Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Kinh tế Việt Nam 2010

A. Kinh tế Việt Nam 2009
B. Dự báo kinh tế Việt Nam 2010
C. Kinh tế Việt Nam 2010


A. Kinh tế Việt Nam năm 2009
TS Trần Vinh Dự
Bối cảnh chung
         
- Bối cảnh KT thế giới: khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng tốc.
- Đặc điểm KTVN: tăng trưởng dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
- Các chỉ số cơ bản:
+ Chỉ số XK giảm: xuất khẩu của VN giảm 11.4% so với cùng kỳ năm trước.
+ Đầu tư nước ngoài chỉ xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm trước
         
1.     Lèo lái tốt (tăng trưởng GDP)
 Tăng trưởng kinh tế ước tính của năm 2009 vẫn lên tới 5.2% (sau khi đã khấu trừ lạm phát)
Duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt trong điều kiện thế giới chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái rõ ràng là thành tích ấn tượng nhất trong lĩnh vực quản lý kinh tế của chính phủ trong năm 2009. (?????)

2.     Thị trường chứng khoán VN (TTCK) hồi phục:

- Đầu năm 2009 với VN-Index nằm ở mức 315 điểm, sau đó tụt xuống thấp nhất ở mức 235 điểm vào ngày 24 tháng 2 (giảm 25.4%).
- TTCK đã hồi phục mạnh mẽ, VN-Index đạt trần vào ngày 22 tháng 10 với mức 624 điểm, tức là tăng khoảng 100% so với hồi đầu năm và 165% so với thời điểm chỉ số này chạm đáy
- VN-Index đã liên tục giảm trở lại từ cuối tháng 10 và hiện nay chỉ còn ở mức 440 điểm (số liệu trong ngày 16 tháng 12).
Đà giảm điểm này có lẽ còn kéo dài nữa do vấn đề thanh khoản  (liquidity) trong hệ thống ngân hàng ở VN.

3.     Thâm hụt mậu dịch và sức ép phá giá tiền tệ:

- Thâm hụt mậu dịch quốc tế vẫn liên tục tăng từ hàng chục năm nay tạo nên sức ép thường trực lên giá trị của đồng VND.
- VN đã phải tuyên bố phá giá 5.4% giá trị đồng VND vào hồi cuối tháng 11 vừa rồi

Mặc dù chỉ vài ngày trước đó các chính trị gia hàng đầu của đất nước vẫn khẳng định như đinh đóng cột là không có chuyện phá giá.

4.     Đầu tư nước ngoài ít thực chất

-         Tỉ lệ FDI đầu tư vào bất động sản trong năm 2008 là 36.8%  và trong 10 tháng đầu năm 2009 là 30% ($5.67 tỉ trong tổng số khoảng $19 tỉ).
-         Nếu tính cả số FDI đầu tư vào dịch vụ du lịch thì vốn FDI vào bất động sản và du lịch chiếm tới 76% trong tổng số vốn FDI đầu tư vào VN trong 10 tháng đầu năm 2009.

Do sức ép phải duy trì được thành tích kêu gọi vốn nước ngoài, Việt Nam đã phải chấp nhận cho FDI đi mạnh vào các khu vực “bong bóng” như bất động sản và du lịch thay vì vào các khu vực công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng, hay giáo dục là các khu vực có tác dụng nâng cao năng suất của nền kinh tế về dài hạn.

5.     Khả năng trả nợ của quốc gia ngày càng bị đánh giá thấp

- Hiện nay các khoản nợ quốc gia của Việt Nam được Moody xếp hạng Ba3 và Standard & Poor’s xếp hạng BB.

-  Hồi giữa năm 2008, Standard & Poor’s đã hạ thấp mức xếp hạng chỉ số tín dụng quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” (stable) xuống “tiêu cực” (negative).

Vì bị xếp hạng tín dụng thấp, khả năng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ  ra nước ngoài ngày càng khó khăn.

6.     Cuộc đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng

- Chỉ trong 11 tháng từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã lên tới 36%. Vì thế, mức lạm phát cả năm hiện nay được dự tính sẽ vào khoảng  6.8%.

- Ngân hàng phát triển Châu Á hồi cuối tháng 9 vừa qua còn dự báo lạm phát của năm 2010 ở Việt Nam có thể lên tới 8.5% nếu chính phủ tiếp tục duy trì gói kích thích tài chính.

- Để ngăn chặn khả năng lạm phát quá cao, hồi cuối tháng 11 này, NHNN đã phải tăng lãi suất cơ bản và yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) hạn chế cho vay vào các mục đích phi sản xuất. Hậu quả là  nguồn tín dụng cho chứng khoán và nhà đất bị thu hẹp một cách bất ngờ. Chính vì vậy mà TTCK tiếp tục tụt dốc không phanh, còn thị trường bất động sản thì cũng được VNeconomy mô tả là “bong bóng đang xì hơi.”

Việt Nam hứng chịu sức ép lạm phát trong suốt cả năm 2009 do tăng trưởng tín dụng nhanh và giá nguyên vật liệu thô tăng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tìm cách kiềm chế đà tăng này bằng cách yêu cầu các ngân hàng duy trì mức tăng tín dụng cả năm không quá 30%.

7.     Hiệu quả sử dụng vốn quá thấp

-         hiệu quả của vốn đầu tư của Việt Nam đã ngày càng kém đi trong nhiều năm trở lại đây. ICOR của Việt Nam [năm 2006] là 4.2, cao hơn nhiều so với Trung Quốc khi đó là 3.7 hay Ấn Độ là 3.3.” Theo một nghiên cứu được Intellasia trích đăng lại thì ICOR trong năm 2007 là 4.76.
- Có vẻ như chỉ số này của năm 2009 còn kém hơn nữa. Khi được đề nghị dự báo về chỉ số cho năm 2009, ông Bùi Bá Cường của Tổng cục Thống kê đã trả lời: “Đầu tư của nhà nước tăng bất thường lên hơn gấp rưỡi - tính theo giá thực tế, mà tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,2% thì rõ ràng là ảnh hưởng đến ICOR rồi.”

Hiệu quả sử dụng vốn thấp đồng nghĩa với giá thành cao và khả năng cạnh tranh của hàng hóa ở Việt Nam sẽ phải kém đi tương đối. Điều này hoàn toàn bất lợi cho một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.
Kết luận: Nền kinh tế “chạy” không nhanh
nhưng luôn “quá nóng”:

- Điểm đau đầu nhất mà chính phủ của Thủ tướng Dũng đang gặp phải có lẽ là kinh tế Việt Nam đang bị coi là ở trong tình trạng “quá nóng” mặc cho tốc độ tăng trưởng không thực sự cao nếu so sánh với tốc độ phát triển kinh tế của các nước Đông Á hay Trung Quốc một vài thập niên trước. Mấu chốt của vấn đề này có lẽ ở chỗ cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang bị mất cân đối nghiêm trọng và cần phải được điều chỉnh về cơ bản.

- Hiện nay các chủ nợ như ADB đang kêu gọi Việt Nam nên tăng trưởng chậm lại và tập trung vào giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, tái cấu trúc cơ cấu kinh tế nhằm duy trì được khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
 
*********************************************

B. Kinh tế Việt Nam năm 2010
(Dự báo tổng quan 1 nền KT)
Thanh Bình
1.     Lặp lại kịch bản 2009?
- Kinh tế vĩ mô gặp những khó khăn vào quý 1/2010 do một số vấn đề:
(i) tiếp tục chính sách thận trọng để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là vấn đề tín dụng khi gặp phải 2 mốc quan trọng là tết dương lịch và nguyên đán;
 (ii) tăng trưởng trong quý 1 thông thường là quý thấp nhất của năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng hoàn toàn tương tự;
 (iii) thời điểm đầu năm, xuất khẩu kém hơn trong khi nhập khẩu gia tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, cộng thêm cần phải phân tích cụ thể hơn để thay đổi chính sách phù hợp.
- Cuối quý 1, đầu quý 2/2010 sẽ có những thay đổi lớn về chính sách kinh tế.
“Bóng ma” lạm phát có thể sẽ không đáng sợ như những gì ước tính ở thời điểm cuối năm 2009 nhờ sự hồi phục của đồng USD làm giảm áp lực lên khu vực thâm hụt thương mại và nhập khẩu lạm phát. Khi đó, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, nới lỏng tín dụng cũng như các biện pháp kích thích khác sẽ có dư địa để thực thi.
1. Sự tăng trưởng và ổn định có thể đạt được trong quý 2 và quý 3, tuy nhiên có khả năng sẽ có đợt ảnh hưởng từ kinh tế thế giới do 4 siêu cường: Mỹ, Nhật, EU và Trung Quốc. Kinh tế gia Paul Krugman đã dự báo xác suất khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái lại 1 lần nữa trong nửa cuối năm 2010 lên đến 30%.
Ông Roubini thì quan ngại đến vấn đề đồng tiền chung Châu Âu sẽ gặp những thách thức để tiếp tục tồn tại.
Các nhà kinh tế cũng e ngại về vấn đề tăng trưởng nóng của Trung Quốc và bong ien tài sản. Nhật vẫn chưa khôi phục lại được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mình… Mặc dù vậy, kỳ vọng vào sự ổn định của kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vào quý 2-3/2010 là có thể tin tưởng được.
- Cuối quý 3 đến quý 4/2010 có lẽ những dấu hiệu về tăng trưởng tín dụng, lạm phát, thâm hụt,… tiếp tục có tác động đến chính sách kinh tế của Việt Nam tương tự như giai đoạn của năm 2009.
Và nếu một trong những vấn đề mà các nhà kinh tế quan ngại trở thành hiện thực thì có khả năng một đợt suy thoái trở lại vào giai đoạn cuối năm hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên nó sẽ không quá tồi tệ như những gì đã trải qua vào giai đoạn 2008-2009.

2. Cơ sở của kỳ vọng trên được minh chứng qua những dấu hiệu của tháng đầu năm nay, có lien tưởng đến những hệ quả của chính sách kinh tế vĩ mô trước đó.
- Xuất nhập khẩu và thâm hụt thương mại
Để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ban ngành phối hợp điều tiết nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giữ mức mục tiêu cho nhập siêu năm 2010 ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 1/2010 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu tháng 1/2010 đạt 1,3 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 26,5% kim ngạch xuất khẩu) đã làm gia tăng mối quan ngại cho rằng Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu nhập siêu thấp hơn 20% kim ngạch xuất khẩu và mức tuyệt đối là 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, với một cách nhìn lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới thì những tháng tiếp theo chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu. Tập đoàn than và khoáng sản lên kế hoạch xuất khẩu 18 triệu tấn than trong năm 2010. Xuất khẩu gạo năm 2010 cũng được đánh giá là "năm vàng" cho ngành này. Tập đoàn cao su Việt Nam cũng ước tính kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2010, tăng 25% so với năm 2009 (năm 2009 đạt 1,2 tỷ USD). Dệt may cũng đặt kế hoạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD trong năm 2010 so với 9,1 tỷ USD của năm 2009; ngành thuỷ sản cũng dự kiến tăng trưởng 10% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay....
Trong khi đó, những nhu cầu nhập khẩu những hàng hoá thiết yếu như ô tô sẽ giảm sút do những ưu đãi về thuế đã kết thúc cùng gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ vào 31/12/2009.
Một cơ hội, nằm ngoài dự kiến dài hạn trước đây, đó là chất lượng sản phẩm hàng tiêu dùng và thực phẩm chế biến của Trung Quốc - thị trường chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2009 -  đang mất dần lòng tin của người tiêu dùng trong nước cũng làm cho giá trị nhập khẩu giảm đáng kể và là cơ hội cho hàng trong nước chiếm ưu thế. Do đó, với những thông tin tích cực về kinh tế, năm 2010 Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát nhập siêu thấp hơn 20% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong từng thời đoạn thì con số này sẽ có những biến động đáng kể. Nhiều khả năng nhập siêu sẽ giảm dần trong tháng 2-3 và tăng trở lại trong quý 2 và quý 4, phù hợp với chu kỳ kinh tế dự báo của Việt Nam.
-Tỷ giá hối đoái
Tháng 11/2009, NHNN chính thức áp dụng tỷ giá niêm yết và biên độ tỷ giá mới, với biên độ thu hẹp từ +5% xuống +3%, trong khi đó lại tăng tỷ giá niêm yết từ 17.034 VND/USD (25/11/2009) lên 17.961 VND/USD (26/11/2009) đã làm cho tỷ giá tăng 5,44%, kết hợp với việc thay đổi lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm.
Việc thay đổi tỷ giá được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm giảm bớt những khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động USD tài trợ cho nhu cầu xuất khẩu, cũng như thay đổi sự mất cân đối nguồn ngoại tệ giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen. Đồng thời điều này cũng làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với hàng nhập khẩu, từ đó chuyển dịch cán cân thương mại có lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời điểm và cách thức thay đổi lại là vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Vào lúc Việt Nam thay đổi chính sách tỷ giá thì đồng USD khá yếu so với các ngoại tệ khác, do đó việc nhập khẩu bằng đồng ngoại tệ khác như EURO, bảng Anh,... sẽ làm gia tăng gánh nặng cho kim ngạch nhập khẩu khi tính theo đồng VND.
Mặt khác, những thay đổi chính sách mang tính chất tức thời đã làm cho các doanh nghiệp có khoản vay bằng đồng ngoại tệ chịu một sức ép rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khi không có đủ thời gian để thực hiện các nghiệp vụ phái sinh cho khoản vay này. Tiêu biểu trên thị trường chứng khoán niêm yết là trường hợp của Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại - PPC với khoản vay bằng đồng YEN cho hoạt động đầu tư mở rộng nhà máy của mình.
Về mặt bản chất, chính sách tỷ giá cũng cần phải thay đổi linh hoạt dựa trên những số liệu về cung cầu ngoại tệ. Theo một số nhà phân tích, chính việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do quá phổ biến vừa làm Chính phủ gặp những khó khăn trong việc điều hành chính sách, vừa tăng tổng phương tiện thanh toán của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo thống kê, kiều hối năm 2009 của Việt Nam lên đến 6,3 tỷ USD nhưng chỉ có 10% được bán cho ngân hàng.
Cũng theo kế hoạch năm 2010 thì nguồn thu USD của Việt Nam khá tốt, nguồn vốn FDI giải ngân dự kiến đạt 10 tỷ USD, nguồn ODA cam kết cho năm 2010 lên mức kỷ lục là 8 tỷ USD, cộng thêm 1 tỷ USD vừa phát hành thành công trái phiếu chính phủ, chưa tính đến nguồn kiều hối, đầu tư gián tiếp, khách du lịch,... Như vậy, nếu tính tổng thể thì cung cầu về ngoại tệ năm 2010 không quá khó khăn khi mục tiêu nhập siêu năm nay khoảng 12 tỷ USD trong khi nguồn cung xấp xỉ 20 tỷ USD. Tuy nhiên, do dòng vốn vào - ra có tính lệch kỳ nên cũng có khả năng xuất hiện tình trạng thừa/thiếu tạm thời, điều này sẽ làm cho tỷ giá có những dao động nhất định.
Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách tỷ giá sẽ là tâm điểm của kinh tế vĩ mô năm 2010. Nhưng thực tiễn cũng cảnh báo thêm là: ngoài tỷ giá thì vấn đề lãi suất cũng sẽ là điểm nhấn về chính sách vĩ mô của Nhà nước đáng kể trong năm nay.
- Lạm phát và tăng trưởng kinh tế
Việt Nam cần tăng trưởng để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nhưng cũng cần phải ổn định lạm phát để tránh ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, do đó mục tiêu của Chính phủ trong năm 2010 là ổn định để tăng trưởng.
Chính sách này được thể hiện rất rõ khi NHNN thực hiện các biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng ngay thời điểm cuối năm 2009 khi một số dấu hiệu của lạm phát trở lại. Đây được coi là chính sách phòng ngừa của NHNN, khác so với giai đoạn trước, chủ yếu chính sách là ngăn chặn, sửa chữa.
Có thể thấy lạm phát của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi 2 nguồn: nguồn trong nước do các vấn đề về tăng trưởng tín dụng, mặt bằng giá cả thay đổi do các yếu tố đầu vào như: điện, than... Nguồn từ bên ngoài tác động, đó là giá cả của các mặt hàng như: nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng,...
Đối với nguồn trong nước, trong tháng 1/2010 thì tăng trưởng tín dụng chỉ có 1%, nhưng điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng chỉ tăng có 0,3%, cho thấy nguồn vốn của dân cư vẫn chưa tìm đến các ngân hàng do chênh lệch suất sinh lợi giữa các cơ hội đầu tư.
Tiềm ẩn ảnh hưởng đến CPI năm 2010 nhiều có lẽ là kế hoạch tăng giá bán than, điện, việc tăng lương theo kế hoạch cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng tiêu dùng trong nước.
Đối với nguồn bên ngoài thì hoàn toàn phụ thuộc vào mặt bằng giá của nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng, chủ yếu các hàng hoá này được định giá bằng đồng USD, do đó tác động lên CPI dựa trên 2 điểm: (i) tương quan sức mạnh đồng USD so với các ngoại tệ khác; (ii) chính sách tỷ giá của Việt Nam.
Nâng tỷ giá, về mặt lý thuyết sẽ làm cho hàng nội địa cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, tuy nhiên thực tế thì có thể sẽ tăng sức ép lên lạm phát do chính hàng trong nước nâng giá lên để tương ứng với hàng nhập khẩu tăng giá do tỷ giá thay đổi. Như thế, thay vì nâng sức cạnh tranh thì hàng nội địa nâng giá để hưởng lợi.
Những diễn biến tích cực của sức mạnh đồng USD trong thời gian qua cũng sẽ là nhân tố tốt ủng hộ cho những chính sách của Chính phủ trong vấn đề kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Việc thay đổi rổ hàng hoá để tính CPI, bắt đầu từ tháng 1/2010 cũng sẽ làm cho chỉ số CPI thay đổi so với cách tính trước đây, theo công bố của Tổng cục thống kê thì tỷ trọng của hàng ăn và dịch vụ ăn uống lên đến 39,93%, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 11 nhóm hàng sử dụng để tính CPI của Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam trong năm 2010 là kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số và tăng trưởng 6,5%. Trong tháng 1/2010 nếu như CPI tăng 1,36% so với tháng 12/2009 nhưng chỉ tăng 7,62% so với tháng 1/2009. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2010 đạt mức 62.8 ngàn tỷ đồng, tăng 28.4% so với tháng 1/2009.

Kết luận: Có thể thấy, khả năng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2010 là khả thi, đồng thời những diễn biến hiện tại cho thấy lạm phát không phải là vấn đề quá lớn đối với Việt Nam trong năm 2010.

C. Kinh tế Việt Nam 2010
(Dưới góc nhìn khác nhau)

1. Góc nhìn kinh tế vĩ mô
TS Lê Quốc Hội

a. Tăng trưởng kinh tế
Năm 2010, kinh tế của Việt Nam tiếp tục có sự phục hồi nhanh chóng sau tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hình 1 cho thấy có cải thiện tốc độ tăng GDP theo các quý trong năm 2010. Tốc độ tăng GDP quý I đạt 5,83%, quý II là 6,4%, quý III tăng lên 7,14% và dự đoán quý IV sẽ đạt 7,41%. Uớc tính GDP cả năm 2010 có thể tăng 6,7%, cao hơn nhiệm vụ kế hoạch (6,5%). Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm chạp và trong nước gặp phải nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao như trên là một thành công. Với kết quả này tốc độ tăng trưởng GDP cả giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 7%/năm và thu nhập quốc dân bình quân đầu người năm  2010 ước đạt 1.160 USD.



Các chỉ số tăng trưởng cho các ngành cũng thể hiện một xu hướng phục hồi rõ rệt. Công nghiệp tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2009 và năm 2010 ước tăng 14% so với năm 2009. So với khu vực công nghiệp thì khu vực dịch vụ cũng có sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế thế giới những ở mức độ thấp hơn. Tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm là 7,24% và triển vọng tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm 2010 có thể đạt 7,5%. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, năm 2010 gặp nhiều khó khăn: đầu năm hạn hán nghiêm trọng, giữa năm nắng nóng gay gắt, cuối năm mưa lũ lớn kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên. Những khó khăn này đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất vụ mùa, nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi. Tuy nhiên, do thực hiện nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ hộ nông dân và các doanh nghiệp về vốn, vật tư, tiêu thụ kịp thời, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm đã tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2009, và ước cả năm 2010 tăng khoảng 2,8%.

b. Đầu tư
Kinh tế phục hồi là một nguyên nhân quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư phát triển. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2010 đã đạt được những kết quả tích cực. Ước tính tổng đầu tư toàn xã hội năm 2010 đạt 800 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2009 và bằng 41% GDP. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của tư nhân và của dân cư dẫn đầu bằng 31,2% vốn đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn đầu tư nhà nước (gồm đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước và nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước) bằng 22,5%, tăng 4,7% so với năm 2009. Những kết quả này cho thấy các nguồn lực trong nước được huy động tích cực hơn. Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến hết tháng 11, cả nước thu hút được 833 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt 13,3 tỷ USD, bằng 60% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó vốn thực hiện ước đạt 10 tỷ USD, tăng 9,9%. Mặc dù vốn FDI đăng ký có thấp hơn nhiều so với năm 2009 nhưng tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký lại cao hơn nhiều. Đây có thể được coi là điểm sáng trong thu hút FDI năm 2010. Điều này cũng cho thấy sự cam kết lâu dài các nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường Việt Nam.

Tốc độ tăng vốn đầu tư cao và nhanh một mặt thể hiện quan hệ tích lũy - tiêu dùng đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, nhưng mặt khác lại cho thấy những hạn chế trong hiệu quả đầu tư. Nếu như năm 1997, chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng 8,2% với vốn đầu tư chỉ chiếm 28,7% GDP thì cũng với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ như vậy năm 2007 (8,5%) chúng ta phải đầu tư tới 43,1% GDP. Đến năm 2010, trong khi tổng mức đầu tư toàn xã hội lên tới 41% GDP, thì tốc độ tăng trưởng lại chỉ đạt 6,7%. Chỉ số ICOR đã tăng tới mức quá cao, trên 8 so với 6,6 của năm 2008. Hệ số ICOR của doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân chỉ có 3-4, trong khi đó ICOR của khu vực kinh tế nhà nước và từ đầu tư của nhà nước tới 9-101 . Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, lãng phí, thất thoát vốn đầu tư ở tất cả các khâu của quá trình quản lý dự án đầu tư. Những đặc điểm này là đáng báo động về cả trước mắt cũng như lâu dài.

c. Lạm phát và giá cả
Năm 2010 lạm phát có những diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến cuối tháng 8 chỉ số giá tiêu dùng diễn biến theo chiều hướng ổn định ở mức tương đối thấp, trừ hai tháng đầu năm CPI ở mức cao do ảnh hưởng bởi những tháng Tết. Tuy nhiên, lạm phát đã thực sự trở thành mối lo ngại từ tháng 9 khi CPI tăng bắt đầu xu hướng tăng cao. Đến hết tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới 9,58% và mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 8% mà Quốc hội đề ra sẽ không thực hiện được.



Lạm phát và giá cả của năm 2010 tăng cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự phục hồi của nền kinh tế làm cho nhu cầu các loại hàng hóa dịch vụ đều tăng cao, cộng với thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung lại càng làm tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... Thứ hai, giá của một số mặt hàng nhập khẩu của nước ta trên thị trường thế giới tăng lên do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu làm tăng chi phí sản xuất của nhiều doanh nhiệp. Thứ ba, việc điều chỉnh tỷ giá làm đồng tiền nội tệ mất giá làm cho chi phí nhập khẩu tăng lên đẩy mặt bằng giá nhiều hàng hóa tăng theo. Bên cạnh đó những nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát cao ở Việt Nam những năm trước vẫn còn. Đó là sự thiếu kỷ luật tài chính trong đầu tư công và trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tập đoàn lớn. Do vậy, kích cầu đầu tư thông qua nới lỏng tín dụng cho các DNNN và tập đoàn cùng với thiếu sự thẩm định và giám sát thận trọng cũng góp phần kích hoạt cho lạm phát trở lại. Sự điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước và sự gia tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở những tháng cuối năm 2010 sẽ tiếp tục gây sức ép làm tăng lạm phát không chỉ những tháng cuối năm mà có thể cả trong năm 2011.

d. Tỷ giá
Trong nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) kiên trì chính sách ổn định đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la Mỹ. Diễn biến tỷ giá trong năm 2010 là khá phức tạp. Mặc dù NHNN đã điều chỉnh nâng tỷ giá liên ngân hàng hai lần vào tháng 2 và tháng 10, khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do luôn ở mức cao. Tỷ giá chính thức có thời điểm thấp hơn tỷ giá trên thị trường tự do tới 10%. Đến cuối tháng 11 năm 2010, tỷ giá trên thị trường tự do đã đạt mức 21.500 đồng/USD.



Hình 3 cho thấy về cuối năm tỷ giá càng biến động và mất giá mạnh, thị trường ngoại hối luôn có biểu hiện căng thẳng. Những bất ổn về tỷ giá có nguyên nhân sâu xa từ những bất ổn về kinh tế vĩ mô đó là bội chi cao, nhập siêu lớn và hiệu quả đầu tư công thấp… làm cho cầu ngoại tệ luôn lớn hơn cung ngoại tệ. Bên cạnh đó hiện tượng đầu cơ và tâm lý cũng gây áp lực mạnh mẽ lên tỷ giá. Những bất ổn trên thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái đã tiếp tục gây ra những khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hơn nữa, đồng tiền mất giá còn ảnh hưởng đến lạm phát trong nước do giá hàng nhập khẩu tăng mạnh. Trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng và tính không ổn định trên thị trường tiền tệ, đòi hỏi cần phải có sự lựa chọn linh hoạt cơ chế điều hành tỷ giá để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

e. Thu chi ngân sách
Năm 2010, tình hình kinh tế trong nước chuyển biến tích cực đã tạo điều kiện để tăng thu ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước năm 2010 ước đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán, tăng 17,6% so với năm 2009, và đạt tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước là 26,7%. Mặc dù tỷ trọng thu nội địa có tăng nhưng chiếm tỷ trọng không lớn (khoảng 60%). Việc chấp hành kỷ luật ngân sách không nghiêm, thất thu, gian lận, nợ đọng thuế, kể cả thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu còn lớn. Số nợ thuế chờ xử lý (chiếm hơn 20% tổng số nợ thuế) tăng khá nhiều. Đây là dư địa quan trọng để tăng thu ngân sách và giữ kỷ cương luật pháp về ngân sách nhà nước. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 637.200 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán và tăng 9% so với thực hiện năm 2009. Bội chi ngân sách năm 2010 ước khoảng 117.100 tỷ đồng, bằng khoảng 5,95% GDP, giảm so với năm 2009 (6,9%) và cũng giảm so với kế hoạch đề ra (6,2%). Đó là những kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua cơn suy giảm. Tuy nhiên, bội chi ngân sách vẫn còn cao (chưa về mức dưới 5% như đã duy trì trong nhiều năm) và là một trong những nhân tố góp phần làm gia tăng lạm phát. Điều này cũng cảnh báo độ an toàn của ngân sách trong các năm tiếp theo nếu như không chủ động có các biện pháp cải cách để tạo nền tảng tăng nguồn thu cũng như tăng cường kỷ luật tài chính cho ngân sách.



f. Xuất nhập khẩu và cán cân thương mại

Năm 2010, xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhịp độ tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế của những nước vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU… vẫn phục hồi chậm chạp. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt khoảng 70,8 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2009. Xuất khẩu tăng là do sự đóng góp lớn của những mặt hàng công nghiệp chế biến cộng với sự phục hồi của kinh tế thế giới làm cho xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản được lợi về giá. Vấn đề tồn tại lớn nhất của xuất khẩu đã bộc lộ trong nhiều năm qua là việc vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng khoáng sản, nông, lâm, thuỷ, hải sản, dệt may, da giầy... Hơn nữa, các mặt hàng công nghiệp chế biến vẫn mang tính chất gia công. Như vậy, xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa xây dựng được các ngành công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn.



Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2010 ước đạt 82,6 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2009. Nguyên nhân chính của sự gia tăng nhập khẩu là do kinh tế có sự phục hồi làm gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất (chiếm khoảng 80% cơ cấu nhập khẩu). Mặc dù cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều tăng, nhưng do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, nên nhập siêu năm 2010 giảm xuống chỉ còn khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, so với những năm gần đây cán cân thương mại đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc kiềm chế nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết. Song mức nhập siêu vẫn còn cao cho thấy việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn còn chậm.

g. Cán cân thanh toán
Nếu như năm 2009, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt 8,8 tỷ USD, thì năm 2010 đã có sự cải thiện đáng kể. Phần thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai năm 2010 trên thực tế có thể được bù đắp hoàn toàn bởi thặng dư trong cán cân tài khoản vốn. Tuy nhiên, dự báo cán cân thanh toán năm 2010 vẫn thâm hụt khoảng trên 2 tỷ USD do phần “lỗi và sai sót” trong cán cân tài khoản vốn gây ra. Thực tế, tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối và việc giá vàng liên tục leo thang khiến doanh nghiệp và người dân găm giữ đô la và vàng. Như vậy, việc bố trí lại danh mục đầu tư của doanh nghiệp và người dân sang các loại tài sản bằng ngoại tệ và vàng sẽ tiếp tục gây ra vấn đề “lỗi và sai sót” và thâm hụt trong cán cân thanh toán trong năm 2010. Bên cạnh đó, mặc dù cán cân thanh toán được cải thiện trong năm 2010, lượng dự trữ ngoại hối vẫn không tăng một mặt do Ngân hàng nhà nước can thiệp vào thị trường để giữ ổn định tỷ giá, mặt khác có một lượng ngoại tệ lớn đang lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng.



h. Nợ công
Đến năm 2010, nợ nước ngoài của Việt Nam ước khoảng 42,2% GDP và tổng nợ công đã vượt quá 50% GDP. Theo phân tích của IMF (2010), Việt Nam vẫn ở mức rủi ro thấp của nợ nước ngoài nhưng cần lưu ý rằng khoản nợ này chưa tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước không được chính phủ bảo lãnh. Hơn nữa, vấn đề ở đây không chỉ là tỷ lệ nợ so với GDP mà cả quy mô và tốc độ của nợ nước ngoài và nợ công của Việt Nam gần đây đều có xu hướng tăng mạnh. Nếu năm 2001, nợ công đầu người là 144 USD thì đến năm 2010 lên tới 600 USD, tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 18%. Nợ công tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách lớn và hiệu quả đầu tư công thấp đặt ra những lo ngại về tính bền vững của nợ cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc cần tăng cường quản lý và giám sát nợ công một cách chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ở Việt Nam.




2. Góc nhìn “Kinh tế cũng là chính trị”
Nguyễn Xuân Nghĩa

Thế giới vừa bị một vụ tổng suy trầm 2008-2009, một chu kỳ đình đọng quái ác làm đảo lộn mọi quan hệ kinh tế trên toàn cầu, thì ngay trong năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 5%, vô cùng khả quan. Năm đó, lần đầu tiên mà lợi tức trung bình của người dân Việt đã vượt cái ngưỡng tâm lý là 1,000 Mỹ kim một đầu người. Tức là leo vào thành phần có mức sống thuộc loại trung bình của thế giới. Ngon!

Qua năm 2010, kế hoạch kích thích kinh tế vẫn được duy trì qua tăng chi và đầu tư của khu vực công và qua vòi tín dụng ngân hàng. Kết quả là khi các nước công nghiệp hóa thì mếu máo dở khóc dở cười, tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam đã tăng 6.78% - còn mạnh hơn năm trước - và đạt một cái mốc tâm lý đáng chú ý khác là sản xuất thêm được 100 tỷ Mỹ kim.
Xin tóm gọn là đà tăng trưởng 7% của một sản lượng là trăm tỷ...
Trong năm 2010 vừa qua, người Việt tại hải ngoại - chủ yếu là dân tỵ nạn năm xưa - đã gửi về qua ngả chính thức cho thân nhân ở nhà ít nhất là tám tỷ đô la tiền tươi, miễn phí, vô điều kiện. Nếu kể thêm các ngả khác thì nhiều hơn gấp bội, có khi là gấp đôi. Trong một năm mà sản lượng kinh tế tăng thêm 7% để đạt 100 tỷ đô la thì coi như dân ta đã làm giàu thêm được bảy tỷ.

Thế còn tám tỷ trời cho kia, nó chạy đi đâu?
Chạy vào rồi lại chạy ra.
Chảy vào là công đức của bà con ở ngoài, chảy ra là công lao của những người có quyền và có tiền. Năm 2005, Tổng Thống George W. Bush đã có một nhận định rất “kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa”: “Tiền đó là của ta, có trở về với ta thì cũng bình thường thôi!” Chỉ là... “Châu về Hiệp Phố”.
Ông thủ tướng phản ảnh hôm 31 tháng 12 khi nói đến thành tích đầu tư là hơn 40% tổng sản lượng để đem lại mức tăng trưởng 7%.
Người ta thường so sánh nỗ lực đầu tư với thành quả ở “chỉ số xuất lượng tư bản” - “incremental capital output ratio” hay ICOR.
Sơ đẳng lắm: Muốn sản lượng tăng thêm một đơn vị thì phải đầu tư mất bao nhiêu? Xin lấy một thí dụ rất nít nôi. Tôi có trăm bạc mà dè sẻn không tiêu hết, để đem 40 bạc vào việc đầu tư sản xuất thì một năm sau tôi có được 107 đồng. Tức là xuất lượng tăng được 7%, với cái giá, hay phí tổn, là 40 đồng - trường hợp của Việt Nam là 42 đồng, tính cho chính xác. Lấy con số 42 chia cho bảy, vị chi là có chỉ số xuất lượng hay ICOR là sáu (42:7=6).
Trong năm 2010 đầy huy hoàng vừa qua, Việt Nam đã gia tăng sản xuất được 7% nhờ gia tăng đầu tư 42%. Nếu không thèm nhìn ra ngoài để tiếp tục lạc quan thì chẳng ai hiểu ý nghĩa của mấy con số đó. Nhưng nếu nhìn qua xứ khác thì ta thấy hiệu năng đầu tư của Việt Nam chỉ bằng phân nửa các quốc gia có cùng trình độ: Với hiệu năng cao gấp đôi, người ta mà muốn tăng 7% thì chỉ đầu tư 21%, và còn lại 79 đồng... để hưởng, dân giàu nước mạnh là như vậy.
Kết luận một: Dân Việt Nam mình mệt sức gấp đôi thiên hạ. Khi Trần Hưng Ðạo Vương dạy là “phải khoan sức dân”, ngài đã biết gì về kinh tế chính trị học Mác-Lênin đâu! May là người dân lại không biết.
Hèn gì, chế độ phải kiểm soát thông tin để dân đen nó mất cơ sở so sánh và tiếp tục lạc quan tếu.
Mà vì sao lại mệt sức gấp đôi? Vì đảng và nhà nước quyết định thay cho bá tánh về việc phân bố đầu tư đó. “Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa” là như vậy
Chuyện chưa hết.
Khi cần gây phấn khởi, cái nhà nước của ông thủ tướng này đã ào ạt tăng chi ngân sách và dồn một lượng đầu tư rất lớn vào doanh nghiệp nhà nước. Ðây là khu vực kinh tế “chủ đạo” của nhà nước - mà ta nên gọi cho đúng là “nhà cái”. Khu vực này là các trung tâm “sản nhập” không phải là “sản xuất” vì nhập lượng đưa vào lại tạo ra một suất lượng thấp hơn. Thực tế thì hiệu năng của khu vực này chỉ bằng một phần tám của khu vực tư doanh - các định chế tài chánh quốc tế đều biết như vậy và viết như vậy.

Nhà cái dồn tiền cho nhà con của mình hì hục sản nhập và nhà con vốn dĩ không khờ đã phù phép cho các khoản nhập lượng đó bốc hơi ra ngoài. À! Giờ thì ta đã hiểu vì sao tám tỷ “kiều hối” của thân nhân từ ngoài chảy vào lại cứ chảy ra mất tăm. Kinh tế chính trị học của nhà cái.
Nếu vậy thì có gì là hay?
Chúng ta vẫn chưa hiểu gì cả, vì nhà cái cũng biết dùng “đòn bẩy” - thuật ngữ kinh tế tài chánh gọi là “leverage” - bà con ta cứ nôm na gọi là đi vay.
Theo quy luật “tích cốc phòng cơ - tích y phòng hàn” của các xã hội thường bị đói rét, dân ta có nếp văn hóa cần kiệm rất Á Châu. Vì vậy, trung bình tiết kiệm từ 31 tới 34% lợi tức, nhưng xin tính tròn là 30% cho dễ nhớ. Khi nhà cái vét khoản tiết kiệm nội địa là 30% đó để đầu tư thì vẫn chưa đủ con số 40% kỳ diệu để đạt phép lạ 7%. Cho nên mới đi vay.
Giới kinh tế uyên bác thì nói đến số thiếu hụt tư bản của cán cân chi phối - hay cán cân thanh toán, nói theo người Hà Nội - là 10%.
Thực tế là nhà cái đi vay thêm 10% cho nhà con của mình đánh bạc. Vinashin hay cả chục quả đấm thép là biểu hiện của trò vay mượn đó. Ai trả sau này là chuyện “túi vũ trụ mắc đàn sau gánh vác!”
Tức là kinh tế Việt Nam được uống thuốc bổ để đạt thành tích 7%, và thuốc bổ đó là tiết kiệm của dân, được nhà cái bổ sung bằng việc đi vay sau này cũng sẽ do người dân phải trả. Phẩm chất của đà tăng trưởng 7% này là chuyện không ai thèm đo đếm vì bài học kinh tế vỡ lòng là người ta chỉ đếm ra cái được mà khó nhìn thấy cái mất trong môi sinh bị hủy hoại hay bất công cứ chồng chất năm này qua năm khác.
Mà vay nhiều mà bị nguy cơ vỡ nợ thì các chủ nợ phải đòi phân lời cao hơn là chuyện cuối năm qua với cách lượng giá trái phiếu của Việt Nam dưới cấp giấy lộn - junk bonds - tới bốn bậc. Một xứ Ái Nhĩ Lan hay Bồ Ðào Nha mà bị Moody's hay S&P's xuống cấp trái phiếu - trên Việt Nam rất xa - thì cả Âu Châu đã rúng động. Chứ nhà cái của nước ta vẫn cứ bình chân như vại!
Cái chai em cầm làm sao làm sao to thế? Sắp tới đại hội đảng mà...
***
Vì kinh tế cũng là chính trị - nên người viết phải nhảy vào chuyện đo đếm vay mượn này.
Gánh công trái - trái khoản hay nợ nần của khu vực công, dùng chữ “công nợ” của người Hà Nội là chả hiểu gì cả nên vẫn cứ nửa nôm nửa chữ - đã vượt quá phân nửa của tổng sản lượng Việt Nam: Trong 100 tỷ Mỹ kim sản xuất ra một năm thì coi như nhà nước đi vay 51 tỷ.
Trong số 51 tỷ này hơn 31 tỷ là vay ngoại quốc, là 31 tỷ “ngoại trái” cho một sản lượng trăm tỷ. Ðó là thành tích chói lọi của năm 2010 - mà sẽ thành trói buộc sau khi nhà cái đấm ngực hít hà về Ðại hội 12.
Trói buộc vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ còn có 14 tỷ sóng đánh.
Nhưng đếm cho kỹ thì coi vậy mà vẫn chưa phải vậy. Trong cái gánh nặng công trái đó, thủ thuật kế toán và thống kê của Việt Nam không kể các khoản vay mượn của doanh nghiệp nhà nước - các cơ sở chủ đạo chuyên trị về sản nhập. Chúng đi vay được để đánh bạc kiểu đó là nhờ có nhà cái đứng sau lưng. Thuộc diện chính sách mà! Nếu tính thêm cái khoản vay mượn hào phóng này để vén tay áo sô đốt nhà tang giấy thì nhà cái phải chịu trách nhiệm thêm chừng 40 tỷ đô la nữa.
Vị chi là hơn 90 tỷ cho một sản lượng 100 tỷ. Ðó mới là cách đếm và đeo lên ngực. Vì nhà cái vay tiền cho nhà con của mình đốt pháo bông mừng đại hội đảng.

Như chưa đủ huê dạng, ông thủ tướng này còn tăng cường sức bật khi gom các tổng công ty thành “tập đoàn kinh tế chiến lược” của nhà nước. Thành quả là một chuỗi Vinashin mà người ta mới chỉ lấp ló thấy cái ngọn sủi bọt ở trên.
Và tầng kiến trúc ngoạn mục đó nằm trên số vốn dằn lưng là 14 tỷ sóng đánh!
Mai sau rồi sẽ thế nào?
***
Sau khi bị lạm phát trên 22% mới chỉ đầu năm 2008 thì vì nhu cầu hồ hởi sảng, trong hai năm liền Việt Nam đã bơm tiền rất bạo như kẻ uống thuốc cường dương để cỗ xe tiếp tục đổ dốc với tốc độ rồng cọp. Chu kỳ đó đã đi hết sự vận hành của nó và lạm phát năm xưa lại trở về. Tới cuối năm chưa kịp ăn Tết thì đã mấp mé 12%, nặng nhất là lương thực và năng lượng.
Trong vài tháng tới thôi, dầu thô sẽ vọt lên giá và trung bình toàn năm là hơn 100 đô la một thùng. Giọt dầu là giọt máu vì nền kinh tế này mới chỉ làm gia công cho thiên hạ - bằng sức dân và lương bổng thấp - khi phải nhập cảng nguyên nhiên vật liệu chế biến thêm một chút trị giá gia tăng nhờ bộ máy sản xuất. Với dầu thô vượt giá một trăm, tình hình sẽ vô cùng khốn đốn vì xứ này mới chỉ có dầu mà chưa có xăng - còn phải đi nhập, cùng rất nhiều loại thương phẩm khác.
Và nhập luôn cả lạm phát của thiên hạ về bổ sung cho lạm phát tiền tệ ở nhà.
Vật giá gia tăng thì đồng bạc càng thêm mất giá so với đô la - trên một cái phao chỉ có 14 tỷ, lại bị ghìm xuống đáy ở các khoản công trái khổng lồ. Phá giá đồng bạc sẽ là quy luật, và cùng với lạm phát sẽ thành vòng xoáy đi xuống.

3. Góc nhìn triết học
BS Hồ Hải

Trong kinh tế chính trị học của hệ thống Marxist có một câu rất nổi tiếng: "Nền kinh tế là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng chính trị. Và kiến trúc thượng tầng tác động trở lại cơ sở hạ tầng". Với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như đảng đã vạch ra, bản thân nó không phải là kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà là một nền kinh tế thị trường có bàn tay hữu hình tác động vào theo ý chí của con người sai quy luật. Nên kiến trúc thượng tầng không có gì thay đổi so với thời kỳ bao cấp. và nó là nguyên nhân chủ yếu góp phần cho kinh tế rơi vào suy thóai lần 2 trong 3 năm qua.
Biểu hiện sai trái của nó qua việc năm 2010 là năm ngã ngựa của hàng loạt doanh nhân Việt. Với việc tái cơ cấu lại Vinashin như hiện nay, về mặt bản chất không có gì thay đổi so với Vinashin của trước khi nó sụp đổ. Như vậy, việc đón chờ những sụp đổ mới là không tránh khỏi.
Lạm phát gia tăng là do lý luận đường lối chưa đúng ngay từ đầu đã đẩy kinh tế vào một cuộc suy thóai lần thứ hai, trong khi các nước trên thế giới bắt đầu phục hồi. Suy thóai năm nay biểu hiện qua ngân hàng tăng lãi suất kịch trần vì thiếu thanh khỏan đến nỗi chính phủ phải cảnh cáo. Suy thóai còn biểu hiện qua lạm phát đến nỗi mà không dám tính tỷ lệ lạm phát mà chỉ dám tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI: Consumer Price Index) không thể đại diện cho lạm phát, nhưng cũng đã lên đến 11.75%.
Trong khi đó tăng trưởng kinh tế chỉ đến 6.78%, Nếu nhìn góc độ một người dân có tiền dư thừa để bỏ ngân hàng trong 12 tháng thì lãi suất âm, vì 9 tháng đầu năm lãi suất ngân hàng chỉ 8%! Hậu quả của suy thóai không chỉ là lạm phát mà di chứng của nó sẽ là thiểu triển, vì với lãi suất kịch trần của ngân hàng như hiện nay không có bất kỳ doanh nghiệp nào dám đầu tư sản xuất kinh doanh, mà phải thu gọn lại doanh nghiệp để chống chọi với việc phá sản. Biểu hiện rõ nét cho lạm phát năm 2010 là hàng ngàn mặt hàng phải tăng giá.
Trong khi đô la Mỹ lại bị mất giá trên trường thế giới để đẩy giá vàng tăng đến 29% trong năm 2010,  làm trong nước tăng giá vàng SJC là 26.700.000VNĐ/lượng đã tăng lên đến 36.100.000VNĐ/lượng cho thấy rằng tỷ lệ tăng của vàng trong nước là 35.2% trong năm qua. Chỉ cần so tỷ lệ giá vàng thế giới  tăng so với đồng USD và giá vàng trong nước tăng so với đồng tiền Việt là 29% và 35.2%, ta đủ thấy hết sức yếu của nền kinh tế Việt qua sức khỏe của đồng tiền Việt. Trong khi đồng USD mất giá trên tòan cầu thì tại Việt Nam đồng USD lại tăng giá. Tuy vậy, nếu làm một so sánh, năm 2009 đồng tiền Việt mất giá so với đồng USD là  12.8%, thì đồng Việt Nam mất giá năm 2010 so với đô la Mỹ là 8.2% từ giá 19.400VNĐ/USD vào ngày 31/12/2009 trên thị trường chợ đen, nhưng hôm nay trên thị trường chợ đen là 21.000NVĐ/USD. Nếu năm 2009 đồng Việt mất giá 2.200VNĐ/USD thì năm 2010 đồng Việt chỉ mất giá 1.600VNĐ/USD. Đây là một cố gắng lớn của hệ thống điều hành tỷ giá tiền tệ trong năm qua.
Một vấn đề vô cùng quan trọng là đã hơn 20 năm đổi mới, nhưng tình trạng nhập siêu ngày càng tăng, chính nó là chỉ điểm cho nền kinh tế ta không có tính ổn định và vững bền. Chính nó cũng là chỉ điểm tình trạng mất giá đồng tiền Việt so với đô la Mỹ trở thành một bệnh mạn tính không chữa được.
Người dân không cần biết kinh tế nước nhà tăng trưởng bao nhiêu. Người dân chỉ biết lương của một công nhân bình thường mỗi tháng hồi đầu năm 2008 mua được 400 tô phở, thì bây giờ chỉ còn 100 tổ phở các leaders Việt có hiểu không?

Kết luận:
Tất cả những điều trên thể hiện một năm con mèo sẽ rất bi đát về tình hình thất nghiệp cho tầng lớp nhân dân lao động, về tình trạng thiểu triển và các vấn nạn xã hội khác kèm theo là hậu quả của kinh tế suy thóai 2010. Hay nói cách khác, kinh tế Việt nam chưa ra khỏi nền kinh tế bao cấp thì một tương lai khó khăn là điều tất nhiên.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét