Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

(bài của GS Krugman đăng trên New York Times ngày 10/4/2009)


HÃY LÀM NGÂN HÀNG TẺ NHẠT
( http://www.nytimes.com/2009/04/10/op...gman.html?_r=1 )

Hơn ba mươi năm trước đây khi tôi còn là sinh viên cao đẳng môn kinh tế, chỉ những ai kém tham vọng nhất trong số các bạn đồng học mới theo đuổi nghề nghiệp trong ngành tài chánh. Ngay cả vào lúc đó, các ngân hàng đầu tư trả tiền lương cao hơn các công việc giảng dạy hoặc lương công chức - nhưng không cao hơn bao nhiêu và dù sao đi nữa mọi người biết rằng ngành ngân hàng quá xá tẻ nhạt.

Trong các năm sau đó, đương nhiên, ngành ngân hàng trở nên hết chán chường. Mua bán tấp nập, mau lẹ như gió, và tiền lương trong ngành tài chánh nhảy vọt, thu hút những bộ óc trẻ tuổi, tốt, và thông minh nhất quốc gia (OK, tôi không mấy gì chắc về phần "tốt" trên đây). Và chúng ta được bảo đảm rằng ngành tài chánh to đùng của chúng ta là chìa khóa cho sự thịnh vượng.

Thay vào đó, tuy nhiên, ngành tài chánh hóa thân thành con quái vật nuốt chửng kinh tế thế giới.

Gần đây, kinh tế gia Thomas Philippon và Ariell Reshef cho lưu hành một bài nghiên cứu đã có thể có tựa đề "Sự Tăng trưởng và Sụp đổ của Ngành Ngân hàng Tẻ nhạt" (tựa đề thật ra là "Lương bổng và Nguồn vốn Nhân lực trong Ngành Tài chánh Hoa kỳ, 1909-2006"). Họ chỉ ra rằng ngành ngân hàng tại Hoa kỳ đã trải qua ba thời kỳ trong thế kỷ qua.

Trước 1930, ngân hàng là một ngành có nhiều nhân vật nổi bật, họ tạo dựng nên các đế chế tài chánh khổng lồ (một số trong đó sau này hóa ra có căn bản lừa lọc). Ngành tài chánh bay bổng này quản trị một thời kỳ tăng nhanh nợ nần: nợ trong các hộ gia đình tăng gần gấp đôi, theo tỉ lệ GDP, trong thời gian từ Thế chiến I đến 1929.

Trong thời kỳ đầu tiên của ngành tài chánh cao kỳ này, tính trung bình các nhà tài phiệt ngân hàng được trả cao hơn các nhà tài phiệt trong các ngành kỹ nghệ khác. Nhưng ngành tài chánh mất đi sự quyến rũ khi hệ thống ngân hàng sụp đổ trong thời kỳ Đại Khủng hoảng.

Ngành ngân hàng trồi lên từ cuộc sụp đổ đó bị điều hành chặc chẽ, bớt đi vẻ thu hút màu mè như thời kỳ trước cuộc Đại Khủng hoảng, và sinh lợi ít đi cho những người trong ngành này. Ngành ngân hàng trở nên chán ngấy một phần bởi vì các nhà tài phiệt ngân hàng quá bảo thủ trong việc cho mượn tiền. Nợ các hộ gia đình, đã sụt giảm nghiêm trọng theo tỉ lệ GDP từ cuộc Đại Khủng hoảng cho đến Thế chiến II, tiếp tục thấp đi so với thời kỳ trước thập niên 1930.

Lạ lùng thật, thời kỳ ngành ngân hàng bị chán ngấy này lại cũng là thời kỳ kinh tế phát triển cực thịnh cho đa số dân Hoa kỳ.

Sau 1980, tuy vậy, trong khi các ngọn gió chính trị đổi chiều, nhiều quy định điều phối ngành ngân hàng được rút bỏ - và thế là ngành ngân hàng lại trở nên sôi động. Nợ nần bắt đầu tăng nhanh, cuối cùng đạt mức tương đương theo tỉ lệ GDP với thời kỳ 1929. Và thế là ngành tài chánh bùng nổ về quy mô. Trước giữa thập niên này, đầu tư tài chánh chiếm một phần ba lợi nhuận trong các công ty, tập đoàn.

Trong khi các sự thay đổi này xảy ra, ngành tài chánh lại một lần nữa trở nên một nghề nghiệp lương cao bổng hậu - càng cao cực độ cho những ai xây dựng các đế chế tài chánh mới mẻ. Thật vậy, thu nhập cao vọt trong ngành tài chánh đã đóng một vai trò rộng lớn trong việc tạo dựng Thời đại Phồn vinh lần hai cho Hoa kỳ.

Khỏi cần nói, các siêu sao mới nổi đều tin rằng họ xứng đáng với sự giàu có của họ, "Tôi nghĩ rằng kết quả công ty tôi đạt được, từ đó mà ra đa số tài sản giàu có của tôi, đã biện minh cho những gì tôi có được", ông Sanford Weill nói năm 2007, một năm sau khi ông nghĩ hưu không còn làm tại Citigroup. Và nhiều kinh tế gia đồng ý.

Chỉ vài người cảnh báo rằng hệ thống tài chánh quá nóng hổi này có thể có kết thúc tệ hại. Có lẽ người làm tiên tri Cassandra* nổi tiếng nhất là ông Raghuram Rajan từ Đại học Chicago, cũng là nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từng tranh luận tại một cuộc hội thảo hồi năm 2005 rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành tài chánh đã làm tăng cường nguy cơ xảy ra một "thảm họa tan rã toàn diện". Nhưng những người tham gia cuội hội thảo đó, kể cả ông Lawrence Summers, hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, chế giễu các sự lo ngại của ông Rajan.

Và sự tan rã đã thành sự thật.

Đa số các sự thành công bề ngoài của ngành ngân hàng hiện giờ đã bị vạch trần, hóa ra đó chỉ là những ảo tưởng. (Cổ phiếu Citigroup đã mất giá trên 90% kể từ khi ông Weill ca tụng bản thân). Tệ hại hon nữa, sự sụp đổ của các lá bài tài chánh đã phá hủy phần còn lại của nền kinh tế, với mậu dịch thế giới và sản lượng công nghiệp rơi rụng còn mau hơn thời kỳ Đại Khủng hoảng. Và thảm họa đã dẫn đến các lời kêu gọi phải có thêm nhiều luật lệ điều hành ngành tài chánh.

Nhưng tôi có cảm giác rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang chú tâm hơn vào việc sắp xếp lại các vị trí trong biểu đồ tổ chức quản trị ngân hàng. Họ không sẵn sàng chút nào để thực hiện điều cần được thực hiện - đó là làm hệ thống ngân hàng trở nên tẻ nhạt trở lại.

Một phần của vấn đề khó giải quyết là vì làm hệ thống ngân hàng bị tẻ nhạt đồng nghĩa với việc làm cho các nhà tài phiệt ngân hàng trở nên nghèo đi, và ngành tài chính vẫn còn nhiều bạn hữu trong các chức vị cao cấp. Nhưng đây cũng là một vấn đề tư tưởng: mặc kệ tất cả những gì đã xảy ra, phần đông những người trong địa vị có quyền hành vẫn còn cho rằng ngành tài chánh cầu kỳ có liên hệ đến tăng trưởng kinh tế.

Họ có thể nào được thuyết phục cách khác đi hay không? Chúng ta có sẽ tìm được đủ ý chí theo đuổi một cuộc cải cách nghiêm túc ngành tài chánh? Nếu không, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không chỉ xảy ra một lần, mà sẽ tạo hình cho các việc [tương tự] xảy ra sau này.

------------------------------------------

* Theo truyền thuyết Hy lạp, là con gái đẹp nhất của Priam và Hecuba, vua và hoàng hậu thành Troy. Cô được thần Apollo ban cho khả năng tiên tri vì thần nay muốn theo đuổi cô. Cô nhận món quà tặng nhưng không chấp thuận việc trai gái, thần Apollo giận dữ rút lại quyền thuyết phục trong khả năng tiên tri, cô chỉ có thể nói đúng nhưng sẽ không có ai nghe.

Cuối trận đại chiến thành Troy, Cassandra thấy trước việc nguy hiểm của các con ngựa gỗ khổng lồ bề ngoài trông rất đẹp do quân Hy lạp tặng (sự tích các con ngựa thành Troy), dân thành Troy không nghe lời cô, cho các con ngựa đó vào, và quân Hy lạp trốn trong con các con ngựa đó nhảy ra mở cửa cho quân họ tràn vào chiếm thành. Trong cuộc hổn loạn, cô bị Locrian Ajax hãm hiếp và tặng vua Agamemnon làm chiến lợi phẩm.

Cô trở về Hy lạp với vua Agamemnon và cảnh báo về việc vợ vua, bà Clytemnestra, đã thông đồng với gian phu Aegisthus hại nhà vua. Lời cảnh báo không được nghe theo và quả thật vua Agamemnon bị hoàng hậu Clytemnestra và gian phu Aegisthus giết chết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét