Thẩm định về ” Thế Kỷ Trung Quốc ?”
Cuộc mạn đàm giữa hai vị Cựu Thủ Tướng Tây Đức và Tân Gia Ba(Phạm Thị Hoài dịch)
(17-9-2012)
Cuộc trò chuyện kéo dài ba ngày mới đây giữa hai chính khách kỳ cựu, một ở phương Đông và một ở phương Tây: cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt (Đảng Dân chủ Xã hội) có thể cung cấp cho người đọc Việt Nam một số góc nhìn tham khảo về những đề tài lớn, đặc biệt về sự dịch chuyển quyền lực, sự phân cực trên thế giới và vai trò của Trung Quốc trong thế kỷ này.
______________________________________________________________________________
Helmut Schmidt: Lần đầu tiên đến Bắc Kinh tôi được Hoàng đế Trung Hoa tiếp – hồi đó ngài là Mao Trạch Đông.
Lý Quang Diệu: (cười)
Helmut Schmidt: Mao là một tay tàn bạo.
Lý Quang Diệu: Ông ta là một nhà lãnh đạo chiến tranh du kích lỗi lạc đã giải phóng Trung Quốc. Nhưng ông ta cũng tàn phá Trung Quốc bằng Cách mạng Văn hóa. 18 triệu người chết đói vì phải đem hết dao và muổng ra để luyện gang. Ông ta thật điên rồ. Tưởng giải phóng Trung Quốc xong rồi thì thay đổi thế giới có khó gì.
Helmut Schmidt: Ông ta cho rằng: Cần gì giai cấp vô sản công nghiệp, dùng vô sản nông thôn cũng được.
Lý Quang Diệu: Đúng vậy.
Helmut Schmidt: Nhưng người nông thôn thường không sẵn tinh thần cách mạng.
Lý Quang Diệu: Điều đó tôi không chắc. Ở thời buổi của iPhone, internet và truyền hình toàn quốc bây giờ, người ta rất bất mãn vì thấy nhà mình thì tồi tàn, còn những thành phố duyên hải lại thịnh vượng.
Helmut Schmidt: Thời ông, ai là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất?
Lý Quang Diệu: Đặng Tiểu Bình.
Helmut Schmidt: Tôi đồng ý. Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất trong tất cả những người tôi từng gặp
.
Lý Quang Diệu: Người có một mét rưỡi, nhưng tầm vóc chính trị thì khổng lồ.
Helmut Schmidt: Năm 1983 tôi có một buổi trò chuyện với ông ấy. Hai chúng tôi và một người phiên dịch, khi đó chúng tôi đã quen nhau gần mười năm, nên nói chuyện khá cởi mở và thành thật. Tôi giễu cợt rằng nhìn kĩ vào thực tế thì những người cầm quyền ở Bắc Kinh không được trung thực lắm; họ tuyên bố mình là cộng sản, nhưng thực ra thì họ theo Khổng giáo. Đặng có vẻ hơi sốc một chút, mất vài giây, nhưng sau đó thì ông ấy đáp lại bằng vỏn vẹn ba từ. Ba từ đó là: “Thì đã sao?” (Lý Quang Diệu cười.) Tôi công nhận Đặng là một người vĩ đại.
Lý Quang Diệu: Ông ấy có tinh thần cầu thị. Ông ấy đến thăm Singapore, thấy một hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên gì nhưng thịnh vượng, đầy của cải, mọi người đi mua sắm, trong túi rủng rỉnh tiền. Ông ấy quan sát, đặt những câu hỏi chính xác và đi đến kết luận rằng chính sách đầu tư cởi mở của chúng tôi đã đem lại công nghệ và những thị trường mới. Trở về Trung Quốc, ông ấy lập ra sáu đặc khu kinh tế theo mô hình Singapore . Ông ấy thành công và mở cửa Trung Quốc dần dần. Điều đó đã cứu Trung Quốc.
Helmut Schmidt: Thế kỉ 20 được gọi là thế kỉ Hoa Kì. Thế kỉ 21 liệu có là thế kỉ Trung Quốc không?
Lý Quang Diệu: Về tổng sản phẩm nội địa thì đúng. Đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Hoa Kì. Còn về Quyền lực Mềm (Soft Power), về sức hấp dẫn đối với kẻ khác thì tôi không chắc lắm, vì Hoa ngữ là một trở ngại cho bất kì ai muốn hội nhập với Trung Quốc.
Tuần báo Zeit: Người ta đang nói nhiều đến sự “dịch chuyển toàn cầu”, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Có phải Đại Tây Dương đã thuộc về quá khứ và Thái Bình Dương là tương lai không?
Lý Quang Diệu: Không, theo tôi không nên đánh giá như vậy. Tôi tin rằng từ góc nhìn của đa số người Mỹ hiện nay, châu Âu là một đồng minh khá chắc chắn. Vấn đề của Mỹ sẽ là Trung Quốc. Vậy sự dịch chuyển đó có nghĩa gì? Có nghĩa là Mỹ phải tập trung đầu tư kinh tế và các hoạt động quân sự vào khu vực Thái Bình Dương. Nhưng không có nghĩa là dịch chuyển quyền lực trên thế giới. Mà có nghĩa là Mỹ hướng tiêu điểm vào một sự đe dọa mới cho vị trí bá quyền của mình.
Helmut Schmidt: Đúng, nhưng vị trí bá quyền của Mỹ sẽ không còn áp đảo như ở cuối thế kỉ 19 và trong suốt thế kỉ 20 nữa, nó sẽ dần dần yếu đi, Trung Quốc sẽ dần dần mạnh lên và Nga thì càng ngày càng không thay đổi. (Lý Quang Diệu cười.)
Lý Quang Diệu: Tôi đồng ý với điểm cuối. Đúng, Trung Quốc sẽ mạnh lên, nhưng sẽ không thể bá quyền tới mức kiểm soát được Thái Bình Dương.
Helmut Schmidt: Không, sẽ rất lâu. Phải mất hơn một thế kỉ.
Lý Quang Diệu: Điều đó không thể xảy ra.
Helmut Schmidt: Tôi không chắc là điều đó có thể xảy ra không, nhưng trong thế kỉ 21 này thì không thể.
Tuần báo Zeit: Một trong những thành công to lớn nhất của châu Âu là giờ đây nó đã trở thành một châu lục hòa bình. Có thể nói rằng châu Âu đã biết học từ lịch sử. Còn châu Á thì sao? Giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều căng thẳng. Rồi còn đủ thứ lò bạo loạn khác: Triều Tiên, Đài Loan, Kashmir .
Lý Quang Diệu: Ở châu Á có những quyền lợi quốc gia riêng biệt đang xung đột nhau. Có hai động lực chính thúc đẩy. Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc có một quy mô nuốt chửng các nền kinh tế của Nhật, Hàn Quốc và những nước châu Á khác. Thứ hai là sự tự tin mỗi ngày một lớn của Trung Quốc. Càng giầu và mạnh lên thì người Trung Quốc càng tự tin. Vì thế các nước châu Á khác muốn Mỹ hiện diện ở đây để giữ thế thăng bằng.
Helmut Schmidt: Theo tôi biết thì vào khoảng năm 1500 nền văn minh Trung Quốc, gồm cả các ngành khoa học của nó, vượt xa nền kĩ thuật châu Âu ở thời điểm ấy. Sau đó châu Âu dần dần phát triển một thứ gọi là dân chủ, cái mà người Mỹ gọi là chủ nghĩa tư bản, cái mà người Mỹ ngày nay gọi là responbility to protect, “trách nhiệm bảo hộ”, mà theo họ là việc bảo hộ nhân quyền ở các quốc gia khác. Tôi có cảm giác châu Âu coi ba yếu tố đó là những thứ có thể áp dụng ở mọi nơi. Và tất nhiên là người Trung Quốc, người Singapore và một loạt các dân tộc khác, thí dụ ở thế giới Ả-rập, không tán thành như vậy. Công nghiệp hóa thì họ sẵn lòng tiếp nhận, nhưng dân chủ thì không, và họ không sẵn lòng tiếp nhận nhân quyền.
Lý Quang Diệu: Người Nhật, người Trung Quốc và cả người Hàn Quốc không cho rằng nhiệm vụ của họ là bảo người khác phải thay đổi điều gì để cai quản đất nước tốt hơn. Họ bảo, đó là chuyện của bạn. Tôi làm ăn với bạn trên nền tảng trung lập. Tôi không tìm cách thay đổi bạn. Phương Tây có khuynh hướng truyền đạo, các vị cho rằng hệ thống của các vị có giá trị toàn cầu: dân chủ và nhân quyền. Ở Ấn Độ, vì một lí do lạ lùng nào đó, dân chủ đã cắm rễ nhưng nhân quyền thì không, những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất diễn ra ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc, ý tưởng về nhân quyền vừa mới được nhen nhóm, trong khi ý tưởng về nhà nước đứng trên tất cả và bất khả xâm phạm thì vẫn còn rất mạnh.
Helmut Schmidt: Hệ thống Khổng giáo mà theo tôi vẫn còn tồn tại có một ưu thế lớn, vì nó hầu như không bao hàm những khía cạnh tôn giáo.
Lý Quang Diệu: Đúng thế. Cho nên ở Trung Quốc người ta cũng không đánh nhau vì những vấn đề tôn giáo.
Helmut Schmidt: Đó là một ưu thế lớn. Lòng hăng say truyền đạo của người Mỹ theo Thiên Chúa giáo – không biết cơ sở của nó là ở chỗ nào trong Kinh thánh, có lẽ cũng nên tìm hiểu. Thực ra nó không bám rễ sâu lắm trong đó.
Lý Quang Diệu: Nhưng đặc điểm văn hóa của dân Mỹ và các nhà lãnh đạo họ là muốn giáo dục chính phủ các nước khác. Theo tôi phương Tây có cái nhu cầu tự cho rằng mình đã giác ngộ và muốn người khác cũng giác ngộ như mình. Nhưng cũng có thể nhìn nhận động cơ đó theo hướng tích cực – rằng phương Tây muốn thay đổi thế giới, biến nó thành một thế giới tốt đẹp hơn.
Helmut Schmidt: Đúng.
Lý Quang Diệu: Mặt khác cũng có thể coi đó là thái độ ngạo mạn, các vị cho hệ thống của mình là ưu việt, và các vị muốn ép chúng tôi phải tiếp nhận.
Tuần báo Zeit: Những quyền con người nào thì có giá trị phổ cập và những quyền nào thì không?
Lý Quang Diệu: Quyền được sống theo ý mình của mỗi cá nhân; quyền an toàn cho chính mình và gia đình mình của mỗi cá nhân; quyền có việc làm, được đào tạo và chăm sóc y tế của mỗi cá nhân và con cái được học hành – tôi nghĩ rằng những quyền đó người Trung Quốc sẽ chấp nhận. Nhưng đòi được có một phiên tòa xét xử trước khi bị kết án hoặc tống giam, quyền đó không có trong hình dung của họ. Họ quyết định kẻ nào là mối nguy cho xã hội rồi tống vào tù
.
Zeit: Còn các quyền tự do hội họp, tự do chính kiến và tự do tôn giáo?
Lý Quang Diệu: Trung Quốc rất hạn chế quyền tự do hội họp.
Tuần báo Zeit: Vậy phương Tây có nên bảo vệ quyền đó không?
Lý Quang Diệu: Phương Tây có thể can thiệp bằng cách nào nhỉ?!
Tuần báo Zeit: Chính dân Trung Quốc đã đòi những quyền này. Năm 1989, những người biểu tình đã dựng một bản sao bức tượng “Nữ hoàng Tự do” ở Quảng trường Thiên An Môn.
Lý Quang Diệu: Vâng, nhưng họ là những chàng trai trẻ rất lãng mạn, và cuối cùng thì họ bị cắt đầu hoặc bắn sang Mỹ. Và dân chúng chỉ coi đó là một sự kiện nhất thời.
Helmut Schmidt: Dù đã già, cá nhân tôi vẫn sẵn sàng tự tay chống lại những kẻ tước đoạt quyền của mỗi con người, không chỉ riêng quyền được sống mà tất cả các quyền. Nhưng tôi dứt khoát không can thiệp vào một quốc gia khác để bảo vệ quyền con người ở đó. Phải nói là tôi rất sợ cái khái niệm “trách nhiệm bảo hộ”.
Lý Quang Diệu: Như ở Lybia – ném bom diệt được một nhà độc tài thì cuối cùng lại sinh ra nhiều vị chỉ huy quân đội cỡ nhỏ mà mỗi vị đều sẽ thành một nhà độc tài.
Tuần báo Zeit: Không có trường hợp nào mà ông thấy “trách nhiệm bảo hộ” là phản ứng chính đáng hay sao? Như trường hợp Khmer Đỏ ở Campuchia, hay trường hợp diệt chủng ở Ruanda ?
Lý Quang Diệu: Tôi tin rằng ngày nay trên bình diện quốc tế, diệt chủng là không thể chấp nhận. Nếu giết người vì lí do chủng tộc hoặc nếu một chủng tộc bị đem ra trừng phạt thì can thiệp là chính đáng. Đặc biệt trong trường hợp một nước lớn trừng phạt một nước nhỏ. Nếu không thì thế giới này sẽ thành vô luật pháp.
Helmut Schmidt: Nhưng cái “trách nhiệm bảo hộ” ấy có nguy cơ phình ra vô hạn. Có lẽ chúng ta có lí do chính đáng để bảo vệ người dân ở Ruanda . Nhưng điều đó quá phức tạp, nên chúng ta đã không làm. Có thể là chúng ta có bổn phận đạo đức phải hành động, cũng như đối với người dân ở Chechnya . Nhưng chúng ta đã không làm. Có thể trong trường hợp vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, chúng ta có bổn phận hành động. Nhưng chúng ta đã không làm. Chúng ta chỉ tuân theo cái bổn phận đó trong các trường hợp dễ thực hiện hoặc nếu được lợi thế tuyên truyền.
Lý Quang Diệu: Trong thực tế, phải khả thi thì mới hành động được. Không thể can thiệp vào vụ Thiên An Môn, vì như thế là gây hấn với một thế lực cực lớn. Còn Ruanda – tôi tin rằng Mỹ ân hận là đã không can thiệp.
Helmut Schmidt: Ông có ân hận là chúng ta đã không can thiệp không? (Im lặng khá lâu)
Lý Quang Diệu: Nếu ông muốn biết tôi có đồng ý gửi quân đi để ngăn hai phe xung đột không thì tôi xin nói là không. Còn nếu ông muốn biết rằng theo tôi, việc người Mỹ không can thiệp có sai không thì tôi xin trả lời rằng có, việc đó là sai.
Helmut Schmidt: Tôi tin rằng ông ý thức rõ tính đạo đức nước đôi trong câu trả lời vừa rồi.
Lý Quang Diệu: Vâng, tôi ý thức rõ.
Tuần báo Zeit: Phương Tây đã chế ngự thế giới suốt 500 năm. Giai đoạn lịch sử đó đang kết thúc. Thời đại nào sẽ bắt đầu? Thế kỉ Thái Bình Dương?
Lý Quang Diệu: Tôi không chia sẻ cách nhìn nhận thế kỉ này là Thế kỉ Thái Bình Dương. Tôi tin rằng đó sẽ là một thế kỉ mà Trung Quốc và Mỹ sẽ vượt qua Thái Bình Dương mà cạnh tranh. Nếu châu Âu đủ khả năng liên kết thì thế giới sẽ gồm ba cực. Và thêm Nga – nếu họ hồi phục – đó sẽ là một thế giới bốn cực. Trọng điểm của thế giới đã chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Đúng như vậy. Đừng nên quên rằng 300 năm trước, GDP của Trung Quốc đã chiếm gần 50 % của toàn thế giới và hiện nay đang dần dần tiến đến mức đó, chỉ trừ trường hợp nội bộ Trung Quốc có biến động gì đó.
Tuần báo Zeit: Có nghĩa là Trung Quốc không trỗi dậy, mà Trung Quốc hồi sinh?
Lý Quang Diệu: Gọi thế nào thì tùy, đó là một Trung Quốc mạnh hơn, với một tiếng nói vang to hơn trên nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau và một sức mạnh quân sự to lớn hơn để không cho kẻ nào tiến gần đến biên giới quốc gia.
Helmut Schmidt: Tôi có cảm tưởng rằng cái khái niệm dịch chuyển trung tâm quyền lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương này có xuất xứ từ Mỹ, và hình như nó được dùng để biện minh cho sự dịch chuyển của những mũi tiến và cứ điểm của hải quân và không quân Hoa Kì. Hiện nay Mỹ có một cứ điểm không quân ở Úc, một hạm đội thường trực có thể kiểm soát từ Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, Biển Hoa Đông, Biển Đông đến các vùng duyên hải Canada. Theo tôi thì người Mỹ đang cường điệu. Còn châu Âu, nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính khiếp đảm năm 2008 thì tôi vẫn đang lặp lại câu quảng cáo rằng chúng ta đang tiến tới một thế giới ba cực, gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.
Nguồn: Lược dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Wie chinesisch wird die Welt?”, Matthias Nass thực hiện, Die Zeit số 57, ra ngày 06-9-2012
http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/tham-dinh-ve-the-ky-trung-quoc.html
Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức
Có một câu chí lý thế này:
Hay bàn luận về khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp
kém. Hay bàn luận về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư
tưởng.
LTS: Lưu Á Châu sinh năm 1952, là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, có thời là Phó Chính uỷ bộ đội không quân Trung Quốc, nay là Chính uỷ Trường đại học
Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Stanford Mỹ.
Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn
học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là
quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan
tâm.
Dưới đây là phần lược dịch bài nói
ngày 11/9/2002 của ông – Trung tướng không quân Lưu Á Châu, lúc đó là
Chính uỷ bộ đội không quân Quân khu Thành Đô Trung Quốc, trước các cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn trở lên tại căn cứ không quân Côn Minh, Vân Nam.
Người phê phán văn hoá Trung Hoa
Trong quá khứ, tôi trước tiên là người
kế thừa văn hoá Trung Hoa, sau đó mới là người phê phán văn hoá Trung
Hoa. Hiện nay tôi trước tiên là người phê phán văn hoá Trung Hoa sau đó
mới là người kế thừa.
Lịch sử phương Tây là một bộ sử sửa cái
xấu, cái sai thành cái tốt, cái đúng. Lịch sử Trung Quốc thì là một bộ
sử sửa cái tốt cái đúng thành cái xấu cái sai. Thời cổ, phương Tây cái
gì cũng cấm, chỉ có điều không cấm bản năng con người. Trung Quốc cái gì
cũng không cấm, riêng bản năng thì cấm.
Người phương Tây dám thể hiện bản thân,
tức thể hiện tư tưởng mình và còn dám phô bầy thân xác loã lồ của mình.
Trung Quốc chỉ biết mặc quần áo, mặc quần áo cho tư tưởng. Mặc bao giờ
cũng dễ hơn cởi. Phương Tây đả kích mặt đen tối của mình, cho nên tìm
được ánh sáng, tư tưởng của họ đang bay bổng. Chúng ta ca ngợi sự sáng
sủa của mình, kết quả đem lại bóng tối nghìn năm.
Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có
nhà mưu lược. Hegel từng nói: “Trung Quốc không có triết học.” Tôi cho
rằng mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào.
Nhà tư tưởng tôi nói là những người như Hegel, Socrates, Plato, những
nhà tư tưởng ấy có cống hiến to lớn đối với tiến trình văn minh nhân
loại. Lão Đan [tức Lão Tử - ND], bạn nói ông ấy là nhà tư tưởng phải
không?
Chỉ dựa vào “Đạo đức kinh” 5000 chữ mà có thể làm nhà tư tưởng ư? Đấy là chưa nói “Đạo đức kinh” của ông có vấn đề.
Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng
chăng? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào? Tác phẩm của ông bị xem xét
ra sao? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc
một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông
cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực.
Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là
một tôn giáo rởm; nếu là tín ngưỡng thì là tín ngưỡng rởm; nếu là triết
học thì đó là triết học của xã hội quan trường hoá. Xét trên ý nghĩa này
thì Nho học có tội với người Trung Quốc.
Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng,
chỉ có nhà mưu lược. Xã hội Trung Quốc là xã hội binh pháp, dân tộc ta
chỉ tôn sùng nhà mưu lược. Một Gia Cát Lượng chẳng mấy thành công về sự
nghiệp lại được người ta kỷ niệm nhiều lần. Ông ấy bụng dạ kém khoáng
đạt, cách dùng người cũng chưa thích hợp.
Có tư liệu cho thấy ông ta còn là kẻ
lộng quyền. Nhưng chính con người như thế lại được nâng lên tầm cao phát
sợ. Đây cũng là một phác hoạ tâm hồn dân tộc ta. Dưới hình thái xã hội
như thế có ba loại hành vi thịnh hành ở Trung Quốc.
Ba loại hành vi thịnh hành tại Trung Quốc
1.Thuật nguỵ biện.
Con trai tôi năm nay thi vào khoa báo chí một trường đại học. Khoa này
là một trong những khoa báo chí tốt nhất Trung Quốc. Tôi bảo nó: Đưa
giáo trình cho bố xem. Đọc xong tôi bảo thứ này không đáng đọc. Trong
giáo trình có một suy đoán như sau: Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ;
thuốc nổ truyền tới châu Âu đã phá tan dinh luỹ phong kiến Trung thế kỷ
của châu Âu. Thật nực cười. Thuốc nổ anh phát minh ra phá tan dinh luỹ
phong kiến của người ta, thế sao dinh luỹ của chính anh lại không bị phá
vỡ? Ngược lại còn vững chắc hơn?
Tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, khi
thảo luận vấn đề Đài Loan có một quan điểm được nhiều người tán đồng như
sau: Đài Loan như một cái ổ khoá. Nếu không giải quyết được vấn đề Đài
Loan thì ổ khoá ấy sẽ khoá chặt cánh cổng lớn của Trung Quốc, Trung Quốc
sẽ không có lối ra biển cả. Đó là sự nguỵ biện. Tây Ban Nha sau khi trở
thành cường quốc biển, đâu có thể ngăn cản anh hàng xóm Bồ Đào Nha cũng
trở thành cường quốc biển. Eo biển Dover của Pháp cách nước Anh có 28
hải lý, Anh Quốc có thể ngăn cản Pháp trở thành cường quốc biển không?
Trung Quốc mất biển, chủ yếu là do tầng lớp thống trị Trung Quốc nhiều đời chưa có quan điểm Quyền lực biển.
Có lẽ mọi người chưa chú ý tới chuyện
một số hội Phật Giáo, Đạo giáo thường đứng ra chủ trì việc phê phán một
số đoàn thể mê tín phong kiến, các vị đạo trưởng ung dung nói năng, phê
phán người ta là mê tín phong kiến. Tôi muốn cười thầm nhưng lại không
nhịn được cười thành tiếng. Bảo người ta là mê tín phong kiến, lẽ nào
ông là duy vật chăng? Chẳng phải cũng là mê tín đó sao?
2. Đối ngoại lôi kéo vỗ về, đối nội tàn nhẫn.
Văn minh châu Âu và văn minh Trung Quốc hầu như đồng thời cất bước
nhưng châu Âu hình thành nhiều quốc gia nhỏ, Trung Quốc hình thành một
đại đế quốc thống nhất. Nói tới chuyện này chúng ta thường hí hửng phấn
khởi. Thực ra châu Âu hình thành nhiều quốc gia như thế chính là một
dạng thể hiện tư tưởng tự do của họ. Tuy hình thành nhiều quốc gia như
vậy nhưng bao nhiêu thứ có liên quan đến văn minh nhân loại chính là
sinh ra từ các tiểu quốc chia tách ra ấy.
Còn chúng ta đã làm được gì cho văn minh
thế giới? Có thể khẳng định, thống nhất giang sơn có mối quan hệ tất
nhiên nào đó với tư tưởng thống nhất. Xã hội mưu lược là xã hội hướng
nội.
Tôi từng nghiên cứu kỹ sự khác biệt giữa
Trung Quốc với Mỹ. Trên mặt công việc quốc tế, về cơ bản Trung Quốc mềm
mỏng, còn trên mặt công việc trong nước thì cứng rắn. Nước Mỹ ngược
lại, họ rắn trên mặt công việc quốc tế, mềm trên mặt công việc trong
nước. Chẳng còn nhớ trong một cuốn sách nào đấy tôi có đề cập vấn đề
này, có lẽ là cuốn Đánh giá nguy hiểm tác chiến với Đài Loan, và kết luận: Chuyện này là do sự khác biệt văn hoá quyết định.
Văn hoá Trung Quốc có tính khép kín, kín
đáo, hướng nội. Văn hoá Mỹ thì cởi mở, hướng ngoại. Tư tưởng đại nhất
thống cũng là tư tưởng kiểu hướng nội. Điều đó giải thích vì sao trước
bọn xâm lược nước ngoài thì chúng ta là bầy cừu, trước đồng bào mình thì
chúng ta là lang sói. Ngót trăm lính Nhật là đủ để áp giải 50 nghìn tù
bình quân Quốc Dân Đảng đến Yến Tử Cơ [một địa danh thuộc tỉnh Giang Tô -
ND] xử bắn. Chưa nói đến chống lại, các tù binh này chẳng có cả tới
dũng khí bỏ chạy nữa kia.
3. Hành vi thô bỉ.
Sự thô bỉ về tinh thần ắt đem lại sự thô bỉ trong hành vi. Sự cao quý
tinh thần ắt sẽ đem lại sự cao quý trong hành vi. Khoảng hai chục năm
trước khu phố nhà tôi có xảy ra chuyện như sau: Một đôi vợ chồng li dị,
ông chồng dẫn cô bồ mới về nhà, hai vợ chồng cãi nhau. Bà vợ chạy lên
gác trên muốn nhảy lầu. Rất nhiều người xúm lại xem. Có kẻ vì hí hửng
khi thấy người khác gặp tai nạn mà hét to: “Nhảy đi, nhảy đi!” Về sau
cảnh sát đến cứu được bà kia xuống, những người xem thậm chí còn cảm
thấy tiếc rẻ.
Tôi thở dài một cái rồi về nhà, mở ti-vi
xem. Đúng lúc ấy trên ti-vi đang chiếu bộ phim kể về một chuyện có thật
xảy ra ở châu Âu. Chuyện như sau: Một nước nào đó, nhớ mang máng là
Hungary thì phải, 70 năm trước có một anh thợ mỏ trẻ sắp cưới vợ. Trong
lần cuối cùng xuống giếng mỏ trước ngày cưới thì mỏ xảy ra sụt lở, anh
thợ kia mãi mãi không thể trở về. Cô dâu không thể tin rằng người yêu
của mình có thể bỏ cô mà đi, cứ thế đằng đẵng chờ 70 năm trời.
Cách đây ít lâu người ta sửa lại hầm mỏ,
phát hiện thấy trong vũng nước đọng ở chỗ sâu có một xác người. Đó
chính là chàng rể- thợ mỏ nọ bị vùi dưới giếng 70 năm trước. Vì dưới ấy
không có không khí, xác lại ngâm trong nước có khoáng chất nên người ấy
trông vẫn trẻ như lúc chết. Cô dâu thì đã là bà lão tóc bạc phơ.
Bà cụ ôm lấy người yêu khóc nức nở. Bà
quyết định tiếp tục làm lễ cưới của họ. Cảnh này thật quá xúc động: Cô
dâu 80 tuổi mặc áo cưới trang trọng một màu trắng như tuyết. Tóc cũng
trắng như tuyết. Người yêu của bà thì vẫn trẻ như xưa, mắt nhắm nghiền
nằm trên cỗ xe ngựa. Hôn lễ và tang lễ đồng thời tiến hành. Bao nhiêu
người rơi lệ.
Vụ 11/9 thử thách trình độ đạo đức quốc dân
Vụ 11/ 9 năm ngoái là sự việc có thể
khảo nghiệm trình độ đạo đức của dân tộc ta nhất. Hôm nay [tức
11/09/2002 - ND] vừa đúng tròn một năm sự kiện ấy. Vụ 11/ 9 tuy không
thể thay đổi thế giới nhưng đã thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới sau
ngày ấy rất khó trở lại trước sự kiện này.
Khi xảy ra vụ 11/9, ít nhất trong một
quãng thời gian sau đó nước ta bị bao phủ bởi một bầu không khí không
lành mạnh. Tối hôm 12/9, có người bạn gọi điện thoại cho tôi nói sinh
viên ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa đang khua chiêng gõ trống. Tôi bảo đội
tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc còn chưa lọt vào vòng sau kia mà, phải
đến mồng 7/10 đội Trung Quốc mới đấu trận cuối cùng với đội Liên hiệp
Vương quốc A Rập, nếu thắng thì sẽ lọt vào danh sách dự World Cup. Một
lúc sau mới biết thì ra sinh viên Trung Quốc đang chúc mừng việc toà
tháp đôi Mỹ bị đánh sập.
Báo chí nước ngoài đưa tin: Hồi ấy có
một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Mỹ, khi thấy hình ảnh toà nhà
Trung tâm Thương mại thế giới bị đánh phá, các thành viên đoàn nhà báo
này bất giác vỗ tay. Đây là một dạng ngấm văn hoá; điều đó không thể
trách họ, bọn họ đã không thể kiềm chế được bản thân.
Kết quả họ bị [chính phủ Mỹ - ND] tuyên
bố là những người mãi mãi không được hoan nghênh. Hồi ấy tôi đang ở
Không quân Bắc Kinh [1], mấy hôm ấy đều có người ở bộ đội đến thăm, gặp
ai tôi cũng hỏi quan điểm của họ đối với vụ 11/9. Tất cả đều trả lời:
Đánh bom hay lắm.
Sau này tôi nói đây là một tình trạng
rất đáng buồn. Nếu những người ấy yêu mến Trung Quốc, thế thì có cứu
được Trung Quốc hay không? Về giới truyền thông thì càng chẳng nên nhắc
tới. Ở Trung Quốc, nơi không có tin tức nhất là trên báo chí.
Năm 1997 công nương Diana chết vì tai
nạn giao thông. Cho dù Diana là người thế nào, hoàng gia Anh Quốc ra sao
thì ít nhất bà ấy cũng có giá trị tin tức. Các tờ báo lớn trên thế giới
đều đăng tin này trên trang nhất, riêng báo chí Trung Quốc không đăng
tin ấy. Hôm đó tin tức đầu bảng của các tờ báo lớn ở Bắc Kinh là “Các
trường trung, tiểu học Bắc Kinh hôm nay khai giảng”. Tin này chẳng khác
gì tin “Người Bắc Kinh hôm nay ăn sáng rồi”, chỉ có cái giá trị [thông
tin - ND] ấy thôi.
Tối hôm 11/9 tôi ngồi xem chương trình
“Tiêu điểm phỏng vấn” trên ti-vi. Tôi muốn xem xem “những cái miệng lưỡi
của đất nước” đánh giá tiêu điểm vụ 11/9 như thế nào. Kết quả chương
trình “Tiêu điểm phỏng vấn” hôm ấy có nội dung là nói về việc các chi bộ
ở nông thôn tăng cường xây dựng chi bộ gì gì đó. Bạn muốn xem cái gì
thì không có cái ấy. Cái bạn không muốn nghe thì người ta cứ nói cho mà
nghe. Dĩ nhiên, những cái miệng lưỡi của quốc gia thì vô tội.
Văn hoá truyền thống ảnh hưởng tới quan niệm đạo đức
Năm 1999 Mỹ tấn công Nam Tư. Trung Quốc
đứng ra phản đối. Cái giá của lần ấy là Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam
Tư bị bắn phá. Suýt nữa thì Trung Quốc lại đứng ra lần nữa. Đoàn tàu văn
hoá này của chúng ta có quán tính lớn, chở chúng ta, những kẻ có khiếm
khuyết đạo đức, phóng như bay tới điểm chót.
Hồi ấy có người còn đề xuất nhân dịp này
tấn công Đài Loan, ra tay một lần là xong. Có thể thông cảm với nỗi
lòng của các bạn ấy, nhưng bấy giờ quả thật không phải là thời cơ thích
hợp. Hồi ấy tôi nghĩ, vụ 11/9 chết bao nhiêu người, đều là người vô tội.
Cái mất đi là sinh mạng con người, thứ tôn nghiêm nhất trên thế giới.
Những sinh mạng ấy không có liên quan với chính phủ Mỹ. Chúng ta dùng
thái độ như vậy đối xử với người ta, nhưng người ta không dùng thái độ
như vậy đối xử với ta.
Thảm án Dover hình thành sự đối chiếu rõ
rệt với việc này. Năm 2000, một đoàn người Phúc Kiến vượt biên trái
phép ngồi trong xe thùng bịt kín cập cảng Dover lên đất Anh Quốc. Vì
ngồi mấy chục giờ trong thùng xe thiếu không khí, tất cả đều chết ngạt
[2], chỉ có 2 người sống sót.
Khi vụ này bị phanh phui, không một quan
chức nào của Đại sứ quán Trung Quốc xuất đầu lộ diện. Cuối cùng dân
chúng Anh Quốc vùng Dover tự phát làm lễ truy điệu và lễ thắp nến tưởng
niệm những người đã chết.
Rất nhiều trẻ em tham dự, chúng cầm
trong tay những thứ đồ chơi chế tạo tại Trung Quốc. Nhân đây xin nói
thêm, hiện nay 90% đồ chơi trên thế giới là Made in China. Nhà báo hỏi
lũ trẻ: Tại sao các cháu dự lễ truy điệu? Bọn trẻ nói: Họ cũng là người
cả mà; các thứ đồ chơi trong tay chúng cháu cầm đây có thể là do những
người trong số họ sản xuất.
Không một người Trung Quốc nào có mặt
trong buổi lễ truy điệu ấy. Thế nào là văn minh, thế nào là không văn
minh? Tôi đang suy nghĩ.
Thờ ơ, coi nhẹ sinh mạng con người thật đáng sợ
Thật là đáng sợ khi người ta ca ngợi
khủng bố. Trung Quốc thoát thai từ nền văn hoá giáo dục Trung Quốc,
trước hết thờ ơ coi khinh sinh mạng của chính mình, từ đó mới có thái độ
coi tính mạng của người khác, nước khác như trò trẻ con. Bản thân không
có quyền lực quý trọng sinh mạng mình, cũng không cho người khác có cái
quyền ấy. Tâm trạng “khán giả” năm xưa từng bị Lỗ Tấn hồi trẻ phê phán
chính là được tôi luyện như vậy đấy.
Người Trung Quốc xem cảnh giết người
khác, không ai không vui mừng phấn khởi. Giai cấp thống trị cố ý đem
người ta ra giết tại nơi đông người. Kẻ bị thống trị thì hưởng thụ tại
nơi đông người cái cảm giác khoái trá của kẻ thống trị. Nhất là khi xử
tử bằng kiểu tùng xẻo, kéo dài ba ngày, người xem đông nghìn nghịt. Cả
đến những chủ sạp hàng nhỏ cũng bày hàng ra bán tại đấy. Đao phủ còn bán
bánh màn thầu dính máu.
Trung Quốc ngày nay không có tục tùng
xẻo nữa. Nhưng xử án tại nơi đông người cũng là sự mở rộng tập quán đó.
Người nước ta năm nào đi xem giết Lục Quân Tử Đàm Tự Đồng [3] như đi
trẩy hội. Với những người như thế, trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ [4]
ta sao mà không mất Đài Loan. Con cháu họ, tức chúng ta, nếu lại như họ
thì làm sao mà giải phóng được Đài Loan.
Khi có kẻ xấu hành hung trên xe buýt,
những người đi xe đều im thin thít. Dựa vào những con người ấy đi giải
phóng Đài Loan ư? Dựa vào họ để thực hiện 4 hiện đại hoá ư? Bạn thực
hiện 4 hiện đại hoá rồi thì có lợi gì nhỉ?
Sáng nay khi tập thể dục tôi tranh thủ
xem truyền hình, chương trình quảng cáo “Tin tức buổi sáng”, sản phẩm
nào bán chạy nhất? Đó là cửa chống trộm. Đây là nỗi buồn của một dân
tộc. Bạn xem đấy, nhà chúng ta ở chẳng khác gì cái cũi. Tại Thành Đô,
tôi ở căn nhà mấy vị chính uỷ không quân tiền nhiệm từng ở. Tôi vào xem,
ôi chao, như vào nhà giam ấy. Cửa sổ, ban công đều bao bọc bằng hàng
rào chấn song chống trộm. Tôi bảo dỡ bỏ hết.
Hôm nọ đọc một cuốn sách có tên “Trung Quốc có thể nói Không“. Tôi bảo, anh có thể nói Không, nhưng anh đứng sau cánh cửa chống trộm mà nói Không;
đó chẳng phải là dũng sĩ mà là kẻ hèn nhát. Kiều Lương [5] nói chí lý:
[Đó là] “Những người yêu nước khi gặp bọn trộm cướp mà còn lánh mặt
nhưng lại dũng cảm dõng dạc nói Không với một cường quốc ở xa tít mù!”
Cần nhìn nhận nước Mỹ một cách khách
quan toàn diện. Nước Mỹ là một quốc gia như thế nào? Nhớ lại hồi trẻ
từng nghe một câu nói hình dung thành phố New York: Cái tốt nhất trên
thế giới và cái xấu nhất trên thế giới cộng lại với nhau thì là New
York. Dùng câu ấy để hình dung nước Mỹ ngày nay có thích hợp hay không?
Thế hệ quân nhân chúng ta, những quân
nhân đảm nhận niềm hy vọng tương lai của tổ quốc, vừa không nên làm
“phái thân Mỹ”, cũng chẳng thể làm “phái chống Mỹ” một cách đơn giản, mà
nên làm “phái hiểu Mỹ” chín chắn.
Hiểu kẻ địch thì mới chiến thắng được kẻ
địch. Đánh giá thấp đối thủ tức là đánh giá thấp chính mình. Thác Bạt
Đạo [6] đổi tên nước của Nhu Nhiên thành “Nhu Nhu”, ý là sâu bọ, nhưng
chính ông lại bị con sâu ấy đánh bại. Thế thì ông chẳng bằng con sâu nữa
kia.
Mỹ không muốn Trung Quốc hùng mạnh, hoàn
toàn cũng như Trung Quốc không muốn Mỹ xưng bá. Mối quan hệ Trung Quốc-
Mỹ có xung đột nhưng cũng có lợi ích chung nhất định. Làm thế nào hoá
giải xung đột, phát triển lợi ích chung là việc các nhà ngoại giao Trung
Quốc hiện nay nên cố gắng làm.
Trung Quốc muốn phát triển thì không thể
cắt đứt sự đi lại với thế giới. Thế giới hiện nay là đơn cực, chỉ khi
nào Mỹ suy sụp thì mới có thể xuất hiện thế giới đa cực. Chúng ta vừa
không thể cắt quan hệ với Mỹ lại vừa không thể có quá nhiều kỳ vọng về
Mỹ. Hiện nay mà đối kháng với Mỹ thì chưa phải là thời cơ thích hợp
nhất. Lợi ích quốc gia nên mãi mãi là chuẩn tắc cao nhất cho hành động
của chúng ta. Chúng ta cần nhẫn nại; nhẫn nại không phải là mềm yếu, chỉ
có khuất phục mới là mềm yếu.
Đấu tranh ngoại giao càng cần đấu trí
Dĩ nhiên Mỹ không từ bỏ dã tâm diệt chủ
nghĩa xã hội. Dĩ nhiên Mỹ không muốn Trung Quốc trỗi dậy, không muốn
kinh tế Trung Quốc phát triển đi lên. Nhưng cần nhớ cho kỹ: Khi đấu
tranh với đối thủ, nhất định phải làm cho đối thủ của anh nhìn thấy cái
tình hình họ không muốn thấy nhất.
Người Mỹ muốn người Trung Quốc đánh nội
chiến; chúng ta quả thật đánh nội chiến rồi. Họ không rúc trong chăn mà
cười đến nôn ruột thì mới lạ chứ. Dĩ nhiên nhất mực “Nằm gai nếm mật,
thao quang dưỡng hối [vờ ngu giả dại/ giấu tài - ND]” cũng không được.
Là một nước lớn, Trung Quốc có thể làm
theo cách như một võ hiệp thời xưa ẩn vào núi sâu khổ luyện võ công, chờ
khi võ nghệ cao cường rồi tái xuất quyết thắng kẻ địch chăng? Với số
dân và tài nguyên của Trung Quốc, đặc biệt là với nền văn hoá của mình,
Trung Quốc không thể lớn mạnh như nước Mỹ được, huống chi Mỹ cũng chẳng
dừng lại không tiến lên.
Vẫn là Mao Trạch Đông nói chí lý: “Đánh
vẫn cứ phải đánh, đàm [đàm phán - ND] vẫn cứ phải đàm, hoà vẫn cứ phải
hoà.” Con người cần khôn ngoan tài trí, đấu tranh ngoại giao lại càng
cần khôn ngoan. Phải dắt mũi người ta mà đi chứ đừng bị người ta dắt.
Khơ-rut-xôp là một tay khôn ngoan. Tôi
xin kể cho các bạn nghe chuyện này: Tại một đại hội nọ [ý nói Đại hội XX
đảng Cộng sản Liên Xô - ND], Khơ-rut-xôp ra sức vạch trần và phê phán
chế độ chính trị tàn bạo của Stalin. Có người chuyển lên một mẩu giấy
chất vấn Khơ-rut-xôp: Bản thân Khơ-rut-xôp cũng là một thành viên trong
tập đoàn quyền lực nòng cốt khi Stalin nắm chính quyền.
Vì sao hồi ấy ông không đứng lên chống
lại sự độc đoán của Stalin? Khơ-rut-xôp cao giọng đọc nội dung mẩu giấy
kia rồi lớn tiếng nói với mọi người: Đây là mẩu giấy của ai thế? Xin
người đó đứng ra! Đứng ra nào! … Bên dưới nhốn nháo một lúc nhưng chẳng
thấy ai đứng ra cả.
Khơ-rut-xôp nói: Mọi người xem đấy,
chúng ta hiện nay dân chủ như thế này, trong tình hình chẳng có gì phải
sợ hãi mà ngay cả đồng chí viết mẩu giấy này cũng không dám đứng ra. Vậy
hãy nghĩ xem, trong bầu không khí dưới thời Stalin thống trị ấy có
người nào dám đứng ra cãi lại Stalin không? Cả hội trường vỗ tay.
Chúng ta đấu tranh với Mỹ nên có sự khôn
ngoan ấy của Khơ-rut-xôp. Khi cần thao quang dưỡng hối thì thao quang
dưỡng hối đến tận nhà. Như một câu đồng chí Đặng Tiểu Bình năm nào nói
với Thủ tướng Canada Trudeau (đại ý): Cái Thao quang dưỡng hối chúng tôi
nói bao gồm cả việc không cần giữ thể diện cũng nhất định phải giữ mối
quan hệ với quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Ý của đồng chí Đặng
Tiểu Bình là Trung Quốc nhất định phải bước cùng nhịp với văn minh thế
giới, không thể xa rời nền văn minh thế giới.
Không có lý do căm ghét Mỹ
Trong sự kiện 11/9, trừ một số quốc gia
cá biệt, một bộ phận dân chúng Trung Quốc (chứ không phải là chính phủ)
đã tỏ ra mình ở cách nền văn minh dòng chính của thế giới một khoảng
cách xa nhất.
Khi cần đấu tranh thì một tấc cũng không
nhường. “Sùng bái Mỹ” là không đúng, “Thân Mỹ” không đúng, “Ghét Mỹ”
cũng không đúng. Chính phủ và chính khách Mỹ vừa giống dân chúng Mỹ lại
vừa không giống. Bạn cần phải có trí tuệ cao để phân biệt họ.
Trong quá khứ, vì để giúp Trung Quốc
thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến
lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Quốc. Hai nước Trung Quốc-
Mỹ không có xung đột lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải
khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm
lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động. Tôi từng nói
rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà
chúng ta thường xuyên nói 2 nước “phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với
nhau”. Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp
ta đánh bại Nhật?
Những cái đáng sợ của Mỹ
Đâu là chỗ thực sự đáng sợ của nước Mỹ?
Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiên tiến
nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng những cái đó không đáng sợ. Nghe nói
máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất
thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ
không phải là những thứ ấy.
Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên
lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói: “Nước Mỹ là đại
diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn, đã sắp xuống mồ, hết hơi
rồi.” Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên
phản bác: “Thưa thày, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ. Tuy rằng nước
Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8- 9 giờ sáng, nhưng
Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời lúc
giữa trưa ạ.”
Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng
nói: “Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả!” Ông ấy không hỏi tôi
tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ “dám”. Lúc đó tôi thấy hết tâm
trạng của ông.
Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy
tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học
kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc
bắt đầu cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là quốc gia
do hàng chục triệu con người không yêu tổ quốc mình hợp thành, nhưng họ
đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo vừa chửi Mỹ vừa gửi
con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!
Nói một thôi một hồi rồi, vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu? Tôi cảm thấy có ba điểm.
Điểm thứ nhất,
không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ
tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh.
Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị,
phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người
quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có
cương vị thì không có đầu óc.
Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp
của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế, 1 là họ không mắc sai
lầm; 2 là họ ít mắc sai lầm; 3 là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng
sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm
rồi thì rất khó sửa sai.
Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để
kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ. Nước cờ này họ đi thật linh hoạt,
thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế.
Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc
trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với
các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều,
đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.
Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối
với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những
gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn
mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc
gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng
dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc
gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho
nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều
góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì
có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.
Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến
lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa
là Mỹ không bao vây Trung Quốc. Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung
Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh
lệch về KHKT và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân
đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn,
nhất là trên tầng nấc ngoại giao.
Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm
Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. Sức ép
quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta
giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó
không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối
với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt
quân sự.
Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước
xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi
là quốc gia “dân chủ”. Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi
rồi. Cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia,
lại cộng thêm vùng Đài Loan. Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê
gớm hơn đe doạ quân sự. Đe doạ quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn
việc bị cái gọi là các quốc gia “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.
Điểm thứ hai,
sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang
Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn: Sáng sớm, các đường phố lớn ở
châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ
đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một
câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một
kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên. Một quốc gia có sức sống hay
không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.
Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót
để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường
xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút
giận, là một dạng trút sự bực bội và thoả mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó
là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ
nước mình ngoài phố. Đới Húc [7] nói: Nếu một quốc gia có thể đốt cả
quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?
Điểm thứ ba,
sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ
11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên,
nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà
linh hồn đã đầu hàng.
Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có
thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ. Việc thứ nhất,
sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa
cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng
trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn
lắm.
Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên
trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn
bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi
trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc
tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có
hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng
không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.
Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế
giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng,
tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số
thương nhân người A Rập cũng bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người
Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A
Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi
kịch tiếp theo.
Đó là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng
ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa
Đặng Ngải [8] sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức [9]
giết sạch giá trẻ gái trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử
loang lổ vết máu không bao giờ hết.
Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị
rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau
đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay
rơi. Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Lầu Năm
Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải
đấu tranh sống chết với bọn khủng bố.
Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một
chuyện thế này: Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với
bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ
cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác. Sau khi toàn thể mọi
người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc. Dân chủ là gì; đây tức là dân
chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong
xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh.
Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế
giới.
Nên tham khảo kinh nghiệm thành công của Mỹ
Tôi thường có ý nghĩ quái lạ như thế
này: Những vũ khí đỉnh cao nhất, KHKT tối tân và lực lượng vũ trang mạnh
nhất trên thế giới nếu nằm trong tay những người như thế là rất thích
hợp. Bao giờ cũng hơn nằm trong tay người Nhật, người Libya, người Iraq
chứ? Cho là nằm trong tay chúng ta thì chúng ta có thể làm gì, điều đó
cũng chưa thể biết. Nước Mỹ, quốc gia này có rất nhiều kinh nghiệm thành
công, đáng để chúng ta tham khảo học tập. Sau vụ 11/9, Mỹ không thành
lập Uỷ ban 11/9, không lập Bộ Chỉ huy ứng phó tình trạng khẩn cấp gì gì
đó.
Tôi cực lực phản đối những thứ không
thực tế. Sau khi đến bộ đội không quân Thành Đô, tôi chủ trương hoặc
không họp hoặc ít họp hành. Cuộc họp nào không thể không họp thì họp
ngắn thôi. Đến nơi trước tiên tôi thay đổi việc học tập của các Uỷ viên
thường vụ thành tự học.
Cầm văn kiện đọc thì học được cái gì kia
chứ. Tôi đang đấu tranh với thế lực thói quen. Lực lượng cá nhân tôi có
hạn nhưng tôi không thể không đấu tranh. Cho dù sứt đầu mẻ trán cũng
không được nản chí. Chẳng hạn nói chung khi xuống thăm bộ đội, tôi đều
không ăn cơm. Chỉ cần có thể về nhà trong ngày thì tôi đều mang theo
lương khô chứ không ăn cơm bộ đội.
Khi ở bộ đội không quân Bắc Kinh tôi đến
sư đoàn 33 cũng thế. Nếu không thể không ăn thì tôi chỉ ăn đơn giản.
Tuy rằng nói uống một chén rượu chưa đủ làm đổ cờ đỏ, ăn một bữa cơm
chưa thể mất giang sơn, nhưng nhiều lần quá, lãng phí quá, tích tiểu
thành đại thì rất khó nói. Có người nói đánh Đài Loan chẳng cần dùng vũ
khí mới gì cả, cứ cho mấy vị cán bộ lên đảo ấy ăn nhậu các thứ của họ 2-
3 năm thì bảo đảm ăn hết các thứ của họ.
Còn một chuyên tiếu lâm nữa nói về
chuyện họp hành. Có ông cục trưởng ốm sắp chết đến nơi, chỉ có điều
không trút được hơi thở cuối cùng. Bà vợ bảo con cháu đến đông đủ cả
rồi, ông yên tâm lên đường đi. Không được, chưa chết được. Vợ lại nói,
mọi chuyện đều thu xếp ổn thoả rồi, ông yên tâm lên đường đi. Không
được, chưa chết được. Vợ bảo, tài sản nhà ta đã thu xếp xong xuôi cả
rồi, ông cứ đi đi. Cũng chưa được đâu. Về sau, vẫn là tay thư ký tương
đối hiểu ông ta bèn ghé tai cục trưởng nói: “Báo cáo cục trưởng, mọi
người đến đủ cả rồi, ta họp thôi ạ.” Lúc ấy cục trưởng mới hả lòng hả dạ
nhắm mắt xuôi tay. Dĩ nhiên đây là chuyện bịa nhưng nó nói lên sự phản
cảm, chán ghét của mọi người đối với thói quen ấy.
Sự kiện 11/9 là cơ hội của nước Mỹ, cũng
là cơ hội của Trung Quốc. Làm không tốt thì Trung Quốc trở thành vật hy
sinh lớn nhất của sự kiện đó. Vấn đề then chốt là anh nắm cơ hội thế
nào, toàn thế giới đều đứng trước dịp xóc lại quân bài. Khi nghiên cứu
nước Mỹ, chúng ta nên nắm được nội hàm thực sự của nó, không thể chỉ xem
cái nhỏ mà phải xem cái lớn. Có một câu chí lý thế này: Hay bàn luận về
khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp kém. Hay bàn luận
về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư tưởng.
….
Hôm nay lần đầu tiên gặp các cán bộ cấp
tiểu đoàn trở lên của căn cứ Côn Minh, tôi đã nói chuyện nhiều thế này
với thái độ vô cùng thẳng thắn và mạnh dạn. Đây là thành quả nghiên cứu
của tôi, tôi chịu trách nhiệm về bài nói của mình.
Chỗ nào tôi nói đúng thì các đồng chí
ghi nhớ. Chỗ nào nói sai thì các đồng chí nghe tai bên này, cho ra tai
bên kia, tủm tỉm cười bỏ qua, chớ cho là chuyện gì cả. Mỗi người là một
cá thể, mỗi cá thể đều tự do. Tôi không thể yêu cầu áp đặt tư tưởng của
tôi cho các đồng chí, tôi lại càng không thể yêu cầu đem tư tưởng của
các đồng chí thống nhất vào một tư tưởng nào đó. Chuyện đó không thể
được, nhưng chúng ta lại cứ khăng khăng tìm kiếm khả năng ấy, đây là
chuyện hão huyền, trên thực tế không làm nổi.
-
[1]: Tác giả đang là Chủ nhiệm chính trị bộ đội Không quân của Quân khu Bắc Kinh]
[2]: 60 người này lấy hộ chiếu sang Đông
Âu rồi chui vào xe container chở bằng tàu biển từ Bỉ bí mật sang Anh,
ngày 19/6 /2000, hải quan cảng Dover kiểm tra container phát hiện 58
người chết]
[3]: Đàm Tự Đồng: Nhà chính trị cuối đời
Thanh, chủ trương duy tân, sau khi phong trào Duy tân Trung Quốc thất
bại, ông bị xử tử cùng 5 người khác, 6 chí sĩ này được gọi là Lục Quân
tử.
[4]: Chiến tranh Giáp Ngọ: Chiến tranh
Trung Quốc- Nhật xảy ra năm Giáp Ngọ tức năm 1894. Kết quả Nhật thắng,
Trung Quốc phải cắt đảo Đài Loan cho Nhật].
[5]: Thiếu tướng không quân, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng
[6]: Tức Thế tổ Bắc Nguỵ, Thái Vũ hoàng
đế, vị thống soái kỵ binh kiệt xuất thời Nam Bắc Triều. Dẫn quân diệt
các nước Hạ, Bắc Yên,… thống nhất phương Bắc; diệt nước Hãn của Nhu
Nhiên tại Mông Cổ
[7]: Đại tá không quân Trung Quốc, viết nhiều chuyên luận quân sự, chính trị
[8]: 197-264, tướng giỏi nước Nguỵ, năm 263 đánh Thục Hán, đầu tiên chiếm Thành Đô, là công thần diệt Thục của họ Tư Mã.
[9]: Bàng Đức là một viên tướng chủ chốt của Tào Tháo
Lưu Á Châu (Liu Ya-zhou, Trung QuốcHoài nghi đã thành lối sống của người dân Trung Quốc
Tác giả: Phương Hiểu (PV Epochtimes)
Người dịch: Quốc Thanh
20-01-2011
Mâu thuẫn xã hội do cưỡng chế phá dỡ gây ra đã trực tiếp dẫn đến sụt giảm độ tín nhiệm của chính phủ cộng sản Trung Quốc
Hiện
nay, độ tín nhiệm của chính phủ và giới truyền thông Trung Quốc đại lục
đã phải chịu sự thách thức chưa từng thấy. Những lời lẽ hoài nghi chính
phủ, không còn tin vào chính phủ, hoài nghi tất cả nghiêng về phía dân
chúng đã trở thành ý thức tập thể của toàn bộ mọi nhóm người.
Mới đây, báo chí phát ngôn của Đảng cộng
sản Trung Quốc cũng đã thừa nhận trong một bài viết rằng, hoài nghi tất
cả đã thành lối sống của người dân đại lục. Điểm nóng trên các trang
mạng như vụ Tiền Vân Hội… đang trở thành một chiếc gương phản chiếu độ
tín nhiệm vào chính phủ và báo chí truyền thông, “chính phủ nói gì cũng
tỏ ra hoài nghi, điều này đã trở thành thói quen của số đông người”.
Vị luật sư Quảng Châu Đường Kinh Lăng
khi được phóng viên Epochtimes phỏng vấn đã bày tỏ: Sự mất tín nhiệm
của dân chúng đại lục đối với Đảng cộng sản Trung Quốc không phải bây
giờ mới bắt đầu, mà thực tế là đã tồn tại sự mất tín nhiệm sâu sắc đối
với Đảng từ mấy năm trước. Chỉ có điều không gian bày tỏ của mọi người
ngày hôm nay lớn hơn, nhất là nguồn tin từ cư dân mạng khá nhiều, họ đã
dám bày tỏ cả sự mất tín nhiệm đối với Đảng.
Chính phủ nói gì cũng tỏ ra hoài nghi
Tin từ xinhuanet.com cho biết, ngày nay,
tâm trạng “không tin” đã thẩm thấu vào đời sống của đại đa số dân đại
lục: Ăn uống không tin vào độ an toàn về thực phẩm, đi lại không tin vào
năng lực và thành ý của ngành đường sắt khi giải quyết nạn khó mua vé,
vào bệnh viện không tin là bác sĩ sẽ không kê đơn cho mình nhiều thuốc,
kiện tụng không tin là tư pháp sẽ bảo đảm sự công bằng… Hoài nghi tất cả
đã trở thành ý thức tập thể của toàn bộ mọi nhóm người.
Người ta từng tràn đầy lòng tin vào tất
cả, nhưng hiện giờ thì cái gì cũng không tin, không tin sự đưa tin của
truyền thông, không tin người xung quanh, nhất là “chính phủ nói gì cũng
tỏ ra hoài nghi, điều này đã trở thành thói quen của số đông người”.
Như vụ anh nông dân Tiền Vân Hội người
Nhạc Thanh, Chiết Giang bị xe trọng tải lớn đâm chết, công an Nhạc Thanh
cho đăng tin để làm rõ vụ việc ngay từ giờ đầu lên các trang tiểu
blog, nhưng phần lớn trong số hàng vạn bài chuyển tiếp đều công kích là
cảnh sát nói dối, người ta không tin đằng sau cái chết của Tiền Vân Hội
lại không có đòn trả đũa. Giáo sư Hoàng Nghiệp Sinh ở Viện Công nghệ
Massachusetts Mỹ nói, bất kể là sự thực về cái chết của Tiền Vân Hội ra
sao, khi suy ngẫm về thiên hướng của dư luận, chẳng phải là đã phơi bày
một mối nguy cơ đó sao?
Luật sư: Dân chúng mất lòng tin sâu sắc với chính phủ có nguyên do từ lâu, ngày nay lại càng dám bộc lộ hơn
Mới đây, vị luật sư Quảng Châu Đường
Kinh Lăng đã bày tỏ quan điểm của mình với phóng viên Epochtimes về vấn
đề người dân đại lục mất tín nhiệm đối với chính phủ cộng sản Trung
Quốc, ông nói: Ngày nay, chuyện người dân không tin chính phủ đã là một
hiện tượng phổ biến, tin của xinhuanet.com chỉ mới nêu ra một vấn đề,
nhưng lại chưa đề xuất phương án giải quyết. Sự mất tín nhiệm của dân
chúng đối với chính phủ cộng sản Trung Quốc không phải đến nay mới có,
mà mối xung đột quan-dân đã tồn tại từ lâu, khoảng từ khi sự cố đám đông
nổ ra năm 2004 đã bắt đầu không tin chính phủ rồi, trong dân gian người
ta gọi “lão bách tính”[i] là “lão bất tín”[ii]
. Kể từ khi ấy, nếu trên đường có xảy ra chuyện gì, những người vốn
không có liên quan tới vụ việc cũng sẽ thổ lộ cùng nhau, kiểu tâm trạng
này đã được bộc lộ từ đó.
“Người dân luôn tỏ sự mất tín nhiệm vào
chính phủ rất sâu sắc, tới hôm nay, sự mất tín nhiệm ấy đã có được không
gian bày tỏ, dân chúng đã dám và đã muốn nói ra sự mất tín nhiệm ấy,
nét khác biệt thực sự chính là ở chỗ này. Trước đây cũng không phải là
tin, mà là sợ, không “tin” không được, chẳng hạn như ở thời đại Mao
Trạch Đông, dân chúng mà dám nói là không tin chính phủ thì sẽ bị giết
chết rồi, vì thế mà người ta đã giả vờ, còn bây giờ thì không cần phải
giả vờ nữa, bây giờ tin tức thông thoáng, đã có thể so sánh được rồi”.
Luật sư Đường nói, nguồn tin từ cư dân
mạng tương đối nhiều. Hơn nữa, với hoàn cảnh cụ thể của từng người ở đại
lục, không ai nói (chính phủ) tốt cả, bất kể đó là quan chức chính phủ
hay nhân viên thuộc tầng cấp nào. Ví dụ khi nói đến sự loại trừ nhau
trong nội bộ quan chức, không thể nói quan chức là tốt; chủ doanh nghiệp
khi nghĩ đến chuyện chính phủ chèn ép mình cũng sẽ cho là chính phủ rất
không tốt; cảm nhận của dân chúng khi bàn về giá cả, về chế độ giáo dục
không công bằng, về công nhân bị chủ bóc lột, họ cũng đều sẽ nói chính
phủ không tốt.
“Đảng cộng sản Trung Quốc dẫn dân chúng đến chỗ tuyệt vọng”
Luật sư Đường còn nêu rằng, dân chúng
đại lục do bị truyền thông tẩy não, rất nhiều người còn thiếu khả năng
nhận biết, nên đã nói theo những gì truyền thông tuyên truyền. Nhưng với
những tình cảnh có liên quan tới mình, thì họ đều không nói là chính
phủ tốt. Ông còn bộc lộ, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã chặn blog
và không gian QQ, mạng… của ông, tất cả đều vì không để cho dân chúng
xem được những quan điểm này. Bởi chính Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa
dân chúng đến chỗ tuyệt vọng, cùng Đảng đi theo con đường đen tối tới
cùng.
“Khi do sự lộn xộn về chính trị mà đã
dẫn tới sự mất tín nhiệm giữa chính phủ với dân chúng, cần phải thiết
lập sự tín nhiệm trong dân chúng – bằng việc thiết lập sự tín nhiệm với
tinh thần hợp tác, tương hỗ và thân thiện, như thế họ có thể thiết lập
nên một xã hội thực sự tự do. Như cần giữ sự quan tâm đáng có đối với
các vụ án về nhân quyền, Pháp luân công bị bức hại, chứ đừng để mình rơi
vào tuyệt vọng. Đứng lên chống lại sự trấn áp của chính phủ, vậy là
chúng ta sẽ thiết lập được một chế độ chính trị thân thiện, chứ đừng có
thương hại lẫn nhau, thậm chí còn dẫn đến hủy diệt lẫn nhau trong cái
chế độ mất tín nhiệm này”.
Ông còn tích cực thúc đẩy “phong trào
bất hợp tác”, “nếu tạo lập lòng yêu thương, sự tín nhiệm và sự hợp tác
giữa dân chúng trong quá trình dần dần thoát ra khỏi sự tà ác thì sẽ đặt
được nền móng cho sự tự do của đất nước”.
Cả mấy người dân được phóng viên
Epochtimes phỏng vấn đều có chung một sự bày tỏ “chính phủ nói gì cũng
không tin”, lời ông Lâm và ông Quý Châu Hùng người Quảng Đông là mang
tính đại diện nhất: Xã hội đại lục là thế đấy, không cứu được nữa rồi.
Mình cố sức kiếm tiền để làm dân nhập cư tới các nước dân chủ, để rời xa
xứ sở đại lục Trung Quốc đầy tội ác này.
420 triệu cư dân mạng là đạo quân lớn xúm nhau xem
Bài viết trên báo chí phát ngôn của Đảng
cộng sản Trung Quốc còn nói, ngày nay, hoài nghi và cảnh giác đã trở
thành lối sống của người đại lục, bởi những chuyện không tin nổi luôn
luôn xảy ra. Ở, có những tòa nhà chực đổ tòa nhà chực nứt vỡ toà nhà
chực nghiêng tòa nhà siêu mỏng; ăn uống, phải cẩn thận trước thuốc lá
giả, rượu giả, trứng gà giả, sữa giả, dầu ăn dưới cống, mỡ nhân tạo, gạo
làm đẹp mã, giá đỗ có thuốc làm cho mập, quẩy được rán bằng bột giặt;
ra đường, phải đề phòng bẫy lừa mua bán đểu; vào bệnh viện, lo thuốc
giả, bị chữa trị quá mức (tờ “Thái dương báo” của Hongkong gần đây cho
biết, người Trung Quốc chỉ trong riêng năm ngoái đã truyền 10,4 tỷ chai
dịch, tương đương với bình quân 8 chai/người). Ngoài ra, còn phải đối
mặt với vé giả, chứng chỉ giả, thuốc Đông y giả, gian lận ngân hàng, cao
hổ giả, tin giả…
“Trang baidu.com đã bước vào thời toàn dân xúm nhau xem” mà phóng viên báo “Quốc tế tiên khu đạo báo”[iii]Đặng
Á Quân nêu ra nghe nói là câu nói tổng kết được chú ý tới nhất trong
“Báo cáo phân tích dư luận công chúng của trang baidu.com năm 2010”.
Điều này có nghĩa là đằng sau sự chia sẻ tin tức, đứng sừng sững một đạo
đại quân với 420 triệu cư dân mạng Trung Quốc, họ đã giao tranh quan
điểm, công bố mọi ý kiến trên sân ảo.
[i] Nguyên văn: 老百姓, nghĩa là bà con dân chúng -ND.
[ii] Nguyên văn: “老不信”, nghĩa là “luôn luôn không tin”-ND.
[iii] Nguyên văn: 《国际先驱导报》 (International Herald Leader) –ND.
Nguồn: Epoch Times
Nguồn: http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/hoai-nghi-da-thanh-loi-song-cua-nguoi-dan-trung-quoc.html
Tư bản Trung Quốc tìm bãi đáp
Tác giả: Phạm N Bình
Với những tiềm năng phát triển lớn lao,
ngày nay Trung Quốc đã trở thành một đất nước có nền kinh tế đứng hàng
thứ nhì trên thế giới. Nhưng càng đến gần thời điểm đại hội lần thứ 18
của đảng vào tháng 10 năm nay, những người sắp ra đi và những người
chuẩn bị tiếp nhận quyền lực đều nhận thức rằng họ đang đối diện với một
vấn nạn ngày càng lớn. Đó là tính chính danh, tính hợp pháp chính trị
của cả chế độ và của giới lãnh đạo ở thượng đỉnh. Nói một cách cụ thể
hơn, trong mắt dân chúng, những gì mà họ đã từng được nghe suốt mấy thập
niên qua về một chính phủ dựa trên lý tưởng công bằng xã hội cộng sản
thì nay chỉ thấy từng tập đoàn quyền hành cùng với hệ thống tham nhũng
sâu rộng, và một số đại gia tư bản cực kỳ giàu có rút ruột từ nguồn tài
sản quốc gia.
Trong tình trạng tham nhũng lan tràn
trên toàn xã hội Trung Quốc như hiện nay, ước lượng mỗi năm có khoảng 50
tỷ đô la theo chân cán bộ quan chức và gia đình họ rời khỏi đất nước.
Đó là một trong nhiều chi tiết được đưa ra trong một bài báo của
Jonathan Manthorpe của tờ Vancouver Sun, Canada ngày 13/7/2012. Những
nhà giàu mới ở Trung Quốc mệnh danh “tư bản đỏ” từng ngày từng giờ đang
ráo riết tìm chỗ trú thân an toàn ở các nước Tây Phương. Làn sóng này đã
bắt đầu trong mấy năm qua nhưng gia tăng càng lúc càng nhanh trước các
biến động xã hội lẫn chính trị tại đây.
Theo Jonathan Manthorpe, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 90%
trong số hơn 300 thành viên của Ủy ban Trung ương đảng Cộng Sản Trung
Quốc đã đưa một phần gia đình ra sống ở nước ngoài hoặc đã xin làm công
dân nước ngoài. Đây là các đầu cầu để chuyển tài sản hiện nay và để làm “nơi tỵ nạn” trong tương lai khi có biến động chính trị tại Trung Quốc.
Còn giới giàu có nói chung, khoảng 60%
cho biết đang trong tiến trình xin di dân hoặc đã có ý định làm việc này
trong thời gian trước mặt. Biến cố Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nguyên bí thư
thành ủy Trùng Khánh (Chong Qing), bị bắt chờ ngày ra tòa càng khiến
giới tư bản đỏ không còn cảm thấy an toàn dù ở bất kỳ vị trí nào, và
càng gấp rút tìm đường đi ra nước ngoài cùng với số tài sản hiện có.
Vào cuối năm 2011, một nghiên cứu khác,
có vẻ “hiền lành” hơn, được chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực
hiện, cũng cho thấy từ giữa thập niên 1990, ít là khoảng 125 tỷ USD đã
lẻn ra khỏi đất nước theo chân của hơn 16.000 cán bộ, công chức và những
người thân của họ.
Từ một nguồn khác nữa, ký giả John
Sudworth của BBC News từ Thượng Hải ngày 22/8/12 tường thuật hiện tượng
“Tư bản đỏ Trung Quốc” lũ lượt ra đi. Ông viết: “có một thứ hàng xuất
khẩu từ Trung Quốc mà dường như hiện nay không ai ngăn cản nổi – đó là
các triệu phú”. Điển hình như Louie Huang, một trong những người giàu
nhất Thượng Hải (Shanghai) nhờ kinh doanh bất động sản. Ông Huang thừa
nhận với nhiều người bạn giàu có khác rằng tình hình không còn an toàn
cho những người như ông tại Trung Quốc nữa. Con đường duy nhất là tìm
cách ra nước ngoài sinh sống.
Ông nói: “Hầu hết họ nghĩ rằng tôi có quá nhiều tiền ở đây. Rồi sẽ tới ngày chính phủ thay đổi chính sách và lấy lại hết“.
Đó cũng là điều lo lắng của nhiều người thuộc giới siêu giàu Trung Quốc
nay đang tìm cách thoát đi. Nó cũng cho thấy mặt thật của đời sống
chính trị, kinh tế của Trung Quốc, tức không hề có một xã hội ổn định
như hình ảnh mà đảng muốn trưng ra trước thế giới. Nói cách khác, những
tư bản đỏ ngày nay không còn tin vào cái gọi là kinh tế thị trường theo
đặc tính XHCN Trung Quốc, với quá nhiều đe dọa bất an tiềm ẩn. Họ tìm
cách ra đi không phải với hai bàn tay trắng, nhưng với số của cải tích
góp được một cách bất thường trên lưng hơn một tỷ người nghèo khắp lục
địa này.
So với năm 2006, chỉ có 63 visa EB-5 —
tức loại visa đầu tư để định cư tại Hoa Kỳ — được cấp cho các công dân
Trung Quốc; thì năm 2011, con số này nhảy vọt lên 2.408 visa; và trong
năm 2012, chỉ trong 6 tháng đầu năm, con số này đã vượt quá 3.700 visa.
Giới giàu Trung Quốc không chỉ chạy sang
Mỹ mà thôi. Hiện nay họ còn là một trong các luồng di dân lớn nhất vào
Australia. Số liệu công bố năm 2011 cho thấy lần đầu tiên di dân Trung
Quốc vào Australia đã vượt qua số người từ Anh Quốc. Tại Canada, con số
các “nhà đầu tư” Trung Quốc được cấp quy chế thường trú tại Canada đã
tăng gấp đôi trong vòng hai năm.
Theo hãng tin AFP, hiện tượng tài phiệt
Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào rượu Pháp cũng đang gia tăng. Sau khi “xâm
nhập” vào lãnh địa rượu Bordeaux, các tay tài phiệt Trung Quốc “tấn
công” vào rượu Bourgogne bằng những số vốn khổng lồ. Bên cạnh lý do
thuần túy thương mại, đây còn là lý cớ để xin nhập cư vào Pháp.
Những kẻ nằm ở thượng tầng xã hội Trung
Quốc thấy rõ là tương lai của chính họ rất bấp bênh. Nền kinh tế Trung
Quốc không thể tăng trưởng bất tận. Tình trạng hụt hơi đã hiện rõ trong
những năm gần đây. Không chỉ những người nghèo tại Trung Quốc có thể nổ
tung bất kỳ lúc nào mà cả các đồng nghiệp của họ cũng có thể lôi cổ họ
ra làm “dê tế thần” để xoa dịu dân chúng bất kỳ lúc nào. Hôm qua còn
ngất ngưỡng trên đỉnh cao quyền lực, hôm nay đột nhiên tán gia bại sản
là chuyện thường ngày ở quốc gia này. Sự kiện vợ chồng ông Bạc Hy Lai
thực sự khiến họ run sợ đến tận xương tủy, vì không mấy ai trong số này
có nhiều quyền lực như ông Bạc đã từng nắm giữ.
Cùng lúc với các diễn văn lên án các giá
trị Tây Phương, hầu hết giới lãnh đạo Trung Quốc đều gửi con cái đi học
ở cái trường Tây Phương và tìm cơ hội sống ở nước ngoài để làm đầu cầu
chuyển tiền. điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại là sự thật
đối với đại đa số lãnh đạo cao cấp của nhà nước và đảng Cộng Sản Trung
Quốc.
Trong một bài báo của Washington Post
ngày 18/5/2012, hai ký giả Andrew Higgin và Maureen Fan đã đưa ra một
cái nhìn thật sâu sắc về sự thật không còn che giấu được ấy. Con cái của
giới quý tộc đỏ được gọi là “Thái tử đảng” (princelings) đã có mặt ở
hầu hết các trường đại học tư danh tiếng ở Mỹ. Tập Cận Bình, Phó Chủ
tịch Trung Quốc và sắp lên ngôi tổng bí thư đảng, có người con gái Tập
Minh Trạch (Xi Mingze) đang theo học trường đại học Harvard từ năm 2010.
Hai trong số các tổng bí thư đảng là Giang Trạch Dân và Triệu Tử Dương
cũng có cháu nội và cháu ngoại học ở trường này. Bốn quan chức cấp cao
khác của Đảng như Hoàng Hoa (Huang Hua), Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing),
Bạc Hy Lai (Bo Xilai và Trần Vân (Chen Yun) đều có con và cháu theo học
tại Hoa Kỳ. Thái tử đảng đình đám nhất gần đây là Bạc Qua Qua (Bo
Guagua), theo học tại Trường Quản lý Hành Chính Kennedy, thuộc Đại học
Harvard. Cha của anh ta là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai
hiện đang bị thất sủng và mẹ là Cốc Khai Lai bị án tử hình treo về tội
giết người.
Tham khảo:
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hết thời?
03/10/2012
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), Giáo sư Claremont McKenna College
Liệu giới chóp bu cầm quyền của Bắc Kinh có chịu chung số phận như giới cai trị ở Liên Xô cũ? Dám lắm.
Hôm thứ Sáu tuần rồi, Bắc Kinh thông báo
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nhóm họp đại hội đảng lần thứ
18 vào ngày 8 tháng 11. Thông báo này đã làm nhẹ nhõm những người quan
ngại rằng các vụ tai tiếng chính trị và tranh giành quyền lực ở thượng
tầng chính phủ Trung Quốc đã phá hỏng bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo
cả thập niên mới có một lần. Rốt cuộc, giới lãnh đạo cao cấp nhất
của đảng dường như đã nhất trí về cách xử lý Bạc Hy Lai, cựu bí thư
Trùng Khánh đã thất sủng (có thể là đi tù), và về nhân sự Bộ Chính trị
và Thường vụ Bộ Chính trị đầy uy quyền.
Vì những lý do đương nhiên, giới chóp bu
lãnh đạo của Trung Quốc trong vài tháng sắp đến sẽ gắng hết sức để tạo
nên hình ảnh đoàn kết và tự tin, và thuyết phục thế giới tin rằng thế hệ
lãnh đạo sắp tới đủ năng lực duy trì độc quyền chính trị của ĐCSTQ.
Ác một nỗi là dễ gì thiên hạ tin. Lòng
tin vào sự thống nhất nội bộ và sự lãnh đạo của đảng đã bị lay chuyển do
vụ Bạc Hy Lai, đại nạn tham nhũng, cải cách đình trệ trong thập niên
vừa qua, kinh tế suy giảm, quan hệ ngày càng xấu đi với các nước láng
giềng và Mỹ, và bất ổn xã hội ngày càng tăng. Hiện nay nhiều người tự
hỏi ĐCSTQ có thể bám víu quyền lực đến bao lâu nữa và liệu ĐCSTQ có thực
hiện được một quá trình quá độ dân chủ để tự cứu mình hay không.
Những câu hỏi này không phải là sản phẩm
của những kẻ rỗi hơi nghĩ càn. Xét về nhiều mặt, sự cai trị của ĐCSTQ
sắp sửa bước vào một thập niên khủng hoảng có hệ thống. Sau khi đã cai
trị Trung Quốc trong 63 năm, trong vòng chục năm nữa đảng sẽ đạt đến
tuổi thọ ghi nhận được của những chế độ độc đảng lâu bền nhất trên thế
giới – Đảng Cộng sản trước đây của Liên Xô (74 năm), Quốc Dân Đảng (73
năm), và Đảng Thể chế Cách mạng [PRI] của Mexico (71 năm). Cũng như một
con người, một tổ chức như ĐCSTQ cũng già đi.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế nhanh
của Trung Quốc đã đẩy đất nước này vượt qua cái thường được gọi là
“vùng quá độ dân chủ” – phạm vi thu nhập bình quân đầu người từ 1.000
đến 6.000 đô-la (theo ngang giá sức mua, PPP). Giới chính trị học
đã nhận định rằng các chế độ chuyên quyền càng có nguy cơ phải thay đổi
chế độ khi thu nhập càng tăng. Cơ may duy trì chế độ chuyên quyền càng
giảm đi một khi thu nhập bình quân đầu người vượt quá 6.000 đô-la (PPP).
Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã đạt đến 8.500 đô-la
(PPP). Và gần như tất cả những chế độ chuyên quyền trên thế giới với thu
nhập bình quân đầu người cao hơn thế là những nước dầu hỏa. Vì vậy
Trung Quốc đang ở trong một môi trường kinh tế xã hội mà trong đó sự cai
trị chuyên quyền ngày càng trở nên không chính đáng và không bền vững.
Nếu ai chưa tin ở điểm này thì nên thử xem qua mạng Vi Bác (Weibo, 微博,
mạng xã hội Trung Quốc tương đương với Twitter - N.D.) để thấy dân
thường ở Trung Quốc nghĩ gì về chính quyền.
Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi về tính
bền vững của chế độ cai trị độc đảng ở Trung Quốc đã rõ: tiền đồ của
ĐCSTQ là đã tận mạng.
Câu hỏi về việc bằng cách nào một chế độ
độc đảng có thể thực hiện được một quá trình chuyển biến chính trị để
tự cứu mình lại có câu trả lời lý thú và phức tạp hơn.
Về căn bản, những chế độ như vậy có hai
con đường: con đường chắc chắn dẫn đến tự diệt vong theo kiểu Liên Xô,
và con đường dẫn đến tự đổi mới và chuyển biến theo kiểu Đài Loan –
Mexico.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo
cao cấp nhất của ĐCSTQ đã quyết tâm không lặp lại thảm họa Xô Viết. Do
đó, chính sách của họ từ trước đến nay là cưỡng lại mọi hình thức cải
cách chính trị. Rủi thay, kết quả là một đảng ngày càng xơ cứng, chịu sự
chi phối của những nhóm đặc lợi, và những kẻ cơ hội đồi bại như họ Bạc.
ĐCSTQ có thể có có hơn 80 triệu đảng viên, nhưng phần lớn vào đảng chỉ
để lợi dụng những lợi ích vật chất mà đảng mang lại. Bản thân họ đã trở
thành một nhóm đặc lợi xa rời xã hội Trung Quốc. Nếu sự sụp đổ của Đảng
Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) có giúp họ rút ra bài học thực sự nào, chắc
chắn không phải như Trung Quốc chính thức ra rả tuyên truyền rằng những
cải cách chính trị của Gorbachev đã đẩy đảng vào chỗ diệt vong. Sự
thật đáng buồn là: đến giữa thập niên 1980 chế độ Xô Viết đã quá rệu rã
nên không thể hồi sinh vì chế độ đó đã không chịu cải cách trong hai
thập niên thời Brezhnev. Điều quan trọng hơn nữa là ĐCSTQ nên hiểu rằng,
cũng như hàng triệu đảng viên ĐCSLX, những đảng viên thường gần như
chắc chắn sẽ bỏ đảng trong những lúc khủng hoảng chế độ. Khi ĐCSLX
sụp đổ, không hề có đảng viên trung thành nào bênh vực cho chế độ. Một số phận như vậy đang chờ đợi ĐCSTQ.
Như vậy ĐCSTQ chỉ còn một lựa chọn khả
thi: chọn con đường tự đổi mới và chuyển biến theo kiểu Đài Loan –
Mexico. Những chế độ độc đảng ở Đài Loan và Mexico rõ ràng là những chế
độ thành công nhất trong việc tự thay đổi thành những nền dân chủ đa
đảng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Tuy chuyện quá độ sang dân chủ
của họ khác nhau và phức tạp, ta có thể rút ra bốn bài học chính từ
thành công của họ.
Thứ nhất, giới lãnh đạo ở Đài Loan và
Mexico đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính chính đáng trong thập
niên 1980 và hiểu ra rằng những chế độ độc đảng đã tận số. Họ không tự
lừa gạt mình bằng những ảo tưởng hay điều dối trá.
Thứ hai, cả hai đều hành động trong khi
chế độ của họ mạnh hơn phe đối lập và trước khi họ mất tín nhiệm hoàn
toàn, nhờ đó họ có khả năng thực hiện được việc chuyển tiếp dần dần.
Thứ ba, giới lãnh đạo của họ tập trung
quyền lực và áp dụng độc tài trong nội bộ đảng, chứ không phải dân chủ
trong nội bộ đảng, nhằm khắc phục sự chống đối của phe bảo thủ bên trong
chế độ. Trong những chế độ độc đảng, dân chủ trong nội bộ đảng chắc
chắn sẽ dẫn đến chia rẽ công khai trong giới chóp bu cai trị, do vậy làm
suy yếu hoàn toàn khả năng của một chế độ có tính cải cách trong việc
thực hiện chuyển tiếp. Hơn nữa, bằng cách làm cho toàn hệ thống chính
trị có tính dân chủ hơn, chủ yếu thông qua những cuộc bầu cử có tính
cạnh tranh ở các thành phố và tiểu bang, giới chóp bu cai trị có cơ hội
học một kỹ năng quan trọng: giành được sự ủng hộ của cử tri và thắng cử.
Những kỹ năng đó không thể học được qua việc thực hiện không minh bạch
dân chủ trong nội bộ đảng, mà thực ra chỉ là một cách gọi khác của việc
mặc cả và thao túng trong giới chóp bu.
Thứ tư, một phe đối lập dân chủ ôn hòa
là người bạn tốt nhất và tài sản quý nhất đối với một chế độ độc đảng có
tính cải cách. Một phe đối lập như vậy là một đối tác thương lượng và
có thể giúp chế độ đó duy trì tính ổn định trong thời kỳ quá độ. Phe đối
lập đó cũng có thể đưa ra những điều kiện tốt hơn nhiều để bảo vệ các
lợi ích của giới chóp bu cai trị và thậm chí còn giúp họ tránh cảnh ngục
tù.
Khi ta xét đến những thành quả mà Quốc
Dân Đảng ở Đài Loan và PRI ở Mexico thu được, chúng không chỉ là những
điều khoản ưu đãi cho việc từ bỏ quyền lực (ngoại trừ đối với Tổng thống
Salinas buộc phải lưu vọng vì tham nhũng), không một lãnh đạo cao cấp
nào bị truy tố hình sự. Điều quan trọng hơn nữa là cả Quốc Dân Đảng và
PRI đều giành lại được ghế tổng thống, địa vị quyền lực chính trị ở hai
nước đó, sau hai nhiệm kỳ làm phe đối lập.
Nhưng liệu ĐCSTQ có thực sự học hỏi được từ Quốc Dân Đảng hay PRI?
Ngoài chuyện có muốn hay không, ĐCSTQ
còn gặp một rào cản nữa. ĐCSTQ là một đảng toàn trị (a totalitarian
party), chứ không phải một đảng chuyên quyền (an authoritarian party).
Một đảng toàn trị và một đảng chuyên quyền khác nhau ở chỗ đảng toàn trị
nhúng tay sâu hơn và rộng hơn vào nhà nước và nền kinh tế. ĐCSTQ kiểm
soát quân đội, tư pháp, bộ máy hành chính, và nền kinh tế với mức độ lớn
hơn Quốc Dân Đảng hay PRI. Tách một đảng toàn trị ra khỏi nhà nước thì
khó hơn nhiều. Quả thực chưa ai thành công khi thử đạt kỳ công như thế. Ở
Liên Xô cũ, điều đó đã dẫn đến sụp đổ chế độ. Ở Đông Âu, những cuộc
cách mạng dân chủ đã không cho những chế độ như vậy cơ hội để thử.
Bởi vậy nhiệm vụ đối với giới cai trị
mới của Trung Quốc quả thật đáng ngại. Công việc đầu tiên của họ thực ra
không phải là lao vào cuộc cải tổ perestroika chính trị kiểu
Gorbachev, mà là bỏ tính toàn trị của nhà nước Trung Quốc và biến ĐCSTQ
thành một đảng như Quốc Dân Đảng hay PRI. Nếu không thực hiện bước trung
chuyển này ngay lập tức, ĐCSTQ có thể thấy rằng sự sụp đổ kiểu Liên Xô là tương lai duy nhất của mình.
–
Bản tiếng Anh: Is China’s Communist Party Doomed?, The Diplomat, October 01/10/2012
Bản tiếng Việt: Phạm V L Hạ
http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/tu-ban-trung-quoc-tim-bai-dap.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét