Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Tiền được tạo ra từ đâu?

30-8-2012 (VF) — Một trong những chức năng quan trọng nhất, phân biệt ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại là quyền phát hành tiền. Câu hỏi đặt ra là, tiền được tạo ra từ đâu. Tiền được tạo ra “không từ gì cả“. Đó là câu trả lời đồng thuận của các học giả Davies (2002), Hitchcock (2007), Brown (2008), Griffin (1994), Rothbard (1983), Jones (1994), Grem (1971), Armstrong (1940)… và nhiều người khác. Quyền lực được phát hành tiền giấy và lưu thông như đồng tiền chung của quốc gia có ý nghĩa sống còn với một ngân hàng trung ương.
Ngân hàng trung ương tạo ra tiền với cơ chế như sau: Trước tiên, ngân hàng cần có một khoản tiền thật phổ biến là bằng vàng. Ở đây, giả sử ban đầu là 1.000 đồng vàng. Với quyền được chính phủ giao, ngân hàng sẽ phát hành 1.000 đồng tiền giấy. Khi nhận được yêu cầu khoản vay 1.000 đồng  của chính phủ, ngân hàng sẽ chuyển 1.000 đồng tiền giấy vào ngân khố quốc gia và giữ lại 1.000 đồng vàng để đảm bảo thanh toán khi có người mang tiền giấy tới ngân hàng và yêu cầu được đổi ra vàng. Khi thực hiện nguyên tắc này, ngân hàng và nền kinh tế tuân theo chế độ bản vị vàng.
Ngân hàng trung ương tạo ra tiền
Tài sản
Vốn và Nợ
Vàng 1000
Tiền giấy 1000
Chính phủ vay tiền của NHTW
Vàng 1000
Nghĩa vụ đổi tiền 1000
Chính phủ nợ 1000
Tiền giấy phát hành thêm 1000

2000

2000
Chính phủ vay lần 2
Vàng 1000
Nghĩa vụ đổi tiền 1000
Chính phủ nợ 1000
Tiền giấy đã phát hành 1000
Chính phủ vay thêm 1000
Tiền giấy phát hành thêm 1000

3000

3000
Điều quan trọng là quá trình tạo ra tiền mới không dừng lại khoản cho vay đầu tiên với chính phủ. Để nhận được 1.000 đồng từ ngân hàng, chính phủ phải phát hành một giấy nhận nợ (IOU), phổ biến là dưới dạng trái phiếu chính phủ. Đối với ngân hàng, đó là tài sản được đảm bảo bằng năng lực thu thuế từ dân chúng của chính phủ trong tương lai. Với tài sản này, ngân hàng phát hành thêm 1.000 đồng tiền giấy mới. Tại thời điểm phát hành, số tiền giấy mới này không được đảm bảo bằng bất cứ gì. Đây chính là bản chất vấn đề mà các học giả gọi là việc tạo ra tiền không từ gì cả.
Khi chính phủ cần thêm một khoản vay 1.000 đồng nữa, ngân hàng lại chuyển số tiền giấy mới phát hành vào ngân khố và bổ sung vào tài sản của mình một giấy nhận nợ từ Chính phủ. Tiền tiếp tục lại được tạo ra.
Chính phủ càng vay nợ nhiều lần, ngân hàng trung ương càng có thêm điều kiện “tạo” thêm tiền.
Nếu trong lần vay đầu tiên, chính phủ yêu cầu được nhận 1.000 đồng vàng thì ngay từ 1.000 đồng tiền giấy đầu tiên, tiền đã được phát hành dựa trên giấy nhận nợ của chính phủ đảm bảo bằng doanh thu từ thuế trong tương lai. Nói cách khác, tiền cũng vẫn được tạo ra “không từ gì cả“.
Ở một góc nhìn khách quan hơn, để tạo ra tiền, ngân hàng trung ương cần hai điều kiện. Thứ nhất, được chính phủ giao quyền phát hành tiền và lưu thông một đồng tiền chung trong toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Thứ hai, đồng tiền do ngân hàng trung ương phát hành phải được người dân chấp nhận. Nghĩa là, người dân phải có niềm tin vào ngân hàng trung ương và chính phủ. Điều kiện đầu là bắt buộc. Điều kiện sau không phải lúc nào cũng xảy ra.
Lịch sử tiền tệ Việt Nam có ghi lại việc người dân không chấp nhận sử dụng tiền giấy do nhà Hồ lần đầu tiên phát hành vào năm 1396. Ngược lại, những tờ giấy bạc “Cụ Hồ” được phát hành bằng cách đóng dấu của chính quyền địa phương lên trên tờ bạc Đông Dương lại được nhân dân tin tưởng và ủng hộ ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiền đóng dấu

Tiền ‘Cụ Hồ’
Tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quản lý và điều hành chính sách tiền tệ lâu nay vẫn là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế quan tâm, tranh cãi. Đa phần ý kiến được công chúng đồng tình cho rằng, vị thế độc lập hơn với các chức năng quản lý nhà nước và nới lỏng kiểm soát của Chính phủ với vận hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Khi đã hiểu rõ bản chất của hệ thống ngân hàng trung ương quốc tế, đặc biệt là các ngân hàng trung ương tư hữu, mới thấy rằng vấn đề này cần được cân nhắc thấu đáo hơn. Hệ thống ngân hàng khỏe mạnh là động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện dân sinh. Tuy vậy, một hệ thống ngân hàng không chịu sự kiểm soát của nhân dân có thể trở thành thế lực đáng sợ đối với sự ổn định và phồn thịnh của quốc gia hơn bất kỳ kẻ thù nào.
Phát hành tiền ở Việt Nam
Căn cứ tính toán, lập kế hoạch và phát hành bổ sung cung tiền rất quan trọng. Tại Việt Nam, chúng tôi đã tìm kiếm cơ sở pháp lý và kết quả triển khai phát hành tiền tại Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước. Một số thông tin được ghi nhận nhưng chưa thấy các nội dung hướng dẫn chi tiết.
Điều 4, Chương II, Nghị định số 87/1998/NĐ-CP ban hành ngày 31 tháng 10 năm 1998, ghi: “Ngân hàng Nhà nước căn cứ kế hoạch cung ứng tiền tăng thêm hàng năm được Chính phủ phê duyệt; nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt của nền kinh tế; nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; tiền đình chỉ lưu hành để xác định số lượng và cơ cấu các loại tiền mặt cần phát hành vào lưu thông theo các yêu cầu trên”.
Luật Ngân hàng Nhà nước, trong phần quy định về phát hành tiền cũng quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy và tiền kim loại. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế (Điều 23, Mục 2, Chương III, Luật Ngân hàng Nhà nước, được Quốc hội thông qua ngày 12/12/1997.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét