Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

(bài của GS Krugman đăng trên NY Times ngày 3/4/2009)


BẪY TIỀN TỆ CỦA TRUNG QUỐC
(xin nhắc lại đây chỉ là một bài dịch theo ý, không theo nghĩa từng chữ)
http://www.nytimes.com/2009/04/03/op...03krugman.html

Trong các giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chánh, nhiều nhân vật hài hước từng nói đùa rằng thương mại giữa chúng ta và Trung quốc sau cùng đã trở nên công bằng và cân đối: họ bán cho chúng ta các món đồ chơi nhiễm độc và hải sản ô uế, chúng ta bán cho họ chứng khoán gian lận.

Nhưng trong hiện tại, cả hai phía của cuộc giao dịch đó đã đổ vỡ. Một mặt, sự ham chuộng của thế giới đối với hàng hóa Trung quốc đã sụt giảm nặng nề. Xuất khẩu của Trung quốc đã bị rơi rụng trong vài tháng gần đây và hiện đang 26% thấp hơn so với cách đây một năm. Mặt khác, người Trung quốc rõ ràng đang trở nên hồi hộp lo ngại về các chứng khoán gian lận họ mua của chúng ta.

Nhưng cho dù vậy Trung quốc dường như vẫn còn nhiều trông đợi không thực tế. Và đó là một vấn đề nan giải cho tất cả chúng ta.

Một tin chấn động hồi tuần rồi là một bài diễn văn của Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung quốc, trong đó ông kêu gọi thành lập một "đơn vị dự trữ tiền tệ chung toàn thế giới".

Nhóm lo sợ hoang tưởng của Đảng Cộng hòa lập tức cảnh báo một âm mưu đen tối nhằm làm Hoa kỳ buông rơi vị thế đồng đô la. Nhưng bài diễn văn của ông Zhou thật ra đã thú nhận vị thế yếu kém của Trung quốc. Trên thực tế, ông ta nói rằng Trung quốc đã tự đưa họ vào một cái bẫy đô la, và không thể tự giải thoát mà cũng không thể thay đổi các chính sách đã đưa họ vào cái bẫy đó từ lúc ban đầu.

Vài điều về quá trình sự việc. Trong những năm đầu tiên của thập niên hiện nay, Trung quốc bắt đầu tạo ra những món thặng dư mậu dịch lớn lao và cũng bắt đầu thu hút những món đầu tư vốn liếng đáng kể từ nước ngoài. Nếu Trung quốc đã cho phép thả nổi tỉ giá hối đoái - cũng như, Canada - thì việc này đã dẫn đến việc vinh thăng giá trị tiền tệ của họ, và từ đó đã làm chậm lại việc tăng trưởng xuất khẩu của Trung quốc.

Nhưng thay vào đó Trung quốc giữ giá trị đồng yuan ít nhiều bị gắn chặt với đồng đô la. Để làm như vậy, họ phải mua đô la khi đồng tiền này đổ vào như cơn thác lũ. Sau nhiều năm, các thặng dư mậu dịch này tiếp tục tăng cao - và cùng với đó là số lượng tài sản ngoại quốc Trung quốc thu gom được.

Còn câu chuyện hài hước về chứng khoán gian lận thật ra không công bằng. Ngoài việc không suy nghĩ chín chắn khi mua vào số lượng lớn tài sản địa ốc vào lúc giá đang cao chót vót, người Trung quốc mua dự trữ phần lớn chỉ là các tài sản rất an toàn, đó là các công khố phiếu Hoa kỳ - gọi tắt là T-bills - tạo nên phần lớn tổng số tài sản. Nhưng trong khi T-bills an toàn và không bị vỡ nợ, lại cho tiền lời rất thấp.

Có chăng một chiến lược sâu xa đằng sau việc dự trữ hàng đống tài sản thiểu lợi nhuận như vậy? Có lẽ không đâu. Trung quốc thu mua hai ngàn tỉ đô la T-bills, làm Cộng hòa Nhân dân trở thành Cộng hòa T-bills - cũng theo cách Anh quốc lập nên đế chế của họ: trong một lúc đãng trí, thiếu suy xét.

Và chỉ mới vài ngày nay, dường như lãnh đạo Trung quốc mới tỉnh thức và nhận ra rằng họ có một vấn đề nan giải.

Tiền lời thấp dường như không quấy rầy họ cho lắm, ngay cả hiện nay. Nhưng họ rõ ràng lo ngại sự thật là 70% các tài sản đó đều trên đơn vị đô la, do đó bất cứ sự sụt giảm giá trị đồng đô la nào trong tương lai cũng đều đồng nghĩa với một sự lỗ lã vốn liếng to lớn cho Trung quốc. Từ đó ông Zhou đề nghị rằng nên tạo dựng một đơn vị tiền tệ mới theo kiểu cách S.D.R, tức là quyền lợi rút tiền đặc biệt, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế giữ các tài khoản của họ.

Nhưng cần chú ý nhiều vấn đề lớn nhỏ khác tại đây: S.D.R's không phải là tiền thật sự. Đây chỉ là các đơn vị kế toán trong đó giá trị được đặt theo một rổ tiền tệ từ đô la, Euros, Yên Nhật, và Pounds Anh quốc. Và không có điều gì ngăn cản Trung quốc trong việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ và tránh xa đồng đô la.

Thật ra từ việc giữ một rổ dự trữ thích ứng theo các thành phần của S.D.R's cũng sẽ không có gì khác ngoài sự thật là Trung quốc nay có quá nhiều đô la đến mức không thể bán ra mà không làm giảm giá trị đồng đô la và châm ngòi cho việc lỗ vốn liếng mà lãnh đạo Trung quốc đang sợ hãi.

Vì vậy, thật ra lời đề nghị của ông Zhou chỉ là một lời thỉnh cầu rằng ai đó làm ơn cứu Trung quốc khỏi các hậu quả của các sai lầm trong việc đầu tư. Điều này sẽ không xảy ra.

Và việc kêu gọi một phương pháp giải quyết thần kỳ nào đó cho vấn đề Trung quốc quá thặng dư đồng đô la chứng tỏ: các lãnh đạo Trung quốc không thể nắm được sự thật rằng luật lệ cuộc chơi đã thay đổi từ căn bản.

Cách đây hai năm, chúng ta sống trong một thế giới trong đó Trung quốc có thể để dành nhiều hơn họ đầu tư, và có thể tiêu thụ số thặng dư tiết kiệm đó tại Hoa kỳ. Thế giới đó nay đã không còn nữa.

Đã vậy, ngay hôm sau ngày đọc diễn văn về đơn vị tiền tệ dự trữ mới, ông Zhou đọc một bài diễn văn khác trong đó ông ta dường như xác quyết rằng tỉ lệ tiết kiệm cực cao của Trung quốc sẽ không thay đổi, vì đó là kết quả của Khổng tử Luận, đặt nặng giá trị "chống hoang phí". Trong khi đó, "đây không phải lúc" Hoa kỳ tiết kiệm hơn. Nói cách khác, chúng ta hãy tiếp tục theo đuổi đường lối hiện tại.

Các điều này cũng sẽ không xảy ra.

Để kết luận, Trung quốc đã không thể đối mặt với các sự thay đổi khó khăn chúng ta cần đối phó trong cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra với người Nhật bản, Âu châu - và chính chúng ta.

Và sự thất bại trong việc đối mặt với các hiện thực mới là lý do chính mà, cho dù ló dạng vài tin tốt - cuộc hội nghị thượng đỉnh G-20 đã đem lại kết quả nhiều hơn tôi từng nghĩ sẽ đạt được - cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét