Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

TƯ DUY GIÁO DỤC PHỔ THÔNG


BS Hồ Hải

Đầu tháng 7/2010 thủ tướng chính phủ đã ký quyết định ban hành đề án phát triển hệ thống trường phổ thông trung học chuyên giai đoạn 2010-2020. Đây là một đề án tiêu tốn khoảng 2300 tỷ đồng để nâng chất lượng đào tạo phổ thông ngang tầm với thế giới, đặc biệt hệ thống các trường PTTH chuyên trong cả nước. Qua đó, dề án chia làm 2 giai đoạn:

Theo đề án làm sao đến 2015, 50% học sinh THPT chuyên đạt học lực giỏi, 70% đạt giỏi về khả năng tin học và 30% đạt khả năng bậc 3 về trình độ ngoại ngữ theo tiêu chí các hiệp hội khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Đến năm 2020, các con số này là 70%, 90% và 50%. Những con số và phương án đề ra là không có gì không thể thực hiện được, nếu mọi quyết tâm là chính đáng từ xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân các học sinh trường chuyên. Nhưng vấn đề đặt ra cho giáo dục phổ thông Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua không phải là những con số muốn đạt được mà là tư duy giáo dục phổ thông như thế nào và tư duy ấy sẽ đưa các thế hệ đi về đâu? Hệ quả của tư duy giáo dục sẽ có tác động gì đến đất nước và con người Việt Nam trong tương lai? Đó là tất cả những vấn đề lớn mà bất kỳ ai cũng trăn trở. Tôi thử nhìn xuyên suốt 3 vấn đề lớn này xem sao?

Tư duy giáo dục phổ thông hiện đại là tư duy giáo dục phi chính trị. Giáo dục phổ thông là nơi cung cấp cho thế hệ trẻ một kiến thức tổng quát, một tư duy độc lập và những kỹ năng sống phù hợp với thời đại. Tư duy giáo dục phổ thông không cần phải nhồi nhét một cách quá nhiều, quá nặng về kiến thức, trong khi kiến thức ấy không làm trẻ tự tư duy sáng tạo, mà chỉ là những vật thể sống chỉ biết sao chép.

Tại sao tư duy giáo dục phổ thông phải là phi chính trị? Bất kỳ một công dân của một đất nước nào trên thế giới, đều được sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa đặc thù, thông qua lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc ấy. Sự thấm đẫm tình yêu quê hương, dân tộc lớn dần theo năm tháng một cách tự nhiên, mà không cần bất cứ giáo điều nào áp đặt. Mọi sự áp đặt đều đưa đến những thế hệ không sáng tạo vì mất tư duy độc lập. Giáo dục phổ thông luôn là giáo dục làm nhiệm vụ cung cấp cho thế hệ trẻ một kiến thức tổng quát về khoa học tự nhiên và xã hội, tự nó sẽ cho trẻ một tầm nhìn, một nhân sinh quan và thế giới quan về đất nước và dân tộc một cách tự nhiên, nhưng thấm đẫm tình yêu tổ quốc và dân tộc. Từ kiến thức tổng quát, nhân sinh quan và thế giới quan ấy, mỗi cá nhân sẽ tự quyết định con đường đi có tính sáng tạo và tự nhiên cho mình trên mọi lĩnh vực.

Tư duy độc lập: Phát minh và sáng tạo phục vụ nhu cầu bản năng là thuộc tính của loài người. Lịch sử loài người đã chứng minh điều này, khi con người thượng cổ với săn bắt, ăn lông ở lỗ cho đến hôm nay có thể bay trên bầu trời như chim, hay lặn xuống biển sâu như cá và bao nhiêu điều đáng ngạc nhiên khác qua thế giới phẳng toàn cầu hóa. Để phát triển tính sáng tạo và hiệu quả của sự sáng tạo không gì khác hơn phải đặt mục tiêu giáo dục phổ thông phải tạo được những thế hệ trẻ mang trong trí tuệ một tư duy độc lập.
Mỗi thời đại cần một thế hệ có kiến thức và bản lĩnh khác nhau. Thời đại mà ông cha ta vì cuộc thống nhất đất nước, các thế hệ trẻ cần một tư duy thâu tóm về một mối dành cho công cuộc thống nhất đất nước. Thời đại đất nước hòa bình thì khác, sáng tạo để đi lên chiếm lĩnh vị trí đầu hay dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi và làm kẻ về sau. Đó là vấn đề lớn mà các nước tiên tiến luôn đặt ra cho giáo dục của họ. Chỉ có tư duy độc lập mới có ý kiến khác biệt và mới lạ, từ đó đưa ra những ý tưởng phản biện và thúc đẩy qui luật mâu thuẫn và thống nhất các mặt đối lập để thúc đẩy xã hội tiến lên. 

Mỗi cấp lớp trẻ có một nấc tư duy khác nhau, trẻ tiểu học có tư duy chân thật, một bước, chỉ biết ghi nhận. Trẻ trung học đệ nhất cấp (cấp 2) có tư duy hai bước, hay còn gọi là tư duy suy diễn. Sau khi ghi nhận trẻ bắt đầu suy luận đúng sai. Trẻ bắt đầu nhận biết đúng sai. Lên đến trung học đệ nhị cấp (cấp 3) trẻ sau khi suy luận đúng sai một sự vật hiện tượng, trẻ chuyển sang tư duy tới hạn, hay còn gọi là tư duy phản biện. Lúc đó trẻ bắt đầu đưa ra chính kiến để phản biện và hướng giải quyết một vấn đề. Nếu giáo dục phổ thông không trao cho trẻ một tư duy độc lập mà là áp đặt theo ý chí của người lớn, chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ thui chột tư duy suy luận và tư duy phản biện để làm nên sáng tạo. Lúc đó, khủng hoảng về con người, không chỉ khủng hoảng về xã hội không có những công dân ưu tú mà còn thiếu văn những lãnh đạo cho dân tộc.

Giáo dục phổ thông cần cung cấp những kỹ năng sống: Trẻ ra đời chưa tiếp cận cuộc sống sinh động thông qua thiên nhiên và cuộc sống. Chúng cần giáo dục đầu đời thông qua các bậc học phổ thông cung cấp cho chúng các kỹ năng sống để sau này chúng có khả năng hội nhập vào đời. Muốn thế chương trình giáo dục phổ thông là chương trình cung cấp cho trẻ một kiến thức tổng quát, toàn diện, nhẹ nhàng theo từng lứa tuổi, để trẻ vừa học, vừa chơi và phát triển các bước tư duy độc lập như đã nói ở 2 phần trên. Giáo dục phổ thông là cung cấp kiến thức vào đời. Là làm sao cho thế hệ trẻ biết làm việc tập thể, biết đồng thuận và biết nhìn bản chất của vấn đề một cách độc lập. Hay nói một cách cụ thể là giáo dục phổ thông là tạo ra những thế hệ có chỉ số đồng thuận (còn gọi là chỉ số cảm xúc cao: EQ: Emotional Quotient), và chắc lọc ra những trẻ có chỉ số thông minh cao (Intelligence Quotient) để đưa vào những trường dành cho thần đồng. Nên giáo dục phổ thông không cần chuyên sâu, việc chuyên sâu dành cho trường dạy nghề, và trường đại học. Chúng ta đã sai lầm khi đã cố gắng tạo ra những trường chuyên để áp đặt và vắt kiệt tư duy trẻ ngay từ lúc chúng cần phát triển tư duy phản biện và sáng tạo. Với cách chúng ta tạo ra những trường chuyên và những con số chỉ tiêu lâu nay, nó đã dẫn đến có thể chúng ta có những trẻ phát triển lệch lạc về sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội ở những cá nhân mà ta cho là xuất sắc.

Ở các nước tiên tiến có 3 loại chương trình phổ thông trong một trường học cho trẻ: nhưng chung nhất là  chương trình thông thường (regular program) cung cấp kiến thức tổng quát, phi chính trị, tư duy độc lập và kỹ năng sống bằng những hoạt động có tính cộng đồng. Từ đó chọn lựa ra những nhân tố khác biệt sẽ đưa đến những chương trình phổ thông thuộc loại đào tạo ra những lãnh đạo hay loại đào tạo ra những khoa học gia xuất chúng. Chương trình thứ hai là loại nhận những trẻ có thiên hướng xuất sắc về xã hội học, có chỉ số đồng thuận cao, sẽ được đưa đến những trường đào tạo ra những lãnh đạo tương lai, chương trình đào tạo này là chương trình thiên về xã hội học còn gọi là chương trình IB(Internationa Baccalaureate: tú tài quốc tế). Chương trình thứ ba là loại có thiên bẩm về khoa học tự nhiên có chỉ số IQ cao thì được đưa vào những trường đào tạo thần đồng để sau này trở thành khoa học gia xuất chúng. Chương trình này họ đào tạo chương trình AP(Advanced Placement), ở chương trình này trẻ được đào tạo chương trình khoa học tự nhiên của đại học ngay từ khi còn lúc ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Họ không đào tạo đại trà nhưng chúng ta.

Tóm lại: Với số lượng trường chuyên hiện nay ở nước ta là quá nhiều. Không phải chất lượng học sinh của tất cả các trường chuyên phổ thông hiện nay là đồng đều cho tất cả các học sinh theo học. Điều này chứng tỏ chúng ta đã lập một kế hoạch chưa đúng hướng cho giáo dục phổ thông. Nếu chúng ta thực hiện đề án trường chuyên với hơn 2300 tỷ để thực hiện những mục tiêu nói trên thì vô tình chúng ta đã làm sai lệch tư duy giáo dục phổ thông chuyên. Những trường mà ở nơi đó dạy nghề không ra dạy nghề, cung cấp tư duy giáo dục phổ thông không đúng với chức năng của nó. Hậu quả của việc này sẽ rất nghiêm trọng khi chúng ta sẽ có những thế hệ bị thui chột tư duy độc lập, thiếu khả năng phản biện và khủng hoảng con người cho tương lai đất nước là không tránh khỏi.

Chúng ta cần nhìn lại hệ thống tổ chức và gạn lọc nhân tài tương lai cho đất nước thông qua thiết kế giáo dục vĩ mô đã và đang đi những bước đi sai lầm, thiếu tự nhiên và có tính áp đặt giáo điều trong điều hành vĩ mô giáo dục.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét