Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Theo dòng thời gian (13)


Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 46)

Khi lạm phát trở lại - Kỳ 1
http://www.vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=01&id=3b5ba1f8172c91

Tạp chí The Economist vừa có bài viết phân tích về tình hình lạm phát hiện nay trên thế giới. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả kỳ 1 của bản lược dịch bài viết này. Tựa đề do tòa soạn đặt.
Các nền kinh tế đang phát triển có lặp lại những sai lầm mà các nước phát triển đã mắc phải trong thời kỳ lạm phát tăng vọt hồi thập niên 1970?


Thậm chí cả khi kinh tế Mỹ ngấp nghé bờ vực suy thoái và kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại, ngân hàng trung ương ở các nước này vẫn lo ngại chuyện lạm phát leo thang. Tuy nhiên, những rủi ro mà các nền kinh tế này phải đối mặt nhỏ hơn nhiều so với những thách thức mà các nền kinh tế đang phát triển - nơi lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái đã đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm qua - phải đương đầu.

Những con số thiếu chính xác

Các nền kinh tế phát triển cũng đang lên tiếng cảnh báo về những điểm tương đồng giữa các nền kinh tế đang phát triển hiện nay với các nền kinh tế phát triển vào đầu những năm 1970, khi thời kỳ “đại lạm phát” (Great Inflation) bắt đầu cất cánh. Liệu các nền kinh tế đang phát triển sẽ rơi vào tình trạng tương tự?

Lạm phát tại Trung Quốc hiện ở mức 8,5%, cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, so với con số 3% ở thời điểm cách đây 1 năm. Lạm phát tại Nga đã nhảy từ 8% lên mức 14%. Phần lớn các nước xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh cũng có lạm phát ở mức hai con số. Lạm phát bán buôn tại Ấn Độ là 7,8%, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Lạm phát ở Indonesia hiện đang là 9% và có thể lên tới 12% vào tháng tới - thời điểm mà Chính phủ nước này dự định tăng giá xăng dầu thêm 25 - 30%.

Lạm phát tại Mỹ Latinh hiện còn ở mức “khiêm tốn” so với những đỉnh cao lịch sử trước đây. Tuy nhiên, lạm phát tại Brazil đã tăng lên mức 5% so với mức dưới 3% của năm ngoái. Lạm phát của Chile cũng tăng từ mức 2,5% lên 8,3%. Đáng báo động nhất là lạm phát ở Venezuela với con số 29,3%.

Tình hình ở Argentina cũng đáng ngại không kém. Tuy thống kê chính thức cho thấy, lạm phát ở nước này hiện chỉ là 8,9% nhưng hầu như không có nhà kinh tế nào tin vào con số này. Morgan Stanley cho rằng, con số thực phải là 23%, so với mức 14,3% của năm ngoái.

Trên thực tế, những con số thống kê chính thức của các nền kinh tế đang nổi lên đã không phản ánh đúng những áp lực lạm phát tại ở đây. Các khoản trợ cấp và các biện pháp điều hành giá cả của chính phủ là một trong những lý do chính. Mặt khác, cũng do thiếu dữ liệu để làm căn cứ cho những thống kê chính xác, hoặc do các chính phủ không muốn công bố những con số xác thực.

Lạm phát thực của Trung Quốc có thể phải cao hơn vì chỉ số giá tiêu dùng của nước này không bao toàn bộ các dịch vụ tư nhân. Còn ở Ấn Độ, việc thu thập dữ liệu để tính CPI thường ở tình trạng chậm chạp. Nếu tính toán chính xác, 5 trong số 10 nền kinh tế đang nổi lên lớn nhất sẽ có tỷ lệ lạm phát ít nhất 10% tính đến giữa mùa hè năm nay.

Như thế, 2/3 dân số thế giới phải đối mặt với lạm phát hai con số.

Vì sao lạm phát?

Nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao gần đây chủ yếu do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.

Chẳng hạn, tại Trung Quốc, giá lương thực và thực phẩm đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá của các mặt hàng khác chỉ tăng có 1,8%. Chính phủ các nước đã phản ứng lại bằng cách kiểm soát giá cả chặt hơn và dừng xuất khẩu các mặt hàng này. Chính phủ Ấn Độ đã cho ngừng hoạt động giao dịch kỳ hạn nhiều loại hàng hóa mà họ cho là đã góp phần đẩy lạm phát lên cao.

Trong ngắn hạn, những biện pháp như vậy có thể chặn lạm phát và tránh tình trạng bất ổn xã hội. Tuy nhiên, trong dài hạn, những biện pháp như vậy có hại nhiều hơn là có lợi. Việc ngăn chặn giá cả tăng cao làm giảm tính khuyến khích đối với người nông dân trong iệc tăng nguồn cung và người tiêu dùng giảm nhu cầu, dần dần dẫn tới tình trạng mất cân đối cung cầu, đẩy giá tăng cao thêm.

Năm nay, một số ngân hàng trung ương, trong đó có các ngân hàng trung ương của Brazil, Indonesia và Nga, đã tiến hành tăng lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất cao hơn này không thể theo kịp bước tiến của lạm phát, khiến lãi suất thực giảm xuống và hiện đang ở mức thực âm tại phần lớn các quốc gia đang phát triển, trừ một số ít nước như Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Lãi suất cơ bản của Nga hiện là 6,5%, thấp hơn khoảng 8% so với tỷ lệ lạm phát. Lãi suất cho vay của Trung Quốc cũng thực âm 1%.

Nhiều nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế đang nổi lên cho rằng, thắt chặt tiền tệ không có nhiều tác dụng trong việc cản bước tiến của lạm phát vì lạm phát cao chủ yếu là do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, mà giá cao lại chủ yếu là do những cú sốc tạm thời về nguồn cung và do tình trạng đầu cơ. Trong khi đó, tăng lãi suất thì không thể giúp tạo ra thêm dầu, ngũ cốc hay thịt lợn. Họ hy vọng lạm phát sẽ giảm vào cuối năm nay khi giá cả ở mức cao khuyến khích sự tăng nguồn cung. Trên thực tế, giá lương thực và thực phẩm đã có xu thế hạ nhiệt từ đầu tháng này.

Đúng là lạm phát có thể hạ nhiệt vào cuối năm nay, nhưng cũng không thể xem thường áp lực này trong thời gian tới. Sự tăng giá đồng loạt trên thị trường lương thực và thực phẩm toàn cầu cho thấy nguyên nhân không chỉ nằm ở chuyện gián đoạn nguồn cung.

Giá cả tăng cao còn do chính sách tiền tệ lỏng lẻo tại những nền kinh tế đang nổi lên, khiến nhu cầu nội địa tăng mạnh. Từ năm 2002 tới nay, các nền kinh tế này chiếm 90% lượng gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng của toàn thế giới đối với dầu và kim loại, 80% đối với lượng gia tăng của nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đối với ngũ cốc. Điều này phản ánh sự “thay đổi lực lượng” về nhu cầu trong tương lai, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của sự bùng nổ có tính chu kỳ do cung tiền tăng cao.

Nhà phân tích Peter Morgan của Ngân hàng HSBC cho rằng ban đầu, cú sốc giá lương thực bắt nguồn từ vấn đề nguồn cung, nhưng về sau, chính thu nhập và lượng cung tiền tăng đã giúp mức giá cao được duy trì. Nếu các nước thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, giá lương thực có thể đã xuống thấp hơn, giúp duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát.

Một lý do tại sao các ngân hàng trung ương không thể xem nhẹ sự bùng nổ giá thực phẩm là giá thực phẩm tăng cao có thể khiến kéo theo giá cả của các mặt hàng khác. Lương thực và thực phẩm chiếm từ 30 - 40% trong rổ hàng hóa làm căn cứ để tính chỉ số giá tiêu dùng ở các nước đang phát triển, so với mức 15% ở các nền kinh tế trong khối G7.

Do đó, giá lương thực và thực phẩm có tác động nhiều đến mức kỳ vọng lạm phát. Và như thế, tác động đến nhu cầu tăng lương ở các nước đang phát triển mạnh hơn ở các nước phát triển. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ giúp neo mức kỳ vọng lạm phát lại và ngăn chặn việc tăng giá của nhóm hàng lương thực và thực phẩm ra toàn bộ nền kinh tế.

Phân tích của Goldman Sachs cho thời kỳ 1990 - 2007 khẳng định rằng, tại các nền kinh tế đang nổi lên, giá lương thực thực phẩm cao có khả năng đẩy giá các mặt hàng khác tăng theo. Tại phần lớn các nền kinh tế phát triển, mối liên hệ giữa các mặt hàng lương thực - thực phẩm và phi lương thực trươc đây không được coi trọng trong lĩnh vực thống kê.

Bên cạnh đó, ngoài việc lương thực và thực phẩm chiếm một tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa, điều này còn xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, mức độ tín nhiệm của các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển thường thấp hơn, do đó, mức kỳ vọng lạm phát thường được neo buộc ở mức độ lỏng lẻo hơn. Thứ hai, mức lương thực tế ở các nước này thường ít linh hoạt hơn.

Cả hai điều này đều làm gia tăng rủi ro về “vòng xoáy giá cả - tiền lương” - trong đó, người lao động luôn kỳ vọng mức lương cao hơn, chủ lao động phải tăng giá sản phẩm để nâng lương, công nhân cũng là người tiêu thụ, lại đòi tăng lương vì giá cao. Kết quả của vòng luẩn quẩn này rốt cục là lạm phát.

Nhà phân tích Philip Poole cũng của HSBC cho rằng, nhiều nền kinh tế đang nổi lên đã sử dụng hết công suất dự trữ do đầu tư không theo kịp với tăng trưởng kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp thiên về xu hướng tăng giá. Ở Brazil và Ấn Độ, tỷ lệ sử dụng công suất đã đạt những mức kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở Brazil hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng gần 20 năm trở lại đây. Còn ở Trung Quốc, công suất đầu tư có thể vẫn còn dư thừa chút ít nhờ hoạt động đầu tư mạnh mẽ.

Vai trò của ngân hàng trung ương

Những hiệu ứng “vòng hai” của giá cả lương thực thực phẩm tăng cao đã trở nên rõ nét ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển.

Nhà phân tích Andrew Cates của UBS tính toán rằng, cả ở châu Á và Mỹ Latin, tỷ lệ lạm phát cơ bản (không tính lương thực, thực phẩm và năng lượng) đã tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức lần lượt là 3,4% và 6,2%. Còn ở Đông Âu, tỷ lệ này đã tăng 3%, lên mức 7,4%, chủ yếu là do sự phát triển quá nóng của kinh tế Nga. Ngược lại, tỷ lệ lạm phát cơ bản tại các nước phát triển hầu như không thay đổi.

Những kỳ vọng lạm phát đang lên cao, khiến công nhân ở nhiều nơi đang lên tiếng đòi tăng lương. Trong một cuộc khảo sát về kỳ vọng lạm phát ở Argentina, câu trả lời về kỳ vọng lạm phát cho 12 tháng tới bình quân là 36%. Lương của người lao đông ở Nga hiện đang tăng với mức bình quân hàng năm khoảng 30%/năm.

Ở một quốc gia, lạm phát có thể tăng cao hơn ở một số nước khác. Trong một phân tích về tiền lương, kỳ vọng lạm phát, áp lực về nhu cầu và công suất, cùng với sự tăng trưởng cung tiền, chuyên gia Cates cho rằng, Argentina, Brazil, Ấn Độ và các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông sẽ là những nước đối mặt với những rủi ro lớn nhất trong những tháng sắp tới. Trong khi đó, áp lực lạm phát sẽ phần nào dịu hơn ở những nước như Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Rõ ràng, chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt. Nhưng trên thực tế, mức lãi suất thực tại nhiều nước đang thấp hơn so với thời điểm cách đây một năm. Lãi suất ngắn hạn cũng thấp hơn bất thường so với tăng trưởng GDP danh nghĩa - một thước đo xem mức lãi suất hợp lý nên nằm ở đâu. Điều này cho thấy, chính sách tiền tệ của các nước hiện rất lỏng lẻo. Lượng cung tiền tại các nền kinh tế đang nổi lên đã tăng bình quân 20% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp gần ba lần so với tốc độ tăng ở các nước phát triển. Riêng ở Nga, tỷ lệ này là 42%.

Như vậy, có thể thấy, các nền kinh tế đang phát triển hiện đang có rất nhiều điểm tương đồng với các nước giàu vào thập niên 1970, khi lạm phát bắt đầu tăng tốc tới mức phi mã. Cũng sự phát triển bùng nổ đồng loạt của kinh tế thế giới khiến giá cả hàng hóa tăng cao.
Cũng các chính phủ phản ứng bằng các khoản trợ cấp và kiểm soát giá cả. Cũng những con số thống kê không phản ánh đúng những áp lực lạm phát. Cũng các nền kinh tế hoạt động hết công suất. Cũng lượng cung tiền gia tăng. Cũng những áp lực lạm phát không thể chế ngự và thị trường lao động thiếu linh hoạt, làm gia tăng rủi ro về vòng xoáy lương - giá…

Theo lẽ thường, những sai lầm trong chính sách tiền tệ gây ra thời kỳ lạm phát tăng vọt vào những năm 1970 không giống như những sai lầm ngày nay vì các ngân hàng trung ương ngày nay độc lập trước các chính trị gia.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Không giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhiều ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển, tiêu biểu là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, không hoàn toàn độc lập. Cũng giống như ở thời điểm những năm 1970, họ thường phải đối mặt với những áp lực chính trị buộc duy trì lãi suất thấp để duy trì tăng trưởng kinh tế và việc làm.

(Theo The Economist)

Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 47)

Kinh tế toàn cầu vẫn tăng trong... khủng khoảng?
http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/caulacbotyphu/5029/index.viet
... "Sau sự tan vỡ của bong bóng chứng khoán Internet, ngành công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu bước vào thời kỳ thu hẹp, tăng trưởng trong đầu tư vào ngành công nghiệp này ở các nước đều suy giảm rõ rệt. Trong khi đó, thị trường bất động sản là thị trường mang nặng tính khu vực, thị trường bất động sản Mỹ đóng băng không chắc chắn đẩy thị trường bất động sản ở các nước khác vào tình cảnh tương tự. Trên thực tế, sau khi những tác động của nợ dưới chuẩn phát tác, giá bất động sản ở nhiều quốc gia vẫn tiếp tục tăng nhanh. Sóng gió trên thị trường bất động sản không đồng bộ trong phạm vi thế giới, như vậy nó cũng làm giảm đáng kể ảnh hưởng của nó đối với kinh tế..."


1. Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tác động vào thị trường tài chính quốc tế trong ngắn hạn

Cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ là những khoản tín dụng thế chấp cung cấp cho đối tượng người vay có độ tin cậy tương đối thấp. Khi thị trường bất động sản Mỹ trở nên đặc biệt sôi động, các ngân hàng đã cung cấp một lượng khổng lồ những khoản vay thế chấp thứ cấp để thoả mãn nhu cầu đầu tư vào bất động sản của khách hàng. Bắt đầu từ năm 2006, giá bấy động sản tụt dốc cùng với mức lãi suất được nâng cao liên tục, các vấn đề của thị trường nợ dưới chuẩn ở Mỹ bắt đầu bộc lộ rõ nét. Đến quý 1 năm 2007, tỷ lệ các khoản nợ quá hạn và tỷ lệ người vay phải cầm cố tài sản thế chấp cùng tăng tới mức cao nhất trong lịch sử. Tuy thế, cho tới lúc đó, tác động của nó mới chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ, thậm chí nó cũng chưa gây ra ảnh hưởng lớn nào đối với thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu của Mỹ.

Cho đến đầu tháng 8, chỉ sau khi một số định chế tài chính quốc tế lớn công bố những khoản thua lỗ do đầu tư vào thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn thì khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ mới bùng phát và nhanh chóng lan rộng thành sự rối loạn của tài chính toàn cầu. Trong một khoảng thời gian cực ngắn, cuộc khủng hoảng này nhanh chóng phủ bóng đen lên thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng cho vay, thị trường cổ phiếu và thị trường ngoại hối toàn cầu.

Trước hết, do lo ngại sẽ bị tác động bởi các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn, nhà đầu tư vội vàng thải ra thị trường những trái phiếu phi chính phủ đang nắm giữ, giá trái phiếu của các loại hình tín dụng như trái phiếu doanh nghiệp nhanh chóng tụt dốc. Cùng lúc đó, giá công trái chính phủ lại tăng đều, làm giãn rộng chênh lệch tỷ suất lợi nhuận với trái phiếu doanh nghiệp.

Hai là, để khoanh vùng rủi ro, các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư với tư cách là nguồn tài chính cho vay chủ yếu đã thực hiện những biện pháp tránh rủi ro, thị trường tín dụng được đẩy vào trạng thái “hạn chế cho vay” đậm nét, nguồn vốn trong lưu thông từ nhanh chóng và tràn lan chuyển sang thiếu hụt.

Ba là, ngoài một vài quỹ đầu tư đã minh bạch thông tin, nhà đầu tư lo lắng nguồn tài chính còn có thể xảy ra những tình huống xấu khác, khiến các quỹ đầu tư phải chịu áp lực cầm cố cực lớn, buộc phải bán ra thị trường chứng khoán toàn cầu những khoản cổ phiếu đang nắm giữ dẫn tới sụt giảm của các thị trường chứng khoán lớn. Ngày 19 tháng 7, chỉ số Nasdaq lần đầu tiên đạt mức trên 14.000 điểm, lập đỉnh mốc mang tính lịch sử. Nhưng bị khủng hoảng nợ dưới chuẩn tác động, ngày 15 tháng 9, chỉ số Nasdaq đã tụt xuống dưới mức 13.000 điểm, giảm hơn 1000 điểm chỉ trong vòng không đầy một tháng.

Bốn là, do giao dịch kinh doanh chênh lệch tỷ giá đồng yên Nhật cũng là một nguồn quan trọng của vốn lưu động toàn cầu, sau khi thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu Âu Mỹ sụt giảm, nhà kinh doanh chênh lệch tỷ giá vội vàng đổ vốn ôm đồng yên Nhật khiến tỷ giá đồng yên tăng mạnh, làm biến động thị trường ngoại hối.

2. Khủng hoảng vay thế chấp dưới chuẩn không giống với bong bóng chứng khoán Internet

Sự đổ vỡ này của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái, nhiều người tỏ ra bi quan với xu thế phát triển của kinh tế thế giới trong tương lai, thậm chí còn cho rằng khủng hoảng lần này giống với sự đổ vỡ của bong bóng chứng khoán Internet vào những năm đầu thế kỷ 21, cùng với đó sẽ là sự suy thoái kinh tế chung trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng chúng tôi lại cho rằng, tuy khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn có tác động khá lớn tới thị trường tài chính thì nó cũng khó có khả năng dẫn tới một sự suy thoái kinh tế chung trên thế giới.

Không thể phủ nhận, khủng hoảng nợ dưới chuẩn có rất nhiều điểm giống với đổ vỡ của bong bóng chứng khoán Internet tại Mỹ hồi năm 2001. Cả hai đều là những vấn đề nảy sinh trong ngành kinh tế trụ cột của kinh tế Mỹ và từ đó nó tác động vào thị trường tài chính. Những năm 1990, ngành công nghiệp thông tin liên lạc phát triển mạnh mẽ, trở thành đầu tàu thúc đẩy “kinh tế mới” phát triển. Đặc biệt là sự cố Y2K đã giúp tập trung nâng cấp đáng kể cả phần cứng và phần mềm của hệ thống máy tính toàn cầu, giúp thị trường chứng khoán Nasdaq và kinh tế Mỹ đều phát triển tới đỉnh điểm. Nhưng sau khi điểm nóng của nhu cầu giải quyết Y2K đã qua đi, năng lực sản xuất của ngành công nghệ cao này đã vượt ngưỡng cần thiết, bong bóng cổ phiếu Internet tan vỡ, thị trường chứng khoán Mỹ cũng theo đó mà sụt giảm. Vài năm trở lại đây, với sự kích thích của tỷ lệ lãi suất thấp, thị trường bất động sản ở Mỹ nhanh chóng trở nên nóng bỏng. Theo tính toán của Hiệp hội bất động sản Hoa Kỳ, từ năm 2002, giá bất động sản ở Mỹ tăng với tốc độ hơn 10% một năm. Giá nhà tăng cao, các gia đình Mỹ cũng trở nên giàu có hơn và nhờ đó kích thích được tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng. Nhưng bong bóng bất động sản đã đưa tới một số lượng khổng lồ những khoản nợ xấu, gây nên những tổn thất đối với ngành tài chính và ảnh hưởng tới tính ổn định của nền kinh tế.

Dù có những điểm tương đồng nhưng khủng hoảng nợ dưới chuẩn lần này cũng có nhiều điểm khác biệt so với sự đổ vỡ của bong bóng chứng khoán Internet và do đó, mức độ ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới sẽ được thu hẹp đáng kể.

Thứ nhất, suy thoái kinh tế do sự đổ vỡ của chứng khoán Internet hồi năm 2001 thực chất là do đầu tư quá mức dẫn tới năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu, là điển hình về mô thức suy thoái kinh tế do cung vượt cầu. Còn khủng hoảng cho vay dưới chuẩn cùng sự tan vỡ của bong bóng bất động sản chỉ gây ảnh hưởng chủ yếu tới lĩnh vực tiêu dùng. Tuy nó sẽ giảm nhu cầu một cách khách quan, nhưng với tình hình nhu cầu sức lao động hiện nay tại Mỹ vẫn còn rất khả quan, sẽ không khiến cho tổng cung tăng vượt cầu. Ở bình diện toàn cầu, cũng khó có thể tìm thấy một luận chứng xác đáng nào về sự mất cân đối giữa tổng cung và tổng cầu.

Thứ hai, sau năm 2001, kinh tế Mỹ đi vào giai đoạn suy thoái là thuộc về chu kỳ kinh tế, là hậu quả tất yếu của việc ứng dụng kỹ thuật nòng cốt chuyển từ giai đoạn mở rộng với tốc độ nhanh chóng sang giai đoạn tương đối đình trệ. Còn việc thị trường bất động sản Mỹ hạ nhiệt là do tác động chủ yếu của chính sách tiền tệ do chuyển từ thông thoáng sang thắt chặt, thuộc về chu kỳ biến động của thị trường vốn. Sau sự tan vỡ của bong bóng chứng khoán Internet, ngành công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu bước vào thời kỳ thu hẹp, tăng trưởng trong đầu tư vào ngành công nghiệp này ở các nước đều suy giảm rõ rệt. Trong khi đó, thị trường bất động sản là thị trường mang nặng tính khu vực, thị trường bất động sản Mỹ đóng băng không chắc chắn đẩy thị trường bất động sản ở các nước khác vào tình cảnh tương tự. Trên thực tế, sau khi những tác động của nợ dưới chuẩn phát tác, giá bất động sản ở nhiều quốc gia vẫn tiếp tục tăng nhanh. Sóng gió trên thị trường bất động sản không đồng bộ trong phạm vi thế giới, như vậy nó cũng làm giảm đáng kể ảnh hưởng của nó đối với kinh tế.

Thứ ba, khi bong bóng chứng khoán Internet năm 2001 vỡ, kinh tế Mỹ còn giữ vị trí độc tôn trong kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện nay, không chỉ hai trong ba thể chế kinh tế lớn nhất thế giới là Nhật Bản và EU đã tăng cường đáng kể sức mạnh kinh tế mà sự vùng lên của các nền kinh tế thị trường mới nổi càng khiến cho sự phát triển của kinh tế thế giới hiện này trở nên cân bằng hơn nhiều so với trước. Theo dự tính của IMF, ba nước là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đang đóng góp 50% cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp tới 25%. Sự đa cực hoá do tăng trưởng kinh tế rõ ràng đã làm giảm thiểu đáng kể những ảnh hưởng xấu của sự suy giảm kinh tế Mỹ đối với kinh tế toàn cầu.

3. Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn không khiến nguồn lưu thông toàn cầu bị thu hẹp.

Nhìn chung, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn không gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế hiện hành. Không chỉ có vậy, ảnh hưởng của nó đối với khu vực kinh tế vô hình cũng không lớn. Ảnh hưởng lớn nhất của nó đối với thị trường tài chính chính là khiến nguồn lưu thông trên thị trường chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt, nhưng tình trạng này cũng không kéo dài được lâu.

Sau khi cuộc khủng hoảng bùng phát, nhà đầu tư vội vàng bán ra cổ phiếu và trái khoán, một khoản vốn lớn trên thị trường bị rút ra, lại thêm chính sách “hạn chế cho vay” của các định chế tài chính, nguồn vốn lưu thông tràn lan đã trở thành thiếu hụt chỉ sau một đêm. Sự thay đổi trong lưu thông này, theo cách nhìn nhận tương đối phổ biến hiện này là do quá trình tái nhận thức về rủi ro dẫn tới tự tái định giá rủi ro và tính toán lại giá trị tài sản. Tâm lý nhà đầu tư cũng chuyển từ trạng thái lạc quan quá mức trước đây sang bi quan, lưu thông trên thị trường bị thắt chặt. Nhưng theo chúng tôi, tuy trong tương lai mức độ cẩn trọng của nhà đầu tư đối với rủi ro sẽ tăng cao hơn sơ với vài tháng trước thì rất nhiều nhân tố cũng vẫn đủ để bảo đảm lưu thông trên thị trường sẽ dồi dào trở lại.

Trước hết, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn không lay chuyển được nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Quy mô thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ không tới 3.000 tỷ USD (theo số liệu của hãng tin Bloomberg) trong khi thống kê của Hiệp hội thị trường trái khoán Mỹ cho thấy, đến cuối năm 2005, quy mô của thị trường trái khoán Mỹ đã đạt tới 25.000 tỷ USD. Có thể thấy, thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn chỉ chiếm một thị phần không lớn trong thị trường tài chính Mỹ. Hơn nữa, hệ thống tài chính toàn cầu đã được hoàn thiện và phát triển vượt bậc, sẵn có nhiều công cụ và cách thức đối phó, có năng lực phân tán rủi ro rất mạnh. Quá trình khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ mở rộng ảnh hưởng tới các thị trường tài chính khác tuy là quá trình làm tăng về tổng thể tổn thất của nhà đầu tư nhưng đồng thời nó cũng là quá trình phân bố lại tổn thất và rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường cho vay dưới chuẩn trên phạm vi toàn cầu. Cần phải nhận thức được tính hợp lý của quá trình này. Theo tính toán của tập đoàn Citigroup, tổn thất về đầu tư do cuộc khủng hoảng gây nên ước tính nằm trong khoảng 55 – 100 tỷ USD, thị trường tài chính toàn cầu hoàn toàn có khả năng tiêu hoá khoản tổn thất này.

Hai là, các động thái ứng cứu của ngân hàng Trung ương sẽ tăng tính thanh khoản trong thị trường. Năm 2001 sau khi bong bóng chứng khoán Internet Mỹ đổ vỡ, dưới áp lực song trùng của suy thoái kinh tế và thắt chặt lưu thông, các ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thế giới bước vào giai đoạn thanh khoản vượt cầu. Lần này, để ứng phó với khủng hoảng, ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật và EU đã vội vã tung tiền vào thị trường tài chính. Theo thống kê, chỉ trong vòng 48 giờ từ ngày 9/8/2007, tổng lượng tiền ứng cứu đã vượt 326,2 tỷ USD. Động thái này của các ngân hàng trung ương có nhiều nét tương đồng với động thái trong sự kiện 11-9, sự phá sản của tập đoàn Enron hay chíên tranh Iraq năm 2003. Mục đích của chúng đều là ngăn chặn những khó khăn trong chi trả và thiếu hụt nguồn vốn thanh khoản, nhưng kết quả đều là tăng tính thanh khoản trong dài hạn nhờ khủng hoảng và biến động trên thị trường tài chính trong ngắn hạn.

Ba là, khủng hoảng cho vay dưới chuẩn gây ảnh hưởng tới tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Do kinh tế thế giới duy trì tăng trưởng với tốc độ cao, giá năng lượng và các nguyên vật liệu tăng mạnh và sự bùng nổ của nhu cầu sức lao động, áp lực lạm phát toàn cầu tăng nhanh liên tục,. Để khống chế lạm phát, các nước đều bước vào chu kỳ tăng lãi suât, từng bước nắm chặt chính sách tiền tệ. Vào tháng 8, trọng tâm điều chỉnh của Cục dự trữ liên bang Mỹ nhanh chóng chuyển sang thị trường tài chính, cùng lúc với việc liên tục hỗ trợ làm tăng tính thanh khoản, lãi suất cơ bản và mức chiết khấu đều được điều chỉnh giảm xuống nửa điểm phần trăm để khuyến khích thị trường ổn định. Trước khủng hoảng, có thể dự tính trước một đợt nâng lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương châu Âu lên 4,25% vào tháng 9, nhưng hiện nay theo tình hình này, khả năng tăng lãi suất trong năm 2007 đã giảm thiểu tối đa.

Bốn là, vấn đề tính thanh khoản quá lỏng lẻo và tiên trình toàn cầu hoá có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Toàn cầu hoá thực chất đã mang lại hiệu quả là chuyển sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, nhờ đó tiết kiệm được hao phí nguồn vốn xã hội. Ví dụ, thiết lập một dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc so với thiết lập một dây chuyền sản xuất tương tự ở Mỹ, không chỉ giúp tiết kiệm vốn cố định về đất đai, nhà xưởng và thiết bị máy móc mà còn có thể tiết kiệm nguồn vốn lưu động về nguyên vật liệu và nhân lực. Việc này đẩy đầu tư toàn cầu vào tình trạng thiếu hụt và dự trữ vào tình trạng dư thừa. Nguồn tiền dôi dư này muốn tăng giá trị không thể tránh khỏi việc phải đưa vào thị trường tài chính. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng, nguồn vốn đổ vào thị trường tài chính đang dồi dào hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử, tuy trong ngắn hạn có thể tạm thời bị rút khỏi thị trường do rủi ro thị trường trở nên nguy hiểm, nhưng không thể kéo dài tình trạng này lâu được.

Năm là, kết cấu thương mại toàn cầu là điều kiện thuận lợi cho sự dồi dào của nguồn vốn thanh khoản. Kinh tế Đông Á và kinh tế Mỹ có tính tương hỗ cao, sở trường của kinh tế Mỹ là trong lĩnh vực kỹ thuật cao còn kinh tế Đông Á lại có ưu thế riêng trong ngành chế tạo cần tập trung nhân lực. Với quan hệ tương hỗ này, về mặt khách quan đang tồn tại thặng dư trong thương mại giữa Đông Á với Mỹ và cùng với đó là dự trữ ngoại hối cực lớn của các nước Đông Á. Sở dĩ chênh lệch trong cán cân thương mại giữa Đông Á và Mỹ có thể duy trì lâu là bởi giữa hai nền kinh tế này tồn tại dòng vốn đầu tư tương ứng với khoản thặng dư thương mại, tức dự trữ ngoại hối của các quốc gia Đông Á thông qua việc đầu tư và chứng khoán bằng đồng USD để quay trở lại Mỹ, trên thực tế là việc đầu tư vào người tiêu dùng ở Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay một số quốc gia Đông Á bao gồm cả Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm giữ đồng USD nhưng hiện không giảm ở quy mô lớn.. Bởi lẽ việc đôla hoá dự trữ ngoại hối ở các nước Đông Á là một trong những điều kiện tất yếu để duy trì thặng dự trong thương mại với Mỹ. Hiện nay, dù là Trung Quốc, ASEAN hay kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều buộc phải duy trì thặng dư trong thương mại với Mỹ, nếu không sản xuất trong nước sẽ vượt cầu trầm trọng. Chỉ bằng con đường điều chỉnh mang tính kết cấu trong dài hạn thì kinh tế Đông Á mới có thể tách ra khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Còn trước đó, dự trữ ngoại hối của các nước Đông Á sẽ tiếp tục là nguồn đầu tư chảy vào thị trường tài chính Mỹ, trở thành một nguồn quan trọng trong lưu thông trên thị trường vốn toàn cầu.

Nhìn chung, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn không gây ảnh hưởng lớn đối với thị trường tài chính và kinh tế hữu hình, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Cho dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này sẽ bị chậm lại thì sự tăng trưởng của EU, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò là lực đẩy cho kinh tế thế giới.

Tường Châu (Vietimes) dịch từ Thượng Hải chứng khoán báo



0 nhận xét:

Đăng nhận xét