Kinh tế Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, và nhất là đã bộc lộ càng rõ những yếu kém căn bản. Cho nên, năm 2012 sẽ là một năm đầy thử thách đối với Việt Nam, đòi hỏi những nhà lãnh đạo Hà Nội phải thực sự có những thay đổi căn bản, chứ không thể tiếp tục duy trì hiện trạng.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2011 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2011 dự kiến chỉ đạt 5,9%, thấp hơn so với mức 6,8% của năm ngoái. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này là do Ngân hàng Nhà nước đã tăng các lãi suất nhằm kềm chế mức lạm phát đã tăng vọt trong năm nay.
Hậu quả của việc tăng lãi suất này là số khoản vay và đầu tư giảm mạnh, làm chậm lại đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam năm nay sụt giảm cũng một phần là do các biện pháp của chính phủ nhằm giảm đầu tư công và thâm hụt ngân sách.
Có thể nói trong năm qua, vấn đề gay go nhất mà Việt Nam đã phải đối phó, đó là lạm phát. Chính phủ Hà Nội ban đầu đề ra chỉ tiêu kềm chế lạm phát 2011 ở mức 7%, sau đó đã điều chỉnh lên thành 17%, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được chỉ tiêu này, vì tỷ lệ năm nay lên đến gần 18,6%, mức cao nhất châu Á. Đây là năm thứ hai mà chính phủ Việt Nam thất bại trong việc kềm chế lạm phát ở mức dưới 10%, vì trong năm 2010, tỷ lệ lạm phát đã là 11,8%.
Chỉ có một chỉ số khả quan, đó là thâm thủng mậu dịch của Việt Nam năm 2011 đã giảm mạnh, xuống còn 9,5 tỷ đôla, mức thấp nhất từ một thập niên qua. Kết quả này là do tác động của việc chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm chi tiêu công và hạn chế nhập khẩu xa xỉ phẩm.
Nhưng trong báo cáo cho Hội nghị Tư vấn Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam đầu tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã đặc biệt lưu ý là việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài, cộng với những biến động trong và ngoài nước gần đây, đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang trong tình trạng thiếu thanh khoản, và tình trạng thiếu vốn vẫn là một vấn đề nổi cộm của hệ thống ngân hàng.
Mức tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong những năm qua cao một cách bất thường, lãi suất cho vay cũng tăng, trong khi đó năng lực quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng tương đối yếu. Cho nên, một trong những việc cấp tốc đối với Việt Nam trong năm 2012 này là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng khó có thể tránh được nguy cơ nợ công gia tăng, nhất là ở Việt Nam có rất nhiều khoản nợ tiềm ẩn, chưa được phản ánh trong các số liệu thống kê chính thức về nợ của chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh.
Ngân hàng Thế giới còn nhận định rằng, tại Việt Nam, việc cắt giảm chi tiêu và cải thiện hiệu quả các dự án đầu tư công vẫn chưa có nhiều kết quả như mong muốn. Nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra về phương thức cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước song vẫn chưa thật sự rõ ràng về các chính sách cụ thể trong tương lai liên quan tới lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã có sự ổn định quan trọng nhờ thực hiện nghị quyết 11, nhưng sự ổn định còn mong manh. Để có thể quay lại một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng cho hiệu quả cao hơn để tăng trưởng trung hạn, Việt Nam cần giảm thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu, bao gồm cả việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và lĩnh vực tài chính.
Trong dài hạn, Việt Nam để có thể duy trì được vị thế là một điểm đến thực sự hấp dẫn đầu tư, Việt Nam là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện, giao thông và kho cảng, là các lĩnh vực mà các nhà đầu tư thường cho là những trở ngại chính.
Nhưng liệu giới lãnh đạo Việt Nam có đủ quyết tâm chính trị để thực hiện những những khuyến cáo nói trên hay không ? Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, nhắc lại rằng, vào tháng 10 năm ngoái, hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính là các ưu tiên cải cách hàng đầu cho 5 năm tới.
Nhưng bà nhấn mạnh, điều cần thiết lúc này là « ý chí chính trị mạnh mẽ », bởi vì kinh nghiệm cho thấy rằng, « thiếu hành động hoặc hành động chậm chạp sẽ dẫn đến khủng hoảng rất tốn kém. Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho Việt Nam để theo đuổi chương trình tái cấu trúc ngay lúc này hơn là chờ đợi tái cấu trúc sau khi đã bị rơi vào khủng hoảng. NGAY BÂY GIỜ chính là thời điểm để hành động. »
Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam còn nhấn mạnh rằng, « thay đổi một cách rời rạc, thiếu hệ thống là không đủ. Cần thiết phải có những hành động quyết liệt để thực sự phá vỡ quá khứ và phác thảo một con đường mới»
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào tuần trước, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng đã nhấn mạnh rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải thay đổi tư duy phát triển, tư duy kinh tế.
RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Quang A, sau một năm 2011 gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng vọt, thâm thủng mậu dịch vẫn cao, hệ thống ngân hàng chịu áp lực nặng nề, năm 2012 có phải là năm đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Đúng như vậy, nắm tới sẽ là một năm rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ là do tình hình kinh tế thế giới còn đang đầy bất trắc, mà bản thân những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam tích tụ lại trong vài chục năm qua đã bộc lộ hết ra, như là những vấn đề mà anh vừa nhắc tới : lạm phát tăng vọt, thâm thủng cán cân mậu dịch lớn, thâm hụt ngân sách luôn ở mức caơ và xét cho cùng là hiệu quả toàn bộ kinh tế không được tốt. Trong hoàn cảnh như thế, năm tới là một năm đầy thách thức.
Trong số những vấn đề cấp bách nhất hiện nay, như các nhà tài trợ tháng 12 vừa qua có khuyến cáo, Việt Nam cần phải chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, để tránh bị đỗ vỡ, gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế ?
Hệ thống ngân hàng chỉ là một chuyện trong nhiều chuyện lớn mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt và có lẽ cái lớn nhất và khó nhất là bản thân đường hướng hay chính sách đã được thực hiện trong một thời gian tương đối dài.
Trước kia, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc được trong vòng 10, 15 năm là do đã trả lại quyền tự do kinh doanh cho các tác nhân kinh tế, đó là hộ gia đình và doanh nghiệp. Đó là một sự giải phóng rất là lớn, nhưng thật ra chẳng có gì là khó cả. Về cơ bản thì không phải làm gì nhiều, mà chỉ trả lại cho người ta cái quyền đó. Cái động lực ấy gần như là hết rồi. Bây giờ phải chuyển sang một cách làm ăn bài bản hơn, căn cơ hơn, chứ không phải là như trước nữa. Cái đó mới là cái khó. Vấn đè của hệ thống ngân hàng chỉ là hệ quả của chính sách kinh tế mà thôi.
RFI : Theo ông, làm sao có thể dung hòa nhu cầu đạt mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhưng vẫn kềm chế được lạm phát ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Có lẽ điều mấu chốt hơn là phải thay đổi tư duy phát triển, tư duy kinh tế ở Việt Nam. Lạm phát với cái mức mà đầu năm đề ra kế hoạch là chỉ 7% thôi, nhưng sau đó lại điều chỉnh lên 12%, rồi 15, 17%,. Nhưng ngay cả chỉ tiêu được điều chỉnh ba lần như vậy cũng vẫn không đạt được và cuối cùng lạm phát lên tới 18,58%, cao nhất khu vực và thuộc loại cao nhất trên thế giới.
Cái đó là hiện tượng, nhưng còn nguyên nhân sâu xa của nó là vấn đề về tư duy phát triển và tư duy về kinh tế. Chừng nào mà tư duy phát triển và tư duy kinh tế ấy không được thay đổi một cách triệt để thì vấn đề lạm phát chỉ có thể được giải quyết chút ít mà thôi.
RFI : Tức là theo ông, khủng hoảng kinh tế Việt Nam hiện nay là khủng hoảng về cơ cấu, và như ông vừa nói là vấn đề về tư duy phát triển, tư duy kinh tế. Vậy thì, tư duy đó còn những gì chưa ổn ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Cái không ổn nhất là ở chổ người ta chưa hiểu được thấu đáo về chuyện phân công xã hội và về vai trò của các lực lượng chính trị. Nhà nước phải làm gì, ngườ dân phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì. Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp và lại càng không thể làm thay cho người dân. Cách làm hiện nay vẫn còn dư âm của thời xa xưa : những người có chức có quyền vẫn nghĩ rằng tự mình phải vẽ ra thế này, thế kia và chỉ bảo cho những đối tượng khác phải làm cái gì. Trong khi đó, họ không hiểu kỹ nhiệm vụ của họ, với tư cách những người hoạch định chính sách hay cơ quan Nhà nước, chỉ được làm những gì và không được làm những gì. Tôi nghĩ hết đó là vấn đề hết sức mấu chốt.
Chừng nào chưa hiểu được điều đó thì người ta sẽ vẫn tiếp tục đặt kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, mà công cụ để điều tiết chính sách cho Nhà nước, phải thực hiện các chức năng xã hội, thậm chí thực hiện những nghĩa vụ chính trị. Những vấn đề cơ bản như thế trong đầu con người mới là cái cần phải thay đổi và quan trọng.
RFI : Tức là theo ông thì những chính sách được đề ra cho đến nay chẳng hạn như Nghị quyết 11 để đối phó với lạm phát chỉ có tính chất nhất thời, chứ chưa mang lại những thay đổi căn bản về cách phát triển kinh tế của Việt Nam ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Đúng như vậy. Những chính sách như thế không phải là dỡ, những chính sách như thế là tốt, để đối phó với những hiện tượng, những khó khắn đang xảy ra. Nhưng nếu có đối phó được một ít, thì rồi những hiện tượng đó cũng sẽ tái diễn mà không có cách gì cứu chữa được. Kiểu như chữa bệnh, nhưng chữa không tận gốc.
RFI : Tức là theo như một số chuyên gia vẫn khuyến cáo, đó là đã đến lúc Việt Nam phải tiến hành « đổi mới tập 2 » để đưa nền kinh tế thật sự theo hướng thị trường, chứ không mang tính nữa vời như hiện nay, còn mang nhiều dấu ấn của thời kỳ kinh tế chỉ huy ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Đúng như vậy. Đó là một cách trình bày. Tôi không nói rằng khu vực kinh tế Nhà nước là không quan trọng, mà nói rằng, phải nhìn rõ là nó làm được cái gì và chỉ nên làm cái gì. Các cơ quan Nhà nước chỉ làm cái gì. Còn như bây giờ, có lúc cần can thiệp thì lại không can thiệp, có lúc cái đáng can thiệp thì lại không can thiệp. Những vấn đề về tư tưởng, về tư duy phát triển mới là cái chính.
RFI : Như vậy suy cho cùng, vấn đề vẫn là nằm ở chổ cái « định hướng XHCN ». Theo ông, chính cái định hướng đó cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế Việt Nam ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Chắc chắc là như vậy. Nhưng vấn đề không phải hoàn như vậy. Định hướng XHCN là như thế nào, phải nói thật rõ ràng ra. Nếu nói định hướng XHCN là làm cho dân Việt Nam giàu lên, nước Việt Nam mạnh lên, xã hội dân chủ công bằng văn minh và tất cả những gì ngược lại với cái đó là phản XHCN. Tôi nghĩ về mặt từ ngữ như thế thì cũng chả sao cả.
Nhưng nếu hiểu định hướng XHCN là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiểm soát hết tất cả, thì đấy là tư duy hoàn toàn là của một thời xa xưa và thật sự nó đã mất hết tác dụng.
RFI : Theo ông, có phải là các nhà lãnh đạo Việt Nam không nhìn thấy những vấn đề đó, hay là vì họ muốn duy trì một mô hình kinh tế mang dấu ấn của thời bao cấp để có thể duy trì quyền lợi của những nhóm lợi ích ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là cách lý giải như anh vừa nói có thể gần với thực tiễn hơn, bởi vì hiện nay, sự gắn kết giữa các lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị đan xen vào nhau hết sức là mạnh. Tôi hơi e ngại là nếu Việt Nam không khéo thì có thể thành một nước giống như Nga hay Philippines, khi mà các nhóm tài phiệt có thể lũng đoạn mọi thứ. Lúc đó, con đường phát triển của Việt Nam sẽ rất khó mà vươn lên được.
RFI : Trước mắt trong năm 2012 này, theo ông chính phủ nên có những biên pháp gì trước mắt để phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhìn ra vấn đề đó, nên đã đặt ra vấn đề là tái cấu trúc nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công, vì đầu tư công cho đến nay là rất kém hiệu quả. Nếu đầu tư công được làm cho có hiệu quả hơn, thì sự phát triển sẽ khá hơn nhiều. Thứ hai là doanh nghiệp Nhà nước, mà chủ yếu là các tập đoàn. Những chuyện đổ vỡ như Vinashin thì khỏi phải bàn đến nữa, nhưng những chuyện lỗ lã như Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay các công ty Nhà nước kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua và còn bìết bao những tập đoàn như thế nữa. Họ đã thấy là cần phải chấn chỉnh lại, tái cơ cấu những doanh nghiệp này. Thứ ba là phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, như anh đề cập lúc đầu.
Nếu thật sự có quyết tâm chính trị thật cao thì việc tái cơ cấu trên nguyên tắc không phải là khó, nhưng nó sẽ vô cùng khó vì các nhóm lợi ích sẽ cản trở việc tái cơ cấu này. Bởi vì theo cái cách tái cơ cấu mà người ta dự định làm thì sẽ phải minh bạch hóa, sẽ phải đụng đến nhiều lợi ích hiện thời của các nhóm ấy. Mà khi đụng đến những cái đó, thì các nhóm lợi ích sẽ tìm cách cản trở. Cho nên, cái khó nhất là làm sao cho ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đó không ngăn sự phát triển tiếp theo của Việt Nam. Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhận ra điều đó, khi mà tổng bí thư Đảng đã đề cập vấn đề các nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ. Nhận ra vấn đề là rất quan trọng, nhưng còn thực hiện như thế nào, thì bây giờ mới đến lúc khó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét