Trung Quốc - Rồng thật hay Voi giấy?
Hiện, TQ có thể ví như một con voi. Voi bằng giấy (phủ đôla móc từ thặng dư lao động của nông dân phải đi làm công nghiệp trên thành phố), với ba chân đất sét (với môi trường bị tàn phá, lao động lão hóa, và bất bình đẳng trong phân bố lợi tức) và một chân bằng gỗ....
Nếu
tính tổng sản lượng GDP, TQ có nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới,
với ¼ dân số địa cầu. Nếu tính GDP/đầu người thì hiện 130 triệu người TQ làm được 1 đôla mỗi ngày. 35% dân số - tức trên dưới 455 triệu người - chỉ thu nhập dưới 2 đôla mỗi ngày, tức ở mức 700-750 đô la/năm. So vớí thế giới, người TQ vẫn chưa phải là nước giàu.
Chế độ an sinh (lợi tức hưu trí, y tế xã hội…) ở TQ còn phôi thai. Mức bất bình đẳng phân bổ ở mức cao - đo
bằng chỉ số Gini, cảnh báo tiềm ẩn xung đột lớn. Nếu xét đến mức phân
bố theo vùng, rạn nứt giữa những khu kinh tế đặc biệt ở duyên hải và
những thành phố lớn đối với nội địa (mà nông nghiệp là chính) càng ngày càng lớn. Ngoài ra, TQ phải đối mặt với hiện tượng "lão hóa" trong cơ cấu dân số. Kèm theo đó là vấn đề môi trường bị tàn phá ở mức trầm trọng vì kỹ thuật kém và vì tầm nhìn ngắn.
TQ đã khởi đầu công nghiệp nặng và trung, nhưng vẫn còn tập trung trong khâu công nghiệp nhẹ để xuất khẩu. Năm 2010, TQ sẽ là nước có mức xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng vẫn ở thế "kẹt" vì phải dùng đôla làm tiền tệ thanh khoản. Những nước mới nổi BRIC (gồm Brazil, Ấn, Nga, và Trung Quốc) bàn nhau về phương sách thay thế đồng đôla. Tuy nhiên, có sớm cũng phải 5 đến 7 năm tới việc này mới khả thi, và với điều kiện BRIC duy trì được mức đoàn kết tối thiểu. Điều này xét trong bối cảnh các quan hệ Ấn - Trung và Nga – Trung. Chẳng mấy dễ dàng.
Hình minh họa. Nguồn: Corbis |
Nhưng nếu cứ có khả năng "ổn định" củng cố tập quyền về mặt chính trị, chuyện
vào vai siêu cường của TQ là có cơ sở. Siêu cường - chẳng phải vì TQ có
kỹ thuật không gian cao, đóng được tầu ngầm nguyên tử, hay phóng được
tên lửa mang đầu hạt nhân xa 2000 km (theo sau Mỹ 20 năm). Trung Quốc có
thể trở thành siêu cường vì đã bỏ vốn đi buôn, đồng thời cầm giữ đôla
như giữ lửa trong tay. Trung Quốc có thể trở thành siêu cường vì - như
Âu châu đầu cuộc Cách mạng Kỹ Nghệ thế kỷ 18- 19 - "vắt sức" của giai
cấp lao động trong nước và lũng đoạn tài nguyên từ những nước nghèo ở
các châu lục khác. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trở thành đế quốc
mới, nhưng hiện thực vẫn phải tùy thuộc thời gian trả lời. Nhưng, lực
cản đã xuất hiện. Tây Âu, Nhật, Nga…bắt đầu quan tâm và có phản ứng
trước chính sách kinh tế đối ngoại của TQ. Do còn vướng tay giải quyết
vấn đề kinh tế mỗi nước, hiện họ chỉ đánh động nguy cơ trước "quyền lực
mềm" và khẩu hiệu "đôi bên cùng có lợi" (win-win) "hài hòa" của Bắc
Kinh.
Hiện, TQ có
thể ví như một con voi. Voi bằng giấy (phủ đôla móc từ thặng dư lao
động của nông dân phải đi làm công nghiệp trên thành phố), với ba chân
đất sét (với môi trường bị tàn phá, lao động lão hóa, và bất bình đẳng
trong phân bố lợi tức), một chân bằng gỗ (quân đội trung kiên với quyền
lực chính trị). Nhưng TQ đã cấm quân đội "làm ăn". Chân gỗ hẳn chẳng còn
được đóng đế sắt, và lung lay thế nào thì xin đợi vòng quay sau của
bánh xe lịch sử.
Một Trung
Quốc trong vai đế quốc thế kỷ 21? Vào vai siêu cường còn khó khăn thì
khả năng TQ trở thành đế quốc vẫn là một viễn cảnh chưa thể hình dung
được. Ngược dòng lịch sử, Đế quốc La Mã khai sinh từ một tổ chức quân
đội kỷ luật và có khả năng kỹ thuật cao, sau rao giảng Kitô giáo - một
hệ thống giá trị hoàn thiện hơn những nền văn hoá phôi thai ở Âu châu
thời đó. Đế quốc của Hồi giáo đến sau, quân lực hùng hậu, phát triển
thêm một nền khoa học. Với kỹ thuật dẫn thủy độc đáo, và kèm vào kinh
Coran, cũng từ truyền thống tôn giáo vùng Trung-Cận Đông, họ mang tới
châu Phi những giá trị mới. Đế quốc Anh, thống trị mặt biển, khai mào
cùng một số nước Âu châu chính sách thuộc địa, mang theo hành trang
những tư tưởng thời Phục Hưng và Khai Sáng. Đế quốc Mỹ, thắng Thế Chiến
II, chia thế giới thành hai, rồi đi rao giảng những giá trị Dân chủ, Tự
do…
Kể sơ như vậy, dẫu biết là không đầy đủ, nhưng tôi vẫn nói nhằm nhấn mạnh hai điểm sau: điều kiện cần để thành Đế quốc là lực lượng quân sự và kỹ thuật (kể cả kỹ thuật chiến tranh) cao; và điều kiện đủ
là một hệ thống giá trị mới đi kèm, có khả năng thay thế những giá trị
cũ kỹ lỗi thời. Về điểm đầu, TQ còn khá lạc hậu so với tiềm lực quân sự
những nước tiên tiến. Về điểm thứ hai, thật khó tưởng tuợng nổi một hệ
thống giá trị thời Xuân Thu-Chiến Quốc xưa hàng mấy ngàn năm lại có thể
ảnh hưởng lên những con người thời đại hôm nay, với những phương tiện
truyền thông hiện đại.
Dù có lập
70 Văn Miếu thờ Đức Khổng ở nhiều nơi trên trái đất, và mặc dầu không có
ác cảm gì với nhà tư tưởng này, tôi vẫn tự thấy mình quả rất khó chấp
nhận khi tưởng tượng ra một thanh niên da đen sì sụp lạy Đức Khổng,
miệng lẩm nhẩm "Quân", "Sư", "Phụ"…như thứ bùa chú để giữ ổn định cho
những vị lãnh đạo Phi châu. Việc đi xây Văn Miếu này chứng tỏ những nhà
lãnh đạo TQ đang bế tắc trong sự tìm kiếm một mô hình văn hóa có giá trị
phổ quát toàn cầu ở ngưỡng cửa thế kỷ 21 này.
Bàn cờ mới - Thế trận mới
Năm 2010
tới đây là một năm bản lề. Ở khía cạnh lạc quan như chuyên gia nói kinh
tế Tây Âu và Mỹ sẽ tăng trưởng - nhưng chừng mực nhất định. Ở góc độ bi
quan, nhiều người cho rằng kinh tế sẽ trồi sụt kiểu chữ W, vì vẫn còn
bong bóng, và những cứ liệu căn bản không có gì mới mặc dù giá chứng
khoán có tăng từ tháng 3 – 2009.
Quay lại
thời kỳ Cục dự trữ Liên Bang Mỹ bơm hơn một ngàn tỉ vào nền kinh tế hầu
cứu ứng nan đề "cạn nguồn" tín dụng - lý do khiến những đại công ty tài
chính và ngân hàng không cho vay, cơ xưởng đình trệ, tức nền kinh tế "thật" suy thoái.
Tín dụng (tiền tệ) là giấy, ảo, và là đơn vị trung gian giữa mua và bán
những mặt hàng thật ( như trả lương lao động, mua nhiên vật liệu… chẳng
hạn). Trên lý thuyết, bản vị trung gian tín dụng không tác động lên nền
kinh tế "thật", nhưng trong thực tế cuộc trầm thoái vừa qua, thì không
thế.
Tại sao?
Giới tài phiệt đã đi qua chức năng truyền thống của ngân hàng, lao vào
hoạt động đầu cơ may rủi qua những quĩ đầu tư, và ngay khi được hỗ trợ,
họ giữ tiền chứ không cho vay để bôi trơn hoạt động kinh tế "thật". Bằng
chứng là: vài tháng sau khi nhận tiền, khi chính phủ Mỹ định kiểm soát
"tiền thưởng" của lãnh đạo những tập đoàn kinh tài vẫn lên đến 900 triệu
đô (trong năm 2008 thua lỗ), họ đòi trả lại tiền đã nhận và từ chối
không cho chính phủ Mỹ "điều tiết" tiền thưởng của họ! Mặc dù tân Tổng
thống Obama được dư luận quần chúng ủng hộ, ông ta cũng đành "chịu
thua".
Wall Street
thắng Main Street, tài phiệt đã xử dụng nền kinh tế "thật" như con tin
để ép nhà nước Mỹ lấy tiền dân cung ứng hỗ trợ họ. Mới đây, trong hội
nghị thượng đỉnh G-20 ở Pittsburg, những điều kiện chế tài vẫn lỏng lẻo,
thậm chí đề nghị đánh thuế mua bán chứng khoán để giới hạn hoạt động
đầu cơ thôi mà cũng không được thông qua. Với lãi suất hiện ở mức bằng
0, người ta cứ vay đôla mà không phải trả lãi, mang đi mua chứng khoán ở
những nơi giá trị tiền tệ tăng lên so với đồng đôla, tạo ra khả năng
thổi những quả bong bóng mới trên thị trường. Tổng thống Pháp Nicolas
Sarkozy mạnh miệng lên tiếng nhiều lần, cho rằng tương lai của kinh tế
tư bản thị trường mấp mé bờ vực phá sản với sự lũng đoạn của khu vực tài
chính - ngân hàng, nhưng tiếng ông dường như rơi vào thinh không. Đây
có lẽ là vấn đề cam go nhất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa: "ảo" thắng
"thực", và tài phiệt chễm chệ trên đầu mọi người (kể cả tổng thống, thủ
tướng, quốc hội) ở những quốc gia dân chủ tiên tiến.
Sau trầm
thoái, phân bố quyền lực kinh tế (và chính trị, như hệ luận) sẽ khác.
Bên mất đi, hay suy giảm là các nước Mỹ, Nhật, Tây Âu và những nước Đông
Âu mới gia nhập Cộng đồng châu Âu. Bên được là những nước nhiều tài
nguyên, như Brazil, Nga, Úc, Canada. Còn TQ vẫn tiếp tục tăng trưởng, và
nhân cơ hội sử dụng đôla đi buôn tài nguyên và đi "buôn vua" - kiểu Lã
Bất Vi thời Chiến quốc, chắc sẽ phát huy trong một chừng mực nhất định
vị trí của mình. Ở châu Phi, TQ giữ vai bảo kê cho những chính quyền độc
tài, thao túng quyền lực chính trị địa phương, khai thác tài nguyên
đồng thời để lại di sản là môi trường bị hủy hoại, mượn tiếng sử dụng
lao động để di dân hòng đối phó vấn đề nhân mãn (ở mẫu quốc), tìm cách
kiểm soát và điều hành yếu tố sinh tử là nguồn nước.
Về thực lực
khoa học - kỹ thuật, TQ chưa phải là tiên phong. Và mang những giá trị
phong kiến Khổng-Mạnh ra rao giảng như hệ lý luận trụ cột cho phương
thức "ổn định để phát triển" đúng là đi giật lùi ít ra hai ngàn năm.
Trong tình huống trầm thoái kinh tế toàn cầu, với túi đôla khổng lồ, TQ
hoàn toàn có khả năng bành trướng. Nhưng mức độ phủ bóng của Trung Quốc
chỉ trong một chừng mực, vì khi tương đối ổn định, những cường quốc kinh
tế khác sẽ không thể ngồi yên xem con Rồng Trung Quốc tự do vẫy vùng
mãi. Phi châu là chiến trường của cuộc xâm lăng kinh tế thế kỷ 21, và sự
cố Tân Cương hẳn sẽ tác động tiêu cực lên cách người Phi châu - mà đa
số theo đạo Hồi nghĩ - về khả năng hợp tác "hài hoà" với Bắc Kinh.
Tóm lại,
thế giới thế kỷ này là thế giới đa cực: điều này rất tích cực, cho phép
những nước chưa phát triển - trong đó có Việt Nam - thời cơ hợp tác đa
phương với mọi đối tác. Quốc gia nào khép mình bó chặt vào bất cứ một
quan hệ đơn phương nào cũng là tự nhốt mình trong cũi.
Quan hệ phức tạp Việt - Trung
Dân gian có
câu "bán anh em xa mua láng giềng gần". Đó là trong việc cưu mang nhau.
Nhưng nếu không cưu mang mà còn ngược lại, thì Việt Nam rất cần anh em
xa để "hài hòa" các mối quan hệ. Hai lần Bắc thuộc mà Việt Nam chưa biến
thành quận huyện TQ là điều thần kỳ. Ai đó coi chuyện Việt Nam phải vào
quỹ đạo kinh tế của TQ như điều tất yếu hiển nhiên là một sai lầm chiến
lược mà hậu quả là truyền đời.
Người Việt
đã đổ ra không biết bao nhiêu xương máu và nước mắt để giữ nước. So với
thời Nguyên Mông lùa quân sang xâm chiếm nước ta vào đời nhà Trần thì có
hai điều phải xác minh ngay. Tương đối mà nói, Nguyên Mông xưa hùng
cường hơn TQ ngày nay nhiều (đặt trong bối cảnh lịch sử từng thời kỳ).
Và họ dùng quân sự để thôn tính nước khác, vì cách đây 500 năm chưa có
những hình thái khác. Ở thế kỷ này, dùng giải pháp quân sự đi xâm lăng
là bất cập. Thay vào đó là xâm lăng kinh tế, với sự đồng lõa của quyền
lực chính trị địa phương. Thâm-và-hiểm hơn nữa, song song với kinh tế là
xâm lăng văn hóa qua phim ảnh, sách báo, truyền hình, xây Văn Miếu,
tượng đài… cho chiến lược đồng hóa.
Trở lại đời
nhà Trần, Vua gọi họp Hội nghị Diên Hồng tìm đồng thuận toàn dân. Trần
Hưng Đạo bỏ thù nhà để lo đền nợ nước, quan tướng một lòng, không chia
rẽ vì cái tư riêng, góp sức với nhau cứu lấy sơn hà. Đời nay, thiển nghĩ
cũng phải vậy. Xin hãy chấn dân khí, vì dân là nguồn lực chính giữ
nước. Nước nhỏ, chúng ta hòa hiếu (theo nghĩa khác hẳn "bạc nhược"). Nằm
sát nách một thế lực lớn, chúng ta tránh đụng độ, "nhu" hơn là "cương" -
"như" hiểu theo nghĩa không có nghĩa là nằm chết nhẹp. Không
"tham-sân-si", nhưng cũng không "bài xích" một người-láng-giềng-lớn.
Chúng ta đã từng chung sống hòa bình với nhân dân TQ. Chúng ta có thể
tiếp tục sống với họ, bên cạnh họ, trong khuôn khổ "tương kính tương
thân".
Ngoài ra, còn kể đến các "anh em xa" - hiểu rộng ra là cả
cộng đồng quốc tế muốn xây dựng một thế giới công chính. Phần tôi, tôi
tin là có một nhân loại tiến bộ, công bằng, hành xử có chuẩn mực đạo lý,
không làm ngơ trước "bá quyền". Người Việt Nam - không chỉ lớp lãnh đạo
và chính quyền, làm thế nào để được sự hỗ trợ anh em vừa nói là điều
đáng suy ngẫm. Và đó là yếu tố cho phép chúng ta tiếp tục tồn tại như
một dân tộc.
http://www.tuanvietnam.net/2009-11-18-trung-quoc-rong-that-hay-voi-giay-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét