Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

5 tiên đoán của Alan Phan về kinh tế Việt Nam



March 8, 2012

Nếu các vị quan và các chuyên gia này sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn. Chẳng hạn, nhập siêu giảm mạnh không phải vì xuất khầu tăng vượt tốc, mà vì nhu cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất đã ngừng trệ thảm hại. Đây cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng như dự đoán vì người dân đã hết tiền để trữ đô la hay xài hàng nhập khẩu. Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.
 Như thông lệ mỗi đầu năm, chúng ta đã được đọc rất nhiều bài viết về những dự đoán cho nền kinh tế Việt Nam trong 2012. Từ các chuyên gia có giấy phép và ăn lương chánh phủ (trực tiếp hay gián tiếp) đến những định chế tài chánh nước ngoài có họat động tại Việt Nam, tất cả đều đưa ra những chỉ số hay bối cảnh tương đối giống nhau. Hai lý do chính: một là mọi người đều dựa vào các số liệu thống kê cung cấp bởi chánh phủ và nếu rác hay vàng cho vào một đầu, thì đầu ra cũng phải là rác hay vàng. Hai là vì tương lai làm ăn của họ cũng tùy thuộc vào chánh phủ, nên làm chánh phủ phật ý, bằng những dự đoán độc lập, ngoài luồng là mất việc.
Kết quả của các tiên đoán trong quá khứ
Hôm nọ, có chút thì giờ rãnh rỗi, tôi hỏi anh sinh viên trợ lý, lục soát lại các dự đoán kinh tế về Việt Nam trong 5 năm vừa qua, nhất là vào thời điểm Quý 1. Tôi nhờ anh chia ra 3 kết quả: các dự đóan đúng trên dưới 10%, trên dưới 50% và sai bét. Tỷ lệ cho thấy số sai bét chiếm 46% và số sai trên dưới 50% là 39%. Con số đúng chỉ được 15%. Tuy nhiên, thầy bói vẫn là một nghề đông khách dù có nói trúng hay sai. Và ít người biết được một xảo thuật kiếm tiền của nghề thầy bói là phải “coi mặt mà bắt hình dong”. Tiên đoán một tương lai sáng ngời cho mọi ông bà chi tiền sộp là có kỹ năng tiếp thị cao.
Tôi thường không tham dự vào các cuộc tiên đoán hàng năm. Dựa trên thống kê (phải trừ bớt những thổi phồng) hay các trải nghiệm quá khứ (con người luôn luôn tái diễn lịch sử qua các hành động ngu xuẩn về lâu dài) và dựa trên trực giác (rất giống các bà có chồng ngoại tình), tôi hay đưa ra những khuynh hướng (trend) của nền kinh tế vĩ mô hơn là những dự đoán ngắn hạn và không ổn định. Tuy nhiên, hôm nay, nghe lời khích bác của vài anh bạn, tôi thử dùng 3 nguyên tắc nói trên coi các tiên đoán của mình có chính xác hơn không. Nó cũng sẽ định hướng tương lai nghề làm thầy bói của tôi.
Trong các dự đoán thịnh hành, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6% trong 2012, lạm phát xuống còn 9%,tỷ giá đứng yên, cán cân mậu dịch cải thiện 23%, dự trữ ngoại hối tăng 18% v.v… Tóm lại, một nền kinh tế vĩ mô khá ổn định và ấn tượng so với sự suy thoái chậm chạp của toàn cầu. Quan chức chánh phủ cũng rất hãnh diện cho đây là kết quả của những quyết nghị tuyên tuyền của mình để thay đổi hướng đi của kinh tế tài chánh.
Những thực tế sau bộ mặt thành tích
Tuy nhiên, nếu các vị quan và các chuyên gia này sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn. Chẳng hạn, nhập siêu giảm mạnh không phải vì xuất khầu tăng vượt tốc, mà vì nhu cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất đã ngừng trệ thảm hại. Đây cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng như dự đoán vì người dân đã hết tiền để trữ đô la hay xài hàng nhập khẩu. Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.
Từ góc nhìn này, tôi sẽ đánh liều và tiên đoán các sự kiện nổi bật sau đây của 2012 và vài năm tới:
1.     1.      Chánh phủ sẽ can thiệp mạnh hơn vào vận hành kinh tế:
Thay vì tiến về nền kinh tế thị trường và để mặc cho mọi thành phần tự điều chỉnh theo khả năng, chánh phủ sẽ sợ cuộc khủng hoảng biến thái không theo ý mình, nên các quan chức sẽ sử dụng mọi biện pháp hành chánh để lái con tàu đi sâu vào nền kinh tế bao cấp. Trước đó là sẽ in tiền thoải mái, cứu và không để ngân hàng nào phá sản; gần đây, là quyết nghị cứu thị trường chứng khoán bằng “tái cấu trúc” toàn diện cơ chế. Việc đổ tiền để vực dậy giá trị bất động sản đang được nghiên cứu, cũng như phương thức thu góp hết vàng trong dân để chuyền thành ngoại hối hay tiền đồng.
Để tránh những bất ổn xã hội, khuynh hướng kiểm soát giá cả sẽ gia tăng và xăng dầu cũng như điện nước sẽ được tiếp tục hổ trợ (subsidy).
Ngân sách nhà nước sẽ tăng thay vì giảm, nợ công tiếp tục tăng vọt vì đầu tư công vào các dự án khủng hay cơ sở hạ tầng cần được duy trì để tạo bộ mặt bền vững.
Đây cũng là tin khá tốt cho nền kinh tế dựa vào tiêu xài của chánh phủ và quan hệ tốt với quan chức. Doanh nghiệp nhà nước sẽ dồi dào nguồn vốn và tha hồ lợi dụng lợi thế độc quyền, đặc vị của mình. Doanh nhiệp tư nhân làm ăn nhiều với chánh phủ có thể hưởng tăng trưởng tốt trong những năm suy thoái tới.
1.     2.      Vàng và dầu sẽ gây lao đao cho tỷ giá và lạm phát
Tuy nhiên, các động thái can thiệp nói trên của chánh phủ sẽ không có ảnh hưởng lâu dài vì hai yếu tố toàn cầu : giá vàng và dầu hỏa. Việc in tiền của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) để cứu các ngân hàng lớn trong khối Euro và gói kích cầu số 3 (QE 3) của Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy giá vàng và dầu hỏa lên và giá trị các bản vị USD hay Euro sẽ từ từ hạ giá, dù suy thoái toàn cầu sẽ làm quá trình này chậm lại. Một biến cố lớn ở Trung Đông hay Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn mọi dự đoán.
Tương tự, nền kinh tế suy thoái của Việt Nam sẽ giúp lạm phát và tỷ giá không gia tăng nhiều. Tuy nhiên, khi dòng tiền nhàn rỗi chạy theo cơn sốt vàng và dầu hỏa, các biến động và ảnh hưởng trên mọi hoạt động kinh tế tài chánh sẽ khó cân bằng. Những chánh sách nghị quyết sẽ bay theo mộng tưởng. Tất cả mọi chỉ tiêu về vĩ mô cũng như cán cân thương mại và các gói kích cầu hỗ trợ ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ trở nên bất khả thi và tương lai tùy thuộc vào “may rủi” nhiều hơn là hoạch định.
1.     3.      Các phi vụ M&A sẽ gia tăng mạnh
Một điều chắc chắn là trong tình trạng bất ổn, lãnh vực thu tóm và sát nhập công ty sẽ tăng trưởng tốt. Thị trường tài chánh thế giới luôn luôn có những dòng tiền mặt khá lớn để mua tài sản bán tháo. Phần lớn các nhà đầu tư nội địa, từng đổ tiền vào chứng khoán và bất động sản các năm trước, sẽ tham gia hăng hái vào cuộc săn đuổi này. Do đó mà tại sao tôi nói là trong 10 năm tới, rất nhiều tài sản sẽ đổi chủ và sẽ có những đại gia mới của Việt Nam lợi dụng cơ hội để kiếm tiền siêu tốc. Và ngược lại, nhiều siêu sao đang cháy sáng lúc này sẽ đi vào quên lãng.
Dù họ rất sẵn tiền, nhưng tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham dự các phi vụ M&A một cách giới hạn. Các rào cản về thủ tục pháp lý, về lối thoát (exit), về quản trị địa phương và về bất ổn vĩ mô vẫn còn nhiều và sự thiếu minh bạch của các đối tác điều hành vẫn gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
1.     4.      Hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập gây khó khăn cho hàng nội địa
Trung Quốc hy vọng sẽ chỉ giảm tăng trưởng GDP xuống 7.5% so với 9.2% năm 2011. Sản xuất công nghiệp sẽ chịu nhiều tác động nhất vì sự đầu tư vào các nhà máy gần đây luôn vượt quá nhu cầu của thế giới, nhất là các hàng tiêu dùng và điện tử. Trong khi đó, với suy thoái tại Âu Châu và Nhật Bản và “dậm chân tại chỗ” của kinh tế Mỹ, những nơi còn lại để Trung Quốc bán tháo hàng rẻ tiền là các quốc gia mới nổi, nhất là các láng giềng.
Ba lợi thế cạnh tranh đáng kể của hàng Trung Quốc: (a) tỷ giá RMB dưới giá trị thực khoảng 26% (trong khi VND trên giá trị thực gần 14%) tạo một khác biệt chừng 40% trên giá thành; (b) hệ thống tiếp liệu các linh kiện và hiệu năng sản xuất cùng công nghệ hiện đại tạo một thành phẩm có giá trị cao; và (c) thị trường nội địa Tàu rộng lớn tạo lợi điểm chuyển giá theo nhu cầu và đặc điểm của thị trường xuất khẩu.
Mặc cho khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt”, khách hàng trong thời buổi kiệm ước sẽ lựa chọn túi tiền thay vì lòng yêu nước và các nhà sản xuất Việt có sản phẩm tương tự như Trung Quốc sẽ gặp khốn khó.
1.     5.      Thị trường bất động sản có thể thoát hiểm với lụât đất đai mới
Sau vụ Tiên Lãng, các quan chức lãnh đạo “đã về hưu” cổ súy cho một thay đổi sâu xa về luật nhà đất. Chưa thấy quốc hội có động tĩnh gì, nhưng việc không áp đặt luật về hộ khẩu và những cải tổ sâu rộng về luật bất động sản bên Trung Quốc khiến nhiều đại gia Việt hưng phấn chờ đợi. Tôi nghĩ đây là một cú hích quan trọng có thể gây một cơn sốt mới cho giá trị bất động sản ở Việt Nam vì lý do đơn giản là người có tiền ở Việt Nam không có nhiều lựa chọn về đầu tư. Hai yếu tố quan trọng khác là sự thu hút đầu tư mới của Việt kiều và các quỹ nước ngoài.
Thêm vào đó, hiện các nhóm lợi ích trong ngân hàng, quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế, tổng công ty…đang nắm giữ một số lượng tài sản rất lớn liên quan đến địa ốc. Việc tăng giá trị bất động sản xuyên qua việc thay đổi luật nhà đất là một việc mọi người mọi nhóm đều nhất trí đoàn kết để đạt mục tiêu. Chuyện oái oăm là nếu không nhờ cái luật nhà đất bất công ngày xưa, các nhóm này đã không giàu và quyền lực như ngày nay. Dù sao, qua sông rồi thì phải đắm đò, Tôn Tử dạy thế.
Tuy nhiên theo nhận xét cá nhân về quy trình để thay đổi luật lệ tại Việt Nam, tôi thấy thủ tục cũng nhiêu khê và đòi hỏi rất nhiều quyết đoán từ các cấp lãnh đạo. Tôi không lạc quan như các đại gia bất động sản, nhưng dù là cơ hội thay đổi có ít hơn 50%, đây cũng có thể là một cú ngoặc đáng kể trong sự phát triển kinh tế.
Tóm lại, đó là 5 sự kiện tôi cho là sẽ đánh dấu ấn trên nền kinh tế tài chánh của Việt nam trong 2012. Những điều sẽ không thay đổi trong năm 2012 thì phần lớn các bạn đã biết rồi: Việt Nam sẽ xếp đầu bảng của thế giới về ăn nhậu tiêu xài, về chỉ số hạnh phúc, về tai nạn giao thông, về huân chương phân phát, về tự hào dân tộc, về ô nhiễm môi trường, về kỹ nghệ làm quan, và vè ổn định chính trị.
Thế giới ngoài kia cũng sẽ long đong với những biến đổi của năm con Rồng và những nợ nần, sai lầm từ các năm vừa qua. Tuy nhiên, các nền kinh tế minh bạch và chấp nhận phê phán sẽ tự chỉnh sửa và các chuyên gia có thể tiên đoán thời điểm hồi phục khá chính xác. Chúng ta thì chỉ biết lầm bầm,” Xin Ơn Trên phù hộ”.
T/S Alan Phan
3/3/2012
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét