This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Sự phân hóa không gian vùng Đồng bằng Sông Hồng



I. Cơ sở của sự phân hóa không gian vùng Đồng bằng Sông Hồng
1. Cơ sở lý thuyết về sự phân hóa không gian của vùng địa văn hóa
Quan niệm về vùng địa văn hóa là một quan niệm tương đối tổng hợp trên cơ sở sự tác động qua lại giữa các yếu tố địa lý (đôi khi cả các yếu tố lịch sử) với các yếu tố văn hóa – xã hội. Theo quan điểm này, vùng địa văn hóa được xem như một thực thể văn hóa, hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, là kết quả của sự thích ứng của cộng đồng dân cư với những điều kiện tự nhiên nhất định và sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa các nhóm dân cư trong vùng và với các vùng kế cận, từ đó hình thành nên một tổ hợp các đặc trưng văn hóa chung, khiến người ta có thể phân biệt nó với vùng địa văn hóa khác.
Như vậy, cơ sở chính để phân biệt các vùng địa văn hóa là các đặc trưng văn hóa của từng vùng. Các đặc trưng này được thể hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, cả vật chất lẫn tinh thần của cư dân như cách thức sản xuất, các quan hệ xã hội, đời sống tinh thần, văn hóa – nghệ thuật… Trong các yếu tố này cũng cần kể tới những đặc trưng về tâm lý và tính cách tiêu biểu của các nhóm cộng đồng. Có thể nói, quan niệm về văn hóa ở đây không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực của đời sống tinh thần như nhiều người vẫn quan niệm mà cần được mở rộng ra cả đời sống vật chất đặc biệt là cách thức sinh hoạt và sản xuất. Bởi suy cho cùng, những lễ hội, những loại hình văn hóa – nghệ thuật chỉ là một biểu hiện, một sự phản ánh của đời sống sản xuất và sinh hoạt mà thôi.
Một vùng địa văn hóa bao giờ cũng có rất nhiều đặc trưng, nhưng các đặc trưng này không thể hiện một cách đồng đều ở tất cả các lĩnh vực của vùng văn hóa mà bao giờ cũng có những yếu tố trội. Và chính những yếu tố này tạo nên cái “hồn” riêng, có vai trò khắc họa tính cách riêng của vùng địa văn hóa. Bởi vậy khi nghiên cứu các vùng địa văn hóa cũng như sự phân hóa không gian của các vùng rất cần phải chú ý đến các yếu tố trội này, chứ không thể so sánh một cách máy móc hàng loạt các yếu tố văn hóa.
Trong việc hình thành các vùng địa văn hóa, vai trò của các “hạt nhân tạo vùng” là vô cùng quan trọng. Đó thường là các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả vùng. Các trung tâm này giữ vai trò hướng đạo về kinh tế, chính trị nên nó có khả năng tích hợp và thu hút các yếu tố văn hóa xung quanh, từ các vùng ngoại vi, định hình và nâng cao lên một trình độ mới, rồi từ đó lan tỏa và ảnh hưởng lại ngoại vi. Chính mối quan hệ giữa các trung tâm và các vùng ngoại vi tạo nên những động lực cho sự biến đổi không ngừng của các vùng địa văn hóa.
Bản thân văn hóa là một yếu tố động, luôn luôn biến đổi theo cả chiều không gian và thời gian. Một yếu tố không thể không xem xét khi nghiên cứu các vùng địa văn hóa là sự đan xen và giao thoa giữa các yếu tố văn hóa của các vùng kế cận nhau. Sự đan xen này đã tạo nên những hành lang chuyển tiếp văn hóa, là những ranh giới giữa các vùng địa văn hóa, trong đó có sự chuyển tiếp của các sắc độ trên một không gian khá rộng. Bởi vậy, khi nghiên cứu sự phân hóa không gian của các vùng văn hóa, người nghiên cứu phải xác định một ranh giới cụ thể lên một thực thể mà dường như không có một ranh giới rõ ràng nào. Tuy nhiên, việc phân định này không thể được tiến hành một cách tùy tiện, duy ý chí mà phải dựa trên cơ sở các đặc trưng và sắc độ địa lý – văn hóa.
Trong nội bộ các vùng địa văn hóa cũng được phân hóa thành các tầng bậc khác nhau với những phạm vi không gian rất khác nhau. Tùy theo sự phân hóa không gian của các sắc thái văn hóa mà người ta có thể phân chúng thành các tiểu vùng hay đơn vị nhỏ hơn. Càng ở tầng bậc thấp và phạm vi nhỏ thì tính đồng nhất của các đặc trưng vùng văn hóa càng thể hiện cụ thể và rõ nét hơn.
2. Những nhân tố tác động đến sự phân hóa không gian vùng Đồng bằng Sông Hồng
2.1. Sự phân hóa của điều kiện tự nhiên
Vùng Đồng bằng Sông Hồng không rộng. Trong phạm vi ranh giới của 10 tỉnh, thành phố hiện nay, tổng diện tích của vùng là khoảng 15.000 km2. Hơn nữa, nhìn một cách tổng quát, toàn bộ địa hình của vùng là một đồng bằng châu thổ tương đối bằng phẳng. Do vậy, sự phân hóa của điều kiện tự nhiên trong vùng không rõ rệt. Tuy nhiên, trải qua quá trình lịch sử, do những tác động của con người thông qua các hoạt động trị thủy và thủy lợi, nền nông nghiệp lúa nước cũng như quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa trong giai đoạn hiện nay, thiên nhiên của Đồng bằng Sông Hồng bị biến đổi sâu sắc. Chính quá trình biến đổi này đã tạo nên sự phân hóa của điều kiện tự nhiên ở đây.
- Về mặt địa hình, đặc điểm cơ bản nhất của địa hình Đồng bằng Sông Hồng là hiện tượng dốc thoải từ tây bắc xuống đông nam, khoảng từ độ cao 10 – 15 m xuống độ cao mặt biển. Tuy vậy, ở mỗi địa phương, địa hình lại cao thấp không đều, có khi giữa vùng đất cao vẫn có những chỗ trũng hoặc ngược lại, ở những vùng thấp vẫn có những sống đất tự nhiên dưới dạng đồi sót.
Với công việc trị thủy của con người, địa hình của Đồng bằng Sông Hồng đang thay đổi. Để chinh phục đồng bằng và phát triển nghề trồng lúa nước, ông cha ta (từ xa xưa, nhất là từ thời Lý) đã đắp các đê sông, đê biển dựa trên cơ sở những sống đất cao tự nhiên. Hiện nay, hệ thống đê này đã dài gần 2000 km, khiến cho Đồng bằng Sông Hồng bị chặn đứng trong quá trình bồi đắp tự nhiên của nó[1], khiến cho bên cạnh các sống đất cao lại có nhiều nơi thấp úng vào mùa mưa, đồng thời lại có nhiều ao hồ. Nhiều ô khép kín đã được hình thành như ô Hà Đông (giữa sông Hồng, sông Đáy và sông Phủ Lý), ô Hà Nam Ninh (giữa sông Hồng, sông Đáy, sông Phủ Lý và sông Nam Định), ô Bắc Hưng Hải (giữa sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc và sông Thái Bình). Ra phía biển lại có những ô bao quanh bởi các đê ngăn nước mặn như ô Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương.
Như vậy, nhìn chung có thể chia địa hình của Đồng bằng Sông Hồng thành 3 khu vực chính:
+ Khu vực rìa đồng bằng là khu vực của vùng núi Ba Vì, Tam Đảo và một phần núi đá vôi thuộc vùng núi đá vôi Hòa Bình – Thanh Hóa. Đây chủ yếu là các đồi núi thấp.
+ Khu vực trung tâm đồng bằng là khu vực được bồi đắp bởi phù sa mới của của sông Hồng. Địa hình ở đây cao thấp không đều và bị chia cắt mạnh bởi hệ thống đê
+ Khu vực duyên hải là các dải cồn cát tỏa rộng. Địa hình nhìn chung rất bằng phẳng và thấp dưới 1m, trừ những cồn cát nổi lên trên các ruộng xung quanh khoảng trên dưới 1m.
- Khí hậu của Đồng bằng Sông Hồng nhìn chung tương đối đồng nhất do diện tích của vùng tương đối nhỏ. Sự khác biệt lớn nhất là sự gia tăng của nhiệt độ và độ ẩm theo chiều tiến dần ra biển. Chính bởi vậy, nếu ở vùng rìa đồng bằng ở phía bắc có mùa đông lạnh rét, khô và có tháng hạn thì đến vùng trung tâm đã không còn tháng rét và tháng hạn, và sang vùng duyên hải thì mùa đông ấm, mưa phùn nhiều và mùa hạ chịu ảnh hưởng mạnh của bão.
- Đặc điểm thủy văn của Đồng bằng Sông Hồng khá phức tạp vì đây là hạ lưu của hai hệ thống sông: Sông Hồng và Sông Thái Bình với hàng loạt nhánh đổ ra biển. Mạng lưới sông ngòi trong Đồng bằng Sông Hồng vừa bao gồm hạ lưu các sông lớn với các chi lưu dày đặc, vừa là hệ thống kênh đào, có sông đổ ra biển, nhưng cũng có sông chỉ chảy trong phạm vi một ô trũng, gọi là sông nội địa. Mật độ lưới sông tự nhiên khoảng 0,5 - 1 km2, tại vùng tam giác châu hiện đại mật độ tăng lên tới 1,3 km/km2, tại đồng bằng sông Hồng mật độ giảm xuống 0,5-0,8km/km2, còn tại đồng bằng sông Thái Bình có nhích lên một chút 0,6 - 0,9 km/km2. Độ dốc chung của sông ngòi rất nhỏ, chỉ 2 - 5 cm/km2, dòng sông uốn khúc quanh co và nhiều chi lưu để đổ ra biển nhanh chóng qua nhiều cửa.
- Thổ nhưỡng của vùng Đồng bằng Sông Hồng nhìn chung tương đối đa dạng và cũng có thể được phân chia thành những khu vực trên cơ sở địa hình
+ Ở vùng rìa đồng bằng phía Bắc và phía Tây lãnh thổ là một dải đất bạc màu, tuổi già hơn phù sa mới, được gọi là phù sa cũ (để phân biệt với loại phù sa già hơn nữa, tuổi Đệ tứ hạ, trên các bậc thềm gọi là phù sa cổ), diện tích khoảng 100000 ha. Đất bị bạc màu do quá trình rửa trôi diễn ra từ lâu, đồng thời cũng là đất đã được sử dụng canh tác bất hợp lý từ lâu đời. Tầng đất mặt bạc trắng, chua và nhẹ hơn tầng dưới, giữ nước, giữ phân kém, nghèo chất dinh dưỡng. Dưới tầng đất cầy thường gặp kết von, đôi khi có đá ong. Ở các vùng núi đá vôi có thể gặp đất terra rossa.
+ Vùng trung tâm đồng bằng có các loại đất phù sa. Loại đất này bị tác động mạnh bởi hệ thống đê điều. Ở vùng ngoài đê là đất phù sa được bồi đắp hàng năm và trong đê là đất phù sa không được bồi đắp. Tính chất của đất cũng khác nhau giữa hai hệ thống sông: đất phù sa sông Hồng trung tính và ít chua còn phù sa sông Thái Bình thì tương đối chua và kém màu mỡ hơn. Ở các ô trũng phổ biến là đất phù sa glây, thậm chí một số nơi còn có đất lầy thụt. Các loại đất này đã và đang bị biến đổi mạnh do hoạt động sản xuất của con người, đặc biệt là nền nông nghiệp lúa nước.
+ Tại vùng ven biển tập trung chủ yếu là đất mặn và đất phèn. Đất mặn phân bố chủ yếu ở vùng cửa sông Hồng từ Tiền Hải (Thái Bình) đến Kim Sơn (Ninh Bình). Do tính chất chua của phù sa sông Thái Bình nên vùng cửa sông chủ yếu là đất phèn ở Hải Phòng và Kiến Thụy (Thái Bình).
- Diện tích rừng ở Đồng bằng Sông Hồng không nhiều và tập trung chủ yếu ở hai khu vực: khu vực rìa đồng bằng (ở Vĩnh Phúc và Ninh Bình, khoảng 55.000 ha) và khu vực ven biển (một số rừng ngập mặn ở Thái Bình và Nam Định vởi tổng diện tích khoảng 16.000 ha)
Như vậy, có thể thấy sự phân hóa không gian của điều kiện tự nhiên vùng Đồng bằng Sông Hồng chủ yếu trên cơ sở sự phân hóa của điều kiện địa hình. Trong đó cần kể đến vai trò của con người đối với các nhân tố này. Con người vừa tìm cách thích nghi một cách tích cực với tự nhiên ở các khu vực khác nhau, vừa từng bước chinh phục vùng đồng bằng màu mỡ này để phục vụ cho nhu cầu của mình. Có thể nói, con người đã biến đổi sâu sắc thiên nhiên của vùng, tạo nên những cảnh quan mới, cảnh quan văn hóa. Từ đó, con người đã khiến cho sự phác biệt về không gian của những nhân tố tự nhiên trong vùng càng trở nên rõ nét hơn
2.2. Lịch sử khai thác lãnh thổ Đồng bằng Sông Hồng
Theo các di chỉ khảo cổ, con người đã sinh sống tại khu vực thềm phù sa cổ (thuộc Vĩnh Phúc và Bắc Ninh hiện nay) hàng vạn năm trước do có địa hình và khí hậu thuận lợi. Cách đây khoảng 7000 – 4000 năm, con người bắt đầu di chuyển từ vùng đồi xuống định cư tại châu thổ Đồng bằng Sông Hồng. Cư dân thời đó không phải là người Kinh mà có nguồn gốc Môn – Khơme, Thái – Tày và Nam đảo. Trải qua rất nhiều nền văn minh khác nhau, vùng Đồng bằng Sông Hồng tiếp tục là nơi tập trung rất nhiều cư dân sinh sống với mật độ cao. Trên cơ sở một vùng đồng bằng màu mỡ, người dân trong vùng đã phát triển mạnh nghề trồng lúa nước để cung cấp cho lượng dân cư đông đảo đó. Việc trồng lúa nước đã làm thay đổi căn bản đặc điểm của đất lúa nước, thay đổi địa hình đồng bằng, làm thay đổi căn bản đặc điểm sinh thái từ các khu hệ động thực vật hoang dại thành các đồng ruộng lúa nước. Trong quá trình lịch sử, cộng đồng làng xã đã cùng nhau đắp đê chống lụt, đào kênh mương dẫn nước chống hạn. Ở khu vực ven biển, người dân còn quai đê, lấn biển khiến cho lãnh thổ không ngừng được mở rộng. Lương thực dồi dào và thời gian nông nhàn dẫn đến nghề thủ công phát triển. Tính chất tự cấp tự túc được thể hiện rõ nét trong đặc điểm sản xuất của cộng đồng dân cư nơi đây đã góp phần tạo nên một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa vùng (cũng là tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam) là tính cấu kết cộng đồng rất cao của các làng xã. Có thể nói rằng Làng là hạt nhân của xã hội Việt Nam, là sức sống của đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Bắt đầu từ thời kì Pháp thuộc, nền kinh tế của Đồng bằng Sông Hồng đã có nhiều thay đổi. Từ nền nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc, các hoạt động kinh tế của vùng đa dạng hơn với các hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Do đó, sự tác động của con người vào tự nhiên càng sâu sắc hơn. Cho đến nay, Đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng có mức độ tập trung công nghiệp cao thứ hai cả nước (sau Đông Nam Bộ). Quá trình đô thị hóa trong vùng cũng diễn ra tương đối mạnh với một mạng lưới các điểm dân cư dày đặc. Chính vì vậy, ở Đồng bằng Sông Hồng hiện nay, tỉ lệ đất chuyên dùng và thổ cư trong cơ cấu sử dụng đất là cao nhất so với cả nước. Môi trường của vùng cũng đang biến đổi do các hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp. Do đó môi trường tự nhiên của vùng đã và đang thay đổi ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
Lịch sử khai thác lãnh thổ không chỉ ảnh hưởng đến các đặc điểm về tự nhiên và sản xuất của vùng mà còn là nhân tố tác động đến sự phân hóa của các đặc điểm xã hội – văn hóa trong vùng. Khu vực rìa đồng bằng, nơi được khai phá sớm nhất cũng là nơi có mật độ dân cư sầm uất và cho đến hiện nay là nơi lưu giữ nhiều những dấu tích của nền văn hóa cổ xưa của vùng đồng bằng. Khu vực trung tâm lại phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất cũng như nền văn hóa của đồng bằng với đặc điểm là đa dạng, cập nhật. Đây chính là khu vực giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Hồng và vị trí này còn được duy trì cho đến hiện nay. Còn khu vực duyên hải có lịch sử quần cư trẻ nhất nên đặc điểm nổi bật là sự đa dạng cho quá trình pha trộn cư dân từ mọi nơi đến. Do vậy, lịch sử khai thác lãnh thổ cùng với điều kiện tự nhiên đã tạo nên bức tranh phân hóa không gian của vùng địa văn hóa Đồng bằng Sông Hồng mà chúng ta có thể phân tích dưới đây.
II. Sự phân hóa không gian vùng Đồng bằng Sông Hồng
Những yếu tố tự nhiên và lịch sử khai thác lãnh thổ đã ảnh hưởng đến phương thức sản xuất và sinh hoạt của con người vùng Đồng bằng Sông Hồng. Từ đó đã tạo nên các đặc trưng văn hóa của con người nơi đây. Cũng như điều kiện tự nhiên, văn hóa của vùng không đồng nhất mà khá đa dạng. Điều này được thể hiện rõ rệt trong các sắc thái văn hóa mang tính địa phương. Các sắc thái văn hóa này phù hợp và xuất phát từ những sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống lịch sử và sự giao lưu văn hóa của mỗi địa phương
Có thể phân chia vùng địa văn hóa Đồng bằng Sông Hồng thành 3 tiểu vùng: tiểu vùng rìa đồng bằng, tiểu vùng trung tâm và tiểu vùng duyên hải. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ là tương đối và ranh giới của các tiểu vùng cũng chỉ mang tính chất quy ước. Bởi như đã nói ở trên, có sự giao lưu và chuyển tiếp tương đối rộng của các yếu tố tự nhiên và nhất là các yếu tố văn hóa – xã hội.
1. Tiểu vùng rìa đồng bằng
* Ranh giới và điều kiện tự nhiên
Ranh giới của tiểu vùng có thể giới hạn thuộc địa bàn các huyện giáp ranh với vùng trung du và miền núi phía Bắc thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc (Tam Đảo, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên), Hà Nội (Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn), Bắc Ninh (Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn), Hải Dương (Kinh Môn, Chí Linh) và Hải Phòng (Thủy Nguyên). Ở phía Nam, tiểu vùng cũng bao gồm một số huyện thuộc tỉnh Ninh Bình (Tam Điệp, Nho Quan) và một phần thuộc tỉnh Hòa Bình cũ (nay đã được sát nhập về Hà Nội). Đây là vùng không bị ngập khi biển tiến cực đại và hình thành các cảnh quan đồng bằng thềm phù sa cổ.
Địa hình của tiểu vùng này là các đồng bằng xen đồi sót có độ cao dưới 150m với đỉnh bằng và sườn thoải. Trong đó nổi lên một số dãy và đỉnh núi như dãy Tam Đảo, Ba Vì, núi Nhan Biền…
Về cấu tạo địa chất, ở các đồi gò, trên cùng là lớp cát sỏi có lẫn sét. Ở nhiều nơi, do lớp phủ thực vật bị phá hủy và tác động của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã xảy ra quá trình đá ong hóa. Bên dưới lớp cát sỏi là lớp cuội sỏi và dưới cùng là lớp sét mịn. Cấu tạo địa chất này cho thấy tiểu vùng rìa đồng bằng cũng đã trải qua quá trình bồi tụ tâm giác châu, sau đó là quá trình lũ tích và sườn tích. Đến giai đoạn Tân kiến tạo, khu vực này được nâng lên thành bậc thềm và bắt đầu bị chia cắt và xâm thực thành các đồi sót.
Đặc điểm nổi bật của khí hậu tiểu vùng là tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa rõ rệt với một mùa đông lạnh. Ở phía Bắc, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn của gió mùa đông bắc nên khí hậu lạnh và khô hơn các khu vực khác với mùa đông kéo dài trên 3 tháng và có tháng nhiệt độ xuống dưới 15oC. Càng tiến ra biển, nhiệt độ và độ ẩm càng tăng. Về phía Nam, mùa đông dịu hơn và không còn tháng rét, mùa khô cũng rút ngắn lại và không còn tháng hạn.
Thổ nhưỡng của vùng chủ yếu là đất feralit, thay đổi từ nâu vàng đến nâu đỏ vàng và đất xám bạc màu trên phù sa cổ, một số nới có thể bị glây hóa. Đất có thành phần cơ giới nhẹ với kết cấu rời rạc, nghèo chất dinh dưỡng, chua, khả năng giữ nước và phân kém. Tại các thung lũng giữa các đồi có đất tích tụ phù sa, có cả phù sa mới.
* Đặc điểm dân cư và kinh tế
Về đặc điểm dân cư, như đã nói ở trên, cư dân bản địa của Đồng bằng Sông Hồng ban đầu không phải là người Việt mà là người Môn – Khơme và người Tày - Thái. Trong quá trình di cư và phát triển sản xuất, hai nhóm dân cư này đã tiếp xúc với cộng đồng người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam đảo để hình thành nên người Việt cổ. So với các tiểu vùng khác của Đồng bằng Sông Hồng, đây là nơi có lịch sử quần cư lâu đời nhất. Theo các di chỉ khảo cổ, xã Đồng Trúc (Huyện Thạch Thất – Hà Nội) là nơi đã xuất hiện cộng đồng dân cư cách đây trên 2000 năm, hiện còn lưu giữ được nhiều di vật.
Vùng rìa đồng bằng là khu vực được khai thác sớm nhất so với các tiểu vùng khác của Đồng bằng Sông Hồng, là một trong những cái nôi của người Việt Nam. Hình thức quần cư phổ biến của người dân trong khu vực đồng cao là những xóm nhỏ, xóm nọ cách xóm kia khá xa vì hầu hết các gia đình đều có vườn rộng trên những khoảng không gian tương đối bằng phẳng. Tại các vùng đồi gò, nhà cửa thường tập trung ở vùng chân đồi để dành đất cho canh tác nên nhà cửa gần nhau hơn. Đường đi lối lại phần lớn là những đường mòn, không có đường trục rõ rệt. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, nhờ sự phát triển của nền kinh tế cũng như các hoạt động giao lưu, trao đổi khác, hệ thống đường xá ở đây đã được cải thiện đáng kể với hàng loạt các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vì khu vực rìa đồng bằng này chính là cầu nối giữa vùng trung du và miền núi phía Bắc với tiểu vùng trung tâm châu thổ, nơi có thủ đô của cả nước.
Để phù hợp với địa hình cao ráo của các gò đồi và bậc thềm, người dân trong khu vực thường trồng các loại cây ưa cạn, còn việc cấy lúa diễn ra chủ yếu vào mùa mưa. Trên các đồi thấp, người nông dân Bắc Bộ thường chọn phương thức canh tác vườn đồi để trồng hoa màu, trồng các cây ăn quả trong đó có niều loại đặc sản như dứa Tam Nông, Đồng Dao, vải Phú Động… Còn ở các vùng thấp hơn là khu vực của những cánh đồng lúa và hoa màu với hàng trăm giống loài khác nhau, nhiều loại ngon có tiếng. Với sự hình thành và phát triển của nền nông nghiệp, lớp phủ thực vật trong khu vực đã bị phá hủy và cho đến nay hầu như không còn dấu vết của thảm rừng nhiệt đới gió mùa với thế giới động vật phong phú và đa dạng xưa kia. Tuy nhiên những dấu ấn của rừng núi vẫn còn in đậm trong trong các phương thức canh tác và các tập tục văn hóa của cư dân nơi đây.
Việc canh tác theo phương thức “đao canh hỏa chủng”[2] và nền nông nghiệp dùng cày khiến cho nguồn tài nguyên đất ở đây bị xói mòn và bạc màu, khiến cho khả năng canh tác nông nghiệp ở đây bị suy giảm đáng kể. Cho đến hiện nay, tại khu vực này, hình thức canh tác nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình vẫn đang được tiếp tục nhưng các trang trại đang ngày càng được mở rộng về số lượng và quy mô. Sự phát triển của hình thức sản xuất mới này giúp cho hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong vùng tăng lên đáng kể. Người nông dân trong khu vực đã bắt đầu làm quen với kiểu canh tác quy mô lớn, áp dụng nhiều khoa học kĩ thuật và máy móc vào trong sản xuất. Nền nông nghiệp tự cấp tự túc truyền thống đang dần được thay thế bằng nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Với đặc điểm của một vùng bán sơn địa, điều kiện sản xuất nông nghiệp có một số hạn chế, lại là vùng được khai phá từ lâu đời với sự tập trung dân cư đông đúc, dễ hiểu vì sao vùng rìa đồng bằng lại là nơi hình thành rất nhiều làng nghề thủ công. Có thể nói, đây là khu vực các ngành nghề thủ công phát triển vào bậc nhất của Đồng bằng Sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Đó là các làng gốm Phù Lãng (Quế Võ – Bắc Ninh), Hương Canh (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc); làng rèn Đa Hội (Từ Sơn – Bắc Ninh), Nga Hoàng (Quế Võ – Bắc Ninh); làng sơn Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh); dệt Hữu Bằng, chạm khắc gỗ ở Phù Khê, Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh), Chàng Sơn (Thạch Thất – Hà Nội); chạm khắc đá Tràng Kênh (Thủy Nguyên – Hải Phòng)… Hiện nay, số lượng các làng nghề đang gia tăng không ngừng nhằm mục đích giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn và nâng cao thu nhập của người dân. Ở các làng nghề này, tính chất thủ công truyền thống đã và đang được thay thế bằng nhiều loại máy móc và công nghệ hiện đại hơn. Với đội ngũ thợ thủ công đông đảo và có tay nghề cao, các làng nghề ở đây không chỉ sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà còn có mặt ở nhiều vùng miền của đất nước, thậm chí còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Tiểu vùng rìa đồng bằng nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, lại có nghề nông và thủ công phát triển, nên từ xa xưa nơi đây việc giao lưu buôn bán đã rất tấp nập. Ở nông thôn, hệ thống chợ làng, chợ vùng đã được hình thành trên khắp lãnh thổ, kích thích sản xuất trong vùng phát đạt. Các chợ làng, chợ vùng đã dần phát triển với quy mô lớn hơn và cách thức tổ chức hiện đại hơn. Tuy vậy, hình ảnh của các khu chợ quê vẫn đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con của mảnh đất này, trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa của khu vực.
* Đặc điểm văn hóa
Khu vực rìa đồng bằng còn đóng vai trò vô vùng quan trọng trong lịch sử và nhất là trong đời sống văn hóa của cả dân tộc. Vùng đất này luôn giữ vị trí là “phên dậu”, là cửa ngõ cho vùng kinh đô Thăng Long xưa, nay là thủ đô Hà Nội. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đây là chiến trường diễn ra các cuộc quyết chiến giữa quân dân ta với các đạo quân xâm lược. Tiêu biểu có thể kể đến là phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) do Lý Thường Kiệt dựng nên để ngăn bước quân xâm lược nhà Tống. Hay Cửa Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Nội) là nơi Hai Bà Trưng nhảy xuống tuẫn tiết khi thất thế trước quân nhà Hán do Mã Viện chỉ huy. Đồng thời đây cũng là địa bàn giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Hán. Vị trí địa lý và điều kiện lịch sử này đã tạo cho con người trong khu vực một thế ứng xử hài hòa cởi mở trong giao tiếp. đồng thời cũng tạo nên những sắc thái văn hóa độc đáo.
Nhắc đến vùng rìa đồng bằng là nhắc đến mảnh đất của các địa danh và các truyền thuyết gắn với các danh nhân như Thánh Gióng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Ngô Quyền… Những địa danh này đã tạo nên ý thức về cội nguồn và ý thức dân tộc mạnh mẽ. Đồng thời, đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân theo con đường khoa bảng. Nền văn hóa mảnh đất này rất phong phú và đa dạng với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật.
Về các loại hình nghệ thuật dân gian có thể kể đến nhiều hình thức diễn xướng như chèo, tuồng, hát ả đào và đặc biệt là các loại dân ca như hát ví, trống quân, quan họ. Trong đó tiêu biểu nhất, tạo nên sắc thái độc đáo nhất của văn hóa truyền thống trong khu vực chính là dân ca quan họ tại các làng, xã ở Bắc Ninh. Đây là vốn văn hóa vô cùng quý báu không chỉ của vùng mà của cả dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra có thể kể đến một số hình thức sinh họat văn hóa khác của tiểu vùng như hát trống quân ở Đức Bác (Lập Thạch – Vĩnh Phúc), chèo Chái Hê (huyện Tiên Du – Bắc Ninh), hát Rô (Quốc Oai – Hà Nội).
Một hình thức khác tiêu biểu cho sinh hoạt vắn hóa dân gian của khu vực này là các lễ hội. Có thể nói, đây là nơi tập trung nhiều kễ hội nhất của cả nước với nhiều hoạt động vừa có ý nghĩa vừa thú vị và sôi nổi. Lễ hội của tiểu vùng cũng tương đối đa dạng cả về loại hình. Có những lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp, có những lễ hội liên quan đến các danh nhân và di tích lịch sử (Hội Dóng, Hội Lý Bát Đế), lại có những lễ hội gắn với sinh hoạt văn hóa của người dân (Hội Lim, Hội Ó) và những lễ hội gắn với đời sông tâm linh, tín ngưỡng (hội chùa Phật Tích, Hội chùa Bách Môn). Quy mô của các lễ hội cũng thay đổi đa dạng từ thu hút cả một vùng (thường tồn tại ở vùng nam sông Cầu) đến một vài làng hoặc thậm chí chỉ người dân trong làng (hội làng). Hầu như bất kì một làng quê nào trong tiểu vùng cũng có lễ hội. Chỉ tính riêng huyện Quế Võ (Bắc Ninh) trong năm đã có tới 12 lễ hội. Lễ hội (đặc biệt là hội làng) là một sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu, nhằm biểu dương và làm tăng thêm sức mạnh cộng đồng trong việc giữ làng, giữ nước.
Với bề dày lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm, tiểu vùng rìa đồng bằng là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Đó là những công trình kiến trúc, điêu khắc có ý nghĩa lớn cả về lịch sử, xã hội và nghệ thuật, tiêu biểu nhất là những đình, chùa… Có thể nói, không đâu trên đất nước Việt Nam lại lưu giữ lại nhiều di tích cổ như vùng rìa đồng bằng này. Đó là những các công trình kiến trúc, điêu khắc trải dài suốt mấy nghìn năm, có ý nghĩa lịch sử, xã hội và nghệ thuật đặc sắc như đình, chùa, tập trung nhất ở tỉnh Bắc Ninh (chùa Phật Tích – Tiên Du, đình Diềm – Yên Phong được xây dựng từ năm 1692, đình Phù Lưu – Yên Phong, đình Hồi Quan – Từ Sơn, đình Đình Bảng – Từ Sơn, đình Đồng Kị - Từ Sơn…). Ngoài ra còn có các kiến trúc mộ cổ, điêu khắc gỗ, đất nung, các tượng thờ cũng còn lưu lại khá nhiều, tiêu biểu như tháp Bình Sơn (huyện Lập Thạch – Vĩnh Phúc), đình Tây Đằng (Ba Vì – Hà Nội), đình Tam Canh (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc)…
2.2. Tiểu vùng trung tâm
* Ranh giới và điều kiện tự nhiên
Tiểu vùng trung tâm Đồng bằng Sông Hồng  có ranh giới phía Tây là Sông Đáy, phía Đông tới Hải Phòng, phía Bắc từ sông Hồng, sông Đuống thoải dần về phía duyên hải. Châu thổ này được hình thành bởi sự bồi tụ phù sa của hệ thống sông Hồng là chính.
            Nằm ở hạ lưu của lưu vực sông Hồng, hệ thống sông ngòi của tiểu vùng tương đối dày đặc với mật độ khoảng 2 – 3 km/km2. Tuy nhiên, chế độ lũ của sông ngòi ở đây phức tạp, lũ lên nhanh và rút chậm nên ngập lụt thường xuyên chảy ra. Ngoài ra, trên các sông ngòi, ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh, mùa khô có khi lên tới tận Hà Nội, còn mùa mưa cũng tới Hưng Yên, Hải Dương. Do hiện tượng uốn khúc mạnh mẽ của sông Hồng, trên địa bàn đã hình thành nên nhiều hồ móng ngựa và các ao hồ vốn là dấu vết của các lòng sông cũ
Địa hình của tiểu vùng tương đối bằng phẳng, có hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, tuy nhiên, sự chênh lệch hầu như không rõ rệt. Một trong những đặc điểm nổi bật của tiểu vùng, bên cạnh hệ thống đê điều là sự hình thành của rất nhiều hồ ao vốn là những lòng sông cũ và những vùng đất trũng úng. Điều này khiến cho tự nhiên của tiểu vùng cũng có sự phân hóa nhất định, chủ yếu là về điều kiện thủy văn và đất đai, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tiểu vùng.
Địa hình của khu vực chịu tác động mạnh mẽ của hoạt động nông nghiệp. Do điều kiện thủy văn, trong quá trình di cư từ vùng thềm phù sa cổ xuống khai thác vùng châu thổ, con người phải quai đê ngăn mặn và đắp đê dọc các triền sông để chống lũ. Chính sự cân thiệp từ khá sớm của con người vào tự nhiên của châu thổ đã làm thay đổi quá trình bồi đắp đồng bằng, khiến cho bề mặt đồng bằng không hoàn toàn bằng phẳng, mà tạo nên các ô trũng, thậm chí có nơi thấp hơn mực nước biển 0,35m. Đặc biệt vào mùa mưa, nước dồn đến làm ngập lụt một vùng kéo dài từ Thanh Oai qua Phủ Lý xuống tới Nam Định
Ở trung tâm của Đồng bằng Sông Hồng, tiểu vùng là nơi tập trung các loại dất phù sa: đất phù sa được bồi hàng năm ở ngoài đê, trong đê có đất phù sa trung tính ít chua của sông Hồng, đất phù sa chua của sông Thái Bình. Ở một số khu vực có hiện tượng phù sa sông Hồng phủ lên trên phù sa sông Thái Bình nên ít chua hơn và màu mỡ hơn.
Bảng: Đặc điểm của các loại đất phù sa ở Đồng bằng Sông Hồng
Loại đất
pH KCl
Mùn (%)
Tổng số (%)
Cation trao đổi ly đương lượng/100g


N
P2O5
K2O
Ca
Mg
H
Đất phù sa ngoài đê
Sông Hồng
7,6
1,01
0,1
0,1
0,16
9,5
2,4
0,13
Sông Thái Bình
6
1,8
0,7
0,9
0,11
7,5
5,2
0,4
Đất phù sa trong đê
Sông Hồng
6,5-7
1,73
0,13
0,1
0,15
6,2
1,9
0,63
Sông Thái Bình
4,2-4,8
2,5
0,1
0,06
0,06
6,0
5,0
3,63
Ở những vùng trũng phổ biến là đất phù sa glây, bị biến đổi do trồng lúa nước. Còn ở một số vùng trũng có đất lầy thụt, phân bố chủ yếu ở Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Trong những năm gần đây, đã tiến hành tiêu nước để cải tạo các loại đất này nhằm mục đích thâm canh và tăng vụ.
Trên địa bàn của tiểu vùng hầu như không còn dâu vêt của các hệ sinh thái tự nhiên. Thay vào đó là các hệ sinh thái nông nghiệp đã được khai thác và phát triển hàng vạn năm.
* Dân cư và kinh tế
Tiểu vùng trung tâm của Đồng bằng Sông Hồng cũng là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Những dấu vết thời tiền sử của con người chủ yếu được tìm thấy ở phần đồng bằng giữa sông Đáy và sông Hồng. Đó là các di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương, nhất là thời An Dương Vương như trống dồng, thạp, vũ khí, công cụ sản xuất, các di tích mộ táng…
Từ sau thời Hùng Vương, tiểu vùng trung tâm đã thay thế vùng rìa đồng bằng trở thành trung tâm của đất nước, trở thành cái nôi tạo dựng các nền văn minh, đặc biệt là văn minh Thăng Long. Từ Cổ loa Thời An Dương Vương, đến Luy Lâu, Long Biên trong thời kì Bắc thuộc, từ Hoa Lư thời Đinh – Tiền Lê, đến Thăng Long, tiểu vùng trung tâm đã chứng tỏ vị thế trái tim đầu não của cả nước, và đến nay, vị thế đó vẫn được khẳng định.
Hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho quá trình quần cư, tiểu vùng trung tâm trở thành nơi tập trung dân cư sầm uất nhất cả nước suốt chiều dài lịch sử và cho đến ngày nay. Cho đến hiện nay, mật độ dân số của tiểu vùng lên tới 1500 – 2000 người/km2. Trong đó có những khu vực, đặc biệt là ở nội thành các thành phố lớn (Nam Định, Hải Phòng và nhất là Hà Nội), mật độ có thể đạt tới hàng chục nghìn người/km2. Số lượng dân cư quá lớn tạo sức ép nhiều mặt lên nền kinh tế, xã hội và tài nguyên thiên nhiên. Vùng trung tâm Đồng bằng Sông Hồng là ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng “đất chật, người đông”, “người khôn, của khó”.
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đây là vùng xuất cư, nhất là trong thế kỉ XX. Việc chuyển cư chủ yếu gắn với việc phân bố lại lực lượng sản xuất, xây dựng các vùng kinh tế mới tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Mặt khác, luồng nhập cư từ các tỉnh ngoài vào vùng cũng rất lớn và có xu hướng tăng lên, gắn với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Về kinh tế, hoạt động nông nghiệp vẫn là hoạt động chính của đại bộ phận dân cư trong tiểu vùng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngành mang lại thu nhập lớn nhất và đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế của địa phương lại là ngành dịch vụ, sau đó là công nghiệp – xây dựng, còn nông nghiệp lại chiếm tỉ trọng nhỏ nhất.
Nền nông nghiệp của tiểu vùng là nền nông nghiệp thâm canh cao. Do phát triển trên nền một châu thổ trù phú, ngay từ xưa, người nông dân trong vùng đã khai thác nguồn tài nguyên đất màu mỡ để trồng lúa nước, nhằm cung cấp lượng thưc cho một số lượng dân cư đông đúc. Trong những năm gần đây. Việc áp dụng kĩ thuật thâm canh ngày càng đêm lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, chính sự phát triển của nền nông nghiệp này đã tác động mạnh mẽ lại tự nhiên của vùng. Từ hàng nghìn năm trước, từ khi di chuyển từ vùng rìa đồng bằng xuống, để phát triển nghề trồng lúa nước, ông cha ta dã bền bỉ trị thủy và làm thủy lợi. Việc đắp đê và cải tạo đồng bằng quy mô lớn được bắt đầu từ triều Lý và kéo dài cho đến ngày nay. Hiện nay việc trị thủy hệ thống Sông Hồng được tiến hành tổng hợp: cả củng cố hệ thống đê điều, nạo vét lòng sông… Với sự hình thành của hệ thống đê, các ô trũng vốn được hình thành tự nhiên do các nhánh sông bao bọc càng trở nên trũng hơn, và hàu hết đầt đồng bằng trở thành đất phù sa không được bồi đắp hàng năm.
Việc trồng lúa nước cũng dã làm thay đổi căn bản đặc điểm của đất lúa nước, làm thay đổi căn bản các khu hệ động thực vật hoang dại, tạo ra các hệ sinh thai đồng ruộng lúa nước. Nền nông nghiệp lúa nước thâm canh cao hiện nay sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và đang đe dọa ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước, nhất là ở vùng nông nghiệp ngoại thành các thành phố lớn.
 Tuy nhiên, cho đên nay, nông nghiệp ở tiểu vùng trung tâm vẫn chủ yếu là nông nghiệp dựa vào nguồn lao động dư thừa. để giải quyết tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn và khắc phục tính mùa vụ trong sử dụng lao động nông nghiệp, cũng như ở tiểu vùng rìa đồng bằng, ở tiểu vùng trung tâm, rất phổ biến các làng nghề. Người nông dân ở đây có nhiều nghề phụ, từ chế biến lương thực – thực phẩm (làng Vòng làm cốm, làng Phú Đô làm bún, làng Thanh Trì làm bánh cuốn, bánh đậu xanh hải Dương…) đến các hàng tiểu thủ công nghiệp. Sự phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống không chỉ trong phạm vi các làng quê vùng nông thôn mà còn phát triển và mở rộng ra các vùng đô thị, tiêu biểu nhất là thủ đô Thăng Long – Hà Nội với 36 phố phường. các phường thợ hay làng thủ công có khi khởi phát ngay tại địa phương, có khi do những người thợ thủ công vùng quê sản xuất đem ra bán rồi di dân lập phường thợ ở kinh kỳ. Các mặt hàng sản xuất của các phường thợ này đã được dùng để đặt cho các tên phố của Hà Nội xưa.
Bảng: Các làng nghề thủ công tiêu biểu của tiểu vùng Trung tâm
STT
Tên làng
Nghề
Địa điểm
1
Hàng Trống
Tranh
Hoàn Kiếm - Hà Nội
2
Ngũ Xã
Đúc đồng
Ba Đình – Hà Nội
3
Bưởi
Giấy dó
Cầu Giấy – Hà Nội
4
Vòng
Cốm
Cầu Giấy – Hà Nội
5
Bát Tràng
Gốm
Gia Lâm – Hà Nội
6
Kiêu Kỵ
Dát vàng
Gia Lâm – Hà Nội
7
Phú Đô
Bún
Từ Liêm – Hà Nội
8
Thanh Trì
Bánh cuốn
Thanh Trì – Hà Nội
9
Ngũ Hiệp
Vàng mã
Thanh Trì – Hà Nội
10
Kim Hoàng
Tranh
Hoài Đức – Hà Tây (cũ)
11
Vạn Phúc
Dệt lụa
Hà Đông – Hà Tây (cũ)
12
Đa Sĩ
Rèn
Hà Đông – Hà Tây (cũ)
13
Ước lễ
Giò chả
Thanh Oai – Hà Tây (cũ)
14
Phú Vinh
Mây, tre, đan
Chương Mỹ - Hà Tây (cũ)
15
Chuông
Nón lá
Thanh Oai – Hà Tây (cũ)
16
Đông Hồ
Tranh
Thuận Thành – Bắc Ninh
17
Đồng Sâm
Chạm bạc
Kiến Xương – Thái Bình
18
Cát Đằng
Sơn mài
Ý Yên – Nam Định
19
La Xuyên
Chạm khắc gỗ
Ý Yên – Nam Định
20
Đọi Sơn
Làm trống
Duy Tiên – Hà Nam
21
Văn Lâm
Thêu ren, đá mĩ nghệ
Hoa Lư – Ninh Bình
22
Phù Ủng
Chạm bạc
Ân Thi – Hưng Yên
23
Bần
Chế biến tương
Mỹ Hào – Hưng Yên
24
Cầu Nôm
Đúc đồng
Văn Lâm – Hưng Yên
25
Châu Khê
Vàng bạc
Cẩm Bình – Hải Dương
26
Chu Đậu
Gốm
Nam Sách – Hải Dương
Cho đến nay, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện dại hóa đất nước, các làng nghề thủ công truyền thống của tiểu vùng đang phát triển với tốc độ khá nhanh và có đóng góp ngày càng đnag kể vào kinh tế của các địa phương cũng như góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việcphục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, cho đến hiện nay, sản phẩm của các làng nghề đã có mặt trên thị trường toàn quốc, thậm chí nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu và rất được yêu thích trên thị trường nước ngoài. Đây là một hướng phát triển cần được khuyến khích trong thời gian tới để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tiẻu vùng.
Công nghiệp của tiểu vùng là một trong những thế mạnh đang được phát huy trong thời gian gần đây. Với hai trung tâm công nghiệp lớn là Hà Nội và Hải Phòng, tiểu vùng đã đóng góp quan trọng vào bức tranh công nghiệp chung của toàn vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng đứng thứ hai cả nước về sản lượng công nghiệp. Các ngành công nghiệp được tập trung phát triển trong tiểu vùng là các ngành công nghiệp chế biến và các ngành có hàm lượng khoa học kĩ thuật cao dựa trên cơ sở nguồn nhân lực đông đảo và có trình độ tương đối cao như công nghiệp cơ khí chế tạo, điện – điện tử, công nghiệp hóa chất, công nghiệp dệt may – da giày và công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm.
Trong quá trình tổ chức lại cơ cầu công nghiệp và thu hút đàu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, từ năm 1994, vùng Đồng bằng Sông Hồng đã đầu tư phát triển các khu công nghiệp tập trung, trong đó chủ yếu tại tiểu vùng trung tâm. Cho đến hiện nay, hầu như tất cả các tỉnh đều có các khu công nghiệp tập trung đang được xây dựng hoặc đã đi vào họat động.
Các hoạt động dịch vụ, du lịch cũng đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Với vị trí là trung tâm của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử và cho đến tận ngày nay, vời bề dày văn hóa hàng ngàn năm, tiểu vùng trung tâm là nơi thu hút nhiều khách du lịch và đặc biệt phát triển loại hình du lịch văn hóa. Hoạt động thương mại, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh, đóng góp vào bức tranh kinh tế đa dạng của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
* Đặc điểm văn hóa
Người dân tiểu vùng trung tâm châu thổ, đặc biệt là những người dân Thăng Long – Hà Nội vốn rất nổi tiíeng là thanh lịch về vốn văn hóa tinh thần, về cách ăn mặc trang nhã, các món ăn chế biến tinh vi, khéo léo. Người dân ăn mặc giản dị trong kiểu cách, nền nã trong màu sắc, tuy nhiên không tự nhiên, xô bồ mà thể hiện sự chọn lựa của những người có trình độ thẩm mỹ cao. Trong ăn uống, người dân ở đây rất sành ăn, tinh tế trong lựa chọn và chế biến món ăn, khi ăn uống luôn giữ vẻ thanh lịch của người đang thưởng thức cái ngon, vẻ đẹp chứ không ăn lấy đủ, lấy no. Ở trong tiểu vùng có rất nhiều những món ăn ngon đã trở thành đặc sản cho các địa phương, vừa là những món ăn truyền thống của dân tộc, vừa là sản phẩm tiếp thu và đồng hóa các món ăn ảnh hưởng từ người Trung Quốc, người Châu Âu…
Đời sống tâm linh của người dân tiểu vùng rất phong phú, thể hiện qua sự phát triển của các loại tín ngưỡng và tôn giáo, trước hết là đạo Phật. Nói đến tiểu vùng trung tâm của Đồng bằng Sông Hồng là nói đến mảnh đất của rất nhiều chùa chiền, với những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Trầm, chùa Đa Sĩ, chùa Đại Bi, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Phổ Minh, chùa Keo… Các chùa ở đây được xây dựng trong sự hòa hợp với môi trường tự nhiên, sơn thủy hữu tình, đáp ứng với quan niệm về thế giới quan và thẩm mĩ truyền thống của nhân dân. Phật giáo đã đi vào đời sống của người dân địa phương, hầu như làng nào cũng có chùa và những sinh hoạt lễ hội xung quanh ngôi chùa.
Tiểu vùng trung tâm cũng là mảnh đất của rất nhiều danh nhân. Điều đáng lưu ý là con người ở đây vừa là con người tứ xứ hội nhập lại nhưng cũng có những nét độc đáo riêng. Những làng quê trong tiểu vùng luôn nổi tiếng là “đất học”, “đất văn thơ”, “đất khoa bảng” với những nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trường Hán Siêu, Lương Thế Vinh, Nguyễn Hiền, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Bên cạnh đó, với vị trí là thủ đô, là trung tâm của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất này không chỉ là nơi thu hút nhân tài từ các vùng khác mà còn là nơi đào luyện nhân tài, cho nên những danh nhân của địa phương cũng chính là danh nhân của cả nước. Từ Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du đến bà Chúa thơ môn Hồ Xuân Hương… là những người có gốc tích từ mọi miền nhưng phải đến đây họ mới có điều kiện phát huy tài năng và tạo nên những chiến công hiển hách, những tác phẩm kinh điển.
Gắn với các danh  nhân là hệ thống các di tich lịch sử văn hóa. Hà Nội, kinh thành Thăng Long xưa, kinh đô của rất nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, lại là thủ đô của đất nước hiện nay là nơi lưu giữ nhiều di tích về bề dày lịch sử hiển hách và bề dày văn hóa vừa sâu sắc, vừa đa dạng và phong phú của tiểu vùng.. Từ những dấu tích của kinh thành cổ xưa như Cỏ Loa (Hà Nội) dưới thời An Dương Vương, thành Đại La – nơi đặt đô hộ phủ của phong kiến xâm lược phương Bắc đến các di tích thuộc các đời Lý, Trần, Lê sơ với những vết tích kiến trúc cung điện, thành lũy, thành bậc, các dấu tích điêu khắc trên đá như chàu Bà Tấm, bệ đá chùa Bái, Chùa Đông, những thành bậc ở điện Kính Thiên, bậc đàn Nam Giao, Văn Miếu, đặc biệt là khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Khu vực nội thành cũng lưu giữ nhiều di tích văn hóa về trung tâm văn hóa – chính trị - xã hội của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử: đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, chùa Láng, chùa Kim Liên, tháp chùa Liên Phái, đền Đồng Nhân… Khu vực các tỉnh lân cận Hà Nội cũng có rất nhiều di tích như Hoa Lư (Ninh Bình) - kinh đô của cả nước vào thời nhà Đinh, đền Trần – dấu tích cũ của phủ Thiên Trường, quê hương và là kinh đô thứ hai của nhà Trần, một trong những triều đại huy hoàng nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam.
Gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, các danh nhân của tiểu vùng không thể không nhắc tới các lễ hội. Có thể nói tiểu vùng trung tâm là mảnh đất của hội hè với hàng trăm lễ hội khác nhau, từ những lễ hội mang tính chất lịch sử, tưởng nhớ đến các danh nhân như lễ hội Đền Trần (Nam Định - gắn với di tích của Trần Hưng Đạo và các vua Trần), lễ hội đền Cổ Loa (Hà Nội - gắn với truyền thuyết về An Dương Vương), lễ hội Hai Bà Trưng (đền Đồng Nhân – Hà Nội), hội đền vua Đinh (Hoa lư – Ninh Bình tưởng nhớ đến hiến công của vua Đinh Tiên Hoàng) đến những lễ hội mang tính chất tâm linh như lễ hội Phủ Giầy (Vụ Bản – Nam Định), lễ hội chùa Thầy, … Với sự hình thành và phát triển của rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống, các lễ hội của các làng nghề cũng tương đối nhiều
Các sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật của tiều vùng cũng rất phong phú. Trước hết phải kể tới là múa rối và múa rối nước. Múa rối nước đã ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Nghệ thuật rối nước là đặc phẩm văn hoá bản địa dân tộc Việt, phát triển ở hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long như Đào Thục, Đào Xá - Huyện Đông Anh, chùa Nành - Gia Lâm và nhiều phường rối ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Nói đến văn hóa – nghệ thuật của tiểu vùng trung tâm không thể không nhắc đến chèo, loại hình tiêu biểu nhất của sân khẩu truyền thồng Việt Nam. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, khoảng vào thế kỉ X, sau được phổ biến rộng rãi ra toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Đến trước thế kỉ XX, trong phạm vi tiểu vùng đã hình thành nên 3 trong tổng số 4 “chiếng chèo” (vùng chèo) của cả Bắc Bộ gồm: Chiếng chèo Nam (Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình); Chiếng chèo Đông (Hưng Yên, Hải Dương); Chiếng chèo Đoài (gồm Hà Đông, Sơn Tây). Cho đến hiện nay, rất nhiều địa phương trong tiểu vùng vẫn còn tồn tại những chiếu chèo hay làng chèo hoặc phát triển lên thành các đoàn chèo của địa phương mình. Hát trống quân trong những ngày hội là cách làm quen và ướm lòng nhau của các chàng trai, cô gái; hát xẩm, hình thức hát rong cổ truyền của những người khiếm thị, rất phổ biến ở các bến đò, chợ búa hay các nẻo đường. Rồi hát ru, một hình thức ca hát cô đúc cái tinh túy, cái thần của nghệ thuật âm nhạc và thi ca. Đây là loại dân ca truyền thống, góp phần hình thành nhân cách và giáo dục thẩm mỹ cho con người ngay từ khi vừa lọt lòng.
Ngoài các hình thức dân ca phổ biến, mỗi địa phương trong vùng còn có các hình thức dân ca riêng như hát dậm vùng Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam. Độc đáo hơn cả là hát chầu văn, đây là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Các trung tâm của hát văn là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.
* Sự phân hóa của nội bộ tiểu vùng
Tiểu vùng trung tâm cũng ghi nhận sự phân hóa của csc yếu tố tự nhiên, sản xuất cũng như văn hóa của người dân trong vùng. Nguyên nhân của sự phân hóa này chính là sự khác nhau rất cơ bản của điều kiện địa hình do sự hình thành của các ô trũng dưới tác động của quá trình đắp đê và trị thủy của con người. Có thể chia phạm vi của tiểu vùng trung tâm thành 3 khu vực khác nhau
- Khu vực Hà Nội và vùng phụ cận:
- Khu vực hữu ngạn sông Hồng là một vùng đất thấp trũng kéo dài từ Thanh Oai qua Phru Lý tới Nam định, mằm kẹp giữa sông Đáy ở phía Tây và sông Hồng ở phía đông và bao gồm hai ô trũng là ô trũng Hà Đông và ô trũng Hà Nam Ninh. Đây là khu vực đồng bằng tích tụ sông biển với đặc điểm nổi bật là hiện tượng úng trũng vào mùa mưa. Chính đặc điểm này đã ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống người dân trong vùng. Dân cư ở đây không phân bố đều trong khu vực mà thường quy tụ trên những gờ đất cao tương đối chật hẹp, nhà nọ ken xít nhà kia thành những xóm làng tương đối riêng biệt với lũy tre bao bọc. Các làng nối với nhau bởi những con đường nhỏ còn về mùa mưa, do bị ngập úng nên phương tiện di chuyển là những con thuyền nan. Để làm nhà, người ta phải đào ao vượt thổ để nền nhà luôn cao hơn đường làng.
Nghề nông vẫn là nghề chính của người dân địa phương nhưng do trước kia chỉ canh tác vào vụ chiêm nên còn được gọi là vùng chiêm trũng. Thời kì úng lụt kéo dài suốt nhiều tháng là cản trở lớn với trồng cấy lương thực nhưng lại là cơ hội cho việc khai thác các thủy sản vùng chiêm trũng. Trong các mảnh vườn cũng chủ yếu trồng các cây có thể ngâm nước nhiều ngày như bưởi, mít… Thời gian nông nhàn kéo dài hơn các khu vực khác cũng khiến cho nhiều ngành nghề phụ xuất hiện và trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong nghề nghiệp của cư dân: nghề thủ công, buôn bán nhỏ… Hiện nay, do sự phát triển của hệ thống thủy lợi, hầu hết các địa phương đã làm thêm vụ mùa.
- Khu vực tả ngạn sông Hồng thuộc địa phận các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình là một vùng đất đất trù phú ven sông Hồng và sông Luộc. Hệ thống đê ở đây rất phát triển trên cơ sở các sống đất cao tự nhiên do sông Hồng bồi đắp tạo nên những cảnh quan ngoài đê đặc sắc, những khu vực đất bãi ven sông phì nhiêu nhưng ngập lũ và các đảo phù sa giữa sông. Đây cũng là nơi sông Hồng chảy tương đối xiết nên nạn vỡ đê xảy ra khá thường xuyên. Cũng dễ hiểu vì sao người dân ở đây lại có truyền thống đắp đê và giữ đê. Bên cạnh đó là sự phát triển của nghề ương cá bột và nuôi cá nước ngọt do có sông Hồng. Trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều làng nổi, sống trên sông nước với sinh kế chủ yếu là chài lưới. Các nông sản nổi tiếng ở đây có cả các hoa màu là sản phẩm của các bãi bồi ngoài đê và các loại cây ăn quả phát triển ở các sống đất cao tự nhiên.
2.3. Tiểu vùng duyên hải
* Ranh giới và điều kiện tự nhiên
Tiểu vùng duyên hải khu vực ven biển phía đông nam của vùng Đồng bằng Sông Hồng, giáp với vịnh Bắc Bộ, bao gồm địa phận các huyện: Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn (Ninh Bình), Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường (Nam Định), Vũ Thư, TP Thái Bình, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ (Thái Bình), Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Cát Bà, An Hải (Hải Phòng).  Đây là phần châu thổ hiện đại phần lớn chỉ cao dưới 1m so với mực nước biển, nơi thủy triều và nước mặn có thể tràn ngập đất đai nếu không có đê ngăn chặn. Quá trình hình thành đồng bằng trong khu vực vẫn đang tiếp diễn nhờ vào việc bồi tụ phù sa của sông Hồng và các chi lưu chuyển ra biển.
Một đặc điểm tương đối nổi bật trong địa hình của tiểu vùng là sự hình thành các cồn cát. Đây là những nơi tương đối khô ráo với độ cao khoảng trên 1m, là địa bàn để cơ dân xây dựng các làng mạc. Giữa các cồn cát là khu vực đất trũng thấp hơn dùng để canh tác nông nghiệp: cấy lúa, trồng cói.
Về khí hậu, nhìn chung tiểu vùng duyên hải cũng mang những đặc điểm chung của khí hậu toàn vùng là tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhưng do vị trí ở gần biển nên độ ẩm được tăng cường khá nhiều. Vào mùa đông, nhiệt độ của tiểu vùng ấm hơn so với hai tiểu vùng trên, tuy nhiên sự chênh lệch nhiệt độ không nhiều (chỉ dưới 1oC) và lượng mưa cũng có sự gia tăng do ảnh hưởng của biển. Vào mùa hè, ảnh hưởng của bão rất mạnh mẽ là có tác hại rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tiểu vùng.
Là khu vực cửa sông ven biển nên hệ thống sông cũng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan của tiểu vùng duyên hải. Ở đây có sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa cửa song Thái Bình và cửa sông Hồng. Do dòng chảy của sông Thái Bình yếu, lượng phù sa ít nên ảnh hưởng của biển tương đối mạnh, đường bờ biển hầu như không bị quá trình trầm tích phù sa đẩy lùi nên tương đối ổn định. Còn cửa sông Hồng, do dòng chảy mạnh, lượng phù sa lớn nên cửa sông tiến nhanh ra biển. Trên cơ sở đó, người nông dan Đồng bằng Sông Hồng tích cực quai đê lấn biển để khai phá vùng cửa sông. Hệ thống đê ở đây có chức năng chống ngập mặn nhiều hơn là chống lũ. Tuy nhiên, so với các vùng ven biển khác của cả nước, ảnh hưởng của thủy triều và biển ở vùng này yếu hơn so với ảnh hưởn của sông, nước mặn vào không sâu, dòng chảy ngược kém.
Về nguồn tài nguyên đất, tiểu vùng có khoảng 90.000 ha đất mặn, tập trung ở vùng cửa sông Hồng, từ Tiền Hải (Thái Bình) qua Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định) đến Kim Sơn (Ninh Bình). Ngoài ra còn có khoảng 80.000 ha đất phèn tại vùng cửa sông Thái Bình, tập trung ở Hải Phòng và một phần ở huyện Thái Thụy (Thái Bình).
* Đặc điểm dân cư và kinh tế
Đây là khu vực được khai phá muộn nhất trong cả vùng Đồng bằng Sông Hồng. Từ thời nhà Trần, nhất là từ thời Lê, cư dân Đồng bằng Sông Hồng bắt đầu có xu hướng chuyển dịch ra phía biển để khai phá mảnh đất đầy tiềm năng này. Đặc biệt là những bãi triều như Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) mới được khai phá cách đây khoảng 200 năm (vào những năm 1820), nhờ sáng kiến của Nguyễn Công Trứ, một vị quan có tài trong việc chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp. Nhữg cư dân đến khai phá vùng đất nay chủ yếu là từ trung du hoặc châu thổ trung tâm. Cũng có một bộ phận nhỏ là từ các miền Bắc Trung Bộ (như Thanh Hóa) đi ra.
Do là vùng mới được khai thác nên tính chất cộng đồng cố hữu của các làng xã trong tiểu vùng không sâu sắc và nặng nề như ở tiểu vùng trung tâm và rìa đồng bằng. Ở các thôn, làng có lịch sử lâu đời, sự phân biệt giữa dân gốc và dân ngụ cư là rất rõ rệt. Những người ngụ cư không được hưởng quyền lợi, không được đối xử bình đẳng và hầu như không có vai trò gì trong cộng đồng dân cư bản xứ. Còn ở khu vực duyên hải, trong hầu hết các làng xã có nhiều dòng họ cư trú, có khi tới 15 – 20 họ. Các làng thường chia nhiều phe giáp, mỗi giáp có phong tục tập quán riêng, thậm chí là tôn giáo riêng. Do không có sự phân chia dân ngụ cư hay dân bản xứ nên mọi người dân, trong một chừng mực nhất định, đều bình dẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Trải qua quá trình lịch sử với những biến cố như quai đê lấn biển, chống thiên tai địch họa, tinh thần dân chủ và hòa hợp ở các cộng đồng này thường cao hơn ở các làng cổ.
Khu vực duyên hải cũng là khu vực có mật độ dân số cao nhất của toàn vùng. Giải thích cho hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất phải nói đến tỉ lệ gia tăng tự nhiên của khu vực này là cao hơn so với các khu vực khác (vì một bộ phận cư dân trong vùng là ngư dân, những gia đình thường sinh rất nhiều con). Khi tốc độ khai hoang lấn biển không theo kịp sự gia tăng dân số thì số dân quá tải đòi hỏi sự di cư. Truyền thống di cư này bắt đàu từ những năm đầu thế kỉ XX và tiếp diễn cho đến hiện nay. Trước đấy, lao động từ Đồng bằng Sông Hồng (điển hình là từ Thái Bình) thường đi khắp cả nước để làm thợ mỏ (ở Miền núi trung phía Bắc), phu đồn điền (ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), hay đi xây dựng các vùng kinh tế mới (trong thập kỉ 70 – 80). Còn hiện nay, theo điều tra của Tổng cục thống kê, trong tổng số lao động di cư đến Tây Nguyên thì 19% xuất thân từ Đồng bằng Sông Hồng. Tỉ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 18% và các khu công nghiệp Đông Nam Bộ là 17%. Cũng theo cuộc tổng điều tra Lao động và việc làm, năm 2004, số người di cư của vùng Đồng bằng Sông Hồng là 86.578 người, chiếm 22,7% tổng số người di cư của cả nước. Trong đó một bộ phận lớn người di cư là từ khu vực ven biển.
Do đặc điểm về điều kiện tự nhiên mà phần lớn dân cư trong vùng hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là chủ yếu. Buôn bán trong khu vực kém phát triển và thủ công nghiệp cũng không đa dạng, số lượng các làng nghề thủ công không nhiều. Với vị trí ở gần biển, những ngành ngư nghiệp và diêm nghiệp trở thành sinh kế đáng kể của người dân nhưng các hoạt động này không tách khỏi nghề nông. Lý giải cho hiện tượng này có thể thấy đất đai trong vùng tương đối phì nhiêu, ngay cả với những vùng mới khai hoang lấn biển. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nghề đánh cá và làm muối khiến cho sinh kế của người dân trong vùng đa dạng hơn. Trong một số năm gần đây, sự phát triển của ngư nghiệp, đặc biệt là việc nuôi trồng thủy sản giúp cho đời sống cư dân nơi đây được cải thiện đang kể và vùng duyên hải tập trung dân cư khá đông đúc. Mặc dù vậy nông nghiệp vẫn là sinh kế chính của người dân
* Đặc điểm văn hóa
Đặc điểm văn hóa nổi bật nhất của vùng chính là sự phân trộn văn hóa do cư dân từ các khu vực khác dồn đến và gắn bó chặt chẽ với quá trình khai hoang các vùng bãi triều. Trong đó độc đáo hơn cả là sự phát triển rộng rãi của đạo Thiên chúa trong khu vực. Trong khi các tiểu vùng khác cúa Đồng bằng Sông Hồng, Phật Giáo gần như chiếm vị trí độc tôn trong đời sống tâm linh của người dân thì ở khu vực duyên hải có sự đan xen giữa Phật Giáo và Công giáo. Tiểu vùng duyên hải là nơi đạo Thiên chúa du nhập từ rất sớm, khoảng từ những năm đầu thế kỉ XVI đã có giáo sĩ vào Quần Anh (Hải Hậu – Nam Định hiện nay) truyền đạo. Cuối thế kỉ XVII, nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên được xây dựng ở Ninh Cường và đến thế kỉ XVIII đạo Thiên chúa đã được lan truyền rộng rãi. Trong tiểu vùng có những trung tâmcông giáo tiêu biểu cho cả nước như giáo xứ Bùi Chu (huyện Xuân Trường – Nam Định) và giáo xứ Phát Diệm (huyện Kim Sơn – Ninh Bình). Sự phát triển của tôn giáo này đã để lại cho tiểu vùng nhiều di tích có giá trị cao như nhà thờ Phú Nhai (huyện Xuân Trường – Nam Định) là nhà thờ thuộc loại cao và to nhất Việt Nam, nhà thờ Phát Diệm (Kim Sơn – Ninh Bình) là nhà thờ có kiểu kiến trúc Việt Nam truyền thống với mái cong như đình chùa.
Với ngành nghề khá đa dạng, một số địa phương trong phạm vi tiểu vùng đã khá nổi tiếng với những sản phẩm đặc sắc của mình như các làng chiếu cói ở Kim Sơn (Ninh Bình) hay làm muối…
Tiểu vùng văn hóa duyên hải có những đặc trưng về điều kiện tư nhiên, về đời sống kinh tế - xã hội  không hoàn toàn đồng nhất mà có sự khác biệt giữa nơi này nơi khác trong các sắc thái văn hóa. Tuy nhiên sự khác biệt này không sâu sắc như ở tiểu vùng trung tâm mà chỉ hình thành nên các dạng văn hóa với những nét riêng là dạng văn hóa ở rẻo các cồn cát và dạng văn hóa ở rẻo các bãi triều..
- Dạng văn hóa cồn cát nằm sâu trong nội địa, được khai phá sớm hơn (vào khoảng thế kỉ XV). Các làng phân bố xít nhau và bám sát các dải cồn cát. Các làng này có kết cấu nghề nghiệp dân cư và tổ chức cộng đồng tương tự như tiểu vùng trung tâm với hoạt động nông nghiệp đa dạng và thủ công nghiệp phát triển. Điểm nổi bật trong hoạt động nông nghiệp của tiểu vùng là ngoài cây lúa còn có nhiều cây công nghiệp như bông, dâu tằm, mía, đay, gai, thuốc lào…
Ở đây có nhiều đình chùa nhưng nói chung là không to, chủ yếu là chắc chắn để đứng vững trước bão biển, trong đó tiêu biểu nhất là chùa Cổ Lễ (Nam Trực – Nam Định) và chùa Keo (Vũ Thư – Thái Bình).
Đời sông tinh thần được đánh dấu bởi nghệ thuật rối nước, nghệ thuật chèo và múa dân gian. Tiểu vùng duyên hải có khá nhiều địa phương nổi tiếng với cac loại hình nghệ thuật này, tiêu biểu là múa rối nước Làng Nguyễn hay chiếng chèo Làng Khuốc (Đông Hưng – Thái Bình), múa đèn Mai Diêm (Thái Thụy – Thái Bình).
Sinh hoạt lễ hội cũng khá sôi nổi trong khu vực cồn cát. Nói chung làng nào cũng có lễ hội, gắn với sinh hoạt tín ngưỡng ở chùa, đình, đền, trong đó có những lễ hội nổi tiếng như hội chùa Keo, chùa Cổ Lễ và cả những lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà tiêu biểu là lễ hội Chọi trâu (Đồ Sơn – hải Phòng).
- Dạng văn hóa bãi triều trẻ nhất, mới được khai phá trong vòng trên dưới 100 năm và còn đang tiếp diễn cho đến ngày nay. Ở đây có dạng quần cư kiểu bàn cờ, đường ngang ngõ dọc thẳng góc. Cách phân chia như vậy tạo cho cho mỗi làng đều có điều kiện dẫn nước ngọtthau chua rửa mặn và sau này lấn dần ra biển. các đường cắt ngang để phân chia các giáp cũng rất thẳng, đường vào các ngõ xóm cũng cắt vuông góc, thành những ô bàn cờ đẹp mắt. Các nhà cũng sóng nhau theo dãy, quay mặt hướng nam. Nhà thường làm thấp, chắc, nhiều cột để chống bão
Khi làm ruộng, người dân vẫn lợi dụng thủy triều để dẫn nước vào ruộng và tiêu nước ra sông biển. Thêm nghè đánh cá và làm muỗi. Nghề thủ công không nhiều nhưng có một ngành đặc biệt phát triển là nghề làm chiếu cói.
Nhìn chung kinh tế của khu vực bãi triều ít phát triển hơn so với với các cồn cát nội địa bên trong. Đình chùa ít và nhỏ, miều đền phổ biến hơn.
ThS Trần Thị Hồng Nhung



[1] Pierre Gourou trong “Người nông dân ở châu thổ Bắc Kì” đã nói rằng “Đồng bằng sông Hồng chết trong tuổi thanh xuân của nó”
[2] Là hình thức dùng dao chặt cây phát nương để cây khô thì đốt nương để lấy tro mùn