông Bắc Hưng Hải. Chất thải công nghiệp từ nhiều công ty trên địa bàn đổ ra làm nước mương luôn đục ngàu, nhất là vào các ngày cuối tuần, lượng nước thải ra nhiều khiến cho người dân sống ven hai con mương rất khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ông Lê Thanh Nhuận, vừa dẫn chúng tôi ra con mương vừa nói: “Trước đây chưa có các nhà máy công nghiệp vào, mương Ngọc Linh có nguồn nước sạch nên người dân trong thôn vẫn bắc cầu xuống rửa chân tay. Nhưng đã hơn một năm nay, nguồn nước bị ô nhiễm nặng làm cho đời sống sinh hoạt của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi nguồn nước giếng khoan của các hộ dận gần mương chỉ khoan ở độ sâu 25m”.

Ngay bên cạnh con mương Ngọc Linh, rác thải chất đống bốc mùi nồng nặc đang phình to, tràn ra cánh đồng rau của các hộ dân thôn Mục Ty. Ông Nhuận bảo: Đây là bãi rác do khách sạn Đ.A và các nhà máy ở khu công nghiệp thải ra, nhưng không hiểu sao không được các cơ quan chức năng cho xử lý.

Khi chúng tôi lên UBND xã Trưng Trắc hỏi về việc giải quyết ô nhiễm tại con mương, ông Tôn Ngọc Giao, Chủ tịch xã thản nhiên nói: "Xã đã nhiều lần đề nghị với huyện Vân Lâm và Phòng Tài nguyên - Môi trường cũng đã xuống khảo sát, nhưng rồi tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Chức năng của xã chỉ phản ánh lại với huyện những gì dân phản ánh, còn huyện có thực hiện hay không thì lại là chuyện khác!".

Cơ quan chức năng khảo sát xong để đấy, còn người dân vẫn ngày ngày sống bên cạnh ô nhiễm, như một "hậu quả tất yếu" từ các khu công nghiệp mọc trên những thửa ruộng...

* Vũ Điệp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét