Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Vì sao các Quốc gia thất bại (Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo khó (2)

CÁC LÝ THUYẾT KHÔNG HOẠT ĐỘNG
 ĐỊA HÌNH ĐỊA VẬT [TÌNH HÌNH]
TIÊU ĐIỂM CỦA cuốn sách của chúng ta là giải thích sự bất bình đẳng thế giới và cả một vài hình mẫu rộng có thể nhìn thấy dễ dàng ẩn núp bên trong nó. Nước đầu tiên trải qua sự tăng trưởng kinh tế bền vững đã là nước Anh – hay Vương quốc Anh, hay đơn giản là Anh, với tư cách liên hiệp của nước Anh, xứ Wales và Scotland được biết đến sau 1707.
Sự tăng trưởng đã nổi lên chậm trong nửa thứ hai của thế kỷ mười tám như Cách mạng Công nghiệp dựa trên các đột phá công nghệ chủ yếu và sự áp dụng chúng vào công nghiệp, đã bén rễ. Mau chóng tiếp sau công nghiệp hóa ở Anh đã là công nghiệp hóa ở phần lớn của Tây Âu và Hoa Kỳ. Sự thịnh vượng Anh cũng đã nhanh chóng lan sang các “thuộc địa định cư” của Anh là Canada, Australia, New Zealand. Một danh sách của ba mươi nước giàu bao gồm chúng, thêm Nhật Bản, Singapore, và Nam Hàn. Sự thịnh vượng của ba nước sau, đến lượt nó, là phần của một hình mẫu lớn hơn trong đó nhiều quốc gia Đông Á, bao gồm cả Đài Loan và sau đó Trung Quốc, đã trải qua sự tăng trưởng nhanh mới đây.
Đáy của phân bố thu nhập thế giới vẽ một bức tranh sắc nét và đặc biệt dễ nhận ra như bức tranh trên đỉnh. Nếu thay vào đó bạn đưa ra một danh sách ba mươi nước nghèo nhất trên thế giới ngày nay, bạn thấy chúng hầu như tất cả ở châu Phi hạ-Sahara. Gia nhập với chúng là các nước như Afghanistan, Haiti, và Nepal, mà, tuy chúng không ở châu Phi, tất cả đều có chung cái gì đó cốt yếu với các quốc gia Phi châu, như chúng ta sẽ giải thích. Nếu lui lại năm mươi năm, Singapore và Nam Hàn đã không ở giữa các nước giàu nhất, và đã có nhiều nước khác trong số ba mươi nước dưới đáy, nhưng bức tranh tổng thể vẫn nhất quán một cách nổi bật với bức tranh chúng ta thấy ngày nay. Quay lại một trăm, hay một trăm năm mươi năm, bạn thấy gần như cùng các nước trong cùng nhóm.
Bản đồ 3 cho thấy tình hình (thế đất) trong năm 2008. Các nước được tô màu đen đậm nhất là các nước nghèo nhất trên thế giới, mà thu nhập trung bình đầu người của chúng (được các nhà kinh tế học gọi là GDP, tổng sản phẩm quốc nội) là dưới 2.000 USD một năm. Hầu hết các nước Phi châu có màu này, như Afghanistan, Haiti và các phần của Đông Nam Á (thí dụ, Campuchia và Lào). Bắc Triều Tiên [Bắc Hàn] cũng thuộc nhóm nước này. Các nước có màu trắng là các nước giàu nhất, mà thu nhập trung bình đầu người hàng năm là 20.000 USD hay nhiều hơn. Ở đây chúng ta thấy các nước tình nghi quen thuộc: Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia và Nhật Bản.
Một hình mẫu lý thú khác có thể được nhận rõ ở châu Mỹ. Lập một danh sách các quốc gia ở châu Mỹ từ giàu nhất đến nghèo nhất. Bạn sẽ thấy rằng ở trên đỉnh là Hoa Kỳ và Canada, theo sau là Chile, Argentina, Brazil, Mexico, và Uruguay, và có lẽ cả Venezuela, tùy thuộc vào giá dầu. Sau đó bạn có Colombia, Cộng hòa Dominic, Equador, và Peru. Tại đáy, có một nhóm khác, tách biệt, nghèo hơn nhiều, gồm Bolivia, Guatemala, và Paraguay. Quay lại năm mươi năm, bạn thấy một sự xếp hạng giống hệt. Quay lại một trăm năm: vẫn thế. Một trăm năm mươi năm: lại vẫn thế. Như thế không chỉ là, Hoa Kỳ và Canada là giàu hơn Mỹ Latin; cũng có một sự phân chia rõ ràng và dai dẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo bên trong châu Mỹ.
Một hình mẫu lý thú cuối cùng là ở Trung Đông. Ở đó chúng ta thấy các quốc gia giàu-dầu như Saudi Arabia và Kuwait, mà có mức thu nhập gần với mức của ba mươi nước trên đỉnh. Thế nhưng nếu giá dầu sụt, họ sẽ nhanh chóng rớt xuống bảng. Các nước Trung Đông với ít hay không có dầu, như Ai Cập, Jordan, và Syria, tất cả đều tụm quanh một mức thu nhập tương tự như thu nhập của Guatemala hay Peru. Không có dầu, các nước Trung Đông tất cả cũng nghèo, tuy, giống các nước ở Trung Mỹ và vùng Andes, chứ không nghèo như các nước ở châu Phi hạ-Sahara.

 

Trong khi có nhiều sự dai đẳng trong hình mẫu thịnh vượng mà chúng ta thấy quanh mình ngày nay, các hình mẫu này không phải là không thay đổi hay không thể thay đổi được. Thứ nhất, như chúng ta đã nhấn mạnh rồi, hầu hết sự bất bình đẳng thế giới hiện hành đã nổi lên từ cuối thế kỷ mười tám, là kết quả của các giai đoạn chót của Cách mạng Công nghiệp. Các khoảng cách về thịnh vượng đã không chỉ nhỏ hơn nhiều, [vào thời điểm] mãi đến giữa thế kỷ mười tám, nhưng những sự xếp hạng mà đã hết sức ổn định từ khi đó là không như nhau khi chúng ta lùi xa hơn trong lịch sử. Thí dụ, ở châu Mỹ, sự xếp hạng mà chúng ta thấy trong một trăm năm mươi năm vừa qua là hoàn toàn khác xếp hạng năm trăm năm trước. Thứ hai, nhiều quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh, ví dụ như phần lớn Đông Á từ Chiến tranh Thế giới II và, Trung Quốc gần đây hơn. Rồi nhiều trong số các nước này đã thấy sự tăng trưởng đó bắt đầu đảo ngược. Thí dụ, Argentina đã tăng trưởng nhanh trong năm thập kỷ cho đến 1920, trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới, nhưng sau đó đã bắt đầu trượt dài. Liên Xô thậm chí còn là thí dụ đáng chú ý hơn, tăng trưởng nhanh giữa 1930 và 1970, nhưng rồi đã trải qua một sự sụp đổ nhanh.
Cái gì giải thích những sự khác biệt lớn này về nghèo khó và thịnh vượng và các hình mẫu tăng trưởng? Vì sao các quốc gia Tây Âu và các nhánh thuộc địa của chúng đầy người định cư Âu châu bắt đầu tăng trưởng trong thế kỷ mười chín, hầu như không nhìn lại? Cái gì giải thích sự xếp hạng dai dẳng về bất bình đẳng ở bên trong châu Mỹ? Vì sao các quốc gia Phi châu hạ-Sahara và Trung Đông đã không đạt kiểu tăng trưởng thấy ở Tây Âu, trong khi phần lớn Đông Á đã trải nghiệm tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh dễ gây tai nạn?
Người ta có thể nghĩ là, sự thực rằng sự bất bình đẳng thế giới là hết sức lớn và hợp logic và có các hình mẫu được vẽ sắc nét như vậy, thì có nghĩa rằng nó có một sự giải thích được chấp nhận rộng rãi. Không phải vậy. Hầu hết các giả thuyết mà các nhà khoa học xã hội đã đề xuất cho nguồn gốc của sự nghèo khó và thịnh vượng đơn giản không hoạt động và không giải thích được tình hình một cách thuyết phục.

GIẢ THUYẾT ĐỊA LÝ
Một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi về các nguyên nhân của sự bất bình đẳng thế giới là giả thuyết địa lý, mà nó cho rằng sự cách biệt [divide] lớn giữa các nước giàu và nghèo được tạo ra bởi những khác biệt địa lý. Nhiều nước nghèo, chẳng hạn như các nước ở châu Phi, Trung Mỹ, và Nam Á, nằm ở vùng nhiệt đới giữa Hạ chí tuyến [Bắc chí tuyến: vĩ độ 23° 26' 22" bắc] và Đông chí tuyến [Nam chí tuyến: vĩ độ 23° 26' 22" nam]. Ngược lại, các nước giàu có xu hướng ở các vùng ôn đới. Sự tập trung mang tính địa lý này của nghèo khó và thịnh vượng mang lại sự quyến rũ nông cạn cho giả thuyết địa lý, mà là điểm xuất phát của các lý thuyết và quan điểm của nhiều nhà khoa học xã hội và học giả uyên thâm tương tự. Nhưng điều này không làm cho nó ít sai hơn.
Ngay từ cuối thế kỷ mười tám, nhà triết học chính trị Pháp vĩ đại Montesquieu đã lưu ý đến sự tập trung mang tính địa lý của thịnh vượng và nghèo khó, và đã đề xuất một sự giải thích cho nó. Ông cho rằng ở các vùng khí hậu nhiệt đới người dân có xu hướng lười biếng và thiếu tính tò mò. Như một hệ quả, họ không làm việc siêng năng và không đổi mới, và đấy là lý do vì sao họ nghèo. Montesquieu cũng đã suy đoán rằng những người lười có xu hướng bị cai trị bởi những kẻ bạo chúa, gợi ý rằng vị trí nhiệt đới có thể giải thích không chỉ sự nghèo khó mà cả một số hiện tượng chính trị gắn với thất bại kinh tế, như chế độ độc tài.
Lý thuyết rằng các nước nóng bức là nghèo một cách cố hữu, tuy mâu thuẫn với sự tiến bộ kinh tế nhanh gần đây của các nước như Singapore, Malaysia, Botswana, vẫn được biện hộ một cách mạnh mẽ bởi một số người, như nhà kinh tế học Jeffrey Sachs. Phiên bản hiện đại của quan điểm này nhấn mạnh không phải đến các ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu lên các nỗ lực làm việc hay quá trình tư duy, mà đến hai lý lẽ bổ sung: thứ nhất, các bệnh nhiệt đới, nhất là sốt rét, có các hậu quả rất có hại cho sức khỏe và vì thế cho năng suất lao động; và thứ hai, đất nhiệt đới không cho phép nền nông nghiệp sinh lời. Kết luận, tuy vậy, cũng thế: các vùng khí hậu ôn đới có lợi thế tương đối hơn các vùng nhiệt đới và nửa nhiệt đới.
Sự bất bình đẳng thế giới, tuy vậy, không thể được giải thích bằng khí hậu hay bệnh tật, hay bất cứ phiên bản nào của giả thuyết địa lý. Hãy chỉ nghĩ về Nogales. Cái tách hai phần ra không phải là khí hậu, địa lý, hay môi trường bệnh tật, mà là biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Nếu giả thuyết địa lý không thể giải thích nổi những khác biệt giữa bắc và nam Nogales, hay Bắc và Nam Hàn, hay Đông và Tây Đức trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, liệu nó vẫn có thể là một lý thuyết hữu ích cho việc giải thích những khác biệt giữa Bắc và Nam Mỹ? Giữa châu Âu và châu Phi? Hoàn toàn không.
Lịch sử minh họa rằng không có mối quan hệ đơn giản hay lâu dài giữa khí hậu hay địa lý và thành công kinh tế. Thí dụ, không đúng rằng vùng nhiệt đới đã luôn luôn nghèo hơn các vùng ôn đới. Như chúng ta đã thấy ở chương trước, vào thời Columbus chinh phục châu Mỹ, các vùng nam Hạ Chí Tuyến và bắc Đông Chí Tuyến, mà hiện nay bao gồm Mexico, Trung Mỹ, Peru và Bolivia, đã có hai nền văn minh lớn, văn minh Aztec và Inca. Các đế chế này đã tập trung và phức tạp về mặt chính trị, đã xây dựng đường sá, và đã cung cấp cứu trợ nạn đói. Những người Aztec đã có cả tiền lẫn chữ viết, và những người Inca, cho dù họ thiếu cả hai công nghệ then chốt này, đã ghi lại các lượng thông tin khổng lồ trên các dây được thắt nút, gọi là các quipu. Ngược lại hoàn toàn, trong thời của những người Aztec và Inca, các vùng phía bắc và phía nam của vùng người Aztec và Inca sinh sống, mà ngày nay bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Argentina, và Chile, đã hầu như chỉ có các nền văn minh Thời Đồ Đá thiếu các công nghệ này. Vùng nhiệt đới ở châu Mỹ như thế đã giàu hơn các vùng ôn đới rất nhiều, gợi ý rằng “sự thực hiển nhiên” về sự nghèo khó nhiệt đới đã không hiển nhiên và cũng chẳng là một sự thực. Thay vào đó, sự giàu có lớn hơn ở Hoa Kỳ và Canada thể hiện một sự đảo ngược hoàn toàn của sự phát đạt tương đối với cái đã có ở đó khi những người Âu châu đến.
Sự đảo ngược này rõ ràng đã chẳng liên quan gì đến địa lý và, như chúng ta đã thấy rồi, có liên quan gì đó với cách các vùng này bị thuộc địa hóa. Sự đảo ngược này đã không giới hạn ở châu Mỹ. Người dân ở Nam Á, nhất là ở tiểu lục địa Ấn Độ, và ở Trung Quốc đã thịnh vượng hơn những người ở nhiều phần khác của châu Á, và chắc chắn hơn những người đã sống ở Australia và New Zealand. Điều này, cũng đã đảo ngược, với Nam Hàn, Singapore, Nhật Bản nổi lên như các quốc gia giàu nhất ở châu Á, và Australia và New Zealand vượt hầu như tất cả châu Á về mặt thịnh vượng. Ngay cả bên trong châu Phi hạ-Sahara cũng đã có một sự đảo ngược tương tự. Gần đây hơn, trước lúc bắt đầu của sự tiếp xúc Âu châu mạnh mẽ với châu Phi, vùng nam châu Phi đã là vùng được định cư thưa thớt nhất và chẳng hề có các nhà nước phát triển với bất cứ sự kiểm soát nào đối với lãnh thổ của họ. Thế nhưng Nam Phi bây giờ là một trong các quốc gia thịnh vượng nhất ở châu Phi hạ-Sahara. Lui xa hơn trong lịch sử, chúng ta lại thấy nhiều thịnh vượng ở các vùng nhiệt đới; một số nền văn minh tiền-hiện đại, như Angkor ở Campuchia hiện đại, Vijayanagara ở nam Ấn Độ, và Aksum ở Ethiopia, đã hưng thịnh trong các vùng nhiệt đới, như các nền văn minh đại Lưu vực sông Indus ở Mohenjo Daro và Hapara, ở Pakistan hiện đại, đã hưng thịnh. Như thế lịch sử để lại ít sự nghi ngờ rằng không có mối quan hệ đơn giản giữa một địa điểm nhiệt đới và thành công kinh tế.
Các bệnh nhiệt đới rõ ràng gây ra nhiều đau khổ và tỷ lệ tử vong cao ở châu Phi, nhưng chúng không phải là lý do khiến châu Phi nghèo. Bệnh tật phần lớn là hậu quả của nghèo khó và của các chính phủ không có khả năng hay không muốn đảm trách các biện pháp y tế công cộng cần thiết để xóa bỏ chúng. Nước Anh trong thế kỷ mười chín cũng đã là một nơi rất hại cho sức khỏe, nhưng chính phủ đã đầu tư dần dần vào nước sạch, vào xử lý thích hợp chất thải và nước thải, và, cuối cùng, vào một ngành chăm sóc sức khỏe hiệu quả. Sức khỏe và ước tính tuổi thọ được cải thiện đã không là nguyên nhân của thành công kinh tế của nước Anh, mà là một trong những thành quả của những thay đổi chính trị và kinh tế trước đó. Cũng đúng thế với Nogales, Arizona.
Phần khác của giả thuyết địa lý là, các vùng nhiệt đới là nghèo bởi vì nền nông nghiệp nhiệt đới là không sinh lợi một cách cố hữu. Đất nhiệt đới mỏng và không có khả năng duy trì các chất dinh dưỡng, người ta lập luận, và nhấn mạnh đất này bị xói mòn nhanh thế nào bởi mưa xối. Chắc chắn có giá trị nào đó trong lý lẽ này, nhưng như chúng ta sẽ chứng tỏ, yếu tố quyết định chính vì sao năng suất nông nghiệp – sản lượng nông nghiệp trên một mẫu – lại hết sức thấp ở nhiều nước nghèo, đặc biệt ở châu Phi hạ-Sahara, ít liên quan đến chất lượng đất. Đúng hơn, nó là một hậu quả của cấu trúc quyền sở hữu đất và các khuyến khích mà được các chính phủ và các thể chế tạo ra cho các nông dân sống dưới chúng. Chúng ta cũng sẽ chứng tỏ rằng sự bất bình đẳng thế giới không thể được giải thích bằng những khác biệt về năng suất nông nghiệp. Sự bất bình đẳng to lớn của thế giới hiện đại, mà đã nổi lên trong thế kỷ mười chín, đã là do sự phổ biến không đều của các công nghệ công nghiệp và sự sản xuất chế tác gây ra. Nó đã không được gây ra bởi sự khác biệt về thành tích nông nghiệp.
Một phiên bản khác có ảnh hưởng của giả thuyết địa lý đã được thúc đẩy bởi nhà sinh thái học và sinh học tiến hóa Jared Diamond. Ông cho rằng những nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa các lục địa vào lúc đầu của thời kỳ hiện đại, năm trăm năm trước, đã dựa vào các nguồn lực lịch sử khác nhau về các loài thực vật và động vật, mà sau đó đã ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Ở một số nơi, như vùng Lưỡi liềm Màu mỡ ở Trung Đông hiện đại, đã có nhiều loài mà con người đã có thể thuần hóa. Ở những nơi khác, như châu Mỹ, đã không có. Có nhiều loài có khả năng được thuần hóa đã khiến cho rất hấp dẫn đối với các xã hội để chuyển từ cách sống săn bắt-hái lượm sang cách sống canh tác [chăn nuôi trồng trọt]. Như một hệ quả, việc canh tác đã phát triển sớm hơn ở vùng Lưỡi liềm Màu mỡ so với ở châu Mỹ. Mật độ dân số tăng lên, cho phép sự chuyên môn hóa lao động, thương mại, và đô thị hóa, và sự phát triển chính trị. Một cách quyết định, ở những nơi canh tác nông nghiệp chiếm ưu thế, đổi mới công nghệ đã diễn ra nhanh hơn các phần khác của thế giới rất nhiều. Như thế, theo Diamond, sự sẵn có khác nhau của các loài thực vật và động vật đã tạo ra những cường độ canh tác chênh lệch, mà đã dẫn đến các con đường khác nhau của thay đổi công nghệ và sự thịnh vượng khắp các lục địa khác nhau.
Mặc dù luận đề của Diamod là một cách tiếp cận mạnh mẽ đến câu đố, mà ông chú tâm vào, nó không thể được mở rộng để giải thích sự bất bình đẳng thế giới hiện đại. Thí dụ, Diamond cho rằng người Tây Ban Nha đã có thể thống trị các nền văn minh của châu Mỹ bởi vì họ đã có lịch sử canh tác dài hơn và vì thế có công nghệ ưu việt hơn. Nhưng bây giờ chúng ta phải giải thích vì sao những người Mexic và Peru sống trên lãnh thổ trước kia của người Aztec và Inca lại nghèo. Trong khi có sự tiếp cận đến lúa mỳ, lúa mạch, và ngựa đã có thể khiến cho những người Tây Ban Nha giàu hơn những người Inca, khoảng cách thu nhập giữa họ đã không rất lớn. Thu nhập trung bình của một người Tây Ban Nha đã có lẽ ít hơn hai lần thu nhập trung bình của một công dân trong Đế chế Inca. Luận đề của Diamond ngụ ý rằng một khi những người Inca được tiếp xúc với tất cả các loài và các công nghệ sinh ra từ đó mà bản thân họ đã không có khả năng phát triển, thì họ phải nhanh chóng đạt được mức sống của người Tây Ban Nha. Thế nhưng cái xảy ra đã hoàn toàn không như vậy. Ngược lại, trong các thế kỷ mười chín và hai mươi, một khoảng cách lớn hơn nhiều về thu nhập giữa Tây Ban Nha và Peru đã nổi lên. Ngày nay một người Tây Ban Nha trung bình giàu hơn người Peru trung bình hơn sáu lần. Khoảng cách này về thu nhập gắn mật thiết với sự phổ biến không đều của các công nghệ công nghiệp hiện đại, nhưng việc này ít liên quan hoặc đến tiềm năng thuần hóa thực vật và động vật hay đến những khác biệt năng suất nông nghiệp giữa Tây Ban Nha và Peru. Trong khi Tây Ban Nha, mặc dù với một độ trễ, đã chấp nhận và làm theo các công nghệ sức hơi nước, đường sắt, điện, cơ khí hóa, và sản xuất ở nhà máy, Peru đã không, hay nhiều nhất đã làm vậy rất chậm chạp và không hoàn hảo. Khoảng cách công nghệ này ngày nay vẫn còn và tự tái tạo trên một quy mô lớn hơn khi các công nghệ mới, đặc biệt các công nghệ liên quan đến công nghệ thông tin, cấp nhiên liệu thêm cho sự tăng trưởng ở nhiều quốc gia phát triển và một số quốc gia đang phát triển. Luận đề của Diamond không nói cho chúng ta vì sao những công nghệ cốt yếu này không lan truyền và làm ngang bằng thu nhập trên thế giới và không giải thích được vì sao nửa phía bắc của Nogales lại giàu hơn rất nhiều nửa sinh đôi của nó nằm ngay ở phía nam hàng rào, mặc dù cả hai đã là phần của cùng nền văn minh năm trăm năm trước.
Câu chuyện của Nogales làm nổi bật một vấn đề lớn khác trong thích nghi luận đề của Diamond: như chúng ta đã thấy, dù những hạn chế của các đế chế Inca và Aztec vào năm 1532 đã thế nào, không nghi ngờ gì Peru và Mexico đã giàu hơn các phần của châu Mỹ mà đã trở thành Hoa Kỳ và Canada. Bắc Mỹ đã trở nên thịnh vượng hơn chính xác là bởi vì nó đã nhiệt tình chấp nhận các công nghệ và những tiến bộ của Cách mạng Công nghiệp. Dân cư trở nên có giáo dục, đường sắt trải khắp các Bình nguyên Lớn, hoàn toàn ngược lại với cái đã xảy ra ở Nam Mỹ. Điều này không thể được giải thích bằng vạch ra những nguồn lực địa lý chênh lệch của Bắc và Nam Mỹ, mà, có lẽ, đã ưu đãi Nam Mỹ.
Sự bất bình đẳng trong thế giới hiện đại chủ yếu là kết quả của sự truyền bá không đều và sự chấp nhận các công nghệ, và luận đề của Diamond có bao gồm các lý lẽ quan trọng về mặt này. Thí dụ, ông biện luận, đi theo nhà sử học William McNeil, rằng sự định hướng [theo chiều] đông-tây của đại lục Á-Âu đã cho phép cây trồng, động vật, và đổi mới lan từ vùng Lưỡi liềm Màu mỡ vào Tây Âu, trong khi sự định hướng bắc-nam của châu Mỹ giải thích vì sao các hệ thống chữ viết, mà được tạo ra ở Mexico, đã không lan tới vùng Andes hay tới Bắc Mỹ. Thế nhưng sự định hướng của các lục địa không thể cung cấp một giải thích cho sự bất bình đẳng thế giới ngày nay. Hãy xem xét châu Phi. Tuy Sa mạc Sahara đã có tỏ ra là một rào cản đáng kể cho sự vận chuyển hàng hóa và ý tưởng từ phương bắc đến châu Phi hạ-Sahara, rào cản này đã không phải là không thể vượt qua. Những người Bồ Đào Nha, và sau đó là những người Âu châu khác, đã đi thuyền quanh bờ biển và đã loại bỏ những khác biệt về kiến thức vào thời khi các khoảng cách thu nhập đã là rất nhỏ so với các khoảng cách ngày nay. Kể từ đó, châu Phi đã không bắt kịp châu Âu; ngược lại bây giờ có một khoảng cách thu nhập lớn hơn rất nhiều giữa hầu hết các nước Phi châu và các nước Âu châu.
Cũng phải là rõ, rằng lý lẽ của Diamond, mà là về bất bình đẳng lục địa, đã không được trang bị tốt để giải thích sự khác nhau bên trong các lục địa – một phần quan trọng của sự bất bình đẳng thế giới hiện đại. Thí dụ, trong khi sự định hướng của khối đất Á-Âu đã có thể giải thích nước Anh đã xoay xở thế nào để hưởng lợi từ những đổi mới của Trung Đông mà không phải sáng chế lại chúng, nó không giải thích vì sao Cách mạng Công nghiệp đã xảy ra ở nước Anh hơn là, chẳng hạn, ở Moldova. Ngoài ra, như bản thân Diamond đã chỉ ra, Trung Quốc và Ấn Độ đã hưởng lợi rất nhiều từ các bộ rất phong phú của các động vật và thực vật, và từ sự định hướng của đại lục Á-Âu. Nhưng hầu hết những người nghèo của thế giới ngày nay là ở hai nước đó.
Thực ra, cách tốt nhất để thấy phạm vi của luận đề của Diamond là bằng chính các biến số giải thích của riêng ông. Bản đồ 4 cho thấy số liệu về phân bố của Sus scrofa – Lợn rừng, tổ tiên của lợn hiện đại, và của bò rừng, tổ tiên của bò hiện đại. Cả hai loài đã phân bố rộng ở đại lục Á-Âu và thậm chí ở Bắc Phi. Bản đồ 5 cho thấy phân bố của một số tổ tiên hoang dại của các cây trồng đã được thuần hóa hiện nay, như Oryza sativa, tổ tiên của lúa được trồng ở châu Á, và tổ tiên của lúa mỳ và lúa mạch. Nó chứng tỏ rằng tổ tiên hoang dã của lúa đã phân bố rộng khắp nam và đông nam Á, trong khi tổ tiên của lúa mỳ và lúa mạch đã phân bố dọc theo một cung dài kéo từ Levant, qua Iran và đến Afghanistan và cụm “stan” (Turkmenistan, Tajikistan, và Krgyzistan). Các loài cổ này có mặt ở phần lớn đại lục Á-Âu. Nhưng sự phân bố rộng của chúng gợi ý rằng sự bất bình đẳng bên trong đại lục Á-Âu không thể được giải thích bằng một lý thuyết đựa vào mức độ tác động của các loài.
 

Giả thuyết địa lý không chỉ không hữu ích cho việc giải thích nguồn gốc của sự thịnh vượng suốt lịch sử, và đa phần là sai trong sự nhấn mạnh của nó, mà cũng không có khả năng giải thích thế đất (tình hình đặc trưng) mà chúng ta đã bắt đầu chương này với. Người ta có thể biện hộ rằng bất cứ hình mẫu bền bỉ nào, ví dụ như thứ bậc thu nhập ở bên trong châu Mỹ hay những khác biệt sắc nét và trải dài gữa châu Âu và Trung Đông, có thể được giải thích bởi địa lý không thay đổi. Nhưng điều này không phải vậy. Chúng ta đã thấy rồi, rằng các hình mẫu bên trong châu Mỹ là cực kỳ ít có khả năng được thúc đẩy bởi các yếu tố địa lý. Trước 1492, các nền văn minh ở thung lũng trung tâm của Mexico, Trung Mỹ, và vùng Andes đã có công nghệ và mức sống cao hơn Bắc Mỹ hay các nơi chẳng hạn như Argentina và Chile. Trong khi địa lý vẫn như thế, các thể chế do các nhà thuộc địa Âu châu áp đặt đã tạo ra một “sự đảo ngược vận may”. Địa lý cũng không chắc giải thích được sự nghèo khó của Trung Đông vì các lý do tương tự. Rốt cuộc, Trung Đông đã dẫn đầu thế giới trong Cách mạng Đồ đá Mới, và các thành phố đầu tiên được xây dựng ở nơi nay là Iraq hiện đại. Sắt đã được nấu lần đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, và vào cuối thời Trung Cổ, Trung Đông đã năng động về mặt công nghệ. Đã không phải địa lý của Trung Đông là cái đã khiến cho Cách mạng Đồ Đá Mới hưng thịnh ở phần đó của thế giới, như chúng ta sẽ thấy ở chương 5, và, lại lần nữa, không phải địa lý là cái làm cho Trung Đông nghèo. Thay vào đó, đã chính là sự bành trướng và sự củng cố của Đế chế Ottoman, và chính là di sản thể chế của đế chế này là cái giữ Trung Đông nghèo hiện nay.

Cuối cùng, các yếu tố địa lý là không hữu ích cho việc giải thích không chỉ những khác biệt mà chúng ta thấy khắp các phần khác nhau của thế giới, mà cũng chẳng giúp ích cho việc giải thích vì sao các quốc gia như Nhật Bản hay Trung Quốc lại trì trệ trong các thời kỳ dài và rồi bắt đầu một quá trình tăng trưởng nhanh. Chúng ta cần một lý thuyết khác, tốt hơn.

GIẢ THUYẾT VĂN HÓA
Lý thuyết được chấp nhận rộng rãi thứ hai, giả thuyết văn hóa, liên kết thịnh vượng với văn hóa. Giả thuyết văn hóa, cũng giống như giả thuyết địa lý, có một dòng giống lỗi lạc, truy nguyên chí ít về đến Max Weber, nhà xã hội học Đức vĩ đại, người cho rằng Cải cách Kháng cách[1] (Protestant Reformation) và đạo đức Kháng cách (Protestant ethic) mà nó khích lệ đã đóng vai trò then chốt trong tạo thuận lợi cho sự thăng tiến của xã hội công nghiệp hiện đại ở Tây Âu. Giả thuyết văn hóa không còn chỉ dựa vào tôn giáo, mà nhấn mạnh cả các loại khác của niềm tin, giá trị, và đạo đức nữa.
Mặc dù là không đúng đắn về mặt chính trị để diễn đạt công khai, nhiều người vẫn cho rằng những người châu Phi nghèo bởi vì họ thiếu một đạo lý làm việc tốt, vẫn tin vào phù thủy và ma thuật, hoặc kháng cự các công nghệ phương Tây. Nhiều người cũng tin rằng Mỹ Latin sẽ chẳng bao giờ giàu bởi vì người dân của nó hoang toàng và túng quẫn, và bởi vì họ có thiên hướng văn hóa “Iberian” hay “mañana” nào đó.[2] Tất nhiên, nhiều người một thời đã tin rằng văn hóa Trung Quốc hay các giá trị khổng giáo là không thân thiện với tăng trưởng kinh tế, mặc dù ngày nay người ta om sòm nói về tầm quan trọng của văn hóa làm việc Trung Hoa như động cơ tăng trưởng ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Singapore.
Giả thuyết văn hóa có hữu ích cho việc hiểu sự bất bình đẳng thế giới? Có và không. Có, theo nghĩa rằng các chuẩn mực xã hội, mà có liên quan đến văn hóa, là có ý nghĩa và khó thay đổi, và đôi khi chúng cũng ủng hộ các khác biệt thể chế, mà đấy [sự khác biệt thể chế] là sự giải thích của cuốn sách này cho sự bất bình đẳng thế giới. Nhưng thường là không, bởi vì các khía cạnh đó của văn hóa thường được nhấn mạnh – tôn giáo, đạo đức dân tộc, các giá trị Phi châu hay Latin – đúng là không quan trọng cho việc hiểu về làm thế nào chúng ta lại tới đây và vì sao sự bất bình đẳng thế giới lại dai dẳng. Các khía cạnh khác, thí dụ như mức độ mà người dân tin cậy lẫn nhau hoặc có khả năng hợp tác, là quan trọng nhưng chủ yếu chúng là kết quả của các thể chế, chứ không phải là nguyên nhân độc lập.
Hãy quay lại với Nogales. Như chúng ta đã nhắc tới sớm hơn, nhiều khía cạnh văn hóa là như nhau ở phía bắc và phía nam hàng rào. Tuy nhiên, có thể có một số khác biệt rõ rệt về các thông lệ, chuẩn mực, và giá trị, mặc dù đấy không phải là những nguyên nhân mà là những kết quả của các con đường phát triển khác nhau của hai nơi. Thí dụ, trong các cuộc điều tra những người Mexic thường nói rằng họ tin cậy những người khác ít hơn các công dân Hoa Kỳ nói họ tin những người khác. Nhưng không phải là một sự ngạc nhiên rằng những người Mexic thiếu sự tin cậy khi chính phủ của họ không thể loại bỏ các cartel ma túy hay cung cấp một hệ thống pháp lý hoạt động không thiên vị. Cũng đúng như thế với Bắc và Nam Hàn, khi chúng ta thảo luận ở chương tiếp theo. Niền Nam là một trong các nước giàu nhất trên thế giới, trong khi miền Bắc vật lộn với nạn đói định kỳ và sự nghèo khó khốn khổ. Trong khi “văn hóa” là rất khác nhau giữ miền Nam và miền Bắc hiện nay, nó đã không đóng vai trò gì trong gây ra vận may kinh tế khác nhau của hai nửa quốc gia này. Bán đảo Triều Tiên đã có một giai đoạn dài của lịch sử chung. Trước Chiến tranh Triều Tiên và sự chia cắt ở vĩ tuyến 38, nó đã có một mức độ đồng đều chưa từng có về các mặt ngôn ngữ, sắc tộc, và văn hóa. Hệt như ở Nogales, cái có ý nghĩa là đường biên giới. Về phía bắc là một chế độ khác, áp đặt các thể chế khác, tạo ra các khuyến khích khác. Bất cứ sự khác biệt nào về văn hóa giữa nam và bắc của đường biên giới cắt ngang qua hai nửa Nogales hay hai miền Triều Tiên như thế không phải là một nguyên nhân của những khác biệt về sự thịnh vượng, mà, đúng hơn, là một hậu quả.
Còn về châu Phi và văn hóa Phi châu thì sao? Về mặt lịch sử, châu Phi hạ-Sahara đã nghèo hơn hầu hết các phần khác của thế giới, và các nền văn minh cổ của nó đã không phát triển bánh xe, chữ viết (trừ Ethiopia và Somalia), hay [cái] cày. Mặc dù các công nghệ này đã không được sử dụng rộng rãi cho đến khi sự thực dân hóa Âu châu chính thức đến vào cuối thế kỷ mười chín đầu thế kỷ hai mươi, các xã hội Phi châu biết về chúng sớm hơn nhiều. Những người Âu châu đã bắt đầu đi thuyền quanh bờ tây vào cuối thế kỷ thứ mười lăm, và những người Á châu đã liên tục đi thuyền đến Đông Phi sớm hơn nhiều.
Chúng ta có thể hiểu vì sao những công nghệ này đã không được chấp nhận từ lịch sử của Vương quốc Kongo ở cửa sông Congo, mà đã trao tên của nó cho Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đại. Bản đồ 6 cho thấy Kongo đã ở đâu cùng với một nhà nước trung phi quan trọng khác, Vương quốc Kuba, mà chúng ta sẽ thảo luận muộn hơn trong cuốn sách.

Kongo đã tiếp xúc mạnh mẽ với người Bồ Đào Nha sau khi thủy thủ Diogo Cão đến thăm nó lần đầu tiên vào năm 1483. Tại thời đó, Kongo đã là một chính thể được tập trung cao độ theo các tiêu chuẩn Phi châu, mà thủ đô của nó, Mbanza, đã có dân số sáu mươi ngàn người, làm cho nó có cùng quy mô như thủ đô Bồ Đào Nha, Lisbon, và lớn hơn London, có dân số khoảng năm mươi ngàn vào năm 1500. Vua Kongo, Nzinga a Nkuwu, đã cải đạo sang Công giáo (Catholicism) và đã đổi tên thành João I. Muộn hơn tên của Mbanza được đổi thành São Salvador. Nhờ những người Bồ Đào Nha, những người Kongo đã học về bánh xe và cái cày, và người Bồ Đào Nha thậm chí đã cổ vũ sự chấp nhận chúng với các phái đoàn công cán nông nghiệp vào năm 1491 và 1512. Nhưng tất cả những sáng kiến này đã thất bại. Ấy thế mà, những người Kongo đã hoàn toàn không phải không thích các công nghệ hiện đại nói chung. Họ đã rất nhanh để chấp nhận một đổi mới sáng tạo phương Tây đáng kính: súng. Họ đã dùng công cụ mới và hùng mạnh này để đáp lại các khuyến khích thị trường: để bắt và xuất khẩu nô lệ. Chẳng hề có dấu hiệu nào ở đây rằng các giá trị hay văn hóa Phi châu đã ngăn cản sự chấp nhận các công nghệ và thói quen mới. Khi những tiếp xúc của họ với những người Âu châu sâu thêm, những người Kongo đã chấp nhận các thói quen phương Tây khác: biết đọc biết viết, phong cách ăn mặc, kiểu mẫu nhà cửa. Trong thế kỷ mười chín, nhiều xã hội Phi châu cũng đã tận dụng các cơ hội kinh tế tăng lên do Cách mạng Công nghiệp tạo ra bằng cách thay đổi các hình mẫu sản xuất của họ. Ở Tây Phi đã có sự phát triển kinh tế nhanh dựa trên xuất khẩu dầu cọ và lạc; khắp miền nam châu Phi, những người Phi châu đã phát triển xuất khẩu cho các vùng công nghiệp và khai mỏ đang mở rộng nhanh chóng của Rand ở Nam Phi. Thế nhưng những thử nghiệm kinh tế đầy hứa hẹn này đã bị xóa sạch không phải bởi văn hóa Phi châu hay bởi sự bất tài của những người dân thường Phi châu để hành động vì lợi ích riêng của họ, mà đầu tiên bởi chủ nghĩa thực dân Âu châu và sau đó bởi các chính phủ Phi châu sau độc lập.
Lý do thực sự của việc những người Kongo không chấp nhận công nghệ ưu việt bởi vì họ đã không có khuyến khích nào để làm vậy. Họ đã đối mặt với một rủi ro cao về tất cả sản lượng của họ bị chiếm đoạt hay bị đánh thuế bởi nhà vua có mọi quyền lực, dẫu cho ngài đã có cải đạo sang Công giáo hay không. Thực ra, đã không chỉ là tài sản của họ không an toàn. Sự tồn tại tiếp tục của họ được giữ bằng một sợi chỉ. Nhiều trong số họ đã bị bắt và bị bán làm nô lệ – một môi trường hầu như không khích lệ đầu tư để làm tăng năng suất dài hạn. Nhà vua cũng đã chẳng có các khuyến khích để làm cho việc chấp nhận [công nghệ] cày trên quy mô lớn hay gia tăng năng suất nông nghiệp thành ưu tiên chính của ngài; xuất khẩu nô lệ đã sinh lợi hơn rất nhiều.
Đã có thể đúng ngày nay rằng những người Phi châu tin cậy lẫn nhau ít hơn người dân ở những phần khác của thế giới. Nhưng đấy là một kết quả của một lịch sử dài của các thể chế mà đã làm xói mòn các quyền con người và quyền tài sản ở châu Phi. Khả năng bị bắt và bị bán như một nô lệ, không nghi ngờ gì đã ảnh hưởng đến mức độ mà những người Phi châu tin vào nhau về mặt lịch sử.
Về đạo đức Protestant của Max Weber thì sao? Mặc dù có thể đúng rằng các nước hầu thết theo Protestant, ví dụ như Hà Lan và Anh, đã là những thành công kinh tế đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại, có ít quan hệ giữa tôn giáo và thành công kinh tế. Pháp, nước hầu hết theo Công giáo, đã mau chóng bắt chước thành tích kinh tế của người Hà Lan và người Anh trong thế kỷ mười chín, và ngày nay Italy cũng thịnh vượng như bất cứ quốc gia nào trong các quốc gia này. Nhìn xa hơn sang phương đông, bạn sẽ thấy rằng chẳng có nền kinh tế nào trong các nền kinh tế thành công của Đông Á có bất cứ quan hệ gì với bất cứ hình thức Kitô giáo (Christian) nào, cho nên cũng chẳng có mấy sự ủng hộ cho một mối quan hệ đặc biệt giữa phong trào Protestant và thành công kinh tế cả ở đó nữa.
Hãy quay sang vùng ưa thích đối với những người say mê giả thuyết văn hóa: Trung Đông. Các nước Trung Đông chủ yếu theo đạo Hồi, và các nước không sản xuất dầu trong số đó là rất nghèo, như chúng ta đã nhắc tới. Các nước sản xuất dầu giàu hơn, nhưng của cải trời cho này đã làm chẳng bao nhiêu để tạo ra các nền kinh tế hiện đại đa dạng ở Saudi Arabia hay Kuwait. Chẳng phải những sự thực này cho thấy một cách thuyết phục rằng tôn giáo có ý nghĩa? Mặc dù có vẻ hợp lý, lý lẽ này cũng chẳng đúng. Đúng, các nước Syria và Ai Cập là nghèo, và dân cư của chúng chủ yếu theo đạo Hồi. Nhưng các nước này cũng khác một cách có hệ thống theo những cách khác mà quan trọng hơn nhiều đối với sự thịnh vượng. Trước hết, tất cả chúng đã là các tỉnh của Đế chế Ottoman, mà đã định hình một cách nặng nề và bất lợi cách chúng đã phát triển. Sau khi sự cai trị Ottoman sụp đổ, Trung Đông đã bị gộp vào các đế chế thuộc địa Anh và Pháp, mà, lại lần nữa, làm còi cọc những khả năng của chúng. Sau khi độc lập, chúng đã hầu như đi theo thế giới thuộc địa trước đó bằng cách phát triển các chế độ chính trị thứ bậc, chuyên quyền với số ít các thể chế chính trị và kinh tế mà, như chúng ta sẽ biện luận, là cốt yếu cho việc tạo ra thành công kinh tế. Con đường phát triển này đã được tạo dựng chủ yếu bởi lịch sử của sự cai trị Ottoman và Âu châu. Quan hệ giữa Hồi giáo và nghèo khó ở Trung Đông phần lớn là giả.
Vai trò của các sự kiện lịch sử này, hơn là các yếu tố văn hóa, trong định hình quỹ đạo kinh tế của Trung Đông cũng được thấy trong sự thực rằng các phần của Trung Đông mà tạm thời thoát khỏi được ảnh hưởng của Đế chế Ottoman và các cường quốc Âu châu, như Ai Cập giữa 1805 và 1848 dưới thời Muhammad Ali, đã có thể bắt đầu tiến lên con đường thay đổi kinh tế nhanh. Muhammad Ali đã chiếm quyền tiếp sau sự rút lui của các lực lượng Pháp đã chiếm đóng Ai Cập dưới thời Napoleon Bonaparte. Khai thác sự yếu ớt của ảnh hưởng Ottoman lên lãnh thổ Ai Cập lúc đó, ông đã có thể lập ra triều đại riêng của mình, mà, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã có thể cai trị cho đến Cách mạng Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Nasser năm 1952. Các cuộc cải cách của Muhammad Ali, mặc dù cưỡng bức, đã mang lại sự tăng trưởng cho Ai Cập khi bộ máy nhà nước, quân đội, hệ thống thuế đã được hiện đại hóa và đã có tăng trưởng trong nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng này đã kết thúc sau cái chết của Ali, vì Ai Cập đã rơi vào ảnh hưởng của châu Âu.
Nhưng có lẽ đấy là cách sai để nghĩ về văn hóa. Có thể các yếu tố văn hóa mà có ý nghĩa lại không gắn với tôn giáo mà đúng hơn gắn với “các văn hóa dân tộc” cá biệt. Có lẽ ảnh hưởng của văn hóa Anh là cái quan trọng và giải thích vì sao các nước như Hoa Kỳ, Canada, và Australia thịnh vượng đến vậy? Mặc dù ý tưởng này ban đầu nghe có vẻ hấp dẫn, nó cũng chẳng có hiệu lực. Đúng, Hoa Kỳ và Canada đã là các thuộc địa của Anh, nhưng Sierra Leone và Nigeria cũng thế. Sự biến động về thịnh vượng bên trong các thuộc địa trước kia của Anh cũng lớn như sự biến động thịnh vượng trên toàn thế giới. Di sản Anh không phải là lý do cho thành công của Bắc Mỹ.
Còn có một phiên bản nữa của giả thuyết văn hóa: có lẽ không phải là Anh đối lại không Anh là cái có ý nghĩa, mà là Âu châu đối lại không Âu châu. Có thể chăng là, những người Âu châu giỏi hơn vì lý do nào đó bởi vì đạo đức làm việc, cách nhìn về cuộc sống, các giá trị Do Thái-Kitô giáo, hay di sản La Mã của họ? Đúng là dân cư của Tây Âu và Bắc Mỹ, những phần thịnh vượng nhất của thế giới, chủ yếu là những người có nguồn gốc Âu châu. Có lẽ di sản văn hóa Âu châu ưu việt hơn là cái nằm ở gốc của sự thịnh vượng – và là nơi ẩn náu cuối cùng của giả thuyết văn hóa. Chao ôi, phiên bản này của giả thuyết văn hóa cũng có ít khả năng giải thích như các phiên bản khác. Phần lớn hơn của dân cư ở Argentina và Uruguay, so với dân cư Hoa Kỳ và Canada, là những người có gốc Âu châu, nhưng thành tích kinh tế của Argentina và Uruguay có nhiều điểm đáng chê. Nhật Bản và Singapore đã chẳng bao giờ có nhiều hơn một nhúm cư dân gốc Âu châu, thế nhưng họ thịnh vượng như nhiều phần của Tây Âu.
Trung Quốc, bất chấp nhiều thiếu sót trong hệ thống kinh tế và chính trị của nó, đã là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của ba thập kỷ vừa qua. Sự nghèo khó của Trung Quốc cho đến cái chết của Mao Trạch Đông đã chẳng liên quan gì đến văn hóa Trung Hoa; nó đã là do cung cách tai họa mà Mao đã tổ chức nền kinh tế và điều hành chính trị. Trong các năm 1950, Mao đã thúc đẩy phong trào Đại Nhảy Vọt, một chính sách công nghiệp hóa quyết liệt mà đã dẫn tới chết đói hàng loạt và nạn đói. Trong các năm 1960, ông đã tuyên truyền Cách mạng Văn hóa, mà đã dẫn đến sự đàn áp hàng loạt trí thức và những người có học – bất cứ ai mà lòng trung thành với đảng bị nghi ngờ. Việc này, một lần nữa, lại đã dẫn đến khủng bố và một sự lãng phí khổng lồ tài năng và nguồn lực của xã hội. Cũng thế, tăng trưởng hiện thời của Trung Quốc chẳng có liên quan gì đến các giá trị Trung Hoa hay đến những thay đổi về văn hóa Trung Hoa; nó là kết quả của một quá trình biến đổi kinh tế được tháo xích bởi những cải cách được thực hiện bởi Đặng Tiểu Bình và các đồng minh của ông, người, sau cái chết của Mao Trạch Đông, đã dần dần từ bỏ các chính sách và các thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, đầu tiên trong nông nghiệp và sau đó trong công nghiệp.
Hệt như giả thuyết địa lý, giả thuyết văn hóa cũng vô ích cho sự giải thích các khía cạnh khác của địa hình địa thế [tình hình] xung quanh chúng ta ngày nay. Tất nhiên, có những khác biệt về lòng tin, thái độ văn hóa, và các giá trị giữa Hoa Kỳ và Mỹ Latin, nhưng hệt như những khác biệt giữa Nogales, Arizona, và Nogales, Sonora, hoặc giữa Bắc và Nam Hàn, những khác biệt này là hệ quả của các thể chế và lịch sử thể chế khác nhau của hai nơi. Các yếu tố văn hóa mà nhấn mạnh văn hóa “Hispanic” hay “Latin” đã đúc Đế chế Tây Ban Nha bằng khuôn không thể giải thích những sự khác biệt bên trong châu Mỹ Latin – thí dụ, vì sao Argentina và Chile thịnh vượng hơn Peru và Bolivia. Các loại khác của các lý lẽ văn hóa – chẳng hạn, những loại nhấn mạnh văn hóa bản địa đương đại – cũng hoạt động tồi ngang thế. Argentina và Chile có ít dân bản địa so với Peru và Bolivia. Mặc dù điều này đúng, văn hóa bản địa với tư cách một sự giải thích cũng chẳng có hiệu lực. Colombia, Ecuador, và Peru có mức sống tương tự nhau, nhưng ngày nay Columbia có rất ít người bản địa, trong khi Ecuador, và Peru có nhiều. Cuối cùng, các thái độ văn hóa, mà nói chung là chậm để thay đổi, bản thân chúng không chắc giải thích được sự tăng trưởng kỳ diệu ở Đông Á và Trung Quốc. Mặc dù các thể chế tồn tại dai dẳng, trong những hoàn cảnh nhất định chúng cũng thay đổi nhanh chóng, như chúng ta sẽ thấy.

GIẢ THUYẾT DỐT NÁT
Lý thuyết được ưa chuộng cuối cùng về vì sao một số quốc gia nghèo và một số giàu là giả thuyết dốt nát, mà nó khẳng định rằng sự bất bình đẳng thế giới tồn tại bởi vì chúng ta hay những kẻ cai trị chúng ta không biết làm thế nào để biến các nước nghèo thành giàu. Ý tưởng này là ý tưởng của hầu hết các nhà kinh tế học, những người nhận được sự gợi ý từ định nghĩa nổi tiếng do nhà kinh tế học Anh Lionel Robins đề xuất năm 1935 rằng “kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu hành vi con người như một mối quan hệ giữa các mục đích và các phương tiện khan hiếm mà có những cách sử dụng khả dĩ khác”.
Sau đó chỉ là một bước nhỏ để kết luận rằng khoa học kinh tế phải tập trung vào cách sử dụng tốt nhất các phương tiện khan hiếm để thỏa mãn các mục đích xã hội. Thực vậy, kết quả lý thuyết nổi tiếng nhất trong kinh tế học, cái được gọi là Định lý Phúc lợi Thứ nhất, nhận diện hoàn cảnh mà dưới đó sự phân bổ nguồn lực trong một “nền kinh tế thị trường” là đáng mong mỏi về mặt xã hội nhìn từ quan điểm kinh tế. Một nền kinh tế thị trường là một sự trừu tượng hóa mà có ý định nắm bắt một hoàn cảnh trong đó tất cả các cá nhân và các hãng có thể sản xuất, mua, và bán một cách tự do bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào mà họ muốn. Khi các hoàn cảnh này không hiện diện thì có một “khiếm khuyết thị trường – market failure – hay thất bại thị trường”. Những khiếm khuyết như vậy tạo cơ sở cho một lý thuyết về sự bất bình đẳng thế giới, vì các khiếm khuyết thị trường càng không được giải quyết, thì một nước càng có khả năng là nghèo. Giả thuyết dốt nát xác nhận rằng các nước nghèo là nghèo bởi vì chúng có nhiều khiếm khuyết thị trường và bởi vì các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách không biết làm thế nào để thoát khỏi chúng và đã chú ý đến lời khuyên sai trong quá khứ. Các nước giàu là giàu bởi vì họ đã hình dung ra các chính sách tốt hơn và đã thành công loại bỏ các khiếm khuyết này.
Giả thuyết dốt nát có thể giải thích sự bất bình đẳng thế giới? Có thể chăng rằng các nước Phi châu nghèo hơn phần còn lại của thế giới là bởi vì các nhà lãnh đạo của họ có xu hướng có cùng các quan điểm sai lầm về làm thế nào để vận hành các nước của họ, dẫn đến sự nghèo khó ở đó, trong khi các nhà lãnh đạo Tây Âu có hiểu biết tốt hơn hay được khuyên bảo tốt hơn, mà giải thích thành công tương đối của họ? Trong khi có các thí dụ nổi tiếng về các nhà lãnh đạo chọn làm theo các chính sách tai hại bởi vì họ đã hiểu lầm các hậu quả của những chính sách đó, sự dốt nát có thể giải thích một phần nhỏ của sự bất bình đẳng thế giới.
Xét theo bề ngoài, sự sa sút kinh tế kéo dài, mà đã bắt đầu ngay ở Ghana sau khi độc lập khỏi Anh, đã do sự dốt nát gây ra. Nhà kinh tế học Anh Tony Killick, khi đó hoạt động với tư cách một cố vấn cho chính phủ Kwame Nkrumah đã ghi lại rất chi tiết nhiều vấn đề. Các chính sách của Nkrumah đã tập trung vào phát triển công nghiệp nhà nước, mà đã hóa ra là rất không hiệu quả. Killick nhớ lại:
Nhà máy giày … mà phải gắn với nhà máy thịt ở miền Bắc qua việc vận chuyển da xuống miền Nam (suốt một khoảng cách trên 500 dặm) đến một nhà máy thuộc da (bây giờ bị bỏ hoang); đã phải chở da thuộc ngược lại bằng xe tải đến nhà máy giày ở Kumasi, ở giữa nước và cách nhà máy thuộc da khoảng 200 dặm về phía bắc. Vì thị trường giày chính là ở vùng đô thị Accra, nên sau đó giày phải được vận chuyển thêm 200 dặm quay lại miền Nam.
Killick bình luận một cách hơi giảm bớt rằng đấy đã là một hoạt động kinh doanh “mà khả năng sinh lời của nó bị xói mòn bởi sự lựa chọn địa điểm tồi”. Nhà máy giày chỉ là một trong nhiều dự án như vậy, thêm vào là nhà máy đóng hộp xoài được đặt tại vùng của Ghana mà đã không trồng xoài và sản lượng của nó đã nhiều hơn cầu của toàn thế giới đối với sản phẩm đó. Dòng vô tận này của những việc triển khai phi lý về mặt kinh tế đã không được gây ra bở sự thực rằng Nkrumah và các cố vấn của ông đã kém hiểu biết hay đã dốt nát về các chính sách kinh tế đúng. Họ đã có những cố vấn như Killick và đã thậm chí được tư vấn bởi kinh tế gia được giải Nobel, Sir Arthur Lewis, những người đã biết các chính sách này là không tốt. Cái đã khiến các chính sách kinh tế có hình thức ấy là sự thực rằng Nkrumah đã cần phải sử dụng chúng để mua sự ủng hộ chính trị và để duy trì chế độ phi dân chủ của ông. Thành tích gây thất vọng của Ghana sau độc lập không thể, và vô số các trường hợp khác về quản lý kinh tế sai rành rành cũng chẳng thể, đơn giản đổ lỗi cho sự ngu dốt. Rốt cuộc, nếu giả như sự ngu dốt là vấn đề, thì các nhà lãnh đạo có thiện chí sẽ nhanh chóng học được các loại chính sách nào làm tăng thu nhập và phúc lợi của các công dân của họ, và sẽ hướng theo các chính sách đó.
Hãy xem xét những con đường khác nhau của Hoa Kỳ và Mexico. Quy sự khác biệt này cho sự dốt nát của các lãnh đạo của hai quốc gia, nhiều nhất, là có vẻ hết sức không hợp lý. Đã không phải là những sự khác biệt về hiểu biết hay về ý định giữa John Smith và Cortés là cái đã gieo hạt phân kỳ trong giai đoạn thuộc địa, và đã không phải là những sự khác biệt về hiểu biết giữa các tổng thống Hoa Kỳ muộn hơn, như Teddy Roosevelt hay Woodrow Wilson, và Porfirio Díaz là cái đã khiến cho Mexico chọn các thể chế kinh tế làm giàu cho elite gây tổn hại cho phần còn lại của xã hội vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, trong khi Roosevelt và Wilson thì đã làm ngược lại. Đúng hơn, đã là những khác biệt về các ràng buộc thể chế mà các tổng thống và elite của hai nước đã phải đối mặt. Tương tự, các nhà lãnh đạo của các quốc gia Phi châu, các quốc gia sống khổ cực dưới các quyền tài sản và các thể chế kinh tế không an toàn, bần cùng hóa phần lớn dân cư của họ, đã không cho phép điều này xảy ra bởi vì họ đã nghĩ nó là nền kinh tế tốt; họ đã làm như vậy bởi vì họ đã có thể không bị trừng phạt và làm giàu cho bản thân họ gây tổn hại cho những người còn lại, hay bởi vì họ đã nghĩ là quan điểm chính trị tốt, một cách để bản thân họ bám lấy quyền lực bằng cách mua sự ủng hộ của các nhóm cốt yếu hay elite.
Kinh nghiệm của thủ tướng Ghana trong năm 1971, Kofi Busia, minh họa giả thuyết ngu dốt có thể gây lạc lối đến thế nào. Busia đã đối mặt với một khủng hoảng kinh tế nguy hiểm. Sau khi lên nắm quyền năm 1969, giống như Nkrumah trước ông, ông đã theo đuổi các chính sách kinh tế mở rộng không bền vững và duy trì những sự kiểm soát giá khác nhau thông qua các hội đồng marketing và đã định tỷ giá hối đoái cao. Mặc dù Busia đã là một định thủ của Nkrumah, và đã lãnh đạo một phong trào dân chủ, ông đã phải đối mặt với nhiều ràng buộc chính trị cũng như thế. Như với Nkrumah, các chính sách kinh tế của ông đã được chấp nhận không phải bởi vì ông đã “dốt nát” và đã tin rằng những chính sách này là chính sách kinh tế tốt hay là một cách lý tưởng để phát triển đất nước. Các chính sách này đã được chọn bởi vì chúng đã tốt về mặt chính trị, cho phép Busia chuyển nguồn lực cho các nhóm hùng mạnh về mặt chính trị, thí dụ ở các vùng đô thị, những người cần phải được cảm thấy hài lòng. Những việc kiểm soát giá đã vắt ngành nông nghiệp, cung cấp thực phẩm rẻ cho các cử tri đô thị và tạo thu nhập để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ. Nhưng những kiểm soát này đã là không bền vững. Ghana mau chóng đã bị một loạt khủng hoảng về cán cân thanh toán và thiếu hụt ngoại hối. Đối mặt với những thế lưỡng nan này, ngày 27-12-1971, Busia đã ký một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, mà bao gồm một sự phá giá ồ ạt đồng nội tệ.
IMF, Ngân hàng Thế giới, và toàn bộ cộng đồng quốc tế đã gây áp lực lên Busia để thực thi những cải cách chứa trong thỏa thuận. Mặc dù các thể chế quốc tế đã sung sướng không ý thức được, nhưng Busia biết rõ ông đang lao vào một cuộc đánh bạc chính trị khổng lồ. Hệ quả ngay lập tức của việc phá giá đồng tiền đã là bạo loạn và bất mãn ở Accra, thủ đô Ghana, mà đã lên đến mức không thể kiểm soát nổi cho đến khi Busia bị lật đổ bởi quân đội, lãnh đạo bởi Trung Tá Acheampong, người đã lập tức đảo ngược việc phá giá.
Giả thuyết dốt nát khác các giả thuyết địa lý và văn hóa ở chỗ nó đến dễ dàng với một gợi ý về “giải quyết” vấn đề nghèo khó như thế nào: nếu sự dốt nát đã đưa chúng ta đến đây, thì các nhà cai trị và các nhà hoạch định chính sách được giác ngộ và có hiểu biết sẽ có thể đưa chúng ta ra khỏi và chúng ta phải có khả năng “sắp đặt-engineer” sự thịnh vượng quanh thế giới bằng cách cung cấp lời khuyên đúng và thuyết phục các nhà chính trị về nền kinh tế tốt là gì. Thế nhưng kinh nghiệm của Busia nhấn mạnh sự thực rằng trở ngại chính đối với việc chấp nhận các chính sách mà sẽ làm giảm những khiếm khuyết thị trường và khích lệ tăng trưởng kinh tế không phải là sự vô minh, sự dốt nát của các nhà chính trị mà là các khuyến khích (incentive) và các ràng buộc (constraint) họ đối mặt từ các thể chế chính trị và kinh tế trong các xã hội của họ.
Mặc dù giả thuyết dốt nát vẫn ngự trị cao nhất giữa hầu hết các nhà kinh tế học và trong giới làm chính sách phương Tây – mà, hầu như loại trừ tất cả những thứ khác, chỉ chú tâm vào làm thế nào để sắp đặt, lập kế hoạch sự thịnh vượng – nó chỉ là một giả thuyết khác không có hiệu lực. Nó không giải thích được các nguồn gốc của thịnh vượng quanh thế giới và cũng chẳng giải thích được tình hình (thế đất) quanh chúng ta – thí dụ, vì sao một số quốc gia, chẳng hạn Mexico và Peru, chứ không phải Hoa Kỳ hay Anh, đã chấp nhận các thể chế và các chính sách bần cùng hóa đa số công dân của họ, hay vì sao hầu như toàn bộ châu Phi hạ-Sahara và hầu hết Trung Mỹ lại nghèo hơn Tây Âu hay Đônng Á rất nhiều.
Khi các quốc gia phá vỡ để vượt ra khỏi các hình mẫu thể chế ép buộc họ nghèo và tìm được cách để bắt đầu bước lên con đường tăng trưởng kinh tế, việc này không phải bởi vì các nhà lãnh đạo dốt nát của họ đột nhiên trở nên có hiểu biết tốt hơn hay ít tự-tư tự lợi hơn hoặc đã nhận được lời khuyên từ các nhà kinh tế học giỏi hơn. Thí dụ, Trung Quốc là một trong những nước đã chuyển từ các chính sách kinh tế gây ra nghèo khó và sự chết đói của hàng triệu người sang các chính sách khích lệ tăng trưởng kinh tế. Nhưng, như muộn hơn chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn nhiều, điều này đã không xảy ra bởi vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối cùng đã hiểu rằng sở hữu tập thể về đất nông nghiệp và công nghiệp đã tạo ra các khuyến khích khủng khiếp. Thay vào đó, Đặng Tiểu Bình và các đồng minh của ông, những người đã không kém tư lợi hơn các đối thủ của họ mà là những người có các lợi ích và các mục tiêu chính trị khác, đã đánh bại các đối thủ hùng mạnh của họ trong Đảng Cộng Sản và đã chỉ huy một cuộc cách mạng chính trị loại xoàng, thay đổi triệt để ban lãnh đạo và đường hướng của đảng. Các cuộc cải cách kinh tế của họ, mà đã tạo ra các khuyến khích thị trường trong nông nghiệp và sau đó trong công nghiệp, đã tất yếu xảy đến từ cách mạng chính trị này. Chính chính trị là cái đã quyết định sự chuyển từ chủ nghĩa cộng sản sang các khuyến khích thị trường ở Trung Quốc, chứ không phải lời khuyên tốt hơn hoặc một sự hiểu đúng hơn về nền kinh tế hoạt động thế nào.

CHÚNG TA SẼ CHỨNG TỎ rằng để hiểu sự bất bình đẳng thế giới chúng ta phải hiểu vì sao một số xã hội lại được tổ chức theo những cách rất không hiệu quả và không đáng mong mỏi về mặt xã hội. Các quốc gia đôi khi có tìm được cách để chấp nhận các thể chế hiệu quả và đạt sự thịnh vượng, nhưng chao ôi, đấy là những trường hợp hiếm hoi. Hầu hết các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách đã tập trung vào “getting it right –  hiểu đúng, làm đúng”, trong khi cái thực sự cần đến là một sự giải thích vì sao các quốc gia nghèo lại “get it wrong – hiểu sai, làm sai”. Làm sai phần lớn không phải là về sự dốt nát hay văn hóa. Như chúng ta sẽ chứng tỏ, các nước nghèo là nghèo bởi vì những người có quyền lực đưa ra những lựa chọn mà chúng tạo ra nghèo khó. Họ làm sai không phải bởi sự sai lầm hay sự ngu dốt mà là cố ý, có chủ tâm. Để hiểu điều này, bạn phải vượt quá kinh tế học và lời khuyên chuyên gia về cái tốt nhất để làm và, thay vào đó, nghiên cứu các quyết định thực sự được đưa ra như thế nào, ai sai khiến đưa ra chúng, và vì sao những người quyết định để làm cái họ làm. Đây là việc nghiên cứu về chính trị học và các quá trình chính trị. Theo truyền thống kinh tế học đã bỏ qua chính trị học, nhưng việc hiểu chính trị học là cốt yếu cho việc hiểu sự bất bình đẳng thế giới. Với tư cách một nhà kinh tế học Abba Lerner đã nhận xét trong các năm 1970, “Kinh tế học đã nhận được danh hiệu Nữ hoàng của các Khoa học Xã hội bằng cách chọn các vấn đề chính trị đã được giải quyết như lĩnh vực của mình”.
Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng việc đạt sự thịnh vượng phụ thuộc vào việc giải [quyết] một số vấn đề chính trị cơ bản. Chính xác bởi vì kinh tế học đã giả thiết rằng các vấn đề chính trị đã được giải mà nó đã không có khả năng tìm ra một lời giải thích thuyết phục cho sự bất bình đẳng thế giới. Việc giải thích sự bất bình đẳng thế giới vẫn cần đến kinh tế học để hiểu các loại khác nhau của các chính sách và những dàn xếp xã hội ảnh hưởng thế nào đến các khuyến khích và hành vi kinh tế. Nhưng nó cũng cần chính trị học.
Nguyễn Quang A dịch

[1] Protestant cũng thường được dịch ra tiếng Việt là Tin lành, tuy phong trào Tin lành (Evangelism) chỉ là một trào lưu thuộc phong trào Kháng cách (Protestantism), ngoài Tin lành ra còn có các giáo phái khác cũng thuộc cộng đồng Kháng cách lớn này như Anh giáo, Calvinist vân vân. Tại Việt Nam Tin lành là cộng đồng Kháng cách lớn nhất, có lẽ vì thế mà có sự lẫn lộn về thuật ngữ như vậy. Trong bản dịch này đôi khi để nguyên là protestant.
[2] Mañana tiếng Tây ban Nha có nghĩa là ngày mai, hặc là một thời điểm không xác định trong tương lai, văn hóa mañana có thể được đặc trưng bằng câu tục ngữ của họ “sao lại phải làm hôm nay nếu cũng có thể làm vào ngày mai”.
Nguồn: Why Nations Fail
THE ORIGINS OF POWER, PROSPERITY, AND POVERTY
Daron Acemoglu and Jemes A. Robinson
Crown Publishers ● New York

0 nhận xét:

Đăng nhận xét