Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 29)
Friday, 9. May 2008, 06:04:03
Chất lượng tăng trưởng Việt Nam đáng báo động
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam//3696/index.aspx
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam//3696/index.aspx
Soi kỹ vào nền kinh tế Việt Nam sau gia nhập WTO, các chuyên
gia quan ngại về những rủi ro trong nền kinh tế và sự báo động trong chất lượng
tăng trưởng.
Nghi ngại chất lượng tăng trưởng
Trong năm 2007, kinh tế Việt Nam đã thể hiện tốt hơn lợi thế so sánh (tĩnh) vốn có của mình, thể hiện ở việc tuy chưa có đột biến nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu thô tăng 27% so với mức 25,9% của năm trước, xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và chế biến có hàm lượng lao động cao tăng mạnh. Đồng thời, lợi thế so sánh động cũng bước đầu được nhen nhóm nhờ cạnh tranh, tận dụng quy mô kinh tế và FDI, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập, CIEM phân tích.
Năm 2007 cũng ghi nhận thành tích tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 8,5%. Tuy nhiên, ông Thành thẳng thắn, chúng ta khó có thể nói tăng trưởng 8,5% là con số thật ấn tượng. Một năm sau gia nhập WTO, tăng trưởng không cao hơn đáng kể so với 2 năm trước đó, lại chứa đựng quá nhiều sự bất ổn. Những con số được công bố gây nghi ngại về hiệu quả chất lượng tăng trưởng.
Con số tăng trưởng 8,5% có được là nhờ lượng vốn đầu tư tăng mạnh. Tỷ lệ đầu tư so với GDP quá cao, tới 44%. FDI thực hiện chiếm đến hơn 8 tỷ USD. Tỉ trọng đầu tư từ FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên hơn 21,5% so với 17% năm trước.
Lượng vốn đầu tư của DNNN, đặc biệt của các tập đoàn tăng bất thường, tăng 17% so với 2006. Vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế chiếm tới 57% vốn đăng ký. Trong khi đó, đầu tư của khu vực này lại chứa đựng nhiều rủi ro và câu hỏi về chất lượng của bản thân các dự án đầu tư.
Đầu tư tư nhân tăng về số lượng nhưng tỷ trọng giảm đáng kể, từ 37% năm 2006 xuống còn trên 31% tổng đầu tư. Ông Thành đặt vấn đề, liệu đầu tư của DNNN đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... có làm thoái lui đầu tư của đầu tư tư nhân?
Hơn nữa, dù có sự bùng phát trong hoạt động của khu vực tài chính, ngân hàng và thị trường bất động sản, nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ trọng 2% GDP. Khoản đầu tư này lại ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực có khả năng làm tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ. Sự bùng phát ấy chỉ là cách chuyển của các khoản tiền "ảo".
Thâm hụt thương mại tăng cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm chững lại ở mức 31% GDP. Bình quân GDP theo đầu người không lớn trong khi tốc độ tăng tiêu dùng tăng cao, nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng GDP. Tiết kiệm nội địa chững lại trong khi tỷ lệ đầu tư so với GDP loãng ra khiến Việt Nam ngày càng dựa nhiều vào dòng vốn bên ngoài. Rủi ro cán cân thanh toán gia tăng. Theo ông Thành, năm 2007 vấn đề này chưa nguy hiểm lắm nhưng câu chuyện của năm 2008 sẽ lớn hơn nhiều.
Riêng đối với nguồn vốn FDI, điều quan ngại là vốn thực hiện thấp hơn so với năm 2006 và thấp hơn nhiều so với năm 2005 mà một trong những nguyên nhân là do FDI đăng ký muốn "đặt chỗ" tại Việt Nam.
Rủi ro trong kinh tế vĩ mô
Bên cạnh bộc lộ những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế với 3 nút cổ chai: cơ sở hạ tầng, thể chế, và nguồn nhân lực, năm 2007 cũng chứng kiến sự lộ diện rõ ràng hơn của các rủi ro trong kinh tế vĩ mô.
Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đang chỉ ra những dấu hiệu lo ngại. Lạm phát tính theo CPI cao nhất trong 12 năm qua. Thâm hụt thương mại "bành trướng" mạnh.
Các tác giả đặt vấn đề, liệu việc nhập siêu có tạo ra năng lực sản xuất với hiệu quả tương xứng trong thời gian tới và cách thức tài trợ cho thâm hụt thương mại có bền vững không?
Riêng đối với vấn đề lạm phát, báo cáo nhấn mạnh, có một thực tế là đến cuối năm 2007, Chính phủ vẫn chưa có được những lập luận và giải trình hợp lý trong lực chọn, về ngắn hạn giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu kiềm chế lạm phát, dẫn đến sự lúng túng trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn vốn đổ vào Việt Nam mạnh.
Việc nắm bắt thông tin và phối hợp giữa các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cũng còn nhiều hạn chế.
Chính những bất cập, lúng túng trong điều hành chính sách đã tạo nên những biến động không đáng có. Việt Nam đã chưa được nhận thức đầy đủ, đúng đắn những vấn đề kinh tế vĩ mô có tính nền tảng cần xử lý.
Đơn cử, trong mối quan hệ giữa chế độ tỉ giá, chu chuyển vốn và khả năng kiểm soát cung tiền, khi NHNN mua một khối lượng lớn ngoại tệ gần 9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm làm cung tiền tăng mạnh, các biện pháp trung hòa hóa đã không được thực thi kịp thời.
Việc chỉ đạo "Bộ Tài chính tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2007, 2008 để tham gia hút bớt tiền về" cũng là minh chứng cho sự thiếu rõ ràng và bài bản trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Việt Nam cũng còn nhiều bất cập trong khung khổ pháp lý, tính chuyên nghiệp và sự phối hợp trong nội tại hệ thống giám sát tài chính.. Việc xây dựng một mô hình giám sát tài chính thích hợp và có hiệu lực vẫn còn không ít dấu hỏi.
Hệ thống giám sát tài chính "tụt hậu" so với sự bùng phát trong hoạt động tài chính ngân hàng và bất đất động sản. Vấn đề giám sát tài chính và quản trị rủi ro càng trở nên bức thiết trong bối cảnh các DNNN mở rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
“Con số tính toán có thể chưa chính xác, nhưng đã có những dự báo trúng và sớm về nguy cơ kinh tế, nhưng rõ ràng chúng ta quá say sưa với con số tăng trưởng nên tình hình mới như vậy", ông Thành nhấn mạnh.
Đây là những nội dung đã được chuyển tới các ĐBQH ngày 8/5 nhằm cung cấp thông tin làm cơ sở để các đại biểu thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Theo đó, trên cơ sở nhận diện lại nền kinh tế Việt Nam 2007, các chuyên gia của Viện Quản lý kinh tế trung ương đưa ra 3 kịch bản phát triển của Việt Nam 2008, trong đó, các kịch bản đều vẽ ra các bức tranh kinh tế 2008 đầy u ám với tốc độ tăng trưởng chậm lại, thâm hụt thương mại gia tăng, và đặc biệt là lạm phát tiếp tục tăng phi mã.
Tiến sỹ Võ Trí Thành của CIEM, một trong những tác giả của bản báo cáo cho rằng, rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản bi quan, với mức tăng trưởng 6,6 -6,7% và mức lạm phát 23%.
Dù phát triển theo kịch bản nào, thì mức lạm phát của Việt Nam vẫn cao, và về trung hạn, mức lạm phát vẫn phải trên 10% năm 2009, và hơn 5% trong năm 2010.
Báo cáo nhấn mạnh, những vấn đề cần xử lý trong năm 2008 rất phức tạp và nhạy cảm. Nhận thức thời cơ đồng thời đánh giá đúng thực trạng gai góc hiện nay là nền tảng suy tính để vượt qua khó khăn trước mắt, bảo đảm tiềm năng phát triển đã và đang khơi dậy được bền vững.
* Phương Loan
Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 30)
Friday, 16. May 2008, 05:59:16
Tuần Việt Nam gửi tới bạn đọc phần lược dịch bài viết trên
Tạp chí kinh tế Viễn Đông số tháng 5 của Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế
trưởng Liên Hiệp quốc và Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế chương trình Việt
Nam của Đại học Havard.
Những vết rạn khá nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện trong hệ thống tài chính và kinh tế của VN những tháng gần đây, đe dọa khả năng tăng trưởng. Liệu Chính phủ có những bước đi đúng và thành công để lật ngược chiều đi xuống của nền kinh tế?
Sự tuột dốc bất ngờ của nền kinh tế VN gây lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính, nhất là khi tình hình xấu thêm. Tin tốt lành là các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô vẫn còn vững chắc. VN không nợ quá nhiều, tăng trưởng xuất khẩu mạnh và Ngân hàng nhà nước đã tăng được dự trữ ngoại tệ đáng kể trong năm qua. VN cũng hội nhập ít hơn so với Thái Lan và Indonesia nên không chịu sức ép lớn từ khủng hoảng cầm cố nhà đất Mỹ.
Chính phủ có thể hồi phục sự ổn định tương đối nhanh chóng bằng kiểm soát chi tiêu công và tiền vay của doanh nghiệp nhà nước. Tin xấu là việc này, dù đơn giản, nhưng rất khó để thực hiện thành công do các rào cản trong cơ quan nhà nước.
Không thiếu người ở VN hiểu được nguyên nhân gây bất ổn kinh tế hiện nay và các bước cần thiết để giảm lạm phát, hồi phục ổn định thị trường. Các vấn đề VN đang gặp phải không quá phức tạp hoặc không giải quyết được. Nhưng các cơ quan hoạch định chính sách lại phân quyền quá tản mạn, nên rất khó để thực hiện được giải pháp đồng bộ.
Chính sách tiền tệ là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Bộ Tài chính lại kiểm soát lạm phát. Chính sách tiền tệ cũng do Uỷ ban Tài chính và Chính sách Tiền tệ Quốc gia giám sát, gồm các quan chức chuyên môn và đại diện các cơ quan chính phủ khác. Bộ Tài chính ra chính sách thuế và chi tiêu ngân sách, nhưng đầu tư lại do Bộ kế hoạch và đầu tư thực hiện. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế lại báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, không qua các bộ.
Cần có những cải cách cơ bản để đơn giản hoá bộ máy hoạch định chính sách.
Khép các tập đoàn kinh tế vào kỷ luật
Vào đầu những năm 90, lo lắng vì hoạt động kém hiệu quả của các công ty nhà nước khiến chính phủ quyết định thành lập các tổng công ty và tập đoàn kinh tế, theo hình mẫu keiretsu của Nhật và chaebol của Hàn Quốc. Ý định ban đầu là quy mô lớn sẽ giúp các công ty cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhưng thay vào đó, các công ty này lại tập trung vào xây dựng quyền lực ở thị trường nội địa trong các lĩnh vực nhiều lợi nhuận như bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và du lịch.
Một số ít công ty xuất khẩu lại sử dụng quan hệ để được chính phủ bảo lãnh các khoản vay, dùng để mở rộng vào những lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính. Vinashin nhận tiền từ trái phiếu Chính phủ VN phát hành lần đầu tiên năm 2006 và nhận 1 tỉ đô la tiền vay từ Ngân hàng Thuỵ Sỹ. Gần đây Vinashin vay 2 tỉ đô la trái phiếu từ Ngân hàng Đức trong dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Đức. Vinatext cũng vay 500 triệu đô la trong dịp này.
Chính phủ có nhiều dấu hiệu mất kiên nhẫn với các tập đoàn. Trong một cuộc gặp gần đây với lãnh đạo các tập đoàn để bàn về chống lạm phát, Thủ tướng nói mặc dù các tập đoàn kinh tế chiếm 60% nợ ở các ngân hàng thương mại và 70% vốn vay nước ngoài, họ chỉ tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Vào tháng 4, Thủ tướng yêu cầu các tổng công ty và tập đoàn kinh tế phải đầu tư ít nhất 70% vốn vào ngành kinh doanh chính. Nhưng phản ứng của các tập đoàn kinh tế cho thấy đưa họ vào vòng kỷ luật không dễ.
Chủ tịch PetroViệt nam Đinh La Thăng cho rằng đây là biện pháp sốc và nói, “Nếu các tập đoàn, DNNN kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành có chiếm đến 40% hay 50% nhưng lợi nhuận họ thu được tốt thì không thể bắt họ rút về, có thể gây đổ vỡ doanh nghiệp”.
Chia sẻ lợi ích từ tăng trưởng
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi nhiều về thành tích giảm nghèo, giáo dục cơ sở và cải thiện những chỉ số cơ bản như tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh và tiếp cận nguồn nước sạch. Nhưng VN phụ thuộc nhiều vào tiền ngân sách cho y tế và giáo dục. Chi tiêu công cho y tế ở hàng thấp thứ hai trong khu vực, sau Indonesia.
Các quỹ tiền công dành cho người nghèo thường không đến được tay người cần. Theo một điều tra mới đây của UNDP, 45% tiền chi trả cho y tế thuộc về 1/5 dân số là những người giàu nhất. Phần chi trả từ nhóm người nghèo nhất chỉ chiếm 7%. Chênh lệch này trong giáo dục là 35 % và 15%.
Chất lượng giáo dục và y tế là điều đáng lo ngại. Intel đã đưa ra một cú đấm khi tuyên bố rằng sau khi kiểm tra 2000 sinh viên từ 5 trường đại học công nghệ hàng đầu, chỉ có 40 sinh viên đạt tiêu chuẩn tối thiểu của họ. Intel nói đây là nước đạt chuẩn thấp nhất trong số những nước mà hãng này đã đến.
Không khó hiểu vì sao các gia đình VN phải tiêu tốn tới 1 tỉ đô la một năm cho con cái du học. Hệ thống trong nước không đáp ứng được như cầu về chất lượng, thậm chí với cả những người đủ tiền để trả.
Cải cách kinh tế ở VN đã vượt quá mong đợi của nhiều nhà quan sát. Tăng trưởng xuất khẩu lên tới 20% mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho hàng triệu người ở nông thôn. Các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài tạo hầu hết số việc làm mới trong 7 năm qua.
Nhưng những ngành này có lợi nhuận thấp. Có một hệ thống khác dành cho các doanh nghiệp nhà nước đói vốn, tập trung vào khai thác tài nguyên và phục vụ thị trường trong nước. Những công ty này chiếm phần lớn vốn vay từ ngân hàng quốc doanh và bắt đầu vay tiền nước ngoài, dùng lợi thế quan hệ để đổ tiền vào thị trường tài chính và bất động sản nhiều lợi nhuận.
Dù số liệu về họ còn rất thiếu, tỉ lệ lợi nhuận thấp hơn nhiều so với lĩnh vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đáng lo ngại hơn là các tập đoàn bắt đầu lập ngân hàng. Các nước đang phát triển có đầy ví dụ về mâu thuẫn lợi ích trong các doanh nghiệp lập ngân hàng, dẫn đến các khoản vay thiếu thận trọng trong tập đoàn với nhau, dẫn đến mất kiểm soát tiền tệ và bất ổn taì chính.
Lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô của VN là hệ quả của những vấn đề dài hạn. Chỉ thắt chặt tiền tệ không đủ. Tăng lãi suất mà không giảm thâm hụt ngân sách có thể làm nguội nhóm công ty tư nhân nhỏ, nhưng không tác động mấy lên các tập đoàn kinh tế vay vốn từ ngân hàng quốc doanh với lãi suất ưu đãi hoặc từ nước ngoài. Chính phủ không thể giảm lạm phát cho tới khi kiểm soát được đầu tư công và đưa các tập đoàn kinh tế quốc doanh vào vòng kỷ luật.
Những người quan sát VN lâu năm nhanh chóng chú ý rằng các nhà làm chính sách VN thường có cách lắp ráp các giải pháp có tác dụng thực tế vào với nhau trong giai đoạn khó khăn. Thường bắt đầu bằng những cách làm “xé rào”, không tuân theo luật và sau đó được đưa thành chính sách chính thức.
Cung cách này có thể giúp VN vượt qua giai đoạn bất ổn này. Nhưng lần này chính phủ phải làm nhiều hơn. Việc “xé rào” bây giờ nằm ở việc các tập đoàn kinh tế đầu tư vào ngân hàng và xây dựng bất động sản. Thay vì cấm đoán việc này, chính phủ phải kiểm soát nó.
Việc tự do tài chính rất rủi ro khi thiếu hành lang quản lý minh bạch và thực thi đáng tin cậy. Với các nhóm lợi ích đang nổi lên trong nền kinh tế mới của VN, việc quản lý, kiểm soát các nhóm này sẽ trở thành thách thức với lãnh đạo của VN trong thời gian tới.
* TLT (lược dịch)
IMF khuyên Việt Nam giữ niềm tin của nhà đầu tư
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam//3744/index.aspx
Chính sách không cần thiết phải quá mạnh. Cái chính là phải
thuyết phục được nhà đầu tư rằng Chính phủ đang đối mặt và giải quyết khó khăn
bằng hành động cụ thể - Đó là những chia sẻ của ông Benedict Bingham, trưởng
đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam.
Đầu năm nay, Chính phủ đã thực hiện những biện pháp chống lạm phát tương đối giống những gì IMF khuyến cáo năm ngoái, gồm thắt chặt tiền tệ và linh hoạt tỉ giá, nhưng tình hình lạm phát và kinh tế nói chung đã được cải thiện?
Ông Benedict Bingham (Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam): Năm ngoái, Chính phủ không chuẩn bị tốt để quản lý hiệu quả nguồn tiền lớn từ nước ngoài đổ vào. Ngân hàng nhà nước đã phản ứng quá chậm trước nguồn tiền này, thay vì tung trái phiếu hút tiền thì lại đưa tiền đồng ra mua đô la, khiến các ngân hàng có nhiều tiền đồng.
Các doanh nghiệp nhà nước lại mở rộng đầu tư quá mức. Cùng với nó, sức ép giá dầu thế giới cao đã làm tăng lạm phát.
Từ tháng 11 năm ngoái, chúng tôi bắt đầu khuyến cáo Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng cao lãi suất để tăng trưởng tín dụng chậm lại, linh hoạt tỷ giá hối đoái để giảm áp lực lạm phát. Một phần nữa của giải pháp nằm ở chính sách tài chính vì vốn đầu tư cuả các doanh nghiệp nhà nước tăng vọt vào năm ngoái mà hiệu quả không cao.
Những giải pháp này phải đồng bộ, nếu chỉ làm một giải pháp như Ngân hàng nhà nước vừa qua thì không có hiệu quả đâu. Ngân hàng nhà nước chỉ có thể tác động vào tín dụng, không giải quyết được vấn đề trong doanh nghiệp nhà nước và chính sách tài chính.
Bước tiếp theo phải là hành động, sản phẩm cụ thể
Kinh tế Việt Nam đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Có lẽ Chính phủ phải có những quyết định đau đớn để vượt qua giai đoạn này?
- Chính phủ cần phải đưa ra một gói giải pháp để thuyết phục mọi người rằng Chính phủ đang giải quyết các vấn đề nền kinh tế đang đối mặt, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư trong nước rất quan trọng. Nếu nhà đầu tư trong nước mất niềm tin, bỏ tiền vào cất trữ vàng, euro dưới chiếu thì sẽ rất có hại cho nền kinh tế.
Để giải quyết được khó khăn, cần phải hiểu nguồn gốc khó khăn đó. Tại sao chúng ta bị lạm phát? Ngoài nguyên nhân bơm tiền mua đô la và tỷ giá cố định, còn lý do cho phép nhiều tổ chức tín dụng nông thôn chuyển thành ngân hàng thành thị.
Những ngân hàng mới này có ít kinh nghiệm và có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao. Mức tăng tín dụng chung là 50%, các ngân hàng của nhà nước chỉ tăng tín dụng 30%, vì vậy các ngân hàng nhỏ phải có mức tăng tín dụng tới 80-90%.
Dường như Chính phủ hiểu những vấn đề mà IMF cảnh báo, thể hiện trong quyết sách của Thủ tướng gần đây như thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư công… Chẳng lẽ những chính sách như thế chưa đủ sao?
- Thủ tướng đã đưa ra một khuôn khổ chính trị tích cực, xác định ổn định tài chính vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và giải quyết những vấn đề gây lạm phát.
Những gì Thủ tướng đang làm là đúng. Ông đi khắp đất nước để kêu gọi đồng thuận về chiến lược. Tôi đoán ông giải thích cho các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước về chiến lược chính sách chống lạm phát như thế nào. Nhưng sau giai đoạn này là gì? Kết quả thực sự, cụ thể là gì?
Một phần vấn đề năm ngoái là các tập đoàn kinh tế đầu tư quá nhiều ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, vay quá nhiều từ ngân hàng. Vậy họ có biện pháp cụ thể nào đảm bảo với công luận, nhà đầu tư, chính phủ và Quốc hội rằng họ sẽ ngừng đầu tư vào khách sạn và ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, rằng họ cải cách hướng đi?
Tôi nghĩ những bước tiếp theo phải là sản phẩm, hành động cụ thể. Chúng ta phải nhìn thấy được chiến lược của Thủ tướng biến thành hành động như thế nào.
Cần vẽ bức tranh chính xác về tài chính của tập đoàn
Nếu thực hiện những giải pháp này, nền kinh tế sẽ lành mạnh hơn. Nhưng cắt đầu tư của tập đoàn kinh tế không dễ, nhiều tập đoàn lại có thể đang khó khăn vì mất tiền vào bất động sản và chứng khoán. Vụ giám đốc công ty mía đường La Ngà mất 17 tỉ đồng vào chứng khoán có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng thôi?
- Những công ty và cá nhân này đã quá mạo hiểm vào năm ngoái nên đã “đánh bạc” trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Họ quá tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tốt và đi lên. Lời khuyên của chúng tôi là Chính phủ phải nhanh chóng kiểm soát được tình hình. Hãy làm kiểm toán ngay, có bức tranh chính xác về tình hình tài chính của các tập đoàn kinh tế để nhanh chóng kiểm soát nguy cơ tổn thương.
Khi biết được bản chất của vấn đề thì mới có giải pháp được. Sau đó mới tính đến hồi phục những khó khăn tài chính, hoặc chỉnh sửa chính sách.
Thực hiện chiến lược chưa ổn
Trong khủng hoảng kinh tế 1997, IMF và Ngân hàng thế giới cũng khuyến cáo VN thắt chặt tín dụng và thả nổi tỷ giá đồng với đô la. Việt Nam không nghe theo và thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó tương đối an toàn?
- Phải rất thận trọng khi đưa ra một kết luận như vậy. Đầu tiên là lúc đó VN chưa hội nhập sâu như bây giờ. Thứ hai là VN đã phải trả giá bằng việc 5 năm sau các nhà đầu tư mới quay lại.
Tư vấn của IMF cho VN bây giờ có vẻ giống với “liều thuốc đắng” IMF đã đưa cho các nước Châu Á thời khủng hoảng kinh tế 1997, liệu ông có chắc rằng “liều thuốc” này sẽ tốt cho VN mà không làm tình hình tồi tệ thêm ?
- Dù hướng đi chiến lược của Chính phủ bắt đầu hợp với khuyến nghị của cộng đồng quốc tế, nhưng việc thực hiện chưa ổn.
Nếu họ thực hiện một gói chính sách cân bằng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư rằng chúng ta đang đi đến mức độ an toàn thì VN có cơ hội tốt để vượt qua thời khó khăn này.
VN đang có thâm hụt thương mại lớn, môi trường quốc tế không thuận lợi. Nếu Chính phủ không thể thuyết phục nhà đầu tư trong khi họ nghĩ rằng tốt nhất là đợi đến khi tình hình sáng sủa hơn mới đổ tiền vào nền kinh tế thì mọi việc sẽ trở nên thực sự khó khăn.
Ví dụ như hiện có nhiều sự không chắc chắn trên thị trường tài chính, ngân hàng nên thị trường lên xuống thất thường. Một phần do chính sách tiền tệ không rõ và không thống nhất nên nhà đầu tư không chắc chắn.
Chính sách không cần thiết phải quá mạnh. Cái chính là phải thuyết phục được nhà đầu tư rằng Chính phủ đang đối mặt và giải quyết khó khăn bằng hành động cụ thể, rằng tình hình sẽ tốt hơn.
Một khi có thay đổi lớn về chính sách thì phải thông tin tốt cho công chúng để công chúng biết chính phủ đang làm gì, khiến họ kiên nhẫn và có niềm tin là nền kinh tế sẽ tốt hơn. Hiện thời chính phủ chưa làm như thế.
Chính phủ đang có nhiều sáng kiến và giải pháp nhỏ, lên xuống thất thường mà không thông tin hiệu quả về những thay đổi chính sách lớn.
* Trần Quế Đông (thực hiện)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét