Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Theo dòng thời gian (10)


Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 35)

Việt Nam: Thặng dư hay thiếu hụt công suất?
http://www.tiasang.com.vn/news?id=2643
Việt Nam đã và đang trải qua ít nhất hai cột mốc quan trọng từ khi bắt đầu tiến trình đối mới đến nay:
- Thứ nhất, khởi đầu tiến trình đổi mới vào 1986, chuyển từ mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Trên thực tế, Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội này để vượt qua ngưỡng nước nghèo sau 20 năm;
- Thứ hai, trở thành thành viên WTO vào năm 2007. Điều này có nghĩa là Việt Nam chấp nhận mở cửa toàn diện với thế giới bên ngoài để đón nhận những cơ hội cũng như chấp nhận những thách thức mới. Tiếp cận từ góc nhìn thặng dư công suất, Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội, vượt qua những thách thức này như thế nào?


Việt Nam 20 năm về trước

Chiến tranh tàn phá tiếp tục với một thập kỷ triển khai mô hình kinh tế tập trung, mô hình không khuyến khích người ta làm việc, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam hết sức tiêu điều, lương thực phải nhập khẩu, sản phẩm công nghiệp hầu như không có gì, dịch vụ không được xem là một ngành kinh tế chính thức và trong xã hội không nhiều gia đình có thể ăn no mặc ấm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vùng đất màu mỡ, nhưng liên tục mất mùa do người ta không muốn canh tác hay hệ thống thuỷ lợi không đảm bảo, những mỏ dầu, mỏ than giàu trữ lượng, phố phường trống vắng, thưa thớt người qua lại thì có thể thấy sự trù phú có thể xuất hiện trong tương lai gần nếu các nguồn lực được cởi trói.
Mặt khác, tuy khó khăn trăm bề, nhưng việc học hành luôn được nhiều gia đình coi trọng. Tinh thần học hỏi cũng ở một mức độ rất cao. Nếu có một quyển sách, hay một tờ báo rơi vào tay ai đó thì chúng sẽ được đọc từ trang đầu đến trang cuối, việc đọc đi đọc lại nhiều lần hay chép lại sách là điều hết sức bình thường. Tuy hệ thống giáo dục rất lạc hậu so với thế giới, nhưng những tiêu cực dường như không có, người thầy luôn được tôn trọng và đề cao. Chính những điều này đã làm cho chất lượng và khả năng của nguồn nhân lực vượt xa so với nhu cầu thực tế.
Thêm vào đó, tuy chưa có bất kỳ một sự chuẩn bị nào cho nền kinh tế thị trường, nhưng do trong giai đoạn đầu, cấu trúc nền kinh tế còn tương đối đơn giản, tình trạng tham nhũng không phổ biến và đáng báo động nên hệ những quy định, thể chế mới được xây dựng cũng tạm ổn để nền kinh tế có thể vận hành mà không gặp nhiều bất trắc. Trên thực tế, trong 20 năm qua, không có nhiều vấn đề làm Việt Nam phải quan tâm nhiều và tập trung giải quyết, trừ cuộc khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng cuối thập niên 1990 và những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai.
Sự thặng dư về tài nguyên và nguồn nhân lực cộng với một môi trường thể chế không phức tạp đã giúp Việt Nam có được sự thành công trong 20 năm với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần, tỷ lệ hộ nghèo từ hầu như toàn bộ giảm xuống dưới 20%.

Câu chuyện của ngày hôm nay

Trái ngược với hơn 20 năm về trước, giờ đây về cơ bản Việt Nam đã vượt qua khỏi ngưỡng nước nghèo, nhiều người đã có thể ăn ngon mặc đẹp. Tuy nhiên, những vấn đề đang bộc lộ sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ổn định trong dài hạn của Việt Nam.
Các nguồn lực vật chất đang dần cạn kiệt: Giờ đây, những câu chuyện về nâng cao năng suất mở rộng diện tích đã không còn là vấn đề thời sự như cách đây 20 năm mà là hoang mạc hoá, khô hạn, ngập mặn, ô nhiễm môi trường... Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dầu mỏ, than đá (hai nguồn tài nguyên chính) không phải là vô tận. Thời điểm cạn kiệt dầu mỏ đang ở rất gần. Sự quy hoạch manh mún, chia cắt đô thị dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đang tạo ra bầu không khí hết sức ngột ngạt, nhất là ở hai đô thị lớn mà nếu không có những giải pháp kịp thời thì hậu quả sẽ khó mà lường được. Cứ nhìn những nước chung quanh cách đây hơn 10 năm thì có thể cảm nhận được điều gì có khả năng xảy ra đối với Việt Nam trong một tương lai không xa.
Hậu quả của thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đang hiển hiện: Cải cách hệ thống giáo dục lạc hậu là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên những trục trặc, những điều không lường đón hết khi tiến hành cải cách đã gây những tác động hết sức tiêu cực. Đầu những năm 1990, do đời sống giáo viên quá khó khăn, không ít người đã phải xoay sở tìm nghề khác. Trong số những người ở lại, cho dù còn rất nhiều người có năng lực và tâm huyết với nghề, nhưng những người không thể đi đâu vẫn tiếp tục làm thầy.
Hơn thế, chính sự khó khăn trong giai đoạn này đã không khuyến khích những người giỏi nhất vào ngành sư phạm và tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã xảy ra. Người viết không hề có ý định “vơ đũa cả nắm”, nhưng có thể nhìn nhận một cách khách quan rằng, do những người “kém nhất” trở thành thầy cộng với cơ chế quản lý đã đẩy hệ thống giáo dục Việt Nam vào một tình cảnh hết sức éo le. Hiện tượng vi phạm đạo đức học đường như thầy lạm dụng trò, trò đánh thầy ngay trên bục giảng, chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu, học sinh bỏ học hàng loạt… không còn là những sự kiện cá biệt mà trở thành hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Giờ đây, chúng ta có thể cảm nhận được hậu quả của việc quan tâm không đúng mức đến “lợi ích trăm năm”.
Một điều đáng quan tâm khác là cấu trúc nền kinh tế hiện nay và những vấn đề liên quan đã khác rất nhiều so với cách đây 20 năm. Tham nhũng trầm trọng hơn, dần xuất hiện các nhóm lợi ích chi phối một bộ phận, một ngành hay toàn nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả không phải là do cơ chế hay năng lực quản lý mà có thể là do chủ đích với mục tiêu cuối cùng là tìm cách đánh cắp tài sản của nhân dân hay củng cố địa vị cá nhân làm tổn hại đến lợi ích chung.
Tuy nhiên, cho dù những dấu hiệu không tốt đang hiển hiện ngày một rõ nét hơn, nhưng tiềm năng của Việt Nam vẫn rất lớn, nếu có những chính sách hợp lý để mỗi người Việt Nam có thể phát huy tối đa khả năng của mình thì việc có được thành công từ hai bàn tay trắng như Nhật Bản hay Singapore là điều không phải là không thể.

Dự báo tương lai

Mọi chuyện đang rất trôi chảy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,48%, mục tiêu đặt ra cho năm 2008 lên đến 9%. Do vậy, việc đưa ra những nhận định kém lạc quan có lẽ không hợp thời cho lắm. Tuy nhiên, Economist Intelligence Unit (EIU) đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 theo một kịch bản chúng ta không hề mong đợi. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng vẫn hết sức khả quan ở mức trên dưới 8%, nhưng sau đó những rắc rối, yếu kém của nền kinh tế có thể sẽ bộc lộ kéo tốc độ tăng trưởng xuống dưới 5% vào năm 2020, thời điểm Việt nam đặt ra mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Nếu dự báo về tốc độ tăng trưởng nêu trên là của một người tiểu tốt vô danh như tác giả bài viết này thì không có gì là chú ý, nhưng đây là EIU, ít nhất cũng là tổ chức có uy tín và họ có cơ sở trên cơ sở quan sát những gì đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, muốn tránh kịch bản như vậy, Việt Nam cần hết sức quan tâm tìm hiểu tại sao EIU lại đưa ra con số như vậy.
Xét dưới góc độ công suất cần thiết để hấp thu những cơ hội mới thì có lẽ Việt Nam đang ngấp nghé bên bờ thiếu hụt công suất. Nếu không có những quyết sách hợp lý, rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính mà nó là nguồn gốc gây ra những bất ổn xã hội và trì trệ nền. Việc mắc phải “căn bệnh Hà Lan”*, sai lầm của những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng khai thác và sử dụng không hợp lý rất có thể xảy ra.
Có lẽ, tất cả các nguồn lực đều bị giới hạn, ngoại trừ nguồn nhân lực, nếu có một hệ thống giáo dục tốt và một môi trường làm việc khuyến khích mọi người hăng say lao động thì khả năng có được một nội lực mạnh mẽ để tận dụng tốt các cơ hội trong tiến trình hội nhập là điều nằm trong tầm tay. Nếu không, việc chỉ có thể làng nhàng ở những nước thường thường bậc trung làm điều không khó dự đoán.

----------------
* "Căn bệnh Hà Lan" là thuật ngữ trong kinh tế học ra đời năm 1977 để mô tả sự suy giảm của khu vực sản xuất Hà Lan sau khi nước này tìm ra mỏ khí gas lớn. Từ đó về sau, thuật ngữ này được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa việc phát hiện những nguồn tài nguyên thiên nhiên mới với sự tụt hậu của sản xuất trong nước của một quốc gia.
"Căn bệnh Hà Lan" phát tác một khi nguồn tài nguyên trong nước đã cạn kiệt hoặc có sự biến động giảm giá tài nguyên trên thị trường thế giới. Khi đó việc khai thác tài nguyên để bán gặp khó khăn, các ngành sản xuất khác trong nước hầu như đã tê liệt vì tụt hậu kĩ thuật khi không được đầu tư trong một thời gian dài. Nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. (Theo www.saga.vn)
Từ sự phát triển công nghiệp Thuỵ Điển, GS Ari Kokko thuộc Trường Kinh tế Stockholm, một học giả nổi tiếng về thương mại quốc tế và chính sách công nghiệp, đã chỉ ra rằng sở dĩ Thuỵ Điển có thể tận dụng được các cơ hội và đạt được sự thành công trong hơn 100 năm qua là do nước này có một sự “thặng dư công suất”, nói một cách đơn giản là tiềm năng của nền kinh tế, khả năng của nguồn nhân lực cao hơn nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Do vậy, “Khi quá trình công nghiệp hoá được châm ngòi bởi các phát minh đổi mới kỹ thuật từ nước ngoài và nhu cầu tăng mạnh của các nơi khác ở châu Âu đối với nguyên liệu thô, thì Thuỵ Điển ở vào vị thế vững vàng để khai thác các cơ hội mới.” Kết quả Thuỵ Điển đã thành công. (Xem thêm Ari Kokko, "Vai trò của công suất thặng dư trong phát triển công nghiệp Thuỵ Điển", Tia Sáng số 1/2008)

Hùynh Thế Du 

 

Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 37)

Goldman Sachs dự báo về kinh tế Việt Nam
http://vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=10&id=1065e0b4bc4b2a
Download bản gốc tại đây: (nên đọc bản gốc)
http://www.viet-studies.info/kinhte/Flash_of_Vietnam_Growth_Outlook.pdf
Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs vừa công bố một báo cáo mang tên “Asia Economics Flash” (tạm dịch: “Điểm nhanh tình hình kinh tế châu Á”).


Bản báo cáo này bao gồm một phần nói về kinh tế Việt Nam mang tựa đề “Vietnam: Rising inflation, growth setback and a likely roadmap of policy response” (tạm dịch “Việt Nam: Lạm phát tăng cao, rào cản đối với tăng trưởng và khả năng phản ứng chính sách”).

Mối đe dọa lớn nhất

Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định, lạm phát chính là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay đối với kinh tế Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ của Việt Nam là 21,4%, so với mức 8,6% vào tháng 8 năm ngoái.

Lạm phát cao đang đe dọa tới ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như luồng vốn nước ngoài tại thị trường này, đồng thời khiến việc giải ngân vốn FDI - một nguồn động lực cho tăng trưởng - có thể bị gián đoạn.

Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, kết quả có thể sẽ là sự mất cân đối đáng kể đối với cán cân thanh toán trong thời gian không xa, báo cáo nhận định.

Báo cáo của Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm trong năm nay và năm tới, với mức dự báo lần lượt là 7,3% và 7,8%, so với mức tăng trưởng 8,5% trong năm ngoái.

Trong khi đó, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao, với mức dự báo là 19% và 10% cho cả năm nay và năm sau, so với mức 8,3% của năm 2007.

Nguyên nhân lạm phát

Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng, lượng cung tiền tăng mạnh chính là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới tình trạng lạm phát tăng cao tại Việt Nam.

Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2006 và tăng tốc vào đầu năm 2007. Số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, tăng trưởng tiền M2 ở Việt Nam đã tăng từ mức 34% trong năm 2006 lên mức 54% trong năm 2007. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng tăng từ mức 29% lên 54%.

Để giữ VND không lên giá so với USD, Ngân hàng Nhà nước đã mua USD về và như thế bơm thêm VND vào nền kinh tế. Để tránh tình trạng dư thừa VND, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu bắt buộc và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng vẫn còn một lượng tiền dư thừa lớn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó là sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng nước ngoài. Ngoài việc đẩy mạnh cho vay để chiếm thị phần, các ngân hàng cũng tìm mọi cách để tăng dư nợ nhằm đảm bảo tỷ lệ bắt buộc 3% đối với cho vay cầm cố chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2007.

Dự báo chính sách

Bản báo cáo cho rằng, hiện đang là thời điểm vô cùng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có những bước đi hợp lý giúp nền kinh tế “hạ cánh an toàn” (soft landing).

Với phân tích về nguyên nhân lạm phát như ở trên, các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng, chính sách tiền tệ phải là công cụ chống lạm phát chính của Việt Nam vào lúc này.

Từ tháng 6 năm ngoái tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ để chặn lạm phát bao gồm tăng tỷ lệ bắt buộc, sử dụng nghiệp vụ repo, phát hành tín phiếu, tăng lãi suất, nới lỏng biên độ tỷ giá để VND tăng giá so với USD…

Tuy nhiên, theo nhận định của bản báo cáo, từ nay trở đi, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít lựa chọn công cụ chính sách hơn để áp dụng. Và trong số những giải pháp còn lại, hai công cụ có nhiều khả năng được sử dụng nhất là tăng lãi suất và kiểm soát tín dụng.

Động thái dỡ bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất tối đa 18%/năm của Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5 được các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá là một bước tiến tích cực trong việc chống lạm phát.

Tuy nhiên, với tình trạng thắt chặt thanh khoản trong các ngân hàng hiện nay kể từ khi Ngân hàng Nhà nước phát hành 20.000 tỷ tín phiếu bắt buộc trong tháng 3 khiến xuất hiện một nhân tố rủi ro trong hệ thống. Do đó, bản báo cáo cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên tính đến chuyện cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng, thay vì tiếp tục tìm cách hút bớt thanh khoản trong ngắn hạn.

Về tỷ giá VND/USD, Goldman Sachs dự báo, VND sẽ tiếp tục mất giá so với USD trong thời gian tới.

Bản báo cáo cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái, nâng giá VND, để chặn lạm phát vì hai lý do. Thứ nhất, VND chưa phải đã bị định giá quá thấp so với USD, và thứ hai, Chính phủ tiếp tục muốn đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút vốn FDI.

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam trước thách thức
http://vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=01&id=5e4b3cf866ae02&pageid=2800
Việt Nam đang được nhìn nhận là quốc gia thành công của việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Nhưng trước thực tế lạm phát trong nước đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tác động bất lợi của nó làm thụt lùi tiến trình thực hiện mục tiêu này của Việt Nam.


Trong nửa chặng đường của MDGs, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo từ 58% năm 1993 đã giảm xuống còn 16% năm 2006. Tại buổi công bố “Báo cáo giám sát toàn cầu: các mục tiêu thiên niên kỷ và môi trường” của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Zia Qureshi, tác giả của bản báo cáo đã phải thốt lên rằng đây là thành tựu “đáng kính nể”.

Lạm phát có gia tăng đói nghèo?

Nếu nhìn vào thời gian trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, theo ông Zia Qureshi hoạt động kinh tế của Việt Nam đã đạt hiệu quả tốt và chỉ một số ít các quốc gia trên thế giới theo kịp Việt Nam về mục tiêu cũng như kết quả thực hiện này. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia xuất sắc trong thực hiện mục tiêu về xoá đói giảm nghèo. Trên cơ sở những lĩnh vực Việt Nam đã đạt được trong xoá đói giảm nghèo, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tăng trưởng hơn nữa.

Chính vì vậy, trước thực tế lạm phát đang gia tăng ở Việt Nam ông Zia Qureshi cho rằng cần phải có cái nhìn toàn diện hơn: “Lạm phát là những vấn đề hết sức lo ngại đối với các nhà lập chính sách. Nhưng dựa trên những thành tựu đã có của mình trong vòng 10-15 năm vừa qua thì Việt Nam có điều kiện tương đối thuận lợi để phản ứng lại với tình trạng lạm phát này và tiếp tục con đường tăng trưởng”.

Vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Martin Rama, người đã gắn bó với Việt Nam từ nhiều năm nay thì nhìn nhận: chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam cũng đã bị giảm so với dự kiến trước đây là 8,5%. Tình hình này rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông, không nhất thiết phải nói rằng đó là sự thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhưng có thể nó sẽ làm chậm một chút tiến trình này ở Việt Nam. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận đây là vấn đề phức tạp bởi vì đằng sau nó có ẩn chứa một số vấn đề khác.

Trước hết, lạm phát bị ảnh hưởng cụ thể từ việc giá cả tăng cao và các luồng vốn không được quản lí hiệu quả như trước đây. Ngoài ra, trong trường hợp của Việt Nam, ông Rama đưa ra ví dụ cụ thể để thấy được ảnh hưởng đối với người trồng lúa cũng như tình trạng nghèo ở các vùng đồng bằng châu thổ của Việt Nam.

Theo ông, người sản xuất lương thực nhưng thậm chí lại phải trả nhiều tiền hơn để mua lương thực. Trong một số trường hợp người dân sản xuất ra lương thực nhưng lại vẫn phải tiêu dùng thêm nên vẫn phải mua lương thực với giá cao hơn so với giá người ta sản xuất được.

Ngoài mặt hàng lương thực còn có giá cả của nhiều mặt hàng khác phi lương thực cũng gia tăng như giá đất đai. Cụ thể, nếu sống ở thành thị ngoài việc mua đất, người dân sẽ phải tính vào giá đất đủ các loại giá khác như chi phí đi lại, chi phí dịch vụ... Nếu so sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn, khoảng cách giá cả cũng đang ngày càng tăng cao. Điều đó sẽ dẫn đến bất bình đẳng lớn hơn.

Vì vậy, ông Martin đi đến kết luận lạm phát chắc chắn có ảnh hưởng và cho rằng đây rõ ràng là những thách thức mới mà Việt Nam phải giải quyết trong hoạt động xóa đói giảm nghèo.

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ quan điểm này và cho rằng chúng ta không thể né tránh thực tế lạm phát chắc chắn ảnh hưởng tới chỉ tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu MDGs của Việt Nam. “Chỉ trong 4 tháng đầu năm chỉ số giá đã trên 11% có khả năng trong năm 2008 là 20%. Vậy thì chúng ta có đạt được chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo không khi chỉ tiêu này đã bao gồm yếu tố tăng giá trong đó?”, ông Minh nói.

Năm 2007 chỉ tiêu giảm nghèo của chúng ta đạt 14,8%, tuy nhiên trong bối cảnh này, các thảo luận hiện nay của Chính phủ đều khẳng định cố giữ chỉ tiêu năm 2008 là 12%. Bởi vì chỉ tiêu này không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà quan trọng hơn là đảm bảo an sinh xã hội.

Đương đầu với thách thức

Trong chương trình nghị sự sắp tới về thực hiện MDGs, báo cáo của WB cho rằng các quốc gia cũng phải có nhiều bước triển khai mới để khuyến khích việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ tốt hơn.

Và một trong những vấn đề cụ thể liên quan đến việc đối phó với những thách thức toàn cầu đang diễn ra là biến đổi khí hậu, giá cả gia tăng và khan hiếm năng lượng. Theo ông Hồ Quang Minh, cả 3 vấn đề đó Việt Nam đều đang phải đối mặt. Ông cho biết, trên thực tế, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị.

Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 là kế hoạch đầu tiên lồng ghép cả 3 yếu tố kinh tế-xã hội và môi trường. Như vậy, các chỉ tiêu MDGs đã được lồng vào các chỉ tiêu hàng năm. Trên thực tế, tới thời điểm 2007, bức tranh của Việt Nam vẫn là lạc quan.

Trong 4 chỉ tiêu không hoàn thành của kế hoạch năm 2007 có chỉ tiêu nông lâm nghiệp, chỉ số giá, tỉ lệ sinh và nhập siêu. Như vậy, chỉ có một chỉ tiêu xã hội là tỉ lệ sinh ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhưng nhìn về 2008 thì rất nhiều thách thức đang đặt ra cho Việt Nam.

Bên cạnh yếu tố lạm phát thì Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nếu mực nước biển tăng lên 1 mét thì sẽ có 10% dân số của Việt Nam hiện đang sống tại vùng duyên hải bị ảnh hưởng và sụt giảm khoảng 10% GDP. Gánh nặng kinh tế về môi trường là rất nặng nề, chiếm từ 1,5-4,5% GDP/năm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Công Thành cho biết: Chương trình Mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang xây dựng Chương trình ứng phó với tình trạng này (bao gồm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu). Chương trình này sẽ hoàn thành vào tháng 8 và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2008.

Liên quan đến nhận xét làm thế nào để Việt Nam quản lí được tài nguyên thiên nhiên của mình, ông Zia Qureshi cũng chỉ ra biện pháp tiết kiệm ròng mà thông qua đó đánh giá sự suy thoái trong quản lí tài nguyên thiên nhiên.

Trên cơ sở đánh giá đó, báo cáo của WB nhận định Việt Nam đang làm tốt hơn so với một số quốc gia khác: “Cách quản lí tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam so với một số quốc gia khác rõ ràng hướng tới sự bền vững nhiều hơn và có thể tạo ra tiết kiệm ròng lớn hơn đối với các tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cũng đã có chương trình về bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu cụ thể như quy hoạch sử dụng đất, kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá phát triển nhanh chóng ở Việt Nam”.

“Nếu xem xét toàn bộ các chương trình nghị sự của Việt Nam có vẻ như Việt Nam đang phản ứng tốt hơn so với một số quốc gia khác, thậm chí là nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đương nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn ở trước mắt”, ông Zia Qureshi kết luận.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét