Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Vì sao các Quốc gia thất bại (nguồn gốc của quyền lựcc)

LỜI GIỚI THIỆU
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ hai mươi ba* của tủ sách SOS2, cuốn Vì sao các Quốc gia Thất bại của hai nhà khoa học Daron Acemoglu (giáo sư kinh tế học, MIT) và James A. Robinson (giáo sư Quản lý nhà nước, Đại học Havard) vừa xuất bản ở Mỹ đầu năm 2012. Tiêu đề phụ của cuốn sách là, nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng, và nghèo khó. Cuốn sách tìm câu trả lời cho câu một hỏi đơn giản nhưng đã làm cho nhiều học giả đau đầu trong nhiều thế kỷ qua: vì sao một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo?
Đã có nhiều lý thuyết (giả thuyết) tìm cách giải đáp cho câu hỏi này hay giải thích hiện tượng bất bình đẳng thế giới nhức nhối đó. Có các giả thuyết về địa lý, văn hóa, sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng các lý thuyết này đều không trả lời được một cách thỏa đáng cho câu hỏi đơn giản nêu trên.
Acemoglu và Robinson đưa ra giả thuyết về các thể chế chính trị là cái quyết định chứ không phải địa lý, văn hóa, hay sự thiếu hiểu biết.
Lập luận đại thể như sau: một quốc gia giàu nếu phần lớn công dân của nó tham gia vào các hoạt động kinh tế, tạo ra nhiều của cải một cách hiệu quả, luôn tìm cách mới để thực hiện các nhiệm vụ (cũ và mới) sao cho hiệu quả hơn.
Nhưng cái gì khiến các tác nhân kinh tế (cá nhân, hộ gia đình, các công ty) làm như vậy? Đó là các khuyến khích (incentive). Không có các khuyến khích, không có động cơ người ta không tích cực làm việc; các phản khuyến khích thậm chí còn gây ra tác hại. Nghiên cứu các khuyến khích là một trong những nội dung chính của kinh tế học (và khoa học xã hội nói chung khi khuyến khích được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là khuyến khích kinh tế).
Song cái gì định hình các khuyến khích? Đó là các thể chế kinh tế. Các thể chế kinh tế là các quy tắc ảnh hưởng đến nền kinh tế hoạt động thế nào và đến các khuyến khích thúc đẩy người dân ra sao. Các tác giả phân ra hai loại thể chế kinh tế: thể chế kinh tế bao gồm (inclusive economic institution) và các thể chế kinh tế khai thác (extractive economic institution).
Các thể chế kinh tế bao gồm bảo đảm: các quyền tài sản an toàn; luật pháp và trật tự; các thị trường và sự ủng hộ của nhà nước đối với các thị trường (qua các dịch vụ công và các quy định); dễ tham gia hoạt động kinh tế; tôn trọng các hợp đồng; đa số nhân dân được tiếp cận đến giáo dục và đào tạo và các cơ hội.
Ngược lại thì các thể chế kinh tế là khai thác: thiếu luật pháp và trật tự; các quyền tài sản không an toàn; các rào cản tham gia và các quy chế cản trở hoạt động của các thị trường và tạo ra sân chơi không bằng phẳng.
Cuối cùng, các thể chế kinh tế hình thành trên cơ sở nào? Các thể chế chính trị định hình các thể chế kinh tế. Các tác giả phân biệt hai loại thể chế chính trị: bao gồm và khai thác.
Các thể chế chính trị bao gồm bảo đảm: điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của các công dân – chủ nghĩa đa nguyên – đặt ra các ràng buộc và kiểm soát đối với các chính trị gia; nền pháp trị; nhà nước tập trung ở mức đủ để thực thi luật pháp và trật tự (nhưng không quá tập trung để biến thành chính thể chuyên chế).
Ngược lại, các thể chế chính trị mang tính khai thác: tập trung quyền lực chính trị vào tay một số ít người; không có các ràng buộc lên các chính trị gia hay kiểm soát và cân bằng hay thiếu nền pháp trị.
Các thể chế kinh tế bao gồm thúc đẩy tăng trưởng thông qua: khuyến khích đầu tư; tận dụng sức mạnh thị trường trong phân bổ nguồn lực, sự tham gia của các hãng hiệu quả hơn, có khả năng tài trợ vốn cho kinh doanh khởi nghiệp; tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi thông qua tạo cơ hội bình đẳng, để các công dân có cơ hội giáo dục và đào tạo; và quan trọng nhất khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và chấp nhận sự phá hủy sáng tạo. Như thế, các thể chế bao gồm tạo ra các khuyến khích để các tác nhân kinh tế hoạt động hiệu quả và kết quả là tạo ra tăng trưởng bền vững, và như thế thường dẫn các quốc gia đến giàu có.
Tăng trưởng, tuy vậy luôn luôn kéo theo những kẻ thắng và những người thua. Những kẻ thắng thường ủng hộ, song những người thua thường chống đối. Những người thua về kinh tế và nhất là những người thua (hay có khả năng bị thua) về mặt chính trị thường ngăn cản quyết liệt. Và đấy chính là logic của các thể chế khai thác: những người có quyền thế sợ sự mất quyền lực, sợ sự phá hủy sáng tạo, sợ bị trở thành kẻ thua, nên tìm cách cản trợ thay đổi, cố duy trì các thể chế khai thác, ưu tiên giữ ổn định chính trị, giữ hiện trạng có lợi cho họ.
Tuy vậy, dưới các thể chế khai thác cũng có thể có tăng trưởng. Đầu tiên, có tăng trưởng thì mới có của cải để khai thác. Tăng trưởng dưới các thể chế khai thác chủ yếu diễn ra theo hai kiểu: chuyển nguồn lực từ khu vực năng suất thấp (thí dụ nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao hơn (công nghiệp hay dịch vụ, chẳng hạn); giới chóp bu có thể tự tin để tạo ra các yếu tố bao gồm trong các thể chế kinh tế trong khi vẫn giữ các thể chế chính trị khai thác.
Các thể chế kinh tế khai thác có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng không bền vững trong dài hạn và thường không tạo ra tăng trưởng và vì thế dẫn đến nghèo khó.
Có ái lực mạnh (hay sự đồng vận) giữa các thể chế chính trị bao gồm và các thể chế kinh tế bao gồm; cũng vậy đối với các thể chế khai thác; chúng tăng cường lẫn nhau và tạo ra trạng thái ổn định tương đối. Sự kết hợp của các thể chế chính trị khai thác với các thể chế kinh tế bao gồm có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng cuối cùng sẽ quay về hai trạng thái ổn định hơn: hoặc các thể chế chính trị chuyển thành các thể chế bao gồm và quốc gia phát triển mạnh, hay các thể chế kinh tế bao gồm bị thay thế bằng các thể chế khai thác. Tương tự, trạng thái các thể chế chính trị bao gồm kết hợp với các thể chế kinh tế khai thác cũng là trạng thái bất ổn định: các lực lượng chính trị sẽ buộc các thể chế kinh tế trở nên bao gồm, hoặc bản thân các thể chế chính trị bị biến thành khai thác.
Có thể phát triển một loại số đo tổng hợp, theo kiểu như chỉ số HDI chẳng hạn, cho các thể chế chính trị và kinh tế. Có thể gán, chẳng hạn chỉ số - 1 cho tập các thể chế tuyệt đối khai thác, và +1 cho tập các thể chế  tuyệt đối bao gồm. Khi đó số đo của các thể chế chính trị của một quốc gia có thể có giá trị từ (-1) đến (+1) và có thể được biểu diễn như một điểm nào đó giữa (-1 và + 1), thí dụ trên trục tung (y). Tương tự số đo của tập các thể chế kinh tế cũng lấy giá trị từ -1 đến +1 và có thể biểu diễn thí dụ trên trục hoành (x) [ở sơ đồ dưới đây trục x chạy từ phải qua trái hơi ngược với bình thường một chút].

Như thế ta có bốn ô trên mặt phẳng x-y: ô 1 trên cùng bên phải, ô 2 dưới cùng bên phải; ô 3 dưới bên trái; và ô 4 trên cùng bên trái.
Tại mỗi thời điểm, mỗi quốc gia có một vị trí ở một trong bốn ô này, và theo thời gian vị trí có thể dịch chuyển trong từng ô, hay chuyển từ ô này sang ô kia. Sự dịch chuyển này vẽ lên một quỹ đạo thể chế, và lịch sử thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng trong lý thuyết của hai tác giả này.
Rất nhiều quốc gia nằm ở ô 2 và họ thường nghèo và vị trí càng gần góc dưới bên phải (-1,-1) thì càng nghèo; có một số quốc gia ở ô 4 và họ thường giàu, các quốc gia có vị trí càng gần góc trên cùng bên trái (+1,+1) thì càng giàu.
Hai ô 2 và 4 tương đối ổn định. Ô 2 gắn với vòng luẩn quẩn. Ô 4 gắn với vòng thiện, và sự ổn định tại đây cũng chỉ tương đối, nếu không giữ gìn vẫn có thể thụt lùi, như trường hợp Venice. Các ô 1 và 3 không ổn định theo nghĩa các quốc gia nằm ở các ô này sớm muộn (tính bằng hàng chục năm) sẽ chuyển về ô 2 hay ô 4.
Phần cốt lõi thứ hai của lý thuyết là động học của sự thay đổi thể chế. Các tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của: các xung đột (conflict) luôn xảy ra trong xã hội; sự trôi dạt thể chế (institutional drift), các thể chế ban đầu như nhau theo thời gian sẽ trôi dạt xa nhau; và tạo ra những sự khác biệt nhỏ về thể chế nhưng các khác biệt nhỏ lại có thể quan trọng trong các bước ngoặt; các bước ngoặt (critical juncture) là bất cứ sự kiện lớn nào ảnh hưởng đến xã hội như tai họa thiên nhiên, dịch bệnh, khám phá mới, hay các cuộc cách mạng, hay cái chết của một nhân vật quan trọng; và sự tùy thuộc ngẫu nhiên (contingency). Các xung đột dẫn đến sự trôi dạt thể chế, tại các bước ngoặt do những khác biệt nhỏ và sự tùy thuộc ngẫu nhiên chúng rẽ nhánh theo những con đường rất khác nhau và tạo ra sự phân kỳ thể chế.
Lý thuyết về thay đổi thể chế cũng như sự đồng vận của các thể chế (chính trị và kinh tế) bao gồm và sự đồng vận của các thể chế khai thác là các công cụ hùng mạnh mà các tác giả dùng để tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn giản và hết sức cơ bản mà cuốn sách đặt ra: vì sao có một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo, vì sao các phương pháp xóa nghèo hiện hành thường thất bại.
Các tác giả đưa bạn đọc chu du khắp thế giới, từ châu Mỹ, Hoa Kỳ, đến châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Đại Dương để tìm hiểu vì sao ở nơi nào đó lại nghèo hay giàu, các lực lượng chính trị và kinh tế tương tác với nhau ra sao và gây ra những thay đổi thể chế như thế nào và đưa ra cách giải thích thuyết phục cho các hiện tượng đó, giúp bạn đọc hiểu trên cơ sở của khung khổ lý thuyết này.
Tầm phủ thời gian của cuốn sách cũng thật ấn tượng, từ cách mạng đồ đá mới đến 2011, nhưng chi tiết hơn là khoảng một ngàn năm và nhất là từ 1800 đến nay.
Một lý thuyết khoa học luôn là các giả thuyết và giá trị của một lý thuyết chỉ nằm trong sức mạnh giải thích (và tiên đoán, nhưng trong các khoa học xã hội khó có thể nói về khả năng tiên đoán) của nó.
Muốn cho quốc gia không thất bại và giàu có thì phải tìm mọi cách để xây dựng các thể chế chính trị bao gồm. Các tác giả nhấn mạnh không có công thức sẵn có cho việc này. Tuy vậy có nhiều việc có thể tạo thuận lợi, có thể thúc đẩy cho việc hình thành các thể chế chính trị như vậy. Trao quyền (empowerment) cho nhân dân, hay cho các mảng rộng của xã hội là hết sức quan trọng để cho một quá trình như vậy có thể hình thành hay mang lại kết quả. Xây dựng nền pháp trị thực sự, với những ràng buộc lên các chính trị gia, buộc họ phải có trách nhiệm giải trình và khó lạm dụng quyền lực. Người dân biết quyền của mình và đòi một cách tích cực các quyền hiến định đó và tham gia vào các tổ chức chính trị. Cần một nền báo chí tự do và quyền tự do ngôn luận. Và như thế cần có một xã hội dân sự lành mạnh và sự tham dự tích cực của các công dân. Đấy là cách làm giàu bền vững nhất không chỉ cho chính mình mà cho cả con cháu nhiều đời sau.
Cuốn sách được viết rất sáng sủa và hết sức dung dị, không đòi hỏi quá nhiều kiến thức kinh tế học từ bạn đọc. Theo tôi đây là một công trình rất có giá trị và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nói chung và của sự phát triển kinh tế học nói riêng.
Tôi nghĩ đối tượng bạn đọc của cuốn sách này sẽ rất rộng, từ các nhà kinh tế học, các nhà khoa học xã hội, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia, các nhà báo, sinh viên, học sinh thuộc tất cả các ngành (chứ không chỉ các ngành xã hội) và bất cứ ai quan tâm khác đều nên đọc cuốn sách này. Và họ sẽ không phí công vì nó giúp chúng ta hiểu thế giới, hiểu chính mình và tự rút ra các bài học cho hành động thực tiễn.
Cảm ơn các ông Nguyễn Anh Tuấn và Vũ Văn Lê đã tặng sách. Tôi đã hết sức cố gắng để truyền tải chính xác nội dung nhưng do hiểu biết hạn chế nên bản dịch chắc chắn còn nhiều thiếu sót mong được bạn đọc góp ý và lượng thứ.
Hà Nội, 4- 6-2012 
Nguyễn Quang A


LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn sách này là về những khác biệt khổng lồ về thu nhập và mức sống mà tách biệt các nước giàu trên thế giới, như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Đức, khỏi các nước nghèo, như các nước ở châu Phi hạ-Sahara, Trung Mỹ và Nam Á.
Khi chúng tôi viết lời nói đầu này, Bắc Phi và Trung Đông rung chuyển bởi “Mùa xuân Arab” khởi đầu bằng cái được gọi là Cách mạng Hoa Nhài, mà ban đầu được châm ngòi bởi việc làm công chúng phẫn uất vì sự tự thiêu của một người bán hàng rong, Mohamed Bouazizi, ngày 17-12-2010. Ngày 14-1-2011, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, người đã cai trị Tunesia từ 1987, đã từ chức, nhưng nhiệt tình cách mạng chống lại sự cai trị của giới ưu tú (elite) có đặc quyền ở Tunesia còn xa mới giảm bớt đi, đã trở nên mạnh hơn và đã lan ra phần còn lại của Trung Đông. Hosni Mubarak, người đã cai trị Ai Cập với một bàn tay siết chặt gần ba mươi năm, đã bị hất cẳng vào ngày 11-1-2011. Số phận của các chế độ ở Bahrain, Lybia, Syria và Yemen chưa được rõ khi chúng tôi hoàn tất lời nói đầu này.
Gốc rễ của sự bất mãn tại các nước này là ở sự nghèo khó của chúng. Một người Ai Cập trung bình có mức thu nhập bằng khoảng 12 phần trăm của mức thu nhập của công dân Mỹ trung bình, và có thể kỳ vọng để sống ngắn hơn mười năm; 20 phần trăm dân số sống trong cảnh cực kỳ nghèo. Tuy những khác biệt này là đáng kể, chúng thực ra là khá nhỏ so với những sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và các nước nghèo nhất trên thế giới, như Bắc Triều Tiên, Sierra Leone, và Zimbabwe, nơi hơn một nửa dân số sống trong nghèo khó.
Vì sao Ai Cập nghèo hơn Hoa Kỳ nhiều đến vậy? Những ràng buộc nào kéo những người Ai Cập khỏi việc trở nên phát đạt hơn? Sự nghèo của Ai Cập có là bất biến, hay có thể được xóa bỏ? Cách tự nhiên để bắt đầu nghĩ về việc này là nghe bản thân những người Ai Cập nói về các vấn đề họ đối mặt và vì sao họ lại đứng lên chống chế độ Mubarak. Noha Hamed, một người hai mươi bốn tuổi, làm việc tại một hãng quảng cáo ở Cairo, đã làm rõ quan điểm của mình khi cô biểu tình tại Quảng trường Tahrir: “Chúng tôi đã chịu sự tham nhũng, sự áp bức, và nền giáo dục tồi. Chúng tôi sống giữa một hệ thống thối nát mà phải thay đổi”. Một người khác trên quảng trường, Mosaab El Shami, hai mươi tuổi, sinh viên dược, nhất trí: “Tôi hy vọng rằng vào cuối năm nay chúng tôi sẽ có một chính phủ được bầu và rằng quyền tự do phổ quát được áp dụng và rằng chúng ta chấm dứt nạn tham nhũng mà đã kiểm soát đất nước này”. Những người biểu tình ở Quảng trường Tahrir đã nói cùng một tiếng nói về sự tham nhũng của chính phủ, sự bất lực của nó để cung cấp các dịch vụ công, và sự thiếu bình đẳng cơ hội ở nước họ. Họ đặc biệt than phiền về sự áp bức và sự thiếu các quyền chính trị. Như Mohamed ElBaradei, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đã viết trên Twitter ngày 13-1-2011, “Tunesia: áp bức + thiếu công lý xã hội + từ chối các kênh cho diễn biến hòa bình = một quả bom nổ chậm đang kêu tích tắc”. Những người Ai Cập và Tunesia đều đã coi các vấn đề kinh tế của họ cơ bản là do thiếu các quyền chính trị gây ra. Khi những người biểu tình bắt đầu diễn đạt các đòi hỏi của họ một cách có hệ thống hơn, mười hai đòi hỏi đầu tiên được post lên bởi Wael Khalil, một kỹ sự phần mềm và blogger người đã nổi lên như một trong những nhà lãnh đạo của phong trào phản kháng Ai Cập, đã đều tập trung vào sự thay đổi chính trị. Các vấn đề như tăng lương tối thiểu đã xuất hiện chỉ giữa các đòi hỏi chuyển tiếp mà sẽ được thực hiện muộn hơn.
Đối với những người Ai Cập, những cái, mà đã néo giữ họ lại, bao gồm một nhà nước không hiệu quả và thối nát và một xã hội nơi họ không thể sử dụng tài năng, khát vọng và sự khéo léo của mình và sự giáo dục mà họ có thể có được. Nhưng họ cũng nhận ra gốc rễ của các vấn đề này là có nguồn gốc chính trị. Tất cả những cản trở kinh tế mà họ đối mặt bắt nguồn từ cách mà quyền lực chính trị được sử dụng và bị độc chiếm bởi một elite hẹp. Đấy, họ hiểu, là cái đầu tiên phải thay đổi.
Thế nhưng, khi tin điều này, những người biểu tình ở Quảng trường Tahrir đã bất đồng sâu sắc với sự sáng suốt thông thường về chủ đề này. Khi lập luận, vì sao một nước như Ai Cập lại nghèo, hầu hết các học giả và những người bình luận nhấn mạnh các yếu tố hoàn toàn khác. Một số người nhấn mạnh sự nghèo của Ai Cập chủ yếu là do địa lý của nó quyết định, do sự thực rằng đất nước này hầu như là một sa mạc và thiếu lượng mưa đầy đủ, và rằng đất và khí hậu của nó không cho phép một nền nông nghiệp sinh lợi. Những người khác thì chỉ ra các tính chất văn hóa của những người Ai Cập mà được cho là không thuận cho sự phát triển và thịnh vượng kinh tế. Họ cho rằng những người Ai Cập thiếu đúng loại phong cách làm việc và các đặc điểm văn hóa mà đã cho phép các dân tộc khác phát đạt, và thay vào đó đã chấp nhận các niềm tin Islamic không phù hợp với thành công kinh tế. Một cách tiếp cận thứ ba, cách chiếm ưu thế giữa các nhà kinh tế học và các chuyên gia chính sách, lại dựa vào ý niệm rằng các nhà cai trị của Ai Cập đơn giản đã không biết cái gì cần để làm cho đất nước họ phồn thịnh, và đã đi theo các chính sách, các chiến lược sai trong quá khứ. Nếu giá như các nhà cai trị này nhận được lời khuyên đúng từ các cố vấn thích hợp, cách tư duy này tiếp tục, thì sẽ có sự thịnh vượng. Đối với các học giả và chuyên gia chính sách ấy, sự thực rằng Ai Cập bị cai trị bởi elite hẹp, chỉ thu vén cho bản thân họ gây tổn hại cho xã hội, có vẻ không liên quan gì đến việc hiểu các vấn đề kinh tế của nước này.
Trong cuốn sách này chúng tôi sẽ biện luận rằng những người Ai Cập ở Quảng trường Tahrir, chứ không phải hầu hết các học giả và các nhà bình luận, đã có ý tưởng đúng. Thực ra, Ai Cập nghèo chính xác bởi vì nó bị cai trị bởi elite hẹp, giới đã tổ chức xã hội vì lợi ích riêng của họ gây tổn hại cho số rất đông quần chúng nhân dân. Quyền lực chính trị đã được tập trung hẹp, và đã được sử dụng để tạo ra sự giàu có hết sức cho những kẻ nắm quyền, như tài sản 70 tỷ USD có vẻ như đã được cựu Tổng thống Mubarak tích cóp. Những người bị thua thiệt đã là nhân dân Ai Cập, như họ hiểu rất rõ [điều đó].
Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng sự giải thích này về sự nghèo của Ai Cập, sự giải thích của nhân dân, hóa ra cung cấp một sự giải thích chung cho câu hỏi vì sao các nước nghèo lại nghèo. Bất luận đó là Bắc Triều Tiên, Sierra Leone, hay Zimbabwe, chúng ta sẽ chứng tỏ rằng các nước nghèo là nghèo vì chính xác cùng lý do mà Ai Cập nghèo. Các nước như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã trở nên giàu bởi vì các công dân của họ đã lật đổ elite, giới đã kiểm soát quyền lực, và đã tạo ra một xã hội nơi các quyền chính trị được phân phát rộng rãi hơn nhiều, nơi các chính phủ có trách nhiệm giải trình và có trách nhiệm với công dân, và nơi số đông quần chúng nhân dân có thể tận dụng các cơ hội kinh tế. Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng để hiểu vì sao có sự bất bình đẳng như vậy trong thế giới ngày nay, chúng ta phải đào sâu vào quá khứ và nghiên cứu động học lịch sử của các xã hội. Chúng ta sẽ thấy rằng lý do mà Vương quốc Anh giàu hơn Ai Cập là bởi vì năm 1688, Vương quốc Anh (hay nước Anh, để cho chính xác) đã có một cuộc cách mạng mà đã biến đổi hoạt động chính trị và như thế hoạt động kinh tế của quốc gia. Nhân dân đã chiến đấu vì và đã giành được nhiều quyền chính trị hơn, và họ đã dùng chúng để mở rộng các cơ hội kinh tế của họ. Kết quả đã là một quỹ đạo chính trị và kinh tế khác một cách căn bản, lên đỉnh điểm trong Cách mạng Công nghiệp.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp và các công nghệ mà nó mở ra đã không lan sang Ai Cập, vì nước đó đã nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman, mà đã đối xử với Ai Cập phần nào theo cùng cách như gia đình Mubarak sau này đã đối xử. Sự cai trị Ottoman ở Ai Cập đã bị Napoleon Bonaparte lật đổ năm 1798, nhưng sau đó mước này rơi vào sự kiểm soát của chủ nghĩa thực dân Anh, mà cũng như Ottoman đã ít quan tâm đến việc thúc đẩy sự thịnh vượng của Ai Cập. Tuy những người Ai Cập đã thoát khỏi được các đế chế Ottoman và Anh, và, năm 1952, đã lật đổ chế độ quân chủ của họ, nhưng đấy đã không phải là các cuộc cách mạng như cách mạng 1688 ở Anh, và thay cho việc biến đổi căn bản hoạt động chính trị ở Ai Cập, chúng lại đưa một elite khác lên nắm quyền, giới cũng chẳng quan tâm đến việc đạt được sự thịnh vượng cho những người dân thường Ai Cập [hệt] như những người Ottoman và Anh đã chẳng quan tâm. Hậu quả là, cấu trúc cơ bản của xã hội đã không thay đổi và Ai Cập vẫn nghèo.
Trong cuốn sách này chúng ta sẽ nghiên cứu các hình mẫu này tái tạo mình ra sao theo thời gian và vì sao đôi khi chúng thay đổi như chúng đã thay đổi ở Anh năm 1688 và ở Pháp với cách mạng 1789. Việc này sẽ giúp chúng ta hiểu liệu tình hình ở Ai Cập đã thay đổi hiện nay và liệu cuộc cách mạng đã lật đổ Mubarak sẽ có dẫn đến một tập mới của các thể chế có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho những người Ai Cập bình thường hay không. Ai Cập đã có các cuộc cách mạng trong quá khứ mà đã không làm thay đổi tình hình, bởi vì những người tổ chức các cuộc cách mạng đơn giản đã nắm lấy giây cương từ những người mà họ phế truất và đã tạo dựng lại một hệ thống tương tự. Quả thực là khó đối với các công dân bình thường để nắm lấy quyền lực chính trị thực và thay đổi cách xã hội của họ vận hành. Nhưng là có thể, và chúng ta sẽ xem việc này diễn ra thế nào ở Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và cả ở Nhật Bản, Botswana, và Brazil. Về căn bản chính một sự biến đổi chính trị thuộc loại này là cái cần cho một xã hội nghèo trở thành giàu. Có bằng chứng rằng điều này có thể đang xảy ra ở Ai Cập. Reda Metwaly, một người biểu tình khác ở Quảng trường Tahrir, lập luận, “Bây giờ bạn thấy những người Muslim và những người Ki tô giáo cùng nhau, bây giờ bạn thấy người già và người trẻ cùng nhau, tất cả đều muốn cùng một thứ”. Chúng ta sẽ thấy rằng một phong trào rộng như vậy trong xã hội đã là một phần then chốt của cái đã xảy ra trong những biến đổi chính trị khác này. Nếu chúng ta hiểu khi nào và vì sao những sự chuyển đổi như thế xảy ra, chúng ta sẽ ở vị thế tốt hơn để đánh giá khi nào chúng ta kỳ vọng các phong trào như vậy thất bại như chúng đã thường thất bại trong quá khứ và khi nào chúng ta có thể hy vọng rằng chúng sẽ thành công và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.


1.
GẦN THẾ VÀ VẪN RẤT KHÁC NHAU
NỀN KINH TẾ CỦA RIO GRANDE

THÀNH PHỐ NOGALES bị cắt đôi bởi một hàng rào. Nếu bạn đứng cạnh nó và nhìn theo hướng bắc, bạn sẽ thấy Nogales, Arizona, nằm ở Quận Santa Cruz. Thu nhập của hộ gia đình trung bình ở đó là khoảng 30.000 USD một năm. Hầu hết trẻ vị thành niên ở trường học, và đa số những người lớn là những người đã tốt nghiệp trung học. Bất chấp những tranh luận mà người dân đưa ra về hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ thiếu sót đến thế nào, dân chúng tương đối khỏe mạnh, với ước tính tuổi thọ cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nhiều cư dân trên tuổi sáu mươi lăm và có tiếp cận đến Medicare (Chăm sóc y tế). Đó chỉ là một trong nhiều dịch vụ do chính phủ cung cấp mà hầu hết được coi là nghiễm nhiên, như điện, điện thoại, hệ thống thoát nước, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mạng lưới đường kết nối họ với các thành phố khác trong vùng và với phần còn lại của Hoa Kỳ, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, luật pháp và trật tự. Nhân dân Nogales, Arizona, có thể tiến hành các hoạt động hàng ngày của họ mà không có sự sợ hãi về đời sống hay sự an toàn và không phải liên tục sợ trộm cắp, sự tước đoạt, hay những thứ khác có thể gây nguy hiểm cho các khoản đầu tư của họ trong các doanh nghiệp và nhà của họ. Quan trọng ngang thế là, người dân Nogales, Arizona, coi là nghiễm nhiên rằng chính phủ, với tất cả sự không hiệu quả và đôi khi tham nhũng của nó, là người đại diện của họ. Họ có thể bỏ phiếu để thay thị trưởng, các thượng và hạ nghị sỹ của họ; họ bỏ phiếu trong các cuộc bầu tổng thống để xác định ai sẽ lãnh đạo nước họ. Dân chủ là bản chất thứ hai của họ.
Cuộc sống ở phía nam hàng rào, chỉ cách vài mét, là khá khác. Trong khi cư dân của Nogales, Sonora, sống trong một phần tương đối thịnh vượng của Mexico, thu nhập của hộ gia đình trung bình ở đó bằng khoảng một phần ba của thu nhập ở Nogales, Arizona. Hầu hết người lớn ở Nogales, Sonora, không tốt nghiệp trung học, và nhiều trẻ vị thành niên không đến trường. Các bà mẹ phải lo về tỷ lệ tử vong trẻ em cao. Điều kiện chăm sóc sức khỏe công cộng nghèo nàn cho thấy không có gì ngạc nhiên rằng dân cư của Nogales, Sonora, không sống lâu như các láng giềng phía bắc của họ. Họ không tiếp cận được đến nhiều tiện nghi công cộng. Đường sá trong tình trạng tồi tàn ở phía nam hàng rào. Luật pháp và trật tự trong tình trạng tồi tệ hơn. Tội phạm cao, và mở một doanh nghiệp là một hoạt động rủi ro. Không phải chỉ là bạn có rủi ro bị cướp, mà lấy được tất cả các giấy phép và bôi trơn mọi bàn tay chỉ để mở là nỗ lực không dễ dàng. Dân cư Nogales, Sonora, sống với sự tham nhũng và sự vụng về của các nhà chính trị hàng ngày.
Ngược với các láng giềng phương bắc của họ, dân chủ là một trải nghiệm rất mới đây đối với họ. Cho đến các cuộc cải cách năm 2000, Nogales, Sonora, hệt như phần còn lại của Mexico, đã nằm dưới sự kiểm soát thối nát của Đảng Cách mạng Thể chế, hay Partido Revolucionario Institucional (PRI).
Làm sao mà hai nửa của cái về cơ bản là cùng một thành phố lại khác nhau đến vậy? Không có sự khác biệt nào về địa lý, khí hậu, hay những loại bệnh phổ biến trong vùng này, vì các vi trùng không đối mặt với bất cứ hạn chế nào khi qua lại giữa Hoa Kỳ và Mexico. Tất nhiên, các điều kiện y tế là rất khác nhau, nhưng điều này chẳng liên quan gì đến môi trường bệnh tật; đó là bởi vì nhân dân ở phía nam biên giới sống với các điều kiện vệ sinh thấp kém và thiếu sự chăm sóc sức khỏe tử tế.
Nhưng có lẽ người dân là rất khác nhau. Có thể chăng, cư dân của Nogales, Arizona, là con cháu của những người nhập cư từ châu Âu, còn những người ở phía nam là con cháu của những người Aztec? Không phải vậy. Nguồn gốc của người dân ở cả hai bên biên giới là khá giống nhau. Sau khi Mexico trở nên độc lập từ Tây Ban Nha năm 1821, vùng xung quanh “Los dos Nogales” đã là một phần của nhà nước Mexic Vieja California và vẫn thế ngay cả sau Chiến tranh Mexic-Mỹ 1846-1848. Quả thực, chỉ sau [Thỏa thuận] Gadesden Mua năm 1853 mà biên giới Hoa Kỳ mới được mở rộng ra vùng này. Trung úy N. Michler là người, trong khi khảo sát biên giới, đã ghi nhận sự hiện diện của “thung lũng Los Nogales nhỏ xinh xắn”. Ở đây, ở cả hai bên biên giới, hai thành phố đã mọc lên. Các cư dân của Nogales, Arizona, và Nogales, Sonora, có chung tổ tiên, thưởng thức cùng loại thức ăn và âm nhạc, và, chúng ta bạo gan để nói có cùng “văn hóa”.
Tất nhiên, có một giải thích rất đơn giản và rõ ràng cho những sự khác biệt giữa hai nửa của Nogales mà bạn có lẽ đã đoán từ lâu: chính là cái biên giới xác định hai nửa. Nogales, Arizona, là ở Hoa Kỳ. Các cư dân của nó được tiếp cận đến các thể chế kinh tế của Hoa Kỳ, mà cho phép họ lựa chọn nghề của mình một cách tự do, có được sự học hành và các kỹ năng, và khuyến khích những người sử dụng lao động của họ đầu tư vào công nghệ tốt nhất, dẫn đến lương cao hơn cho họ. Họ cũng được tiếp cận đến các thể chế chính trị cho phép họ tham gia vào các quá trình dân chủ, để bầu các đại diện của họ và thay thế chúng nếu chúng cư xử tồi. Hệ quả là, các chính trị gia cung cấp các dịch vụ cơ bản mà công dân đòi hỏi (từ chăm sóc sức khỏe công cộng, đến đường sá, luật pháp và trật tự). Những công dân của Nogales, Sonora, không may mắn như vậy. Họ sống trong một thế giới khác được định hình bởi các thể chế khác. Các thể chế khác nhau này tạo ra những khuyến khích rất khác nhau cho cư dân của hai Nogales và cho các doanh nhân và doanh nghiệp muốn đầu tư ở đó. Những khuyến khích được tạo ra bởi các thể chế khác nhau của [hai] Nogales và của hai nước tương ứng là lý do chính cho những khác biệt về sự thịnh vượng kinh tế ở hai bên biên giới.
Vì sao các thể chế của Hoa Kỳ lại thuận lợi hơn rất nhiều cho thành công kinh tế so với các thể chế của Mexico, và cũng thế của cả phần còn lại của Mỹ Latin? Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở cách mà các xã hội đã hình thành vào đầu thời kỳ thực dân. Một sự phân kỳ thể chế đã xảy ra khi đó, với những tác động kéo dài cho đến ngày nay. Để hiểu sự phân kỳ này chúng ta phải bắt đầu ngay ở việc thiết lập các thuộc địa tại Bắc Mỹ và Mỹ Latin.

SỰ THÀNH LẬP BUENOS AIRES
Đầu năm 1516, Juan Díaz de Solís, hoa tiêu Tây Ban Nha, đã đi thuyền vào một cửa sông rộng ở Bãi biển phía Đông của Nam Mỹ. Lội lên bờ, de Solís nhận đất này cho Tây Ban Nha, đặt tên sông là Riso de la Plata, “Sông Bạc”, bởi vì dân địa phương có bạc. Dân bản địa ở hai bên cửa sông – người Charrúas ở nơi bây giờ là Urugay, và người Querandí trên các đồng bằng được biết đến như Pampas ở Argentina hiện đại – đã coi những kẻ mới đến với sự thù địch. Dân địa phương này đã là những người săn bắt-hái lượm sống trong các nhóm nhỏ mà không có quyền uy chính trị tập trung mạnh. Thật vậy, chính đã là một nhóm Charrúas như vậy đã đánh de Solís bằng gậy cho đến chết khi ông khám phá các vùng mới mà ông đã thử để chiếm cho Tây Ban Nha.
Năm 1534, người Tây Ban Nha, vẫn lạc quan, đã gửi một đoàn đầu tiên của những người định cư từ Tây Ban Nha dưới sự lãnh đạo của Pedro de Mendoza. Họ đã lập một thị trấn ở Buenos Aires trong cùng năm. Nó đã phải là một nơi lý tưởng cho những người Âu châu. Buenos Aires, theo nghĩa đen là “không khí trong lành”, đã có một khí hậu ôn hòa, dễ chịu. Thế nhưng cuộc lưu lại đầu tiên của những người Tây Ban Nha ở đó đã ngắn. Họ đã không đi tìm không khí trong lành, mà là tìm tài nguyên để khai thác và lao động để cưỡng bức. Tuy vậy, những người Charrúas và Querandí đã không sốt sắng giúp đỡ. Họ đã từ chối cung cấp thức ăn cho người Tây Ban Nha, từ chối làm việc khi bị bắt. Họ đã tấn công vùng định cư mới bằng cung và mũi tên của mình. Những người Tây Ban Nha bị đói, vì họ đã không lường trước rằng phải tự lo thức ăn cho mình. Buenos Aires đã không phải là cái họ mơ tới. Đã không thể ép buộc dân địa phương để cung cấp lao động. Vùng này đã không có bạc hay vàng để khai thác, và bạc mà de Solís đã thấy thực ra đến suốt lộ trình từ nhà nước Inca trong vùng Andes, xa xôi về phía tây.
Những người Tây Ban Nha, trong khi cố sống sót, đã bắt đầu gửi các toán thám hiểm để tìm chỗ mới giàu có hơn và có nhiều dân hơn để dễ cưỡng bức hơn. Năm 1537, một trong các toán thám hiểm này, dưới sự lãnh đạo của Juan de Ayolas, đã thâm nhập ngược Sông Paraná, tìm đường đến những người Inca. Trên đường, nó đã tiếp xúc với người Guaraní, một tộc người tĩnh tại với một nền kinh tế nông nghiệp dựa vào ngô và sắn. De Ayolas ngay lập tức nhận ra rằng người Guaraní là một vấn đề hoàn toàn khác với người Charrúas và Querandí. Sau một xung đột ngắn, những người Tây Ban Nha đã vượt qua sự kháng cự Guaraní và đã thành lập một thị trấn, Nuestra Señora de Santa María de la Asunción, mà vẫn là thủ đô của Paraguay ngày nay. Những người Tây Ban Nha xâm chiếm đã lấy các công chúa Guaraní làm vợ và nhanh chóng tự phong mình làm một tầng lớp quý tộc mới. Họ đã thích nghi hệ thống lao động cưỡng bức và cống nạp của người Guaraní, với bản thân họ ở địa vị lãnh đạo. Đấy là loại thuộc địa mà họ đã muốn thiết lập, và trong vòng bốn năm Buenos Aires đã bị bỏ vì tất cả những người Tây Ban Nha định cư ở đó đã chuyển đến thị trấn mới.
Buenos Aires, “Paris của Nam Mỹ”, một thành phố với các đại lộ rộng theo kiểu Âu châu dựa trên sự giàu có nông nghiệp tuyệt vời của vùng Pampas, đã không được tái định cư cho đến 1580. Việc từ bỏ Buenos Aires và sự chinh phục người Guaraní tiết lộ logic của việc châu Âu thực dân hóa châu Mỹ. Ban đầu các thực dân Tây Ban Nha và, như chúng ta sẽ thấy, các thực dân Anh đã không quan tâm đến việc tự mình canh tác đất; họ đã muốn những người khác làm việc đó cho họ, và họ đã muốn sự giàu có, vàng và bạc, để vơ vét.

TỪ CAJAMARCA…
Các cuộc thám hiểm của de Solís, de Mendoza, và de Ayolas đến sau các cuộc thám hiểm nổi tiếng hơn tiếp sau việc Christopher Columbus nhìn thấy một trong các đảo của Bahamas ngày 12-10-1492. Người Tây Ban Nha bắt đầu bành trướng và thuộc địa hóa châu Mỹ một cách dồn dập với việc Hernán Cortés xâm chiếm Mexico năm 1519, cuộc thám hiểm của Francisco Pizzaro đến Peru một thập niên rưỡi sau đó, và cuộc thám hiểm của Pedro Mendoza đến Riso de la Plata đúng hai năm sau đó. Trong thế kỷ tiếp theo, Tây Ban Nha đã chinh phục và thuộc địa hóa hầu hết trung, tây, và nam Nam Mỹ, còn Bồ Đào Nha đòi Brazil đến phía đông.
Chiến lược thực dân hóa của Tây Ban Nha đã rất hiệu quả. Đầu tiên được hoàn thiện bởi Cortés ở Mexico, nó dựa vào sự quan sát rằng cách tốt nhất cho người Tây Ban Nha để khuất phục sự chống đối đã là bắt lãnh tụ bản địa. Chiến lược này đã cho phép người Tây Ban Nha cướp của cải của lãnh tụ và cưỡng bức dân bản địa cống nạp và cung cấp thức ăn. Bước tiếp theo đã là tự phong mình làm elite mới của xã hội bản địa và nắm quyền kiểm soát các phương pháp hiện tồn về đánh thuế, cống nạp, và đặc biệt, lao động cưỡng bức.
Khi Cortés và những người của ông ta đến thủ đô của đại Aztec, Tenochtitlan, ngày 8-11-1519, họ được hoan nghênh bởi Moctezuma, hoàng đế Aztec, người, mặc dù có nhiều lời khuyên từ các cố vấn của ngài, đã quyết định tiếp đón những người Tây Ban Nha một cách hữu hảo. Cái gì xảy ra tiếp sau đã được mô tả kỹ trong tường thuật được biên soạn sau năm 1545 bởi thầy tu dòng Franciscan, Bernardino de Saghagún, trong bộ sách Florentine Codices nổi tiếng của ông.
Ngay lập lức họ [những người Tây Ban Nha] đã túm chặt lấy Moctezuma … rồi sau đó từng khẩu súng bắn lên trời … Sự sợ hãi bao trùm. Mọi người vãi linh hồn. Ngay cả trước khi trời tối, đã có sự kinh hãi, sự kinh ngạc, sự e sợ, mọi người choáng váng.
Và khi trời rạng sáng ngay lúc ấy lộ ra tất cả các thứ [mà những người Tây Ban Nha] đòi hỏi: bánh mỳ trắng làm bằng ngô, gà tây nướng, trứng, nước sạch, gỗ, củi, than … Đấy đã là những thứ Moctezuma quả thực đã ra lệnh.
Và khi những người Tây Ban Nha đã ổn định xong, ngay lúc ấy họ đã dò hỏi Moctezuma về tất cả kho báu của thành phố … họ đã tìm vàng với sự sốt sắng lớn. Và ngay lúc ấy Moctezuma đã dẫn những người Tây Ban Nha. Họ đã đi bao quanh ông … mỗi người giữ ông, mỗi người túm lấy ông.
Và khi họ đến nhà kho, một nơi được gọi là Teocalco, ngay lúc ấy họ đưa ra tất cả những thứ lóng lánh; quạt đầu lông chim quaetzal, các dụng cụ, các huy hiệu, các đĩa vàng … các hình lưỡi liềm vàng, các đai [vòng đeo] chân vàng, các đai tay vàng, các đai trán vàng.
Ngay lúc ấy vàng được tách ra … ngay lập tức họ châm lửa, làm cho tất cả các thứ quý giá ấy … bốc cháy. Chúng bị đốt hết. Và những người Tây Ban Nha đúc vàng thành các thỏi tách biệt … Và người Tây Ban Nha đi khắp mọi nơi … Họ tìm mọi thứ, mọi thứ mà họ thấy là tốt.
Ngay lúc ấy họ đi đến nhà kho riêng của Moctezuma … ở nơi được gọi là Totocalco … họ lôi ra các tài sản riêng [của Moctezuma] … tất cả các thứ quý giá; các vòng cổ với các tua tòn ten, các đai tay với các túm lông chim quaetzal, các đai tay bằng vàng, các vòng đeo tay, các đai bằng vàng với vỏ sò … và vương miện ngọc lam, biểu tượng của người cai trị. Họ lấy hết.
Việc chinh phục những người Aztec bằng quân sự đã hoàn tất vào năm 1521. Cortés, với tư cách thống đốc của tỉnh Tây Ban Nha Mới, khi đó đã bắt đầu phân chia tài nguyên quý giá nhất, dân cư bản địa, thông qua thể chế encomienda. Hệ thống điều tiết lao động encomienda đã xuất hiện đầu tiên ở Tây Ban Nha thế kỷ thứ mười lăm như một phần của việc tái chiếm miền nam nước này từ tay những người Moor, Arab, những người đã định cư trong và sau thế kỷ thứ tám. Ở Thế giới Mới nó đã có dạng độc hại hơn nhiều: nó đã là việc cấp những người bản địa cho một người Tây Ban Nha, được biết đến như encomandero. Những người bản địa phải cống nạp và lao dịch cho encomandero, đổi lại các dịch vụ đó encomandero có trách nhiệm cải đạo họ sang Ki tô giáo.
Một tường thuật ban đầu sống động về hoạt động của encomienda đã đến với chúng ta từ Bartolomé de la Casas, một thầy tu dòng Dominican, người đã trình bày sự phê phán sớm nhất và là một trong những phê phán gây ấn tượng (có tính tàn phá) nhất về hệ thống thuộc địa Tây Ban Nha. De la Casas đã đến hòn đảo Tây Ban Nha, Hispaniola, năm 1502 với một đội tàu do thống đốc mới, Nicolás de Ovando, đứng đầu. Ông ngày càng trở nên vỡ mộng và bối rối bởi sự cư xử tàn ác và bóc lột đối với người bản địa mà ông chứng kiến hàng ngày. Với tư cách cha tuyên úy ông đã tham gia vào cuộc Tây Ban Nha xâm chiếm Cuba năm 1513, thậm chí được cấp một encomienda cho ông sử dụng. Tuy vậy, ông đã từ bỏ quyền được cấp và đã bắt đầu một cuộc vận động dài để cải cách các thể chế thuộc địa Tây Ban Nha. Các nỗ lực của ông đã đạt đỉnh cao trong cuốn sách của ông, A Short Account of the Destruction of the Indies (Một Tường thuật Ngắn về sự Phá hủy Indies), được viết năm 1542, một sự tấn công khinh miệt lên tính dã man của sự cai trị Tây Ban Nha. Về encomienda ông đã có điều này để nói trong trường hợp của Nicaragua:
Mỗi người định cư đã bắt cư dân trong thị trấn được phân cho ông ta (hay được giao cho [encommanded] ông ta, như cách diễn đạt pháp lý), bắt các cư dân làm việc cho mình, ăn cắp thực phẩm hiếm hoi của họ cho chính mình và chiếm đất mà những người bản địa đã sở hữu và đã canh tác mà trên đó họ đã nuôi trồng sản phẩm của họ theo truyền thống. Người định cư đối xử với toàn bộ dân cư bản địa – những người quyền cao chức trọng, các ông già, đàn bà và trẻ con – như các thành viên của hộ gia đình mình, và với tư cách như thế, bắt họ làm việc tối ngày vì lợi ích riêng của ông ta, mà không có bất cứ sự nghỉ ngơi nào.
Về cuộc chinh phục New Granada, Columbia hiện đại, de la Casas kể lại toàn bộ chiến lược Tây Ban Nha trong hành động:
Để thực hiện các mục đích dài hạn về chiếm đoạt tất cả số vàng sẵn có, những người Tây Ban Nha đã áp dụng chiến lược thông thường của họ về chia các thị trấn và dân cư của chúng thành từng phần giữa họ với nhau (hay giao cho, như họ bảo thế) … và sau đó, như từ trước đến giờ, đối xử với họ như các nô lệ thông thường. Người chỉ huy toàn bộ cuộc thám hiểm chiếm lấy Vua của toàn vùng lãnh thổ cho chính mình và giữ ông ta như tù binh trong sáu hay bảy tháng, đòi nhiều và nhiều hơn vàng và ngọc lục bảo từ ông ta một cách hoàn toàn trái phép. Nhà Vua này, một Bogotá, đã khiếp sợ đến mức, vì sự nóng lòng của ông để được giải thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ gây đau khổ cho mình, ông đã đồng ý với đòi hỏi rằng ông sẽ chất vàng đầy một nhà và trao cho họ; để đạt mục đích này ông đã gửi người của mình đi tìm vàng, và từng tí một họ đã mang về nhiều đá quý. Nhưng ngôi nhà vẫn chưa đầy và cuối cùng những người Tây Ban Nha đã tuyên bố rằng họ sẽ giết ông vì sự thất hứa. Người chỉ huy đã gợi ý họ phải đưa ông ra xử trước mặt hắn, với tư cách người đại diện của luật pháp, và khi họ đã làm như thế, đệ trình cáo trạng chống lại nhà Vua, hắn đã kết án ông sẽ bị tra tấn nếu ông vẫn khăng khăng không thực hiện lời hứa đã được thương lượng. Họ đã tra tấn ông bằng cách treo ông lên cao, đặt miếng mỡ đang cháy lên bụng ông, trói cả hai chân ông vào hai cọc với các đai sắt và cổ ông vào cái khác và sau đó, với hai người cầm các tay ông, họ tiến hành đốt gan bàn chân ông. Thỉnh thoảng, viên chỉ huy ngó tới và lặp lại rằng họ sẽ tra tấn ông đến chết một cách từ từ trừ phi ông mang lại nhiều vàng hơn, và đấy là cái họ đã làm, nhà Vua cuối cùng đã không chịu nổi những sự đau đớn mà họ đã gây ra cho ông.
Chiến lược và các thể chế chinh phục được hoàn thiện ở Mexico đã được chấp nhận một cách háo hức ở những nơi khác trong Đế chế Tây Ban Nha. Không ở đâu việc này được làm một cách hiệu quả hơn việc Pizzaro chinh phục Peru. Như de las Casas bắt đầu tường thuật của ông:
Vào năm 1531 một tên đại lưu manh khác với một số người đã có cuộc hành trình đến vương quốc Peru. Với quyết tâm và ý định rõ rệt, hắn bắt tay vào việc bắt chước chiến lược và chiến thuật của các đồng bọn phiêu lưu của hắn ở các phần khác của Thế giới Mới.
Pizzaro đã bắt đầu trên bờ biển cạnh thị trấn Tumbes của Peru và tiến về phía nam. Ngày 15-11-1532, ông đến thị trấn vùng núi Cajarmarca, nơi hoàng đế Inca, Atahualpa, đã cắm trại với quân đội của ngài. Ngày hôm sau, Atahualpa, người vừa thắng anh trai Huáscar của mình trong cuộc tranh đua ai sẽ kế vị người cha mới chết của họ, Huayna Capac, đã cùng đoàn tùy tùng của mình đến nơi những người Tây Ban Nha cắm trại. Atahualpa đã phát cáu bởi vì tin tức về những hành động tàn bạo mà những người Tây Ban Nha đã gây ra, như xúc phạm đền thờ Thần Mặt trời Inti, đã đến với ngài. Những gì đã xảy ra sau đó là điều nhiều người biết. Người Tây Ban Nha đã đặt một cái bẫy và bật bẫy lên. Họ đã giết những người bảo vệ và người hầu của Atahualpa, có lẽ nhiều đến hai ngàn người, và đã bắt giữ ông. Để được tự do, Atahualpa đã hứa chất vàng đầy một phòng và chất bạc đầy thêm hai phòng nữa có cùng kích thước. Ông đã thực hiện việc này, nhưng những người Tây Ban Nha, không giữ lời hứa của họ, đã treo cổ ông vào tháng Bảy 1533. Tháng Mười một năm ấy những người Tây Ban Nha chiếm được thủ đô Inca, Cusco, nơi giới quý tộc Inca đã bị đối xử như Atahualpa đã bị, bị tống giam cho đến khi họ mang vàng và bạc lại. Khi họ không thỏa mãn các đòi hỏi của người Tây Ban Nha, họ bị thiêu sống. Những báu vật nghệ thuật tuyệt vời của Cusco, như Đền thờ Mặt trời, bị lột mất những phần bằng vàng của chúng và vàng được nấu chảy để đúc thành các thỏi.
Tại điểm này những người Tây Ban Nha chú tâm vào người dân của Đế chế Inca. Như ở Mexico, các công dân đã được chia thành các encomienda, với mỗi encomienda được phân cho mỗi kẻ chinh phục người đã đi cùng Pizzaro. Encomienda đã là thể chế chủ yếu được dùng cho việc kiểm soát và tổ chức lao động trong thời gian đầu của thời kỳ thuộc địa, nhưng mau chóng đã đối mặt với một đấu thủ mạnh mẽ. Năm 1545, một người địa phương có tên Diego Gualpa đang tìm một điện thờ bản địa cao ở Andes, trong vùng là Bolivia ngày nay. Một cơn giói mạnh bất ngờ đã hất ông xuống đất và trước mặt ông xuất hiện một nơi trữ quặng bạc. Đấy là một phần của một hòn núi bạc mênh mông, mà những người Tây Ban Nha đã đặt tên là El Cerro Rico, “Núi Giàu”. Xung quanh nó đã mọc lên thành phố Potosí, mà ở đỉnh cao của nó trong năm 1650 đã có số dân 160.000 người, lớn hơn Lisbon hay Venice trong thời kỳ ấy.
Để khai thác bạc, những người Tây Ban Nha cần các thợ mỏ – rất nhiều thợ mỏ. Họ đã phái một phó vương, quan chức chính của thuộc địa Tây Ban Nha, Francisco de Toledo, mà sứ mệnh chính của ông đã là để giải quyết vấn đề lao động. De Toledo, đến Peru năm 1569, đầu tiên đã dùng năm năm du hành khắp nơi và tìm hiểu nhiệm vụ mới của ông. Ông cũng đã giao tiến hành một cuộc điều tra đồ sộ về toàn bộ dân cư trưởng thành. Để tìm được lao động mà ông cần, đầu tiên de Toledo đã di chuyển toàn bộ dân cư bản địa, tập trung họ vào các thị trấn mới được gọi là các reduccion – nghĩa đen là những “sự rút bớt” – mà sẽ tạo thuận lợi cho việc khai thác lao động bởi Quốc vương Tây Ban Nha. Sau đó ông đã phục hồi và phỏng theo một thể chế lao động Inca được gọi là mita, mà, theo ngôn ngữ Inca, Quechua, có nghĩa là “a turn – một phiên”. Dưới hệ thống mita của họ, những người Inca đã sử dụng lao động cưỡng bức để vận hành các đồn điền được trù tính để cung cấp thực phẩm cho các đền thờ, giới quý tộc, và quân đội. Đổi lại, elite đã lo việc cứu trợ nạn đói và an ninh. Mita trong tay de Toledo, đặc biệt mita Potosí, đã trở thành sơ đồ lớn nhất và nặng nề nhất về khai thác lao động trong thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha. De Toledo đã xác định một vùng lưu vực mênh mông, chạy từ giữa của Peru hiện đại và bao gồm hầu hết Bolivia hiện đại. Nó bao phủ một diện tích khoảng hai trăm ngàn dặm vuông. Trong vùng này, một phần bảy cư dân đàn ông, mới đến các reduccion của họ, được yêu cầu làm việc tại các mỏ ở Potosí. Mita Potosí đã tồn tại suốt toàn bộ thời kỳ thuộc địa và đã chỉ bị bãi bỏ vào năm 1825. Bản đồ 1 cho thấy vùng lưu vực của mita được chồng lên khoảng rộng của Đế chế Inca vào thời Tây Ban Nha chinh phục. Nó minh họa mức độ mà mita đã chồng gối lên vùng trung tâm của đế chế, bao gổm thủ đô Cusco.

Đáng chú ý, bạn vẫn thấy di sản của mita ở Peru ngày nay. Hãy xét những sự khác biệt giữa các tỉnh Calca và Acomayo gần đó. Có vẻ có vài sự khác biệt giữa các tỉnh này. Cả hai đều ở trên vùng núi cao, và các hậu duệ, nói tiếng Quechua, của những người Inca sống ở mỗi tỉnh. Thế nhưng, Acomayo thì nghèo hơn nhiều, với các cư dân của nó tiêu thụ khoảng một phần ba ít hơn các cư dân ở Calca. Người dân biết điều này. Ở Acomayo họ hỏi những người nước ngoài can đảm, “Bạn không biết rằng người dân ở đây nghèo hơn người dân ở đó, ở Calca ư? Vì sao bạn lại từng muốn đến đây?” Can đảm bởi vì là khó hơn rất nhiều để đến Acomayo từ thủ đô khu vực Cusco, trung tâm cổ xưa của đế chế Inca, so với đến Calca. Đường đến Calca được tráng lớp mặt, còn đường đến Acomayo thì trong tình trạng hư nát kinh khủng. Để đi quá Acomayo bạn cần một con ngựa hay một con la. Ở Calca và Acomayo người dân trồng cùng loại cây trồng, nhưng ở Calca họ bán chúng ở chợ để lấy tiền. Còn ở Acomayo họ nuôi trồng thực phẩm cho sự tồn tại của riêng họ. Những sự bất bình đẳng này, rõ ràng với con mắt và người dân sống ở đó, có thể được hiểu dưới dạng những khác biệt thể chế giữa các tỉnh này – những sự khác biệt thể chế với gốc rễ quay lại đến de Toledo và kế hoạch khai thác hiệu quả lao động bản địa của ông. Sự khác biệt lịch sử chính giữa Acomayo và Calco là, Acomayo đã ở trong vùng mita Potosí, còn Calca thì không.
Ngoài sự tập trung lao động và mita, de Toledo đã củng cố encomienda thành thuế thân, một khoản cố định bằng bạc mà mỗi người đàn ông trưởng thành phải nộp hàng năm. Đấy đã là một sơ đồ khác được trù tính để buộc người dân vào thị trường lao động và giảm bớt lương [có lợi] cho các địa chủ Tây Ban Nha. Một thể chế khác, repartimiento de mercancias, cũng đã trở nên phổ biến trong nhiệm kỳ của de Toledo. Có xuất xứ từ động từ tiếng Tây Ban Nha repartir, phân chia, repartimiento này, nghĩa đen là “phân phối hàng hóa”, dính dáng đến việc cưỡng bức bán hàng hóa cho những người địa phương với giá do những người Tây Ban Nha quyết định. Cuối cùng, de Toledo đã đưa ra trajin – theo nghĩa đen có nghĩa là “gánh nặng” – mà đã sử dụng những người bản địa để mang vác các hàng hóa nặng, như rượu hay lá coca hay hàng dệt may, như cái thay thế cho bầy động vật, cho những công việc kinh doanh mạo hiểm của elite Tây Ban Nha.
Khắp thế giới thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ, các thể chế và các cấu trúc xã hội tương tự đã nổi lên. Sau giai đoạn ban đầu của sự cướp bóc, và sự thèm khát vàng và bạc, những người Tây Ban Nha đã tạo ra một mạng lưới các thể chế được trù tính để khai thác người dân bản địa. Cung bậc đầy đủ của encomienda, mita, repartimiento, trajin đã được thiết kế để ép mức sống của những người bản địa xuống mức đủ sống qua ngày và như thế moi tất cả thu nhập thặng dư của việc này cho những người Tây Ban Nha. Việc này đã đạt được bằng cách tước đoạt đất của họ, cưỡng bức họ lao động, trả lương thấp cho các dịch vụ lao động của họ, áp đặt các loại thuế cao, tính giá cao cho các hàng hóa đã thậm chí không được mua một cách tự nguyện. Tuy các thể chế này đã tạo ra nhiều của cải cho Quốc vương Tây Ban Nha và đã làm cho những kẻ chinh phục và các hậu duệ của họ rất giàu, chúng cũng đã biến Mỹ Latin thành lục địa bất bình đẳng nhất thế giới và đã làm hao mòn nhiều tiềm năng kinh tế của nó.

… ĐẾN JAMESTOWN
Khi những người Tây Ban Nha bắt đầu cuộc chinh phục châu Mỹ của họ trong các năm 1490, nước Anh còn là một cường quốc nhỏ ở châu Âu, đang phục hồi từ những hệ quả tàn phá của cuộc nội chiến, các cuộc Chiến tranh Hoa Hồng. Nó đã không ở trong trạng thái để tận dụng sự tranh giành cướp bóc và vàng và cơ hội để khai thác những người bản địa của châu Mỹ. Gần một trăm năm sau, vào năm 1588, sự thảm bại may mắn của Armada Tây Ban Nha, một mưu toan của Vua Tây Ban Nha Philip II để xâm lăng Anh, đã gửi làn sóng sốc chính trị khắp châu Âu. Dẫu thắng lợi của Anh đã có may mắn đến đâu, nó cũng đã là một dấu hiệu về sự quả quyết ngày càng tăng của Anh trên biển, điều mà sẽ cho phép họ rốt cuộc tham gia vào việc theo đuổi đế chế thuộc địa.
Như thế đã không phải ngẫu nhiên rằng những người Anh bắt đầu cuộc thuộc địa hóa Bắc Mỹ của họ chính xác vào cùng thời gian đó. Nhưng họ đã là những người đến muộn rồi. Họ đã chọn Bắc Mỹ không phải vì nó hấp dẫn, mà bởi vì đó là tất cả cái sẵn có còn lại. Các phần “đáng mong muốn” của châu Mỹ, nơi dồi dào những người bản địa để khai thác và nơi có các mỏ vàng và bạc, đã bị chiếm mất rồi. Người Anh đã nhận các phần còn thừa. Khi nhà văn nhà nông học Anh thế kỷ mười tám Arthur Young bàn về nơi sản xuất  “các sản phẩm chính” có lời, mà ông hiểu các sản phẩm chính là các hàng hóa nông nghiệp có thể xuất khẩu được, đã lưu ý:
Có vẻ xét trên mọi mặt, rằng việc sản xuất các sản phẩm chính của các thuộc địa của chúng ta giảm về giá trị theo tỷ lệ với khoảng cách của chúng đến mặt trời. Ở các vùng Tây Ấn, mà là các vùng nóng nhất, chúng đạt mức 8l. 12s. 1d. trên đầu người. Trong các vùng lục địa phương nam, đạt mức 5l. 10s. Trong các vùng miền trung, đạt mức 9s. 6½d. Trong các vùng định cư phương bắc, đạt mức 2s. 6d. Tỷ lệ này chắc chắn gợi ý một bài học quan trọng nhất – tránh việc thuộc địa hóa ở các vùng miền bắc.

Mưu toan đầu tiên của người Anh để lập một thuộc địa, tại Roanoke, ở Bắc Carolina, giữa 1585 và 1587, đã hoàn toàn thất bại. Vào năm 1607, họ lại thử lần nữa. Ngay trước khi kết thúc năm 1606, ba tàu, Susan Constant, Godspeed, Discovery, dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Christopher Newport, đã khởi hành đến Virginia. Các nhà thực dân, dưới sự bảo trợ của Công ty Virginia, đã tiến vào Vịnh Chesapeake và ngược lên một con sông mà họ đã gọi là sông James, theo tên Quốc vương Anh đang trị vì, James I. Ngày 14-5-1607, họ đã lập ra khu định cư Jamestown.
Tuy những người định cư trên boong tàu do Công ty Virginia sở hữu đã là những người Anh, họ đã có một mô hình thuộc địa hóa bị ảnh hưởng mạnh bởi mẫu do Cortés, Pizzaro, và de Toledo dựng lên. Kế hoạch đầu tiên của họ đã là đi bắt thủ lĩnh địa phương và sử dụng ông ta như cách để được cung cấp lương thực thực phẩm, và để cưỡng bức dân cư sản xuất thực phẩm và của cải cho họ.
Khi lần đầu tiên đổ bộ lên Jamestown, các thực dân Anh đã không biết rằng họ ở bên trong lãnh thổ được yêu sách bởi Hợp bang Powhatan, một liên minh của khoảng ba mươi chính thể thừa nhận lòng trung thành với một vị vua được gọi là Wahunsunacock. Thủ đô của Wahunsunacock đã là thị trấn Werowocomoco, chỉ cách Jemestown có hai mươi dặm. Kế hoạch của các nhà thực dân đã là tìm hiểu thêm về thế đất [địa hình địa thế và tình hình] ở đây. Nếu không thể xui khiến được những người địa phương để cung cấp thức ăn và lao động, các nhà thuộc địa chí ít có khả năng để trao đổi với họ. Ý niệm rằng bản thân những người định cư sẽ làm việc và nuôi trồng thực phẩm riêng của họ có vẻ đã không thoáng qua đầu óc họ. Đó không phải là việc mà các nhà chinh phục Thế giới Mới đã làm.
Wahunsunacock mau chóng nhận thức được về sự hiện diện của các nhà thuộc địa và đã xem xét các ý định của họ với sự nghi ngờ lớn. Ông đã chịu trách nhiệm về cái đối với Bắc Mỹ quả thực là một đế chế rất rộng. Nhưng ông đã có nhiều kẻ thù và thiếu sự tập trung chính trị áp đảo của những người Inca. Wahunsunacock đã quyết định để thăm dò xem ý định của những người Anh là gì, ban đầu gửi những người đưa tin nói rằng ông muốn có quan hệ hữu hảo với họ.
Khi mùa đông năm 1607 khép lại, những người định cư ở Jamestown bắt đầu cạn kiệt thức ăn, và người lãnh đạo được chỉ định của hội đồng cai trị thuộc địa, Edward Marie Wingfield, đã chần chừ lưỡng lự. Tình hình đã được Đại úy John Smith cứu vớt. Smith, mà các bài viết của ông đã cung cấp một trong những nguồn thông tin chính của chúng ta về sự phát triển ban đầu của thuộc địa, là một nhân vật rất ấn tượng. Sinh ra ở Anh, tại vùng nông thôn Lincolnshire, ông đã coi thường các mong muốn của cha mình đối với ông để đi kinh doanh và thay vào đó đã trở thành một người lính gặp may. Đầu tiên ông đã chiến đấu với quân đội Anh ở Hà Lan, sau đó ông gia nhập lực lượng Áo phục vụ ở Hungary chiến đấu chống quân đội của Đế chế Ottoman. Bị bắt ở Rumani, ông đã bị bán như nô lệ và bị đưa đi làm như một người phụ việc ngoài đồng. Một ngày ông đã tìm được cách thắng ông chủ của mình, ăn trộm quần áo và ngựa của ông chủ, trốn trở lại lãnh thổ Áo. Smith đã chuốc lấy rắc rối cho mình trên hành trình đến Virginia và đã bị nhốt trên tàu Susan Constant vì sự nổi loạn coi thường mệnh lệnh của Wingfield. Khi tàu đến Thế giới Mới, kế hoạch đã là đưa ông ra xử. Trước sự vô cùng kinh tởm của Wingfield, Newort, và các nhà thuộc địa elite khác, tuy vậy, khi họ mở các lệnh được niêm phong gắn xi của họ, họ đã phát hiện ra rằng Công ty Virginia đã bổ nhiệm Smith làm một thành viên của hội đồng cai trị để cai quản Jamestown.
Với Newport lái tàu quay lại Anh lấy hàng cung ứng và nhiều nhà thuộc địa hơn, và Wingfield không chắc chắn về phải làm gì, chính Smith đã là người cứu thuộc địa. Ông đã khởi xướng một loạt chuyến buôn mà đã đảm bảo sự cung ứng thực phẩm trọng yếu. Trong một trong các chuyến này ông đã bị Opechancanough, một trong những người em của Wahunsunacock, bắt và bị đưa về trước mặt nhà vua ở Werowocomoco. Ông đã là người Anh đầu tiên gặp Wahunsunacock, và chính đã là tại cuộc gặp gỡ ban đầu này mà theo một số tường thuật cuộc sống của Smith đã được cứu chỉ do sự can thiệp của Pocahontas, em gái của Wahunsunacock. Được trả tự do ngày 2-1-1608, Smith đã quay lại Jamestown, mà vẫn cạn kiệt thực phẩm ở mức nguy hiểm, cho đến sự quay trở lại kịp thời của Newport từ nước Anh muộn hơn cùng ngày hôm đó.
Các nhà thuộc địa của Jamestown đã học được ít từ kinh nghiệm ban đầu này. Khi năm 1608 tiếp diễn, họ tiếp tục tìm vàng và kim loại quý của mình. Họ vẫn có vẻ chưa hiểu rằng để tồn tại, họ không thể dựa vào những người địa phương để cho họ ăn thông qua hoặc sự cưỡng bức hay sự buôn bán. Chính Smith là người đầu tiên đã nhận ra rằng mô hình thuộc địa hóa mà đã hoạt động rất tốt cho Cortés và Pizzaro đơn giản sẽ không hoạt động ở Bắc Mỹ. Hoàn cảnh cơ bản thật khác nhau. Smith đã lưu ý thấy, không giống những người Aztec và Inca, người dân ở Virginia đã không có vàng. Thật vậy, ông ghi chép trong nhật ký của mình, “Bạn phải biết thực phẩm là tất cả tài sản của họ”. Anas Todkill, một trong những người định cư ban đầu người đã để lại một nhật ký rộng lớn, đã bày tỏ rõ những thất vọng của Smith và vài người khác mà dựa vào đó sự thừa nhận này trở nên rõ ràng hơn:
“Đã không có trò chuyện, không có hy vọng, không có công việc, trừ đào vàng, tinh chế vàng, chất vàng”.
 Khi Newport lái tàu về nước Anh tháng Tư năm 1608 ông đã chở chuyến hàng pyrite, vàng của thằng ngốc. Ông đã quay lại vào cuối tháng Chín với các mệnh lệnh của Công ty Virginia để giữ sự kiểm soát chặt hơn đối với những người địa phương. Kế hoạch của họ đã là phong vương cho Wahunsunacock, hy vọng rằng việc này sẽ làm cho ông ta phụ thuộc vào vua Anh James I. Họ đã mời ông đến Jamestown, nhưng Wahunsunacock, vẫn nghi ngờ các nhà thuộc địa một cách sâu sắc, đã không có ý định chịu rủi ro bị bắt. John Smith đã ghi lại trả lời của Wahunsunacock: “Nếu đức Vua của các ngươi gửi quà cho trẫm, trẫm cũng là một vị Vua, và đây là đất của trẫm … Cha của các ngươi phải đến chỗ trẫm, không phải trẫm đến chỗ ông ta, chẳng đến pháo đài của các ngươi, mà trẫm cũng sẽ không cắn một cái mồi như vậy”.
Nếu Wahunsunacock không “cắn mồi như vậy”, thì Newport và Smith sẽ phải đi đến Werowocomoco để tiến hành việc phong vương. Toàn bộ sự kiện có vẻ đã là một sự thất bại hoàn toàn với thứ duy nhất lộ ra từ đó, một quyết tâm từ phía Wahunsunacock rằng đó là lúc thoát khỏi thuộc địa. Ông đã áp đặt một sự cấm vận thương mại. Jamestown sẽ không còn có thể trao đổi lấy hàng cung ứng. Wahunsunacock sẽ làm họ chết đói.
Newport căng buồm một lần nữa về Anh, vào tháng 12-1608. Ông đã mang theo mình một lá thư do Smith viết cầu xin các giám đốc của Công ty Virginia thay đổi cách nghĩ của họ về thuộc địa. Đã không có khả năng về một sự khai thác trở-nên-giàu-nhanh của Virginia theo đường lối của Mexico và Peru. Đã không có vàng hay kim loại quý, và đã không thể cưỡng bức người dân bản địa để làm việc hay để cung cấp thực phẩm. Smith đã nhận ra rằng nếu muốn có một thuộc địa có thể đứng vững được, thì chính các nhà thuộc địa là những người phải làm việc. Vì thế ông đã cầu xin các giám đốc gửi những loại người phù hợp: “Khi các ngài gửi lần nữa tôi van xin các ngài hãy gửi khoảng ba mươi thợ mộc, cặp vợ chồng, những người làm vườn, những người đánh cá, các thợ rèn, các thợ nề, và những người đào cây, rễ cây, được chu cấp tốt, rồi cả ngàn người như thế khi chúng ta có.”
Smith đã không muốn các thợ kim hoàn vô dụng nữa. Một lần nữa Jamestown đã sống sót chỉ bởi vì tài tháo vát của ông. Ông đã tìm được cách để tán tỉnh và bắt nạt các nhóm bản địa địa phương để trao đổi với ông, và khi chúng không thể, ông đã làm cái ông có thể. Phía sau ở khu định cư, Smith đã hoàn toàn chịu trách nhiệm và đã áp đặt quy tắc rằng “ai không làm thì đừng ăn”. Jemestown đã sống sót qua mùa đông thứ hai.
Công ty Virginia dự định là một doanh nghiệp làm ra tiền, và sau hai năm thảm hại, đã chẳng thấy tăm hơi nào của lợi nhuận. Các giám đốc của công ty đã quyết định rằng họ cần một mô hình quản trị mới, thay thế hội đồng cai trị bằng một thống đốc duy nhất, Người đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ này đã là Sir Thomas Gates. Lưu ý đến một số khía cạnh của sự cảnh báo của Smith, công ty đã nhận ra rằng họ phải thử cái gì đó mới. Sự nhận thức này đã được hiểu rõ bởi những sự kiện của mùa đông 1609/1610 – bởi cái gọi là “thời chết đói”. Cách thức quản trị mới đã không có chỗ cho Smith, người bực bội, đã trở về Anh vào mùa thu năm 1609. Không có tài xoay xở của ông và với Wahunsunacock bóp nghẹt việc cung cấp thực phẩm, các nhà thuộc địa của Jamestown đã chết. Trong số năm trăm người đã bước vào mùa đông, chỉ sáu mươi người còn sống vào tháng Ba. Tình hình đã tuyệt vọng đến mức họ đã phải quay sang ăn thịt người.
“Cái gì đó mới” mà đã được áp đặt lên thuộc địa bởi Gates và người phó của ông, Sir Thomas Dale, đã là một chế độ lao động nghiêm ngặt hà khắc đối với những người định cư Anh – tuy tất nhiên không phải đối với elite vận hành thuộc địa. Chính Dale là người đã truyền bá “Luật Thánh thần, Luân lý và Quân sự”. Luật này bao gồm các điều khoản:


Không đàn ông hay đàn bà nào được chạy từ thuộc địa sang những người Indian, bị tội chết.
Bất cứ ai cướp một vườn, tư hay công, hay một vườn nho, hay người ăn cắp các bắp ngô sẽ bị phạt tội chết.
Không thành viên nào của thuộc địa sẽ bán hay cho bất cứ hàng hóa nào của nước này cho một thuyền trưởng, thủy thủ, ông chủ hay thủy thủ để chở khỏi thuộc địa, cho việc sử dụng riêng của anh ta, bị tội chết.
Nếu những người bản địa không được khai thác, Công ty Virginia lý luận, có lẽ các nhà thuộc địa có thể. Mô hình mới về phát triển thuộc địa đòi hỏi Công ty Virginia làm chủ toàn bộ đất. Đàn ông phải ở trong các doanh trại, và được cấp khẩu phần do công ty quyết định. Các đội làm việc được lựa chọn, mỗi đội được giám sát bởi một đại diện của công ty. Nó đã gần với thiết quân luật, với việc hành hình như sự trừng phạt dùng đến đầu tiên. Như một phần của các thể chế mới cho thuộc địa, điều đầu tiên vừa được trích là quan trọng. Công ty đe dọa giết những người bỏ đi. Căn cứ vào chế độ lao động mới, bỏ đi để sống với những người địa phương đã trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn cho các nhà thuộc địa phải làm việc. Căn cứ vào mật độ thấp của dân cư bản địa ở Virginia thời đó, cũng đã có triển vọng để bỏ đi một mình ra vùng biên cương ngoài tầm kiểm soát của Công ty Virginia. Quyền lực của công ty là hạn chế khi đối mặt với các lựa chọn này. Nó đã không thể cưỡng bức những người định cư Anh làm việc nặng nhọc với mức khẩu phần đủ sống.
Bản đồ 2 cho thấy một ước tính mật độ dân số của các vùng khác nhau của châu Mỹ vào thời Tây Ban Nha chinh phục. Mật độ dân số của Hoa Kỳ, ngoài vài ổ, nhiều nhất đã là ba phần tư người trên một dặm vuông. Ở trung tâm Mexico hay Peru vùng Andes, mật độ dân số cao ở mức bốn trăm người trên một dặm vuông, cao hơn năm trăm lần. Những gì có thể ở Mexico hay Peru đã là không khả thi ở Virginia.
Công ty Virginia đã cần một ít thời gian để nhận ra rằng mô hình ban đầu của nó về thuộc địa hóa đã không hoạt động ở Virginia, và cũng cần một ít thời gian nữa để thấu hiểu sự thất bại của “Luật Thánh thần, Luân lý và Quân sự”. Bắt đầu trong năm 1618, một chiến lược hết sức mới đã được chấp nhận. Vì đã không thể cưỡng bức những người địa phương cũng chẳng thể cưỡng bức những người định cư, lựa chọn khả dĩ duy nhất đã là khuyến khích những người định cư. Năm 1618 công ty bắt đầu “hệ thống quyền đầu người – headright system”, cấp cho mỗi người đàn ông định cư năm mươi mẫu đất [một mẫu Anh, acre, bằng khoảng 4.050 m2] và thêm năm mươi mẫu cho mỗi thành viên gia đình của ông ta và cho tất cả các đầy tớ mà gia đình có thể mang sang Virginia. Những người định cư được cho nhà ở và được giải phóng khỏi các hợp đồng, và năm 1619 một Đại Hội đồng (General Assembly) được đặt ra mà trên thực tế đã cho tất cả những người đàn ông trưởng thành quyền quyết định về các luật và các thể chế cai trị thuộc địa. Nó đã là khởi đầu của nền dân chủ ở Hoa Kỳ.
Công ty Virginia đã cần đến mười hai năm để học bài học đầu tiên của mình rằng những gì đã hoạt động cho người Tây Ban Nha ở Mexico và ở Trung và Nam Mỹ sẽ không hoạt động ở miền bắc. Phần còn lại của thế kỷ thứ mười bảy đã trải qua một chuỗi dài các cuộc đấu tranh về bài học thứ hai: lựa chọn duy nhất cho một thuộc địa có thể đứng vững về mặt kinh tế đã là tạo ra các thể chế khuyến khích các nhà thuộc địa đầu tư và làm việc cần cù.
Trong khi mà Bắc Mỹ phát triển, các elite Anh hết lần này đến lần khác đã thử dựng lên các thể chế mà chúng hạn chế nặng nề đến các quyền kinh tế và chính trị của tất cả mọi người trừ một số ít có đặc quyền trong dân cư của thuộc địa, hệt như những người Tây Ban Nha đã làm. Thế nhưng trong mỗi trường hợp mô hình này đã sụp đổ, như nó đã thất bại ở Virginia.
Một trong những nỗ lực tham vọng nhất đã bắt đầu không lâu sau sự thay đổi chiến lược của Công ty Virginia. Năm 1632 mười triệu mẫu đất ở phần trên vùng Vịnh Cheasapeake đã được vua Anh Charles I ban cho Cecilius Calbert, Lord Baltimore. Hiến chương của Maryland đã trao cho Lord Baltimore quyền tự do hoàn toàn để lập ra một chính phủ theo bất cứ đường lối nào ông muốn, với điều VI lưu ý rằng Baltimore đã có “Quyền lực tự do, đầy đủ, và tuyệt đối, theo ý nghĩa tổng quát của các Tặng phẩm này, để Quy định, Làm, và Ban hành các Đạo Luật, thuộc bất cứ Loại nào, cho Chính phủ có đức hạnh và tốt phúc của Tỉnh được nói đến này”.
Baltimore đã thảo một kế hoạch chi tiết để tạo ra một xã hội thái ấp, một biến thể Bắc Mỹ của một phiên bản được lý tưởng hóa của nước Anh thôn quê thế kỷ mười bảy. Nó đòi hỏi việc chia đất thành các lô hàng ngàn mẫu, mà sẽ được các lord (chúa) vận hành. Các chúa sẽ tuyển mộ những người thuê, những người sẽ canh tác đất và nộp tô (tiền thuê) cho elite có đặc quyền và đang kiểm soát đất. Một nỗ lực tương tự đã được đưa ra muộn hơn trong năm 1663, với việc thành lập Carolina bởi tám chủ sở hữu, kể cả Sir Anthony Ashley-Cooper. Ashley-Cooper cùng với thư ký của mình, nhà triết học Anh vĩ đại John Locke, đã trình bày Hiến pháp Cơ bản của Carolina. Tài liệu này, giống Hiến chương Maryland trước nó, đã cung cấp một kế hoạch chi tiết cho một xã hội tinh hoa chủ nghĩa, có thứ bậc dựa trên sự kiểm soát bởi một elite có nhiều đất đai. Lời mở đầu ghi rằng “chính phủ của tỉnh này có thể trở nên thích hợp nhất với nền quân chủ mà dưới đó chúng ta sống mà tỉnh này là một phần; và rằng chúng ta có thể tránh được việc dựng lên một nền dân chủ đông đảo”.
Các điều khoản của Hiến pháp Cơ bản đặt ra một cấu trúc xã hội cứng nhắc. Ở dưới cùng là “những người-leet” (leet-men), với điều khoản 23 ghi, “Tất cả con của những người leet sẽ là những người leet, và cứ như thế cho mọi thế hệ”. Trên những người leet, những người không có quyền chính trị nào, là các lãnh chúa (landgrave) và các tộc trưởng (cazique), những người tạo thành giới quý tộc. Mỗi lãnh chúa được phân cho bốn mươi tám ngàn mẫu, mỗi tộc trưởng được hai mươi bốn ngàn mẫu. Đã có một quốc hội đại diện cho các lãnh chúa và tộc trưởng, nhưng nó sẽ được phép để tranh luận chỉ các biện pháp mà đã được tám chủ sở hữu chấp thuận trước.
Hệt như nỗ lực áp đặt các quy tắc hà khắc ở Virginia đã thất bại, các kế hoạch cho cùng loại các thể chế ở Maryland và Carolina cũng thế. Các lý do là giống nhau. Trong mọi trường hợp đã chứng tỏ là không thể ép buộc những người định cư vào một xã hội có thứ bậc cứng nhắc, bởi vì đơn giản đã có quá nhiều lựa chọn mở ra cho họ ở Thế giới Mới. Thay vào đó, phải cung cấp cho họ các khuyến khích để họ muốn làm việc. Và chẳng bao lâu họ đã đòi nhiều quyền tự do kinh tế hơn và thêm các quyền chính trị nữa. Cả ở Maryland nữa, những người định cư khăng khăng đòi có được đất riêng của họ, và họ đã buộc Lord Baltimore vào việc tạo ra một hội đồng. Vào năm 1691, hội đồng đã xui khiến vua tuyên bố Maryland là một thuộc địa thuộc Quốc vương [Crown colony, nên chưa được độc lập], như thế loại bỏ các đặc quyền chính trị của Baltimore và các đại lãnh chúa của ông. Một cuộc chiến đấu kéo dài tương tự đã xảy ra ở Carolina, lại lần nữa với các chủ sở hữu bị thua. Nam Carolina trở thành thuộc địa hoàng gia vào năm 1729.
Vào các năm 1720, tất cả mười ba thuộc địa của cái sẽ trở thành Hoa Kỳ đã có các cấu trúc chính phủ giống nhau. Trong mọi trường hợp đã có một thống đốc, và một hội đồng dựa vào quyền bầu cử của những người đàn ông chủ tài sản. Chúng đã chưa phải là các nền dân chủ; phụ nữ, nô lệ, và những người không có tài sản đã không được bỏ phiếu. Nhưng các quyền chính trị đã là rất rộng so với các xã hội đương thời ở nơi khác. Chính các hội đồng này và các nhà lãnh đạo của chúng là cái đã hợp lại để hình thành Quốc hội Lục địa Đầu tiên (First Continental Congress) vào năm 1774, khúc dạo đầu cho sự độc lập của Hoa Kỳ. Các hội đồng đã tin họ có quyền để quyết định cả tư cách thành viên riêng của họ lẫn quyền đánh thuế. Điều này, như chúng ta biết, gây ra các vấn đề đối với chính phủ thuộc địa Anh.

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HIẾN PHÁP
Bây giờ phải là rõ ràng, rằng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ, chứ không phải Mexico, đã thông qua và thực thi một hiến pháp tán thành các nguyên tắc dân chủ, tạo ra các hạn chế về việc sử dụng quyền lực chính trị, và phân phối quyền lực đó một cách rộng rãi trong xã hội. Văn kiện mà các đại biểu đã ngồi xuống để viết ở Philadelphia năm 1787 đã là kết quả của một quá trình dài được khởi đầu bằng sự hình thành của Đại Hội đồng ở Jamestown năm 1619.
Sự tương phản giữa quá trình lập hiến xảy ra vào thời độc lập của Hoa Kỳ và quá trình xảy ra sau đó một chút ở Mexico lộ rõ hẳn ra. Trong tháng Hai 1808, quân đội Pháp của Napoleon Bonaparte đã xâm lăng Tây Ban Nha. Vào tháng Năm họ đã lấy được Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Vào tháng Chín vua Tây Ban Nha Ferdinal đã bị bắt và đã thoái vị. Một junta (hội đồng hành chính) quốc gia, Junta Trung ương, đã thế chỗ ông, cầm ngọn đuốc trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Junta họp lần đầu tiên tại Aranjuez, nhưng đã rút lui xuống phía nam trước quân đội Pháp. Cuối cùng nó đã đến cảng Cádiz, mà, tuy bị các lực lượng Napoleonic bao vây, vẫn đã đứng vững. Ở đây Junta đã thành lập một quốc hội, được gọi là Cortes. Năm 1812 Cortes đã tạo ra cái được biết đến như Hiến pháp Cádiz, mà nó kêu gọi việc lập ra một nền quân chủ lập hiến dựa trên những quan niệm của chủ quyền nhân dân. Nó cũng đã kêu gọi chấm dứt các đặc quyền và đưa vào sự bình đẳng trước pháp luật. Elite của Nam Mỹ, những người vẫn cai trị trong một môi trường, do encomienda, lao động cưỡng bức, và quyền lực tuyệt đối được ban cho họ và nhà nước thuộc địa định hình, đã ghét cay ghét đắng những đòi hỏi này.
Sự sụp đổ của nhà nước Tây Ban Nha với sự xâm lược Napoleon đã tạo ra một khủng hoảng hiến pháp trên khắp Mỹ Latin thuộc địa. Đã có tranh luận nhiều về liệu có thừa nhận thẩm quyền của Junta Trung ương hay không, và đáp lại, nhiều người Mỹ Latin đã bắt đầu thành lập các junta riêng của họ. Đã chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ bắt đầu ý thức được khả năng trở thành thực sự độc lập với Tây Ban Nha. Tuyên bố độc lập đầu tiên đã xảy ra ở La Paz, Bolivia, năm 1809, tuy nó đã nhanh chóng bị nghiền nát bởi binh lính Tây Ban Nha được gửi từ Peru sang. Tại Mexico thái độ chính trị của elite đã được định hình bởi cuộc Nổi loạn Hidalgo năm 1810, được lãnh đạo bởi một linh mục, Cha Miguel Hidalgo. Khi quân đội của Hidalgo cướp phá Guanajuato ngày 23 tháng Chín, họ đã giết quản đốc, quan chức thuộc địa cấp cao, và sau đó đã bắt đầu giết những người gia trắng một cách không phân biệt. Nó đã giống một cuộc chiến tranh giai cấp hay sắc tộc hơn là một phong trào độc lập, và nó đã hiệp nhất tất cả elite trong phe đối lập. Nếu sự độc lập cho phép sự tham gia của nhân dân vào chính trị, elite địa phương, không chỉ những người Tây Ban Nha, đã chống lại nó. Hệ quả là, elite Mexico đã xem xét Hiến pháp Cádiz, mà đã mở đường cho sự tham gia của nhân dân, với sự ngờ vực cực kỳ; họ sẽ chẳng bao giờ công nhận tính hợp pháp của nó.
Năm 1815, khi đế chế Âu châu của Napoleon sụp đổ, Vua Ferdinand VII quay lại nắm quyền và Hiến pháp Cádiz đã bị bãi bỏ. Khi Quốc Vương Tây Ban Nha bắt đầu thử đòi lại các thuộc địa Mỹ của nó, nó đã không gặp khó khăn với Mexico trung thành. Thế nhưng, năm 1820, một đội quân Tây Ban Nha đã tụ tập ở Cádiz để đi tàu sang châu Mỹ giúp khôi phục lại thẩm quyền Tây Ban Nha đã nổi loạn chống Ferdinand VII. Các lực lượng quân đội khắp nước đã gia nhập với họ, và Ferdinand đã buộc phải khôi phục Hiến pháp Cádiz và triệu tập lại Cortes. Cortes này thậm chí còn cấp tiến hơn Cortes đã soạn ra Hiến pháp Cádiz, và nó đã đề xuất xóa bỏ mọi hình thức cưỡng bức lao động. Nó cũng đã tấn công các đặc quyền đặc biệt – thí dụ, quyền của quân đội để được xử các tội hình sự tại các tòa án riêng của họ. Đối mặt cuối cùng với sự áp đặt văn kiện này ở Mexico, elite ở đó đã quyết định rằng tốt hơn nếu nó đi một mình và tuyên bố độc lập.
Phong trào độc lập này đã được lãnh đạo bởi Augustín de Iturbide, người đã là một sỹ quan trong quân đội Tây Ban Nha. Ngày 24-2-1821, ông công bố Plan de Iguala (Kế hoạch Iguala), tầm nhìn của ông cho một Mexico độc lập. Kế hoạch đã đề cao một nền quân chủ lập hiến với một hoàng đế Mexic, và đã loại bỏ các quy định của Hiến pháp Cádiz mà elite Mexic thấy rất đe dọa đến địa vị và các đặc quyền của họ. Nó đã nhận được sự ủng hộ tức thời, và Tây Ban Nha đã nhanh chóng nhận ra rằng nó không thể ngăn cái không thể tránh khỏi. Nhưng Iturbide đã không chỉ tổ chức sự ly khai Mexic. Nhận ra chân không quyền lực, ông đã nhanh chóng tận dụng sự ủng hộ của quân đội, ông đã tự tuyên bố mình là hoàng đế, một vị trí mà nhà lãnh đạo vĩ đại của nền độc lập Nam Mỹ, Simón Bolivar, đã mô tả như “nhờ ân sủng của Chúa và của lưỡi lê”. Iturbide đã không bị ràng buộc bởi cùng các thể chế chính trị mà các tổng thống Hoa Kỳ bị hạn chế; ông đã nhanh chóng biến mình thành một kẻ độc tài, và vào tháng Mười 1822, ông đã giải tán quốc hội được phê chuẩn một cách hợp hiến và đã thay thế nó bằng một junta do ông chọn. Tuy [triều đại] Iturbide đã không kéo dài, nhưng hình mẫu này của các sự kiện đã lặp đi lặp lại ở Mexico thế kỷ thứ mười chín.
Hiến pháp Hoa Kỳ đã không tạo ra một nền dân chủ theo các tiêu chuẩn hiện đại. Ai có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đã được để cho từng bang quyết định. Trong khi các bang miền bắc đã nhanh chóng thừa nhận quyền bỏ phiếu của tất cả những đàn ông da trắng bất kể họ nhận được bao nhiêu thu nhập hay có bao nhiêu tài sản, còn các bang miền nam đã chỉ làm vậy một cách từ từ. Không bang nào đã trao quyền bầu cử cho phụ nữ hay các nô lệ, và khi những hạn chế về tài sản và của cải đã được bãi bỏ đối với đàn ông gia trắng, việc tước quyền bầu cử của các đàn ông da đen đã được đưa vào một cách tường minh. Chế độ nô lệ, tất nhiên, đã được coi là hợp hiến khi Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn ở Philadelphia, và sự thương lượng đê tiện nhất đã liên quan đến việc phân chia các ghế trong Hạ viện giữa các bang. Các ghế này được phân bổ trên cơ sở dân số của mỗi bang, nhưng các đại biểu quốc hội của các bang miền nam khi đó đã đòi hỏi rằng các nô lệ phải được tính. Những người miền bắc đã phản đối. Sự thỏa hiệp đã là trong chia phần các ghế Hạ viện, một nô lệ sẽ được tính như ba phần năm của một người tự do. Các xung đột giữa miền Bắc và miền Nam của Hoa Kỳ đã được kiềm chế trong quá trình lập hiến vì quy tắc ba phần năm và những thỏa hiệp khác đã được nghĩ ra. Những sang sửa mới được thêm vào theo thời gian – thí dụ, Thỏa hiệp Missouri, một dàn xếp nơi một bang ủng hộ chế độ nô lệ và một bang phản đối chế độ nô lệ đã luôn luôn được cộng thêm vào toàn liên bang, để giữ sự cân bằng trong Thượng viện gữa các bang ủng hộ và chống đối chế độ nô lệ. Những chuyện vớ vẩn này đã giữ các thể chế chính trị của Hoa Kỳ hoạt động một cách yên bình cho đến khi Nội Chiến cuối cùng đã giải quyết các xung đột theo cách có lợi cho miền Bắc.
Nội Chiến đã đẫm máu và tàn phá. Nhưng cả trước và sau chiến tranh đã có nhiều cơ hội kinh tế cho một phần lớn dân số, đặc biệt ở miền bắc và miền tây Hoa Kỳ. Tình hình ở Mexico đã rất khác. Nếu Hoa Kỳ đã trải qua năm năm bất ổn chính trị giữa 1860 và 1865, thì Mexico đã trải nghiệm sự bất ổn hầu như không ngừng suốt năm mươi năm đầu của sự độc lập. Việc này được minh họa khéo nhất qua sự nghiệp của Antonio Lospez de Santa Ana.
Santa Ana, con của một quan chức thuộc địa ở Veracruz, trở nên nổi bật như một người lính chiến đấu cho Tây Ban Nha trong các cuộc chiến tranh độc lập. Năm 1821, ông đã chuyển sang phía Iturbide và đã không bao giờ nhìn lại. Ông đã trở thành tổng thống Mexico lần đầu tiên vào tháng Năm 1833, tuy ông thực hiện quyền lực ít hơn một tháng, thích để cho Valentín Gómez Farías hành động với tư cách tổng thống hơn. Nhiệm kỳ tổng thống của Gómez Farías kéo dài mười lăm ngày, sau đó Santa Ana nắm lại quyền lực. Tuy nhiên, đấy đã ngắn như phiên đầu tiên của ông, và ông đã lại bị Gómez Farías thay thế, vào đầu tháng Bảy. Santa Ana và Gómez Farías đã tiếp tục điệu nhảy này cho đến giữa 1835, khi Santa Ana bị Miguel Barragán thay thế. Nhưng Santa Ana đã không là một kẻ bỏ cuộc. Ông đã quay lại làm tổng thống trong các năm 1839, 1841, 1844, 1847, và, cuối cùng, giữa 1853 và 1855. Tổng cộng, ông đã là tổng thống mười một lần, trong đó ông đã chịu trách nhiệm về việc để mất Alamo và Texas và chiến tranh Mexic-Mỹ tai hại, mà đã dẫn đến việc để mất cái trở thành New Mexico và Arizona. Giữa 1824 và 1867 đã có năm mươi hai tổng thống ở Mexico, vài trong số đó đã nắm quyền theo thủ tục đã được phê chuẩn một cách hợp hiến.
Hậu quả của sự bất ổn chính trị chưa từng có này đối với các thể chế và các khuyến khích kinh tế phải là rõ ràng. Sự bất ổn như vậy đã dẫn đến các quyền tài sản hết sức không chắc chắn. Nó cũng đã dẫn đến một sự suy yếu nghiêm trọng của nhà nước Mexic, mà bây giờ đã có ít thẩm quyền và ít khả năng để thu thuế hay cung cấp các dịch vụ công. Thực vậy, mặc dù Santa Ana đã là tổng thống ở Mexico, nhiều phần rộng lớn của nước này đã không nằm dưới sự kiểm soát của ông, mà đã cho phép việc sáp nhập Texas bởi Hoa Kỳ. Ngoài ra, như chúng ta vừa thấy, động cơ nằm đằng sau sự tuyên bố độc lập Mexic đã là để bảo vệ tập các thể chế kinh tế đã được phát triển trong thời kỳ thuộc địa, mà đã biến Mexico, theo lời của nhà khám phá và nhà địa lý Đức vĩ đại về Mỹ Latin, Alexander von Humbolt, trở thành “nước của sự bất bình đẳng”. Các thể chế này, do đặt cơ sở xã hội trên sự khai thác người dân bản địa và tạo ra các độc quyền, đã ngăn chặn các khuyến khích kinh tế và các sáng kiến của quảng đại quần chúng nhân dân. Trong khi Hoa Kỳ đã bắt đầu trải nghiệm Cách mạng Công nghiệp trong nửa đầu của thế kỷ thứ mười chín, thì Mexico đã trở nên nghèo hơn.

CÓ MỘT Ý TƯỞNG, KHỞI ĐỘNG MỘT HÃNG, VÀ NHẬN ĐƯỢC MỘT KHOẢN VAY
Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu ở nước Anh. Thành công đầu tiên của nó đã là cách mạng hóa sản xuất quần áo vải bông bằng cách sử dụng các máy mới được cung cấp lực bởi các bánh xe nước và muộn hơn bởi các động cơ hơi nước. Cơ giới hóa việc sản xuất vải bông đã làm tăng rất nhiều năng suất của những người lao động, đầu tiên trong ngành dệt may, và sau đó trong các ngành khác. Động cơ của những đột phá công nghệ trong khắp nền kinh tế là sự đổi mới sáng tạo (innovation), với mũi xung kích của các doanh nhân và các nhà kinh doanh mới háo hức áp dụng các ý tưởng mới của họ. Sự nở hoa ban đầu này đã nhanh chóng lan qua Bắc Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ. Người dân đã thấy các cơ hội kinh tế to lớn sẵn có trong thích nghi các công nghệ mới được phát triển ở Anh. Họ cũng được truyền cảm hứng để phát triển các sáng chế riêng của mình.
Chúng ta có thể thử để hiểu bản chất của các sáng chế này bằng cách ngó xem ai đã được cấp bằng sáng chế. Hệ thống bằng sáng chế, mà bảo vệ các quyền tài sản trong các ý tưởng, đã được hệ thống hóa trong Đạo luật về các Độc quyền được xây dựng và ban hành bởi Quốc hội Anh năm 1623, một phần như một nỗ lực để ngăn chặn nhà vua khỏi ban một cách tùy tiện “các thư bằng sáng chế” cho ai mà ngài muốn – trên thực tế cấp các quyền độc quyền để thực hiện các hoạt động hay các công việc kinh doanh nhất định. Điều nổi bật về bằng chứng cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ là, những người được cấp bằng sáng chế đến từ mọi loại xuất thân, mọi loại bối cảnh và mọi ngành nghề, chứ không chỉ là những người giàu và ưu tú. Nhiều người đã kiếm được bộn tiền hay trở nên giàu có dựa vào các bằng sáng chế của mình. Hãy xét Thomas Edison, người sáng chế ra đĩa ghi âm, bóng đèn điện và người sáng lập ra General Electric, vẫn là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Edison đã là người con út trong bảy người con. Cha ông, Samuel Edison, đã theo nhiều nghề, từ tách các tấm ván làm ngói gỗ lợp nhà đến làm thợ may đến cai quản một quán rượu. Thomas đã ít được học chính thống ở trường nhưng đã được học tại nhà nhờ mẹ ông.
Giữa 1820 và 1845, chỉ có 19 phần trăm những người được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ đã có cha mẹ là các nhà chuyên nghiệp hay từ các gia đình chủ đất lớn có thể nhận ra được. Trong cùng thời kỳ, 40 phần trăm những người đã được cấp bằng sáng chế chỉ đã học tiểu học hay ít hơn, đúng như Edison. Hơn nữa, họ thường khai thác bằng sáng chế của mình bằng cách thành lập một hãng, lại giống như Edison. Hệt như Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ mười chín về mặt chính trị đã là dân chủ hơn hầu như bất cứ quốc gia khác nào trên thế giới vào thời đó, nó cũng đã dân chủ hơn các nước khác khi nói về đổi mới sáng tạo. Điều này là cốt yếu cho con đường của nó để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo nhất về mặt kinh tế trên thế giới.
Nếu bạn nghèo với một ý tưởng hay, thì một việc là lấy một bằng sáng chế, mà, rốt cuộc, cũng không tốn kém lắm. Là chuyện hoàn toàn khác để dùng bằng sáng chế đó để kiếm tiền. Một cách, tất nhiên, là bán bằng sáng chế cho ai đó khác. Đấy là cách Edison đã làm lúc đầu, để huy động một ít vốn, khi ông bán [bằng sáng chế về] máy điện tín Quadruplex cho Western Union lấy 10.000 USD. Nhưng bán các bằng sáng chế là một ý tưởng hay chỉ cho ai đó giống Edison, người đã có các ý tưởng nhanh hơn ông có thể đưa chúng vào thực tế. (Ông đã có một kỷ lục thế giới 1.093 bằng sáng chế đã được cấp cho ông ở Hoa Kỳ, và 1.500 trên toàn thế giới). Cách thực sự để kiếm tiền từ một bằng sáng chế là lập doanh nghiệp riêng của bạn. Nhưng để khởi động một doanh nghiệp, bạn cần vốn, và bạn cần các ngân hàng cho bạn vay vốn.
Các nhà sáng chế ở Hoa Kỳ một lần nữa lại gặp may. Trong thế kỷ thứ mười chín đã có sự mở rộng nhanh của trung gian tài chính và hoạt động ngân hàng mà đã là một nhân tố cốt yếu tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng nhanh và công nghiệp hóa mà nền kinh tế đã trải qua. Trong khi vào năm 1818 đã có 338 ngân hàng hoạt động ở Hoa Kỳ, với tổng tài sản 160 triệu USD, vào năm 1914 đã có 27.864 ngân hàng với tổng tài sản 27,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư tiềm năng ở Hoa Kỳ đã có rồi sự tiếp cận đến vốn để khởi động các doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, sự cạnh tranh cao độ giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ đã có nghĩa rằng khoản vốn này đã sẵn có với lãi suất khá thấp.
Cùng thứ đã không đúng ở Mexico. Thực ra, vào năm 1910, khi Cách mạng Mexic bắt đầu, đã chỉ có bốn mươi hai ngân hàng ở Mexico, và hai trong số đó đã kiểm soát 60 phần trăm tổng tài sản ngân hàng. Không giống Hoa Kỳ, nơi cạnh tranh là khốc liệt, hầu như đã không có cạnh tranh giữa các ngân hàng Mexic. Sự thiếu cạnh tranh này có nghĩa rằng các ngân hàng đã có thể tính lãi suất rất cao cho các khách hàng của mình, và thường đã giới hạn việc cấp tín dụng cho người có đặc quyền và người đã giàu rồi, những người sau đó sẽ sử dụng sự tiếp cận của họ đến tín dụng để tăng sự kìm kẹp của họ đối với các khu vực khác nhau của nền kinh tế.
Hình thức, mà ngành ngân hàng Mexico đã lấy trong các thế kỷ mười chín và hai mươi, đã là kết quả trực tiếp của các thể chế chính trị sau độc lập của nước này. Sự hỗn độn của thời đại Santa Ana được kế tiếp bởi một nỗ lực chết yểu của chính phủ Pháp của Hoàng đế Napoleon II để tạo ra một chế độ thuộc địa ở Mexico dưới Hoàng đế Maximillian I giữa 1864 và 1867. Người Pháp đã bị trục xuất, và một hiến pháp mới đã được thảo. Nhưng chính phủ được lập ra đầu tiên bởi Benito Juárez và, sau cái chết của ông, bởi Sebastián Lerdo de Tejeda đã mau chóng bị thách thức bởi một nhà quân sự trẻ có tên là Porfirio Díaz. Díaz đã là một tướng chiến thắng trong chiến tranh chống lại Pháp và đã nuôi dưỡng khát vọng quyền lực. Ông đã lập một đội quân nổi loạn và, vào tháng 11-1876, đã đánh bại quân đội của chính phủ ở Trận Tecoac. Trong tháng Năm của năm sau, ông đã tự bầu mình làm tổng thống. Ông đã tiếp tục cai trị Mexico ít nhiều không gián đoạn và theo cách ngày càng chuyên quyền cho đến khi bị lật đổ bởi cách mạng nổ ra ba mươi tư năm sau.
Giống Iturbide và Santa Ana trước ông, Díaz đã bắt đầu cuộc đời như một chỉ huy quân đội. Một con đường sự nghiệp như vậy vào hoạt động chính trị đã chắc chắn được biết đến ở Hoa Kỳ. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, cũng đã là một tướng thành công trong Chiến tranh Độc lập. Ulysess S. Grant, một trong các tướng Liên bang chiến thắng của Nội Chiến, đã trở thành tổng thống năm 1869, và Dwight D. Eisenhower, tổng chỉ huy các Lực lượng Đồng minh ở châu Âu trong Chiến tranh  Thế giới II, đã là tổng thống Hoa Kỳ giữa 1953 và 1961. Tuy vậy, không giống Iturbide, Santa Ana và Díaz, không ai trong các nhà quân sự này đã dùng vũ lực để lên nắm quyền. Họ cũng đã không dùng vũ lực để tránh phải từ bỏ quyền lực. Họ đã tuân theo hiến pháp. Tuy Mexico đã có các hiến pháp trong thế kỷ thứ mười chín, chúng đã đặt ra ít ràng buộc về cái mà Iturbide, Santa Ana và Díaz đã có thể làm. Những người này đã có thể bị loại bỏ khỏi quyền lực chỉ bằng cùng cách họ đã đạt được nó: bằng sử dụng vũ lực.
Díaz đã vi phạm các quyền tài sản của nhân dân, tạo thuận lợi cho việc chiếm đoạt số lượng đất đai rộng lớn, và ông đã trao những độc quyền và các đặc ân cho những người ủng hộ ông trong mọi lĩnh vực kinh doanh, kể cả ngân hàng. Đã chẳng có gì mới về cách ứng xử này. Đấy chính xác là cái những kẻ chinh phục Tây Ban Nha đã làm, và cái Sata Ana đã làm theo bước chân họ.
Lý do mà Hoa Kỳ đã có ngành ngân hàng tốt hơn một cách cơ bản cho sự thịnh vượng kinh tế đã chẳng liên quan gì đến những sự khác biệt về động cơ của những người sở hữu ngân hàng. Thực vậy, động cơ lợi nhuận, mà làm nòng cốt cho bản chất độc quyền của ngành ngân hàng ở Mexico, cũng đã hiện diện cả ở Hoa Kỳ nữa. Nhưng động cơ lợi nhuận này đã được hướng một cách khác đi bởi vì các thể chế khác biệt hoàn toàn của Hoa Kỳ. Các chủ ngân hàng đã đối mặt với các thể chế kinh tế khác hẳn, các thể chế đã buộc chúng phải cạnh tranh mạnh hơn rất nhiều. Và việc này đã phần nhiều là bởi vì các nhà chính trị, những người soạn ra các quy tắc cho các chủ ngân hàng, bản thân họ đã phải đối mặt với các khuyến khích rất khác được tạo ra bởi các thể chế chính trị khác biệt. Thực vậy, vào cuối thế kỷ thứ mười tám, không lâu sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ đi vào hoạt động, một hệ thống ngân hàng trông giống hệ thống, mà sau đó đã áp đảo ở Mexico, đã bắt đầu nổi lên. Các chính trị gia đã thử thành lập các độc quyền ngân hàng bang, mà họ đã có thể đưa cho các bạn và các đối tác của họ để đổi lại một phần lợi nhuận độc quyền. Các ngân hàng cũng đã mau chóng lao vào công việc kinh doanh cho các chính trị gia, những người điều tiết họ, vay tiền, hệt như ở Mexico. Nhưng tình hình này đã không thể duy trì được ở Hoa Kỳ, bởi vì các chính trị gia những người đã thử lập ra các độc quyền ngân hàng này, không giống như ở Mexico, đã phải tuân theo sự bầu cử và tái bầu cử. Tạo ra các độc quyền ngân hàng và cấp các khoản vay cho các chính trị gia là công việc kinh doanh tốt cho các chính trị gia, nếu họ có thể tránh thoát các hậu quả. Tuy vậy, nó không đặc biệt tốt cho các công dân. Không giống ở Mexico, ở Hoa Kỳ các công dân đã có thể kìm hãm và giải thoát khỏi các chính trị gia, những người lạm dụng chức vụ của mình để làm giàu cho mình hay tạo ra các độc quyền cho các cánh hẩu của mình. Kết quả là, các độc quyền ngân hàng đã sụp đổ. Sự phân bố rộng các quyền chính trị ở Hoa Kỳ, đặc biệt khi so sánh với Mexico, đã đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng đến tài chính và các khoản vay. Điều này, đến lượt nó, lại đảm bảo rằng những người có các ý tưởng và các sáng chế có thể được hưởng lợi từ chúng.

SỰ THAY ĐỔI PHỤ THUỘC VÀO CON ĐƯỜNG
Thế giới đã thay đổi trong các năm 1870 và 1880. Mỹ Latin đã không là ngoại lệ. Các thể chế, mà Porfirio Díaz đã thiết lập, đã không giống hệt các thể chế của Santa Ana hay của nhà nước thuộc địa Tây Ban Nha. Nền kinh tế thế giới đã phồn thịnh bột phát trong nửa sau của thế kỷ mười chín, và những đổi mới sáng tạo trong giao thông như tàu hơi nước và đường sắt đã dẫn đến sự mở rộng to lớn của thương mại quốc tế. Làn sóng này của toàn cầu hóa đã có nghĩa rằng các nước giàu tài nguyên như Mexico – hay, chính xác hơn elite ở các nước như vậy – đã có thể làm giàu chính mình bằng xuất khẩu các nguyên liệu thô và các tài nguyên thiên nhiên cho Bắc Mỹ hay Châu Âu đang công nghiệp hóa. Díaz và những cánh hẩu của ông đã thấy mình trong một thế giới khác và đang phát triển nhanh. Họ đã nhận ra rằng Mexico cũng phải thay đổi. Nhưng điều này đã không có nghĩa là nhổ cả rễ các thể chế thuộc địa và thay thế chúng bằng các thể chế giống như các thể chế ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, sự thay đổi của họ đã là sự thay đổi “phụ thuộc vào con đường – path dependent” chỉ dẫn đến pha tiếp theo của các thể chế đã làm cho phần lớn Mỹ Latin nghèo và bất bình đẳng rồi.
Toàn cầu hóa đã làm cho các vùng bỏ ngỏ bao la của châu Mỹ, “các vùng biên cương mở-open frontiers” của nó, có giá trị. Thường các vùng biên cương này đã chỉ trống một cách huyền thoại, vì những người bản địa đã ở đó và họ đã bị truất quyền sở hữu một cách tàn nhẫn. Dẫu sao, sự tranh cướp các tài nguyên có giá trị mới này đã là một quá trình định rõ của châu Mỹ trong nửa sau của thế kỷ mười chín. Sự mở ra đột ngột của vùng biên cương có giá trị này đã không dẫn đến các quá trình tương tự ở Hoa Kỳ và Mỹ Latin, mà đã dẫn đến sự phân kỳ thêm, được định hình bởi những sự khác biệt thể chế hiện tồn, đặc biệt là những khác biệt liên quan đến ai có cơ hội có đất. Ở Hoa Kỳ, một chuỗi dài các hành động lập pháp, từ Sắc lệnh Đất năm 1785 đến Luật Trang ấp 1862, đã cho sự tiếp cận rộng rãi đến đất biên cương. Tuy những người bản địa đã bị cho ra ngoài lề, việc này đã tạo ra một vùng biên cương bình đẳng và năng động về mặt kinh tế. Trong hầu hết các nước Mỹ Latin, tuy vậy, các thể chế chính trị ở đó đã tạo ra kết quả rất khác. Đất vùng biên cương đã được phân cho những người có thế lực chính trị và những người giàu có và có các mối quan hệ, làm cho những người như vậy thậm chí hùng mạnh hơn.
Díaz cũng đã bắt đầu dỡ bỏ nhiều di sản thể chế thuộc địa cụ thể, cản trở thương mại quốc tế, mà ông thấy trước sẽ làm cho ông và những người ủng hộ ông giàu hơn rất nhiều. Mô hình của ông, tuy vậy, vẫn tiếp tục không phải là kiểu phát triển kinh tế mà chúng ta thấy ở phía bắc Rio Grandes mà là kiểu của Cortés, Pizzaro, và de Toledo, nơi elite trở nên rất giàu có trong khi những người còn lại bị loại trừ. Khi elite đầu tư, nền kinh tế tăng trưởng một chút, nhưng sự tăng trưởng như vậy luôn luôn dẫn đến thất vọng. Nó cũng đã xảy ra với sự trả giá của những người thiếu các quyền trong trật tự mới này, như những người Yaqui ở Sonora, trong vùng nội địa xa của Nogales. Giữa 1900 và 1910, có lẽ ba mươi ngàn người Yaqui đã bị lưu đày, về bản chất bị bắt làm nô lệ, bị tống đi lao động ở các đồn điền henequen [cây thùa sợi] ở Yucatán. (Sợi cây henequen đã là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị, vì nó có thể được dùng để làm dây thừng và dây bện). Sự dai dẳng kéo dài vào thế kỷ hai mươi của một hình mẫu thể chế đặc thù không thân thiện với tăng trưởng ở Mexico và Mỹ Latin được minh họa rõ bởi sự thực rằng, hệt như trong thế kỷ mười chín, hình mẫu đã gây ra trì trệ kinh tế và bất ổn chính trị, các cuộc nội chiến và đảo chính, khi các phe nhóm tranh giành nhau vì các lợi ích quyền lực. Díaz cuối cùng đã mất quyền lực cho các lực lượng cách mạng trong năm 1910. Cuộc Cách mạng Mexic được tiếp theo bởi các cuộc cách mạng khác ở Bolivia năm 1952, ở Cuba năm 1959, và Nicaragua năm 1979. Trong lúc đó, các cuộc nội chiến kéo dài đã nổ ra ở Columbia, El Salvador, Guatemala, và Peru. Sự chiếm đoạt hay sự đe dọa chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục mau lẹ, với các cuộc cải cách nông nghiệp hàng loạt (hay các cuộc cải cách được thử) ở Bolivia, Brazil, Chile, Columbia, Guatemala, Peru, và Venezuela. Các cuộc cách mạng, những sự chiếm đoạt và bất ổn chính trị đã đến cùng với các chính phủ quân sự và các chế độ độc tài thuộc nhiều loại. Tuy cũng đã có một sự trôi dạt từ từ hướng về các quyền chính trị rộng lớn hơn, nhưng chỉ đến các năm 1990 thì hầu hết các nước Mỹ Latin mới trở thành các nền dân chủ, và thậm chí khi đó chúng vẫn sa lầy trong bất ổn.
Sự bất ổn này đã đi cùng với sự đàn áp và giết người hàng loạt. Báo cáo [của] Ủy ban Quốc gia cho Chân lý và Hòa giải năm 1991 ở Chile đã xác định rằng 2.279 người đã bị giết vì các lý do chính trị trong chế độ độc tài Pinochet giữa 1973 và 1990. Có lẽ 50.000 đã bị bỏ tù và tra tấn, và hàng trăm ngàn người đã bị đuổi việc. Báo cáo [của] Ủy ban Guatemalan về Làm rõ Lịch sử trong năm 1999 đã nhận diện được tổng cộng 42.275 nạn nhân có tên, tuy những người khác đã cho rằng có đến 200.000 đã bị giết ở Guatemala giữa 1962 và 1996, 70.000 trong thời chế độ của Tướng Efrain Ríos Montt, kẻ đã có khả năng phạm các tội ác này mà không bị trừng phạt đến mức hắn ta đã có thể ứng cử tổng thống trong năm 2003; rất may là hắn đã không trúng cử. Ủy ban Quốc gia về Người Mất tích ở Argentina đã đưa ra số người bị quân đội ở đó giết từ 1976 đến 1983 là 9.000 người, mặc dù nó lưu ý rằng con số thật có thể cao hơn. (Các ước lượng của các tổ chức nhân quyền thường đưa ra con số 30.000).

KIẾM MỘT HAY HAI TỶ
Những hệ lụy kéo dài của tổ chức xã hội thuộc địa, và của các di sản của các xã hội đó, định hình những sự khác biệt hiện đại giữa Hoa Kỳ và Mexico, và như thế giữa hai phần của Nogales. Sự tương phản giữa Bill Gates và Carlos Slim đã trở thành hai người giàu nhất thế giới thế nào – Warren Buffett cũng là một đối thủ – minh họa các lực lượng đang tác động. Sự thăng tiến của Bill Gates ai cũng biết, nhưng địa vị của Gates với tư cách người giàu nhất thế giới và nhà sáng lập của một trong những công ty đối mới sáng tạo nhất về mặt công nghệ đã không ngăn cản Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ trình các vụ kiện dân sự chống lại Công ty Microsoft ngày 8-5-1998, cho rằng Microsoft đã lạm dụng sức mạnh độc quyền. Đặc biệt gây tranh cãi là cách mà Microsoft đã gắn Web broser (trình duyệt mạng) của nó, Internet Explore, vào hệ điều hành Windows. Chính phủ đã để mắt đến Gates trong thời gian khá dài, và ngay từ 1991, Ủy Ban Thương mại Liên bang đã lao vào một cuộc điều tra xem liệu Microsoft đã có lạm dụng sự độc tài của nó về hệ điều hành máy tính cá nhân hay không. Tháng Mười một 2001, Microsoft đã đạt một thỏa thuận với Bộ Tư pháp. Các cánh của nó đã bị cắt bớt cho dù các khoản tiền phạt đã thấp hơn mức nhiều người đã đòi.
Ở Mexico, Carlos Salem đã không kiếm tiền bằng đổi mới sáng tạo. Lúc đầu ông ta đã trội hơn về các giao dịch chứng khoán, và về mua và tân trang các hãng không có lời. Phi vụ lớn của ông ta đã là việc thôn tính Telmex, công ty viễn thông độc quyền của Mexico được Tổng thống Carlos Salinas tư nhân nhóa năm 1990. Chính phủ đã công bố ý định của mình về bán 51 phần trăm của cổ phiếu được bầu (chiếm 20,4 phần trăm của tổng số cổ phiếu) trong công ty vào tháng 9-1989 và đã nhận được các giá đặt mua vào tháng 11-1990. Cho dù Carlos Salem đã không đặt giá cao nhất, consortium dẫn đầu bởi Grupo Corso của ông đã thắng thầu. Thay cho việc trả tiền ngay cho các cố phiếu, Salim đã dàn xếp được việc thanh toán chậm, sử dụng cổ tức của bản thân Telmex để trả cho cổ phiếu. Cái từng là độc quyền nhà nước nay đã trở thành độc quyền của Salim, và nó đã sinh lợi khổng lồ.
Các thể chế kinh tế, mà đã biến Carlos Salim thành người là ông ta, là rất khác với các thể chế ở Hoa Kỳ. Nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp ở Mexico, các rào cản gia nhập đóng một vai trò quyết định tại mọi giai đoạn của sự nghiệp của bạn. Các rào cản này bao gồm các giấy phép đắt tiền mà bạn phải kiếm được, tệ quan liêu mà bạn phải vượt qua, các chính trị gia và những người đang ở trong ngành đứng cản đường bạn, và sự khó khăn để kiếm được tài trợ từ một khu vực tài chính mà thường móc ngoặc với những người đang trong ngành mà bạn thử cạnh tranh với. Các rào cản này hoặc có thể là không thể vượt qua được, ngăn không cho bạn vào các lĩnh vực sinh lợi, hay là chiến hữu lớn nhất của bạn, giữ không cho các đối thủ cạnh tranh của bạn đến gần. Sự khác biệt giữa hai kịch bản, tất nhiên, là, bạn biết ai và có thể ảnh hưởng đến ai – và phải, bạn có thể đút lót ai. Carlos Slim, một người có tài, có tham vọng, từ một nền tảng tương đối khiêm tốn của những người nhập cư Liban, đã là một bậc thầy về nhận được các hợp đồng độc quyền; ông đã tìm được cách để độc chiếm thị trường viễn thông béo bở ở Mexico, và sau đó mở rộng tầm với của ông ra phần còn lại của Mỹ Latin.
Đã có những thách thức đối với độc quyền Telmex của Salim. Nhưng chúng đã không thành công. Năm 1996 Avantel, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài, đã đưa kiến nghị lên Ủy ban Cạnh tranh Mexic để kiểm tra xem liệu Telmex đã có một vị thế thống trị thị trường viễn thông hay không. Năm 1997, Ủy ban đã tuyên bố rằng Telmex đã có quyền lực độc quyền thật về điện thoại nội hạt, các cuộc gọi đường dài quốc gia, và các cuộc gọi đường dài quốc tế, giữa những thứ khác. Nhưng các nỗ lực của các nhà chức trách điều tiết ở Mexico để hạn chế các độc quyền này đã không đi đến đâu cả. Một lý do là, Slim và Telmex có thể sử dụng cái được biết đến như một recurso de amparo, theo nghĩa đen là một “sự kháng án để bảo vệ”. Một amparo thực ra là một đơn để lập luận rằng một luật cá biệt không áp dụng đối với bạn. Ý tưởng về amparo truy nguyên về hiến pháp Mexic năm 1857 và khởi đầu được dự định như một sự bảo vệ các quyền cá nhân và các quyền tự do. Trong tay của Telmex và các độc quyền Mexic khác, tuy vậy, nó lại biến thành một công cụ kinh khủng để thắt chặt quyền lực độc quyền. Thay cho bảo vệ các quyền của người dân, amparo lại cung cấp một kẽ hở trong tính bình đẳng trước pháp luật.
Slim đã kiếm được tiền trong nền kinh tế Mexic phần nhiều nhờ các mối quan hệ chính trị của ông. Khi đánh bạo sang Hoa Kỳ kinh doanh, ông đã không thành công. Năm 1999, Grupo Curso của ông đã mua hãng bán lẻ máy tính CompUSA. Khi đó CompUSA đã cấp đặc quyền kinh tiêu cho một hãng được gọi là COC Services để bán hàng hóa của nó ở Mexico. Slim ngay lập tức vi phạm hợp đồng [kinh tiêu] này với ý định lập chuỗi cửa hàng riêng của ông, mà không có bất cứ sự cạnh tranh nào từ COC. Nhưng COC đã kiện CompUSA tại một Tòa án ở Dallas. Không có amparo ở Dallas, cho nên Slim đã thua, và đã bị phạt 454 triệu USD. Luật sư cho COC, Mark Werner sau này đã lưu ý rằng “thông điệp của bản án này là, trong nền kinh tế toàn cầu này các hãng phải tôn trọng các quy tắc của Hoa Kỳ nếu chúng muốn đến đây”. Khi Slim phải chịu các thể chế của Hoa Kỳ, các chiến thuật thông dụng của ông để kiếm tiền đã không có kết quả.

HƯỚNG TỚI MỘT LÝ THUYẾT VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG THẾ GIỚI
Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng. Những sự khác biệt giữa các quốc gia là gống như những khác biệt giữa hai phần của Nogales, chỉ trên quy mô lớn hơn. Trong các nước giàu, các cá nhân khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, và được giáo dục tốt hơn nhiều. Họ cũng có sự tiếp cận đến một loạt các tiện nghi và lựa chọn trong đời sống, từ các kỳ nghỉ đến các con đường sự nghiệp, mà người dân ở các nước nghèo chỉ có thể mơ đến. Người dân các nước giàu cũng lái xe trên các đường không có ổ gà, và có nhà vệ sinh, điện, và nước máy trong nhà của họ. Họ cũng thường có các chính phủ không bắt giữ hay sách nhiễu họ một cách tùy tiện; ngược lại, các chính phủ cung cấp các dịch vụ, kể cả giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đường sá, luật và trật tự. Cũng đáng chú ý là sự thực rằng các công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và có tiếng nói nào đó về hướng chính trị mà nước họ chấp nhận.
Những khác biệt to lớn trong bất bình đẳng thế giới là hiển nhiên đối với mọi người, ngay cả đối với những người ở các nước nghèo, tuy họ có thể thiếu truy cập đến truyền hình hay Internet. Chính sự nhận thức và thực tế về những khác biệt này thúc đẩy người dân để vượt Rio Grande hay Địa Trung Hải một cách bất hợp pháp để có cơ hội trải nghiệm mức sống và các cơ hội của nước giàu. Tính bất bình đẳng này không chỉ có các hậu quả đối với cuộc sống của từng con người trong các nước nghèo; nó cũng gây ra nỗi bất bình và oán giận với những hậu quả chính trị khổng lồ ở Hoa Kỳ và những nơi khác. Hiểu vì sao những khác biệt này tồn tại và cái gì gây ra chúng là tiêu điểm của chúng ta trong cuốn sách này. Phát triển một sự hiểu biết như vậy không chỉ là một mục đích tự thân, mà cũng là một bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra các ý tưởng tốt hơn về làm thế nào để cải thiện đời sống của hàng tỷ người vẫn sống trong nghèo khổ.
Những sự chênh lệch ở hai bên hàng rào ở Nagales chỉ là chóp đỉnh của tảng băng. Như trong phần còn lại của bắc Mexico, mà được hưởng lợi từ trao đổi với Hoa Kỳ, cho dù không phải toàn bộ sự trao đổi ấy là hợp pháp, cư dân của Nogales thịnh vượng hơn những người Mexic khác, mà thu nhập hộ gia đình bình quân hàng năm là khoảng 5.000 USD. Sự thịnh vượng tương đối lớn hơn này của Nogales, Sonora, đến từ các nhà máy gia công maquiladora [ăn hoa hồng: nhập bộ phận, chế tác và tái xuất thành phẩm mà không phải chịu bất cứ loại thuế nào] tập trung trong các khu công nghiệp, mà khu đầu tiên đã được thành lập bởi Richard Campbell, Jr., một nhà sản xuất giỏ ở California. Người thuê đầu tiên đã là Coin-Art, một công ty dụng cụ âm nhạc được sở hữu bởi Richard Bosse, chủ sở hữu của công ty sáo và saxophone Artley ở Nogales, Arizona. Tiếp sau Coin-Art đã là Memorex (đi dây máy tính); Avent (quần áo bệnh viện); Grant (kính râm); Chamberlain (một nhà sản xuất dụng cụ mở cửa gara cho [nhà bán lẻ] Sears); và Samsonite (va ly). Đáng kể, tất cả đều là các doanh nghiệp và doanh nhân có cơ sở ở Hoa Kỳ, sử dụng vốn và know-how Hoa Kỳ. Sự thịnh vượng lớn hơn của Nogales, Sonora, tương đối so với phần còn lại của Mexico, vì thế, đến từ bên ngoài.
Những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Mexico, đến lượt, là nhỏ so với những khác biệt khắp toàn cầu. Công dân trung bình của Hoa Kỳ thịnh vượng bằng bảy lần công dân Mexic trung bình, bằng hơn mười lần cư dân của Peru hay Trung Mỹ. Khoảng bằng hai mươi lần của dân cư trung bình ở châu Phi hạ-Sahara, và gần bằng bốn mươi lần của những người sống trong các nước Phi châu nghèo nhất như Mali, Ethiopia, và Sierra Leone. Có một nhóm nhỏ nhưng ngày càng tăng của các nước giàu – hầu hết ở châu Âu và Bắc Mỹ, với sự gia nhập của Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Nam Hàn, và Đài Loan – mà các công dân của nó được hưởng cuộc sống rất khác với cuộc sống của cư dân của phần còn lại của địa cầu.
Lý do mà Nogales, Arizona, giàu hơn nhiều so với Nogales, Sonora, là đơn giản; chính bởi vì các thể chế rất khác nhau ở hai bên biên giới, mà các thể chế đó tạo ra những khuyến khích rất khác nhau cho cư dân của Nogales, Arizona, đối lại Nogales, Sonora. Hoa Kỳ ngày nay cũng giàu hơn hoặc Mexico hay Peru rất nhiều bởi vì cách các thể chế kinh tế và chính trị của nó định hình các khuyến khích của các doanh nghiệp, các cá nhân, và các chính trị gia. Mỗi xã hội vận hành với một tập các quy tắc kinh tế và chính trị được tạo ra và được thực thi bởi nhà nước và các công dân một cách cùng nhau. Các thể chế kinh tế định hình các khuyến khích kinh tế: các khuyến khích để trở thành người có học, để tiết kiệm và đầu tư, để đổi mới và làm theo các công nghệ mới, và vân vân. Chính quá trình chính trị là cái xác định các thể chế kinh tế nào mà nhân dân sống dưới, và chính các thể chế chính trị là cái xác định quá trình này hoạt động ra sao. Thí dụ, các thể chế chính trị của một quốc gia xác định khả năng của các công dân để kiểm soát các chính trị gia và ảnh hưởng đến việc họ ứng xử thế nào. Việc này, đến lượt nó, lại xác định liệu các chính trị gia có là các đại diện, mặc dù không hoàn hảo, của các công dân, hay họ có thể lạm dụng quyền lực được ủy thác cho họ, hay họ đã chiếm đoạt, để tích lũy gia tài riêng của họ và để theo đuổi các chương trình nghị sự riêng của họ, mà chúng có hại cho các thứ đó của công dân. Các thể chế chính trị bao gồm nhưng không bị hạn chế ở các hiến pháp thành văn, và ở chỗ liệu xã hội có là nền dân chủ hay không. Nó bao gồm quyền lực và năng lực của nhà nước để điều tiết và cai trị xã hội. Cũng cần thiết để xem xét rộng rãi hơn các nhân tố xác định quyền lực chính trị được phân bố thế nào trong xã hội, đặc biệt là khả năng của các nhóm khác nhau để hành động một cách tập thể nhằm theo đuổi các mục tiêu của họ hay để ngăn chặn những người khác khỏi theo đuổi các mục tiêu của họ.
Vì các thể chế ảnh hưởng đến ứng xử và các khuyến khích trong cuộc sống thực, chúng tạo ra sự thành công hay sự thất bại của các quốc gia. Tài năng cá nhân là quan trọng ở mọi mức của xã hội, nhưng ngay cả cái đó cũng cần một khung khổ thể chế để biến nó thành một lực tích cực. Bill Gates, giống như các nhân vật thần kỳ khác trong nghành công nghệ thông tin (như Paul Alen, Steve Ballmer, Steve Jobs, Larry Page, Sergey Brin, và Jeff Bezos), đã có tài năng và khát vọng rất lớn. Nhưng cuối cùng ông đáp lại các khuyến khích. Hệ thống giáo dục tại trường ở Hoa Kỳ đã cho phép Gates và những người khác giống ông để có được một tập duy nhất các kỹ năng để bổ sung cho tài năng của họ. Các thể chế kinh tế ở Hoa Kỳ đã cho phép những người này thành lập các công ty dễ dàng, mà không phải đối mặt với các rào cản không thể vượt qua nổi. Các thể chế đó cũng khiến cho việc cấp tài chính cho các dự án của họ có thể thực hiện được. Các thị trường lao động Hoa Kỳ đã cho phép họ thuê nhân viên có trình độ, và môi trường thị trường tương đối cạnh tranh đã cho phép họ mở rộng các công ty của họ và bán các sản phẩm của họ trên thị trường. Các doanh nhân khởi nghiệp này đã tự tin ngay từ đầu rằng các dự án ước mơ của họ có thể được thực hiện: họ đã tin vào các thể chế và nền pháp trị mà các thể chế này đã tạo ra và họ đã không phải lo lắng về sự an toàn của các quyền tài sản của họ. Cuối cùng, các thể chế chính trị đã đảm bảo sự ổn định và tính liên tục. Trước hết, chúng làm cho chắc chắn rằng không có rủi ro nào về một kẻ độc tài lên nắm quyền và thay đổi các quy tắc của trò chơi, tước đoạt của cải của họ, bỏ tù họ, hay đe dọa đời sống và sinh kế của họ. Chúng cũng làm cho chắc chắn rằng không lợi ích cá biệt nào trong xã hội có thể làm chính phủ thiên lệch theo một hướng tai hại về mặt kinh tế, bởi vì quyền lực chính trị cả bị hạn chế lẫn được phân bố đủ rộng sao cho một tập các thể chế kinh tế tạo ra các khuyến khích cho sự thịnh vượng có thể nổi lên.
Cuốn sách này sẽ chứng tỏ rằng các thể chế kinh tế là cốt yếu cho việc xác định liệu một nước là nghèo hay giàu, chính trị và các thể chế chính trị là cái quyết định một nước có các thể chế kinh tế nào. Cuối cùng các thể chế kinh tế tốt của Hoa Kỳ đã là kết quả của các thể chế chính trị mà đã nổi lên dần dần sau 1619. Lý thuyết của chúng ta về sự bất bình đẳng thế giới cho thấy các thể chế chính trị và kinh tế tương tác với nhau thế nào trong việc gây ra sự nghèo khổ và sự thịnh vượng, và các phần khác nhau của của thế giới kết thúc ra sao với các tập khác nhau đến vậy của các thể chế. Sự xem xét ngắn gọn của chúng ta về lịch sử châu Mỹ bắt đầu cho một cảm giác về các lực định hình các thể chế chính trị và kinh tế. Các hình mẫu khác nhau của các thể chế ngày nay bén rễ sâu vào quá khứ bởi vì một khi xã hội được tổ chức theo một cách cá biệt, điều này có xu hướng tồn tại dai dẳng. Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng sự thực này đến từ cách mà các thể chế chính trị và kinh tế tương tác với nhau.
Sự tồn tại dai dẳng này và các lực lượng tạo ra nó cũng giải thích vì sao lại khó đến vậy để loại bỏ sự bất bình đẳng thế giới và để làm cho các nước nghèo thịnh vượng. Tuy các thể chế là chìa khóa cho các khác biệt giữa hai Nogales và giữa Hoa Kỳ và Mexico, điều đó không có nghĩa rằng sẽ có sự đồng thuận ở Mexico để thay đổi các thể chế. Không có sự tất yếu nào đối với một xã hội để phát triển các thể chế tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế hay cho phúc lợi của các công dân của nó, bởi vì các thể chế khác có thể thậm chí còn tốt hơn cho những người kiểm soát chính trị và các thể chế chính trị. Những kẻ có quyền thế lớn và những người còn lại của xã hội thường không đồng ý về tập nào của các thể chế nên giữ nguyên và tập nào phải thay đổi. Carlos Slim sẽ không vui sướng để thấy các mối quan hệ chính trị của ông biến mất và các rào cản gia nhập bảo vệ các doanh nghiệp của ông xẹp xuống – không quan trọng rằng sự gia nhập của các doanh nghiệp mới sẽ làm giàu hàng triệu người Mexic. Bởi vì không có sự đồng thuận như vậy, việc xã hội kết thúc với các quy tắc nào được quyết định bởi chính trị: ai có quyền lực và quyền lực này có thể được sử dụng thế nào. Carlos Slim có quyền lực để có được cái ông ta muốn. Quyền lực của Bill Gates bị hạn chế hơn rất nhiều. Đó là vì sao lý thuyết của chúng ta không chỉ là về kinh tế học mà cũng về chính trị học. Nó là về các tác động của các thể chế lên thành công hay thất bại của các quốc gia – như thế là kinh tế học về nghèo khó và thịnh vượng; nó cũng là về các thể chế được xác định và thay đổi thế nào theo thời gian, và chúng thất bại ra sao để thay đổi ngay cả khi chúng tạo ra sự nghèo khó và khốn khổ cho hàng triệu người – như thế là chính trị học về nghèo khó và thịnh vượng.
Nguyễn Quang A dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét