Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

(bài của GS Paul Krugman đăng trên New York Times ngày 27/3/2009)


SỰ THẦN BÍ CỦA THỊ TRƯỜNG
http://www.nytimes.com/2009/03/27/op...gman.html?_r=1

Hôm thứ Hai, ông Lawrence Summers, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, trả lời các chỉ trích về kế hoạch của chính quyền Obama nhằm tài trợ cho tư nhân để họ mua lại các tài sản khó tiêu thụ, "Tôi không biết bất cứ kinh tế gia nào," ông tuyên bố, "lại không tin rằng các thị trường vốn liếng hoạt động tốt hơn, trong đó tài sản có thể được trao đổi mậu dịch, là một ý kiến hay".

Để qua một bên trong khoảnh khắc câu hỏi đúng hay sai, về một thị trường trong đó số người mua phải được hối lộ để họ tham gia có thể thật sự được mô tả như "hoạt động tốt hơn". Ngay cả nếu đó là đúng, ông Summers cần ra ngoài nhiều hơn. Nhiều kinh tế gia đã tái xác định ý kiến trước đây từng hữu hảo của họ về các thị trường vốn liếng và buôn bán tài sản, dưới sự soi sáng của cuộc khủng hoảng hiện tại.

Nhưng điều ngày càng rõ ràng sau vài ngày vừa qua là các viên chức cao cấp nhất trong chính quyền Obama vẫn còn bị siết chặt bởi sự thần bí của thị trường. Họ vẫn còn tin tưởng vào sự kỳ ảo của thị thành tài chánh và vào sự tinh thông của các nhà phù thủy thực hiện các ma thuật này.

Trong quá khứ, sự thần bi của thị trường không luôn luôn chỉ huy các chính sách tài chánh. Hoa kỳ vượt qua cuộc Đại Khủng hoảng với một hệ thống ngân hàng được điều hành chặt chẽ, điều đó làm tài chánh là một ngành kinh doanh ù lì, thậm chí tẻ nhạt. Các ngân hàng thu hút người gởi tiền bằng cách cung cấp các địa điểm chi nhánh thuận tiện và có khi một hai cái bánh nướng miễn phí; họ cho vay trên số tiền thu hút được, và chỉ đơn giản như vậy.

Và hệ thống tài chánh không chỉ buồn chán, mà còn, theo tiêu chuẩn hiện nay, nhỏ. Ngay cả trong thời kỳ "các năm sôi động", thị trường mạnh như bò mộng của thập niên 1960, tài chánh và bảo hiểm cộng lại vẫn ít hơn 4% Tổng Sản lượng Nội địa. Sự bất trọng yếu tương đối của ngành tài chánh còn được phản ảnh trong danh sách các cổ phiếu tạo thành Dow Jones Industrial Average, trong đó cho đến năm 1982 không bao gồm đến một công ty tài chánh.

Điều đó nghe quá cổ lỗ sĩ so với các tiêu chuẩn hiện nay. Tuy vậy chính cái hệ thống tài chánh chán chường, thô xưa đó đã phục vụ cho một nền kinh tế làm tăng trưởng gấp đôi các tiêu chuẩn sinh sống trong vòng một thế hệ.

Sau năm 1980, đương nhiên, một hệ thống tài chánh rất khác biệt trồi lên. Trong thời đại giải tỏa điều hành của Tổng thống Reagan, hệ thống ngân hàng theo thể thức xưa cũ được ngày càng thay đổi, thêm vào các phương cách giải quyết nhanh nhạy trên một tầm vĩ đại hơn. Hệ thống mới vĩ đại hơn nhiều so với thể chế trước đó. Ngay trước cuộc khủng hoảng hiện nay, tài chánh và bảo hiểm chiếm 8% Tổng Sản lượng Nội địa, hơn gấp đôi so với thị phần của hai ngành này trong thập niên 1960. Trước đầu năm vừa qua, chỉ số Dow bao gồm năm công ty tài chánh - trong đó có các công ty khổng lồ như AIG, Citigroup, và Bank of America.

Và tài chánh không còn chán chường nữa. Ngành này thu hút nhiều bộ óc thông minh đỉnh đạc nhất của chúng ta và làm một số chọn lọc nào đó trở nên giàu có vô cùng.

Nằm dưới kết cấu một tân thế giới hùng vĩ của ngành tài chánh là một quy trình chứng khoán hóa. Các món nợ không còn chỉ trong vòng tay người cho mượn. Thay vào đó, các món nợ được bán cho người khác, người này xẻ nhỏ, dồn cục, nhào nặn các món nợ riêng lẻ để tạo thành các tài sản mới. Nợ bất động sản thiểu tín dụng, nợ thẻ tín dụng, nợ xe hơi - tất cả bị bỏ vào cái cối xay nhuyễn của hệ thống tài chánh. Đầu ra phía bên kia, theo dự định, là các mối đầu tư tối hảo AAA. Và các phù thủy tài chánh được phong thưởng sung túc cho việc họ giám sát quá trình này.

Nhưng các nhà phù thủy đều gian dối, cho dù họ có hiểu biết hay không, và ma thuật của họ hóa ra chẳng có gì hơn là một bộ sưu tập các thủ thuật rẻ tiền trên sàn diễn. Hơn hết, điều hứa hẹn chính của chứng khoán hóa - rằng việc này sẽ làm hệ thống tài chánh trở nên hùng mạnh hơn nhờ vào việc trải rộng hơn các hiểm nguy - hóa ra là một điêu dối trá. Các ngân hàng sử dụng chứng khoán hóa để tăng nguy cơ, chứ không giảm đi, và trong quá trình đó họ làm nền kinh tế dễ, chứ không khó, bị tổn thương hơn do gãy vỡ tài chánh.

Sớm muộn gì thì tất cả mọi việc chắc chắn trở nên tồi tệ, và cuối cùng đã xảy ra. Bear Stearns thảm bại, Lehman thảm bại, nhưng hơn hết là, chứng khoán hóa cũng thảm bại.

Các điều này đem chúng ta trở lại phương pháp tiếp cận cuộc khủng hoảng tài chánh của chính quyền Obama.

Phần lớn cuộc bàn thảo về kế hoạch [giải tỏa] tài sản khó tiêu thụ chỉ tập trung vào chi tiết và các con tính đại số, và rất nên như vậy. Ngoài ra, tuy nhiên, điều nổi bật là tầm nhìn được biểu hiện cả trong nội dung kế hoạch tài chánh và trong các lời phát biểu của viên chức chính phủ. Thực chất, chính phủ dường như tin rằng một khi các nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, thì việc chứng khoán hóa - và ngành kinh doanh tài chánh - sẽ tái lập vào ngay chỗ đã rời khỏi vào một hai năm trước đây.

Công bằng mà nói thì các viên chức đang kêu gọi có thêm điều hành. Thật vậy, hôm thứ Năm, ông Tim Geithner, Bộ trưởng Ngân khố, đưa ra nhiều kế hoạch tăng cường điều hành mà nếu đưa ra không lâu trước đây đã bị cho là cực đoan, quá đáng.

Nhưng tầm nhìn căn bản vẫn còn nguyên, đó là một nền tài chánh dù ít dù nhiều vẫn giống như cách đây hai năm, cho dù bị chế ngự bởi các luật lệ mới.

Như các bạn có thể suy đoán, tôi không chia sẻ tầm nhìn đó. Tôi không nghĩ rằng đây chỉ là một hoảng loạn tài chánh, tôi tin rằng cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay đại diện cho sự thất bại của toàn bộ mô hình ngân hàng, của một ngành tài chánh tăng trưởng quá đáng đã gây thiệt hại nhiều hơn các điều lợi. Tôi không tin chính quyền Obama có thể hồi sinh chứng khoán hóa, và tôi không tin chinh quyền này nên cố gắng làm như vậy. 

Một vài lời bình 

 
: tôi nghĩ ông Krugman đã đúng khi cho rằng thị trường tài chánh Hoa kỳ và nói chung toàn thế giới có vấn đề nghiêm trọng về cơ bản, và chừng nào điều này không được giải quyết tận gốc rễ thì ngày đó, cho dù nền KT thế giới được phục hồi, vẫn có thể xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu lần sau.

Vấn đề nghiêm trọng, ai cũng biết KHÔNG phải ở chỗ các món nợ khó đòi, nhưng là PHƯƠNG CÁCH các tổ chức tài chánh quốc tế nhào nặn, xé lẻ, trộn lẫn, v.v... các món nợ này và bán đi cho các người, tổ chức, quỹ đầu tư, ngân hàng, khác.

Thí dụ Tập đoàn A có 100 căn nhà hiện đang bị trả trễ và phải bị thu hồi bán ra bị lỗ rất nhiều, thí dụ mỗi căn 100 ngàn thì sẽ bị lỗ 10 triệu USD. Họ bèn tạo ra 10 securities trong đó đa số là các tài sản tốt, nhưng kèm vào mỗi securities có 10 căn nhà trên đây. Khi mua, các chủ nhân securities không thể tìm hiểu và biết các căn nhà này hiện đang là các món nợ khó đòi, nhưng không sao, họ vẫn có thể xào nắn và bán lại các món nợ khó tiêu nào cho các công ty khác.

Do đó, Tập đoàn A không ngại cho mượn nợ thẻ tín dụng, nhà, xe hơi, càng nhiều càng tốt, vì sẽ bán lại ngay cho các nhà đầu tư nước ngoài như từ Nhật, Trung quốc, các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa giàu có như Brunei, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, v.v...

-----------------------------------------------

Rất xui là vì kinh tế thế giới thất bại do giá dầu hỏa tăng cao, một phần do chiến tranh Iraq, phần khác do các nhà đầu tư mua bán khống (futures) các loại dầu hỏa luôn thúc đẩy giá lên cao. Ngoài ra còn nạn lạm phát đầu năm ngoái làm mọi người trên thế giới nghèo đi, vì giảm sức mua cho cùng số tiền có được. Do đó số nợ khó đòi ngày càng nhiều.

Đùng một cái, Tập đoàn A trên đây "ôm" không phải 100 mà là 1.000.000 căn nhà khó đòi nợ, không phải vì người mua không có tiền trả nhưng họ chẳng dại gì trả, vì giá nhà trên thị trường xuống có nơi 50%, do đó chẳng dại gì trả 1 triệu USD cho căn nhà nay chỉ đáng giá 500 ngàn USD. Họ thà bỏ nhà, ra thuê nhà khác. Tập đoàn A thu hàng trăm ngàn căn nhà không thể bán, và xào nặn bán housing securities cũng không ai mua. Thế là Tập đoàn A sập tiệm.

Cách giải quyết không đơn giản. Không thể dẹp "secondary debt market", không thể cấm không cho mua bán tài sản, vốn liếng, nợ nần, vì như vậy không lẽ ngân hàng cho mượn tiền khi có khó khăn không thể bán số nợ này mà phải chạy vay mượn chỗ khác? Nhưng nếu bán, không lẽ bán từng cái mà không thể gom lại bán hết 1 lần 100, 1000 căn nhà?

Và người mua 100, 1000 căn không lẽ chỉ có thể bán hết tất cả, mà không thể chỉ được bán vài căn, vài chục căn?

Đây là các bài toán kinh tế vô cùng phức tạp. Chính GS Krugman chỉ có thể chỉ trích CP Obama, nhưng cũng không thể đua ra phương cách giải quyết.

------------------------------------

Tôi nghĩ trong 6 tháng, 1 năm tới sẽ có cải cách sâu rộng nền tài chánh quốc tế. Khó đoán các cải cách này sẽ làm mọi việc tốt hơn, hoặc tệ hơn, và ai sẽ có lợi?

Thời gian sẽ trả lời cho tất cả...

---------------------------------



0 nhận xét:

Đăng nhận xét