BS Hồ Hải
Thời đại toàn cầu mà không có thêm một ngôn ngữ thứ hai
quả là bất tiện. Nhưng để biết thêm một ngôn ngữ thứ hai, thứ ba etc... như
những con người xuất chúng thì quả là một chuyện không đơn giản. Ai đã từng học
ngoại ngữ ở tuổi trưởng thành cũng thấy khó khăn. Vì ngôn ngữ không chỉ thể
hiện cho cái tôi của loài người như tôi đã nói trong bài: Nói
chuyện triết học của người ngoại đạo: Tha hóa và tham nhũng. Mà ngôn ngữ
còn là đại diện cho một nền văn hóa của một cộng đồng dân sống trên một vùng
địa lý với những luật lệ riêng. Cũng vì thế mà có tình trạng trong tiếng Anh
gọi là Vietlish. Singlish, Chinalish etc... Vì nói và viết theo văn hóa của
từng dân tộc mà không theo văn hóa của người Anh, Mỹ. Vậy làm thế nào để
học một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mẹ đẻ tốt?
Như trong phân tâm học, ngôn ngữ là một thuộc tính của con
người. Đã là con người mà không nghe nói đọc viết được thì mất đi một thuộc
tính của con người. Ngoại trừ đứa trẻ sinh ra bị điếc bẩm sinh. Nhưng dù có câm
điếc bẩm sinh, nếu được học thì vẫn có thể nghe bằng ngôn ngữ môi và nói được
tốt. Nếu không điếc, trẻ sẽ nghe và bắt chước để nói theo. Sau khi nói trẻ sẽ
được học để đọc. Và cuối cùng học văn phạm để viết. Đó là trình tự tự nhiên của
một quá trình biết một ngôn ngữ bình thường của con người. Học ngôn ngữ không
cần trí thông minh. Học ngôn ngữ cần phản xạ tập nhiễm kiểu Paplov. Nó lập đi,
lập lại hằng ngày. Nó sẽ hằn lên phần vỏ não có chức năng ngôn ngữ và trỡ thành
một phản xạ hiểu biết.
Ngày tôi đọc phân tâm học khi còn sinh viên, tôi mãi suy
tư về điều này. Và tôi thấy cách dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông ở nước ta
hiện nay là chưa đúng với trình tự của việc học một ngôn ngữ. Có lẽ vì thế mà
người Việt giỏi về viết kiểu Vietlish, giỏi hơn là English, nhưng rất nhát về
nói và nghe. Vì khi học chủ yếu người Việt chỉ được học ngữ pháp và từ mới hơn
là học nghe và học nói trước?
Ngoài ra, người ta thấy rằng trong
ngôn ngữ về mặt âm tiết có 2 loại: ngôn ngữ đa âm và ngôn ngữ đơn âm. Việt Nam
thuộc ngôn ngữ đơn âm, tức là mỗi từ, mỗi chữ khi phát âm chỉ có một âm tiết.
Chính vì thế mà phát âm cũng khó khăn khi học một ngôn ngữ đa âm như tiếng Anh,
tiếng Pháp etc... Nhưng ngôn ngữ Việt có cái ưu điểm nhờ vào các nhà truyền đạo
đã giúp Latinh hóa chứ không dùng chữ tượng hình của người Trung Hoa đã muốn
đồng hoá chúng ta.
Một yếu tố khác làm cho khó khăn khi học một ngôn ngữ khác
là về mặt y học, người ta thấy rằng đặc điểm giải phẫu của vùng phát âm sẽ hoàn
thiện từ sau tuổi 12, do sự hoàn thiện về phát âm và giải phẩu ở tuổi dậy thì.
Nên nếu học ngôn ngữ trễ sau 12 tuổi thì sẽ khó khăn cho phát âm, đặc biệt đối
với một dân tộc có ngôn ngữ đơn âm, mà đi học một ngôn ngữ đa âm.
Cho nên để học một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ tôi
khuyên nên theo những nguyên tắc sau:
1. Học sớm trước 12 tuổi.
2. Học theo trình tự: Nghe, nói,
đọc, viết. Nghe đúng thì nói đúng và hiểu văn hóa dân tộc đó đúng.
3. Phải học liên tục không ngơi nghỉ, tạo thành phản xạ
tập nhiễm hằng ngày. Không cần vận dụng trí thông minh mà chỉ cần làm sao nhớ
tốt. Nhớ tốt thì không gì bằng là tạo một phản xạ tập nhiễm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét