Chính sách tiền tệ (2) – 3 chức năng chính của tiền
Posted in: Học thuyết Kinh tế, Kiến thức, Từ điển Tài chính
26-4-2012 (VF) — Tiếp theo
– April 25, 2012phần 1 của “Tiền là gì” ta sẽ tiếp tục xem xét qua một chút các chức năng của tiền tệ.Chức năng phương tiện thanh toán của tiền tệ
Đây vẫn được coi là chức năng quan trọng nhất của tiền. Một nền kinh tế có một tài sản nào đó được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện thanh toán sẽ có hiệu năng kinh tế vượt trội so với việc thiếu vắng một phương tiện được tin cậy như vậy. Không có tiền tệ, hoạt động kinh tế trở nên vô cùng rườm rà và kém hiệu quả, chi phí vượt trội.
Trên phương diện lý thuyết, một phương tiện thay thế cho công cụ tiền
tệ là nền kinh tế có một thị trường vốn hoàn hảo. Trong nền kinh tế
này, mỗi chủ thể kinh tế (agent) luôn giải quyết được độ lệch
nhu cầu giữa một món hàng anh ta muốn bán hôm nay cho một chủ thể kinh
tế khác với nhu cầu món hàng nào đó anh ta cần ngày hôm nay từ một chủ
thể nào đó, dựa trên hoạt động vay tiền từ thị trường.
Chức năng cất trữ giá trị của tiền tệ
Milton Friedman gọi tiền là “viên gạch mộc tạo nên sức mua”. Một người nắm giữ phương tiện thanh toán tự nhiên sẽ nhận thấy không nhất thiết – và cũng không thật cần thiết – phải thực hiện việc mua bán ngay khi họ nắm giữ. Bản thân việc lùi thời điểm thực hiện quyền mua và thanh toán với phương tiện đang sở hữu đã tạo ra chức năng cất trữ giá trị của tiền tệ.
Ở một mức độ nhất định, ta có thể công nhận rằng, tất cả các tài sản có chức năng của phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đều tự nhiên có chức năng cất trữ giá trị (dĩ nhiên, mức độ này khác nhau với từng loại tài sản).
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý đối với chức năng cất trữ giá trị là bản thân chức năng này không quá quan trọng với việc định nghĩa “tính chất tiền tệ” của tài sản, và cũng ít hữu ích với việc tính toán các đại lượng cung tiền trong nền kinh tế.
Chức năng đơn vị tính toán giá trị
Chức năng này không tự nhiên gắn liền với tiền tệ theo cách của 2 chức năng mới trình bày phía trên. Bản thân chức năng tính toán giá trị (như một đơn vị) có tính chất trừu tượng. Để tính trừu tượng này đi vào cuộc sống, chúng ta cần có thể chế pháp lý để công nhận “chức năng” này, thậm chí ngay cả khi tiền không tồn tại trên phương diện vật lý. Ví như khu vực EMU (Hệ thống Đồng tiền chung Châu Âu) đồng Euro chỉ tồn tại về mặt pháp lý kể từ ngày 1-1-1999, và đồng tiền thì tới tận cuối năm 2011 mới đưa vào lưu thông và sờ nắm được trên phương diện vật lý. (Bản thân tôi – VQH – cũng như nhiều người học ở Châu Âu ở thời điểm đó chứng kiến phong trào đi sưu tầm xu đúc Euro của các quốc gia thành viên khi chúng mới ra đời. Ai có bộ đầy đủ các quốc gia thì lấy làm sung sướng lắm.) Như vậy, cho tới tận cuối 2001, các quốc gia thành viên khối tiền tệ chung trong EU vẫn có đồng tiền riêng như đồng Franc Bỉ, Franc Pháp… nhưng kể từ 1999, chúng không còn là đồng tiền tính toán nữa.
Chức năng này còn gọi là “numéraire” và rất đắc dụng trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nhờ thế tiền có thể giúp làm giảm phí tổn giao dịch và trao đổi thông tin. Lấy ví dụ của EU, với numéraire là đồng Euro, sự tồn tại của rất nhiều loại tiền trước đó khiến chi phí thông tin tăng lên đáng kể trong các giao dịch, đồng thời việc chuyển đổi giữa các đồng tiền trong giao dịch thương mại lằng nhằng phức tạp. Nếu hoạt động trao đổi này ít thì chi phí còn có thể bỏ qua, khi gần gũi và độ liên kết kinh tế cao độ như các quốc gia thành viên EU, điều này tạo nên chi phí rất lớn, mà không thật sự cần thiết.
Việc bàn về các chức năng này có thể kéo dài vô tận, nên ta tạm dừng ở đây để chuyển sang các vấn đề khác, có tính cốt lõi hơn của hệ thống lý thuyết tiền tệ. Khía cạnh đầu tiên chúng ta sẽ động chạm tới ngay sau đây là “Cầu tiền tệ”, một vấn đề rất phức tạp về lý thuyết, nhưng cũng rất hữu dụng trong đời sống kinh tế, đặc biệt với sự hoạt động ngày càng chủ động, tích cực của các NHTW.
—
0 nhận xét:
Đăng nhận xét