Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Theo dòng thời gian (6)

2008


Cải cách thể chế: Góc nhìn xác lập trách nhiệm giải trình
http://www.tuanvietnam.net//vn/tulieusuyngam/3380/index.aspx
Dân làm chủ nhưng đã trao quyền cho Nhà nước đại diện. Nhà nước đã nhận quyền đó thì phải có trách nhiệm - Ý kiến của TS. Phạm Duy Nghĩa, khoa Luật, ĐHQG Hà Nội tại Diễn đàn Quốc tế về chuyển đổi kinh tế năm 2008 tại Hà Nội.


Bộ máy rục rịch chuyển động

Nhìn nhà nước trước hết ở nền hành chính. Nền hành chính Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi lớn. Cải cách hành chính đang được đẩy mạnh và đề án 30 rà soát luật theo hướng vì nhân dân, làm cho chức năng phục vụ của chính phủ rõ nét hơn. Theo chương trình cải cách hành chính đến 2010, bộ máy hành chính từ trên xuống dưới đã được xắp xếp còn 26 bộ và cơ quan ngang bộ từ 36 bộ trước đây.

Bộ máy nhà nước cũng rục rịch chuyển nhanh, từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ. Nhiều cơ quan bắt đầu áp dụng chứng chỉ ISO cho công tác hành chính. Thái độ và cách thực hiện hành chính có chuyển đổi, dù ấn tượng khi bước vào cơ quan hành chính vẫn quá lớn và uy quyền so với khu vực tiếp dân khiêm tốn.

Xét ở khía cạnh trách nhiệm, chính quyền nhận sự ủy trị từ dân thì đồng thời phải có trách nhiệm trước dân. Dân làm chủ nhưng dân đã trao quyền cho Nhà nước đại diện. Nhà nước đã nhận quyền đó thì phải có trách nhiệm, không thể nói không biết khi được hỏi về nước tương có chất gây ung thư... Nhà nước hành xử như thế nào là quyền của anh nhưng anh phải chịu trách nhiệm trước dân chúng.

Tuy nhiên, thực hiện trách nhiệm giải trình này là một vấn đề lớn. Những hiểu biết của Việt Nam về vấn đề này còn non nớt, sơ khai khi chúng ta không có khoa học chính trị phát triển, không có các thiết chế đối trọng với chính phủ. Nó phải được hóa thành các trách nhiệm giải trình cụ thể.

Các thiết chế quyền lực nhà nước, hẹp hơn là quyền lực hành chính phải được tổ chức theo nguyên tắc ủy quyền và xác lập trách nhiệm giải trình trước người đã giao quyền.

Trách nhiệm giải trình không có nghĩa là làm theo cách mà ta đề xuất: thiết lập đường dây nóng lên Quốc hội để dân chất vấn. Tôi không nghĩ nền dân chủ đại diện nào có thể vận hành theo kiểu nóng hừng hực và hoang sơ như thế được.

Muốn khống chế kiểm soát Chính phủ phải thông qua cơ quan dân cử, vì 86 triệu đồng bào không làm được điều này nếu không qua người đại diện. Người đại diện cho dân là người được cử tri bỏ phiếu.

Bầu nghị sỹ nhưng họ không muốn đóng vai nghị sỹ cũng khó

Do đó, một cuộc cải cách thứ hai ở Việt Nam, tuy không đặt ra như cải cách hành chính, nhưng bắt đầu lộ diện. Đó là các cơ quan dân cử, Quốc hội và các tổ chức lấp ló bắt đầu cải cách.

Hai năm trước, có vẻ người dân quan tâm đến các cuộc điều trần ở Quốc hội, nhiệt tình theo dõi hơn. Nay, người ta không quan tâm nhiều nữa. Điều này đặt vấn đề nghiêm túc: Nếu Quốc hội không đóng đúng vai, vì dân, vì cử tri thì Quốc hội sẽ không được dân quan tâm.

Hiện nay, hoạt động Quốc hội cũng đã có nhiều cải cách: nhiều phiên chất vấn được tường thuật công khai, và người dân lấy đó làm thú vị; các dự luật cơ bản công bố công khai, và dân chúng được tham gia (ít nhất, trao đổi là có, còn được quan chức nghe hay không chưa bàn).

Các Ủy ban của Quốc hội đã bắt đầu tiến hành những phiên điều trần và nghe chính sách để tiếng vọng đa chiều bắt đầu xuất hiện ở Ủy ban Thường vụ.
Ủy ban này là rất quan trọng vì họ có trình luật ra Quốc hội.

Vấn đề được nêu lên để tranh luận là vai trò của các Ủy ban sẽ ra sao trong Quốc hội. Cử tri ủy quyền cho đại biểu quốc hội nhưng các vị đại biểu ấy lại ủy quyền tiếp cho vài chục người.

Bầu họ làm nghị sỹ nhưng bản thân họ không muốn đóng vai nghị sỹ thì cũng khó.

Các nghị sỹ phải có nghề, chuyên nghiệp và có động lực để bảo vệ cử tri. Đến lúc chúng ta phải thay đổi luật, để mỗi đại biểu đại diện cho từng khu vực và chịu trách nhiệm trước khu vực đó.

Muốn áp đặt được trách nhiệm giải trình đối với cơ quan chấp pháp, cơ quan dân cử phải có một số công cụ đặc trưng. Thô ráp nhất, các đại biểu dân cử phải có thông tin đầy đủ, đúng và kịp thời, phải có năng lực phân tích và phản biện, phải được tự do phát biểu mà không sợ trù dập hay truy bức trách nhiệm vì thái độ giám sát của mình.

Thiếu những điều ấy, mọi tranh luận nghị trường khó có đủ chứng cứ. Quốc hội khó có đủ lý lẽ để bác các đề xuất chính sách của Chính phủ.
Chính phủ sẽ mạnh hơn nếu được giám sát tốt hơn, thông qua một Quốc hội mạnh hơn. Nếu Quốc hội có trách nhiệm hơn, giám sát mạnh hơn, Chính phủ cũng sẽ có trách nhiệm với dân chúng hơn. Điều này là đối trọng, chứ không triệt tiêu.

Tòa án độc lập: thiết chế giám sát Chính phủ

Hơn nữa, Chính phủ chỉ được kiểm soát nếu có hệ thống tòa án độc lập tốt. Nếu nền hành chính tự làm luật mà động chạm đến người dân thì họ phải có cơ hội để tiệm cận công lý, tranh luận với Chính phủ xem quy định có đúng không. Nếu hai bên không thống nhất được với nhau, thì phải có bên thứ 3 để người ta kêu. Đó chính là nền tư pháp độc lập.

Ở Việt Nam, ý chí chính trị không thiếu. Có ít nhất 3 văn kiện của Bộ chính trị về việc này. Nhưng Tòa án ở Việt Nam chưa được cải cách căn bản. Nền tư pháp của Việt Nam về cơ bản chưa độc lập.

Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Thứ nhất, nhiệm kỳ của thẩm phấn là 5 năm một lần, do đó, họ phải lo "giữ ghế". Thứ hai, ngân sách chi cho tòa án eo hẹp, phụ thuộc chính quyền địa phương. Thứ ba, lương các quan tòa quá thấp, chỉ 3-4 triệu/tháng trong bối cảnh hiện nay.
Không độc lập về tiền, về bổ nhiệm, và hành chính địa phương thì tòa không thể độc lập được. Bản thân Hiến pháp có nêu, tòa án chỉ độc lập khi xét xử, không nêu tòa độc lập hoàn toán.

Tòa án độc lập chính là thiết chế giám sát Chính phủ, điều các nước đều làm. Chúng ta cũng nên du nhập vào tòa mà quyền uy xác lập công lý. Câu chuyện này ở Việt Nam chưa được tranh luận, chứ chưa nói tới triển khai.

Thêm vào đó, Chính phủ chỉ mạnh khi người dân hiểu biết và "đòi" quyền. Nếu dân trí không được nâng cao, nếu ý thức dân chúng không được tổ chức thành những dư luận mạnh mẽ, nếu không có xã hội dân sự và truyền thông độc lập thì chúng ta không thể có Chính phủ mạnh. Điều này ở Việt Nam vẫn còn đang tranh luận và về chính sách chưa có gì.

Cũng giống như khách hàng có khó tính, có yêu cầu cao thì người bán hàng mới nỗ lực đáp ứng. Việt Nam sẽ không có một chính quyền mạnh nếu dân chúng không hiểu biết.

Chính phủ không phải diễn viên một mình một sân diễn

Nhưng nền hành chính Việt Nam vẫn đang gặp phải những vấn đề phức tạp, trong đó có sự can thiệp mạnh của Đảng. Chính phủ không phải diễn viên một mình trên một sân diễn, mà ngược lại, chịu tác động của quá nhiều tác nhân.

Muốn làm cho Chính phủ mạnh và có trách nhiệm thì trước hết phải rạch ròi. Đây là câu chuyện bắt đầu được tranh luận ở Việt Nam. Trong tương lai gần, cuộc tranh luận sẽ phải hướng đến là phần nào là chấp pháp, theo nghĩa người đứng đầu các bộ, các vụ sở do Đảng cử, còn phần nào là kỹ trị thì do các chuyên gia có năng lực, chuyên môn chịu trách nhiệm.

Phần hành chính nên tách ra khỏi chấp pháp. Khi đó, Đảng phải đương nhiên quản lý phần chấp pháp, người của Đảng phải đứng ở những vị trí then chốt nếu làm chính sách, còn triển khai chính sách là các chuyên viên. Lúc đó ta mới thảo luận xem có bàn đến chuyện thuê chuyên gia giỏi để phụ trách việc này việc kia hay không. Cuộc tranh luận này ở Việt Nam mới bắt đầu nhưng chưa đẩy đi sâu.

---------

Kinh tế thị trường và hội nhập đã đi cùng với những thay đổi thể chế đáng kê rở Việt Nam. Bộ máy hành chính, cơ quan dân cử, tòa án, giới truyền thông, xã hội dân sự... đang chứng khiến những định hướng tìm đến vai trò đặc thù riêng. Quy mô và tốc độ cải cách từng khu vực thể chế có thể khác nhau, song chúng đều cần thiết để xác lập trách nhiệm giải trình của chính quyền với nhân dân.

* Phương Loan (ghi)

Kiềm chế lạm phát: Hãy bắt đầu từ chính Nhà nước
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia tư vấn cao cấp bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Triết lý cơ bản của kinh tế thị trường là phải cạnh tranh sòng phẳng. Ai giỏi, ai đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng thì người ấy được phát triển còn anh kém, mang lại chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao thì thôi đi và điều đó đem lại sự lành mạnh cho thị trường. Cho nên, cần rà soát, nâng cao hiệu quả đầu tư, Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực nào thật cần thiết mà tư nhân không làm như vấn đề môi trường….Còn lại tất cả những gì tư nhân có thể làm thì hãy để họ làm, dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước và có sự hợp tác chặt chẽ giữa công và tư.


“Phá” cũng tăng GDP?!

Phóng viên (PV): Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những “nguồn cơn” dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay là bởi mấy năm gần đây Chính phủ vì mải “đuổi theo” thành tích tăng trưởng nên đã vội vã đẩy mạnh, giải ngân nhiều dự án đầu tư, kể cả những dự án thiếu hiệu quả. Ông bình luận thế nào về quan điểm này?


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (TS LĐD): Lạm phát tăng do 3 nhóm nhân tố chính: lạm phát toàn cầu, trong nước thiên tai, mất mùa và chính sách tiền tệ và tín dụng, trong đó có liên quan đến đầu tư. Đầu tư cần tín dụng mà đầu tư của Chính phủ toàn những công trình, dự án lớn cả. Thành ra, liên tục trong mấy năm vừa qua và năm 2007, chúng ta đã tăng mức độ tín dụng lên rất cao. Tăng cao như vậy, đưa vào đầu tư thì một phần nó biến thành tài sản nhưng một phần nó cũng biến thành tiền để mua nguyên vật liệu…

Đáng chú ý là nhiều dự án công, chi tiền ra nhiều nhưng lại lãng phí, không đem lại hiệu quả kinh tế xã hội. Những ví dụ rất đau đớn gần đây như những công trình đầu tư ở miền Trung do Tổng công ty đầu tư xây dựng miền Trung (Cosevo) thực hiện, cầu Văn Thánh phải chữa đi, chữa lại mãi, mỗi lần chữa thì lại báo cáo tăng GDP. Nhưng tăng GDP như thế nền kinh tế thực chất có được cái gì đâu?

Tình trạng đầu tư kém hiệu quả thể hiện rất rõ ở Việt Nam hiện nay, để có được 1 đồng GDP phải đầu tư tới 4,4 đồng, trong khi các nước khác, chỉ tiêu tốn trung bình 2,5-3 đồng. Mà cũng chẳng cần so thế giới, chỉ so với chính bản thân Việt Nam thời kỳ mới đổi mới, mức này chỉ khoảng 2,5 đồng.

Tiền chi ra nhưng không đem lại sản lượng hàng hóa tương ứng thì dĩ nhiên làm tăng số tiền thừa ra làm gia tăng lạm phát thôi

PV: Hiệu quả đầu tư công đi xuống, phải chăng do mức độ tham nhũng tăng lên, thưa TS?

TS LĐD: Có nhiều nguyên nhân không nên nói một cách võ đoán như thế nếu không có căn cứ điều tra cụ thể. Nhưng chúng ta cũng thấy, công tác chống tham nhũng tuy có đẩy mạnh nhưng ít có đổi mới. Báo chí vẫn nói tình trạng các cơ quan công quyền gây khó khăn cho dân khá nhiều như tình trạng mãi lộ, dịch vụ công khó khăn… Ví dụ, năm 2005, có điều tra nói số tiền DN phải trả thêm để được việc là 63% thì đến năm 2007 theo điều tra của VCCI con số này đã lên 66,4%.

Như vậy chống tham nhũng cần đem lại hiệu quả thiết thực cho từng người dân, DN chứ không chỉ là “đánh” vụ này, vụ kia. “Đánh” vụ này vụ kia cũng tốt vì loại bỏ được những tai hại, lãng phí nhưng mà điều quan trọng hơn là phải đổi mới quy chế, cải cách toàn diện và có giám sát tốt hơn, công khai minh bạch hơn để cho những người đó họ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không cần tham nhũng.

Quay lại với đầu tư công, qua kiểm toán thanh tra đều thấy nhiều công trình đầu tư kém hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu rà soát nhưng vấn đề là đằng sau những công trình như vậy có một số lợi ích: lợi ích của DN, địa phương và lợi ích ngầm của một vài người nào đó nữa. Lợi ích ngầm, cá nhân như vậy nên nhiều công trình biết là kém hiệu quả mà vẫn cứ cho làm. Chẳng hạn, đường Hồ Chí Minh đã làm ấy đã chở được bao nhiêu hàng hóa, mang lại bao nhiêu tăng trưởng GDP? Thế mà Nhà nước vẫn định xây dựng 102 hải cảng trong đó không có lấy một cảng trung chuyển quốc tế. Trong khi đó, lẽ ra chỉ cần tập trung phát triển vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) làm cảng quốc tế thì có thể chở hàng từ Bắc Thái Lan, từ Myanmar, từ Lào sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…sẽ thu được lợi rất lớn.
Từ nay đến năm 2010, Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự định dành hơn 1.370 nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình công thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong đó trên 960 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư cho lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là các ngành công nghiệp như điện, giấy, xi măng, than, hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng tàu, phát triển hệ thống giao thông...
Năm 2007, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 14% tổng đầu tư của toàn xã hội.


PV: Quyết định đầu tư công là do Chính phủ, vậy theo ông cơ quan nào đủ thẩm quyền giám sát và chế tài “chủ nhân” của các dự án lãng phí và bị chi phối bởi lợi ích ngầm?

TS LĐD: Cần công khai minh bạch, có tiêu chí rõ ràng, giao cho Quốc hội, các Hội đồng nhân dân và các tổ chức quần chúng giám sát. Theo tôi, để cắt giảm được công trình kém hiệu quả, cần đưa ra một khung tiêu chí cụ thể. Sau khi rà soát xem những công trình nào gần kết thúc, công trình nào có hiệu quả, công trình nào cấp bách, có thị trường… thì tiếp tục. Còn những công trình đã lâu không hoàn thành, thất thoát, lãng phí... thì nên có cơ chế bán lại cho chủ đầu tư có năng lực hơn. Những tiêu chí đó cần được đưa ra cho công luận để họ giám sát, chứ như bây giờ ngay cả thời hạn kết thúc mà người ta còn không chịu công bố cho dân biết thì làm sao giám sát được.

Chính phủ giờ cũng đã nhận thức được vấn đề và đang quyết tâm, rà soát, cắt giảm những dự án đầu tư công không hiệu quả.

PV: Nhưng ông có cho rằng, việc cắt giảm những công trình đầu tư công trong đó có nhiều dự án hạ tầng sẽ càng làm “chặt” thêm nút cổ chai của nền kinh tế, gây khó khăn cho phát triển kinh tế và thu hút, hấp thụ vốn FDI?

TS LĐD: Với tình hình hiện nay, các giải pháp phải mạnh, thậm chí phải chấp nhận chịu đau. Các nước họ đều đang rất khó khăn, chúng ta cũng không thể tự mãn, phải thấy trước được và quyết tâm làm tốt hơn. Theo tôi, nên cắt giảm đầu tư công, trung bình tỉ lệ cắt giảm chung phải từ 15-30% mới đối phó được lạm phát.

Về cơ sở hạ tầng thì đây là bài toán chiến lược dài hạn, cần có tầm nhìn. Tôi tin rằng việc cắt giảm sẽ không ảnh hưởng vì Chính phủ đủ tỉnh táo để chọn ra và loại bỏ những công trình kém hiệu quả. Đặt ra mục tiêu tăng trưởng để khích lệ kinh tế nhưng khi điều kiện tính toán thay đổi thì ta cũng nên thay đổi. Hãy dũng cảm để điều chỉnh, điều chỉnh là sáng suốt và vì lợi ích của đất nước.

Nên khuyến khích “tàn phá sáng tạo”

PV: Các thống kê đều cho thấy, khu vực kinh tế dân doanh chứ không phải kinh tế nhà nước đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Các dự án nếu do tư nhân làm mà đổ bể thì họ phải bồi thường, đền tiền trong khi đơn vị của Nhà nước nhiều khi chỉ bị kiểm điểm, xử lý hành chính. Vậy tại sao không đấu thầu công khai các dự án đầu tư công cho mọi thành phần kinh tế tham gia?

TS LĐD: Triết lý cơ bản của kinh tế thị trường là phải cạnh tranh sòng phẳng. Ai giỏi, ai đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng thì người ấy được phát triển còn anh kém, mang lại chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao thì thôi đi và điều đó đem lại sự lành mạnh cho thị trường. Cho nên, cần rà soát, nâng cao hiệu quả đầu tư, Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực nào thật cần thiết mà tư nhân không làm như vấn đề môi trường….Còn lại tất cả những gì tư nhân có thể làm thì hãy để họ làm, dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước và có sự hợp tác chặt chẽ giữa công và tư.

Cạnh tranh thì sẽ có doanh nghiệp phá sản và người ta vẫn gọi đó là sự “tàn phá sáng tạo” vì nhà máy còn đấy, nhà xưởng còn đấy, chỉ có ông chủ kém thì ông chủ đi. Ông chủ mới đến, sẽ đổi mới, người lao động cũng phải thay đổi.

Vấn đề là cần phải khắc phục độc quyền, cần phải giám sát độc quyền. Cái gì độc quyền quá lâu thì nó sẽ là lực cản với những tiến bộ của xã hội. Tóm lại chúng ta cần mạnh dạn đổi mới tư duy, vượt qua các lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của mấy người sử dụng quan hệ quen biết, dàn xếp vốn cho tập đoàn này, tăng tín dụng cho tập đoàn kia, chỉ định thầu cho những doanh nghiệp mà không đem lại hiệu quả gì cả.

PV: Mặc dù vậy cũng phải thừa nhận thực tế là nhiều doanh nghiệp dân doanh làm ăn hiệu quả nhờ có quan hệ, thậm chí được lập ra để làm “sân sau” của “người nhà nước, để “đón đầu” những dự án đầu tư công?

TS LĐD: Thực tế việc phát triển của khối DN tư nhân và khối này tham gia làm dịch vụ, phụ trợ cho khối Nhà nước là rất đáng hoan nghênh nhưng vấn đề là quá trình đó cần công khai minh bạch chứ không phải kinh doanh nội gián kiểu bố giao việc cho con, chồng giao việc cho vợ hay lập ra công ty do bà mẹ vợ làm giám đốc nhưng lại thao túng tất cả….Do đó, việc thiếu công khai minh bạch và kinh doanh nội gián đó mới là điều đáng than phiền chứ còn họ lập ra để đón đầu dự án công cũng tốt thôi.

Thứ hai là dù nhà nước đã xác định tư nhân là khu vực động lực phát triển kinh tế, cái gì tư nhân làm được thì nên để tư nhân làm nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân. Lý do là DN tư nhân ở ta còn nhỏ bé, còn nhiều nhược điểm. Mà làm sao mà không có nhiều nhược điểm được trong một môi trường phải dựa vào nhiều mối quan hệ, chạy cổng hậu... mà thậm chí đến doanh nghiệp nhà nước cũng không lành mạnh được?

PV: Theo ông, tỷ lệ kinh doanh nội gián để cùng “đục khoét” các dự án đầu tư công như vậy có nhiều không?

TS LĐD: Số liệu cụ thể thì cần có điều tra nhưng theo tôi cũng là nhiều đấy. Muốn biết, giờ chỉ cần xem họ tên của những ông bà nào được nhận những công trình béo bở đó, rồi truy ra xem có quan hệ thế nào với người ra quyết định. Chứ hiện nay có nhiều DNNN không lãi bao nhiêu nhưng DN sân sau thì lãi lớn lắm.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

Phan Hùng (Vietimes) thực hiện

Kinh tế năm 2008: Không thể tiếp tục lạc quan
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/05/782107/
Tăng trưởng GDP chỉ 6,7%, lạm phát lên đến 22,3% - đây là kịch bản bi quan nhất trong ba kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2008 mới được Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007 mới được công bố ngày 8/5 tại Hà Nội.


CIEM cho rằng, nhìn chung, trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Kết quả dự báo cũng cho thấy lạm phát tiếp tục đứng ở mức cao và cao hơn so với năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục trong ngắn hạn. Vì thế, các chuyên gia CIEM cho rằng, các mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2008 cần được xem xét lại.

Không thể tiếp tục lạc quan

Cuối năm, khi cả nước đang say sưa với những thắng lợi kinh tế được cho là cao nhất trong 10 năm lại đây và đưa ra những mực tiêu rất cao là tăng trưởng GDP 8,5 - 9%, lạm phát ở mức 11 - 12%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những mục tiêu này rất khó thực hiện. Chính phủ đã buộc phải có những đề xuất điều chỉnh thực tế hơn. Trong dự báo của CIEM, cả ba kịch bản được đưa ra đều cho thấy tham vọng về phát triển kinh tế như trên đây là không thể.

Kịch bản cơ bản được đưa ra là GDP tăng trưởng 7,2%, lạm phát ở mức trung bình là 19,4%. Dự báo này được đưa ra dựa trên xu thế kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn 2007. Tuy có chậm lại, nhưng khu vực châu Á và ASEAN vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Đây là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên sự tác động qua lại với Việt Nam là rất lớn.

Các yếu tố khác để hình thành lên kịch bản cơ bản này là: giá dầu xấp xỉ 100 USD/thùng, giá nhập khẩu nguyên liệu và giá nông sản tăng 15%. Các khoản đầu tư ngân sách tăng 10%, giải ngân vốn FDI tăng 20%. Đồng thời, Việt Nam thực thi một chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá.

Trong khi đó, kịch bản được cho là lạc quan hơn cũng chỉ đưa mức tăng trưởng GDP lên 7,6% và lạm phát ở mức 16,7%. Điều này được dự báo trên giả thiết kinh tế thế giới không quá bi quan và khả năng giải ngân và hấp thụ vốn FDI của Việt Nam được cải thiện hơn. Các đối tác thương mại chính có sự tăng trưởng kinh tế khá hơn.

Ngược lại, một kịch bản bi quan hơn cũng được đưa ra, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP xuống còn 6,7% và lạm phát lên đến 22,3%. Điều này có thể xảy ra với giả thiết các điều kiện kinh tế thế giới và yếu tố kinh tế nội tại bất lợi hơn so với kịch bản cơ bản. Cụ thể, các đối tác thương mại lớn tăng trưởng kinh tế rất thấp, khả năng giải ngân FDI không tăng...

Như vậy, với dự báo lạc quan nhất thì Việt Nam cũng còn xa mới đạt đến mức hy vọng 8,5% như đã đề ra.

Ông Võ Trí Thành - người được xem là tổng biên tập thực hiện báo cáo này, nêu quan điểm cá nhân cho rằng, bản thân ông nghiêng nhiều hơn về kịch bản GDP thấp hơn là những kịch bản lạc quan. Có nhiều lý do như: bối cảnh và diễn biến suy thoái kinh tế thế giới chưa rõ ràng và tiềm ẩn nhiều bất ổn. Nền kinh tế trong nước đang vấp phải những khó khăn không dễ giải quyết trong ngắn hạn. Mặc dù Chính phủ đã nhận thấy và đề ra những giải pháp khắc phục nhưng việc triển khai như thế nào trong thực tế lại là một vấn đề.

Ông Thành ví vón, những thành công năm 2007, Việt Nam được xem là "ngôi sao đang lên" nhưng với tình hình hiện tại nó có thể đang bị tạm thời bị "che lấp". Tuy nhiên điều đó cũng không có gì là qua lo lắng. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện những gải pháp dài hạn như: khắc phục các nút thắt của nền kinh tế về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thực hiện kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chính sách phát triển kinh tế với an sinh xã hội... nhằm từng bước ổn định, giảm lạm phát mà không gây ra những đổ vỡ, duy trì lòng tin của các nhà đầu tư.

Vào WTO, càng thể hiện rõ yếu kém

Một trong những yếu tố chi phối nổi bật đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam năm 2007 là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO và bắt đầu thực hiện các cam kết theo lộ trình. Bên cạnh những tác động thuận chiều thì một cảnh báo tiếp tục được các chuyên gia nhắc lại trong báo cáo này là việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém và bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam.

Trước hết về thể chế, báo cáo nhấn mạnh rằng sẽ còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp cam kết hội nhập và các chuẩn mực kinh tế thị trường. Còn những khoảng cách khá xa giữa thực tế và yêu cầu tính chuyên nghiệp, minh bạch và khả năng giải trình của các cơ quan nhà nước. Thể chế cho sự phát triển các thị trường yếu tố sản xuất vẫn trong giai đoạn cần tiếp tục có những chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, sự hụt hẫng về kỹ năng nguồn nhân lực cũng đang ngáng trở tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến tất cả các nhóm xã hội, trong khi đó toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo đang tỏ ra xa rời với hơi thở cuộc sống và thời đại.

Kết cấu hạ tầng yếu kém đã và đang gây nhiều tổn phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Nguồn lực cần thiết cho phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, không thể không có tầm tầm nhìn xã rộng, những bản quy hoạch có hàm lượng chất xám và các hình thức hiệu quả trong huy động các nguồn lực.

Đây chính là 3 nút thắt cổ chai của nền kinh tế. Một dẫn chứng cho thấy, việc yếu kém về thể chế, hạ tầng và nhân lực đã hạn chế việc thực hiện vốn FDI. Tỷ lệ thực hiện FDI năm 2007 chỉ là 37,8% trong khi các năm trước đó đã đạt cao hơn.
Năm 2007, kinh tế Việt Nam lộ diện rõ ràng hơn những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát tính theo chỉ số tiêu dùng lên đến 12,63% là mức cao nhất từ 1997. Song có một thực tế là đến cuối 2007, Chính phủ vẫn chưa có những lập luận và giải trình hợp lý trong lựa chọn, về ngắn hạn, giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, dẫn đến sự lúng túng trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh các luồng vốn đổ mạnh vào Việt Nam.


Việt Nam cần cuộc cách mạng mới về ruộng đất?
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/05/782146/
Thiệt thòi, tổn thương, bị gạt bên lề của sự phát triển, tiềm ẩn bất ổn... những cụm từ được nhắc nhiều nhất khi nói về số phận của người nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay. Một lần nữa, vấn đề này lại được đưa ra mổ xẻ tại một cuộc tọa đàm do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức mới đây.


Đất đai là gốc của vấn đề

GS-TS. Lê Duy Phong (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận xét, nông dân đang là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, ít được thụ hưởng các thành quả của quá trình đổi mới. Lý giải điều này, GS. Phong cho rằng, nông dân đang thiếu các điều kiện và phương tiện để phát triển sản xuất, đảm bảo cuộc sống bình thường.

Theo GS. Phong, diện tích đất cho nông nghiệp quá chật hẹp. Cả nước có 12 triệu hộ gia đình, nhưng chỉ có 9,4 triệu ha đất nông nghiệp. Bình quân mỗi hộ chỉ 0,7-0,8ha, mỗi lao động 0,3ha và mỗi nhân khẩu 0,15ha. Ở Đồng bằng Bắc Bộ, con số này còn nhỏ hơn, chỉ 360m2/khẩu. Nếu chia ra, tất cả các hoạt động ăn, ở, đi lại, sinh hoạt hàng ngày của một người nông dân ở Bắc Bộ chỉ dựa vào... 1m2 đất.

Chưa kể, nông dân - đối tượng đông nhất trong xã hội - lại ít được đào tạo nghề nên tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động. Ông minh chứng, trên 83% lao động ở nông thôn chưa qua đào tạo bất kỳ chuyên môn gì (con số từ Bộ LĐTB-XH), trong khi tỷ lệ này ở thành thị là 49%. 20% lao động ở nông thôn thất nghiệp, tương đương khoảng 4,8 triệu người, cộng thêm hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động mỗi năm.

Đáng lưu ý, khi mỗi ha đất nông nghiệp bị "xà xẻo" sẽ kéo theo 13 người rơi vào cảnh không có việc làm. Điển hình, mỗi năm, Hà Tây có 28.000-30.000 lao động đổ ra thành thị kiếm sống, trong khi con số này phải "Nam tiến" ở Quảng Nam là 46.000 người.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, diện tích đất trồng lúa đang và vẫn tiếp tục giảm, nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Giai đoạn 2002-2007, mỗi năm vùng này mất 7.500 ha đất/năm (0,67%), gần gấp hai lần tỷ lệ của cả nước.

Do vậy, tại cuộc tọa đàm “Những vấn đề xã hội của nông dân và nông thôn Việt Nam hiện nay”, TS. Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam) đã đưa ra một cách nhìn nhận mới về vấn đề đất đai nông thôn hiện nay, đó là Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng ruộng đất mới - cuộc cách mạng lần thứ tư trong lịch sử, song Việt Nam chưa coi đó là một cuộc cách mạng.

TS. Tuấn Anh cho rằng, lịch sử nước ta đã từng tiến hành các cuộc cách mạng ruộng đất vào những năm 1950-1960, thời kỳ hợp tác hoá, Khoán 10 và bây giờ là cuộc cách mạng mới khi có sự phân bổ lớn lại ruộng đất. Ông khuyến cáo, cải cách ruộng đất với mật độ dày đặc (15 năm/lần) đã làm đảo lộn rất lớn đến cuộc sống của người dân, trong đó chỉ hai cuộc người dân được đất và hai cuộc bị mất đất.

Cuộc cách mạng ngày nay, chính là một cuộc cách mạng mà người nông dân bị mất đất, bằng chứng là trong vòng 5 năm (2000-2005), đã có 2 triệu hộ gia đình ít, nhiều đã bị thu hồi đất. TS. Tuấn Anh chỉ ra rằng, chúng ta đang rất thụ động trong cuộc cách mạng này, và chỉ chập chững chuẩn bị đối phó là chính mà chưa coi đó là cuộc cách mạng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc giao đất quá lớn, trong khi chính quyền TƯ lại buông lỏng quản lý. Chính vì được tiến hành một cách tự phát, địa vị người dân gần như không có, nên họ không có quyền đàm phán, buộc phải phục tùng, chấp nhận.

Hệ quả, về lâu dài, sẽ tạo thành một sự mâu thuẫn trong xã hội, âm ỉ rồi dần bùng phát mà điển hình là các vụ khiếu kiện của người dân hấu hết đều liên quan đến đất đai. "Với cách lấy đất như hiện nay, đất đai cả nước đang dần bị băm nát, ruộng đất của dân cũng bị băm nát, hậu quả sẽ rất nặng nề", TS. Tuấn Anh lo ngại.

Cần cái nhìn sâu hơn về nông thôn, nông dân

Do bản chất phức tạp, nhiều chiều của chủ thể tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) nên sẽ không đầy đủ nếu chúng ta quá thiên về khía cạnh kinh tế (nông nghiệp) mà "bỏ quên" cái nhìn xã hội, tức là nông thôn và nông dân - GS. Trịnh Duy Luân - Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội) thẳng thắn.

Chính vì chưa có sự hài hòa, lồng ghép giữa hai yếu tố kinh tế - xã hội nên chúng ta đang xử lý thụ động các vấn đề phát sinh trong đời sống nông thôn Việt Nam.

"Vị thế của người nông dân trong cấu trúc xã hội đã thay đổi, cần có cách ứng xử mới, không nên lạm dụng, vắt kiệt mà đền bù không tương xứng", GS. Luân nói. “Người nông dân đã biết sản xuất, biết tính toán, nên chúng ta không chỉ cứ lấy đi của họ 1 sào đất rồi đền bù là xong, mà cần phải thực hiện các chính sách an dân và hỗ trợ nhiều hơn, coi nông dân như một nhóm lợi ích xã hội”.

Ngoài ra, theo GS. Luân, cần cảnh báo cho họ những thay đổi trong quá trình phát triển, chuẩn bị chiến lược đối phó với những mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong thời kỳ mới. Còn GS.TS. Lê Duy Phong kiến nghị nên sớm sửa đổi Luật Đất đai để những người biết làm ăn trên quy mô lớn có thể tích tụ ruộng, sản xuất hàng hoá lớn.

Một vấn đề khác cũng được các nhà khoa học cảnh báo, đó là mối quan hệ giữa con người với con người ở nông thôn.

PGS-TS. Vũ Mạnh Lợi (Viện Xã hội học) chỉ ra rằng, một bộ phận lớn nông dân đổ ra thành thị đã làm mối nối kết cộng đồng trong xã hội nông thôn trở nên lỏng lẻo. Ông đánh giá, mối quan hệ giữa người với người ở nông thôn bắt đầu rã đám. Họ sống theo kiểu "nhà nào biết nhà ấy", không chịu bất kỳ một sức ép nào để điều chỉnh hành vi, lối sống có chuẩn mực của mình, dẫn tới tình trạng an ninh xã hội khó kiểm soát.

TS. Lợi đề xuất, cần nâng cao vai trò của các loại hình hợp tác xã và rất cần một cơ chế, chính sách lôi cuốn các tổ chức xã hội tham gia vào cộng đồng làng xã, để dân tự lo liệu. Ông cho rằng, quản lý Nhà nước của ta đang rất yếu kém khi muốn làm cho dân nhiều song không làm nổi. Do vậy, cần có cách nhìn mới về quản lý con người, theo một cách năng động hơn.

* Hà Yên




0 nhận xét:

Đăng nhận xét